Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.738
 
Một tác phẩm nghệ thuật
Sâm Thương

Thân yêu tặng các bạn tôi,

 

Nhà hàng Continental trên đường Tự Do, nằm  giữa trung tâm thành phố lúc này thật nhộn nhịp. Các phóng viên, đại diện các hãng  thông tấn báo chí    truyền thanh, truyền hình quốc tế, phần lớn có thói quen tụ tập ở đây để vừa  ăn uống vừa trao đổi  tin tức mỗi khi có mặt ở  Sài Gòn. Sau đó họ túa đi khắp các điểm nóng của chiến cuộc. Những ngày này tình hình chiến sự thật sự đang sôi động, những trận chiến đẫm máu  chưa từng thấy đang diễn ra ở Đông Hà-Quảng Trị giữa hai bên  nhằm mục tiêu chính trị, giành lợi thế trên bàn hội nghị ở Paris đang ở vào giai đoạn cuối.

 

Ở góc trong cùng, đạo diễn Phú Văn đẩy tập hồ sơ đến trước mặt tôi :

- Nếu cậu đồng ý hợp tác với tôi, cậu có thể ký vào bản hợp đồng và hồ sơ bảo hiểm  tôi đã chuẩn bị kỹ.

 

Tôi đặt bút xuống ký, không  đọc qua một  chữ nào trên trang giấy. Ông Phú Văn cũng không quan tâm đến thái độ của tôi, ông nâng ly Cognac lên môi uống cạn,  nói tiếp:

- Tôi biết cậu là một nhà quay phim có tài. Nhưng để có được một tác phẩm nghệ thuật, tôi có những đòi hỏi khắc nghiệt hơn nhiều với chính bản thân tôi, cũng như những cộng sự của tôi.

 

Ngừng một lát, ông hỏi:

- Cậu có ý kiến gì không?

 

Tôi nhìn ông, lắc  đầu:

- Tôi sẽ cố gắng làm đúng điều ông yêu cầu. Tôi cũng mơ ước thực hiện một cái gì đó có thể gọi là  nghệ thuật.

- Như vậy, chúng ta đã có chung một mục đích. Những vấn đề còn lại, nếu có, tôi cho là không quan trọng.

 

Như sợ  ông Văn hiểu sai  hay cố tình hiểu sai tinh thần của cuộc hợp tác, tôi  nói như để giải thích:

- Trước hết, tôi không chỉ là một chứng nhân. Đối với tôi, hình ảnh  là hành động. Ông thừa hiểu tôi muốn bày tỏ và người ta chỉ bày tỏ khi có ước vọng thay đổi.

 

Khi nói ra xong, tôi hối hận, vì có cảm giác  ông chẳng hề quan tâm đến điều tôi vừa nói. Hình như ông đang tập trung vào một điều gì đó, nhưng giọng ông  lại như ra lệnh:

- Bây giờ, cậu về nhà chuẩn bị, trong vòng nửa  giờ nữa tôi sẽ đến đón cậu ra thẳng phi trường. Chuyến bay của chúng ta sẽ cất cánh vào lúc 10 giờ 45.

 

Tôi sốt ruột nhìn ra cửa, rồi lại nhìn đồng hồ. Có lẽ Maggie không đến được, tôi đành đứng dậy bước ra. Vừa đến cửa thì Maggie Bancoft bước vào. Tôi đã quen với Maggie mấy năm trước. Lần đầu  chúng tôi gặp  nhau, cô mới học năm thứ ba khoa Báo chí  Đại học West Virginia. Cô có người anh trai vừa tốt nghiệp Quản trị Kinh doanh tại Syracuse University, New York, bị gọi quân dịch. Đến Việt Nam, mới tham dự cuộc hành quân lần  đầu đã bị chết trận, xác bỏ lại ở chiến trường Tây Ninh. Maggie đến Việt Nam để thực tập, nhưng đồng thời cô cũng muốn tìm tung tích của anh cô. Trong khi tôi cùng đám bạn ở dãy nhà sau của Tổng Hội, đang phân công viết bài cho số báo Sinh Viên mới thì cô bước vào. Cô hỏi tên  tôi và trao lá thư của một người bạn, nhờ tôi giúp đỡ, hướng dẫn cô khi cần. Tôi ngỡ ngàng vì đôi mắt nâu sậm quá đẹp của cô. Cô kiên nhẫn ngồi bên ngoài hành lang chờ cho đến khi tôi xong công việc.

