Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.213
 
Văn chương vô dụng
Lê Văn Như Ý

"Tôi yêu thơ bởi vì thơ vô dụng"

Nhưng sự vô dụng của thơ là cái hữu ích cho đời, cho những ai còn giữ một tâm hồn nguyên sơ.

Và phải chăng, tự thân nó, văn chương dưới mắt người đời chỉ là thứ tiểu nhược, mệnh mỏng. "Văn chương vô dụng" (Bashô).

 

Thực tế bản thân một bài thơ, một thiên truyện ngắn, hay một cuốn tiểu thuyết không đem lại cho người đọc một thứ lợi lộc vật chất trước mắt nào. Thậm chí nó còn giết chết thời gian vô ích.

Văn chương là tiếng nói yếu ớt. Và Nguyễn Du đã làm chúng ta kinh khiếp như những gì đã kinh khiếp trước ông:

 

"Văn chương tàn tích nhược như ti"

 

Và người làm chúng ta phải giựt mình là Trung niên thi sĩ Bùi Giáng khi phóng chiếu lại câu thơ thượng thừa của Nguyễn Du:

 

"Văn chương tiếng thở như lời tơ than"

Nói như Nguyễn Huy Thiệp "trong chữ có ma"!

 

Văn chương là tiếng nói yếu ớt. Văn chương mỏng manh như "tiếng thở", (nhược như ti - yếu mềm như tơ). Tiếng thở ngắn ngủi, nhẹ nhàng, nhưng nồng ấm và gần gũi làm sao. Tuy vô thường, nhưng có thở chúng ta mới sống được, làm sao có ai sống mà không thở. Sống là thở, như cuộc đời phải có văn chương. Thơ vô dụng, văn chương vô dụng. Nhưng đối với ai yêu nó thì đó là nguồn sống, là hơi thở uyên nguyên.

 

Có hay không có mối bận tâm của con người hôm nay đối với văn chương?

Y nhảy hoài nhưng chẳng bao giờ vượt qua được cái bóng của y!

Khi là tiếng vọng của Bashô ở xứ Phù Tang. Khi là tiếng vọng của Tuệ Trung đời Trần:

 

"Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu

Thùy thính cô viên đề xứ thâm"

(Nhân gian nhìn thấy ngàn non sáng

Ai lắng nghe ra tiếng vượn trầm)

 

Và cũng chỉ có Bùi Giáng mới phóng chiếu tài hoa như vậy thôi!

Văn chương là cái vớ vẩn, vô dụng giữa hội chợ phù hoa này. Vâng! Có rất nhiều người muốn thấy "ngàn non sáng" giữa cõi nhân gian. Nhưng ít có ai để tâm lắng nghe ra tiếng vượn trầm nơi núi thẳm thâm sâu.

 

Văn chương vô dụng, văn chương tàn tích nhược như ti. Hay cũng có thể nói, văn chương là tiếng vượn trầm giữa ngàn non sáng. Nào ai có hay?

 

Văn chương là thế giới của cái đẹp. Nó đầy ảo diệu. Mà cái đẹp thì vĩnh cữu. Suy cho cùng cuộc sống con người là vì cái đẹp. Đẹp là nguyên lý của sự sống." Cái đẹp cứu rỗi nhân loại" (Dostoievski).

 

Cái đẹp phát tiết từ vạn vật, văn chương phát tiết từ vạn vật.

Và văn chương mọc lên từ trái tim người. Đó là cõi người ta, đó là cái thế - giới - người nhất. Rong chơi trong thế giới đó, con người tìm lại được chính mình. "Văn học là nhân học", hẳn đó không chỉ là lời Gorki.

 

Quẳng gánh đi rồi hãy đến với văn chương. Nó sẽ chắp đôi cánh phượng hoàng vút cao chín tầng trời cho những ai đến với nó bằng tấm lòng và trái tim thuần khiết. "Đọc một tác phẩm hay như cưới thêm một người vợ", có người nói với tôi như vậy.

