Chiếc đò từ từ cặp vào cây cầu làm bằng chính thân dừa ngã xuống sông.Người phụ lái thảy cái tuí xách to cộ cuả tôi lên trước rồi mới xốc nách nhẹ nhàng rinh tôi lên bờ. Mũi đò quay hướng ra giữa sông, xành xạch lao đi. Nhiều cặp mắt từ các khoang ngoái lại nhìn tôi. Chắ họ ngạc nhiên và thương hại cho con bé bằng hạt tiêu phải đi đường trường một mình. Tôi đứng lơ láo ngó vào ngôi nhà cổ kính ẩn sau những tàn cây rậm, vòm ngói uốn cong phủ đầy rêu. Buồn thế kia à ? Và tôi sắp trải qua những ngày hè đăng đẳng ở đây ? Vậy mà ba mẹ tôi xem chuyến đi này là phần thưởng vì tôi đã kết thúc năm học một cách xuất sắc. Ba mẹ còn hứa hẹn: "Về với ngoại, con sẽ được hưởng một mùa hè vui thích". Vui thích đâu chưa thấy, chỉ thấy trước mắt là một chặng xe, rồi một buổi ngồi đò ê ẩm cả người. dù rằng ba mẹ đã dặn kĩ người chủ xe đò quen, rồi người chủ xe quen ấy lại dặn dò thật kĩ người lái đò, cuộc hành trình không vì thế mà rút ngắn lại. Giờ tôi đứng đây, trên mảnh đất quê ngoại, mệt mỏi và ngao ngán...
Tôi đưa tay vuốt mái tóc ngắn cũn cỡn, rồi kéo chiếc va ly có bánh dưới lệt bệt đi về phiá cổng. Tiếng chó sủa ran, rồi một bà cụ tóc bạc phơ chống gậy trúc vừa suỵt chó vừa cất giọng run run:
- Ai vậy?
Tôi lặng người... Ngoại đây sao? Mới năm kia ngoại và dì út lên nhà tôi, hai tay ngoại còn xách hai vỏ trái cây đầy. Vậy mà bây giờ... Tôi chạy ào đến :
- Ngoại ơi! Con là Thái An đây.
Ngoại "à" lên một tiếng, miệng cười móm mém mà đôi mắt còn ươn ướt, bà rờ rẫm tóc tôi, vai tôi.
- Trời ơi con Thái An mau lớn quá. Ngoại cứ ngỡ người lạ nào. Út ơi có cháu về nè. Bắc nước làm gà đi con.
Dì Út mừng rỡ ra "vác" valy của tôi và nhìn tôi cười hiền lành :
- An về chuyến naỳ ở chơi lâu nghe.
Tôi được dẫn ra bể nước sau hè. Nước mưa như xua đi bao nỗi mệt nhọc. Uống xong ly nước dừa xiêm ngọt ngào, tôi được ấn nằm xuống bộ ván gõ bóng dợn và mát lạnh. Giấc ngủ êm ái lập tức đến với tôi. Khi tôi tỉnh dậy, dì Út đã thắp cây đèn dầu cạnh mâm cơm. Tôi vươn vai ngáp :
- Bộ ở đây chưa có điện hở dì ?
Dì Út cười:
- Chờ yên giặc, An về sẽ có đèn điện sáng trưng.
Tôi nhìn khoảng tối trong góc nhà, nhủ thầm: Buồn thế này thì năm sau có cho kẹo cũng không về... Cơm xong, dì Út lui cui dọn dẹp, ngoại rót cho tôi một ly nước đậu nóng thơm lừng. Tôi nhìn ra mắt cáo vòm cây lập loè đom đóm nghĩ tới những trái xơ ri vừa chín tới, giòn giòn, chua chua ngọt ngọt. " Ngày mai sẽ bắt đầu lùng lũ xơ ri". Tôi nhủ thầm. Ngoại xách giỏ trầu lên ngồi cạnh, vừa ngoái trầu lộp cộp, vừa hỏi thăm người này, người nọ trong gia đình. Đêm ở vườn xuống thật nhanh, tiếng vạc sành ra rả ngoài vườn. Cơn buồn ngủ ập đến, mi mắt nặng trĩu. Tôi nghe bà ngoại bảo :
- Mai con vớt cá lóc trứng dưới ao nấu canh chua cho cháu nó ăn.