 

Trong buổi gặp gỡ  hôm đó, ở một quán nước bên bờ sông, cạnh công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng, Maggie đã nói với tôi bằng một giọng nghẹn ngào, pha lẫn chút phẫn nộ về cái chết của người anh trai, về nỗi đau của mẹ cô, về phong trào chống chiến tranh Việt Nam và sự  khủng hoảng niềm tin của giới trí thức Mỹ.v.v…

 

Sau lần đó, tôi không có dịp gặp lại cô, nghe nói cô trở về Mỹ tiếp tục học. Gần hai năm sau, bất ngờ tôi nhận được một lá thư của Maggie ở địa chỉ cũ của tôi, cô viết:’’ Sau khi tốt nghiệp, tôi đã

may mắn được nhận vào làm việc cho New York Times. Chính ở đây tôi mong muốn trở lại Việt Nam, hình như Việt Nam có một sức mạnh vô hình nào đó luôn cuốn hút tôi, không thể cưỡng lại được. Nhưng trước tiên, tôi không thích chiến tranh, đặc biệt chiến tranh Việt Nam do chính quyền nước tôi tiến hành. Trong khả năng của mình, tôi muốn có cơ hội  nói cho nhân dân tôi biết tất cả sự thật, để bớt đi những cái chết không đáng chết như trường hợp của  anh tôi. Còn anh, hiện nay  anh đang làm gì, nghĩ gì về cuộc chiến tranh trên đất nước anh?’’. Sau khi đọc xong thư, tôi đã viết cho cô:’’ Tôi rất vui khi nhận được thư của Maggie và hy vọng được gặp lại cô ở Việt Nam. Tôi muốn trả lời câu hỏi của cô, mà đúng ra để trả lời cho chính tôi. Thú thật tôi vẫn chưa chọn được cho mình một thái độ dứt khoát.Phải chăng tôi là một kẻ ngụy tín?…’’. Trong thư, tôi không nói gì về những thay đổi của tôi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn khoa, tôi đã bỏ dạy học và viết báo để theo học một khóa quay phim. Mãn khóa tôi được gửi đi tu nghiệp ở Paris. Trở về, tôi chính thức làm việc tại Trung Tâm Quốc Gia Điện Anh. Công việc ở đây, ít ra đã không trực tiếp bắt tôi cầm súng. Tôi không muốn bắn vào người anh em tôi bên kia chiến tuyến;  cũng như tôi không muốn ngã xuống trước họng súng của họ. Ngoài công việc được giao phó, thỉnh thoảng tôi cộng tác với một vài hãng phim ngoại quốc, nhưng tôi vẫn luôn ấp ủ thực hiện những tác phẩm nghệ thuật của tôi, những phim tài liệu thể hiện nỗi đau của  đồng bào tôi đang phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh tàn khốc này.

 

Tháng 11.1971, Maggie quay lại Việt Nam với tư cách là một phóng viên chiến trường của báo New York Times, theo như ước nguyện của cô. Chúng tôi  gặp nhau một vài lần vì công việc, nhưng chỉ thực sự  hiểu và cảm thông nhau sau chuyến đi Lộc Ninh hai tháng trước. Lằn ranh giữa cái sống và cái chết đã đưa chúng tôi đến gần nhau hơn.

 

Maggie vừa từ Quảng Trị về được hai hôm, có lẽ cô bận viết bài nên hai đứa tôi không gặp nhau. Nhưng tôi hiểu chuyến đi sắp tới sẽ có nhiều hiểm nguy chờ đợi tôi, nên tôi muốn được nhìn thấy Maggie, muốn nói với cô một điều gì đó trước khi lên đường. Tôi điện thoại cho cô. Hẹn cô đến đây. Tôi chưa nói cho Maggie biết tôi đã nhận lời hợp tác đi Quảng Trị với ông Phú Văn.

 

Vừa nhìn thấy tôi, đôi mắt  Maggie mở to rạng rỡ :

- Em vừa phải chuyển bài phóng sự mặt trận Quảng Trị của em về tòa soạn ở New York. Sao anh hẹn em ra đây mà lại bỏ đi? Chúng ta có thể cùng uống cà phê được không?

- Cám ơn Maggie! Anh phải chuẩn bị  để ra phi trường.

- Anh đi đâu? Sao lúc nãy anh không nói?

- Quảng Trị !

- Quảng Trị? Em mới ở đó về, bây giờ đến lượt anh đi sao?

- Ông Phú Văn vừa cho anh biết.

