Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.232.920
 
Đàn bà & rắn độc
Nguyễn Sinh

Một thời gian khá lâu trước đây, tôi với Sơn từng quen biết nhau. Ấy là lúc tôi còn làm công tác quản giáo ở trại cải tạo BL, cách nay hơn mười lăm năm rồi. Khi đó, Sơn hãy còn khá trẻ, chỉ độ chừng 19, 20 tuổi. Vậy mà đối với tôi, Sơn chính là một trong những kẻ mà người đời cần phải gọi đúng tên: phạm nhân.

 

Sơn bị bắt vì một lý do khá đơn giản trong đợt chiến dịch thu gom tệ nạn xã hội ở địa phương. Ở lần này, khi anh ta đang cùng các tên “đồng bọn” hút chích xì ke. Cũng giống như những đối tượng khác, Sơn bị đưa lên đây cải tạo lao động tập trung. Ba năm ngắn ngủi trôi qua, do nhận xét hành vi đạo đức của Sơn có chuyển biến tốt nên Sơn đã được trả tự do. Tiếp theo, Sơn đi đâu, về đâu tôi không thể biết được, vì những công việc bận rộn hầu như liên tục triền miên của mình. Hơn mười lăm năm đã lần lữa trôi qua. Một khoảng thời gian khá đủ cho người ta tĩnh tâm làm lại cuộc đời. Và tôi đã gặp lại anh, lần này đúng vào cái thời khắc như thế mà quả tình chúng tôi cũng thấy bất ngờ thú vị với cuộc tri ngộ ấy. Trên một dãy đất rừng của vùng giáp biên giới phía Tây, Sơn đã tỏ ra mừng rỡ khi anh nhận ra tôi trước khi tôi vừa kịp định thần để nhớ mang máng rằng tôi cũng từng biết đến anh ta ở đâu đó.

– Kìa! Chú Hai! Có phải là chú Hai Sinh đó không?

– Ồ đúng rồi! Hai Sinh đây! Còn cậu đây là…?

– Trại BL, chú Hai nhớ ra cháu chưa?

– A, tôi nhớ ra rồi! Chà, bây giờ sống ở đây sao? Giờ tôi hưu rồi, hết công tác ở BL. Chỉ đi đây đó “ngao du” thôi. Nào, hiện đang làm nghề ngỗng gì? Nhà cửa ở chỗ nào? Đã hết “chích” hay chưa vậy?

 

Tôi hỏi một thôi dài khiến Sơn lúng túng không biết trả lời câu nào trước câu nào sau. Khi đó, Sơn đang đi bằng một chiếc xe đạp Trung Quốc trông còn rất  mới, phía sau là cái lồng bằng thứ lưới thép B40 chễm chệ trên chỗ đèo hàng. Trong lồng lúc nhúc năm, sáu con rắn. Con nào cũng to, dài thườn thượt. Sơn nói:

– Dạ! Cháu về miệt rừng này cũng hơn mười năm rồi đó chú. Sống ở đây mà lòng thanh thản, ít bị cái xấu rù quến chèo kéo như hồi còn ở dưới thành phố. Bây giờ làm nghề bắt rắn như chú thấy đó… Chú Năm nè, hay là lâu lâu gặp nhau, chú theo về chỗ cháu chơi ít hôm. Nhớ hồi trước trong trại, chú thương cháu lắm mà, nghen chú? Kỳ này, cháu sẽ đãi chú món thịt rắn với rượu rắn “đã” lắm chú ơi. Được không vậy chú Hai Sinh?

 

Nghe Sơn khẩn khoản quá, với lại chính ra tôi cũng định tìm về vùng này tìm hiểu đời sống, phong tục người dân tại đây để chuẩn bị bắt tay viết một quyển sách. Bỗng đâu gặp lại “cố nhân” thì còn gì hay hơn. Về hoàn cảnh của Sơn ngày trước, tôi cũng khá rõ qua nghiên cứu hồ sơ lý lịch và trực tiếp làm việc với anh. Sơn mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, mới lên tám đã phải sống cuộc sống bụi đời, lang thang vất vưởng cùng đám trẻ vô thừa nhận. Lớn thêm chút nữa thì theo tụi du côn giựt dọc, “xách giỏ” hoặc giả làm ăn mày ăn xin. Đời Sơn 19, 20 năm “sóng gió bụi trần”, tới lúc va vấp vào ma túy, xì ke thì đi vô… trại cải tạo. Hơn mười lăm năm rồi sau khi được trả tự do, tôi cũng muốn tìm hiểu xem Sơn đã tự mình chống chọi như thế nào mà bỗng dưng hôm nay gặp lại anh, tôi thấy anh thật hiền lành, lương thiện quá, trái ngược hẳn với bộ mặt rỗ chằng chịt bởi căn bệnh đậu mùa từ thuở bé còn để lại di chứng. Hẳn cũng là chuyện không nên bỏ phí?

