Nguyễn Đức Hiệp, Trần Thị Vĩnh Tường
(chuyển ngữ từ bài tiếng Anh của V. U Nguyen)
Những nghiên cứu về tiếng Việt hiếm khi chú trọng đến nguồn gốc và đặc tính của đại danh từ. Có lẽ vì nguồn gốc tiếng Việt vẫn còn trong vòng tranh cãi, vì thiếu một khung lý thuyết khả tín về nguồn gốc của các tự vựng, ngoài điều đã được minh thị và chấp nhận qua quy ước về sự khác biệt giữa hai loại từ ngữ, Hán-Việt và thuần Nôm.
Gần đây, Nguyên [1] đề nghị một mô hình mới, dựa vào mô hình ‘Cây-và-Đất’, để giải thích về sự tiến hoá thành lập tiếng Việt, gần sát với lý thuyết về nguồn gốc người Việt. Theo mô hình ‘Cây và Đât', tiếng Việt là một hỗn hợp qua lịch sử và tiến hóa lâu dài của các thứ tiếng thuộc nhiều tộc người khác nhau. Trong mô hình này, tiếng Việt cơ bản là Môn-Khmer phối hợp với Thái-cổ cộng với khối Đa-Đảo, chồng chất và đan xen với các thứ tiếng xuất phát từ khối Bách Việt xưa ở miền Hoa Nam, từ Vân Nam (Điền Việt) trải qua Quảng Đông (Tây và Đông Việt) cho đến Phúc Kiến - Triều Châu (Mân Việt), Ngô (Thượng Hải-Triết Giang) và Hải Nam, v.v. hỗ trợ bằng nhóm tiếng Hẹ (Hakka, tức Hạc Việt) và Miêu-Dao (Miao-Yao hay Hmong-Mien). Trong bài này, sẽ dùng mô hình ‘Cây-và-Đất’ xem xét lại các đại từ, các kết quả thích hợp sẽ được dùng để vừa giải thích vừa chứng minh cho mô hình này trong giới hạn các ngôn ngữ kể trên.
Trong các đặc điểm của đại danh từ tiếng Việt, có hai đặc tính nổi trội nhất cuả đại từ tiếng Việt: một là chúng liên hệ đến những từ nói về quan hệ gia đình hay xưng hô liên quan đến vai vế ngoài xã hội, và hai là đại từ ngôi thứ nhất số nhiều, “chúng tôi, chúng ta” dưới cả hai hình thức bao gồm và phân cách, hình thức hóa qua sự dùng từ (chúng / tụi / bọn). Hai đặc tính trên, được trình bày dưới đây, thật ra cũng thấy trong một số ngôn ngữ láng giềng hay những phương ngữ khác trên đất Việt, mà Nguyên [2] đề ra, như là những thành phần cấu tạo của ngôn ngữ Việt trong quá trình thành lập.
1. Đại từ cho ngôi thứ nhất: Tôi, ta, tớ, tui, tao…
Tiếng Việt có nhiều từ dùng cho ngôi thứ nhất số ít.: Tôi, ta, tớ, tui, tao, mỗ, mình, miềnh, qua, … cùng với một loạt các ngữ vựng chỉ địa vị của người nói trong xã hội: Anh/em, chị/em, chú/cậu, con/cháu, thầy/cô, bố/mẹ,ba/ má, … Hãy xem các đại danh từ ngôi thứ nhất số ít, áp dụng cho cả nam lẫn nữ, dưới đây
Tôi (and Tớ): thường có một biến dạng của Tôi là TUI - đặc biệt trong tiếng Nam bộ, theo luật hoán chuyển âm giữa [u] <=> [ô], như trong ‘Kung-Fu’ <=> Công Phu: Quan thoại Gong/Cung (bow), Quảng Đông Ung/Ông, tùng/tong = tùng chinh/tòng chinh, thúi/thối..
Nhiều tự điển, đặc biệt vài cuốn đầu tiên, như cuốn Annamite-Portuguese-Latin của Alexandre de Rhodes [3], cho rằng ‘tôi đòi’, ‘đầy tớ’, ‘tôi tớ’, xuất phát từ Tôi và Tớ. Điều này hoàn toàn phù hợp với phát âm ngày nay trong tiếng Hẹ và Quảng Đông từ [Toi] {儓}. Phiên âm Quan Thoại cho [toi] có 2 cách: [tai-2] và [dai-4], có nghĩa ‘tôi đòi’, hay ‘đầy tớ’, rất giống với Quan thoại [tai dai]. Thật ra ’Tớ’ có âm rất gần với từ [tsut] hay [su] trong tiếng Hẹ, và [zeot] hay [syu] Quảng Đông viết là豎 hay 卒, cả hai có nghiã ‘tôi đòi’. Tuy vậy, nguồn gốc gần hơn là từ [Tub] trong tiếng Hmong có nghiã ’Tớ’, “b’ là dấu chỉ âm cao giống như với dấu sắc trong tiếng Việt. Trong tiếng Tày-Nùng, “Khỏi” tương đương với ‘Tôi” với cả hai nghĩa: Tôi và đầy tớ.
Tự điển Alexandre de Rhodes có ghi chú là ‘Tớ’ thường được dùng khi giận dữ: ‘Tớ đã làm chi ngươi’. Ngươi chỉ một người có địa vị hay quan hệ thấp hơn người phát biểu câu trên, Tớ, nói trong trạng thái giận dữ.
[tseoi] 余 trong tiếng Quảng Đông hiện nay có thể có cùng nguồn gốc với ‘Tôi’, dùng phát biểu chính thức trong quan hệ hàng ngày. Phát âm [tseoi] trong tiếng Hẹ và Ngô (Triết Giang) đọc [Y] {[I]}, rầt gần với đại từ đơn âm cho ngôi thứ ba trong tiếng Phổ thông và tiếng Việt (coi bảng I). Để ý trong tiếng Mường, ‘Tôi’ đọc như ‘Thôi’ với âm hơi.
Mỗ: ngày nay Mỗ ít được dùng thay cho tôi như trước.. Mỗ có thể liên hệ với [mau] trong tiếng Quảng Đông. Tự điển Huình Tịnh Paulus Của [4] liệt kê某 [mou] có nghĩa là ‘min, tôi’ (I), hoặc ‘tên nọ, tên kia’ chỉ trống khi không rõ tên họ. Âm [mou] Quan thoại có nghĩa “nào đó, một vài”. Chữ kép [mo lian] 磨 练, với [mo] rầt gần với âm [mỗ] có nghĩa rèn, luyện sắt/tính tình, thường dịch qua tiếng Việt là ‘tôi luyện’, cho thấy có lúc trong quá khứ ‘Mỗ’ và ‘Tôi’ được dùng thay đổi qua lại lẫn nhau
Để ý có nhiều chữ mới được tái tạo vào thế kỷ 20, thí dụ [ma luyện] chữ này được cho rằng có nguồn gốc Hán Việt, tương đương với từ Quan Thoại [mo lian] mà không biết đến liên hệ Quảng Đông-Việt giữa ‘Tôi’ và ‘Mỗ. Trong đoạn ‘những tương đồng qua khoảng cách' trong bài [2], chúng tôi có nói về những từ ngữ giống nhau dù ở hai địa điểm rất xa nhau, Mỗ cũng gần với chữ ‘Moi’ trong tiếng Pháp.
