Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.205.000
 
Nhập lưu hậu hiện đại kì 1
Inrasara

Tham luận tại Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19.02.2008.

 

Nhập lưu 1. Giải sân hận.

 

Lời mào đầu

Thời thế thay đổi, thơ thay đổi. Thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi.

Cứ tạm đóng thùng trịnh trọng ăn nói to con thế.

- Làm sao có thể quá độ sang hậu hiện đại khi thơ Việt còn chưa đi đến tận cùng con đường hiện đại? Ông Khổng Đức đã hỏi vặn tôi thế, tại góc khuất của quán Càphê 81 Trần Quốc Thảo một sáng tháng Tư đẹp trời.

- Khi chưa thể đi hết cánh đồng để qua bờ bên kia, và khi nước lũ đã tràn đến chân, để sống – chúng ta chỉ còn cách duy nhất: làm một cú nhảy.

- Ở đó mà nhảy với nhót!

- Nhảy hoặc chết. Lát sau tôi thêm:

- Mở Miệng đã nhảy. Sara cũng sắp nhảy. Bàn tròn văn chương là chuẩn bị cho mọi người nhảy…

Tôi liếc xéo ông bạn vong niên, và vỡ cười thành tiếng.

Tiếc rằng mọi người đã hiểu sai tinh thần Bàn tròn văn chương, nên nó đã ngưng trệ và chết. Không ít bạn nghĩ Bàn tròn văn chương là nơi chốn để vinh danh một tác phẩm, một tác giả hoặc tệ hại hơn: lăng xê tên tuổi nào đó. Chứ không như là cơ hội bắt mạch chẩn bệnh thơ đương đại. Bởi, chỉ khi được chỉ đích danh căn bệnh, thơ Việt mới có cơ hội mở ra thế giới…

Trích: Những mảnh đời chắp vá, Tự sự h[ậu h]iện đại, chưa in.

 

 

A. Khép lại…

 

Một thế kỉ thơ Việt, có lẽ bài “Tình già” của Phan Khôi và tập thơ Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền là quan trọng nhất. Quan trọng nhất chưa hẳn là hay nhất mà là, bởi nó đóng vai trò bản lề mang tính xoay chuyển. Xoay chuyển cho mở ra một trào lưu, một thành tựu của cả thời đoạn văn chương.

 

Nhưng có thi tập hay bài thơ mang trong mình sự khép lại. Khép lại một lối viết, lối suy nghĩ, một thời đại thơ,… để mở ra một khả tính mới cho thơ.

“Đi về” của Tô Thùy Yên là một.

 

ĐI VỀ

 

Khuya rồi, nước đã đầy trăng,

Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?

Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?

Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.

Thấy gì chăng, chẳng thấy gì,

Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê...

Chầy khuya, nước ủ trăng ê,

Uổng công, bãi ấy đi về một ta...

Mãi rồi trời cũng sáng ra,

Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.

Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,

Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai?

 

Một tác phẩm văn chương, nếu nó không mang chở yếu tố thời cuộc của thời đại nhà văn sống, thì nó sẽ không nói được gì nhiều. Nhất là với lịch sử Việt Nam ở thế kỉ XX. Lịch sử của va chạm và xung đột khốc liệt giữa các ý thức hệ: phong kiến và tự do, thực dân xâm chiếm thuộc địa và phong trào giải phóng dân tộc, Đông phương và Tây phương, cộng sản và tư bản, dân chủ với độc tài, cá nhân với tập thể,… Suốt giai đoạn lịch sử dài, mảnh đất hình chữ S này trở thành sân khấu diễn tập của bao thí nghiệm và thử nghiệm: học thuyết chính trị - quân sự, tôn giáo - tư tưởng, văn học - nghệ thuật, vũ khí và cả… thơ ca.

 

Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ.

Va chạm, xung đột và chiến tranh. Chiến tranh thì có kẻ/bên khải hoàn chiến thắng. Nhưng – nói như Nguyễn Duy – dù kẻ/bên nào chiến thắng, nhân dân đều bại. Nhà tư tưởng, triết gia và nhất là nhà thơ, kẻ nhạy cảm đồng thời ít trang bị vũ khí tự vệ nhất, chiến bại. Chiến bại, và chịu đựng hậu quả cùng muôn vàn hệ lụy của nó.

 

Thời sự của “Đi về” tuyệt không mang tính thông tấn báo chí. Nó không thông tin cái gì cả. Thi sĩ và cả người đọc đột ngột bị đẩy rơi vào trung tâm của sự thể, đối mặt và chịu đựng nỗi phi lí của sự thể ấy.

 

Một tù nhân của lịch sử, trong giá rét miền Bắc hay vùng miền nào đó ở thế giới, đang đi suốt bãi sông Hằng hay con sông nào đó trên trái đất bất kì, không quan trọng. Bài thơ đã không đưa thông báo cụ thể. Và chúng ta cũng không cần thông tin đó.

