1. Vĩnh biệt người cộng sản trung kiên
Trong khi tác nghiệp, tôi nhận được hai lá thư của bà Bảy Huệ (phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) và bà Nguyễn Thị Được (nguyên khu ủy viên Khu Tây Nam bộ, Phó ban Phụ vận Trung ương Cục miền Nam, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam) đề nghị minh oan cho ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải) trong vụ án Cimexcol Minh Hải 20 năm trước.
Khi nghe tin ông Năm Hạnh phải vào Bệnh viện Thống Nhất do bệnh ung thư hiểm nghèo đến giai đoạn cuối, tôi đã đến thăm ông. “Tôi quyết chiến đấu với bệnh tật đến cùng, tiếp tục sống, tiếp tục đấu tranh để nhìn thấy ngày vụ án được minh oan” - ông Bình nói với tôi như vậy.
Từ những điều trên đã thôi thúc tôi làm một cái gì đó để góp tiếng nói làm rõ về vụ án này.
Tôi bắt đầu từ việc tiếp xúc với những người có liên quan trong vụ án, tập hợp hồ sơ. Người đầu tiên mà tôi tìm gặp là ông Nguyễn Quốc Sử (Ba Chiến), nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Minh Hải. Những thông tin, tài liệu cùng biểu hiện mềm lòng, nức nở của ông Sử khi kể về ông Năm Hạnh cho tôi sớm cảm nhận đây là một vụ án oan. Tôi tiếp tục tìm gặp bà Võ Thị Thắng, nhân vật của bức ảnh “nụ cười chiến thắng” lừng danh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, một trong năm thành viên hội đồng xét xử vụ án Cimexcol Minh Hải với tư cách hội thẩm nhân dân. Khi bà Thắng cho biết bà kiên quyết không ký vào bản ản trước khi tuyên án vì cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội thì tôi đã thật sự tin rằng đây là một vụ án oan!
Nhưng khi đọc lại bản án với 55 trang đánh máy, tôi lại hoang mang. Bản án nhận định đi đến kết tội lại quá rõ ràng. Một số văn bản của cơ quan chức năng cũng xác định: “Đây là vụ án xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật!”. Trong sự hoang mang, tôi tìm gặp ông Hồ Ngọc Nhuận, nguyên Phó Chủ tịch thường trực MTTQVN TP.HCM - người được xem như cố vấn giúp Cimexcol ăn nên làm ra. Ông Nhuận lại bảo: Gần 20 năm qua tôi đã nói quá đủ, không còn gì để nói nữa. Không nói gì nhưng ông Nhuận đã trao cho tôi ba tập hồ sơ do luật sư Hoàng Kinh Luân tập hợp - người bào chữa cho ông Lê Văn Bình và nổi tiếng với câu nói “cơ chế cũ xử cơ chế mới!”. Hồ sơ là hồ sơ nhưng nhiều điều vẫn cần phải làm rõ.
Tôi về Bạc Liêu tìm gặp những người trong cuộc. Ông Nguyễn Quang Sang, nguyên giám đốc Cimexcol, người bị kêu án năm năm tù trong vụ Cimexcol thì đã đi tu, không muốn nói. Bà Trịnh Thị Tuyết Sương, nguyên kế toán trưởng Cimexcol cũng không muốn nhắc đến chuyện cũ. Nhiều người khác thì đã chết. Ông Lê Văn Bình thì vào những ngày thập tử nhất sinh bị mở phế quản, không còn nói được. Muốn trao đổi với ông Bình phải chờ ông viết ra giấy từng chữ đầy khó khăn...
Cuối cùng, với những tư liệu thu thập được, tôi đã mày mò từng câu chữ, đối chiếu từng trang hồ sơ để dựng loạt bài “Cimexcol Minh Hải - 20 năm oan án”. Khi loạt bài đã thành hình, Ban biên tập quyết định khởi đăng sau ngày lễ 30-4 và 1-5.
Nhưng chiều 30-4, tôi nhận được tin ông Năm Hạnh đã hôn mê. Sáng hôm sau (1-5), tôi lại nhận được tin đầy xúc động, khi các bác sĩ thông báo với gia đình, ông Năm Hạnh đã hoàn toàn hôn mê thì ông tỉnh lại, gượng dậy viết vào giấy: “Hãy ở lại bệnh viện cho các bác sĩ chăm sóc, để nhìn thấy được minh oan...”. Viết chưa hết câu thì ông Bình bỏ rơi bút và hôn mê trở lại. Được tin này, tôi nhắn tin bằng máy điện thoại di động cho nhà báo Trần Quốc Thái ở báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam). Thái trả lời tin tôi: Mầy đã trễ rồi! Và, tôi đã trễ. Tối ngày 1-5, ông Năm Hạnh đã trút hơi thở cuối cùng khi vẫn còn mang oan án.
Thưa chú Năm! Chú đi đột ngột quá khi chưa thấy được ánh sáng chân lý của vụ án này được cháy lên trong niềm mong mỏi, không còn thấy được dư luận đang mong cầu vụ án được minh oan!
Từng câu chữ của bài viết này con xin làm một nén nhang thành kính viếng chú - một người cộng sản kiên cường đầy ý chí và nghị lực.
BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM CHIA BUỒN
Nhận được tin Đồng chí LÊ VĂN BÌNH (Năm Hạnh), sinh năm 1934.
- Nguyên Bí thư Huyện ủy Giá Rai (tỉnh Minh Hải, nay là Cà Mau, Bạc Liêu), nguyên đại biểu HĐND tỉnh Minh Hải, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Minh Hải.
- Đã từ trần vào hồi 20 giờ ngày 1-5 (nhằm ngày 26 tháng 3 năm Mậu Tý), hưởng thọ 75 tuổi.
- Lễ an táng đã cử hành vào lúc 16 giờ ngày 4-5 tại nghĩa trang tỉnh Minh Hải.
Đồng chí Lê Văn Bình (Năm Hạnh) là nhân vật chính trong loạt bài “Cimexcol Minh Hải - 20 năm oan án” đang đăng tải trên Báo Pháp Luật TP.HCM. Mong mỏi lớn nhất của đồng chí là được minh oan trước khi mất, nay đã không kịp thực hiện. Dù biết trước tình trạng sức khỏe của đồng chí Lê Văn Bình, điều chúng tôi vẫn không thể ngờ là đồng chí ra đi quá đột ngột. Loạt bài lật lại vụ oan án cũng xin là nén nhang được thắp trước vong linh ??ng chí!
Ban biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Pháp Luật TP.HCM thành thật chia buồn cùng gia quyến và thân hữu đồng chí Lê Văn Bình.
Dù người đã mất cũng phải minh oan
Chiều ngày 9-5, phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM đã gặp ông Phạm Hưng - nguyên Chánh án TAND tối cao thời kỳ xảy ra vụ án Cimexcol.Ông Hưng cho biết: “Vụ Cimexcol vào thời điểm đó được coi là một vụ án lớn, dư luận cả nước đều quan tâm. Tuy nhiên, vì sự việc xảy ra quá lâu nên tôi cũng không nhớ được nhiều và chi tiết nữa. Chỉ nhớ rằng vụ việc được giao cho bộ phận phía Nam của TAND tối cao xử lý.Về việc vụ án này có bị oan không “Thì quả thật qua Báo Pháp luật TP.HCM tôi mới được thông tin chi tiết. Còn trước đó tôi không thấy ai có ý kiến gì cả.” - ông Hưng nói. Tuy nhiên, ông Phạm Hưng cũng cho rằng nếu vụ Cimexcol có các bằng chứng là oan sai thì cần phải xem xét lại để minh oan cho người bị xử oan. Đồng thời xem xét trách nhiệm của VKSND tối cao, TAND tối cao.
Ông Hưng cũng ngỏ ý làm tiếc khi biết tin ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) vừa mất. “Dù sự việc có lâu rồi nhưng nếu bị oan sai thì cần phải minh oan cho người ta, kể cả người đã mất cũng phải bằng hình thức này hay hình thức khác để minh oan” - ông Hưng nói.
Từ oan án Cimexcol nghĩ về cải cách tư pháp
Đó là ý kiến của ông Diệp Văn Sơn, một quan chức trong ngành tư pháp. Theo ông Sơn, trong vụ án Cimexcol Minh Hải cho thấy sự thiếu vắng hình thức tranh tụng trước tòa. Việc này đưa đến nhiều hệ lụy mà hôm nay chính chúng ta đang làm cái công việc “tranh tụng nguội” để thấy hết những bất hợp lý trong phân xử của phiên tòa cách đây hơn 20 năm! Cuộc “tranh tụng nguội” giữa một bên là những người quan tâm đến sự xét xử bất công, gây oan sai và một bên là những thiết chế quá lỗi thời, bất cập nhưng đã từng được coi là những chuẩn mực. Hơn thế nữa, những chuẩn mực này đang còn cản trở công cuộc cải cách tư pháp ngày nay.
Những bất cập trong xét xử là thói quen trong mỗi vụ án đều thành lập “hội đồng xét xử” gồm đủ các thành phần để cho ý kiến tập trung, thống nhất. Điều này sẽ dẫn đến vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập của các cơ quan tham gia vào quá trình xét xử. Hay như việc chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương (theo lời ông Đoàn Thanh Vị, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy) “Yêu cầu đưa một người ra chịu trách nhiệm để xử bọn kia. Nếu không số kia đấu tranh thì phức tạp, không xử họ được”. Cho nên ông Năm Hạnh (Lê Văn Bình, nguyên Chủ tịch tỉnh) “được chọn ra tòa”. Chỉ riêng tình tiết này đã đủ kết luận phiên tòa năm ấy đã vi phạm quá nhiều trình tự, thủ tục xét xử một bản án!?
Từ những kết luận trái ngược nhau của hai đoàn thanh tra: Đoàn 54 cho là mất cân đối 4,6 triệu USD (lỗ), Đoàn 13 cho là lãi hơn hai triệu USD, qua đây cho thấy rất cần có cơ quan giám định tư pháp độc lập. Ấy là chưa kể đến việc Đoàn 54 bỏ ngoài sổ sách bảy triệu USD tài sản không đưa vào cân đối để nhằm phục vụ “ác ý” chứng minh Cimexcol làm ăn thua lỗ. Việc này vi phạm trắng trợn nguyên tắc bảo vệ chứng cứ.
Khi chúng ta lật lại vụ án này không nhằm mục đích gì khác là để minh oan cho thân phận những con người đang sống trong tuyệt vọng, ray rứt của sự hàm oan cay nghiệt bao nhiêu năm. Đó là một việc làm giàu tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Và còn hơn thế nữa, nó cho thấy những lỗ hổng, những bất cập trong hệ thống tư pháp của nhà nước từ khâu điều tra, thu thập chứng cứ, công tố, xét xử... Nói chung là cả lề thói ứng xử không tương thích với các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, không phù hợp với lẽ công bằng trong xã hội dân chủ, trọng pháp.
2. Những bức thư kiến nghị gửi trung ương
Ngày 2-4-2008, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến Bệnh viện Bạc Liêu thăm hỏi ông Lê Văn Bình. (Ảnh đã được nguyên Thủ tướng đồng ý cho Báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải)
Hơn 20 năm trước, Công ty Cimexcol Minh Hải trong khi đang hoạt động bình thường thì bị vướng vào vòng tố tụng (tháng 12-1987). Gần hai năm sau đó (từ ngày 14 đến 22-4-1989), vụ án Cimexcol Minh Hải được đưa ra xét xử với 21 bị cáo bằng một thủ tục khá đặc biệt, TAND tối cao trực tiếp xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm.