 

Bất ngờ, Maggie nắm chặt lấy tay tôi, một thoáng lo âu trong mắt cô, nhưng trên môi vẫn nguyên vẹn  nụ cười duyên dáng và tự tin. Cô cố gắng làm ra vẻ tự nhiên:

- Hãy mang về cho em xem những thước phim của anh quay ở đó!

 

Nhìn đôi mắt màu nâu sậm của Maggie, đọc được nỗi lo lắng mà cô cố che giấu, tôi nói chỉ đủ cho Maggie nghe:

- Anh  sẽ vô cùng hạnh phúc, nếu  Maggie  có mặt trong buổi chiếu ra mắt đó.

 

Nói xong, tôi quay người hấp tấp bước ra khỏi nhà hàng. Tôi biết chắc rằng sau lưng tôi một đôi mắt đang dõi theo. Tôi thật sự không dám nhìn những giọt nước long lanh chực chờ trào ra trên khóe mắt đó.

Khi đèn báo hiệu chuyển xanh, tôi dợm chân định bước  nhanh qua đường tới chỗ đậu xe. Bỗng  giật nẩy mình  lùi lại, một chiếc xe GMC bám đầy bụi đỏ vụt qua. Một luồng gió tanh tưởi thổi  hắt vào mặt, làm tôi lợm giọng muốn ói.

 

*

Chiếc DC-6 Hàng Không Việt Nam cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất đi Huế. Từ trên  cao, tôi đưa mắt nhìn qua cửa kiếng máy bay, bên dưới là những cánh đồng bỏ hoang, những sông lạch chảy ngoằn ngoèo, những  hố bom lốm đốm trên mặt đất, những cột khói trắng vật vờ trôi… Nhìn sang bên cạnh, đạo diễn Phú Văn đang chăm chú đọc  báo, những tờ báo phát hành từ chiều hôm trước mà có lẽ ông chưa kịp đọc. Hình như lúc nào trông ông cũng có vẻ tất bật, ngay cả khi ông chẳng làm gì cả. Thực sự, cho đến giây phút này tôi  vẫn mơ  mơ hồ hồ, chưa hiểu  lý do tại sao  tôi nhận lời cùng ông ta ra Quảng Trị quay phim.  Ông  đã  không  nói cho tôi biết nội dung cụ thể. Thực ra, tôi  cũng không mấy chú ý đến những điều ông  nói. Tôi đã tình cờ  nghe một vài đồng nghiệp  nói  ít nhiều về ông. Ông là một đạo diễn độc lập, có quốc tịch nước ngoài, hợp tác với nhiều hãng phim và truyền hình lớn. Tên tuổi ông được báo chí và giới làm phim thế giới đánh giá cao bởi những thước phim mang ý nghĩa sâu sắc và giàu tính hiện thực. Hình như ở bất cứ đâu trên khắp thế giới cũng có dấu chân của ông đặt đến. Nhưng có điều gì nơi ông đã làm tôi  không thích tiếp cận hoặc muốn  hợp tác. Song tôi thật sự không hiểu đó là điều gì. Khi ngỏ ý mời tôi  cộng tác, ông chỉ cho tôi  biết  nhà quay phim đi chung với ông đã bất  ngờ  trở về nước vì vợ anh ta bị tai nạn xe hơi.

 

Mấy tuần qua, báo chí  Sài Gòn  tường thuật  về những trận  chiến đẫm máu  nổ ra  ở Đông Hà - Quảng Trị, nơi tôi sắp đặt chân đến. Nhưng không phải vì gian khổ hay vì cái  chết đe dọa mà tôi phân vân trước lời đề nghị của ông. Ngược lại, tuổi trẻ và máu nghề nghiệp luôn  đẩy tôi tới những điểm nóng. Càng khốc liệt tôi càng bị hút vào,  không cưỡng được. Bằng chứng, tôi vừa từ mặt trận đường 9 Nam Lào, từ chiến trường Charlie, địa danh của một đỉnh núi gần thị trấn Kontum trở về. Có một điều chắc chắn, tôi đã  không  nhận lời ông    số tiền được ký kết trong bản hợp đồng - tất nhiên là cao hơn rất nhiều lần so với đồng lương và phụ cấp hằng tháng của một công chức như tôi- đó là chưa nói tới  số tiền bảo hiểm trong trường hợp xãy ra điều gì bất trắc với tôi.

