Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.232.454
 
Bốn bức tranh
Phạm Ngọc Hiền

Mã Lương là một hoạ sĩ nổi tiếng và vẽ tranh theo nhiều trường phái khác nhau. Tranh của anh giàu ẩn ý, thường lấy phong cảnh và đồ vật để diễn tả nội tâm con người. Đối với những bức tranh nào tâm đắc, thể hiện một kỷ niệm hay một ấn tượng nào đó khó phai mờ trong đời, anh thường giữ lại, không chịu bán dù khách trả với giá cao. Trong phòng khách của anh, người ta thấy có bốn bức tranh sau:

 

Bức tranh thứ  nhất vẽ một căn phòng sang trọng ở thành phố. Phía ngoài của sổ căn phòng là một vườn cây cảnh nói lên địa vị của chủ nhân. Và phía xa hơn là cảnh phố phường tấp nập với những toà nhà cao tầng chen chúc nhau. Nhân vật chính của bức tranh là một phụ nữ quý phái trong bộ đồ ngủ rất khêu gợi. Tay nàng cầm quyển truyện với nhan đề “Người đàn bà phù phiếm”, mắt nàng đăm đăm nhìn ra xa như chờ đợi ai. Trong phòng còn có nhiều đồ vật khác nhưng đáng chú ý nhất là một cái ly đựng nhiều cọ vẽ và trên tường treo mấy bức tranh phong cảnh. Chứng tỏ trong nhà này có người hoạ sĩ  thích vẽ cảnh thiên nhiên và anh ta đang có chuyến thực tế ở đâu đó, như tới miền núi chẳng hạn. Thiếu phụ đa tình trong tranh có thể đang chờ chồng hoặc cũng có thể chờ một ai đó không phải chồng mình. Có trời mà biết được cô ta đang nóng lòng chờ ai.

 

Bức tranh thứ hai vẽ khung cảnh miền núi, tâm điểm là một cô sơn nữ nửa nằm nửa ngồi trên tảng đá, dưới chân cô là một dòng suối uốn lượn. Ta có cảm giác rằng cô đang chuẩn bị tắm vì cái áo đã được cởi rồi, để lộ đôi trái bầu tiên căng tròn chín mọng. Một tay cô đang kéo chiếc váy xuống, chuẩn bị cảnh khoả thân (dĩ nhiên là cảnh đó diễn ra trong đầu óc khán giả vì nhân vật trong tranh không thể cử động được). Khuôn mặt cô quay về phía sau, không phải để đề phòng mà hình như đang mời gọi ai đó đến với mình, bởi vì đôi má cô hồng hồng, đôi môi cô múm mím, đôi mắt cô long lanh. Anh mắt của cô nhìn thẳng về một điểm, không phải nhìn vào một cành cây hay một người cùng giới vì đôi mắt ấy toát ra vẻ đắm say, e thẹn. Rõ ràng cô ta đang nhìn vào ánh mắt của một chàng trai nào đó không xuất hiện trong tranh nên các khán giả tha hồ vẽ ra khuôn mặt của anh ta theo cách tưởng tượng của mình. Ngoài ra, bức tranh còn có hai cây cao nằm ở hai bên bờ suối giơ những cành lá chạm vào nhau thể hiện sự giao hoan của vạn vật. Bên cạnh là một rừng cây lá sum sê dăng thành bức màn bao quanh cô thiếu nữ sẵn sàng che cho cô nếu cô tắm hoặc tâm sự với bạn tình. Thời gian trong bức tranh là một buổi chiều không quá sáng nhưng cũng không quá tối, đủ để soi khuôn mặt hừng hực lửa của cô và tạo điều kiện cho đôi trai gái đến với nhau một cách đàng hoàng. Và khi chuyện trò của họ đã đến hồi “chín” thì ánh sáng sẽ rút lui hoàn toàn để trả quyền cai quản cho bóng tối. Mà bóng tối thì bao giờ cũng là bạn đồng hành với tình yêu. Nhiều người xem tranh không khỏi khao khát: giá như mình có thể… với người thiếu nữ ấy. Nhưng thời nay không ai còn có “cây bút thần” để biến ước mơ thành hiện thực. Và nhờ vậy, người sơn nữ xinh đẹp kia cứ mãi ngự trị trong tranh để làm nên giá trị kiệt tác của nó.