Một năm sau đó (1990), qua kiểm tra tài chính lại phát hiện Cimexcol chẳng những không lỗ mà còn có lãi nhưng đến bốn năm sau (1994), kết quả này mới được công bố. Cũng từ đó, những người lãnh án tù, cả án chung thân lần lượt được tha...
Bức thư phu nhân cố Tổng Bí thư
Gần 20 năm qua, đặc biệt là từ năm 1994 đến nay, rất nhiều đơn thư khiếu nại, yêu cầu được minh oan trong vụ án Cimexcol được gửi đến các cơ quan trung ương.
Mới đây (ngày 4-3-2008), bà Ngô Thị Huệ, nguyên đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và là phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lại viết thư gửi đến các cơ quan trung ương đề nghị xem xét lại vụ án, minh oan cho những người bị hàm oan. Thư có đoạn:
“Năm 1994, sự thật vụ án Cimexcol đã được phơi bày, nhiều người bị vào tù oan sai đã được thả ra. Nếu ông Nguyễn Văn Linh còn sống chắc ông cũng sẽ phản đối việc im lặng của các cơ quan pháp luật hơn 14 năm qua. Bởi vì bản thân việc im lặng như thế là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, nhân nghĩa của dân tộc.
Hiện nay đồng chí Lê Văn Bình đang lâm trọng bệnh, tình trạng sức khỏe vô cùng nguy kịch. Một cán bộ không hề có tư túi trong suốt quá trình hoạt động cách mạng lại phải chịu hàm oan gần 20 năm trời, lẽ nào chúng ta không sót xa, thương cảm!
Từ những điều nêu trên, tôi yêu cầu các đồng chí hãy cho điều tra, xét xử lại vụ án như ông Phạm Hưng đã đề nghị trước đây. Tôi xin thay mặt ông Nguyễn Văn Linh và gia đình, người thân của ông, yêu cầu các đồng chí đừng để ông Linh mang tiếng không tốt với đồng chí của mình. Đảng ta quang minh chính đại, không việc gì không làm sáng tỏ được.
Tôi thiết tha mong các đồng chí hãy giải oan cho vụ án Cimexcol, giải oan cho đồng chí Lê Văn Bình, đồng thời giải tỏa những dư luận không đúng đắn về ông Nguyễn Văn Linh trong vụ án này”.
Tiếp ngay sau bức thư của phu nhân cố Tổng Bí thư, bà Nguyễn Thị Được, nguyên khu ủy viên Khu Tây Nam bộ, Phó ban Phụ vận TW Cục Miền Nam, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam cũng gửi thư lên trung ương đề nghị minh oan vụ án. Bức thư viết:
“Tôi có thường xuyên thăm đồng chí Lê Văn Bình. Có lẽ đồng chí khó vượt qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo (ung thư) đang tái phát. Không biết ngày phán quyết cuối cùng khi Đảng giải oan cho mình, đồng chí có còn được nghe thấy gì không?
Tôi tin rằng các đồng chí trong Ban chấp hành TW làm sao có thể để cho một đồng chí đảng viên của Đảng không tội tình gì lại phải lãnh án hình sự 20 năm qua một cách oan ức...”.
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng
Vụ án Cimexcol Minh Hải bị TAND tối cao truy tố trước tòa 21 bị cáo theo sáu tội danh: tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; buôn bán hàng cấm và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Qua tám ngày xét xử, tòa tuyên phạt trắng án ba bị cáo sau gần hai năm giam giữ, một bị cáo án chung thân, 17 bị cáo còn lại từ một đến mười năm tù.
Trong số các bị cáo có án, ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Minh Hải (nay là hai tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu) có hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị phạt một năm tù được hưởng án treo.
Nguyễn Quang Sang - Giám đốc Cimexcol Minh Hải phạm hai tội “cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “tham ô tài sản XHCN”, bị phạt năm năm tù.
Dương Văn Ba - Phó Giám đốc Công ty Cimexcol được hội đồng xét xử đánh giá là “người cầm đầu, chủ mưu, có vai trò quan trọng nhất và quyết định nhất trong vụ án”, phạm ba tội “tham ô tài sản XHCN; cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ”, bị tuyên phạt tù chung thân.
Trương Công Miên, cũng là phó giám đốc Công ty Cimexcol, bị truy tố về tội tham ô tài sản XHCN, bị phạt tám năm tù...
Phản ứng sau phiên tòa
Sau phiên tòa, nhiều cá nhân, tổ chức kiến nghị trung ương xét xử lại vụ án. Ông Nguyễn Văn Để (Tư Vân), ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Minh Hải kiến nghị: “Bản án Cimexcol chứng minh xét xử không đúng người, không đúng tội, không đúng pháp luật, không được lòng dân và xét về tình tiết, nội dung phán quyết của phiên tòa sai trái đến mức nghiêm trọng, làm cho tình tiết và bản chất của vụ án thay đổi một cách cơ bản...”.
Ngày 12-5-1989, Ban giám đốc Trường Đảng tỉnh An Giang báo cáo trung ương dư luận về vụ án Cimexcol trong cán bộ, đảng viên: “Quan điểm xét xử không đổi mới, lấy Nghị quyết 4, Nghị quyết 5 xử Nghị quyết 6, lấy cơ chế cũ xử cơ chế mới, lấy tư duy cũ xử tư duy mới đi ngược lại Nghị quyết Đại hội VI”...
Trước dư luận phản ứng phiên tòa, trong hai ngày 29 và 30-5-1989, trung ương tổ chức họp đánh giá “diễn biến trước, trong và sau phiên tòa”. Cuộc họp kết thúc bằng Thông báo số 142 do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký ngày 30-5-1989 (sau này nhiều người gọi đây là Thông báo 30). Thông báo nêu “những việc cần làm ngay” là “Minh Hải phải có thông báo công khai đánh giá tính chất, hậu quả của vụ án và những sai sót trong việc quản lý Dương Văn Ba và đồng bọn”. “Những việc cần làm thêm” là các địa phương tập hợp dư luận, hướng dẫn dư luận “đây là vụ án xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, đồng thời “kiểm điểm các cơ quan báo đài đã viết bài, quay phim một cách sai lệch” (trích nguyên văn). “Những việc cần làm sớm” là tiếp tục kiểm điểm lãnh đạo tỉnh Minh Hải, đồng thời “Bộ Nội vụ báo cáo trung ương danh sách và tài liệu những cán bộ, đảng viên có liên quan đến vụ án để tiếp tục xem xét và xử lý”. “Những việc cần làm tiếp” là “Làm rõ việc đồng chí Trang Thanh Khả tự sát do nguyên nhân gì? Ai trực tiếp hay gián tiếp gây ra?”...
Thực hiện thông báo 30, ngày 8-8-1989 Tỉnh uỷ Cửu Long báo cáo Trung ương kết quả thăm dò dư luận trong cán bộ trung, cao cấp và các giám đốc, phó giám đốc Sở ngành như sau:
Không đồng tình xử vụ án Cimexcol 70%
Vụ án phản tác dụng 92%
Bị cáo có công hơn có tội 86%
Qua phiên toà thiếu lòng tin, nghi ngờ pháp luật 93%
Đề nghị xử lại hoặc huỷ bỏ bản án 96%
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết thư gửi Trung ương đề nghị minh oan:
Ngày 23-4-2008, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành cho tôi một cuộc phỏng vấn riêng về vụ án Cimexcol Minh Hải. Nguyên Thủ tướng cho biết, ông đang viết bức thư đề nghị Ban bí thư minh oan cho những người bị hàm oan trong vụ án Cimexcol. Bức thư có tựa đề: “Nhìn lại việc điều tra, khởi tố, xét xử vụ án Cimexcol Minh Hải: Sự thật và số phận của những người trong cuộc”. Đoạn đầu bức thư như sau: “Tôi: Võ Văn Kiệt, là người từng có trách nhiệm, có quá trình theo dõi vụ án cimexcol Minh Hải từ khi bắt đầu đến khi kết thúc và những hậu quả kéo dài cho tới tận ngày nay. Xin được trình bày những gì mình biết, cảm nhận xung quanh vụ án này. Tôi khẳng định, toàn bộ vụ án là oan sai, không bình thường, bản thân tôi đã nhiều lần phát biểu ý kiến của mình với tập thể lãnh đạo trực tiếp và qua thư. Trong đó, tôi cũng đã đề xuất các phương án giải quyết đối với trong nội bộ Đảng và cơ quan pháp luật, Nhà nước. Phần lớn đều thừa nhận thực tế những kiến nghị đều có cơ sở, có căn cứ, nhưng ngại đặt ra, giải quyết lại vụ án”.
3. Cái chết khơi nguồn vụ án
Ông Lê Văn Bình (bìa trái) và các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa xét xử Cimexcol năm 1989.
Hội đồng xét xử bỏ ngoài hồ sơ hơn bảy triệu đôla để ghép tội Cimexcol thua lỗ...
Năm 1984, ông Trang Thanh Khả (Sáu Khả), nguyên Giám đốc Công ty Gỗ Minh Hải (tiền thân của Công ty Cimexcol), sau khi bị Đảng ủy Sở Thương nghiệp Minh Hải đề nghị kỷ luật cảnh cáo đảng do có hành vi tham ô đã tự sát tại Bệnh viện Thống Nhất.
Lúc bấy giờ, Minh Hải liên kết với TP.HCM khai thác và xuất nhập khẩu gỗ, thành lập Công ty Cimexcol và Công ty Gỗ Minh Hải được ghép vào Cimexcol.
Đến đầu năm 1985, Minh Hải kết thúc chương trình hợp tác với TP.HCM về khai thác gỗ, Cimexcol tách ra thành Cimexcol Minh Hải để thực hiện chương trình hợp tác với Lào và chương trình nhà ở, trường học, bệnh viện nông thôn ở Minh Hải.
Giết để bịt đầu mối?
Tháng 8-1987, Ban Bí thư ra Quyết định số 13 thành lập đoàn kiểm tra số 13, do ông Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, làm trưởng đoàn, kiểm tra hoạt động tài chính của tỉnh Minh Hải và Công ty Cimexcol.
Ông Nguyễn Quốc Sử (Ba Chiến), nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Minh Hải, thành viên đoàn kiểm tra số 13, cho biết kết quả kiểm tra cho thấy tuy các đơn vị hoạt động tài chính của Minh Hải có sai sót nhưng không nghiêm trọng. Riêng Công ty Cimexcol có lãi hơn hai triệu đôla qua ba năm hoạt động. Nhưng ông Sử nói thêm đoàn kiểm tra số 13 lại nhận định Dương Văn Ba, Phó Giám đốc Công ty Cimexcol, có dấu hiệu liên quan trong vụ án của nhóm Hoàng Cơ Minh chống phá cách mạng. Trong đó có Dương Văn Tư - Tư lệnh quân sự của lực lượng Hoàng Cơ Minh là em ruột Dương Văn Ba. Có hai địa điểm tại Laksao (Lào) và Đà Nẵng, người của Dương Văn Ba thường lui tới và đều có điện đài. Hai tàu viễn dương của Cimexcol sử dụng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cũng có điện đài. Và cái chết của Trang Thanh Khả - Giám đốc Công ty Gỗ Minh Hải vào năm 1984 ở Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) là do Dương Văn Ba ám hại để bịt đầu mối.