 

Dòng suy nghĩ  của tôi bất ngờ bị cắt đứt khi cô tiếp viên hàng không nhắc tôi cài lại dây an toàn. Máy bay đang chuẩn bị đáp xuống phi trường Phú Bài. Tôi cảm thấy bối rối  khi ngước lên tình cờ  bắt gặp  nụ cười trên môi của cô tiếp viên. Nụ cười  gợi cho tôi nhớ lại khuôn mặt của cô gái ở một làng quê vừa thoát ra khỏi trận giao tranh ở Xuân Lộc. Cô bước ra, trên cái nền đỏ rực của biển lửa sau lưng, nụ cười thoáng ánh lên trong mắt, trên môi, và mái tóc dài bay ngược trên bờ vai. Cô đẹp quá, thánh thiện quá, nhưng chỉ xuất hiện trong khuôn hình của tôi có mấy giây, nụ cười trên môi cô vụt tắt, cô gục xuống bởi một mảnh bom xuyên qua người. Đoạn phim này tôi vẫn chưa sử dụng, để dành dựng nó cho mở đầu một  phim mà tôi đang tìm kiếm ý tưởng.

 

*

Sau khi kiểm tra lại máy móc, đồ nghề lần cuối  tôi  leo lên chiếc xe Citroen cà tàng mà ông Phú Văn mượn hay thuê của ai đó, và tự mình cầm  lái. Trên mặt kiếng trước của xe, ông không quên dán chữ PRESS thật rõ. Chúng tôi lên đường đi Quảng Trị. Tôi nhìn lên mặt đồng hồ: 13 giơ, 37 , ngày 17.5.1972.

 

Khi xe chạy qua cầu Trường Tiền, tôi chợt  hiểu ra một điều, có lẽ một trong những lý do thúc đẩy  tôi nhận lời theo ông Phú Văn ra đây, nó hoàn toàn không mang  tính  nghề nghiệp. Tôi cứ tưởng tôi không quan tâm đến Huế, không muốn nhắc tới Huế. Nhưng trong tâm thức tôi vẫn khát khao muốn nhìn lại Huế. Huế vẫn là nỗi nhớ, là niềm đau trong lòng tôi. Những tà áo trắng bay bay của các nữ sinh Đồng Khánh trong gió mỗi sáng mỗi chiều tôi đi qua trên đó thuở nào đã luôn khuấy động tâm hồn tôi, chìm sâu trong vô thức.

 

Qua các ngả đường, ở đâu cũng thấy quán ăn, tiệm nước, vẫn đông đúc người qua kẻ lại. Nhưng sao khuôn mặt của Huế có vẻ như thất thần, mất máu. Xe chúng tôi chạy giữa con đường thẳng tắp quen thuộc với hai hàng cây cao, cành lá xanh, hoa phượng vỹ đỏ rực, mặt nước sông Hương loang loáng màu bạc trắng. Tôi nhớ khi còn học ở  Quốc Học, đã bao nhiêu lần tôi lang thang trên con đường này, đứng  dưới chân chiếc lư  nhìn  mưa bay trên sông, phía sau là cầu Trường Tiền mờ mờ ảo ảo. Bây giờ, cầu bị đánh sập đi mấy vài chưa kịp sửa, chiếc cầu mới dựng lên, án ngữ mất tầm nhìn, như một bức tranh có một lỗ hổng thật lớn. Tuổi trẻ của tôi cũng bị cuốn đi trong cơn lốc của chiến tranh.

 

Tới An Lỗ, tôi bắt đầu cảm nhận được thế nào là cái nắng nóng và những ngọn gió nồm nơi vùng đất khắc nghiệt này quất  lên da mặt rát bỏng. Mặt đường nhựa sáng loáng như những vũng nước ảo giác giữa sa mạc, là đà bốc khói. Hai bên đường chỉ có cát và  cát, cây cối khô héo, hút tầm mắt nhức nhối một màu bạc phếch, nghèo đói, khô cằn… Nhưng sao dân chúng vẫn bám vào đây để sống, để hiện hữu. Cái gì đã níu giữ họ? Vùng đất này không chỉ khắc nghiệt  bởi thiên nhiên nóng cháy, bởi giông bão cuồng nộ, mà còn hứng chịu nhiều hơn bất cứ đâu lượng bom đạn của cuộc chiến tranh dai dẳng này.