Mình: trong tiếng Mường và vài nơi ở miền Trung, đọc là [Miềnh]. Hồi thế kỷ 17, đọc là [Mềnh] hay [Min] [3]. Mình cũng gần với [mi] 微 của Hẹ, [mei] Quảng Đông, và cả tiếng Anh [me]. Cơ bản, Mình dùng cho (thân mình) [23]. Dần dần, cách dùng thay đổi. Trong Tự điển Alexandre de Rhodes [3], Mình được cho là cách xưng hô của người có điạ vị cao hơn người kia.
Ngày nay, có vẻ như Mình được dùng cho những liên hệ thân mật. Đôi khi nó được dùng như đại danh từ ngôi thứ hai, chẳng hạn như giữa vợ chồng: Mình ơi, mình ở đâu.
Mình cũng có cùng nguồn gốc với [Ming] và [*minqu] trong tiếng Mon-Khmer.
Ta/Tao: Rất chắc chắn là cả hai ‘Ta’ và ‘Tao’ có liên hệ mật thiết với những phương ngữ trong ngữ hệ Mon-Khmer. Người Miến Điện gọi 'tôi' bằng [Tjano] hoặc [Tjama], tuỳ theo người nói là nam hay nữ. [Tjano] và [Tjama] cũng khá gần với ‘Ta‘. Chữ chính trong tiếng Champa cho đại danh từ ngôi thứ nhất là [Tahlă]. Cũng vậy, ‘Ta‘ có âm tương đương với Hẹ [Tsa] 咱 , Quảng Đông [Zaa] và [Saa] [5], Phúc Kiến [Sa] 洒, đều có nghĩa là Ta/Tao. Trong một tiểu chi Quảng Đông, [Zaa] 咱 đọc là [gau] tương ứng với âm [Câu] của Tày-Nùng chỉ ‘Ta‘ hoặc ‘Tao‘, Boong Câu = Bọn Tao.
Theo Hayes [6], ‘tao’ rất gần với tiếng Mon-Khmer [saqu]. Rất có thể ‘Tao’ là một tiếng bao gồm cả hai âm ‘Ta’ (hay Tôi) và tiếng Đa Đảo ‘Au’ cho Ta/Tao” (coi bảng I).
Qua: ‘Qua’ có thể là một đại danh từ ít được biết trong tiếng Việt, từ này thường bị hiểu lầm như là một từ Nam Bộ. Thật ra, có nhiều từ cùng gốc ở nhiều nơi cách xa nhau. Trước nhất trong tiếng Mưòng là ‘Qua’ hay ‘Wa’ cho đại danh từ ngôi thứ nhất ‘Tôi/chúng tôi/Ta‘, nhưng thông thường hơn là dùng để chỉ ‘Chúng tôi/chúng ta‘
Tương tự tiếng Phúc Kiến/Hải Nam, [gua] để chỉ ‘Tôi‘. Tiếng Nhật có vẻ hợp cả 2 “Wa” và ‘Ta’ = Watashi vào một chữ dùng cho đại danh từ ngôi thứ nhất. Và cuối cùng ‘Qua’ cũng có các từ cùng gốc trong hệ ngôn ngữ Mon-Khmer [6]: *aku, *nqua, *iqua, *inquan, vv…
Một đại danh từ ngôi thứ nhất khá phổ thông trong tiếng Việt là ‘Anh’, thường dùng khi người nói là anh lớn hay người lớn tuổi, có thể có liên hệ nguồn gốc với từ [?ənh] hay [ănh] hay [?inh] trong Mon-Khmer để chỉ ‘Tôi‘, [enh] trong tiếng Mường, ‘Ani’ trong tiếng Nhật, hay xa hơn nữa, ‘aîné’ trong tiếng Pháp.
Trong tiếng Mường, từ thường dùng cho Ta/Tao là [Ho], có cùng nguồn gốc với tiếng Phúc Kiến là [Hou] 予, Tày-Nùng là [Hây]. [Ho] Mường có cùng âm với tiếng [o] Quảng Đông, cũng là một phát âm khác của [ngo] 我 mà tiếng Phổ Thông (Trung Hoa) là [Wo] cho ‘Ta/Tao’ [15]. ‘O’ trong tiếng Việt có hai nghĩa ‘bà cô’ (aunt) hay cô gái (miss), cũng có thể từ chữ [o] này của Quảng Đông.
Nghi vấn đại danh từ để hỏi ‘AI’, (Who trong tiếng Anh) đã được bàn đến trong [1] & [2]. ‘Ai‘ có cách đọc khác là [Ngai], trong tiếng Hẹ, nghĩa là ‘Tôi’ /’Ta‘ có âm giống nhiều ngôn ngữ khác trong vùng như:
- [Ai] : Mạ ở miền Trung Việt Nam, Khả sinh sống dọc biên giới Lào-Việt
- [Atashi]: Nhật (có thể dùng cho phụ nữ)
- [Aku]: Malay
- [Au]: Maori, Tahiti và Fiji, thuộc ngữ hệ Đa Đảo
Cách đọc [Ngai] trong tiếng Hẹ có lẽ đã được chuyển biến từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ hai, để gọi người khác một cách kính trọng, kiểu “thưa ngài” hay ‘Your Excellency’ trong tiếng Anh. Các âm tương tự như [Ngai] trong một số phương ngữ, kể cả tiếng Mường tương đương với từ ‘người’, để chỉ một người hay loài người [19].
Đại từ cho ngôi thứ hai: anh/em,chú cậu/cô dì……
Đại từ ngôi thứ hai cho thấy ảnh hưởng văn hóa rất mạnh trong liên hệ bà con thân thuộc và hệ thống xưng hô theo nguyên tắc kính trọng trên dưới, in hệt như trong tiếng Môn-Khmer hay những ngôn ngữ khác trong vùng. Giống như đại danh từ Ta/Tao, có thể dùng bất cứ danh từ nào chỉ người bà con hay người khác với người nói, như đã trình bày ở trên: Anh/Em, Ông/Bà, Cô/Chú, ông Nội/ông Ngoại, bà Nội/bà Ngoại [8] v.v….
Theo Gilbert và Hang [7], tiếng Khmer có tới 17 chữ dùng cho ngôi thứ hai, tuỳ theo liên hệ gia đình, họ hàng và vị trí trong xã hội. Trong số các từ, tiếng dành cho cha là [bpaa], cho chú là [bpuu]. Cả hai tiếng Khmer và tiếng Việt giống nhau, không những về nghĩa mà còn được dùng rất rộng [2], [Bhpaa] nghĩa là cha và [Bpuu] nghĩa là ‘Chú' theo nghĩa rộng không chỉ để gọi em ruột của cha, còn chỉ một người đàn ông (có liên hệ họ hàng hay không) lớn tuổi gần bằng cha mình.
Anh trai của cha gọi là bác, có thể từ chữ ‘Ba’. Cha và Chú cũng có liên hệ như vậy, hoặc [Bpaa] và [Bpuu] như trong tiếng Khmer. Để ý Bác và Cậu rất giống với [Baak] và [Kau] trong tiếng Quảng Đông, trong khi ‘Chú’ có thể là do sự gộp chung các âm [Bpuu] Cambodia, [chek] Phuc Kien và [shu] Quan Thoai. (shu] 叔 (tương đương với ‘Thúc’ trong tiếng Nôm, và [suk] trong tiếng Quảng Đông và Hẹ.)
Vợ của Chú, gọi là ‘Thím’ tuơng đương với âm [tsim] Hẹ, và [chim] 嬸Mân Nam. ‘Cô’ bắt nguồn từ [ku] Chiết Giang, hay [kou] {姑} Phúc Kiến, trong khi ‘Dì’ laị bắt nguồn từ [yi] 姨 Quan thoại, Hẹ, Quảng Đông và Phúc Kiến [I]. Vợ của cậu, ‘Mợ’, có nguồn gốc từ [kau-mou] [13].