Cũng theo ông Sử, từ “nhận định” này của đoàn kiểm tra số 13, ngày 12-8-1987, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cho bắt khẩn cấp Nguyễn Ngọc - một tay mua bán chợ trời có quan hệ mua bán hàng hóa với Cimexcol. Ngày 4-12-1987, lại cho bắt khẩn cấp Ngô Vĩnh Hải, Tổ trưởng kiều hối Công ty Cimexcol. Cả hai người này bị tình nghi quan hệ với bọn phản động nước ngoài, chuyển đôla về Việt Nam cho Dương Văn Ba hoạt động.
Sau khi bắt Hải hơn nửa tháng, ngày 20-12-1987, Bộ Nội vụ ra quyết định khởi tố vụ án và năm ngày sau đó (25-12-1987) cho bắt giam Dương Văn Ba. Sau đó, toàn bộ ban giám đốc và hầu hết cán bộ, nhân viên Cimexcol bị bắt để phục vụ điều tra.
Chuyển thành vụ án kinh tế
“Sau khi khởi tố, bắt người hàng loạt nhưng điều tra không tìm ra chứng cứ về hoạt động phản động” - ông Sử tiếp. Điện đài ở Laksao (Lào) là của Công ty Chấn hưng miền núi, thuộc Bộ Quốc phòng Lào. Điện đài ở Đà Nẵng là của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Hai chiếc tàu mà Cimexcol Minh Hải dùng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu là của Công ty Vận tải biển Saigon Ship quản lý. Cái chết của nguyên Giám đốc Công ty Gỗ Minh Hải Trang Thanh Khả hồi năm 1984 là do tự sát, có để lại thư tuyệt mệnh, không phải do Dương Văn Ba ám hại. Và Dương Văn Tư lớn tuổi hơn Dương Văn Ba, đồng thời sinh trưởng ở miền Bắc, còn Dương Văn Ba sinh trưởng ở Bạc Liêu...
Đầu tháng 1-1988, Trung ương có quyết định thành lập đoàn thanh tra Cimexcol, gọi là đoàn thanh tra 54, bắt đầu triển khai công tác vào ngày 24-2-1988. “Sau đúng năm tháng làm việc, ngày 24-7, Trưởng đoàn thanh tra 54 Nguyễn Thanh ký báo cáo kết quả thanh tra với Trung ương rằng đến thời điểm 30-9-1987, Cimexcol mất cân đối 4,6 triệu đôla (!)” - ông Sử nói. Gần một tháng sau, ngày 18-8, Phó đoàn thanh tra 54 Đoàn Minh Thuần ký báo cáo bổ sung: “Đến thời điểm 30- 9-1987, Cimexcol còn nợ nước ngoài 5,13 triệu đôla (!)”. “Trong khi theo báo cáo của đoàn kiểm tra số 13, cùng thời điểm đó Cimexcol có lãi hơn hai triệu đôla” - ông Sử nói.
Người “được chọn ra tòa”
Khi nghe chúng tôi trình bày muốn tìm hiểu lại vụ án Cimexcol 20 năm trước, ông Đoàn Thanh Vị (Ba Vị), nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải, lắc đầu cười buồn: “Chết gần hết rồi, những người còn thì mạng sống tính từng ngày, như anh Năm Hạnh đang bị ung thư giai đoạn cuối, nằm liệt giường, liệu có minh oan kịp không?”.
“Anh Năm Hạnh” mà ông Vị nói chính là Lê Văn Bình, nguyên Chủ tịch tỉnh, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, người bị xử một năm tù, cho hưởng án treo trong vụ án Cimexcol. Khi chúng tôi hỏi về vai trò ông Năm Hạnh trong vụ án Cimexcol, ông Vị nói: “Tháng 11-1986, Năm Hạnh được bầu làm chủ tịch, thay Ba Hùng (Phạm Văn Hoài - PV) nghỉ hưu. Ngay sau đó đi học Liên Xô đến tháng 7- 1987 mới về. Tháng 9-1987 thì Trung ương đình chỉ hoạt động Cimexcol để thanh tra”.
Ông Ba Vị nhớ lại: “Năm 1989, trước khi đưa vụ án ra xét xử, lãnh đạo Trung ương xuống Minh Hải yêu cầu đưa một người ra chịu trách nhiệm để xử bọn kia. Nếu không số kia đấu tranh thì rất phức tạp, không xử họ được”.
Ông Ba Vị nói thêm: “Thực ra chịu trách nhiệm quản lý, giám sát về nhân sự, tổ chức và hoạt động của Cimexcol không phải trách nhiệm Năm Hạnh. Lúc đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải đã phân công bốn thường vụ Tỉnh ủy phụ trách gồm Tống Kỳ Hiệp (Tám Khanh - PV), Trưởng ban Nội chính; Đoàn Quang Vũ (Năm Tân), Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra; Mai Thanh Ân (Bảy Khế), Trưởng ban Tổ chức; Hoàng Hà (Ba Huân), Giám đốc Công an tỉnh. Sau này, anh Tám Khanh nghỉ hưu, Tỉnh ủy phân công thêm Hai Thống (Trần Hữu Vịnh), Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, phụ trách chung nữa là năm người. Năm Hạnh chỉ là người được chọn ra tòa và Năm Hạnh đã dám nhận trách nhiệm về mình!”. “Bản án dành cho Năm Hạnh một năm tù là quá oan nghiệt!” - ông Ba Vị nói.
Ông Nguyễn Xuân Thái, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng đoàn xử lý tài sản Cimexcol Minh Hải năm 1989-1996, nói: “Năm 1990, sau một thời gian ngắn tiếp xúc hồ sơ đã phát hiện Cimexcol Minh Hải chỉ mất cân đối hơn 800 nghìn đô la. Sau đó lại phát hiện đoàn thanh tra 54 còn bỏ ngoài sổ sách của Cimexcol hơn bảy triệu đôla tài sản không đưa vào cân đối, đủ chứng cứ xác định Cimexcol không lỗ mà còn có lãi. Nhưng theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Đáng (Tư Hườn), lúc đó vừa mới lên thay ông Ba Vị làm bí thư tỉnh uỷ, ông Tư Hườn đã đề nghị viết tay không được đánh máy một bản báo cáo duy nhất gửi riêng cho ông. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra xử lý tài sản Cimexcol Minh Hải bị dừng hoạt động và số liệu Cimexcol thừa cân đối không được cho công bố.”.
Từ chỉ đạo của ông Đáng, những người lãnh án oan trong vụ Cimexcol Minh Hải tiếp tục thụ án oan để ông Đáng tiếp tục yên vị trên chiếc ghế bí thư tỉnh uỷ Minh Hải mà không ai dòm ngó.
4. Phiên tòa nhiều kịch tính
Lá thư của ông Năm Hạnh viết ngày 17-4-2008, lúc đang nằm trên giường bệnh, sức khỏe suy kiệt gửi Báo Pháp Luật TP.HCM.
Một thành viên hội đồng xét xử kiên quyết không ký vào bản án.
Từ ngày 14 đến 22-4-1989, vụ án Cimexcol được xét xử chính thức. Sở dĩ gọi là chính thức vì trước đó Toà đã triệu tập một lần để xét xử. Nhưng trước khi phiên toà khai mạc, Hội đồng xét xử quên bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của ông Năm Hạnh, nên Toà tự ý đình lại.
Tại phiên toà chính thức này, nhiều người tham dự nói rằng hội đồng xét xử cố ghép tội nhưng thiếu chứng cứ nên phiên tòa diễn ra nhiều kịch tính đến khó tin.
Tư túi chính cá nhân mình
Hai mươi mốt bị cáo ra tòa gồm ban giám đốc và một số nhân viên Công ty Cimexcol cùng chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, một cán bộ hải quan cửa khẩu Cầu Treo (Nghệ Tĩnh) bị truy tố về tội nhận hối lộ 80.000 đồng và một máy radio cassette để Cimexcol được xuất khẩu 1.000 tấn cà phê của Việt Nam bằng quota xuất khẩu của Lào! Phiên tòa có sáu luật sư bào chữa, nguyên đơn dân sự là Công ty Cimexcol, ba bị đơn dân sự là những người thiếu nợ Cimexcol, cùng 17 nhân chứng, gồm những người có quan hệ kinh tế với đơn vị này như ngân hàng, doanh nghiệp. Đặc biệt, tham dự phiên tòa còn có hầu hết lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được mời đến dự để rút kinh nghiệm.
Được đánh giá là vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” nên Tòa án tối cao trực tiếp xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Nhưng qua tám ngày diễn ra phiên tòa, những người dự khán khá bất ngờ khi thấy nội dung vụ án không “nghiêm trọng” như vậy. Cimexcol là một đơn vị kinh doanh do tư nhân góp vốn, không được ngân sách cấp vốn nhưng các bị cáo lại bị truy tố sáu tội danh: tham ô tài sản XHCN; cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; buôn bán hàng cấm và đặc biệt là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, khi trao đổi với chúng tôi về vụ án Cimexcol, bà Võ Thị Thắng, nguyên thành viên hội đồng xử án, băn khoăn: “Hoạt động Cimexcol bằng nguồn vốn tư nhân, kinh doanh được miễn thuế ba năm, do đó không thể kết tội họ tư túi chính từ nguồn vốn của chính cá nhân họ, càng không thể kết tội họ tham ô tài sản XHCN”.
Không phụ trách nhưng phải chịu trách nhiệm (!)
Bản án kết tội ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Với hành vi không cải tạo đoàn xe của Ba, bản án nhận định: “Bị cáo (Lê Văn Bình) biết rõ đoàn xe chuyên dùng hợp tác của Dương Văn Ba sau 18 tháng hoạt động kéo gỗ ăn công với Minh Hải, đến cuối năm 1980 đoàn xe này phải giao lại cho nhà nước quản lý. Hết thời hạn cam kết, Ba lờ đi. Bị cáo cũng không kiên quyết cải tạo đoàn xe, để sau này Ba bán đoàn xe bỏ túi riêng”. Ông Năm Hạnh giải thích: Việc cải tạo đoàn xe của Ba diễn ra năm 1980, thời điểm đó bị cáo (tức ông Năm Hạnh) còn là trưởng Ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Lợi nên không biết. Đến cuối 1986, bị cáo được bầu làm chủ tịch tỉnh. Thời điểm đó đã có Chỉ thị 16 của Ban Bí thư ngưng cải tạo công thương, bị cáo không thể cải tạo đoàn xe của Ba được, vì làm như vậy là chống chủ trương đổi mới...
Tòa cho rằng ông Năm Hạnh thiếu trách nhiệm vì đã sử dụng Dương Văn Ba, tạo điều kiện để Ba phạm tội. Năm Hạnh giải thích: Ba là người của UBND TP.HCM cử sang thời kỳ Minh Hải hợp tác với TP.HCM trước năm 1983. Bị cáo không phải là người nhận Ba, vì thời điểm đầu năm 1983, khi Cimexcol mới thành lập, bị cáo đang làm chủ tịch huyện Giá Rai, chưa về UBND tỉnh.