 

Qua khỏi cầu Mỹ Chánh không xa, chúng tôi bị chận  lại bởi một trạm kiểm soát quân sự, do một toán cảnh sát và quân cảnh phối hợp điều hành. Những cuộn rào kẽm gai chắn ngang đường.  Ông Phú Văn cho xe ngừng lại trước trạm, xuống xe, nói với viên trung sĩ  đứng giữa toán lính, tất cả đều  đội nón sắt, mang súng  và đeo phù hiệu:

- Các ông có thể cho phép chúng  tôi  qua. Chúng tôi là những người làm phim.

Viên  trung sĩ   nhìn ông Phú Văn, lắc đầu:

- Chúng tôi được lệnh không cho bất cứ một ai đi qua đây, vì trước mặt là  vùng  chiến sự.

 

Giọng ông Phú Văn vẫn bình tĩnh:

- Dù biết là nguy hiểm, nhưng chúng tôi không thể không đi.

 

Bất ngờ, một chiếc xe Jeep từ đằng sau chạy nhanh tới và thắng lại rất gấp. Từ trên xe một  trung úy quân cảnh, người cao lớn, bước xuống, đưa mắt nhìn những thuộc cấp:

- Chuyện gì?

Viên trung sĩ  quay  về phía ông Phú Văn:

- Trình trung úy, ông này…

Không đợi trung sĩ nói hết câu, ông Phú Văn bước tới đưa  giấy phép và thẻ báo chí  cho viên trung úy. Anh ta cầm lên đọc, đưa mắt nhìn ông Phú Văn như cân lượng đối tượng của mình là ai, rồi nhìn về phía tôi đang ngồi  trên xe. Xong anh ta  quay lại hỏi ông Phú Văn:

- Ông là đạo diễn Phú Văn?

- Vâng!

- Ông có biết trước mặt ông là một biển lửa?

- Tôi biết!  Điều đó lại cần thiết cho công việc của chúng tôi hơn là một vùng đất yên tĩnh.

- Nhưng ông không thể  qua được!

Ông Văn làm ra vẻ ngạc nhiên:

- Tại sao? Với tư cách là một nhà báo tôi có quyền đến bất cứ đâu.

Viên trung úy nhìn ông Phú Văn, mỉm cười:

-  Tôi lập lại, ông không được phép  đi qua đây!

Giọng ông Phú Văn có phần gay gắt:

- Tôi muốn biết lý do tại sao?

 

Viên trung úy vẫn từ tốn:

- Tôi không cần giải thích  với ông.

- Trung úy có thể cho tôi đi qua hay buộc tôi phải nói thẳng việc này với Tổng trưởng  Hoàng Đức Nhã hoặc tướng Trần Văn Trung, Tổng  cục  Chiến Tranh Chính Trị?

Viên trung úy cười khẩy:

- Ông muốn nói với ai, đó là quyền của ông! Ở đây, tôi  là người chịu trách nhiệm…

- Trung úy dám cản trở…

 

Làm như không nghe, viên trung úy thản nhiên đi thẳng vào trạm gác, bỏ mặc ông Phú Văn với nỗi phẫn hận. Nhưng ông cố đè nén cơn tức giận, mặt ông đỏ bừng, đôi chân ông run run tưởng chừng đứng không vững. Ông hiểu không thể tranh luận, hoặc viện bất cứ lý do gì  để có thể thay đổi được quyết định của viên trung úy. Ông lẳng lặng bước lên  xe. Không nói một lời nào, ông mở máy cho xe  quay trở lại con đường cũ.

Viên trung úy nhìn  xe ông Phú Văn vọt đi, mỉm cười  nói với đám thuộc cấp:

- Thật ra, chẳng có chỉ thị nào cấm cản ông ta hết, nhưng nhìn cái bản mặt ông ta tao thấy ghét, làm khó chơi. Nhưng với loại người như  ông ta không gì cấm cản  được đâu!

 

*

Đến một ngả ba, ông Phú Văn rẽ trái, chạy vào con đường đất, lác đác một vài ngôi nhà tranh xiêu vẹo. Giọng ông Văn  vẫn chưa hết hậm hực:

- Hắn cứ tưởng hắn không cho phép thì  tôi không biết tìm đường đi tiếp sao? Chúng ta chỉ cần đi đường vòng rồi bọc lại. Bọn chúng lấy đâu ra người để có thể kiểm soát tất cả các ngả đường.