Hệ xưng hô dựa vào liên hệ gia đình và vị trí trong xã hội của tiếng Việt cũng có vài sự giống nhau với các đại danh từ trong tiếng Quảng Đông cũng như tiếng Mường. Có một ngoại lệ, đó là [Nei] (Ni) Quảng Đông, hay [Da] Mường, dùng rất … thoải mái cho ngôi thứ hai, dù lớn hay nhỏ, địa vị cao hay thấp cũng đều dùng được cả.
Da ti no? Mày đi đâu?.
Da ăn chi? Anh ăn gì? [9]
Giống từ [nong] 儂trong Quan Thoại chỉ ‘Tôi‘ hay ‘anh ấy/cô ấy/nó’, và ‘Anh’ trong các tiếng thổ âm Thượng Hải, Ngô, [Da], hay [za] hoặc [ya] hoán chuyển giữa các đại danh từ ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba có thể được xem là sự hoán chuyển trong lãnh vực diễn giải trừu tượng, thường thấy ở các ngôn ngữ trong giai đoạn đầu thành hình, trong sự trộn lẫn của các ngôn ngữ hay thổ âm của các dân tộc khác nhau [10].
Đôi khi, có thay đổi của từ vựng, thí dụ ‘Da’, trong tiếng Hẹ [za] cho ngôi thứ nhất [24] và ngôi thứ ba, còn [ya] trong tiếng Việt chỉ dùng cho ngôi thứ ba (Bảng I).
Giống như [nong] 儂 trong tiếng Phổ thông cho Ta/Tao, ông ấy/bà ấy, hoặc ông/bà trong phương ngữ Thượng Hải/Ngô, sự thay đổi của [Da] hay [za] hay [ya] giữa đại danh từ ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba có thể được cho là do sự biến đổi ẩn dụ trừu tượng, thường thấy ở các ngôn ngữ trong giai đoạn thành hình, do sự pha trộn ngôn ngữ của các nhóm dân tộc.
Có lẽ các từ phổ thông nhất để gọi trong tiếng Việt, dùng để chỉ sự kình trọng là “Ông/Bà”. Ông, có hai nghĩa: Một nguời đàn ông, hay ông nội/ngoại, có liên hệ gốc với tiếng Champa [Ông], [Ù] trong tiếng Miến Điện, hay trong tiếng Thái [Ong] để tôn kính các địa vị tuyệt đối như nhà vua hay các bậc tu hành. Trái lại, Bà, để gọi Mẹ, phụ nữ trọng tuổi, hoặc tỏ sự kính trọng, ví dụ như trong [iBu] (Indonesian), [poo ying] Thai, [Ba] Miến Điện, [Bawng] Khmer, và rất nhiều phưong ngữ ở Hoa Nam có cùng âm [Pu] hay [Bu], hay thừong thấy nhất, [Bo] (ví dụ [lao bo] để gọi vợ).
Tiếng Việt cổ có đại danh từ chung cho cả nam hay nữ, [Bạu] [3] sau này biến từ thành ‘bậu bạn’ hay ‘bạn’ ngày nay dùng cho bạn bè hay người quen biết sàn sàn bằng tuổi nhau. Bạn, thật ra có liên hệ với tiếng Khmer [bouung] và Quảng Đông [pang] 朋. Từ đôi ‘Anh em’ (như trong ‘người anh em’), bắt nguồn từ tiếng Trung Hoa [xiong di] (huynh đệ), nghĩa là anh hay em ruột [8].
Một đại danh từ ngôi thứ hai dùng cho nguời kém hơn trong địa vị xã hội là ‘Mày', có thể bắt nguồn từ ‘Bây’ (Bay, [3]), vì cả hai [M] và [B] đều là âm môi. Tự điển Alexandre de Rhodes [3] ghi chú là từ ‘Bay’ không được dùng so với từ ‘Anh em'. ‘Mày’ rất gần với ‘Mi’, có thể là biến dạng của [Mi] của tiếng Hẹ hay tiếng Việt [Min/Mình] vốn dùng để chỉ ngôi thứ nhất (Bảng I)
Về âm, EM [21], rất gần về âm với ‘Ủn’ Mường, và ‘Imoto’ Nhật cho em gái. ‘Em’ cũng có thể liên hệ với ‘Enh’ (Mường) chỉ người nam lớn tuổi hơn, hay [?ənh] trong tiếng Mon-Khmer. Về nghĩa, ‘Em’ bắt nguồn từ ‘em bé’ hay ngừoi còn trẻ, tương đưong với tiếng Thái [awn]. ‘Em’ cũng cùng gốc với [eN] trong tiếng Mân Nam (Phúc Kiến), [ei] Hán-Nhật, [er] Quan Thoại [5] [11] [12]. Chị, cùng gốc với [*tsi] hay [*ci(q)] hay [*ji(q)] trong tiếng Mon-Khmer [6], và [tsi] Ngô-Triết Giang, [chia] hay [che] trong tiếng Mân Nam (Phúc Kiến) [5].
Đại từ cho ngôi thứ ba: Cậu/Anh/Ông ấy, Chị/bà ấy, Nó …
Đại từ ngôi thứ ba số ít cho thấy đóng góp của các ngôn ngữ hay phương ngữ khác nhau trong quá trình hình thành tiếng Việt.
Như chúng tôi đã có dịp trình bày [2], nhiều từ có nghĩa tương tự, và sự hiện diện của một số từ kép trong hệ thống đơn âm của tiếng Việt cho thấy có thể có sự pha trộn các dân tộc và ngôn ngữ trong quá khứ. Vi dụ, động từ ‘ném' (‘To throw’) và ‘khiêng’ (‘To carry’). ‘Ném‘ có ít nhất 8 động từ tiếng Việt tương đương: Ném, Liệng, Quăng, Chọi, Đôi, Thảy, Vứt, Phóng.. mỗi từ được cho thấy có sự liên hệ với các ngôn ngữ và thổ âm khác nhau trong vùng [2]. Động từ ‘Khiêng‘ (‘To carry’ or ‘to bring’) lại cho khoảng 30 chữ khác: ẵm, bồng, bế, mang, đem, chở, đèo, tải, vác, khuân, khiêng, xách, kèm, chuyển-vận, chuyên-chở, đeo, cầm, dẫn, đái (đới), đảm, công kênh, ôm, cõng, quảy, gánh, bê, độ, cáng-đáng, tha, bưng, mang, đội, kẹp… có thể được xếp vào các nhóm dựa vào nguồn gốc ngôn ngữ khác nhau. Nhiều chữ “kép” cũng rất phổ thông và bắt nguồn từ nhiều ngôn ngữ khác như: đường xá, chín muồi, thân thể, thẳng tắp, chia sẻ, tâm địa, chậm trễ,.. vv…
Để làm rõ hơn, chúng ta hãy xem hai từ kép ‘đường xá’ và‘chín muồi’. Trong ‘đường xá’ thì chữ (Đường) có xuất xứ từ [dou] và [dung] trong tiếng Quảng Đông, trong khi (xá) cùng gốc với [sala] Chiết Giang và [salan] Champa. Chín trong ‘chín muồi’ có thể là một hợp âm từ ba chữ [drih] Champa, [tsing] Quảng Đông và [chheN] Mân Nam (Phúc Kiến, Triều Châu). Tuy vậy, hai âm [tsing] và [chheN] có vẻ là một hoán chuyển về ý nghĩa: “còn xanh” = chưa chín. Trái lại, Muồi có thể đến từ chữ [hmède] Miến Điện và [momoho] Tongan. Cũng rất ngộ nghĩnh khi Muồi có vẻ liên hệ đến ‘mûr’trong tiếng Pháp ‘mûr’, và [mudirnda] trong tiếng Tamil.