***
Nằm trên chiếc võng mắc dưới tàn cây vú sữa, tôi nhìn bóng nắng nhảy muá qua kẽ lá. Vườn nhà ngoại tôi rộng và có đủ loại cây trái. Ngay trên khoảng sân này thôi cũng đủ cả, những chùm mận trắng đơm đầy cành, những trái mận trắng no tròn, bóng lưỡng... Chẳng bù với lúc ở nhà, chỉ có mấy trái me dầm nước cam thảo, chị em xúm lại giàng giật. "Về ngoại tha hồ mà ăn trái cây". Câu nói của mẹ giờ thấy đúng. Không chỉ trái cây, mấy hôm nay ngoại và dì Út còn làm đủ thứ bánh. Chưa bao giờ tôi được chăm sóc, nuông chiều đến vậy. Sáng dậy, ăn uống, ra vườn lùng trái cây rồi lại trở vào ăn uống... Nhưng chỉ một tuần trôi qua tôi lại cảm thấy nhớ thành phố, nhớ đám bạn ồn ào, nghịch phá của tôi. Nhất là những buôỉ trưa vắng lặng, nằm một mình nhìn mấy con chià vôi giành nhau quả lựu chín, cải nhau ỏm tỏi trên cành, tôi thèm được như chúng, có bạn, có đàn để nô đuà chạy giỡn. Ngoại như hiểu thấu tâm trạng của tôi.
- Về nghỉ với ngoại chắc con buồn lắm hả ?
Tôi chưa biết trả lời sau thì ngoại bảo :
- Buồn là phải vì con không có bạn bè. Để ngày mai ngoại chuẩn bị ít bánh trái, gọi chị em con Thuỳ, mấy đưá trẻ hàng xom sang chơi.
Tôi cảm động, ôm cánh tay ngoại :
- Ngoại ơi, con không thấy buồn đâu, ngoại bày vẽ chi cho mệt.
Nói thế nhưng khi ngoại vưà quay lưng vào nhà, tôi bỗng thấy trơ trọi làm sao. Giá có vài đứa cùng dựng nhà chòi, chơi bán hàng thì vui biết bao nhiêu.
Tôi đang thừ người rầu rĩ thì nghe sột soạt nơi hàng rào. Ngoái nhìn thì tôi thấy gương mặt cuả một đứa con gái ló ra ngoài đám lá dâm bụt. Nó nhe răng cười rồi rụt lại, hàng rào trở lại y nguyên. "Đúng là đồ điên", tôi nhủ thầm. Lát sau, lại sột soạt. Lần này, một cánh tay đưa qua, lủng lẳng nơi bàn tay là chùm trái đen đen, tròn tròn. Bàn tay cú vươn về phiá tôi với chùm trái đong đưa mời gọi. Tôi hiểu cử chỉ muốn làm quen ấy. Nhớ lại nụ cười có chiếc răng khểnh dễ thương ban nãy, tôi bèn thò tay nhận chùm trái. Cánh tay lập tức rụt lại và tôi nghe có tiếng khe khẽ phiá bên kia hàng rào."Nhận rồi". Một giọng khác "có nói gì không ?". "Làm thinh hà !". Tôi bật cười rồi cũng bắt chước vạch lỗ rào thò đầu qua. Đứng bên kia là hai đứa con gái giống nhau như hai giọt nước. Chúng cùng "ồ" lên khi trông thấy tôi.
***
Ngày hôm ấy, hai chị em sanh đôi nhà cạnh vạch rào sang chơi với tôi. Chị em Thuý, Thuỳ bằng tuổi tôi nhưng đẹt như hai củ khoai sọ. Với vẻ lanh lợi, ngang tàng của đứa trẻ thành phố tôi trông ra dáng đàn chị hơn. Nhất là khi tôi đem những quyển album ra khoe những bức ảnh tôi đi Đà Lạt, Vũng Tàu, hai đứa cứ ngẩn tò te. Tụi nó chưa bao giờ đi quá đầu làng, làm sao mà thấy nuí, thấy biển. Thế nhưng chính Thuý, Thuỳ đã chỉ cho tôi những thú vui bất tận cuả mùa hè đồng quê. Những buổi đi bắt ốc mò cua, những buổi ra sông cái hái bần chín chấm muối ớt, với tôi đó là những kỉ niệm không bao giờ quên. Hai ngươì bạn nhỏ, quê mùa này làm cho tôi thật sự gắn bó, yêu mến thiết tha quê ngọai cuả mình. Tôi vẫn nhớ như in khi ba đứa dựng nhà chòi dưới gốc mận cạnh bờ mương. Vườn xanh mát, râm ran tiếng ve. Tụi tôi cắt lục bình, giả làm bánh mì, rồi vặt dây tơ hồng làm hủ tíu. Ba mái đầu chụm vào nhau miệt mài xắt, trộn, nhanh nhẩu bán mua... Chơi chán, Thuý rủ: "Nước lớn rồi, tắm sông đi". Dòng sông xanh biếc, rợp mát bóng dừa. Ba đứa ngụp, lặn, té nước nhau rồi nằm ngưả, ngắm mây trắng bềnh bồng. Những khi ấy Thùy thường tìm tay tôi xiết chặt. Tôi hỏi :
- Gì vậy ?
