Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.087
123.202.229
 
Ma nhòa
Đặng Thân

Tôi đặc biệt chú ý đến truyện “ma nhòa”, cách kể ở đây gần với cách kể thông thường, có thể gọi là cách kể “tuyến tính”. Đặc sắc của truyện này là ở giọng kể, một u-mặc (humour) hóm hỉnh hòa lẫn xót xa.

GS. HOÀNG NGỌC HIẾN – nhà lí luận/phê bình văn học

 

 

Ô hô! Quan tái đà xao xuyến

Giọt máu năm xưa bỗng tượng hình

 

NGUYỄN LƯƠNG VỊ, Chép trên nền nhạc Giao hưởng số 5 của Beethoven

 

1

 

Tại trang trại bỏ hoang của một thiền giả đêm đầu thu lịch sử gió se se, trời se sẽ có một bọn “nội công lông bông thâm hậu” đang tụ tập. Đây là một chuyến đi thực tế sáng tác đã được lên kế hoạch từ lâu. Kế hoạch như vầy:

- Thuê 1 trang trại để hoang cách xa thành phố của 1 chiến hữu nào đó có nhiều bất động sản mà không có điều kiện trông sóc; điều kiện: phải thực sự là “trại hoang” thâm căn cố đế;

- Đốt 1 đống lửa giữa trại;

- Mua 1 xe tải hương Hàng Mã cắm đốt liên tục khắp trang trại, đảm bảo khói ngút lên 9 tầng trời;

- Cả bọn tắt hết điện thoại di động ngồi quanh đống lửa uống rượu dân tộc, ăn thịt rừng nướng và nói chuyện nhảm [tất lẽ dĩ ngẫu];

- 1 tên có giọng pê-đê nhất ngồi đọc Liêu trai chí dị;

- Thuê 1 đội ca ve chuyên ngành múa cột lượn lờ quanh trại trong trang phục Eva hoặc Xúy Vân vừa cầm hương, vừa đốt hương, vừa múa, vừa hú, vừa rên, vừa nhe răng, vừa trợn mắt, vừa cười giọng yin-techno (riêng ý kiến này là của mẹ vợ Đặng Thân);

- Đặng Thân ngồi viết ma net;

- Ngoài ra, còn sự có mặt của 2 đại biểu nhạc dân tộc: 1 kèn xôna, 1 nhị.

 

Và Đặng Thân đã viết xong câu chuyện. Nghe xong cả trại như lắng xuống mặc dù đa phần đều đang túy lúy.

 

Hình như tôi đã bịa ra câu chuyện này thì phải.

Chờ tôi giải thích nhé. Các bác già trẻ đừng có nóng.

Tôi lớn lên ở vùng ngoại ô bên sông Cầu sông Đuống. “Sông Cầu[1] là đầu câu chuyện.” Sông Cầu nước chẩy lơ thơ / Có đôi trai gái ngồi hơ quần đùi[2]

Tôi lớn lên đẹp giai. Bọn con gái bảo thế. Môi dày, miệng rộng, trán cao[3]

Khi tôi lớn lên thế giới của tôi thưa thớt đàn ông.

 

Tôi sinh ra trong một gia đình bộ đội. Ông bà tôi có nhiều bằng đỏ “Bảng gia đình vẻ vang” và “Tổ quốc ghi công”. Bố tôi là thương binh. Mẹ tôi là một thôn nữ đẹp nhất thôn trong một gia đình có hàng tá dì. Con gái làng tôi ai cũng xinh / Dì tôi nhan sắc dưới trung bình…[4]

 

Mẹ tôi kể: Sinh ra ông bà đặt tên mẹ là Lai Huyền. Khi mẹ lớn lên í mà, khắp nơi ai cũng ghét bọn đàn ông đẹp giai lại còn học giỏi. Ai cũng yêu các anh bộ đội, thương binh và liệt sỹ vì nước quên thân. Bọn trẻ con hát: Cả đời em chẳng yêu ai / Yêu anh bộ đội có hai quả mìn. Hình ảnh các anh bộ đội thật là vĩ đại và là ước mơ, niềm tin và hy vọng của tất cả phụ nữ. Nhưng mà người ta chỉ có thể nhìn thấy dung nhan các anh trong ngày tòng quân. Sau đó người ta chỉ còn mắt thấy tai nghe tay sờ những người thương binh từ tiền tuyến trở về mà thôi. Hỡi ôi! Chả biết ai bảo ai mà khi ấy ai cũng mơ lấy chồng thương binh. Cứ cô nào xinh xinh mà chưa kiếm được một anh thương binh là ăn ngủ không yên. Mẹ cũng hoàn cảnh như vậy. Mà kiếm được anh thương binh về làng đâu có dễ… Rồi hồng phúc của mẹ cũng đến. Bố con khi đó từ chiến khu trở về mình đầy thương tích với hai vết thương rất nặng, một ở đầu một ở Xi Cà Mâu. Mất một chân, một tay, một mắt, một phổi, một hòn bi, sứt một bên mũi, liệt teo một bán cầu não. Tên ông ấy là Nguyễn Một, trưởng tộc, là anh họ xa con bác phía bà cô bên ngoại tướng Lê Hai nổi tiếng đấy. Ông ấy đầy chiến tích, có nhiều huân chương lắm nhé. Nhà ông ấy lại chỉ cách một ngõ. Hàng ngày mẹ cứ đi qua đi lại qua ngõ nhà người hùng của mẹ, lòng đầy hồi hộp thầm mong được nhìn thấy mặt anh hùng khi tắt nắng, nhiều lần dẫm cả vào bãi cứt trâu mà không hay. Hồi ấy mẹ vừa thon thả vừa gánh lúa dẻo nhất làng, các cụ bảo thế (sau này lấy chồng rồi mẹ lại càng dẻo hơn, phải xứng đáng với vợ thương binh chứ). Rồi cái lão một mắt ấy cũng nhìn thấy mẹ, trong một buổi nhá nhem… Hôm ấy mẹ mặc cái áo lụa đào đi gánh phân. Suốt buổi mẹ cứ phải nghe đủ điều ong tiếng ve nói cạnh nói khóe nhưng trong lòng mẹ thì rúc rích những cơn cười nén tinh quái. Lão đánh đàn bầu hay lắm. Từ hôm liếc trộm thấy mẹ nhà lão ngày nào cũng ngân nga tiếng đàn và ríu rít tiếng thanh thiếu nhi. Mà chẳng hiểu lão lấy đâu ra mà lúc nào cũng có kẹo để cho trẻ con. Người đâu gặp gỡ làm chi[5] Thôi học bài đi con.

 

Bố tôi là người gia trưởng độc quyền. Ông quản lý chặt chẽ rên xiết mọi thứ trong nhà: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, truyền thông, đài phát thanh… Mẹ tôi có lần bán được con lợn sau khi bà nuôi mất bao nhiêu công phu (các bạn trẻ sẽ không bao giờ biết được nuôi lợn ngày đó nó vất vả như thế nào đâu. Có những khi cả nhà đi tìm rau cho lợn ăn suốt cả ngày mà không đủ cho chúng ăn [Người còn chẳng có rau mà ăn nữa là lợn. Có rất nhiều buổi sáng trước khi đi học nguồn năng lượng duy nhất tôi được nạp là một cốc nước nóng, không đường]. Mà đã bao giờ quý vị nghe tiếng lợn đói nó kêu chưa? Chưa hả? Vậy thì hãy đi tìm mấy ông hoạn lợn mà bảo các ông ấy cho nghe tạm vậy). Nhân dịp khai giảng năm học mới muốn giành để mua sắm quần áo, sách vở cho các con nên mẹ tôi đã giấu tiền bán lợn ở dưới gối (trời ạ, thực ra thì trong nhà cũng chẳng có chỗ nào để mà giấu tiền). Mọi hành vi mờ ám đều không thể qua được cái con mắt còn lại của người cựu chiến binh kiêm toàn quyền Nguyễn Một. Tối hôm đó tôi không biết tại sao mẹ tôi cứ nức nở tức tưởi suốt cả đêm, thỉnh thoảng lại nghẹn vút lên chua xót như xát muối vào xương tủy. Bạn đã bao giờ nghe một người mẹ khóc như vậy chưa? Đúng giờ Tí mặt trời chân lí bỗng xuất hiện. Nhà độc tài Nguyễn Một buông một câu ngắn gọn và đanh thép: “Ta phải nắm lấy chìa khóa kinh tế chứ.” Tất cả đi ngủ. Cái thằng nhóc là tôi khi đó hiểu rằng con lợn của anh em chúng tôi (tức là quần áo, sách vở, niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi [Mấy đứa nhóc tì kia, có biết ngày xưa bọn học trò thèm khát một cái áo đẹp như thế nào không?]) đã được “chuyển dịch cơ cấu kinh tế” từ gối mẹ sang tay cha. Sau đó hễ có đứa nào hỏi bố tôi về chuyện quần áo, sách vở cho năm học mới là được tổng trưởng tài chính Nguyễn Một ban cho một trong những thứ sau: chửi, tát, đấm, vụt, phang, ném gạch. Có người trong chúng tôi đã hân hạnh được biết thế nào là gẫy ba cái thang giường một lúc. Có người được ân sủng biết thế nào là dép lốp đập vào mặt đến mức không nhận ra, vì trông giống con ba ba. Mà không hiểu sao cái thời ấy bị bố đánh đứa nào cũng đứng im chịu trận, như một sự tuân phục tuyệt đối với các bậc cha mẹ (Kiểu như “bố xử mày tử, mày bất tử bất hiếu. Trong nhà bất hiếu, ra ngoài bất trung.” Tối hung! Ơi hỡi hiếu trung). Những khi đủ mặt cả nhà, tổng tư lệnh Nguyễn Một hùng hồn: “Súng đẻ ra chính quyền, chúng mày hiểu chưa?”