 

Đi – về, đi và về, vậy thôi. Đi hoài đi hủy. Đêm còn là ngươi còn đi. Cũng bãi sông đó, lối cũ đó. Lại đi. Không gặp ai, không cần gặp ai và, cũng chẳng có ai để gặp. Đi, để làm gì cũng chẳng biết. Hành hạ ư? Không chắc. Tác nhân – không biết. Bị nhân – không biết. Ngươi là kẻ thù, kẻ chiến bại, ngươi phải bị trả giá. Không phải bởi cá nhân hay con người nào đó. Mà bởi một cơ chế. Cơ chế không xem ngươi là cá nhân, một con người. Không có ngoại lệ hay biệt lệ ở đây. Ngươi là kẻ vừa bị cơ chế đánh bại – thế thôi. Cơ chế không cần biết ngươi nghĩ gì, đau thế nào, chết ra sao. Không gì cả!

 

Cơ chế vô tâm, đã đành. Cả thiên nhiên cũng vô tình.

Vũ trụ và thiên nhiên của Trần Tử Ngang hay Huy Cận mang chở yếu tính siêu hình, đưa con người giáp mặt với nỗi trống không, sự cô đơn và cái mong manh của sinh thể mang tên con người. Con người cảm nhận được và con người thấy hạnh phúc. Cả nỗi phi lí của kiếp phận Sysiphe, ông biết, ông học chấp nhận và hạnh phúc. Ở đây – không gì cả! Thi sĩ đối mặt vũ trụ, vừa siêu hình vừa hữu hình trong một thực tại lù lù. Lê thân xác mệt mỏi rã rời mà đi. Đi mãi. Cuộc đi vô cùng tận. Chẳng kẻ đồng hành để sẻ chia. Dứt kỉ niệm để hồi tưởng. Không tương lai để hi vọng.

Chỉ còn một ta đi và về giữa thiên nhiên vô tình với cơ chế vô tâm.

 

Sức chịu đựng của con người gần như là không cùng.

Chịu đựng câm lặng. Suốt bài thơ không bật ra nửa lời trách oán. Than vãn – không. Căm hận hay nuôi ý định trả thù lại càng không. Vô lượng tâm mở ra cùng vô tình trời đất, và nghiệt ngã cơ chế. Càng mở hơn nữa với kẻ đến sau. Sang đêm, một thân phận khác sẽ đến, chắc chắc. Sẽ đối mặt với cảnh ngộ này, như ta. Để phải chịu đựng một lần và muôn ngàn lần nữa nỗi phi lí to lớn này. Họ sẽ thế nào?

“Ai nữa đi về…”?

 

Giữa đêm tối của thời cuộc tưởng như không còn lối thoát ấy, qua sự chịu đựng nỗi khắc nghiệt gần như bất khả vượt ấy, những tưởng mọi tình người sót lại bị hủy diệt, mọi cánh cửa cảm thông sẽ đóng sầm. Mãi mãi. Nhưng không, thi sĩ vẫn biết vươn vượt khỏi phận mình. Nhìn ra ngoài, ưu tư lo lắng đến sinh phận khác.

 

“Đi về” – mỗi lần đọc lại là mỗi bận khiến ta rùng mình. Rùng mình ở mỗi câu thơ vang lên như từ thẳm sâu cõi mộng và thực, ranh giới được và mất, sống và chết. Bài thơ chạm vào tận miền đáy đau khổ của con người. Mỗi tiếng, mỗi âm run rẩy, như thể đẩy ta ra xa đồng lúc vẫy gọi gần. Gần lại với thân phận con người hơn.

 

“Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao khổ ải suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.

Nó khép lại một thời đại. Vĩnh viễn khép lại.

 

*

Đây chỉ là một [trong những] diễn giải…

Bởi dẫu sao, trải nghiệm thế giới là một trải nghiệm rất riêng tư. Kinh nghiệm ngôn ngữ hay thơ ca cũng thế. Tô Thùy Yên đã làm một giải trình ngôn ngữ (discourse) về một kinh nghiệm lưu đày của riêng ông. Tôi vừa làm một giải trình khác về giải trình đó. Và người đọc, khi tiếp nhận giải trình của tôi, lại sẽ có giải trình khác nữa.

 

Ngôn ngữ lang thang cuốn chúng ta làm cuộc lang thang mải miết, vô định.

Vậy, làm thế nào có thể chấm dứt lang thang, để chúng ta có thể nhìn sự thể như là thế, và để ngôn ngữ hiện thể như là ngôn ngữ?

Điều chúng ta làm lúc này là: nhảy!

 

Nhưng để có khả năng nhảy, cần chuẩn bị trước cho bước nhảy.

 

Inrasara
Số lần đọc: 3500
Ngày đăng: 24.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ - Inrasara
Viết ngắn 08. Cách mạng nghệ thuật, nhìn từ hội họa - Inrasara
Viết ngắn 07.:Nhà thơ & cái tầm - Inrasara
Viết ngắn 06. Phê bình thơ - Inrasara
Viết ngắn 04. Sự bất toàn của tác phẩm - Inrasara
Viết ngắn 03. Tác giả thơ và bốn nhóm... máu - Inrasara
Viết ngắn 02. Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần thơ - Inrasara
Viết ngắn 05. Thơ trẻ và vài hiện tượng lặp lại mình - Inrasara
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo - Inrasara
HẬU HIỆN ĐẠI & THƠ HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT : Một phác họa. 1 - Inrasara
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)