- Chừng nào An về thành phố ?
- Còn lâu mà. Chi vậy?
- An đi rồi chắc buồn lắm !
Rôì nó quay đi, thở dài. Tôi nhìn cô bạn mới quen cũng nghe nao nao nghĩ đến ngày phải rời xa nơi này. Thúy kêu lên :
- Thôi lên rẫy bẻ bắp, nướng ăn đi mấy chị. Em đói rồi.
Rẫy nhà Thùy nằm cạnh bờ sông, những luống bắp xanh mướt, ve vẩy hàng cờ, thẳng tắp.
- An lựa đi, cứ trái nào to thì hái.
Trong khi tôi bẻ bắp, hai chị em kéo chà, gom củi đốt lên. Bắp mới hái nướng lên thơm ngào ngạt, ngọt lịm.
Chúng tôi quấn quít, gắn bó nhau, trừ khi bận bịu việc nhà, Thuý, Thùy lúc nào cũng sang chơi. Bà ngoại rất hài lòng.
Bà thường mang thức ăn, bánh trái, giữ Thúy, Thùy ở lại ăn uống với tôi.
Còn một tháng nữa là nhập học, mẹ nhắn tôi về gấp để học hè ở trường. Bà ngoại ca cẩm:
- Hè mà cũng học nữa, tụi con nít ở đây có thấy học hành gì đâu.
Dì Út giải thích:
- Học sinh ở thành phố nó khác má ơi.
- Khác cái gì, tội nghiệp con An, cả năm mới nghỉ ngơi mà không được vui chơi cho thoả.
Tôi ôm cánh tay bà, biết bà sẽ cảm thấy thiếu vắng khi tôi không còn ở đây. Tôi hứa:
- Hè năm sau con lại về với ngoại nữa.
Buồn nhất là lúc chia tay với Thúy và Thùy. Ba chúng tôi ngồi trong vườn. Thúy xuýt xoa:
- Mai An đi rồi. Buồn ghê.
Thuỳ làm thinh cúi đầu, cầm cai que vẽ mãi trên đất. Trong hai chị em, Thùy trầm lặng và tình cảm hơn. Có một lần đi mò cá bống tôi bị cua kẹp ngón tay, nó cuống cuồng chạy đi hái lá đắp cho tôi. Tôi nóng lạnh, trùm mền. Thuỳ luôn ở bên tôi, săn sóc, ép ăn từng muỗng cháo. Chưa bao giờ tôi được sống trong tình bạn cảm động và thắm thiết đến như vậy...
Vậy mà cũng đến lúc phải rời xa. Chúng tôi cứ ngồi lặng ben nhau đến khuya. Bà ngoại giục tôi vào ngủ để mai kịp chuyến đò.
Giọng Thuỳ run run. còn tôi không nói nổi.
***
Hè năm sau, chiến tranh tràn đến quê ngoại, đường sá đi lại khó khăn, tôi không trở lại như đã hứa. Những năm kế tiếp, làng tôi trở thành vùng tranh chấp, bom pháo tơi bơì. Mãi đến hoà bình, tôi trở về, ngôi nhà cũ đã bị bom thiêu rụi, vườn xưa cành là ngổn ngang, bà ngoại cũng đã mất từ lâu. Tôi ngồi trong túp lều nhỏ che trên nền nhà xưa, nghe dì Út kể :
- Sau khi con đi, chị em Thúy, Thùy cứ nhắc mãi. Tụi nó rất nhớ con và đếm từng ngày trông cho đến hè để co về chơi. Bốn năm sau, làng ta bị bình định, giặc đốt trụi nhà cửa, trường học, chị em nó bị trung đạn trong một trận chống càn..."
Mộ của chị em Thúy, Thuỳ nằm trên một cái gò ở giữa đồng trống. Chỉ là hai nắm đất nhỏ nhoi chung quanh trồng những bụi dành dành bông trắng. Tôi đứng lặng một mình, nghe gió thổi vi vút qua đồng. Quê ngoại giờ như một tiếng thở dài, và tiếng thở dài ấy chắc sẽ mãi mãi đi cùng kí ức tuổi thơ tôi, đi tiếp vào nỗi niềm đàn bà sau này cuả tôi nữa.