 

Chúng tôi lớn lên mang trong mình dòng máu uất hận chế độ độc tài. Như thể được kế thừa một truyền thống thiêng liêng bọn tôi đều mang tên số một hay đứng đầu: Nguyễn Thị Cả, Nguyễn Văn Đầu, Nguyễn Thị Nhất, Nguyễn Nguyên, Nguyễn Sơ, Nguyễn Thủ, Nguyễn Khôi, Nguyễn Cao, Nguyễn Mạnh. Một người anh của tôi sau khi bị đuổi khỏi cửa chỉ vì khi bố Nguyễn Một hỏi hai câu (quá tiêu chuẩn!) mà chỉ trả lời có một câu đã xung phong lên đường đi chiến trường B. Sau anh trở về với thương tật 55%, thương binh hạng gì đấy tôi quên mất rồi vì chế độ thương tật đã thay đổi thang bậc nhiều lần. Sự sống sót trở về của anh là một câu chuyện kì lạ khủng khiếp.

Rồi sau đó đến lượt tôi…

Phải chăng tôi đã bịa ra câu chuyện này?

 

Mạnh viết văn Nguyễn Du (VVND): (khịt mũi) Truyện anh viết đấy à? Sao không ngửi thấy giọng Đặng Thân nhỉ? Phí rượu!

Nguyên Sửu (Ca ve 1): Sao vậy nhỉ? Sao vậy anh yêu? Chưa đủ độ phê hả anh?

Minh địa lý (ĐL): (bức xúc) Tao là người đã bấm ra cái ngày mà chúng ta đang có mặt ở đây như thế này. Tao thấy thằng Mạnh nói đúng. Không thấy giọng Đặng Thân. Có cái gì đó vừa có giọng của Văn nghệ lẫn Văn nghệ Quân đội. Tao báo trước là tao đéo ngửi được mấy cái bọn đấy. Nghe đến tên chúng nó là tao đã buồn nôn.

Mỹ Mùi (Ca ve 2): Buồn nôn quá!

Thiện Tuất (Ca ve 3): Thử chưa? Mấy vạch?[6]

Mỹ Mùi: Vạch vạch cái nồn. Anh Minh bảo là anh Thân buồn nôn.

Thiện Tuất: Anh Thân buồn nôn hả? Thử chưa? Mấy vạch?

Nghệ sỹ kèn xôna: (thổi một hơi dài) Ừ, anh ấy sắp nôn vào tường đấy. Mấy cái con phò này, có im đi cho bố mày nghe chuyện không!

 

2

 

Thôi, tôi kể chuyện tình yêu nhé. Ôn chuyện cuộc sống ngày xưa lắm chỉ tổ vãi rắm/linh hồn.

Nhà tôi hồi đó cũng được ăn gạo sổ nhưng tôi vẫn thích đi làm đồng hay chăn trâu với bọn bạn nhà nông thuần túy chiếm phần lớn dân số trường tôi (hơn 80%). Vì tôi không thích ở nhà. Vì tôi thích có bạn. Vì tôi thích gì nữa nhỉ?... Hồi bé bọn tôi hay đánh trận giả (Trẻ con cả nước lúc đó đều thích đánh trận giả hay chơi cờ quân sự). Bọn tôi còn tự phong cho nhau hay tự nhận mình là Đại tá, Chuẩn tướng hay Nguyên soái. Đứa nào cũng đẽo một khẩu súng trường hay súng lục đeo cho oai, cho giống anh bộ đội. Về cái khoản súng thì bọn tôi thích nhất là những khẩu súng bắn diêm. Có lần tôi bắn thử vào gà nhà mình que diêm cắm phập vào nó, phải lấy kìm nhổ mãi mới ra. Thế là con gà nhà tôi cũng đã kế thừa truyền thống gia đình để trở thành một thương binh. Bọn nhỏ hơn thì thường chơi súng kiểu ống thổi ống thụt, bắn đạn giấy hoặc quả cây cơm nguội. Sao mà ở nước tôi đến cây cối cũng mang tên cơm nguội nhỉ? Tôi lớn lên với đủ thứ tên gọi dung tục quanh mình: làng tôi đầy cây cứt lợn, bố tôi mặc áo mầu cứt ngựa, mẹ tôi mặc áo mầu mắm tôm hoặc cứt chó, em tôi đầu đầy cứt trâu, có lần ra đảo chơi tôi đã được ăn con cặc ngựa (ngon lắm), hôm nào cải thiện mẹ tôi cho cả nhà ăn món cà dái dê hoặc rau bà đẻ, bố tôi thường uống rượu cặc chó với ngẩu pín (tức là cặc bò í mà)… Phải chăng dân tộc tôi dung tục nên dung tục hóa mọi vấn đề? Có loại bánh mà bọn tôi thích ra phố ăn là bánh sừng bò thì bố tôi bảo bên Tây người ta gọi nó một cách lãng mạn trân trọng là bánh trăng non hay vầng trăng khuyết. Tả con gái thì cũng dùng đến đủ loại cây cối, lục súc và cả nông cụ: trái xoan (mặt), lá liễu (mày), lá răm (mắt), lá mít (tai), hạt na (răng), hạt nhãn (mắt đen), hoa cau (mồm), gỗ mun (tóc), măng (lông), lợn cạo (da), trứng sáo (lòng mắt), trứng gà (da), dơi (mặt), chuột (mặt), lưỡi cầy (cũng mặt), bừa (răng), bàn cuốc (răng), bàn cào (lại răng), ống thổi lửa (mồm)… Mẹ tôi có câu này mới “dân tộc Kinh”: mặt đỏ như lồn phải phát.

 

Thảo nào đàn bà nước Nam khổ cực muôn đời, một đời kêu như vạc. Ừ, nhưng mà cũng có lúc sướng âm ỉ thì lại không thấy kêu.

Ôi thế vẫn chưa đến chuyện tình yêu à?

 

À, mà phải kể tiếp cái chuyện đánh trận giả đã. Chúng tôi đánh như sách giáo khoa (Không phải binh pháp mà là sách Lịch sử cấp I hay cấp II. Các sách ấy đều có dậy hẳn hoi: “Thuở ấy ông thường đánh trận giả với chúng bạn. Sau mỗi cuộc đánh trận giả cậu bé Đ.B.L. lại thường mổ trâu khao quân.” Có điều tôi vẫn thường thắc mắc là sao trâu ở đâu mà nhiều thế, vậy vấn đề là: trâu nhà ai? Nếu nhà ông Đ.B.L. mà giầu có thì ông ấy đã chẳng phải đi chăn trâu làm gì. Tôi chợt ngộ: ông đã ăn trộm trâu sau mỗi lần đánh trận. Sau này lớn lên tôi còn lờ mờ suy ra rằng bản năng kinh tởm của những chính trị gia tầm cỡ đế vương không bao giờ cho phép họ thịt trâu nhà mình cho thiên hạ xơi cả, họ lúc nào cũng muốn xơi của/cả thiên hạ. Tôi bảo chúng bạn hãy cố gắng hết mình để khỏi thua kém ông cha hào hùng, có điều thời buổi ấy trâu đã vào hợp tác xã nên không còn nhiều. Khó khăn lắm). Và cái gì phải đến đã đến, cái không ngờ đến cũng đến.

 

Tôi đã bị bắt ngay trong lần tác chiến đầu tiên vào dịp nghỉ hè. Tôi đã bị ông thương binh xã đội trưởng dân quân bắt được. Sau khi giã báng súng trường liên hồi vào tôi hắn trói tôi vào cột cờ ở ủy ban, đọc cáo trạng trước toàn thể bà con và thanh thiếu niên xã nhà. Tôi đã bị phạt tiền và phải đi lao động công ích: chăn trâu, chăn lợn và gánh phân (Chắc nhiều người sẽ bảo đây là chuyện nhỏ, vì đến Đặng Tiểu Bình vĩ đại cũng đã từng bị như thế cơ mà). Tôi đã bị ăn gậy lim của tổng trưởng an ninh Nguyễn Một. Trận đòn của ông làm tôi nằm sát ván suốt bẩy ngày, máu bết lên tấm phản như cơm dính. “Có gan ăn cắp có gan chịu đòn”, tôi cắn răng. Thế mà trưởng ban tuyên huấn Nguyễn Một vẫn còn mắng: “Không khóc hả? Gan lì này! Anh hùng này! Quân tử này! Rồi mày sẽ toi mạng vì cái khí khái anh hùng quân tử ấy thôi thằng chó ạ. Đồ ngu như lợn! Yêu mình thì sống, yêu hão huyền thì chết thôi con ơi. Rồi mày sẽ bị bọn tiểu nhân và đàn bà nó dụ mị cho đến mất mạng thôi con.” Rồi bỗng đâu người cha của tôi văng cái gậy lim lên suýt đổ tung cái bàn thờ, ôm mặt bịt mũi khóc hu hu hu. Tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa. Người đánh thì khóc, người đau thì không. Đã đánh người lại còn khóc, ôi thật là nhức óc. Nhưng mà hình như…