 

Con đường văn chương là con đường dấn thân (chữ của Sartre) - chứ không phải tiến thân. Nếu lợi dụng văn chương, thì văn chương đích thực nào đến và nở hoa trên trái tim người.

Đó cũng là sự dấn thân và đó là trái tim thuần khiết. Nơi để văn chương mọc lên.

Và đến với văn chương như đến với mối tình đầu, với nàng thơ còn trinh nguyên diễm tuyệt.

 

Một tác phẩm văn chương hay như cốc rượu mạnh đầy mê hoặc. Đọc và khám phá tác phẩm như ta thưởng thức cái cay nồng đầy dư vị của nó chứ không như dăm ba cốc nước lã kia, ai uống cũng được. Mà uống rượu thì phải tập, cũng như phải tập thưởng ngọan những trang tuyệt tác.

 

Và đối diện với tác phẩm như ta đối diện với hệ thống các biểu tượng mà ta cần phải khai mở và giải mã. Cũng như cuộc sống chúng ta tràn đầy các biểu tượng (Symbolique). Nhìn vào đó ta biết nó muốn nói điều gì, tượng trưng ý nghĩa gì.

 

Biểu tượng trong tác phẩm văn chương cũng vậy. Có thể đó là Lâu đài; Vụ án; Sấm; Linh Sơn hay chỉ có thể là dụ ngôn của Dos...

 

Và ta phải phơi bày, đem ra ánh sáng những gì tác giải còn để trong bóng tối. Điều này không có nghĩa là chúng ta vượt qua tác giả, mà chỉ đem ánh sáng những gì tác giả, đặc biệt là tác phẩm còn để trong bóng tối; người ta hẳn thường nói tư tưởng tác phẩm lớn hơn tư tưởng tác giải.

Đó là trường hợp của thiên tài và tác phẩm của họ.

 

Họ là các bi kịch gia vĩ đại Hy Lạp, là Goethe, Kafka, Dostoievski, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...Và tác phẩm của họ là những giọt mật, giọt rượu cay nồng đầy dư vị. Thưởng ngọan văn chương nghĩa là sống cùng những trang tuyệt tác.

 

Văn chương thì trước hết phải là văn chương. Nghĩa là phải hay, độc đáo, có tư tưởng. Tư tưởng như linh hồn thổi vào tác phẩm, tạo sức sống cho tác phẩm.

Con người hôm nay quá bận rộn với hội chợ phù hoa của mình. Có kẻ thì thấy được tầm quan trọng của văn chương nhưng không biết cái vớ vẩn của văn chương, cái vô dụng của văn chương.

Và, có mấy ai còn giữ được một tâm hồn và trái tim thuần khiết để văn chương mọc lên?

 

"Ấy chăng là cõi gọi nguồn

Tro tàn Hy Lạp mang buồn hôm nay".

(B.G)

 

Và văn chương: "ấy chăng là cõi gọi nguồn"!

Lê Văn Như Ý
Số lần đọc: 3817
Ngày đăng: 21.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ tình của tuổi …. - Vương Trung Nghĩa
Hình thức và nội dung - Nguyễn Bùi Vợi
Đồng môn (tiếp) : Chuyện kể về một kẻ hát rong! -9 - Trần Huy Thuận
Vấn đề đọc sách văn học trong nhà trường hiện nay - Phạm Ngọc Hiền
trang thơ thập thò nhánh rẽ… - Lý Đợi
Hoa báo mưa - Võ Quê
Ngu lâu ! - Trần Huy Thuận
Những góc phố dịu dàng - Trương Đạm Thủy
Phú Yên thi nạn diễn ca - Khuyết danh
Đàn Xã Tắc và đất thiêng cõi Việt - Trần Hạ Tháp
Cùng một tác giả
Vô ngôn (tạp văn)