Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.171
123.203.752
 
Những khúc dân ca đậm nét Tây Ninh
Nguyễn Đức Thiện

( Nhân đọc Những làn điệu dân ca Tây Ninh

Sở văn hóa Tây Ninh xuất bản ) 

 

Nhắc đến việc sưu tầm dân ca ở Tây Ninh, không thể không nhắc đến Võ Thành Thái, người đã mang theo cây đàn cò đi khắp các vùnh đất Tây Ninh này để tìm về những câu lý, hò, vè mang sắc thái riêng của Tây Ninh cho kho tàng dân ca Tây Ninh. Anh đã ngồi trên kia , mịt mờ cùng sương khói . Trong nhà , anh còn lại những người thân. Chẳng còn gì để ghi nhận anh một thời lăn lóc kiếm tìm lại từng câu lý, câu hò, câu vè của xứ Tây Ninh này. Chúng tôi muốn mang đến trước bàn thờ anh cuốn DÂN CA TÂY NINH, trong đó có những bài, những bản mà anh sưu tầm. Tôi nhớ Võ Thành Thái là một người hóm hỉnh, hài hước. Cách ngày anh mất một thời gian, anh giúp tôi làm một đọan nhạc cho một phim phóng sự về những người lặn lội đi tìm mộ liệt sĩ. Ngày ấy, tôi hỏi anh về công trình sưu tầm dân ca Tây Ninh mà lúc đó anh lãnh nhiệm vụ làm trưởng nhóm. Anh cười cười: “ Thì vẫn đi, thì vẫn làm, thì tưng, tửng, từng, tưng… ư hừ…”. Tôi hiểu công việc của anh còn khó khăn, còn trắc trở… nhưng với anh thì vẫn cứ… cười thôi.  Bây giờ những tửơng những điệu lý, bài hò, hát ru đã dần biến mất khỏi nền văn nghệ Việt Nam đương đại. Vơi những sân khấu ánh sáng nhoáng nhoàng, ca sĩ nhảy tưng tưng, những tốp múa như tập thể thao trên sân khấu được coi là nhạc trẻ thì làm gì có chỗ cho những câu hát dân ca mượt mà chân chất nữa . Ơ các tỉnh chủ yếu là đơn ca tài tử với sự tham gia của những ngừơi trong cuộc ta hát và để ta nghe . Thế là, "không đánh mà tan" những bài dân ca của các vạn cấy, hội hò từng quen thuộc với ngừơi nông dân từ hàng trăm năm qua đã rơi rụng dần đi trước những làn sóng âm thanh của cơ chế thị trừơng náo nhiệt. Thì với Thái công trình mà anh làm dang dở cũng vẫn chỉ là những trang bản thảo mà thôi . Chúng tôi muốn lần theo dấu chân anh và những người cộng sự của anh để tìm đến những nơi anh đến , những nơi có những câu hát còn truyền tụng đến bây giờ .

Cách đây khỏang gần chục năm, , nhóm sưu tầm do anh Võ Thành Thái dẫn đầu đã tổ chức hẳn một cuộc hội thảo với sự tham dự cuả nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như giáo sư  nhạc sỹ Tô Vũ, vợ chồng nhạc sĩ, nhà văn Lưu Nhất Vũ và Lê Giang. Cảm động nhất là Thái đã mời cho đựơc một số cụ ông, cụ bà dân chính gốc, tuổi 70 - 80 đến hát tại hội trừơng. Đó là kết qủa trong đợt đầu tiên với 125 bài mới sưu tầm. Đủ loại từ hát lý, baì hò các loại, hát ru, nói thơ, đồng giao, vè, hát bóng….

Những bài ca hôm đó  được nhà thơ Lê Giang, cũng là người sưu tầm dân ca nhận xét là nồng đựơm vị trầu cay và mặn mồ hôi.  Những bài ca như đựơc trút ra từ gan ruột, thơm mùi đất mới cày lên và mát ngọt nước sông quê. Thể lọai phong phú nhất ở Tây Ninh nói riêng và Nam Bộ nói chung chính dân ca và các điệu lý. Chẳng thế mà các nghệ sĩ Lê Giang và Lưu Nhất Vũ đã sưu tầm tuyển chọn được đến 300 điệu lý Nam Bộ in vào một tập. Riêng ở Tây Ninh Võ Thành Thái cũng " sơ tuyển" được tới 40 bài, trong đó có những bài chỉ riêng Tây Ninh có và cả những bài có hơi hướng dân ca của nhiều tỉnh miền Nam nhưng vẫn có nét riêng về lời hay cách trình bày của Tây Ninh.

Tây Ninh có tự bao giờ. Chưa ai khẳng định. Người tứ xứ về Tây Ninh mở đất, dựng quê, và những câu hát dân ca cũng hình thành giống như bao nhiêu nét văn hoá riêng của mình. Không ngạc nhiên khi có người nói: trong các làn điệu dân ca của Tây Ninh có cả bóng dáng của những câu ca của cả ba miền đất nước. Nhưng những năm tháng mở đất ở Tây Ninh, người Tây Ninh cũng có những cách thể hiện nỗi lòng mình qua những làm điệu dân ca của riêng xứ sở Tây Ninh.