 

Dứt cơn đau tôi phải lên ủy ban nhận việc. Người giao việc cho tôi là anh thương binh bí thư đoàn đội. Việc đầu tiên phải làm là ở trại lợn. Người dặn dò tôi cuối cùng là bác thương binh bí thư đảng ủy, với sự chứng kiến của bà chủ tịch và các bà các cô đại diện phụ nữ, giáo dục, an ninh. Tôi sẽ phải xách cám cho lợn ăn và tắm rửa cho chúng. Đúng là đời ăn cám. Tắm cho những con lợn lai trắng phốp pháp làm tôi nhớ đến bác Mao trong một bài hát xuyên tạc, hình như là bài Rừng bạch dương của Nga. Bài xuyên tạc kể chuyện bác Mao tuy đã già rồi nhưng vẫn vui tươi và vẫn cố đi bơi trên sông Dương Tử để chứng minh với dân tộc và thế giới là bác vẫn rất khỏe mạnh, đủ sức để lèo lái con tầu cách mạng Trung Quốc đến bến vinh quang. Thế nhưng người ta đã bí mật buộc một sợi dây vào bác rồi nối với một chiếc ca-nô chạy trước xa một đoạn. Bài hát có những câu hay và ám ảnh:“Tầu từ từ tăng hết số, phóng như điên Người vẫn dẫn đầu”, hay là“Người vẫy vẫy đôi cách tay nhìn đồng bào đang xúm đen trên bờ. Người từ từ nâng khăn tắm, trắng phau phau trừ mỗi cái nốt ruồi”, hoặc là “Bà Giang Thanh thường nói rằng chồng tôi mỗi tháng tắm một lần. Người có mấy khi tắm đâu vì người bận lo tắm cho dân lành.” Tôi thấy vui với công việc vì thấy mình giống Mao Chủ tịch, có điều ngày nào tôi cũng đi tắm sông chứ không kém tắm như ông ấy. Sau này trưởng thành rồi tôi mới biết nghĩ thế là phạm húy, phạm tội chính trị. Lầm lũi qua ngày lao động công ích đầu tiên tôi thấy một con bé da trắng phau môi đỏ au thập thò trong trại. Nó cứ hay nhìn trộm tôi.

 

Xong việc tôi ra bể nước rửa chân tay mặt mũi. Con bé ấy đi ngang qua, mỉm cười chào tôi. Tên nó là Quyên. Nó làm tôi thấy nao nao. Sau khi hỏi thăm thì hóa ra là con gái trưởng dân quân xã, người đã bắt tôi vào đây. Nó đến đây với mẹ làm lãnh đạo ở trại lợn này. Mặt tôi hóa đá không thèm trả lời nó thêm một câu nào nữa. Mặt con bé ngơ ngẩn.

 

Hôm sau nghĩ đến trại lợn là tôi đã phát ớn, nhưng không thể không đến. Cuộc sống ở đây không có hai con đường. Tôi để ý thấy đàn lợn cũng giống hệt dân làng tôi. Mặt mũi giống hệt nhau, ăn ở đều giống nhau, ỉa đái cùng một kiểu, sinh hoạt mọi việc cùng lúc theo kẻng. Chả thế mà mọi người có câu “Ăn cơm trước kẻng” để chỉ việc làm của những người đồi bại, trai gái ăn nằm với nhau trước khi cưới. Cả trại, cả làng đều nhất nhất một hiệu lệnh. Cả đàn lợn còn cùng chung một ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ chỉ có một từ duy nhất: “Ịt ịt”. Sau này lớn lên mỗi khi nhớ tới cái “luận điệu” của chúng tôi lại nhớ ra rằng phần lớn mọi chủ nghĩa trên đời đều có cái đuôi “ịt” để chỉ những người đi theo. Ví dụ như là Trốt-xkịt[7], Cu-bịt[8], Mao-ịt[9], Fô-vịt[10], Ca-pi-ta-lịt[11], Ich-zít-xten-sờ-lịt[12], Ria-lịt[13]… Hóa ra ngôn ngữ loài lợn lại là tổng hòa tất cả các chủ nghĩa. Mẹ chúng mày thế mà khôn, chỉ cần nói một từ cơ bản. “Chủ nghĩa ịt ịt muôn năm!” Mà giống này chim dài lắm nhé. Tôi đã thấy cảnh lợn tơ nhau, cái thằng lợn đực thò ra cái chim dài đến nửa mét xoắn vặn như dây thừng. Mỗi cuộc phải kéo dài cả buổi mấy tiếng đồng hồ. Tôi chợt cảm xấu hổ và bỗng thấy thương hại con người. Con bé nhà trưởng dân quân lại thấy có mặt, cứ lẽo đẽo theo tôi chăn lợn. Tôi càng lảng ra xa nó lại càng đi theo.

 

 

3

 

Câu chuyện tình yêu bắt đầu rồi đấy.

– Em hay đến đây giúp mẹ lúc rỗi. Sao anh cũng phải làm ở đây?

– …

– Em rất thích chơi với lợn nhé. Con người trông cứ ác ác gian gian thế nào ấy.

Tôi giật mình.

– Sao anh không nói gì? Hay anh chê em trẻ con không thèm nói chuyện cùng à?

– …

– À em nhớ rồi, có phải anh là người hôm nọ đứng ở cột cờ không? Anh hiên ngang thật. Bọn em ai cũng bảo trông anh giống anh hùng Nguyễn Văn Trỗi khi ra pháp trường. Trông anh như một anh hùng ấy. Bọn em đứa nào cũng mê các anh hùng anh ạ. Em cũng đọc hết các truyện về anh hùng trên thư viện xã rồi. Anh hùng Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam đủ cả. Em rất thích các anh hùng Lý Tử Trọng, Lê Văn Tám, nhất là anh Nguyễn Văn Trỗi.

– Tên em là Quyên thì là “quyên góp” hay “quyên sinh”?

– Anh hỏi gì em chả hiểu. Cái hôm ấy mà anh hô to lên “Hồ Chí Minh muôn năm” thì thể nào cũng có đứa xông vào giải cứu cho anh đấy.

– Anh ngu nhỉ. Lần sau anh sẽ hô.

– Anh phải hô. Không hô là chết đấy. Bố em bảo thế. Bố em bảo là gì nhỉ… là “đánh giặc mồm”. Bố em giỏi hô lắm.

– Thôi em về với bố em đi.

 

Từ bữa đó chẳng hiểu sao tôi thấy quyến luyến cái trại lợn. Tôi cảm ơn cái án của xã. Dường như tôi muốn được chăn lợn mãi mãi. Ngày nào con bé Quyên cũng đến. Chẳng hiểu sao lúc nào nó cũng bảo tôi giống Nguyễn Văn Trỗi, người đánh bom cầu Công Lý. Không biết cái sự ví von đó có ám gì đời tôi hay không. Chúng tôi dường trở nên thân thiết sau mỗi ngày vất vả của tôi qua đi. Tôi thấy lòng mình nao nao xúc động vô cớ. Tôi hay nghĩ vẩn vơ. Và tôi bỗng hóa nhà thơ. Tôi làm nên những câu thơ đầu tiên trong đời mình để tặng bé Quyên của tôi. Với vốn liếng ngôn ngữ của đời sống dung tục vì không còn biết gì khác tôi đã viết:

 

Môi em đỏ như vỏ khoai lang

Má em thơm như cơm mậu dịch

Mắt em sáng như đèn pha Tiệp Khắc

 

Thế giới tôi sống khi đó khi nghĩ về mầu đỏ thì chỉ có mầu cờ chứ còn cách nói về mầu đỏ của mẹ tôi thì làm sao mà đưa vào thơ được, mà chẳng nhẽ lại viết là “môi em đỏ như cờ tổ quốc” hay là “môi em đỏ như cờ cách mạng” thì nghe giống thơ Tố Hữu quá. Tôi quyết không thể viết thơ tình theo giọng Tố Hữu được (Ấy thế mà sau này có người phân tích cho tôi là bài thơ đầu đời của tôi sặc giọng thơ Tố Hữu mới cay chứ. Không lẽ hàng triệu người chúng tôi đã có ông ấy nằm lù lù trong vô thức hay sao?). Tôi chợt nhìn vào góc nhà thì thấy cái mầu đỏ duy nhất trong không gian tôi sống đang thăng hoa từ đống khoai lang, thế là câu thơ đầu tiên ra đời. Cơm mậu dịch thì đến với tôi từ kỉ niệm mãi không phai về một lần được đi lên phố chơi với bố. Ông ấy rất hay ăn uống ở các cửa hàng ăn uống hay giải khát, thảo nào mà bao nhiêu tiền cũng hết, vợ con nhà cửa nheo nhóc tiêu điều. Sau này lớn lên tôi cũng không biết là nên giận hay thương ông ấy nữa. Đèn pha Tiệp Khắc thì xuất phát từ cái xe đạp Favorite duy nhất chỉ có ông bí thư đảng ủy có. Quyên đọc bài thơ tôi tặng lấy làm thích lắm. Nó bảo chưa bao giờ thấy bài thơ nào vừa hay vừa độc đáo như thế. Tôi thì vô cùng sửng sốt vì không biết bài thơ của mình độc đáo ở chỗ nào. Con bé này nó lại đọc sách nhiều nên có hai khả năng xảy ra: hoặc nó bị ngộ chữ nên nghĩ ngợi nói năng như bọn chập cheng, hoặc là nó có phát hiện ra sự độc đáo thực sự.