 

Tôi quảy túi ba-lô đi theo Sơn về tới cổng nhà anh thì trời cũng đã xế chiều. Nhà Sơn là căn chòi mái lợp bằng tranh nhưng khá rộng rãi, kín đáo ở ven bìa rừng. Trong nhà chỉ có vài thứ đồ vật thông thường chứ không có thứ chi giá trị lớn. Tôi đang loay hoay rửa tay rửa mặt chỗ cái lu nước trước sân nhà chợt trông thấy một cô gái còn khá trẻ, khoảng 25 – 26 tuổi từ phía trảng tranh băng thật nhanh ra như con sóc. Cô ta cắp nách một chiếc rổ mê đựng dăm bảy củ khoai mì sống. Sơn nhìn ra, anh ta chợt quắc mắt:

– Lại qua bên đó nữa phải không? Nói hoài không chịu nghe! Cái thằng đó nó không có tốt đâu! Nè, mau vô nhà chuẩn bị làm thịt rắn đãi chú Hai Sinh… Cơm nước nấu xong chưa mà đi chơi lung tung thế?

 

Qua cách nói, tôi biết cô gái kia là vợ của Sơn, nhưng tôi chợt nhận ra vẻ mặt tuy khá xinh đẹp của cô gái nhưng có điều gì đó thất thường. Sơn hiểu cái nhìn của tôi, anh bèn ôn tồn giải thích:

– Nó tên Lan, là vợ cháu đó chú Hai Sinh. Lấy nhau tám, chín năm nay rồi mà không có mụn con nào. Cái đầu nó bị “man man” nhưng hiền lắm, mà cũng xinh gái nữa. Bình thường khó ai biết là nó khùng. Cháu gặp nó hồi năm 1999 ở chợ huyện khi đi bán rắn trên ấy. Tự nhiên thấy thương nhau nên chúng cháu kéo nhau luôn về đây sinh sống, làm vợ làm chồng…Như vậy đó chú!

 

Cuộc sống của dân giang hồ có khác! Sao mà đơn giản dễ dàng quá vậy? Hay là chúng đùm bọc che chở nhau khi gặp người đồng cảnh ngộ? Tôi chợt thấy tội nghiệp cho Sơn và cô gái tên Lan kia. Đang vẩn vơ nghĩ ngợi, tôi lại thấy Lan mang mâm đĩa lên. Thì ra cô gái đã làm xong món nhắm, mau tắp lự. Món rắn hổ hành bằm xào xả ớt, có cả bình toong rượu đế. Sơn nhìn vợ, lại buông lời cáu gắt:

– Xuống bếp lo cơm nước đi! Chút nữa rồi ăn sau! Đứng đây nhìn ngó cái chi? Nấu thêm một lon gạo cho chú Hai đây ăn luôn thể…

 

Lan gật đầu, cười ngỏn ngoẻn không hiểu đắc ý chuyện gì. Tôi bỗng để ý thấy Lan đang cố giấu giếm cái gì trên tay, ở sau lưng. Nhìn kỹ thêm hóa ra củ khoai mì nướng, chắc là cái thứ mà nó vừa mang ở đâu về khi nãy. Sơn rót rượu ra chén, dùng hai tay đưa lên ngang mày mời. Tôi hỏi:

– Ngày mai anh lại đi bắt rắn về mang ra chợ bán hả?

– Dạ! Chi vậy chú?

– Chú muốn đi theo anh một bữa. Có trở ngại gì không?

-- Trời! Trở ngại gì hả chú? Càng vui! Nhưng có điều hơi nguy hiểm, chú Hai phải cẩn thận đó. Có cả một ổ rắn chàm quạp, bữa nay cháu bị hụt, uổng ghê, quyết ngày mai phải tóm bằng được chúng nó!

 

x

 

…Tôi vạch lá rừng đi theo sau Sơn vì tính hiếu kỳ, tò mò cố hữu, chớ thâm tâm cũng rất ngán ngại khi thấy Sơn đi bắt rắn độc mà đồ nghề ngoài sợi dây thừng, cái chĩa thép sắc lẹm hình chữ V, chai thuốc rượu mà anh nói mua của một người dân tộc trên “sâu” thì chẳng có cái gì khác. Tôi bấm bụng hỏi:

– Đi kiểu này, rủi bị rắn nó mổ bất tử thì làm thế nào đây?

– Hổng sao đâu chú Hai! Miễn mình mang “giày bốt” cho cao, đừng để con rắn nhận ra thân nhiệt hay bôi “thuốc nghề” cho kỹ lúc thò tay vào hang rắn. Rắn thuộc giống mắt trơ nên mình đi ban ngày chúng có gặp cũng nhìn thấy mình mù mờ thôi. Đúng ra, phải mang theo cục da tê giác, phòng khi có chuyện thì đắp sẽ thoát chết, nhưng cháu không có thời gian tìm mua…

– Da tê giác nào? Ở đâu mà có chứ?

– Nghe nói ở trên vùng rừng Dak Lak có nhiều lắm đó chú.