Trường hợp thứ nhất điển hình là những bài liên quan đến địa danh của miền đất Tây Ninh , nên không thể lẫn vào đâu được. Như bài "lý quê chồng"  Bài lý có những câu :Qua vàm Rạch Gốc/ tới cái hóc Miễu Bà Thủy Long/ ơ… /Qua luôn đất giồng là giồng cái Ông Quan Cựu/ rồi mới tới cái quê chồng là tới cái quê chồng của tui.?

Các cụ bảo đấy là bài lý kể về quê lấy chồng của cô gái quê miền đất Ngũ Long ở huyện Bến Cầu. Quê chồng ấy là miền đất các xã Long Thành Nam hoặc Trường Đông, Trường Tây của huyện Hòa Thành. Ngày nay, vẫn còn bập bềnh những bến sông quê ven sông Vàm Cỏ Đông như  Bến Đình ở phía sau Thánh Thất Trường Đông. Ta có thể theo một chuyến đò máy, để sang Long Giang, Long Chí, hay Long Vĩnh thăm lại một tuyến đường xuồng những cô dâu thời trước đã đi qua .

Trong bản "Lý tìm nàng" mà Lê Hữu Trịnh đã sưu tầm trong đợt II, cũng nhờ có những địa danh mà có thể khẳng định ngay, nó sinh ra từ miền nào trên đất Tây Ninh  Qua Sân cu, ơ rường ơ/ mới tới miễu ông Tà/ ơ rường ơ/ lên đây rồi mới gặp/ ơ rường ơ cửa nhà em ở Bàu Năng/ ơ rường ơ phải qua Ninh Hiệp/ ơ rường ơ mới đặng gặp nàng, ơ rường ơ …

Đây lại là tâm trạng của chàng trai trên đường tìm tới quê cô gái mà mình thầm yêu trộm nhớ  . Sân Cu là một ấp nhỏ ở xã Long Thành Bắc huyện Hoà Thành. Bây giờ đường xá đến Sân Cu đã mở mang, nhưng những ai ở xứ này đều biết , ngày xưa đây giống như một ốc đảo. Rừng còn có cọp beo về. Đến được Sân Cu thực gian khó, trần ai. Nên mới có những câu ca gập ghềnh như thế  . Và những người sưu tầm cũng phải gập ghềnh bước chân để tìm ra câu hát

Không chỉ có những điệu lý mang đặc trưng rõ nét về vùng đất, mà ngay cả những thể loại dân ca khác, ta có thể nhận ra vóc dáng quê hương. Chẳng hạn "Vè đất Trảng" hay nói thơ "Nhà em ở xóm Gò Dầu". Nếu "Về đất Trảng" hóm hỉnh, tinh  nghịch, nẩy nở những tiếng cười sảng khóai qua những câu: " Có đến Trảng Mây xin đừng hảo ngọt/ vợ ghen nó đón/ có thể lết luôn/ còn đến Trảng Tròn/ có nhiều gái đẹp/ tròn quay ốc mít/  chẳng sợ sút cân/  ai đó đào hầm/ đào ao đào giếng/  xin đừng có đến/ Trảng Sụp có ngày…”  Thì trong nói thơ "Nhà em ở xóm Gò Dầu" lại mang mác một nỗi buồn xa xứ , bài hát này do Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết hát và được Lê Hữu Trịnh sưu tầm:  Nhà em ở xóm Gò Dầu/ ra đi nhớ mẹ lại rầu bốn phương/ Nhớ rồi cũng nghỉ cũng thương… /Bời Lời cũng thấy vui vui/ nhớ về hương mẹ Suối Bà Tươi thật dài

Nhưng ở Tây Ninh không chỉ có những bài hát về địa danh quê mình. Phần nhiều trong các bài dân ca của Tây Ninh đã sưu tầm được trĩu nặng tâm trạng hay gửi gắm tình yêu đối lứa, tình người trong lao động. Những nét riêng chỉ có thể nhận ra qua cách sử dụng từ ngữ có lúc còn thô mộc, đôi khi cũng trau chuốt đẹp lời đầy ý vị. Nhưng tất cả đều là những ngôn ngữ xuất xứ từ một nền lao động Nông nghiệp, chân chất, thiệt thà như củ khoai, hạt lúa quê nhà.

Hát ru chẳng hạn, xuất xứ có thể là những bài ca dao, được lồng vào những giai điệu thiết tha là thấm thía nổi lòng.

Ù ơ/… con ong bầu nó hút nhị bông bầu/ cảm thương chị bậu để dạ sầu tui mang…. Cũng lại có lúc làm mặt giận :”Ù ơ…/chớ giận ai mà cái mặt đầm đầm, cái môi mà xề xệ, chớ cái cằm xụi lơ….