 

Quyên giải thích cho tôi:

– Thứ nhất là bài thơ có nghệ thuật gieo vần khá đặc biệt, vì người ta chỉ thường gieo vần cuối câu chứ chưa có ai gieo “vần giữa lưng” như là “đỏ” với “vỏ” hay là “thơm” với “cơm” được như của anh đâu.

Tôi kinh ngạc, không ngờ mình tài.

– Bài thơ của anh còn có sự lặp lại phụ âm đầu “m” khi mở đầu cả ba câu thơ. Nghệ thuật này Việt Nam chưa có đâu anh. Em nghe nói là chỉ bên nước Anh xa xôi người ta mới có cách gieo vần kiểu này thôi đấy.

 

Chẳng nhẽ tôi ác liệt đến thế kia sao?

Quyên còn nói rằng là từ xưa đến nay ông cha ta khi tả phụ nữ thì chỉ ví von với các loại cây cối, lục súc hay nông cụ thôi chứ chưa có ai có thể sánh nhan sắc của người con gái với “cơm mậu dịch” và “đèn pha Tiệp” cả, đấy càng là cái độc đáo trong sáng tạo của bài thơ. Cái độc đáo mang tinh thần thời đại, mang hơi thở hiện thực xã hội chủ nghĩa, ấm áp tình giai cấp. Nó bảo với chừng ấy tư chất sáng tạo tôi dễ có khả năng thành một nhà thơ lớn, dễ sánh cùng Tố Hữu lắm (lại Tố Hữu). Nó ôm bài thơ nơi trái tim rất lâu mắt nhìn xa xăm. Chắc là nó đang dõi xem phía ngoài sông xa có “cánh buồm đỏ thắm”[14] nào không.

– Em ơi, rồi sẽ có ngày một hoàng tử đến đón em đi mà.

– Ghét anh! Em không thích hoàng tử. Em chỉ thích anh hùng. Anh sẽ là anh hùng nhé?

– Anh nhát lắm. Nhưng anh sẽ cố.

 

Ý muốn của em như một mệnh lệnh, như định mệnh. Và chúng tôi đã cùng nhau lớn lên trên mảnh đất quê hương thân yêu, da thịt nở bung dưới mặt trời. Và “mối tình chăn lợn” của tôi đã bắt đầu như thế, kéo dài cho đến ngày tạ thế.

 

Một lần khác tôi lại nghĩ ra một trò chơi nhỏ. Trò chơi được phát huy từ năng lực làm thơ của tôi.

Một hôm tôi thấy tay chơi Nguyễn Một kiếm đâu về một tút thuốc lá CAPSTAN dấm dúi cất rất kỹ trên bàn thờ. Nhìn loại thuốc lạ tôi cứ nghĩ vớ vẩn linh tinh, và một bài thơ đã thành hình. Tôi nghĩ ra một kế, kiểu “một tên hai đích” hay “một đá hai chim”. Tôi ăn trộm của bố một bao thuốc lá rồi đưa cho Quyên.

– Em à! Anh xin được tặng em một bài thơ.

– Thơ đâu? Đây là một bao thuốc lá thôi mà. Anh bị làm sao thế? Ấm đầu à?

– Ờ… Ý anh là anh muốn được tặng bố em bao thuốc lá này, nhờ em đưa hộ nhé. Anh muốn bố em quên đi hình ảnh một thằng bé tội lỗi ngày xưa để kết tình giao hảo. Anh muốn được cảm ơn người đã sinh thành nên một cô bé tuyệt vời tên là Quyên. Anh muốn…

– Có mỗi bao thuốc mà anh muốn nhiều thế? Tham ơi là tham!

– Tham cũng là phẩm chất cơ bản của những anh hùng đấy em ạ. Thực ra anh thấy ở nhà em người tuyệt vời nhất là mẹ em. Một con người sao mà xinh đẹp, hiền hòa, tế nhị, thông minh, phúc hậu… Và đặc biệt nhất là…

– Có nghĩa là em không ra gì đúng không? Anh mê mẹ em à?

– Và tài năng đặc biệt nhất của bà chính là… bà đã truyền hết những phẩm chất tuyệt vời ấy cho con gái của mình.

– Dở hơi!

– Và… với việc có hai người phụ nữa tuyệt vời ấy chứng tỏ… bố em thật là vĩ đại.

– Rồ ạ!

– Vì thế mà anh muốn tặng bố em bao thuốc nhỏ này để bầy tỏ lòng kính phục.

 

Tối hôm ấy tất cả anh em chúng tôi đều bị ăn đòn. Khi tôi về đến nhà thì thấy mọi người đang nằm trên nền nhà còn tư lệnh Nguyễn Một thì đang gầm lên, tay lăm lăm cây độc nạng, mặt mũi dị dạng.

– Chúng mày dám hút thuốc đã là một tội đua đòi không chấp nhận được. Nhưng cái tội ăn cắp mới là tội tử hình… Cái tội ăn cắp là nguyên nhân của mọi băng hoại, thoái hóa, suy đồi, vong bản, độc ác, phản động, mất tính người…

 

Tôi bước vào nhận lỗi ngay. Chỉ kịp cho tôi một nạng như trời đánh thánh vật là ông mất đà ngã lăn quay ra. Sau khi thốt lên một câu “Hỏng rồi” là ông không nói gì nữa. Thực ra là ông có nói thêm một câu gì đó nhưng nghe không rõ. Mẹ tôi lúc đó đứng cạnh can xin ông nên có nghe được lờ mờ và sau đó kể lại rằng: tao được làm thương binh đã là may, không khéo chúng mày liệt sỹ hết. Con mắt lành của ông nhòa lệ. Hốc mắt thương binh rỉ nước.

 

Lại mõm chó (MC): (chề môi) Thưa các bác em còn thấy cả giọng “Người tốt việc tốt” báo Nhân dân, rồi Mực tím, Hoa học trò, “Tác phẩm tuổi xanh”, Tuổi trẻ cười… Thế mới “hồi xuân”!

Chân Hợi (Ca ve 4): Ôki các anh, các anh vẫn còn đang xuân chứ đâu đã làm gì mà hồi.

Lại MC: Các em có biết là đời người ta bây giờ có khái niệm mới là quy về “tứ hồi” không?

Lộng Dậu (Ca ve 5): (đeo kính, vẻ sinh viên trí thức) Tức nà như cái nhà bốn hồi hay nà một vở kịch bốn hồi ạ?

Lại MC: Khi còn bé người ta gọi là “hồi trẻ”; lớn lên người ta mong muốn mọi thứ công danh, tiền bạc, vợ đẹp, chồng sang, con khôn mà càng mong muốn thì càng “hồi hộp”; đúng lúc về bên kia dốc cuộc đời thì người ta “hồi xuân”; rồi cuối cùng thì “hồi âm”. Hề hề…

Nghệ sỹ nhị: (đi một đường “ắc-xê” trên “vi-ô-lông bẹn” đầy ấn tượng) Và nếu có người chết sống lại thì người ta gọi là “hồi dương” (cười đắc chí). Thế mới ẩm ương! Như cái truyện này của anh Thân ấy, rõ ẩm ương các bác nhẩy. Nghe có vẻ thiếu tôn trọng người đọc.

 

Hôm sau gặp lại Quyên. Nàng ríu rít kể là bố nàng rất vui khi nhận bao thuốc và nghe nàng kể lại câu chuyện của tôi.

– Ôi nhưng mà anh bị làm sao mà phải băng cánh tay thế này? Đánh nhau hả?

– Bố đánh.

– Vì sao vậy?

– Đừng hỏi nữa. Anh quen rồi. Bố anh nghiện đánh lắm. Người anh đầy vết thương. Lòng anh còn nhiều hơn.

– Để em an ủi anh.

– Ừ, an ủi anh đi. Vết thương này có liên quan đến tình yêu của anh đấy.

– Anh còn yêu đương ai vậy?

– Không ai nữa cả. Thế em đã đọc được bài thơ anh tặng em trên bao thuốc hôm qua chưa?

– Trên bao thuốc có bài thơ ấy à? Em có thấy gì đâu. Để em về tìm đọc không bố em lại vứt đi mất.

– Em có thấy dòng chữ CAPSTAN chứ?

– Tất nhiên là có.

– Bài thơ nằm ở đấy đấy em ạ.

– Em chả hiểu.

– Em không hiểu bởi vì em… bí tiểu.

– Anh đểu! Ứ chơi vơi anh nữa.

– Có bài thơ anh tặng em thật mà. Anh đã làm bài thơ này trên “tinh thần Nguyễn Văn Trỗi” đấy. Anh đọc em nghe nhé. Đọc xuôi chữ CAPSTAN sẽ có câu “Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát”, rồi đọc ngược lại sẽ có câu thứ hai “Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn”[15]. Hay không?

– Anh tài nhỉ. Em yêu anh.