Sơn lại chỉ cho tôi mấy cây nấm dại gọi là “nấm nọc rắn” mọc từng đám bên gốc cây. Anh căn dặn tôi càng cẩn trọng vì như vậy nhất định quanh đây phải có hang rắn chàm quạp. Anh nói:

– Chú biết không? Bọn rắn chàm quạp vùng này mới qua mùa luyện nọc. Lúc đó chúng chỉ nằm im, đêm về mới bò ra, chỉ nằm bất động mà phì nọc. Thứ nấm màu vàng này mọc lên từ nọc của chúng. Người đi rừng bất cẩn để cho gan bàn chân giẫm phải thứ nấm này về nhà phù mình mẩy ngay… Kìa chú xem xem…!

 

Sơn lại chỉ cho tôi thấy mấy vẩy mà anh đoan chắc của con rắn chàm quạp nào đó. Sơn thoăn thoắt vạch lá khô và quả nhiên dưới đám lá ấy có một cái lỗ như hang chuột cống, nhìn vào thấy đen ngòm. Sơn im lặng, không nói nữa. Anh xoa “thuốc nghề” từ vai xuống hết đầu ngón tay. Tôi ngăn lại:

– Trời! Bắt rắn chàm quạp bằng tay không vậy hay sao? Nguy hiểm quá!

– Phải vậy mới tóm được nó chứ chú Hai ơi!

 

Tôi nhắm nghiền mắt sợ hãi khi thấy Sơn thọc tay vào cái hang sâu hoắm ấy. Thoắt một cái, Sơn rướn người khiến tôi cũng hết cả hồn. Nhưng có lẽ không có điều gì không may xảy ra cho Sơn cả. Anh ta chợt mừng rỡ kêu lên “Dính rồi! Dính rồi!” và từ từ rút tay ra. Tôi muốn… té ngửa vì kinh hãi: bàn tay Sơn đang tóm chặt cổ con rắn chàm quạp mình đỏ như màu máu, đầu hình tam giác. Nó giãy giụa, loằng ngoằng cựa quậy. Sơn hối thúc tôi đưa cho anh chiếc giỏ đan toàn bằng dây kẽm rồi cho thả con rắn dài gần thước rưỡi vào đó. Sơn bật cười hề hề:

– Bữa nay trúng mánh đậm nghen chú Hai.

Xế trưa, tôi và Sơn quay trở về nhà anh ta. Chiến lợi phẩm là chiếc lồng rắn chàm quạp nhung nhúc bảy con. Sơn nói:

– Mình “thịt” hai con, còn lại mai mang giao cho mối lái dưới chợ huyện…

 

…Gần hai tháng sau, trên đường đi công tác ở Tây Nguyên trở về, tôi lại cố ý ghé thăm Sơn và cũng để tặng cho anh miếng “da tê giác” mà tôi đã cố nài nỉ mua cho bằng được của những người dân tộc Thượng khi tôi đến Dak-Lak, xem như món quà cho anh. Người mở cửa đón tôi là một người đàn ông lạ mặt nhưng thực ra không hẳn là lạ vì tôi nhớ ra là mình từng gặp anh ta ở bên trảng tranh cạnh nhà Sơn vào đúng cái hôm tôi và Sơn đi săn rắn chàm quạp trở về. Anh này trông thấy chúng tôi thì vội vàng rảo bước lẩn mặt ngay. Chính Sơn nói với tôi dường như mấy lúc sau này tay kia có tình ý chi đó với con Lan – tức vợ Sơn – và Sơn đang rắp tâm theo dõi. Người đàn ông nọ dĩ nhiên không quen biết tôi nên quay vào nhà, gọi to:

– Lan ơi, có ai tới tìm đây nè…

 

Con vợ của Sơn bước ra nhìn tôi cũng với ánh mắt vô hồn. Nó làm như chưa bao giờ gặp tôi và nói một lèo hệt như… học trò trả bài cho thầy giáo:

– Thằng Sơn hả? Nó chết rồi! Bị rắn chàm quạp cắn! Có Trời mới cứu nổi…

Tôi thở ra nhè nhẹ, nhìn khắp chung quanh gian nhà. Cũng không thấy bàn thờ của Sơn ở chỗ nào. Phía trên chiếc giường tre của vợ chồng Sơn lúc trước có treo lủng lẳng mấy bộ quần áo đàn ông mà tôi tin chắc không phải là của Sơn. Chẳng biết nên nói gì nữa nên tôi chỉ biết quảy chiếc balô trên lưng, đi ra khỏi ngõ…Cứ nghĩ ngợi mãi không biết giữa lòng dạ đàn bà và rắn độc, thứ nào …độc hơn?

Nguyễn Sinh
Số lần đọc: 2552
Ngày đăng: 26.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tác phẩm nghệ thuật - Sâm Thương
Tóc rối - Trần Lệ Thường
Khám nghiệm tử thi - Georg Heym
Vợ trời đánh - Nguyễn Sinh
Một ngày..ở đất tạm dung ! - Vũ Trà My
Giữa trần gian và địa ngục - Nguyễn Đình Bổn
Ma nhòa - Đặng Thân
Một cuộc tự tử - Ninh Vũ
Người nước Tần - Trương Đạm Thủy
Lá thư bỏ quên - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Vợ trời đánh (truyện ngắn)
Đàn bà & rắn độc (truyện ngắn)