 

Khi xe đã trở lại trên  đường quốc lộ, tôi xoay người ra phía  sau, mở va li sắt lấy chiếc camera cầm lên tay, gắn phim vào máy, kiểm tra ống kính,  rồi đặt máy lên đùi, một thói quen cố hữu của tôi. Tôi có cảm giác Ông Phú Văn  đang quan sát hành động của tôi, nhưng mắt ông vẫn hướng về phía trước, giữ chặt tay lái:

- Tôi muốn hỏi điều gì thúc đẩy cậu chọn nghề quay phim?

 

Không  bất ngờ trước câu hỏi của ông Phú Văn,tôi đáp:

- Tôi đã từng viết báo, nhưng rồi tôi cảm nhận  được  rằng chữ viết không thể có sức mạnh bằng hình ảnh.

 

Ông Phú Văn im lặng một lát rồi nói, nhưng hình như  không để nói với tôi:

- Tôi không cần  biết  nghệ thuật có vĩnh cửu hay không, nhưng ít ra sự hiện hữu của chính mình trong đời sống cũng là điều quan trọng.

 

Theo hướng Bắc trên quốc lộ, tiếng bom đạn dội lại càng lúc càng gần. Chạy được  khoảng mười mấy cây số trong cái nóng gắt, cháy bỏng của mùa hè, đã thấy xuất hiện những toán người chân trần lũ lượt bồng bế, gồng gánh chạy ngược chiều, đổ vào Huế, trốn khỏi nơi chiến sự tìm con đường sống.

 

Tôi nâng máy lên ngắm và bấm máy ghi nhận những hình ảnh đang diễn ra trước mắt. Những hình ảnh gần như rất quen thuộc đối với tôi. Tôi đã bắt gặp trên mọi nẻo đường, những nơi chiến sự nổ ra. Nhưng đối với tôi, nỗi đau khổ của những con người đang bỏ ruộng làng, nhà cửa đó trên nét mặt như còn rất mới, rất riêng, và chắc chắn không ai giống ai, không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Trước những cảnh tượng đó, tôi cứ luôn muốn ghi vào ống kính, mà thật ra nó đang ghi khắc trong tận cùng trái tim dễ vỡ của tôi.

 

Đến một khúc quanh, chiếc xe  đang chạy bỗng có tiếng rít lên như xé màng nhĩ. Một quầng lửa đỏ chói bùng lên. Một tiếng nổ long óc. Mặt đất chao đảo. Không gian méo lệch. Rồi cái gì đó nóng bỏng, rực lửa, nhọn hoắt, và tung tóe đập vào mặt. Trong phút chốc, tôi bị ném vào một khoảng trống tối đen và lơ lửng, hoàn toàn  không có khái niệm về thời gian, về cái sống, cái chết..

 

Khi mở mắt ra, tôi vẫn còn cảm giác tức tức ở ngực. Tấm kiếng trước mặt đã bị những mảnh bom phá vỡ. Quay sang ông Phú Văn, tôi bắt gặp cái nhìn của ông  về phía tôi. Tôi lên tiếng trước:

- Ông có sao không?

 

Ông Văn mỉm cười gượng gạo, khuôn mặt có phần nhợt nhạt nhưng vẫn toát ra một nghị lực đặc biệt. Điều đó làm tôi cảm phục ông.

- Không! Còn cậu?

 

Tôi đưa tay vuốt lại mái tóc, rồi mỉm cười:

- Tôi còn nhiều nợ nần, nên không chết ở đây được.

- Tốt! Để tôi khởi động xem thử xe có còn chạy được nữa không. Nếu không trục trặc thì chúng ta đi tiếp.

 

*

Xe tiếp tục chạy về phía Hải Lăng, vượt qua trên đoạn đường dài lỗ chỗ những hố bom, những xác người vương vãi, những chiếc sọ trắng hếu vất vưởng. Bất ngờ ông Phú Văn cho xe ngừng lại. Phía trước, ngay trên mặt đường nhựa có những ụ cát như những chiếc nón, những nấm mồ, cách khoảng vài ba mét một ụ, có đến mấy chục ụ. Tôi ngạc nhiên chưa hiểu chuyện gì. Ông Phú Văn  thản nhiên bước xuống xe và quay lại  nói với tôi:

- Ở dưới những ụ cát đó có thể là mìn, hoặc chỉ để nghi binh.

 

Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên:

- Mìn?

Ông Phú Văn không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi:

- Bây giờ , cậu chuẩn bị đặt máy ở  góc bên dưới , ống kính chiếu thẳng về phía ụ cát cuối cùng. Khi nào tôi ra hiệu quay thì cậu bấm nút  tự động cho máy chạy là được.