– Anh đọc cả bài cho em nghe này…

 

Quyên dậy tôi thật nhiều điều. Trước khi gặp nàng tôi chưa biết gì về văn hóa hay thơ ca cả, tôi chỉ là thằng cục súc. Nàng đã khơi dậy trong tôi tất cả ý chí, hoài bão, lý tưởng, văn minh, văn hiến. Chỉ có điều tôi vẫn chưa hề dám cầm tay nàng. Tôi vẫn thấy phụ nữ thật đẹp, thật cao quý và thiêng liêng còn đàn ông sao mà xấu xa, thô bỉ, đáng kinh tởm quá chừng. Vì thế mà tôi ngưỡng vọng nàng, và chưa dám cầm tay. Tâm trạng tôi rất gay.

 

4

 

Một sự kiện kinh hoàng đã xảy ra.

Hồi đó chúng tôi đi học đều phải qua một đoạn sông nhỏ. Cây cầu gần nhất để sang sông là một cái cầu khỉ oặt ẹo. Những ai sợ không dám bước qua cầu này (nhất là đám con gái) thì phải đi bằng đò, mà bến đò thì lại ở khá xa. Đã thế ở bến đò ấy cũng đã từng có nhiều người chết đuối, thương tâm nhất là cái chết cùng một lúc của 13 nữ sinh tuổi 13 vào một mùa mưa lũ lắc lơ. Vì thế mà những đứa sợ ma lại chẳng dám đi bằng đò. Thật là tiến thoái lưỡng nan, làm thân đàn bà con gái ở nước tôi sao mà khổ cực đủ đường. Ừ, mà làm đàn ông như tôi cũng có sung sướng gì đâu.

 

Mà mọi người có biết cầu khỉ là cầu thế nào không? Quyên của tôi đã có lần lên tận thư viện xã tìm được quyển Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phế chủ biên có hẳn lời giới thiệu và ca ngợi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nàng đã chép lại thế này:

cầu khỉ d. Cầu làm bằng một hoặc hai cây tre, gỗ, v.v., bắc qua suối, lạch, thường có tay vịn.

 

Tôi nhận thấy cái định nghĩa của thầy trò ông Hoàng Phế còn có vấn đề khiếm khuyết trầm trọng mà không biết nói cùng ai để cho người ta bổ sung thêm cho cái “cầu khỉ” nó được đầy đủ cho mọi người hiểu. Chắc là thầy trò nhà ông ấy chưa bao giờ nhìn thấy cái cầu khỉ mà chỉ rúc đầu trong phòng rồi bịa ra mọi thứ định nghĩa theo kiểu “quan liêu bao cấp”? Thế có một hai cái cây bắc ngang thôi à? Thế thì tay vịn gắn vào đâu? Thực ra cầu khỉ còn có nhiều “trụ cầu” làm bằng hai cây gỗ hoặc tre bắt chéo. Ở chỗ hai cái cây giao nhau ấy người ta đặt thanh ngang, và phía trên thanh ngang chừng một mét người ta mới gắn những thanh tay vịn. Giời ạ, nghe các bác tả em cứ tưởng là cái cầu treo. Mà làm được cầu treo khi đó trên thế giới còn là của hiếm. Còn cái cầu khỉ quê tôi thì nhiều đoạn còn mất cả tay vịn mà chẳng ai thèm sửa chữa cả. Đi qua được cái cầu này quả thực là vất vả.

Cái cơn bực mình ức chế vì sự cẩu thả khiếm khuyết của sách báo nước nhà làm tôi chợt nghĩ ra một ý để trêu nàng:

– Thế em có biết cái cầu mà bên trên có mái thì gọi là cầu gì không?

– Chắc gọi là cầu mái. Em thấy có sách gọi là “thượng gia hạ kiều” thì phải.

– Không phải. Gọi là “nhà cầu”.

– Ý anh bảo là ở giữa cầu người ta phải khoét một cái lỗ nữa chứ gì? Đầu óc anh toàn chuyện bậy bạ.

– Vâng. Tôi có thế thôi. Nhưng anh báo trước cho em biết rằng bọn đàn ông trong đầu óc toàn chuyện bậy bạ trở lên mà thôi. Đừng dây với chúng nó làm gì.

– Thế anh không biết đầu óc đàn bà còn tồi tệ hơn à? Chưa biết ai là người bị hại.

 

Nói rồi nàng vén môi nở nụ cười bí hiểm. Nụ cười Mona Lisa!

Mỗi buổi đi học về đoạn cầu này chí chóe lắm. Bọn con trai đuổi nhau rơi tùm tùm xuống sông là chuyện thường. Có đứa va vào cọc sứt đầu mẻ trán máu chẩy tràn trề, có đứa cắm đầu xuống bùn xuýt chết. Nhìn những cảnh ấy nhiều khi nghĩ lại vẫn thấy rùng mình, không nuốt nổi bát cơm.

Có một chiều hoàng hôn tôi và Quyên đã đến bên cây cầu ấy.

Chúng tôi vui chơi với nhau trên triền đê.

 

Triền đê quê tôi buổi chiều về thật đẹp. Tôi đã làm một bài thơ khá hay về con đê này, chép vào sổ tay hẳn hoi rồi mà không biết đứa nào (không biết vì thích hay ghét) đã xé mất. Còn tôi thì chịu không thể nhớ được bài thơ ấy mới tệ chứ. Khi nào nhớ ra tôi sẽ (nhờ Đặng Thân) gửi tới mọi người sau vậy nhé, được không? Nhưng có một bài thơ mà tôi làm để tặng Quyên thì may mắn là vẫn còn trong sổ tay của nàng. Bài thơ tôi viết về con đường dẫn từ làng tôi ra đến cây cầu khỉ. Con đường ấy là nơi tôi và Quyên và bao nhiêu thế hệ những người yêu nhau khác đã đi bên nhau, đã tì gốc cây tâm sự, đã đến bên cầu và… quay lại. Hai bên đường là hai hàng cây rợp bóng. Ngút ngát xanh mầu lá, rực rỡ mầu hoa khi hạ về và râm ran tiếng ve, tiếng dế, tiếng ễnh ương. Hễ nhớ về nó là tim tôi nhức nhối, óc tôi bàng hoàng. Bài thơ làm theo kiểu “độc vận” (tôi là con của Nguyễn Một độc tài mà), chỉ một vần “ây”:

 

VẾT HẰN CON ĐƯỜNG ẤY

Da diết nhớ buổi chiều vàng xưa ấy
Cuối con đường có một con diều giấy.
Tay đan tay ghì xiết những cành cây
Vết hằn nào in dưới gốc này đây??

Tay đan ấy là vì yêu nhớ ấy
Vết hằn nào ghi bao cuộc ngất ngây.
Ta đã biết được hương đời từ đấy
Bỗng một ngày ai đã đi về Tây??

Ai về Tây để bao kẻ dại ngây
Để rủ lá bên đường bao cành cây.
Nhưng gốc ấy vẫn vết hằn xưa ấy
Giờ hằn thêm bao vết vẫn chưa đầy!!

Con đường thẳng y như một đường cầy
Bao dìu dập đưa nhau qua vũng lầy.
Bao cát bụi chẳng xóa đi ngày ấy
Bao vết hằn bấy nhiêu cuộc mưa mây!!

 

Thực ra thì bài thơ này mãi sau này tôi mới làm, nhưng vì trót nhắc đến “bờ đê quê hương” và “con đường làng” nên tôi vội trưng ra để mọi người tăng cảm xúc mà đọc tiếp. Cụ thể là bài thơ được ra đời rất lâu sau khi sự cố sau đây xẩy ra. Một sự kiện kinh hoàng.

 

Hoàng Ngưu (Ca ve 6): Ông thì biết cái đéo gì mà cũng chõ mõm vào. Giữ sức để mai về còn ra Phùng Hưng[16] mà làm việc nuôi vợ nuôi con.

Tân dốc nhãn đê thùy (DNĐT): Tôi thấy truyện có cả Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Lưu Vũ… Thế mới tạp pí lù.

Thiện Tuất: Đúng là ù ù cạc cạc cái nhà anh Thân này. Tạp pí lù quá.

Mạnh VVND: Mọi người sai toét. Theo tôi đây là một thử nghiệm mới của anh Thân về văn phong.

Chân Hợi: Vậy hả anh? Anh Thân có kiểu “văn” mới à? Bảo cho em với đi để em còn đi “văn” bọn khách sộp. Em luôn tin những gì anh Mạnh nói.

Tân DNĐT: Ờ, tôi cũng thấy thế. Lần đầu tiên tôi thấy nhân vật của ông Thân không bắn ngoại ngữ.

Mạnh VVND: (cười nhếch môi) Một thanh niên nông thôn ngày xưa thì lấy đâu ra ngoại ngữ mà bắn. Chỉ thích bắn súng thôi.

Chân Hợi: (thớ lợ, vuốt háng Mạnh) Ôki anh, súng của anh đâu?

Tân DNĐT: Đúng đấy. Giọng rất đúng với giọng của thanh niên ngày xưa. Từ ngữ toàn của những năm 60-70 thế kỉ trước.

Nghệ sỹ nhị: (lắp bắp) Thế thì cổ hủ quá. Lạc hậu quá.