Về hành vi thiếu kiểm tra hoạt động của Cimexcol, để cho Cimexcol phạm tội, Năm Hạnh giải thích: Hoạt động Cimexcol, Ban thường vụ tỉnh ủy cử bốn ủy viên thường vụ phụ trách, gồm Tám Khanh (Tống Kỳ Hiệp - PV) - Trưởng ban Nội chính, Bảy Khế (Mai Thanh Ân) - Trưởng ban Tổ chức, Năm Tân (Đoàn Quang Vũ) - Kiểm tra Đảng, Ba Quân (Hoàng Hà) - Giám đốc Công an tỉnh. Sau đó còn cử thêm Trần Hữu Vịnh (Hai Thống) - Phó Bí thư tỉnh ủy phụ trách chung. Trong năm thường vụ được phân công phụ trách Cimexcol không có bị cáo nên bị cáo không thể kiểm tra Cimexcol như tòa buộc tội.
Người khác ký, mình phải tội
Về bảo lãnh cho Cimexcol Minh Hải vay vốn, Năm Hạnh giải thích: “Cimexcol là đơn vị thử nghiệm kinh doanh theo cơ chế mới, ngân sách không cấp vốn, đơn vị tự vay vốn, tự hoàn vốn. Nếu không bảo lãnh thì làm sao Cimexcol có vốn kinh doanh? Nếu bị cáo bảo lãnh mà Cimexcol kinh doanh thua lỗ thì bị cáo phải chịu trách nhiệm. Cuối năm 1987, khi Cimexcol ngưng hoạt động để thanh tra, đơn vị này có tổng tài sản hơn 12,5 triệu đô la. Đoàn kiểm tra 13 Trung ương cũng xác nhận đến thời điểm này, Cimexcol có lãi hơn hai triệu đôla nên việc bảo lãnh cho Cimexcol vay vốn kinh doanh của bị cáo không thể bị xem là phạm tội.”
Về bảo lãnh lô hàng cà phê Cimexcol mua trong nước, xuất khẩu bằng quota Lào, Năm Hạnh giải thích: Không có quy định nào cấm đơn vị kinh tế trong nước sử dụng quota nước ngoài xuất khẩu. Còn việc ký bảo lãnh để giải phóng lô hàng này là do ông Lê Khắc Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lúc Minh Hải liên kết với TP chứ không phải Lê Văn Bình, là tôi (tất cả những người có mặt tại phiên tòa cười ồ lên).
Về cái chết của Trang Thanh Khả, Năm Hạnh giải thích: Anh Sáu Khả bị kỷ luật cảnh cáo đảng do tham ô khi làm giám đốc Công ty Gỗ. Kiểm điểm Sáu Khả là do Sở Thương nghiệp tiến hành, đề nghị cảnh cáo cũng chưa được tổ chức phê chuẩn. Trong thời gian này, Sáu Khả xin đi trị bệnh và tự sát tại Bệnh viện Thống Nhất. Bị cáo đâu phải là bảo vệ của Sáu Khả để túc trực thường xuyên bên cạnh Sáu Khả mà phải chịu trách nhiệm khi Sáu Khả tự sát...
Bản án còn đề cập đến việc Năm Hạnh chỉ đạo Cimexcol nhập hơn 2.000 chiếc xe hai bánh, bán giá rẻ hơn thị trường, làm thiệt hại 1.062 lượng vàng (tất cả những gì bị xem là thiệt hại của Cimexcol được bản án đề cập đều quy ra vàng!). Năm Hạnh giải thích: Lúc Cimexcol nhập và bán xe hai bánh, tôi đang đi học ở Liên Xô. Sau này nghe báo lại Cimexcol nhập hơn 2.100 xe hai bánh, giá nhập trung bình 160 đôla/chiếc, tỉnh chủ trương bán cho cán bộ hơn 400 chiếc giá rẻ để giảm chi phí xe công, giá bán cho cán bộ mỗi chiếc là 300 đôla, lời gần gấp đôi giá nhập. Số còn lại bán ra thị trường bên ngoài cho những người ứng vốn để Cimexcol nhập xe 800 đôla, rẻ hơn thị trường gần 200 đôla nhưng lời gấp ba, bốn lần giá nhập...
Ông Nguyễn Quốc Sử, nguyên tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Minh Hải, nói: “Mặc dù diễn biến tại phiên tòa như vậy, trước hàng chục ngàn người, có cả lãnh đạo hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được mời tham dự nhưng Năm Hạnh vẫn lãnh án một năm tù, được hưởng án treo!”.
Khi tiếp cận vụ án Cimexcol Minh Hải, có một chi tiết mà tôi không thể tự lý giải. Đó là việc vì sao Toà án Nhân dân tối cao khi đã thông báo bằng văn bản cho hầu hết các địa phương và cơ quan báo chí ở Đồng bằng sông Cửu long là vụ án sẽ xét xử vào ngày 27-2-1989. Khi một ngày trước đó, tại Bạc Liêu Hội đồng xét xử đã có mặt, các đại biểu đã được mời đến, khoảng 60 nhà báo cũng đã sẵn sàng thì bất ngờ ngày 27-2 phiên toà bỗng lại không diễn ra. Trong những ngày cuối cùng trước khi ông Năm Hạnh qua đời tôi mới hiểu được nguyên nhân. Bằng những nét chữ nắn nót của một người đã kiệt lực, cố chống chọi bệnh tật, ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) viết: “Tôi bị khởi tố cuối năm 1988. Đầu tháng 2-1989 tôi nhận được cáo trạng và giấy triệu tập của Tòa án tối cao đưa tôi ra xét xử vào ngày 27-2 khi tôi vẫn còn là đại biểu hội đồng Nhân dân tỉnh và là đại biểu Quốc hội. Đến ngày xử, phiên tòa đột nhiên đình lại do chờ thủ tục bãi miễn đại biểu Quốc hội của tôi. Đến cuối tháng 3-1989, Chủ tịch nước Võ Chí Công ký quyết định đình chỉ hoạt động đại biểu Quốc hội của tôi nhưng khi phiên tòa xét xử xong tôi mới nhận được. Sau khi phiên tòa kết thúc (22-4), tôi đã lãnh án tù thì hơn một tháng sau tôi mới nhận được thông báo của Văn phòng Hội đồng nhà nước ký ngày 6-6-1989 thông báo tôi không còn là đại biểu Quốc hội”.
Nhưng sau đó, khi tiếp xúc với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông giải thích: Phiên toà hoãn lại theo yêu cầu của Chính phủ Lào. Cũng có thể cùng một sự kiện hoãn xử trong vụ án này có hai nguyên nhân. Nguyên nhân nào cũng khó hiểu.
Tôi nhất quyết không ký vào bản án
Bà Võ Thị Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Gần 20 năm trước, tôi là một trong năm thành viên tham gia hội đồng xét xử vụ án Cimexcol ở Minh Hải với tư cách hội thẩm nhân dân. Diễn biến phiên tòa cho thấy chứng cứ buộc tội không thuyết phục, thậm chí có dấu hiệu oan sai. Do vậy mà tôi đã không đồng tình và không ký vào biên bản nghị án xét xử các bị cáo và tôi cũng đã không ký vào bản án. Cùng ngồi ghế hội thẩm với tôi trong vụ án này có anh Phan Thanh Viễn (nhà thơ Viễn Phương - PV) cũng đồng tình với tôi. Nhưng bản án vẫn được tuyên. Sau khi tuyên án tại phiên tòa vài ngày, anh Nguyễn Quang Thanh, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án Cimexcol, đến nhà tôi ở TP.HCM mang theo bản án, yêu cầu tôi ký tên. Tôi lại tiếp tục kiên quyết từ chối. Anh Thanh bảo tôi rằng nhà thơ Viễn Phương đã ký rồi, tôi ký hay không cũng chỉ là thủ tục, bản án vẫn có hiệu lực pháp luật vì tôi là thiểu số. “Nếu chị không đồng ý với bản án thì ghi ý kiến bảo lưu” - anh Thanh bảo tôi. Trước khi ký tên, tôi ghi vào bản án là tôi không đồng tình với bản án xét xử Cimexcol vì không đủ chứng cứ buộc tội.
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP.HCM:
Vụ án đã xét xử quá vội vàng
Những buổi đầu khi nền kinh tế mới mở cửa, Công ty Cimexcol là một trong những công ty làm ăn khá, nổi đình nổi đám một thời gian. Khi vụ án xảy ra, có nhiều ý kiến cho rằng cần thận trọng khi điều tra, xét xử. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra có nhiều vấn đề chưa rõ ràng nhưng đã vội vàng đưa ra xét xử nên bản án quá nặng nề và có nhiều ý kiến không đồng tình.
Qua vụ án này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng phải hết sức khách quan, phải giữ độc lập, không nên bị ảnh hưởng bởi người này người kia. Dù vụ án đã qua lâu nhưng đã thấy không đúng thì phải sửa. Tôi rất tán thành việc Báo Pháp Luật TP.HCM lật lại vụ án Cimexcol Minh Hải.
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM:
Lật lại vụ án là cần thiết
Tôi cho rằng 20 năm trước, vụ án Cimexcol đã từng gây rúng động trong xã hội. Nay nếu lật lại cũng sẽ một lần nữa gây rúng động như thế. Dù kết quả cuối cùng, đúng sai như thế nào thì việc lật lại một vụ án có nhiều ý kiến ngược chiều là điều cần thiết. Điều này còn tăng thêm uy tín của người dân vào nhà nước và các cơ quan tố tụng. Nhất là với những người đang có vị trí đứng đầu nhà nước nên thể hiện ý chí về quyền lực, pháp luật và cả lòng nhân hậu để soi rọi vấn đề còn nhiều bàn cãi của vụ án. Và lẽ ra những người trong cuộc, những người có quyền lực có thể lên tiếng mạnh mẽ từ 20 năm trước chứ không phải đến hôm nay.
Luật sư Lê Thành Kính, Đoàn luật sư TP.HCM:
Cần sớm tái thẩm vụ án
Thời điểm lúc xét xử vụ án Cimexcol, hệ thống pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự chưa được hoàn thiện. Đến năm 1985 mới có Bộ luật Hình sự, đến năm 1987 mới có Luật Tố tụng hình sự. Trước đó chỉ dùng các sắc lệnh thôi nên các vấn đề pháp lý về luật nội dung (Luật Hình sự) cũng như luật hình thức (Luật Tố tụng hình sự) chưa đi vào cuộc sống. Do đó, các cơ quan tố tụng chưa có cơ sở để bảo đảm sự công bằng cho người phạm tội hoặc không phạm tội.
Tuy nhiên, càng ngày hệ thống pháp luật càng hoàn thiện, Luật Hình sự được bổ sung, Luật Tố tụng hình sự được sửa đổi, về nguyên tắc các cơ quan tố tụng cần phải ngồi lại xem xét các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc đã xét xử trước đây. Nếu thấy oan sai thì có thể áp dụng các quy định pháp luật cho phép như trong trường hợp này là tái thẩm để khôi phục quyền lợi cho những người bị oan sai, bảo đảm công bằng xã hội, pháp luật công minh. Và lẽ ra khi đã có cơ sở pháp lý đủ để xem xét lại vụ án thì cần lật lại vụ án sớm hơn chứ không phải đợi đến hôm nay mới lên tiếng là quá chậm và có thể làm mất thời hiệu để lục lại vụ án theo trình tự tố tụng. Tuy muộn nhưng cũng cần thiết lật lại vụ án này.