Đặc tính của các ngôn ngữ láng giềng trong tiếng Việt, như đã bàn ở trên, được thấy rõ trong đại từ ngôi thứ ba số ít. Tiếng Việt đại danh từ ngôi thứ ba thường ít phân biệt giới tính, dù rằng có nhiều chữ hơn, theo thói quen, cho cánh đàn ông: hắn, kẻ, gã, y, va (ya). Tuy nhiên, khi dùng chung với ‘này/nọ, kia/ấy’, giới tính được giới thiệu rõ ràng, thí dụ như: Ông kia, Cô ấy, Bà nầy, Anh nọ …
Đại danh từ ngôi thứ ba được dùng nhiều và phổ thông nhất có lẽ là từ Nó, được dùng cho cả người (mọi giới tính) và thú vật, như chim, cá. Nó có cùng gốc với từ [Nả] Mường, [Nws] Hmong {đọc như [Neu]}, [Ne] Tongan, and [Nong] trong tiếng Hoa Phổ thông. Chữ [Nong] có thể là “tôi, anh/chị, anh ấy, chị ấy” trong tiếng Thượng Hải. Người P’u-Noi sống gần biên giới Lào-Việt, cũng dùng [No] [2] như tiếng Thượng Hải [Nong] và giống hệt âm tiếng Việt [Nó].
Hắn, có thể dùng gọi người không được mấy cảm tình hay chế nhạo. ‘Hắn’ có thể từ [Hang] 牼Quảng Đông, có nghĩa ‘đàn ông’. [Hang] rất gần với vài phương ngữ Việt như [Héng]. Hắn cũng gần với tiếng Quảng Đông [Heoi], và cũng có liên hệ với ‘Họ’, ngôi thứ ba số nhiều trong tiếng Viêt. Tiếng Muờng, trái lại, dùng ‘Ho’ (không có dấu Nặng) [16] cho Tôi/Tao. Môt tiếng Mường khác rất phổ thông để chỉ đại danh từ ngôi thứ ba là ‘Lũ’, giống như tiếng Việt ‘Bọn/Chúng’. ‘Lũ’ cũng có cùng âm với [lei] [5] 娌, tiếng Ngô (Triết Giang), có nghĩa cô ấy/cậu ấy, ph át âm nh ư [lei] trong ti ếng Qu ảng Đông [5]. Cũng là điều thú vị, vì ‘Lũ’ cũng giống âm tiếng Pháp ‘lui’, (bảng [1]), trong khi ‘Y’ và Hắn (hoặc [heoi] tiếng Quảng Đông) giống ‘Il’ trong tiếng Pháp hoặc He/Him trong tiếng Anh.
Kẻ và Gã có âm giống [Ke] và [Goat] trong tiếng Cambodian, và cùng gốc với [Kei], [Keoi] and [Gei] (其 渠) Quảng Đông. ‘Kẻ’ đồng thời cũng liên hệ với [Koj] Hmong (ngôi thứ hai) và [kow] Champa (ngôi thứ nhất). Kẻ, đọc là Ké trong tiếng Mường có âm giống [Ko ia] Rapanui (sắc dân Đa Đảo ở vùng đảo Easter Island) và [O KOya] Phúc Kiến, cùng dùng cho ngôi thứ ba ‘Ya’.
Thường Kẻ và Gã có ấy/đó đi kèm: Kẻ ấy, Gã đó. Tiếng Mường tương đương với ‘ấy’, hay ‘đấy’, là [đỉ]: Ông đấy (Việt)=> Ông đỉ (Mường); Bà ấy (Việt)=> Mễ đỉ (Mường). Xin lưu ý, âm Hỏi bên tiếng Mường là âm dấu Sắc bên tiếng Việt: đấy=> đỉ, tiếng => thiểng, nó=> nả, chúng=> chủng, đột phá=> đôt phả. Âm dấu Sắc tiếng Việt cũng tương đương với âm dấu Hỏi bên Tày-Nùng: đỏ chói => ‘đeng chỏi’ (Tày-Nùng), chúng => chủng.
Y và Va đọc là [Ya], rất phổ biến trong miền Nam. Cả hai có âm giống nhiều ngôn ngữ trong vùng. ‘Y’ từ: [yi] 伊, Quan thoại, [Y] Hẹ, [I] Phúc Kiến, [Ee] Hải Nam, [I] Hán- Hàn, [I] Mon-Khmer. ‘Y’ trong Quan thoại cũng có nghĩa là ‘ấy'.
‘Va’ thật ra là chữ quốc ngữ đánh vần sai vì muốn gộp cả 3 âm [W], [V], [Y] (hoặc [By] {[]}) của các miền vào làm một chữ [V] duy nhất. ‘Bya’ rất thông dụng ở miền Nam, phát âm [Ya] hay [Bya] ([a]). Phát âm [Ya] hay [a] cho đại danh từ ngôi thứ ba tương ứng giống với [za] Hẹ, [Dia] hay [Ia], Mã Lai, [niya], Tagalog (Phi Luật Tân), [Eya], Sinhalese và [Ia], Đa đảo (Polynesian).
[Ta] 他 phổ biến nhất trong tiếng Trung Hoa theo nghĩa “bà ấy/ông ấy”, không có trong tiếng Việt, ngoại trừ ‘Tha Nhân’ với chữ ‘Tha’ thường bị tưởng lầm là chữ Hán-Việt, nhưng thật ra, có phát âm Phúc Kiến [tha], hoặc Ngô (Triết Giang) [Tha]. Tiếng Tày-Nùng có âm [Te] [14] [15], xuất phát từ [Ta] để chỉ “bà ấy/ông ấy”.
Cái, Kia, Ấy, Nầy, Nọ, Nớ: Cái thường được dùng trong tiếng Việt như mạo từ đếm [13]. Ví dụ: 1 cái bàn, 6 cái ghế…‘Cái’ thường được cho là chữ Nôm mượn từ Hán-Việt ‘Cá‘ có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại [Ge] 個. Thật ra, cả hai ‘Cá’ và ‘Cái’ có âm giống hệt từ tiếng Hẹ: [Ka] và [Kai], tương đương với Quan Thoại [Ge] [5] và Hán-Hàn [Kay] [5], là từ đếm bổ xung cho (này, ni) hay (nọ, kia, ấy).
Kia, Ấy, Nầy, Ni, Nọ, Nớ… đều có cùng môt âm với các phương ngữ Hoa Nam. Kia rất gần với其 [kia] Hẹ - cùng chữ giống như Kẻ và Gã. Ấy tương đương với ‘Y’ 伊, có cả hai nghĩa ‘ấy’ và ‘ông ấy/bà ấy’. (Ấy tương đương với Ái trong Tày/Nùng [15] [18]). Ấy cũng cùng âm và gốc vói Mon-Khmer [?a:y].
Nầy, Ni, Nọ, Nớ v.v... có cùng âm với nhiều từ Nam Trung Hoa mang nghĩa Nầy, Nọ. Thí dụ [nei] Quảng Đông & [ni] 呢 Hẹ nghĩa là cái này; và那 Hẹ & Quảng Đông [no], [naa] {cái kia}. Ngoài ra “Nầy (Ni)” and “Nọ (Nớ)” cũng giống như [nih] và [nuh] tiếng Cambodian cho cái này và cái kia.