 

Ấy chính là cái buổi chiều mà tôi đã cùng Quyên đến bên cầu. Tôi lấy hết can đảm (trước khi đi chơi cùng nàng tôi đã dốc nửa can rượu làng Vân của tay chơi Nguyễn Một lên tu bằng hết để tăng cường dũng khí) cầm tay nàng. Lúc đó chắc trong tim tôi có một nửa máu tươi thôi, còn một nửa là cồn tươi. Nàng vùng tay ra, tần ngần, rồi bỏ chạy. Tôi phóng cước đuổi theo. Nàng chạy lúc nhanh, lúc chậm nhưng không hiểu sao tôi không thể đuổi kịp. Nàng chạy loanh quanh triền đê. Tôi vấp ngã, máu ựa ra đầy mồm. Tôi đứng dậy đuổi tiếp, mà sao lúc nào cũng thấy nàng đang ở phía trước. Rồi nàng phóng vọt lên cầu. Hỡi ôi, thật là rùng rợn! Đôi chân nàng dường thoăn thoắt, dường như lảo đảo, dường như chập chờn. Rồi nàng chới với. Nghiêng. Nghiêng. Ngang. Nàng sắp lộn xuống sông rồi! Nàng ngã thật. Lúc này tôi đã gần bắt kịp nàng, chỉ cách chừng ngót sải tay nữa thôi. Nàng đã lả người xuống. Tôi đang định lao người theo xuống nước để cứu nàng thì ôi thôi…

 

Nàng ngã nhào nhưng cái quần lại mắc vào cọc cầu. Cái quần bị kéo lại như bị người ta lột một phát ra vậy. Cái áo của nàng thì tụt rũ ngược hẳn xuống phủ kín đầu, chạm mặt nước. Toàn thân nàng hiện ra trong ánh tà dương còn sót lại. Ánh chớp huy hoàng. Đất trời loang lổ. Âm dương rùng mình. Tạo Hóa hổn hển. Tôi hụt hơi. Như bị điện giật tôi túm vội được bàn chân nàng. Tay tôi văng vào cọc cầu xóc đến tận xương, thịt xương trắng lóa, máu đỏ lòm. Một ống quần đã tuột hẳn khỏi chân nàng.

 

Nàng không mặc quần lót.

Một sự kiện kinh hoàng! Tôi đã nói rồi mà.

Cái thời của chúng tôi quần áo hiếm hoi lắm, được cái nọ thì mất cái kia. Chính bản thân tôi cũng nhiều khi không mặc quần đùi khi đang mặc quần dài. Bọn chúng tôi vẫn thường hát theo điệu chát xình xình: “Có hai cái quần. Giặt quần chùng anh mặc quần đùi. Giặt quần đùi anh mặc quần chùng…” Mà… có cái chuyện này nữa: hồi đó chúng tôi chưa hề biết rằng trên đời này có cái gọi là phim sex.

 

Tôi thăng hoa tột đỉnh trong đêm hoang tối hôm đó trên bờ đê quê hương. Tôi nằm vật ra thảm cỏ. Háng tôi nhức nhối. Cởi hết quần áo tôi khỏa thân giữa trời đất. Dương vật tôi như cao xạ pháo phòng không vươn thẳng lên trời cao. Tôi bắn tinh liên tục liên tục như pháo hoa, tinh dịch rơi xuống đầy trên những vết chân ngoại cỡ của tôi in hình nơi đất ướt. Sự kiện kinh hoàng đó xẩy ra làm tôi cấm khẩu mất ba ngày ba đêm. Tôi như thể đã nhìn thấy cửa thiên đàng. Sau đó tôi đã làm nên câu thơ bất hủ, sau này không ngờ được bình chọn vào danh sách “100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX”. Câu thơ thế này:

 

Đừng buông giọt ấy xuống sông

Thân anh dù một sợi lông cũng chìm

 

Má hồng ơi, sao mà yêu đến thế. Sau sự cố Quyên cũng như bỗng dưng thành con người khác hẳn. Nàng trở nên bẽn lẽn lạ lùng. Nàng như bị khuất phục hoàn toàn. Nàng như không còn nanh vuốt. Nàng như mất hết tinh thần. Tôi cầm tay nàng dễ như cầm tay tôi. Tôi hôn nàng cứ như không. Phải chăng nàng là hiện thân của công chúa Tiên Dung xưa? Một lần là mãi mãi! Ôi con gái thời tôi sống là như vậy đấy.

 

Chỉ có điều… không hiểu sao nàng càng bẽn lẽn thì tôi lại càng trở thành một nô lệ đích thực của nàng. Xưa kia nàng có nói gì thì tôi cũng chỉ nghe một nửa. Bây giờ nàng không nói gì thì tôi lại càng cố nghĩ xem nàng đang muốn gì để tìm cách chiều lòng nàng cho bằng được.

 

5

 

Nàng trở nên ít nói hẳn. Nhưng nét mặt thì cứ lúc vui lúc buồn. Thỉnh thoảng nàng lại bảo tôi:

– Anh là anh hùng.

– Không dám đâu em. Anh khùng thì có.

– Em muốn anh là anh hùng.

– Để sánh cùng gái thuyền quyên chứ gì?

– Em đã là Quyên thì anh phải là Trỗi.

 

Em muốn gì anh cũng làm mà. Nhưng phải làm gì thì mới thành anh hùng đây?

Những trận đòn của bố tôi càng ngày càng tăng cường độ và tần suất. Nàng thì càng ngày càng như gần như xa. Tôi sống giữa cõi người mà như bãi tha ma. Trai tráng quê tôi đã ra chiến trường bằng hết. Chỉ còn lại những thương binh và vị thành niên. Phải làm gì bây giờ?

Có lần tôi mạnh dạn đòi “ấy”. Nàng không phản đối nhưng nói một câu xanh lè:

– Để khi nào anh thành anh hùng đã.

 

Thành anh hùng? Anh sẽ làm ngay đây. Nhưng lúc này đây không có bom nổ, cháy nhà để anh nhẩy vào cứu người già và em bé, để làm Nguyễn Bá Ngọc. Không có kho xăng địch để anh làm Lê Văn Tám. Không có con đò nào bị lật để anh lao xuống cứu vớt. Không có quân giặc để anh cầm giáo mác xông vào đâm. Không có xe tăng địch để anh cầm bom ba càng. Anh phải làm gì? Mà anh…

 

Hoàng Ngưu: Tôi đã bảo ông câm mẹ nó mồm đi cơ mà. Hãm lìn.

Lại MC: Nhưng tôi vẫn thấy là cái kiểu truyện này khó có thể ắp-đết tới độc giả được. Khó cập nhật lắm, ý tôi là là là khó tiếp cận với người đọc lắm. Tôi chỉ thấy Mộc Dục Luận của anh Thân là không gì sánh được.

Mỹ Mùi: Khó tiếp cận hả anh? Tại chưa biết cách tân trang mông má, chìu chuộng, ngúng nguẩy “ba chớp hai ngước” đấy thôi. Phải học tập bọn em đây này, sẽ tiếp cận được cả thế giới luôn.

Minh ĐL: Em này hay. Ai chả biết võ của các em 8x 9y là nhất quả đất rồi. Anh cũng đang muốn tiếp cận cả thế giới đây, hôm nào dậy cho anh mấy miếng đi.

Thiện Tuất: Mày dậy cho anh ấy đi. Rồi anh ấy làm phong thủy cho mày giàu sang.

Quảng lạc: Tôi thấy truyện này có mặt cả Tú Xương, Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà và Bút Tre. He he…

Lộng Dậu: Ai chứ Phạm Thị Hoài thì em có biết. Em đồng hương với Phạm Thị Hoài và Trần Đăng Khoa mờ. Mợ Hoài viết truyện đĩ thõa cực, chắc nà mợ ấy dâm nắm.

Quảng lạc: Em sai rồi! Người viết văn dâm không chắc đã dâm đâu em ạ. Bao nhiêu cái dâm vào hết bút mực rồi thì cái kia nó cứ khô như gạch ấy chứ. Anh nói thì em cứ gọi là đừng cãi. Em học trường nào?

Lộng Dậu: Em học trường du nịch.

Trân Mật tông (MT): Thảo nào trông em người cứ chắc nịch ra. Người em cứ như gỗ lim thế này chắc là chẳng bao giờ bị mối mọt đâu nhỉ. Anh cũng đồng hương với em đấy. Anh là bạn của Trần Đăng Khoa đây, tên anh là Khòa Đăng Trân mà.

 

Tôi sống trong những cơn bức xúc triền miên. Về nhà thì ăn đòn, ra ngoài thì bị người yêu lạnh nhạt. Hôm tôi tháo băng cánh tay ra vết thương chưa lành hẳn nên máu lại chẩy ra. Một sáng kiến lóe lên. Tôi đã chắt những giọt máu từ vết thương tình yêu ấy để viết một lá đơn tình nguyện lên đường ra trận, quyết tâm trút căm giận lên đầu quân xâm lược. Năm đó tôi 17 tuổi.

 

Buổi lên đường cũng như thường lệ. Có mít-tinh. Có diễn văn. Có hô “quyết tâm” và “muôn năm”. Có nước mắt những mẹ già và gái trẻ tiễn đưa. Có khăn mù xoa của người yêu thêu hai trái tim lồng cùng dòng chữ “hẹn ngày thống nhất”. Bạn bè tôi ơi! 17 tuổi rồi ta đã lớn? Hành trang người lính nào có gì đâu. Chỉ tràn ngập trong tim những bài thơ của Tố Hữu và Phạm Tiến Duật. Và đăm đắm một lời hẹn thề.