Cận cảnh
5. Tính thời sự của bản kiến nghị 12 năm trước
Hội đồng xét xử “bắt tội” ông Năm Hạnh không “cải tạo” đoàn xe của Dương Văn Ba cho Cimexcol thuê kéo gỗ từ Lào về Việt Nam. Nhưng thời điểm đó, ông Năm Hạnh chưa lên chức chủ tịch tỉnh và cũng không được phân công phụ trách theo dõi hoạt động của Cimexcol.
Chánh án TAND tối cao Phạm Hưng đã từng đề nghị tái thẩm vụ án nhưng vẫn rơi vào im lặng...
Trong quá trình lật lại hồ sơ vụ án Cimexcol Minh Hải, chúng tôi tìm thấy bản kiến nghị của ông Nguyễn Văn Để (Tư Vân), nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Minh Hải, đề ngày 15-11-1996 gửi đến các cơ quan trung ương. Chúng tôi xin trích đăng bản kiến nghị này.
Cimexcol không lỗ như án tuyên
Mở đầu bản kiến nghị, ông Nguyễn Văn Để viết: “Ngay từ đầu tôi nhận biết được rằng việc tiến hành chỉ đạo và xét xử vụ án này không bảo đảm tính khách quan, trung thực. Thực tế đã chứng minh rõ phiên tòa của tòa án tối cao tiến hành một vụ án mang tính điển hình của cả nước, với một bản án sơ thẩm đồng thời chung thẩm... nhưng lại là một phiên tòa để lại nhiều sai trái nhất về pháp luật từ khâu khởi tố, điều tra đến xét xử; hình thành một bản án gần 60 trang đầy rẫy những sai sót – xét xử không đúng người, không đúng tội, không đúng pháp luật, mất dân chủ; kết tội oan sai cho nhiều người và để lại biết bao hậu quả khác rất nặng nề khó có thể khắc phục nổi”.
Tiếp theo, ông Để nêu những luận cứ để chứng minh các nội dung trong bản án không đúng sự thật. Ông Để viết:
“Công ty Cimexcol không hề có mất cân đối 4,6 triệu đôla và cũng không hề để lại món nợ 5,3 triệu đôla mà “nhân dân Minh Hải phải còng lưng gánh chịu nhiều năm” như bản án kết tội... mà Cimexcol kinh doanh lãi trên ba triệu đôla.
- Báo cáo của đoàn thanh tra số 13 do đồng chí Trần Kiên làm trưởng đoàn ký, thời điểm ngày 30-9-1987 về trước Công ty Cimexcol kinh doanh lãi 2,235 triệu đôla.
- Báo cáo của đoàn thanh tra Sở Tài chính tỉnh Minh Hải trước thời điểm khởi tố vụ án (30-9-1987) một năm Cimexcol lãi 1,6 triệu đôla.
- Báo cáo của đoàn thanh xử lý tài chính Cimexcol do UBND tỉnh Minh Hải thành lập sau vụ án, phản ánh từ thời điểm khởi tố vụ án (30-9-1987 trở về trước) nêu rõ tài sản của Công ty Cimexcol bị bỏ ngoài sổ sách không được đưa vào cân đối gần tám triệu đôla...”.
“Dựng đứng để kết tội ông Năm Hạnh”
Về bản án một năm tù cho hưởng án treo đối với ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh, nguyên Chủ tịch tỉnh), ông Để cho rằng “bản án kết tội Lê Văn Bình hầu như là dựng đứng hoàn toàn đến mức không sao hiểu nổi”.
Ông Để chứng minh:
- Bắt tội Lê Văn Bình không cải tạo đoàn xe của Dương Văn Ba...: Thời kỳ cải tạo công thương nghiệp, cải tạo đoàn xe Dương Văn Ba thì Lê Văn Bình đang làm chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo; sau đó Lê Văn Bình về làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi rồi về làm Bí thư Huyện ủy Giá Rai... Ba bốn năm sau Lê Văn Bình mới về UBND tỉnh làm chức vụ Phó Chủ tịch...
- Bắt tội Lê Văn Bình lãnh đạo để cho Cimexcol nhập xe, bán giá rẻ làm thiệt của nhà nước cả ngàn lượng vàng...: Thứ nhất, chủ trương giá bán xe Honda là của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thứ hai, việc bán xe Honda (Cub) của Cimexcol lãi chứ không lỗ, không làm thiệt hại cho nhà nước. Thứ ba, thời kỳ chủ trương “giá xe” và lúc Cimexcol bán xe Honda (Cub) là ngay thời điểm Lê Văn Bình đang học ở Liên Xô, không hề hay biết gì cả.
- Bắt tội Lê Văn Bình bảo lãnh Cimexcol vay vốn “Nợ nước ngoài 5,3 triệu đôla khó có khả năng thanh toán nhân dân Minh Hải phải nhiều năm còng lưng gánh chịu”: Thứ nhất, Cimexcol là công ty quốc doanh, thực hiện cơ chế hạch toán tự tìm vốn, tự hoàn vốn nên ủy ban bảo lãnh cho công ty thì đâu có điều gì gọi là phạm tội? Thứ hai, Công ty Cimexcol thực tế làm ăn chẳng những có khả năng hoàn vốn mà còn có lãi trên ba triệu đôla.
- Về cái chết của Trang Thanh Khả, các cơ quan pháp luật nghi Dương Văn Ba ám hại, tòa án bắt tội Lê Văn Bình...: Thứ nhất, chịu trách nhiệm về nhân sự, Công ty Cimexcol, Thường vụ Tỉnh ủy giao cho bốn đồng chí: Tống Kỳ Hiệp, Trưởng ban nội chính; Đoàn Quang Vũ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra; Mai Thanh Ân, Trưởng ban tổ chức; Hoàng Hà, Giám đốc Công an tỉnh. Thứ hai, sau cái chết của Khả, Thường vụ Tỉnh ủy phân công Tống Kỳ Hiệp đi xác minh về báo cáo lại không hề có dấu hiệu gì Dương Văn Ba ám hại cả. Thứ ba, trong bản án ghi rõ rằng cái chết của Trang Thanh Khả để lại điều tra tiếp làm rõ nhưng rất lạ là “đồng thời” tòa án bắt tội trách nhiệm đối với Lê Văn Bình trong vụ án này là sao?
Đã từng đề nghị tái thẩm vụ án
Theo ông Để, từ khi vụ án xảy ra, không phải chỉ có cán bộ, đảng viên, các đoàn thể quần chúng, các vị cách mạng lão thành ở Minh Hải mà cả ở Hậu Giang, An Giang, Cửu Long... đều lên tiếng phản đối vụ án bằng những văn bản đầy trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết, với động cơ vì chân lý, bảo vệ uy tín và bảo vệ pháp luật, gửi về trung ương yêu cầu xem xét, xử lý bản án Cimexcol (Minh Hải)... Đặc biệt hơn, tháng 3-1994, tại TP.HCM, Thường trực Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp có đủ mặt đại diện các cơ quan: Ban Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải, đã trực tiếp nghe ba đồng chí Ba Vị (Đoàn Thanh Vị - Bí thư tỉnh), Ba Hùng, Năm Hạnh (cả hai đều là nguyên Chủ tịch tỉnh - PV) trình bày đầy đủ về sự thật, về những sai trái trong bản án Cimexcol và đề nghị xem xét lại...
Tại diễn đàn Quốc hội (kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VIII), Chánh án TAND tối cao Phạm Hưng đã phát biểu: “Theo Điều 263 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về kháng nghị tái thẩm, chúng tôi đề nghị đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao xem xét những tài liệu do các báo nêu ra và những tài liệu do một số người bị kết án trong vụ án Cimexcol... Nếu có căn cứ là việc điều tra trước đây không chính xác dẫn đến xét xử không đúng thì kháng nghị theo trình tự tái thẩm để Ủy ban thẩm phán TAND tối cao xét xử lại”.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua đến nay vụ án vẫn chưa được xem xét, chưa được tái thẩm như ý kiến của ông Phạm Hưng.
Ông Để kiến nghị: “Bản án Cimexcol đã được chứng minh xét xử không đúng người, không đúng tội, không đúng pháp luật, mất dân chủ, không được lòng dân và xét về tình tiết, nội dung phán quyết của phiên tòa sai trái đến mức nghiêm trọng, làm cho tính chất và bản án đã thay đổi một cách cơ bản. Một lần nữa tôi xin kiến nghị với lãnh đạo Đảng, nhà nước và cơ quan pháp luật trung ương tiến hành theo trình tự tái thẩm bản án”.
6. Phục hồi nhưng chưa được minh oan
Đầu tháng 5-2008, tôi trở lại Cà Mau tìm gặp một số người có liên quan, bị xử lý sau khi phiên tòa xét xử vụ án Cimexcol Minh Hải kết thúc. Người đầu tiên tôi muốn tìm gặp là ông Đoàn Thanh Vị (Ba Vị), nguyên ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải (nay là Cà Mau-Bạc Liêu). Buổi chiều, qua một người quen cho tôi biết được địa chỉ nhà ông Ba Vị. Suốt đêm hầu như tôi không ngủ được. Tảng sáng, từ trung tâm thành phố Cà Mau tôi vượt cầu Gành Hào sang phường 8 tìm quán Quạt Mo để gặp ông Ba Vị. Ông bây giờ là chủ quán Quạt Mo, một quán cốc bán nghêu, sò, óc, hến. Nghe mục đích cuộc gặp để tìm hiểu về vụ án Cimexcol, ông Vị lắc đầu nói bằng giọng lè nhè, chán chường: “Chết gần hết rồi, hỏi mà làm gì? Có giải oan kịp đâu!”cho biết sau vụ án, các vị lãnh đạo trong Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh Minh Hải đều bị cách chức, bị cảnh cáo đảng.
Tòa vẫn bảo lưu quan điểm
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IX diễn ra vào tháng 7-1993, Chánh án TAND tối cao Phạm Hưng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vụ án Cimexcol. Sau khi trình bày lại diễn biến của vụ án Cimexcol, quá trình điều tra và xét xử, ông Phạm Hưng nói rõ: “Theo điều 263 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về kháng nghị tái thẩm, chúng tôi đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét những tài liệu do các báo nêu ra và những tài liệu do một số người bị kết án trong vụ án Cimexcol... Nếu có căn cứ là việc điều tra trước đây không chính xác dẫn đến xét xử không đúng thì kháng nghị theo trình tự tái thẩm để Ủy ban thẩm phán TAND tối cao xét xử lại”.
Ông Vị cho biết sau đó, ngày 9-3-1994, Thường trực Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ VII cho mời Thường trực Tỉnh ủy và UBND cùng một số ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải đến Văn phòng Trung ương phía nam (T78) để báo cáo lại vụ án. “Phía Bộ Chính trị có anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt, anh Đào Duy Tùng, anh Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) và anh Nguyễn Hà Phan” - ông Vị cho biết. Phía VKS tối cao có ông Lê Xuân Dục (kiểm sát viên cao cấp, đại diện VKS tại phiên tòa xử vụ án Cimexcol Minh Hải - PV); Tòa án tối cao có Chánh án TAND tối cao Phạm Hưng và anh Đỗ Quang Thắng (phó chánh án TAND tối cao trực tiếp phụ trách chỉ đạo xét xử vụ án Cimexcol Minh Hải - PV)...