 

Bức tranh thứ ba vẽ cảnh một phòng ăn rất quen thuộc với những gia đình thành phố. Nghĩa là cũng có bếp ga, giá đựng chén bát, xoong nồi treo lủng lẳng… Phía dưới bồn rửa chén là một thau đồ chưa gặt, nếu nhìn kỹ, ta thấy trong đó có tã lót, bít tất trẻ em… Từ đó có thể suy đoán đôi vợ này đã có con chừng một, hai tuổi. Những người có kinh nghiệm cho biết, đây là thời điểm các đôi vợ chồng trẻ có những xung đột kịch liệt nhất. Tâm điểm của bức tranh là một cái bàn ăn trên đó có nhiều thứ ngổn ngang, bề bộn. Hai đôi chén đũa, một tô canh thừa, một đĩa đựng nửa con cá kho, một con dao Thái, và vô số vỏ cam vứt bừa bãi. Nếu nhìn kỹ dưới nền gạch hoa, ta còn phát hiện những mảnh của một cái bát vỡ. Có thể trong lúc ăn, hai vợ chồng cãi nhau và một người đã giận dữ đập vỡ cái bát. Đó chỉ là suy tưởng căn cứ vào đồ vật trong phòng, chứ trong bức tranh này không có con người. Tuy nhiên nếu để ý các chi tiết phụ, ta vẫn thấy có một hình người rất nhỏ nằm trong bức tranh treo phía trên nhà bếp. Đó là bức tranh thứ hai đã được hoạ sĩ lồng ghép vào bức tranh thứ ba. Và chi tiết phụ này có thể rất quan trọng trong việc lý giải nguyên nhân tạo ra cái cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

 

Bức tranh thứ tư cũng có khung cảnh gần giống như bức tranh thứ hai. Chỉ khác ở những chi tiết sau: trên tảng đá không có bóng hình người sơn nữ nữa. Và cũng mất đi một cây cao phía bên trái bờ suối, chỉ còn lại một cây đứng cô đơn với những cành nhánh gầy guộc như run rẩy thả những chiếc lá vàng chao rơi trong gió. Những cây con trong bức tranh thứ hai nay đã cao hơn trong bức tranh thứ tư, chứng tỏ thời gian sự kiện trong hai bức tranh cách xa nhau tới mấy năm. Màu sắc trong bức tranh thứ  tư có vẻ tối hơn và pha một màu sương khói bàng bạc. Khung cảnh không có con người nên hoang vắng lạnh lùng.

 

Người ta nhận thấy rằng, đã hơn mười năm kể từ ngày hoạ sĩ Mã Lương dọn về ở trong căn nhà tồi tàn này, phòng khách của ông chỉ có mỗi bốn bức tranh đó, không có bức thứ năm. Trong khi đó, thời gian đã bắt đầu vẽ những nét hoa râm trên mái tóc của ông…

Phạm Ngọc Hiền
Số lần đọc: 2870
Ngày đăng: 27.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đàn bà & rắn độc - Nguyễn Sinh
Một tác phẩm nghệ thuật - Sâm Thương
Tóc rối - Trần Lệ Thường
Khám nghiệm tử thi - Georg Heym
Vợ trời đánh - Nguyễn Sinh
Một ngày..ở đất tạm dung ! - Vũ Trà My
Giữa trần gian và địa ngục - Nguyễn Đình Bổn
Ma nhòa - Đặng Thân
Một cuộc tự tử - Ninh Vũ
Người nước Tần - Trương Đạm Thủy
Cùng một tác giả
Bốn bức tranh (truyện ngắn)
Bên nấm mồ thi nhân (truyện ngắn)
Thuở Ban Đầu (tạp văn)