Bảng I: Đại danh từ, số ít
Ngôn ngữ |
Ngôi thứ nhất |
Ngôi thú hai |
Ngôi thứ ba |
Ghi chú |
Việt |
Tôi, tớ, tui, mỗ, ta, tao, mình, qua, em, anh, chú, bác, … |
Anh, chị, mầy, mi, cô, chú,bác,ông, bà, cụ, … |
Nó, cô ấy, anh ấy, hắn, kẻ đó, gã, y, va (ya), … |
Tên riêng có thể dùng như đại danh từ.
Mon-Khmer: ?anh (anh), saqu (tao), nqua (qua), min (mình) |
Mường |
Ho, qua, ha, thôi |
Da, enh, ủn, ông, … |
Nả, lũ, enh đỉ, ông đỉ, mễ đỉ, … |
Ha = ta; miềnh = mình;
ủn= em; đỉ= đó; enh=anh |
Tày-Nùng |
Hây, câu, noọng |
mầu, pỉ, chai |
Te, mền, ... |
Noọng=tôi (con gái)
Hô= tôi (con trai) |
Champa |
Kow, tahlă’ |
Hư |
Nhu |
Tahlă’ => ta |
Korean |
Nae,na,che, cho |
Dangsin,no |
Kubun,kunyo, ku |
Gu-saram: nguời đó |
Hmong |
Kuv |
Koj * |
Nws [neu]* |
Koj ~ keoi (QĐ) ngôi thứ ba |
Hẹ |
Mi, ngai, ai, chit, sa, za, tsa |
Ni, ngi, li, gwi, nai |
Ta, zih, zu, ix, za |
Chit{Hẹ}~Cháu(Việt)
Za => ta. Mi => Mình |
Phổ thông quan thoại |
Wo, yu,… |
Ni, nin |
Ta, tuo, zhi |
TA: Tha nhân= |
Quảng Đông |
Ngoh, mau, o, mei, jyu, tseoi, zaa, gau |
Nei, lei, joek |
Ta, zi, kei, keoi, heoi |
Tseoi => tôi
Zăa = anh+tôi, tôi => ta
Gau => câu (Tày-Nùng) |
Phúc Kiến |
Sa, gua, hok, hou, bi |
Ni,kui, joa, Li |
Tha, chi, I [ee] |
Sa ~ ta. Gua ~ qua
[Bi] => [Mi] / bỉ nhân ) |
Hải Nam |
Gua |
Du |
Y [ee] |
Y ~ He (English), Il (French) |
Persian |
Man |
Shoma |
U |
~ giống nhau |
Hindi |
Ma |
Aap |
Yeh, voh* |
*yeh/voh= nầy/ nọ |
Miến Điện |
Cănaw, Tjano(M)
Cămá, Tjama (F) |
K’ămyà(M) shin (F) |
Thu / thu |
Vai trò, liên hệ, nghề nghiệp
tjano => ta |
Thai |
Chan |
Khun |
Khao/Thur/Mun |
Khao ~ keoi (QĐ) ngôi thứ ba. |
Khmer |
Kh’nhom |
Nek, boong |
Goat, ke |
Nhiều cách gọi nguời thứ hai |
Malay / Indonesian |
Saya |
Anda,kamu suadara |
Dia, ia |
‘Ia’, ‘Ya’ (Polynesian, Tagalog) ~ Việt [ya] {va}. |
Rapanui |
Ko au |
Ko koe |
Ko ia |
‘Ko ia’ ~ Phúc Kiến ‘o koya’ |
Fiji |
Au, u |
Iko |
O koya |
Au ~ ai Hẹ, ai Việt. |
Samoa |
A’u / ‘ou |
‘oe / ‘e |
‘o ia |
Ia (Samoa) ~ ya (Việt) |
Tonga |
Au, ku, u |
Ke, koe |
Ne, ia |
Ia (Tonga) ~ ya (Việt) |
Tahiti |
Au / vau |
‘oe |
‘oia / ‘ona |
Au ~ Hẹ / Việt ‘Ai’ |
Tagalog |
Ako, ko, sa akin |
Ka, mo, sa iyo, ikaw |
Siya, niya, sa kaniya |
(ni)ya / (kani)ya ~ ya (Việt) |
~ có nghĩa ‘tương đương’ hay ‘gần giống
Koj => keoi (Quảng Đông) => Kẻ / Gã (Việt) – Nws => Nó (Trai/gái)
Ta => Tha nhân (người khác)
Trong nhiều ngôn ngữ, thí dụ Hindi, để từ (yeh/voh) Nầy, Nọ trước danh từ sẽ tạo thành đại danh từ ngôi thứ hai/thứ ba.
Bảng II: Đại danh từ, số nhiều
Ngôn ngữ |
Chúng tôi (bao gồm) |
Chúng tôi (phân cách) |
Ông/bà, anh/chị… |
Họ, chúng nó |
Ghi chú |
Việt |
Chúng ta, tụi mình, bọn mình |
Chúng tôi, hai đứa tôi, bọn này,… |
Các anh/ chị,
Chúng bây, quý ông,… |
Chúng nó, họ, bọn ấy, bọn nó, đám đó, các cô ấy,… |
Liên hệ/ tên gọi/ vai trò |
Mường |
Tàn miềnh, tàn ha |
Qua, chủng thôi |
Tàn pay, chủng ỗi, chủng da |
Tàn nả, hõ, tàn lũ, pẫu |
Tàn=chúng
Ha=ta |
Tày-Nùng |
Boong Hây |
Boong Câu |
Boong Mầu |
Boong Te |
Boong=Bọn |
Champa |
Khol ita, khol trey
Chúng ta (V) |
Khol tahlă’ [20] |
Oy’ [ụơk] |
Khol nhu [20] |
Oy’: nàng
|
Korean |
Uri, uri ga |
Uri |
Dangsin, nohidul |
Gu-saram,gu-got, kudul |
Không có đại danh từ |
Hmong |
Peb / ob (2) leeg |
Nej, neb (2) |
Nej, neb (2) |
Lawv, nkawd (2) |
Nej ~ Ni |
Hẹ |
Zam, za |
Ngai-teu |
Ixtngix |
Zu, zhi |
Za ~ ta |
Phổ thông Quan thoại |
Zan-men,Wo-men |
Wo-men |
Ni-men |
Ta-men |
Đàn ông: số nhiều |
Quảng Đông |
Ngoh-deih |
Ngoh-deih |
Neih-deih |
Keui-deih |
Không có baogồm/
phân cách |
Phúc Kiến |
Lan |
Gun |
Lin |
?In |
|
Hải Nam |
Gua-mui |
Gua-mui |
Du-mui |
Y-mui (ee-mui) |
Không phân biệt bao gồm/
phân cách |
Persian |
Ma |
Ma |
Shoma |
Ishan |
Ma ~ đàn ông |
Hindi |
Ham |
Aap |
Ye, ve |
Ye / ve= these, those |
Cái này/
Cái nọ =>
đại danh từ |
Miến Điện |
Cănaw-dó(M), cămá-dó (F) |
Cănaw-dó(M), cămá-dó (F) |
K’ămyà-dó(M), shin-dó (F) |
Thu, thu-dó |
[dó] dùng cho số nhiều |
Thai |
Pouk Rao |
Rao |
Pouk Khun |
Pouk Khao |
|
Khmer |
Yaeng |
Yaeng |
Awh lowk |
Gee, puak gee |
‘Anh/chị,
ông bà (7) |
Malay |
Kita |
Kami |
Saudara (kamu)sekalian |
Mereka |
Kita ~ ta |
Rapanui |
Ko taua |
Ko maua |
Ko korua |
Ko ra’ua |
Taua ~ ta |
Fiji |
Da, datou, daru (2) |
Keimami, keitou,keirau (2) |
O ni, o dou, o drau (2) |
Ra, ratou, rau |
phân biệt rõ in/exclusive |
Samoa |
Tatou, ta’ua(2) |
Matou,ma’ua(2) |
‘Outou,‘oulua(2) |
Latou, la’ua(2) |
(2):cho hai người |
Tonga |
Mau, kimautolu, ma / kimaua (2) |
Tau,kitautolu, ta / kitaua (2) |
Mou,kimoutolu
Mo/ kimoua (2) |
Nau. Kinautolu, na / kinaua (2) |
(2)cho hai người
Tau ~ tao |
Tahiti |
Tatou, taua |
Matou, maua |
‘outou, ‘orua |
Ratou, raua (2) |
Tatou ~ ta |
Tagalog |
Tayo, sa atin |
Kami, sa amin |
Kayo, sa inyo |
Sila, sa kanila |
Tayo ~ ta |
Tiếng Hindi, dùng ‘nầy/kia’ (ye / ve) tạo thành đại danh từ số nhiều.