Ông Vị cho biết sau khi nghe hai bên trình bày, cuộc họp diễn ra khá căng thẳng bởi phía tòa án vẫn cho vụ án xét xử là đúng.
Phục hồi trong nội bộ
Ông Vị kể: “Tôi vốn là người trầm tĩnh mà không kiềm chế được. Tôi đứng lên nói: Tóm lại, vụ án xử theo định hướng, dẫn đến kết luận oan sai nhiều người, để lại cho Minh Hải hậu quả khôn lường. Sự mất mát về vật chất có thể bù đắp được nhưng mất lòng tin là khó khôi phục. Nói đến đây, tôi chồm về phía trước, hướng vào anh Phạm Hưng nói: “Tôi với anh là tình bè bạn, đồng chí với nhau; anh có học luật, tôi không có học nhưng trong vụ án Cimexcol tôi thách anh dám đấu lý với tôi. Anh dám không?” Lúc ấy, tôi nghĩ anh Phạm Hưng sẽ phản ứng nhưng anh đã im lặng”. “Sự im lặng này kéo dài đến nay đã hơn 14 năm” - ông Vị nói tiếp.
Ông Vị cho biết ông Đỗ Mười kết luận cuộc họp, thông báo những người có liên quan vụ án sẽ được phục hồi từng phần. “Tôi và anh Ba Hùng (Phạm Văn Hoài - nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thời kỳ trước ông Năm Hạnh - PV) được xóa kỷ luật cảnh cáo đảng. Năm Hạnh được phục hồi, cho hưởng lương hưu theo chế độ chủ tịch UBND tỉnh. Mới đây, Năm Hạnh vừa mới qua đời (vào hồi 17 giờ chiều ngày 1-5 - PV), UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức ban tang lễ rất trọng thể, trong điếu văn vẫn gọi Lê Văn Bình là nguyên chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Minh Triết (Chủ tịch nước) cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến dự lễ tang. Nhưng án oan của tất cả những người bị hàm oan thì vẫn còn treo lơ lửng cho tới bây giờ” - ông Vị kết thúc câu chuyện.
Gia đình chúng tôi mong mỏi được minh oan
Đúng một tuần sau khi ông Năm Hạnh vĩnh viễn ra đi còn mang theo oan án, tôi đã trở lại đốt thêm nén nhang cho ông. Bà Ngô Thị Sớm, vợ ông Năm Hạnh, 71 tuổi, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Minh Hải, danh hiệu 45 năm tuổi Đảng, đã trao cho tôi lá đơn tiếp tục yêu cầu minh oan cho chồng là ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh).
Đơn viết: “Chồng tôi đến giờ phút cuối cùng, trong cơn bệnh hiểm nghèo, vẫn tiếp tục yêu cầu, mong muốn được trung ương minh oan vụ án. Sau khi bà Ngô Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Văn Linh, gửi thư cho quý ông đề nghị minh oan vụ án, tôi có được tin các cơ quan pháp luật nói rằng chồng tôi đã nhận tội nên không thể xem xét lại vụ án. Đây là thông tin sai sự thật. Lời phát biểu cuối cùng của chồng tôi tại phiên tòa vẫn còn nguyên vẹn trong băng ghi hình, gia đình tôi còn đang giữ. Nếu cần tôi sẽ gửi băng này cho quý ông. Mặt khác, việc giải oan vụ án đã được Ban Bí thư khôi phục một số quyền lợi cho chồng tôi như chế độ hưu, thậm chí còn yêu cầu chồng tôi làm lý lịch để phát triển đảng lại. Chỉ có việc bản án oan sai mà chồng tôi và cả gia đình tôi phải gánh chịu chưa được minh oan...
Một lần nữa, mong quý ông đừng nên tiếp tục im lặng. Chồng tôi vĩnh viễn ra đi mang theo oan án là đã quá đủ, xin quý ông đừng tiếp tục gây thêm đau đớn, oan nghiệt cho gia đình chúng tôi bằng oan án không được minh oan”.
Lê Khải Hoàng và Lê Việt Xô, hai con trai ông Năm Hạnh cũng trao cho tôi một lá đơn đầy xúc động. “Cha chúng tôi đã mòn mõi chờ ngày được minh oan, không chỉ cho riêng ông mà cho những người bị mang án oan sai trong vụ án Cimexcol Minh Hải. Đối với cha chúng tôi, vinh dự còn lớn hơn mạng sống của ông. Nay ông đã mất. Nếu các bác, các chú thấy việc minh oan cho ba tôi, cho những người bị xử oan là bất lợi cho Đảng, cho tổ chức thì chúng tôi chỉ cần một tờ giấy xác nhận minh oan cho những người bị án oan”.
Điều xúc động với tôi là hai đứa trẻ vừa mới trưởng thành còn biết hy sinh, chấp nhận sự oan khiên vì lợi ích chung. Nhưng chẳng lẽ trong lợi ích chung đó không có hai người con của ông Năm Hạnh?
Theo luật gia Hoàng Trung Tiếu, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, vụ án Cimexcol Minh Hải vẫn còn đủ căn cứ, thời hạn để tái thẩm. Ông nói: “Kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Nội dung về vụ án Cimexcol mà Báo Pháp Luật TP.HCM đã nêu cho thấy bản án không đủ cơ sở pháp lý để tuyên án nhưng vẫn được tuyên. Do đó cần phải giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án.
Trong trường hợp muốn giám đốc thẩm vụ án, tại khoản 3 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy định một trong những căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử. Về thời hạn kháng nghị, theo thủ tục giám đốc thẩm cũng được quy định tại khoản 2 Điều 278: giám đốc thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Như vậy, vụ án Cimexcol hoàn toàn đủ căn cứ và thời hạn để giám đốc thẩm.
Tương tự, muốn tái thẩm vụ án, khoản 2, 3, 4 Điều 291 bộ luật này cũng quy định các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai; vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cũng được quy định tại khoản 2 Điều 295: tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ
Với những quy định trên, vụ án Cimexcol dù đã được xét xử cách đây 20 năm nhưng đến nay vẫn đủ cơ sở và thời hạn để bắt buộc TAND tối cao, VKSND tối cao xem xét theo thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm vụ án.
Còn theo Luật gia Trương Trọng Nghĩa: Phải minh oan - vì người đã khuất và người còn sống !
“Việc minh oan cho một người bị xử lý sai là cần thiết cho bản thân và gia đình người đó và cả cho Đảng và nhà nước. Làm oan sai, có hại cho người khác thì phải sửa, không sửa được thì chí ít cũng có cách minh oan và nhận lỗi. Đó là đạo lý và là công lý mà người càng có quyền to càng phải tuân thủ mới tạo được niềm tin của nhân dân.
Vậy minh oan như thế nào và ai nhận lỗi? Tôi nghĩ, lãnh đạo Đảng cần có văn bản chỉ đạo việc xem xét lại vụ án Cimexcol để có kết luận chính thức về việc xét xử ông Năm Hạnh. Việc xem xét lại này có thể giao cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát và kết luận. Nếu kết luận là ông Năm Hạnh không có tội hoặc có khuyết điểm nhưng không đến mức phải xử lý hình sự, tức là đã bị xử oan thì Ủy ban Tư pháp cần nghiên cứu xem luật hiện hành có cho phép tái thẩm hay không. Nếu do ông Năm Hạnh đã mất hoặc do luật định khiến việc tái thẩm đối với ông có thể không khả thi về luật pháp, Quốc hội có thể ra một nghị quyết đặc biệt về vụ án Cimexcol và nêu những kết luận về những trường hợp oan sai, đặc biệt đối với ông Năm Hạnh. Nghị quyết này là văn kiện minh oan chính thức cho những nạn nhân của vụ án, để họ nếu còn sống hoặc gia đình họ nếu họ đã chết sử dụng trong mọi quan hệ cá nhân và xã hội khi cần thiết. Còn nhận lỗi? Tòa án tối cao có thể đứng ra xin lỗi, vì tòa án của nước CHXHCN Việt Nam từ vụ Cimexcol đến nay vẫn là một, người lãnh đạo mới có thể kế thừa về thành tích thì tại sao lại không thể kế thừa về trách nhiệm làm oan sai?”
Luật gia Đàm Việt (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) thắc mắc: Đầy mâu thuẫn mà sao vẫn xử?
“Qua những thông tin trên Báo Pháp Luật TP.HCM, tôi thấy bản án đã dựa vào những chứng cứ mâu thuẫn và mang nặng tính suy diễn. Vì sao tòa án không cố gắng giải tỏa những mâu thuẫn ấy thông qua việc điều tra kỹ lưỡng rồi hãy xét xử?
Về hành vi không cải tạo đoàn xe của ông Dương Văn Ba, án tòa cho rằng bị cáo Lê Văn Bình (Năm Hạnh) đã thiếu kiên quyết cải tạo đoàn xe để sau này Ba bán đoàn xe, bỏ túi riêng. Song theo ông Năm Hạnh, việc cải tạo đoàn xe diễn ra vào năm 1980, thời điểm đó bị cáo còn là trưởng Ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Lợi nên không biết. Đến cuối 1986, bị cáo được bầu làm chủ tịch tỉnh. Thời điểm đó đã có Chỉ thị 16 của Ban Bí thư ngưng cải tạo công thương, bị cáo không thể cải tạo đoàn xe vì làm như vậy là chống chủ trương đổi mới.
Về việc sử dụng Dương Văn Ba, tạo điều kiện để ông Ba phạm tội: Theo ông Năm Hạnh, ông không phải là người nhận Ba vì vào đầu năm 1983, khi Cimexcol mới thành lập, bị cáo đang làm chủ tịch huyện Giá Rai, chưa về UBND tỉnh.
Về việc thiếu kiểm tra hoạt động của Cimexcol, để cho Cimexcol phạm tội, ông Năm Hạnh cho biết ông không có tên trong năm thường vụ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ kiểm tra Cimexcol.
Về việc bảo lãnh cho Cimexcol Minh Hải vay vốn, ông Năm Hạnh giải thích Cimexcol là đơn vị thử nghiệm kinh doanh theo cơ chế mới, ngân sách không cấp vốn, đơn vị tự vay vốn, tự hoàn vốn. Nếu không bảo lãnh thì làm sao Cimexcol có vốn kinh doanh. Mặt khác, khi Cimexcol có lãi hơn hai triệu đôla thì sao lại kết tội bị cáo?
Về bảo lãnh lô hàng cà phê Cimexcol mua trong nước, xuất khẩu bằng quota Lào, việc ký bảo lãnh để giải phóng lô hàng này là do ông Lê Khắc Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lúc Minh Hải liên kết với TP chứ không phải là ông Năm Hạnh...