 

Tôi được đưa thẳng vào Khe Sanh sau hai tháng huấn luyện tân binh. Sau hai tháng chúng tôi đã thành sắt thép. Ba lô lúc nào cũng phải đeo những cục đá nặng hai chục cân trở lên. Có những khi đang tập chạy thì bị xô vào đống đá để làm quen với khắc nghiệt chiến trường. Mẹ tôi thương tôi đến mức bỏ mọi công việc để lên tận đơn vị chăm sóc cho con. Hành động đấy của bà có thể làm bà mất việc, mất công điểm, mất sổ gạo, tức là mất tất cả. Và đúng như thế thật. Sau đó bà đã phải ở nhà chăn lợn nuôi con. Lòng mẹ ơi, đất trời nào sánh tầy!

 

Chúng tôi hành quân ngày đi đêm nghỉ. Chiến trường có cái nắng, có cái gió mà không có cái đó. Tôi được phân về một tiểu đoàn đặc công độc lập. Vừa đến nơi đêm ấy đã công đồn. Chỉ huy của chúng tôi là ông Trần Phi Thuyên, trước khi về tiểu đoàn này đã trải qua chiến đấu và chỉ huy ở nhiều đơn vị. Nghe đồn vì ông hay gái mà bị kỷ luật liên tục, luôn phải chuyển đơn vị. Ông giỏi, đánh tài, nhưng không có cái đó thì không làm được việc gì cả. Sau Cục Tác chiến đã phân công ông về tiểu đoàn này vào cùng một ngày với chúng tôi. Trong đơn vị lập tức có câu ca:

 

Hoan hô đồng chí Trần Phi

Thuyên đi chuyển lại chỉ vì cục phân

 

Mỗi năm trăm trận. Vết thương đầy mình. Nhưng cái trận đáng nhớ nhất là trận Chiết Kiều. Trước trận đó do tiểu đoàn nằm gần dân nên thông tin về trận đánh đã bị lộ ra ngoài. Báo cáo cấp trên thay đổi thời gian nhưng lệnh đã phát ra phải đánh. Trần Phi Thuyên mặt lặng như tờ. Xung phong! Vượt qua mấy lớp rào kẽm gai thì đến một lớp rào bùng nhùng. Sau đó là hào sâu. Khi hầu hết tiểu đoàn đã xuống lòng hào là lúc quân địch bắt đầu xổ hỏa lực. Đủ loại: pháo cối, pháo chụp, lựu đạn, mìn, M16. Quân ta đổ như chuối. Tôi có nhiệm vụ công đồn nên mang một quả bộc phá to sau lưng. Khi nghe thấy tiếng rít dồn dập tôi nằm rạp xuống, co mình lại như con tôm rồi không biết gì nữa.

 

Khi tỉnh lại tôi thấy mình máu me đầm đìa và vẫn nằm dưới lòng hào. Sát tôi là bốn xác đồng đội. Một người nằm trên đầu. Hai người trước mặt. Một người dưới chân. Chúng tôi vừa được xơi một loạt pháo chùm. Tôi thoát chết vì nhờ có quả bộc phá to sau lưng che chắn. Bốn đồng đội đã thành bốn lá chắn che chở cho tôi. Dù đã kịp cúi gập đầu nhưng mấy mảnh pháo đã cắm phập vào gáy tôi. Tôi lại mê man.

 

Tỉnh lại tôi cảm thấy xung quanh như không còn ai. Tôi cố bò về phía mép hào để tìm cách leo lên. Loay hoay trong mê man tôi thấy một bóng người. Người đó ghé vai cố sức đẩy tôi lên. Định khi lên rồi sẽ tìm cách kéo anh ta lên nhưng vừa lên đến miệng hào thì tôi lại ngất đi. Khi tỉnh lại thì thấy mình đang trong vòng tay các y tá. Chỉ kịp nói “Dưới hào vẫn còn người” tôi lại ngất đi. Trận đó tiểu đoàn bị xóa sổ. Sau đó là bổ sung những người lính mới với phiên hiệu mới.

 

Tôi nằm liệt giường ba tháng. Trạm quân y tanh tưởi nồng nặc. Hồi phục tôi lại được trở về đơn vị với những bằng “Dũng sỹ diệt Mỹ” và huân chương các loại. Rồi tôi được phong Đại đội trưởng xung kích.

 

Rồi tôi chiến đấu quên mình. Rồi tôi lại bị thương. Vì bị nhiễm sốt rét rừng rất nặng nên sức khỏe càng khó hồi phục. Con ruồi bâu mặt không buồn xua. Theo chính sách bảo toàn cán bộ tôi được chuyển về phía sau. Tôi không muốn đi vì chắc là chỉ đánh mấy trận nữa thôi là tôi có thể được phong Anh hùng. Một nữ y tá đồng hương đưa tôi đi. Cô rất trẻ, duyên dáng và tận tụy. Giữa đường tôi lên cơn sốt rét không chịu nổi nữa. Nữ y tá mắc tăng võng cho tôi nằm. Tôi thấy rét không chịu nổi nữa rồi. Tôi lờ mờ cảm thấy nàng (Quyên của tôi chứ không phải cô y tá) nằm đè lên tôi. Tôi thấy giòi bò lúc nhúc trong xương. Thịt da tôi tan rữa, xâu xé. Hồn tôi thăng ngược ngọn cây. Tôi xuất tinh. Và tôi đã chết giữa rừng xà nu vào một ngày đầu thu lịch sử, đúng mùa “xá tội vong nhân”. Sao tôi không được chết giữa trùng vây bom đạn mà lại chết toi lãng nhách như thế này hả trời? Quyên ơi, vĩnh biệt em. Thế là anh vẫn chưa thành Anh hùng, anh không được chết như Trỗi, và anh sẽ không được gặp em ngày thống nhất. Hẹn gặp em và mọi người kiếp sau. Ơn đền oán trả…

 

35 năm sau tôi đã trở về từ ngọn xà nu, qua đường internet. Tôi đã nhập hồn vào computer của Đặng Thân để kể cho các bạn câu chuyện đời tôi, với hy vọng là Quyên của tôi sẽ có thể đọc được. Tôi nhập vào máy của Đặng Thân vì tôi biết rằng chỉ có Đặng Thân thì mới kể lại câu chuyện của tôi một cách chân thực và sinh động nhất mà thôi.

 

Nguyên Sửu: Anh Trân xạo vừa vừa thôi chứ. Anh còn điêu hơn cả ca ve. Ở Việt Nam làm gì có họ Khòa.

Trân MT: Anh thấy em là người đáng yêu nhất ở đây đấy. Vì em không ham hố tranh tụng với mấy cái thằng nhảm nhí kia. Em chỉ lặng lẽ quan tâm đến mọi người. Ơ thế Đặng Thân đâu rồi nhỉ?

Nguyên Sửu: Anh ấy đang “nôn”…

 

LỜI BẠT

 

Tôi, người viết truyện này, là một kẻ tò mò.

Thấy người ta chơi cờ, tôi cũng học chơi cờ. Thấy người ta chơi quạt, tôi cũng chơi quạt. Đây là hai trò tẻ nhạt. Vì chơi cờ thì cặp kè với Đế Thích, chả hóa ra pê-đê sao? Chơi quạt thì bạn với Bờm, cha này thì kể cũng oai ra phết vì hắn là tiền bối và nổi tiếng còn hơn cả Chí Phèo vì Bờm thì đã vào ca dao ngàn năm còn Chí mới chỉ vào truyện ngắn được ngót trăm năm; và cả hai sếp này đều là đại diện xuất sắc của một dân tộc anh hùng con vua Hùng.

 

Cái này mới gay: thấy người ta lấy vợ tôi cũng lấy vợ, mà vẫn chưa biết sợ. Cho dù khắp gầm trời này đâu đâu cũng đầy những lời cảnh báo ghê người về cái sự vụ này, thật là kể không xiết. Những bậc thánh nhân, triết nhân hay các vĩ nhân vĩ đại không biết vì sợ hay vì sáng suốt mà đã đều sống cuộc đời không vợ hoặc có rồi cũng từ bỏ hết: từ Thích Ca Mâu Ni tới Jesus, từ thánh Phao Lồ tới Newton, cho tới Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Trần Đức Thảo, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang… Có những vĩ nhân khác cũng không biết vì sáng suốt hay vì quá sợ mà đâm ra lấy rất nhiều vợ: Mohammed, Đông Phương Sóc, Henry VIII, Càn Long, Tự Đức, Mao Trạch Đông, A Ma Kông (hơi bị đông)... Các vị đó đều chứng tỏ với tôi một điều rằng: cái thằng tôi không thể vĩ đại được. Xin hãy đối xử với tôi như một kẻ trần tục “nhục như con trùng trục”.

 

Lấy vợ rồi lại đẻ con nữa chứ. Tò mò xem cái kiếp làm thằng bố nó như thế nào. Nhưng từ ngày có con tôi được vợ mua cho một dàn máy computer. Để tôi ngồi trông con cho đỡ buồn. Vợ tôi thật là tốt, xin mượn dịp này cho tôi được cảm ơn. Thế là vừa chơi với con tôi vừa có cơ hội được biết trên đời này có internet. Con tôi sắp ba tuổi rồi, tức là tôi chơi với internet đã gần được ba năm. Chơi với internet tôi mới biết thế gian này mọi sự TOÀN LÀ ẢO CẢ.