Tiếng Polynesian cũng ưa phân biệt đại danh từ ngôi thứ nhất, số nhiều cho 2 người (2) trong Bảng), giống như tiếng Việt: hai đứa mình (tôi), hai ta,...
Mớ tôi / Mớ qua [3] [4] => wo-men => We. Mớ ~ [Mui] (Hải Nam) ~ [Men] (Quan thoại). Trong tiếng Quan thoại, sự phân biệt giữa hai đại từ bao gồm/phân cách được thấy rõ ràng ở miền Bắc hơn ở cá miền khác..
4. Đại Từ/số nhiều:
Trong tiếng Việt, qui luật chung cho các đại danh từ số nhiều là thêm Chúng, Các, Bọn, vv.. vào các đại danh từ số ít tương ứng
Tôi => Chúng Tôi, Bọn Tôi, Tụi Tôi,
Anh, Chị, Bạn, Ông, Bà, Bác, Cô, Cậu => Các Anh, Các Chị, Các Bạn, Các Ông/ Quí Ông), Các Bà/Quý Bà), Các Bác, Các Cô, Các Cậu, …
Nó, Cô ấy…=> Chúng Nó, Các Cô ấy,...
Đa số những đại danh từ số nhiều này có nguồn từ các tiếng thổ âm Trung quốc:
(a) Quý, thường được dùng cho đại danh từ ngôi thứ hai số nhiều, để chỉ sự kính trọng. Quý với Hán tự 貴 đọc là [gwi] hay [kwui] Hẹ, [kui] Phúc Kiến, và [kwi] Hán-Hàn. Quý dùng cho ngôi thứ hai,
Các各, dùng hầu như chỉ cho đại danh từ ngôi thứ hai mà thôi để chỉ ‘nhiều’, ‘mọi người‘, ‘tất cả‘, có cùng âm với tiếng Hẹ và Phúc Kiến: [kok].
Bọn 幫, có nghĩa là ‘nhóm‘, từ âm Quảng Đông [bong] 幫 hay [baan] 班. Bọn rất gần với tiếng Tày-Nùng [Boong], Boong Hây = Chúng ta; Boong Câu= Chúng Tao, Boong Mầu= Chúng mày, Boong Te= Boong Mền= Chúng Nó [17].
Tụi 隊: cùng âm với tiếng Hẹ [tui] có nghĩa một nhóm, thường dùng trong đại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều ‘Tụi tôi’.
Chúng 眾, có nghĩa ‘nhiều‘, ‘đám đông‘, có cùng âm với tiếng Hẹ [chung]. Trong tiếng Tày Nùng, đọc là ‘chủng’, chủng hay chũng trong tiếng Mường, và có sự liên hệ ẩn dụ với chủng種 (phát âm giống tiếng Hẹ [chung]), có nghĩa “chủng tộc”.
Còn có hai đại từ không còn thông dụng trong tiếng Việt. Chữ thứ nhất là chữ Mường ‘Tàn’, trong Tàn Miềnh= chũng thôi=chúng mình / chúng tôi. Tàn Ha= Tàn Qua= Chúng Ta, Tàn Pay= Chúng bây / chúng mầy, Tàn nả= Tàn lũ= chúng nó, chữ ‘Tàn’ trong tiếng Việt là Đàn, Đoàn hay toán, Hán-Hàn [tan], viết Hán tự là 團 [tuan], hay 嘽 [tan], có nghĩa “một nhóm” hay “nhiều”. ‘Đàn/Đoàn’ trong tiếng Việt không còn dùng để tạo ra đại danh từ số nhiều, chỉ còn giữ lại nghĩa, là “một nhóm” đứng chung trong vài danh từ khác như Đàn Chim, Đoàn Thanh Niên, Đàn Bà & Đàn Ông
Chữ thứ hai là một chữ cổ, ‘Mớ’ có trong cả hai cuốn từ điển Alexandre de Rhodes và Huình Tịnh Của [3] [4]: Mớ Tôi= Mớ qua= Chúng Tôi, Mớ Anh= Các Anh . ‘Mớ’ dùng cho đại từ số nhiều, dường như đã bị mất không được mang vào trong hoàn cảnh chữ quốc ngữ abc nở rộ. Và cũng như Đàn, ‘Mớ’ chỉ còn dùng trong vài văn cảnh cùng với danh từ khác: Mớ quần áo kia, Mớ tiền dành dụm, Mớ cơm còn lại... Trong bảng II trình bày về các âm tương ứng, Mớ tương đương với Quan thoại [men], (Wo-men = chúng tôi, Nimen = các anh, Tamen= chúng nó) và Hải Nam [Mui], (Gua-mui = chúng tôi, Du-mui = các anh, Y-mui= chúng nó).
Đặc điểm dễ thấy nơi đại từ thứ nhất số nhiều trong tiếng Việt, là chúng có thể dùng cho cả những trường hợp bao gồm và phân cách. Bao gồm: Chúng ta, như trong tiếng nói lúc nói chuyện, bao gồm cả người nói lẫn người nghe. Trong khi Phân cách: Chúng tôi, cụ thể phân cách người nói, không bao gồm, kể đến nguời nghe. Trong tiếng Pháp tương tự dùng ‘On’ (phân cách) hay ‘Nous” (bao gồm). Tiếng Anh, thêm ‘All’ sau ‘We’ hay ‘Us’ để nhấn mạnh bao gồm: ‘Aren’t we all afraid of learning a foreign language?’ (Chúng ta đâu có sợ học sinh ngữ, phải không?) – ‘The President’s decision will affect us all for a long time.’ (‘Quyết định của tổng thống sẽ ảnh hưởng toàn thể chúng ta trong một thời gian dài.’).
‘Đại danh từ bao gồm’ trong tiếng Việt như Chúng ta, Chúng mình, Tụi mình, Bọn mình, Hai ta (2)… vv.., với Hai ta (2) có nghĩa (anh và tôi) thấy trong nhiều ngôn ngữ khác, từ Hmong đến Đa Đảo: Tahitian, Samoan, Tongan, Fiji, và Maori. Trong tiếng Quảng Đông, chữ Hai ta được viết Hán tự 喒 đọc là [zaa], rất gần với tiếng Vịệt [Ta]. Tiếng Champa, (Chúng ta) là [Khol ita] hay [Khol Trey], với ‘Khol’ tương đương với ‘Chúng’ [20].