Mặc dù các chứng cứ kết tội còn nhiều khập khiễng như thế nhưng Tòa tối cao vẫn xử phạt ông Năm Hạnh một năm tù (cho hưởng án treo) về tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tôi đã rất ấn tượng với những con số thăm dò dư luận về việc xét xử vụ án Cimexcoil như: không đồng tình xử vụ án: 70%; vụ án phản tác dụng: 92%; qua phiên tòa thiếu lòng tin, nghi ngờ pháp luật: 93%; bị cáo có công hơn có tội: 86%; đề nghị xử lại hoặc hủy bỏ bản án: 96%... Tôi cũng đã rất xúc động khi được biết đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông Năm Hạnh vẫn tiếp tục yêu cầu, mong muốn được trung ương minh oan vụ án. Để người đã khuất và các thân nhân còn sống đều được an lòng, tôi đề nghị VKSND tối cao và TAND tối cao sớm xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm.”
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP HCM) khẳng định: Làm sai, đừng ngại sửa
“Tôi đã đọc cả loạt bài và điều đọng lại trong tôi là khi ông Năm Hạnh qua đời, trong điếu văn vẫn gọi ông là nguyên chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhưng án oan của ông vẫn còn treo lơ lửng cho đến bây giờ.
Lẽ thường, có sai có sửa. Nếu có căn cứ cho rằng việc điều tra trước đây không chính xác dẫn đến xét xử không đúng thì viện trưởng VKSND tối cao cần xem xét, kháng nghị theo trình tự tái thẩm để Ủy ban thẩm phán TAND tối cao xét xử lại vụ án. Việc sửa sai không chỉ vì trách nhiệm, lương tâm, đạo đức mà còn là nghĩa vụ phải làm của những người có thẩm quyền.
Việc ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra được xem là điểm son của pháp luật tố tụng hình sự. Qua đó, chính quyền đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo thuận lợi cho các công dân được bình đẳng về mặt pháp lý. Chính vì thế, việc lật lại vụ án đã được xét xử sai từ năm 1989 dẫu có muộn nhưng là điều cần làm để không chỉ có ông Năm Hạnh mà nhiều bị cáo khác được minh oan, bảo đảm được sự công minh của pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Đình Hùng (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng: Dư luận luôn ủng hộ thiện chí sửa sai. “Có thể nhiều người sẽ lấy làm ngạc nhiên sao thời trước xử án quá sơ sài, dễ làm oan người vô tội. Nói theo cách của ông Nguyễn Văn Để, nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Minh Hải, “bản án kết tội Lê Văn Bình hầu như dựng đứng hoàn toàn đến mức không sao hiểu nổi”.
Cần lưu ý rằng vào thời điểm xét xử vụ án Cimexcol, ta chưa có luật hình sự và tố tụng hình sự. Việc xử án đơn thuần căn cứ theo chỉ thị, nghị quyết. Việc độc lập xét xử dường như hoàn toàn thiếu vắng, việc tranh tụng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội lại càng không có, kết quả xét xử phụ thuộc vào hồ sơ và những định kiến có sẵn. Thế nên mới có những bản án thiếu thuyết phục do hội đồng xét xử cố ghép tội cho bằng được.
Khoản 2 Điều 295 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Việc tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án không bị hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Theo đó, chánh án TAND tối cao mà chủ yếu là viện trưởng VKSND tối cao hoàn toàn có cơ sở và thời hạn để tái thẩm vụ án, khôi phục danh dự cho những cá nhân liên quan.
Dư luận luôn ủng hộ thiện chí sửa sai và cũng sẵn sàng phê phán các thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước nỗi oan khiên của người khác”.
Khi báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh công khai lật lại vụ án Cimexcol Minh Hải, nhiều bạn đọc gửi tỏ rõ bất bình. Một bạn đọc thắc mắc: Xử án kiểu gì kỳ cục vậy?
“Thật tình tôi không thể hiểu tòa án tối cao đã nghiên cứu hồ sơ và xét xử như thế nào mà có thể nhầm lẫn giữa ông Lê Khắc Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, người ký bảo lãnh để giải phóng lô hàng của Cimexcol với ông Lê Văn Bình (tức ông Năm Hạnh). Xử án kiểu gì mà kỳ cục vậy? Chưa hết, không rõ tòa này gấp gáp đến mức nào mà thản nhiên xét xử ông Năm Hạnh khi thủ tục bãi miễn đại biểu Quốc hội đối với ông vẫn chưa được hoàn tất. Tuy được đánh giá là vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” nhưng qua tám ngày xét xử, những người dự khán chẳng thấy gì gọi là “nghiêm trọng” cả.
Theo bà Võ Thị Thắng, nguyên thành viên hội đồng xử án, Cimexcol hoạt động bằng nguồn vốn tư nhân, được miễn thuế kinh doanh trong ba năm. Do vậy, không thể kết tội họ tư túi chính từ nguồn vốn của cá nhân họ, càng không thể kết tội họ tham ô tài sản XHCN. Nếu thực sự là như thế thì tòa án đã đi từ cái sai này đến cái sai khác khi xét xử ông Năm Hạnh và hai mươi bị cáo.
Đối với tử tù Huỳnh Văn Nam (Đồng Nai) đã mất, dẫu biết oan nhưng do bản án đã qua cấp hội đồng thẩm phán nên không có cơ chế cải sửa. Vụ án Cimexcol tuy xảy ra đã quá lâu nhưng không bị kẹt cơ chế này. Việc lật lại vụ án để giải oan cho những người vô tội là cần thiết. Việc minh oan này không chỉ vì người bị oan và gia đình họ mà cho chính ngành tòa án, cao hơn nữa là cho chế độ hiện hành”.
Một đồng nghiệp với tôi, thông tin khi trao đổi bên hành lang Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng cho biết VKSND tối cao rất quan tâm đến những thông tin trong loạt bài “Cimexcol Minh Hải - 20 năm oan án” đăng tải trên Pháp Luật TP.HCM. Lãnh đạo viện đã giao các vụ chức năng xem xét, xác minh về những vấn đề Báo nêu.
Ông Vượng xác nhận bản thân ông được nghe khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc xét xử vụ án này. Khoảng hai tháng trước, VKSND tối cao cũng đã nhận được nhiều thư kiến nghị của cán bộ lão thành phía nam, đề nghị xem xét lại nội dung bản án, minh oan cho những người bị hàm oan. Tuy nhiên theo ông, lật lại vụ án đã xét xử 18 năm trước hoàn toàn không đơn giản. Thời điểm đó, đất nước đang trong giai đoạn giao thời giữa cái cũ và cái mới, hệ thống pháp luật còn thiếu, thậm chí chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn là một trong những khó khăn mà những người làm công tác xét xử vướng phải.
Theo lãnh đạo VKSND tối cao, hiện hồ sơ Cimexcol đang nằm ở tòa án nên muốn nghiên cứu lại phải có phối hợp với TAND tối cao. Được biết, TAND tối cao cũng đã “vào cuộc” xem xét những thông tin đăng tải trên Pháp Luật TP.HCM.
7. Bài phỏng vấn bị hoãn lại và những kiến nghị mang tính thời sự
Khi là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Thường trực và sau đó là Phó Thủ tướng Thường trực ông có theo dõi vụ án Cimexcol Minh Hải?.
Trước và sau phiên toà xét xử vụ án, ông có theo dõi dư luận và có chỉ đạo gì?
Ý kiến riêng của ông đánh giá về vụ án và những người bị kết tội, bị kỹ luật?
Nếu còn làm Thủ tướng đương nhiệm, ông sẽ chỉ đạo giải quyết vụ án như thế nào?
Trong cuộc trao đổi với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông khẳng định “Đây là một vụ án áp đặt đã dẫn đến xét xử oan sai hàng chục người, kéo dài đến nay gần 20 năm chưa được minh oan”.
Tôi hỏi ông: Thời điểm tiến hành điều tra vụ án, lúc đó ông là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bộ trưởng, ông có theo dõi diễn biến vụ án Cimexcol?
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời: Ban đầu xác định đây là vụ án chính trị, Bộ Chính trị giao anh Mười Hương (Trần Đình Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương - PV) phụ trách. Khi xác định vụ án không có dấu hiệu chính trị, được chuyển hướng trở lại điều tra là một vụ án kinh tế, thành lập Ban chuyên án mới, lúc đó giao lại cho anh Ba Hương (Lâm Văn Thê, nguyên Uỷ viên Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an – PV) phụ trách. Đến lúc này tôi bắt đầu theo dõi vụ án và thấy vụ án có dấu hiệu không bình thường.
- Từ căn cứ nào để Thủ tướng đánh giá vụ án có dấu hiệu không bình thường?
Thứ nhất, từ vụ án chính trị, khi không tìm ra chứng cứ, lại chuyển sang vụ án kinh tế. Trong khi trước đó, Trung ương đã thành lập Đoàn kiểm tra tài chính Minh Hải và Cimexcol, do Trần Kiên (nguyên Bí Thư trương ương, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương - PV) phụ trách. Theo báo cáo của Trưởng Đoàn kiểm tra Trần Kiên, không phát hiện Cimexcol có dấu hiệu vi phạm kinh tế mà còn có lãi hơn 2 triệu đô la.
Thứ hai, cùng thời điểm này, ở Minh Hải còn xảy ra một vụ án nghiêm trọng khác. Đó là việc Phó giám đốc Sở công an tỉnh chỉ đạo giết một trung uý công an để tổ chức đưa người vượt biên, chiếm đoạt nhiều tiền vàng. Nhưng vụ án này lại được đưa ra xét xử theo thủ tục thông thường, sơ thẩm rồi phúc thẩm, còn vụ án Cimexcol chỉ đơn thuần vi phạm kinh tế lại đưa xét xử theo một trình tự đặc biệt sơ chung thẩm. Và một số dấu hiệu khác.
- Khi thấy vụ án có dấu hiệu không bình thường, ông có trực tiếp tìm hiểu?
Tôi đã nhiều lần gặp thiếu tướng Nguyễn Hoà, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Lào để nghe báo cáo, đều đánh giá Cimexcol Minh Hải đang hoạt động hợp tác kinh tế với Lào rất hiệu quả. Xứ quán của ta tại Lào cũng có nhận định như vậy. Đại xứ Lào tại nước ta cũng đánh giá tốt về Cimexcol. Trong một lần gặp ông Phăng-tày Xi-phăn-đon (nguyên Tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Lào, đã nghỉ hưu – PV), khi nói về hợp tác của Lào với Cimexcol Minh Hải tỏ ra rất tin cậy.
- Khi vụ án kết thúc, đưa ra xét xử, ông có tiếp tục theo dõi?
Tôi nhận nhiều thông tin không đồng tình đưa vụ án ra xứt xử. Sau phiên xét xử, tôi cũng nhận nhiều thông tin qua thông tin báo chí và dư luận trong cán bộ không đồng tình. Tôi cho mời Võ Thị Thắng, thành viên Đoàn Hội thẩm Nhân dân Toà án tối cao, thành viên Hội đồng xét xử vụ Cimexcol đến báo cáo ( lúc đó bà Thắng còn là Uỷ viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Thắng báo cáo phiên toà diễn ra thiếu dân chủ, Hội đồng xét xử được quản lý và chỉ đạo xét xử rất chặt, các bị cáo bị buộc tội thiếu chứng cứ. Thắng còn cho biết, do thiếu chứng cứ nhưng Hội đồng xét xử vẫn ra phán quyết buộc tội nên Thắng là một trong năm thành viên trong Hội đồng xét xử kiên quyết không ký tên vào bản án. Đây cũng là dấu hiệu bất thường thứ ba.