 

Ông Phú Văn  vừa nói dứt câu thì ở phía trước, trên bầu trời xuất hiện khoảng mười mấy chiến đấu cơ gầm thét bay lượn, tiếp theo là những tiếng nổ dữ dội, những cột khói  như những hình nấm khổng lồ bốc cao, thật gần.

Ông Phú Văn lên tiếng thúc giục:

- Cậu làm nhanh lên !

 

Dù chưa hiểu ông muốn quay những gì, nhưng tôi lập tức kéo cái va li sắt ra khỏi xe, vác lên vai nhảy xuống bờ, chạy đến vị trí ông đã dặn, sắp đặt chân đứng, đặt máy quay, kiểm tra ống kính. Khi mọi chuẩn bị coi như hoàn tất, tôi rút chai nước uống  một ngụm, rồi quay lại hỏi ông Phú Văn:

- Chúng ta sẽ quay gì đây, thưa ông?

 

Ông Phú Văn mỉm cười, nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Không phải cậu muốn có những thước phim sống động  đó sao? Tuy nhiên, nghề của chúng  ta cũng phụ thuộc vào ân sủng của Thượng Đế. Không biết hôm nay chúng ta có may mắn không đây?

 

Vừa nói ông vừa đến bên máy quay, đưa mắt nhìn vào ống kính, hình như ông muốn kiểm tra lại máy móc lần cuối. Tôi đang định nói với ông một điều gì đó mà chưa biết mở lời như thế nào. Bất ngờ, phía cuối đường những âm thanh náo loạn dội lại. Một chiếc xe khách, tôi nhìn kỹ nó giống như một chiếc xe khách xuất hiện trên mặt đường, trên xe chất đầy người, những người dân chạy loạn, có lẽ họ từ Hải Lăng vào; ngoài những người ngồi chật cứng trên nóc, những người khác đeo toòng teng vào thành xe và cánh  cửa. Tôi hoảng hốt khi nhận ra chiếc xe chạy thẳng về phía những ụ cát. Không kịp suy nghĩ, tôi bỏ máy chạy về phía chiếc xe khách đang trườn tới, đưa hai tay ngăn và hét lên:

- Ngừng lại! Ngừng lại! Nguy hiểm… Không nên chạy qua đó!

Nhưng ông Phú Văn đã chạy theo, nắm  tay tôi kéo trở lại:

- Cậu làm gì vậy? Trách nhiệm của cậu là đứng  sau máy quay!

Tôi quắc mắt nhìn ông:

- Thế ai trách nhiệm về cái chết của những người đi trên chuyến xe đó?

 

Ông Phú Văn  giận dữ đấm thẳng vào mặt tôi một cú đấm như trời giáng. Tôi đau đớn bật ngửa người, ngồi bệt  xuống, hai tay chống lên mặt cát bỏng, tê cứng không cử động được.

Ông nhìn tôi, gằn giọng:

- Tôi trả lời câu hỏi của cậu đây. Trách nhiệm về cái chết của những người đó, chắc chắn không phải là trách nhiệm của tôi hay của cậu. Cậu đừng có ảo tưởng. Đó là trách nhiệm của Thượng Đế, nếu cậu tin có Thượng Đế  hay ít ra là của hai phe đang đánh nhau kìa. Tôi không làm chính trị, cũng không làm từ thiện. Tôi làm điều mà tôi yêu thích, đó là nghệ thuật. Ít ra, trong cuộc đời tôi cũng có một công việc để đeo đuổi, để tận tụy và tôi sẽ đi đến  cùng mục đích của tôi.

 

Nói xong, ông thản nhiên  lùi lại bên máy quay, đưa mắt vào ống kính điều chỉnh, rồi bấm lên nút tự động của máy, ống kính vẫn chiếu thẳng về phía  những ụ cát  cuối  cùng trên đường nhựa.

 

Chiếc xe vẫn vô tình tiến tới, rồi những tiếng nổ dữ dội liên tiếp vang lên, những tiếng la hét thất thanh. Tôi quay lại, chiếc xe đò bị hất bắn  lên, những  xác người tung tóe văng ra, máu tươi vung vãi.