‘Đại từ phân cách” gồm Chúng tôi, Tụi tôi, Bọn tôi, Hai đứa tôi (2), Hai đứa này (2), vv.. Trong tiếng Champa (Tụi tôi) là [Khol Tahlă?] [20]. Trong tiếng Quan Thoại phía bắc, Chúng tôi, mới phân ra hai đại từ là [zamen] 咱 們, cho bao gồm và [women] 我 們cho phân cách. Nên để ý là sự phân biệt giữa bao gồm và phân cách không đặc biệt thuộc vào một nhóm ngôn ngữ nào. Nó hiện hữu ở một số, không phải tất cả, trong các ngôn ngữ Altai và nhóm Quan thoại phía Bắc, chứ không ở ngôn ngữ miền Hoa Nam, và toả đến nhiều ngôn ngữ ở miền Nam và Đông Nam Á, lan đến tận một số ngôn ngữ Đa Đảo, như trình bày trong Bảng II.
Thảo Luận
Như đã thấy, trong tiếng Việt không đại từ nào đứng một mình mà không có liên hệ với từ của các tiếng khác. Tất cả đều có ít nhất một liên hệ với từ trong ngôn ngữ khác hoặc có nguồn gốc giữa các ngôn ngữ và thổ ngữ tạo thành tiếng Việt ngày nay.
So sánh với các phương ngữ Trung Hoa, kể cả Quan thoại, đại danh từ cho ngôi thứ hai tiếng Việt - không có từ gọi chung chung như Ni/Nimen (you như trong tiếng Anh)- luôn có liên hệ gia tộc hay địa vị xã hội. Trong tiếng Việt, đại danh từ nhất là ngôi thứ nhất và thứ hai, luôn để ý đến vai vế trong gia đình hay ngoài xã hội, phản ảnh cấu trúc văn hoá sâu đậm và là di sản từ văn hóa cổ Mon-Khmer vốn không khác bao nhiêu với văn hoá của người Bách Việt ở miền mà bây-giờ-là-Nam-Trung-Hoa. Để ý là văn hóa Mon-Khmer đã hiện diện ở Trung quốc từ lâu đời, Mon-Khmer thường được biết dưới tên Địch-Khương (một trong bốn nhóm Trung Hoa gọi là Man-Di-Nhung-Địch), và truyền thuyết ghi lại vua Đại Vũ - nổi tiếng về trị thuỷ ở sông Hoàng Hà - người thành lập ra nhà Hạ, là người gốc Bách Việt, được coi là từ bộ tộc Khương [2].
Việc xử dụng rất nhiều từ Tôi hay Tớ trong tiếng Việt có thể cho ta biết là có đến hơn 51% nguời Việt xưa kia mưu sinh bằng các việc sưu dịch, vì cả hai từ Tôi hay Tớ nghĩa là người làm, ngưòi giúp việc, giống như đa số các ngôn ngữ Trung hoa. Thật sự đây là đặc thù của đại danh từ ngôi thứ nhất trong tiếng Việt so với các nhóm ngôn ngữ khác, trong bảng I và II.
Vì tiếng Vịêt là một ngôn ngữ tiến hóa do sự hội nhập của nhiều ngôn ngữ trong vùng, vì thế có rất nhiều biến dạng ẩn dụ xảy ra giữa đại danh từ ngôi thứ nhất, thứ hai, và thứ ba, như thấy trong [Za] hay [Ya], [Kẻ] và các từ tương đương trong ngôn ngữ khác như [Kei], [Koj], [Kow], [Kuv], [Nó], [Nong], [Nws], vv.. Đặc điểm này từ xưa tới nay, thuờng được giải thích là những từ “vay mượn” hoặc đồng âm dị nghĩa, nhưng trong bài này, đã được chứng minh đó là hiện tượng biến dạng thay đổi ẩn dụ, trong những phối hợp cạnh tranh của các ngôn ngữ và các chuyển thể trong từ vựng, ắt có trong quá trình cấu tạo tiếng Việt.
Cuối cùng, đại danh từ ‘bao gồm’ và ‘phân cách’ ‘Chúng tôi/Chúng ta’ đã được chứng minh là một điểm chung của tiếng Việt cùng các phuơng ngữ và ngôn ngữ láng giềng trong khu vực, nhất là từ những phương ngữ Đa Đảo [22].
Tham khảo và ghi chú
[1] V.U. Nguyen (Nguyên Nguyên) (2007) Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (đang in).
[2] V.U. Nguyen (2007) Loan Words and Metaphorical Field. (đang in).
[3] Alexandre de Rhodes (1651) Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum. Translated by: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Viện Khoa Học Xã Hội – HCM 1991.
[4] Huình Tịnh Paulus Của (1895) Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Nhà Xuất Bản Trẻ, tái bản 1998.
[5] CCDICT v5.1.1: Chinese Character Dictionary by Chineselanguage.org (1995-2006)
[6] L. V. Hayes (2001) Austric Glossary - http://home.att.net/~lvhayes/Langling/Glossary/Glospag1/glosf019.htm
[7] Richard K. Gilbert and Sovandy Hang (2004) Cambodian for Beginners. Paiboon Poomsan Publishing – Bangkok (Thailand).
[8] Trong thế kỷ 20, trong nhiều khu vực ở Bắc Việt, từ ‘Bác’ được dùng thay thế cho ‘anh em’, trong khi đó ‘Cụ’, có cùng nguồn gốc với tiếng Quan thoại [gou] và Đại Hàn [kwu], được dùng rất phổ thông để gọi người lớn tuổi, bằng tuổi bố mẹ hay ông bà. Ngoại có nguồn gốc từ tiếng Quan thoại 外 [wai], và [ngoi] Hẹ. Trong khi Nội (ông nội, bà nội) lại có nguồn gốc từ Hán tự內, với phát âm hệt như [noi] Quảng Đông. Theo tự điển Trung hoa CCDICT Chinese Dictionary, [ngoi] cũng có thể chỉ những liên hệ phía ‘bên nội‘, cho thấy vết tích xưa một thời của xã hội mẫu hệ ở Trung Hoa: ngày xưa NGOẠI tức chỉ NỘI, và NỘI chỉ NGOẠI (ngày nay)
[9] Nguyễn Văn Khang (editor), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) Từ Điển Mường-Việt {Mường-Vietnamese Dictionary}. NXB Văn Hoá Dân Tộc – Hà Nội.
[10] Một thí dụ khác cho thấy sự thay đổi hoán chuyển ẩn dụ là từ [Năm] có nghĩa số 6 bên tiếng Champa, nhưng lại là số 5 bên tiếng Việt.
[11] Tiếng Hán-Việt từ Quan thoại [er] 兒 là ‘Nhi’ , (như trong ‘nhi đồng’) giống âm [yi] trong Quảng Đông và Hẹ. ‘Bé’ theo [5] viết như啤, là phiên âm Quảng Đông từ chữ ‘Baby’ hay ‘Bébé’. Từ Việt cho người con (hay em) nhỏ nhất trong gia đình là Út [oot], em út hay con út, trong tiếng Hẹ là [yeu], Quảng Đông là [yiu] {幺}. Nguồn gốc từ này có lẽ là từ tiếng Cambodian là [oob].
[12] Tam là một từ nữa có nghĩa gần với Em ở trên. Nghĩa chính của Tam là nhỏ tuổi, không hẳn là chỉ người em trai. Từ này chỉ còn thấy dùng trong văn học xưa, nhất là trong các tác phẩm của nhà văn/tướng Nguyễn Trãi (1380-1442) dưới triều Lê ([21])
[13] Tiếng Quảng Đông để gọi vợ của cậu là [kam] 妗, có vẻ là một từ gồm cả 2 chữ [kau] 舅 (cậu) và [maa] hay [mou]) 媽 (vợ, mẹ, hay tớ gái). Tiếng Việt ‘Mợ’ lấy âm [mou] trong chữ [kau mou] nói trên.