- Năm 1994, qua kiểm tra lại tình hình tài chính Cimexcol, phát hiện vụ án oan sai, Cimexcol không lỗ mà còn có lãi hơn 800 nghìn đô la, lúc đó ông có đề nghị gì với Trung ương?
Người đầu tiên đề nghị xét xử lại vụ án không phải là tôi mà là của những người bị hàm oan trong vụ án, đặc biệt là Ba Vị (Đoàn Thanh Vị, Uỷ viên Trung ương, Bí thư tỉnh uỷ Minh Hải – PV), Năm Hạnh, Ba Hùng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, người tiền nhiệm trước Năm Hạnh – PV). Họ đề nghị được đối chất với Toà án về vụ án trước Ban bí thư, Bộ Chính trị và Chính phủ. Tôi đồng ý cùng Thường trực Ban bí thư, Thường trực Bộ Chính trị và lãnh đạo một số tỉnh ngồi lại nghe hai bên đối chất vào tháng 3-1994 tại TP.HCM. Ngay hồ sơ xét xử vụ án đã không thuyết phục. Qua cuộc đối chất này thấy bản chất vụ án càng trái ngược. Nhưng phía Toà án vẫn bảo lưu quan điểm cho rằn xét xử vụ án là đúng.
- Rồi sau đó kết quả ra sao, thưa ông?
Tôi đề nghị, về phía cơ quan pháp luật, rõ ràng đây là vụ án oan sai. Nếu không đưa ra xét xử lại phải đưa ra một hình thức nào đó để giải oan. Đối với Bộ Chính trị phải thông báo trong phạm vi rộng, hẹp nào đó và về phía Nhà nước cũng phải có thông báo để giải oan cho những công dân. Nhưng không được chấp nhận.
- Được biết, sau đó ông có một đề nghị tiếp theo. Cụ thể đó là những đề nghị gì?
Khi hai bên không ai chịu ai, tôi đề xuất thành lập một nhóm độc lập, gồm hai thành phần: Kiểm tra Đảng cử Chính Đào (Phan Minh Tánh) và Bộ Tài chính cử viên về tài chính. Nhóm này do Hai Nghĩa (Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương – PV) phụ trách, thẩm tra lại các tài liệu một cách khách quan, có kết luận báo cáo Bộ Chính trị quyết định. Khi nhân sự đã sẵn sàng, chỉ còn chờ quyết định. Nhưng sau đó nhóm này đã không được thành lập.
- Với đề xuất nói trên, vì ông nghi ngờ vụ án có oan sai?
Không phải nghi ngờ, mà tôi thấy rõ vụ án oan sai, cần có kiểm tra khách quan để kết luận. Tại cuộc đối chất hồi tháng 3-1994, có tôi tham dự, Ba Vị đã đứng lên nói với anh Phạm Hưng: “Tôi không có học luật, anh có học luật, nhưng tôi thách anh cải lý với tôi về vụ án Cimexcol”. Phạm Hưng im lặng.
- Sau đó ông đã có những đề nghị nào khác?
Trong một lần trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, ông nói: “Xem hồ sơ vụ án này cũng thấy băn khoăn”. Tôi đề nghị ông Mạnh, Quốc hội nên đưa vụ án ra tái thẩm, nhưng không được chấp nhận. Một lần khác tôi đề nghị Lê Khả Phiêu, ông Phiêu tỏ ra do dự cho rằng xử lại vụ án là phủ nhận quyết định của người đi trước. Sau đó Trung ương có chủ trương phục hồi những người bị oan sai từng phần, riêng Năm Hạnh cho phục hồi bằng cách kết nạp Đảng lại. Nhưng Năm Hạnh không đồng ý, đề nghị phải được minh oan toàn bộ vụ án và phục hồi Đảng. Tôi đồng tình với quan điểm này của Năm Hạnh!
- Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi thư đề nghị Trung ương khẩn cấp minh oan vụ án Cimexcol Minh Hải, đặc biệt là đối với ông Lê Văn Bình. Được biết, bức thư này bà Huệ cũng đã trực tiếp gửi đến ông. Ông có ý kiến gì về những đề nghị này?
Vì là người cùng quê, cùng chiến đấu chung trong chiến tranh, bà Huệ biết rất rõ phẩm cách Năm Hạnh, một người cộng sản trung kiên trong đấu tranh với kẻ thù và kiên trì đấu tranh đòi được minh oan trong vụ án Cimexcol. Bức thư bà Huệ cho thấy, bà không chấp nhận thái độ của Trung ương, của Toà án tối cao đã không trả lời tất cả các đơn thư, yêu cầu, khiếu nại được minh oan vụ án trong suốt 14 năm qua, từ khi phát hiện vụ án oan sai. Đó là vi phạm hiến pháp! Vi hiến! Việc bà Huệ viết trong thư: “Nếu ông Linh còn sống, ông Linh đã có chủ trương giải oan vụ án” cho thấy bà Huệ đã đứng về phía những người kêu oan, đã có kêu oan thì phải xem lại, nếu oan thì phải giải oan! Tôi cũng đang viết thư đề nghị Ban bí thư xem xét có biện pháp minh oan vụ án.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những người có liên quan trong vụ án đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị kết tội, đặc biệt là đối với ông Lê Văn Bình?
Vụ án Cimexcol Minh Hải được đánh giá là oan sai đến nay vẫn chưa được làm rõ. Đây thuộc về trách nhiệm của những người xử sai chứ không phải trách nhiệm của người bị xử. Dù bị kết tội, bị kỷ luật oan sai nhưng họ vẫn là những đảng viên cộng sản có phẩm chất, những công dân có trách nhiệm. Lẽ ra họ vẫn còn có thể tiếp tục cống hiến nhưng tòa án đã kết tội, Đảng đã kỷ luật họ. Thiệt hại này không chỉ đối với cá nhân những người bị kết tội, bị kỷ luật mà còn làm thiệt hại cho xã hội, làm tổn thương đến uy tín của cơ quan pháp luật, của Đảng.
Đối với những người ngoài Đảng, tôi cảm thông và chia sẻ với cá nhân, gia đình và người thân những người bị hàm oan.
Riêng đối với các đồng chí Ba Vị (Đoàn Thanh Vị, nguyên ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh ủy), Ba Hùng (Phạm Văn Hoài) bị cách chức, cảnh cáo; đồng chí Năm Hạnh (Lê Văn Bình) bị khai trừ Đảng và lãnh án một năm tù cho hưởng án treo đều là những đồng chí cộng sản trung kiên đã qua thử thách trong chiến tranh, sau chiến tranh. Đặc biệt đối với Năm Hạnh, một người cộng sản dám chịu trách nhiệm, khi thấy rõ vụ án bị oan sai đã kiên quyết đấu tranh không mệt mỏi cho sự thật, cho lẽ phải không chỉ cho riêng mình ngay trong lúc phải phấn đấu chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo gần cả chục năm đến khi trút hơi thở cuối cùng. Đối với tôi cũng như đối với Đảng bộ Tây Nam bộ (đồng chí Võ Văn Kiệt từng là bí thư khu ủy Tây Nam bộ - PV), đồng chí Năm Hạnh là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực của một người cộng sản chân chính đáng trân trọng. Tôi rất tự hào về những người cộng sản như vậy. Nếu nói lời vĩnh biệt với Lê Văn Bình – Năm Hạnh, tôi xin nói như vậy.
- Nếu còn đương nhiệm Thủ tướng, ông sẽ giải quyết vụ án này như thế nào?
Đương nhiệm hay không đương nhiệm, tôi vẫn tiếp tục đề nghị vụ án được minh oan.
- Xin ông cho hỏi câu cuối cùng: Ông có nghe lãnh đạo Nước Cộng hoà Nhân dân Lào đánh giá thế nào về vụ án Ximexcol Minh Hải?
Trong một lần gặp Khâm-tày Xi-phăn-đon, Bí thư và là Chủ tịch Lào, ông nói: “Rất tiếc vụ án Cimexcol Minh Hải nổ ra làm chậm lại sự phát triển kinh tế Lào về phía Đông. Nếu còn tiếp tục hợp tác với Cimexcol Minh Hải thì vùng Laksao và vùng rừng núi Lào còn phát triển hơn nữa”. Ông cũng tỏ ra chia xẻ về vụ án Cimexcol.
- Xin cảm ơn ông!
Từ ý kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi chọn đặt tựa cho bài phỏng vấn: “Vụ án áp đặt dẫn đến oan sai”. Khi bài phỏng vấn đã lên khuôn, dự định sáng ngày 9-5-2008 sẽ công bố đăng tải trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Số báo ra ngày 8-5-2008 trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu bài phỏng vấn này. Nhưng 16,30 giờ chiều ngày 8-5, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của thư ký riêng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, yêu cầu dừng bài phỏng vấn “để Chú Sáu xem lại một lần nữa” – anh Trịnh, thư ký riêng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói qua máy điện thoại. Nhận được thông tin này tôi thật sự chới với. Lúc đó tôi đang được Toà soạn báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh phân công đi công tác Cà Mau, nắm thông tin từ Đoàn Kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để đưa tin về vụ “chạy chức”. Tôi không mang theo một trang tư liệu nào về Cimexcol. Nhưng rất may, với chuẩn bị ban đầu loạt bài sẽ tổ chức thông tin trên báo thành chín kỳ, sau đó Toà soạn đề nghị tôi tổ chức bài vỡ cho ba đến năm kỳ báo, nên nhiều tư liệu tôi đã nhập sẵn trong máy tính xách tay mang theo. Tôi hối hả chui vào một góc quán cà phê Hoàng Gia ở phường 5, Thành phố Cà Mau, tắt điện thoại và chúi mũi vào máy tính, sắp xếp nội dung cho một trang báo khác thay cho bài phỏng vấn. Với định hướng thông tin chủ đạo là những kiến nghị về vụ án Cimexcol Minh Hải. Tôi đã viết liền một mạch hơn 2 giờ đồng hồ để tổ chức trang báo với tựa chung: “Tính thời sự của bản kiến nghị 12 năm trước”. Trong đó là bản kiến nghị của ông Nguyễn Văn Để (Tư Vân) viết năm 1986 làm nền. Cùng với kiến nghị của ông Nguyễn Văn Để là kiến nghị của ông Phạm Hưng tại diễn đàn Quốc hội Khoá VIII đề nghị Uỷ ban Pháp luật Quốc hội xem xét xử lại vụ án.
Và, việc kiến nghị xử lại vụ án Cimexcol Minh Hải từ thế kỷ trước đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Một sự kiện thời sự tràn đầy đạo lý.
Và, bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau đó đã được công bố trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc loạt bài, lại một lần nữa kiến nghị minh oan vụ án.
Khi viết ký sự này, tôi không hề cố ý khi đưa ra mở đầu là kiến nghị của bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và bản kiến nghị mười hai năm trước của ông Nguyễn Văn Để, kết thúc là kiến nghị của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu minh oan vụ án Cimexcol Minh Hải. Bởi sự thật diễn biến của sự việc là vậy. Tôi chỉ chép ra đây về một vụ án và những kiến nghị kéo dài qua hai thế kỷ.
Ảnh : Lá thư của ông Năm Hạnh viết ngày 17-4-2008