 

Tôi nhắm nghiền đôi mắt không dám nhìn thêm cảnh tượng bi thương đang diễn ra trước mắt. Ông Phú Văn vẫn kiên trì và chăm chú bên  máy quay. Tiếng máy vẫn chạy rè rè xoáy vào tai tôi. Bình thường tôi yêu những âm thanh  quen thuộc này lắm, bởi vì nó là mơ ước, là khát vọng và là cuộc sống của tôi; nhưng sao hôm nay nó làm tôi đau đớn, phẫn nộ, đầu tôi  căng nhức như bị động kinh. Trong cơn hốt hoảng, trí  óc tưởng như tê dại, tôi cắm đầu chạy, bỏ mặc ông Phú Văn với những thước phim của ông, một tác phẩm nghệ thuật đang hình thành.

 

Anh nắng chiều nhạt nhòa. Tiếng  đạn bom vẫn tiếp tục gầm thét. Đứng giữa cánh đồng cát trắng hoang vắng, chợt nhớ đến đôi mắt nâu sậm và lời dặn dò của Maggie trước khi lên đường, tôi ôm mặt khóc như một đứa trẻ bị bỏ rơi không biết đường về nhà.

 

*

Khi tôi bước vào nhà hàng Continental, Maggie đã ngồi sẵn chờ tôi ở đó tụ bao giờ. Nhìn thấy tôi, nàng đứng dậy, đưa hai tay  ôm chặt lấy tôi, như sợ vuột mất. Khuôn mặt nàng như thể được chiếu sáng từ  bên trong bởi một nguồn  sáng có sức cuốn hút kỳ diệu. Tôi có cảm giác  chưa bao giờ nàng cảm thấy hạnh phúc như lúc này. Maggie rưng rưng nước mắt:

- Cám ơn Thượng Đế đã trả anh về cho em.

 

Không đáp lại lời nàng, tôi hôn lên đôi mắt của Maggie. Khi đã ngồi xuống ghế nệm dài, bên một cái bàn nhỏ, Maggie đẩy tờ Washington Post  đến trước mặt tôi, đưa tay chỉ vào cột báo ở trang nhất, bên phải. Tôi cầm tờ báo lên, đọc qua, bài viết hết lời khen ngợi cuốn phim, cũng như tài năng của ông Phú Văn. Không ngạc nhiên, tôi đặt tờ báo xuống bàn.

 

Maggie nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nàng nửa yêu thương, nửa hờn trách:

- Em đã được mời  xem phim. Cuốn phim đã cuốn hút em, tạo ấn tượng rất mạnh  đối với em và tất cả những người cùng xem. Thật khủng khiếp! Em không tin nổi những hình ảnh đã quay được. Nhưng em thắc mắc  không biết làm cách nào các anh có thể có được góc máy như thế, chiếc xe tung bổng lên khỏi mặt đất, những đôi chân bị cắt ngang từ từ rơi xuống? Và tại sao anh vắng mặt trong buổi chiếu ra mắt ?

 

Sự ân cần của nàng, sự dịu dàng của nàng khiến tôi xúc động. Tôi  nắm chặt lấy hai bàn tay xinh đẹp của Maggie và muốn nói, nói tất cả, nhưng có cái gì đó đã làm tôi nghẹn ứ cổ họng, nói không ra tiếng. Nhưng tôi  vẫn  cố gắng hết sức, không kềm giữ được:

- Maggie, anh đã trở về đây, nhưng anh không có thước phim nào trong tay  để tặng em như anh đã mơ ước. Anh không thể xây dựng tác phẩm của anh bằng chính nỗi đau của người khác.

 

Maggie ngước lên nhìn thẳng vào tôi, mắt nàng long lanh như sắp khóc. Bên ngoài, đường phố đã lên đèn, cơn mưa bất chợt đổ ập xuống. Maggie và tôi nhìn nhau không nói. Bất ngờ  hai đứa bật dậy, nắm chặt lấy tay nhau hấp tấp bước ra khỏi nhà hàng. Đường phố vắng tanh. Chúng tôi lặng lẽ đi  trong cơn  mưa tầm tã…

 

22.12.2002

Sâm Thương
Số lần đọc: 3135
Ngày đăng: 25.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tóc rối - Trần Lệ Thường
Khám nghiệm tử thi - Georg Heym
Vợ trời đánh - Nguyễn Sinh
Một ngày..ở đất tạm dung ! - Vũ Trà My
Giữa trần gian và địa ngục - Nguyễn Đình Bổn
Ma nhòa - Đặng Thân
Một cuộc tự tử - Ninh Vũ
Người nước Tần - Trương Đạm Thủy
Lá thư bỏ quên - Nguyễn Lệ Uyên
Ngã rẽ(*) - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)