[14] Hoàng Văn Ma - Lục Văn Pảo – Hoàng Chí (1974) Từ Điển Tày – Nùng - Việt (Tay-Nung-Viet Dictionary). Viện Ngôn Ngữ Học
[15] [Hô] trong Tày-Nùng thật ra có nghĩa ‘gã kia’, không phải ‘ta/tao’ . ‘Họ’ trong tiếng Việt, có nghĩa ‘chúng nó’ tương đương với tiềng Tày-Nùng [Hâu]. ‘Ta/tao’ trong Tày-Nùng là [Ngỏ] và ‘Anh/chị’, [Nỉ], rất gần với với Quảng Đông [Ngoh] & [Ni]. Điều này cho thấy tiếng Tày-Nùng mang ảnh hưởng Quảng Đông trước khi nhập vào Việt Nam. Chữ ‘Tay’ trong Tày-Nùng, khi tận cùng bằng [ay] cho thấy dấu vết của tiếng Mon-Khmer, có vẻ như biến dạng từ tiếng Tai, hay Thai, hay Dai. ‘Nung’ là tên một nhóm thiểu số, rất có thể từ dân Zhuang ở Quảng Tây, cũng gốc Thái. Về người Zhuang, xem Jeffrey Barlow (2005) The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture.
http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/contents.html
[16] Để ý Thái, Mường, Tày-Nùng và tiếng Việt Nam ở Nam bộ đều có 5 thinh, so với đồng bằng Bắc bộ có 6 thinh. Thinh thứ 6, Ngã, đến từ phương ngữ Thái ở Côn Minh (Vân Nam), phương ngữ này vốn không có dấu hỏi (xem [2]).
[17] Để ý ‘Boong’ trong Tày-Nùng (Bọn), giống Khmer [BOuung] (bạn), cho thấy Tày Nùng giống tiếng Việt ở Nam bộ là không phân biệt âm cuối, [N] và [NH]: ‘an’ và ‘anh’, ‘tin’ and ‘tinh’, như ở đồng bằng sông Hồng, có lẽ do ảnh hưởng từ âm Phúc Kiến.
[18] Ấy hoặc Ý trong tiềng Việt ở Nam bộ đôi khi được sát nhập với danh từ đi trước -thường với âm Huyền - để trở thành từ với âm Hỏi. Điều này rất là có lý vì âm Hỏi gần như tương đương với âm Huyền với âm Sắc đi sát cận sau: Thầy ấy => Thầy ý => Thẩy. Thằng ấy (đó) => Thằng ý => Thẳng. Bên ấy (đó) => Bển…
[19] ‘Mwang’ (~ Mường) hay ‘Mwai’, là một từ Thái có nghĩa ‘người’ hay làng ‘Mường’. ‘Mwai’ gần với ‘Ngài’ dẫn đến ‘Người’, có chung âm với một số các phương ngữ Tây Nguyên như: Nguồn: [ngàj], Sách: [ngàj], Mày: [ngàj], Rục: [ngàj], Xơ-Đăng: [mơngê], Kơ Tua: [moi ngàj], Dêh: [ngaj], Triêng: [ngaj], Ba-Na: [ngaj] (mơ-ngaj), tiếng Hrê / Gié-Triêng: [ma ngaj]. {Trần Trí Dõi (2001) Ngôn ngữ và sự phát triển Văn Hoá Xã Hội, NXB Văn Hoá Thông Tin.}
[20] Chữ Champa [Khol] có nghĩa ‘bọn’ hay ‘nhiều’ trong đại danh từ (Khol ita, Khol tahlă’, Khol nhu) tuơng đương với tiếng Hoa Phổ thông 干, đọc là [gon] trong cả hai tiếng Hẹ & Quảng Đông, và [kO] trong tiếng Ngô
[21] [12] Một tiếng cổ cho ‘Em’ (em trai, em gái) là ‘tam’, được thấy là có đồng âm với [tai] Quảng Đông, [te] Phúc Kiến, và [awn] Thái để chỉ người nhỏ tuổi hơn. Hoặc gần hơn là [tiam] Hẹ栝, trong những áng văn Nôm của Ức Trai Tiên Sinh (Nguyễn Trãi) đời Lê, người ta thấy Ức Trai rất thường dùng ‘anh tam’ thay cho ‘anh em’: "Tuy rằng bốn biển cũng là anh tam", "Núi láng giềng, chim bầu bạn, Mây khách khứa, nguyệt anh tam" {xem: http://www.vietmedia.com/literature/vanthisi/?ID=5 - Hoặc Quốc Âm Thi Tập}
[22] Có vài chữ có gốc Đa Đảo trong tiếng Việt:
(a) ‘hiu-hiu’ (gió thoảng ) => (Hau-hau) trong Rapanui /Maori), theo luật biến âm từ [iu] <=> [au], giống các phương ngữ Hoa Nam [2].
(b) Tao => Tau / Taua (Tonga / Tahiti). Mình => Mau / Maua.
(c) ‘Có’; tương tự với [e-tiKO] Phúc Kiến và [‘oKu-‘iai] trong Tongan, với cấu trúc văn phạm giống nhau: Có một căn nhà= ‘Oku-‘iai ha fale (Tongan)
[23] Tiếng Thái [tuai] nghĩa là ‘mình’ (thân thể). [Tuai] có âm gần với ‘Tôi’ hay ‘Tui’, và vì thế ‘Mình’ được dùng hoán chuyển qua lại với ‘Tôi’ trong giao thoa Việt-Thái.
[24] Một từ cùng âm khác nghĩa với ‘Da’ trong tiếng Việt, là ‘Da’ trên thân thể.’ Khi dùng với nghĩa này, ‘Da’ giống hệt ‘Ta’ nơi tiếng Mường, và ‘Tao’ tiếng M’nong, một phụ chi của ngôn ngữ Mon-Khmer.
Tóm Tắt
Như đã được đề xướng và trình bày tỉ mỉ ở [2], tiếng Việt là một sự hỗn hợp tiến hóa lâu dài trong lịch sử của nhiều ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau, với hạ tầng cơ bản là Môn-Khmer phối hợp với Thái-cổ và Đa-Đảo. Chồng chất và đan xen với lớp hạ tầng cơ bản đó là các thứ tiếng xuất phát từ khối Bách Việt xưa ở miền Hoa Nam, từ Vân Nam (Điền Việt) trải qua Quảng Tây, Quảng Đông (Tây và Đông Việt), Phúc Kiến - Triều Châu (Mân Việt), cho đến Ngô (Thượng Hải-Triết Giang), và Hải Nam, v.v. Và hỗ trợ bằng hai nhóm Hẹ (Hakka) và Miêu-Dao (Miao-Yao hay Hmong-Mien). Đặc tính căn bản của đại danh từ Mon-Khmer được thể hiện trong tiếng Việt là dựa trên sự liên hệ gia đình và vị trí xã hội. Đặc điểm này được kết hợp với những đại danh từ chính như Ta, Qua, Kẻ, Gã, Anh, Em, Ya, Hắn, Y, v.v... mà tất cả các ngôn ngữ trên đều có chung, nhất là ngôn ngữ Miến Điện, Champa, Mường, Tày-Nùng, Hẹ, Quảng Đông, Hmong và Đa Đảo Polynesian. Đa số, nếu không nói là tất cả, các đại từ chỉ định dùng trong các đại danh từ như Kia, Này, Ni, Nọ, Ấy, v.v... cho thấy được xuất phát từ những phương ngữ Trung Hoa và ngôn ngữ Mon-Khmer.