 

Trong thế giới ảo tôi gặp nhiều tờ báo lạ cùng nhiều người đam mê thú văn chương. Tôi có dịp được biết văn chương chữ nghĩa của cả thế giới loài người. Tôi đã bắt gặp một bài tổng kết sơ bộ như thế này:

 

Hoan hô văn hào Shakespeare

Ăn gì mà ỉa như là là trâu điên.

Hoan hô tất cả Bát Tiên

Làm thơ, uống rượu ưu phiền hết luôn.

Chữ nghĩa chẩy như mưa tuôn

Lý Bạch, Đỗ Phủ là nguồn lãng du.

Lẻ loi một bóng Nguyễn Du

Cái gì cũng thiếu, cái cu thì thừa…

 

Thế là đủ hết cả Tây, Ta, Tầu chứ còn gì nữa. Ôi chao, thế là thấy người ta văn chương tôi cũng tập tọng văn chương. Vì thế mà mới có những dòng này đấy ạ. Cái vụ này thì lại sai trái với mục đích ban đầu của vợ tôi (là tôi chỉ được chơi game và xem báo mạng thôi) nên tình thế đâm ra hơi bị rách việc. Hục hặc tất yếu xảy ra, vợ tôi sợ tôi đam mê văn chương đâm ra chểnh mảng làm ăn và bỏ bê gia đình, nhất là bỏ bê nàng. Tôi rút ra một quy luật [rừng]: vợ và văn là trái dấu, là mâu thuẫn, đôi khi không đợi trời chung. Không cẩn thận là dễ dẫn đến tình trạng: có văn không vợ, có vợ không văn.

 

Sự việc không chỉ dừng lại ở đấy. Không chỉ ham hố văn chương tôi còn tò mò tham chiến mấy cái vụ chít chát. Có thêm nhiều bạn mới: vui! Có thêm cả bạn gái: quá vui! (Nhưng không ai được báo cho vợ tôi biết đâu đấy!) Hoản cảnh của tôi thật như làm xiếc đi trên dây. Để ngụy trang đề phòng khi vợ bắt gặp tôi thường chít chát với nhiều đàn ông (nhưng không nhiều quá, nếu không sẽ bị vợ nghi ngờ về giới tính thì lại còn nguy hiểm hơn). Tôi đã gặp một cái nick đầy hào sảng: Xe_doc_Truong_Son. Hình như đây là người đàn ông đã trưởng thành. Chúng tôi nói chuyện với nhau đường hoàng.

<Bold_Bodyguard> Bác đang ở đâu? Đi làm tí tài mà với iem ko?

<Xe_doc_Truong_Son> Tức là cần sa phải không? Trước đây ở Trường Sơn tớ xài suốt rồi. Hút vào ngái như cỏ ấy mà. Không hiểu sao nhiều người hút vào thì say quay cu lơ mà tớ thì chẳng hề gì cả. Chỗ cậu có nhiều gái xinh không?

<Bold_Bodyguard> Bác thích hả. Để iem chăn cho bác nhé.

<Xe_doc_Truong_Son> Cũng không hẳn thế. Tớ đang tìm người yêu cũ.

<Bold_Bodyguard> Chời ơi, sao lại lên đây mà tìm người yêu cũ? Bác đi nhắn tin trên báo hoặc ti-vi ấy.

<Xe_doc_Truong_Son> Nhưng thân phận tớ không đăng tin trên đấy được.

<Bold_Bodyguard> Thân phận bác làm sao? Ko có Chứng minh thư à? Iem cũng đang ko có CMND, ko hộ khẩu đây.

<Xe_doc_Truong_Son> Tất nhiên không có những cái đó thì cũng khá rắc rối đấy. Ở đâu thì con người ta cũng phải có cái thẻ gì đấy. Những con bò trong trại cũng phải có thẻ số cơ mà. Nhưng vấn đề của tớ lại không phải ở chỗ đấy.

<Bold_Bodyguard> Bác phức tạp quá.

<Xe_doc_Truong_Son> Ngoài việc đi tìm người yêu thì tớ cũng còn có nhiều mối ân oán.

<Bold_Bodyguard> Sao? Bác đi tìm bọn buôn người đã bắt người yêu bác đem đi bán à?

<Xe_doc_Truong_Son> Tớ muốn xử lý bọn đã bán cả dân tộc.

<Bold_Bodyguard> Tức là cả bác và iem cũng đã đều bị mang đi bán à? Bác hơi bị hoang đường. Em đang sống độc lập tự do giữa trời đất, lại còn thoải mái viết văn nữa.

<Xe_doc_Truong_Son> Có lẽ chính thế mà tớ muốn gặp cậu đấy.

Cứ thế dần dà tôi đã được nghe thủng câu chuyện. Một con ma từ Trường Sơn trở về để kể tôi nghe câu chuyện đời anh.

 

Tiết Mạnh Thu – Mùa Vu Lan

 

Đặng Thân có kiểu biếm nhẽ rất có “duyên” trong "ma nhoà". Những câu như thế này đúng là Đặng Thân: “Tôi xuất tinh. Và tôi đã chết giữa rừng xà nu vào một ngày đầu thu lịch sử, đúng mùa “xá tội vong nhân”. Sao tôi không được chết giữa trùng vây bom đạn mà lại chết toi lãng nhách như thế này hả trời? Quyên ơi, vĩnh biệt em. Thế là anh vẫn chưa thành Anh hùng, anh không được chết như Trỗi, và anh sẽ không được gặp em ngày thống nhất. Hẹn gặp em và mọi người kiếp sau. Ơn đền oán trả...” “Tôi, người viết truyện này, là một kẻ tò mò. Thấy người ta chơi cờ, tôi cũng học chơi cờ. Thấy người ta chơi quạt, tôi cũng chơi quạt. Đây là hai trò tẻ nhạt...”

Tác giả rõ là có cái chiêu khá “quái”. Đọc thật khoái.

LÊ MINH CHUNGOntario, Canada

 

Giọng văn cứ hư hư thực thực, kể chuyện người khác mà như đối thoại với người đọc vậy. Thật khó nắm bắt. Cốt truyện đơn giản nhưng cách kể thú vị, nhiều đoạn nghe rất xót xa. Đọc một mạch từ đầu đến cuối câu chuyện khá dài mà không bị nhàm.

Cái kiểu đang giữa câu chuyện lại có một đoạn đối thoại của người ngoài chen vào bình luận tự nhiên tạo ra hai không gian gần như đối lập hẳn với nhau về tính chất. Tôi thích cái đó. Rất hay và thú vị.

 

NGUYỄN LAN HƯƠNG – sinh viên ngành báo chí

 



[1] “Sông Cầu” cũng là một nhãn hiệu thuốc lá có tiếng “ngày xưa”.

[2] Thuở ấy cả trai và gái đều mặc quần đùi, nhất là khi đi tắm sông.

[3] Thơ Hồ Xuân Hương.

[4] Bài này có tác giả đàng hoàng (đã in trên báo) nhưng tôi không nhớ tên, thật là có lỗi.

[5] Kiều, Nguyễn Du.

[6] Thiện Tuất tưởng Mỹ Mùi dính thai nên hỏi cô ta đã dùng que thử thai chưa.

[7] (Người đi theo / thuộc về) chủ nghĩa Trốt-xky.

[8] (Người đi theo / thuộc về) chủ nghĩa Lập thể (trong nghệ thuật)

[9] (Người đi theo / thuộc về) chủ nghĩa Mao.

[10] (Người đi theo / thuộc về) chủ nghĩa Dã thú (trong nghệ thuật)

[11] (Người đi theo / thuộc về) chủ nghĩa Tư bản.

[12] (Người đi theo / thuộc về) chủ nghĩa Hiện sinh.

[13] (Người đi theo / thuộc về) chủ nghĩa Hiện thực.

[14] Tên truyện tình nổi tiếng của nhà văn Nga Aleksandr Stepanovich Grin.

[15] Bài thơ quậy của tôi sau đó không ngờ đã được lan truyền và trở nên nổi tiếng khắp giang hồ cả nước. Bài thơ còn có mấy câu sau đây:

Chiếc Áo Phơi Sương Tặng Anh Nhé

Nặng Ân Tình Son Phấn Anh Chao

Nhà Anh Tư Sản Phải Ăn Cháo

Cha Anh Phá Sản Tại Anh Ngu

Nhưng thực sự hai câu đầu tiên mà tôi tặng nàng đã ám ảnh số kiếp tôi mãi mãi.

 

[16] Tên một nhà tang lễ trung tâm Hà Nội.

Đặng Thân
Số lần đọc: 3403
Ngày đăng: 21.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người nước Tần - Trương Đạm Thủy
Lá thư bỏ quên - Nguyễn Lệ Uyên
Ngã rẽ(*) - Mang Viên Long
Bối cảnh - Trần Đại Nhật
Người đàn ông đọc thơ - Trương Đạm Thủy
Nghĩa động càn khôn - Trần Hạ Tháp
Tướng cụt đầu - Nguyễn Đình Bổn
Má tôi - Trương Hoàng Minh
Người đàn bà trên bến cảng - Trần Đại Nhật
Bão - Doãn Dũng
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)