Còn có những điệu hò, những đối đáp đầy ngẫu hứng trong những mùa gặt giữa những vạn thợ cầy cấy trên đồng. Hầu như hò đã biến mất trên các sân khấu ca nhạc dân tộc. Thế nhưng, may sao nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí người dân lao động Tây Ninh có cả người già và những người trẻ tuổi . Ở Tây Ninh vẫn còn những nhóm người yêu thích những câu lý , hò , vè dân gian . Ở mỏ Công Tân Biên có nhóm của chị Út Bên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã làm thủ lĩnh . Trong tình hình âm nhạc như hiện nay, còn được một nhóm như thế thực hiếm hoi. Nhưng họ đã lưu giữ được trong nhân dân một nguồn vốn qúy đó là những câu hát dân ca .

Có những cụ bà lớn tuổi rồi vẫn còn nhớ những câu hát mà mình đã hát từ thời còn trẻ . Đó là trường hợp của bà Hồ Thị Hôn đã hơn 80 tuổi . Thời trẻ có những câu hát thuộc nằm lòng, nhưng tuổi tác cũng làm phôi phai nhiều những câu ca cũ . Có những câu hò chỉ nhớ được một vế: Hò ơ… /Thấy anh hay chữ  nên hỏi thử đôi lời/ tại sao cây chi chi lại không trái/ gái hồng đào hổng chồng lại có con/ tôi đố anh trai Nam nhân đối đặng/ tôi nguyền theo anh không…

Bây giờ nếu có biểu cụ Hồ Thị Hôn nhớ cho được câu hò đáp, cụ chịu chẳng nhớ ra . Tuổi trẻ của cụ làm gì có những phương tiện thông tin như bây giờ . Và cụ đã sống đến tuổi này cũng chỉ sống ở Tân Biên , thì câu hát mà cụ hát chẳng thể học ở đâu , chỉ có thể có ở xứ Tân Biên này thôi. Cũng may , nhóm sưu tầm dân ca Tây Ninh còn tìm được những câu hò có cả phần đối và phần đáp. Như cô gái đối:  “ Hò ơ ….thân em như cá biển đông, để nhảy lên tam cấp lượn thành rồng cho anh coi .?” Chàng trai đáp laị: “ Hò ơ ….em ơi phải chi anh hóa đặng thần thông, anh ngăn mây đón gío đặng bắt rồng cữơi chơi ….”

Những điệu hò trên đây còn được nguời dân điạ phương goị là hò thơ tình, hò giao duyên chính là những hình thức tâm sự, tìm hiểu gái  trai hết sức trữ tình và cũng chứa đựng những nét đẹp của văn hóa dân gian, dân tộc.

Một loại hình dân ca còn đựơc lưu giữ ở khá nhiều miền quê Tây Ninh chính là các làn điệu lý. Sau đợt hai cuộc nghiên cứu, các nhà sưu tập đã tìm tới 144 bài lý trên tổng số 327 bài dân ca các loại. Ngoại trừ những bài có điạ danh đã kể trên, còn tập hợp phong phú các bài lý. Có bài không kể điạ danh nhưng vẫn chỉ có ở Tây Ninh như lý Bòn Bon ở Tân Biên, có thể trong từ ngữ đã có sự giao lưu văn hóa với người Khơ Me Nam Bộ: “Ai đi trong sóc đi ra lung tung túng, lăng tăng tắng, run/  boon boon caí đối tơ hoàn tiềng ….”

Laị có những bài chỉ hơi khác  đi so với những bài có ở tỉnh khác.

Ví dụ, bài lý “ xúc song” có nơi ngừơi ta hát : “ Rủ nhau đi xúc ròng rong. Ròng rong không xúc, xúc mông người ta”, thì ở huyện Tân Biên -Tây Ninh  lại hát là :“ Rủ nhau đi xúc ròng ròng/ Ròng ròng không xúc xúc chồng ngừơi ta”.

Rỏ ràng, bản ở Tây Ninh hay hơn bởi vừa chỉnh về  thơ lục bát, vừa dí dỏm, laị vừa hài hước. Còn một lọat những bài lý rất lạ khác như:    một chỏng, lý kéo đờn, lý rừơng giong bóng, lý dĩa xôi, lý dây bầu, lý ngựa ô và lý con bìm bịp, lý lu là …

Ở Tây Ninh còn có những thể loại khác như đồng dao, nói thơ và hát tín ngưỡng dân gian dùng trong các buổi lễ cúng miếu. Chúng tôi trích dẫn một phần nhỏ trong các kho tàng văn nghệ dân gian mà các nhà hoạt động văn nghệ dân gian Tây Ninh sưu tầm đựơc. Đó là một số bài hát ru, baì hò, điệu lý mà thôi. Có thể tham khảo thêm những đặc trưng nghệ thuật  qua một quá trình khá dài những người làm văn nghệ dân gian Tây Ninh như Lê Hoàng Minh, Đỗ Thanh Hiền, Lê Hữu Trịnh. Võ Thành Thái… đã sưu tầm, ghi lại hoặc viêt lời mới qua các làm điệu dân ca còn lưu truyền trong cộng đồng dân cư Tây Ninh. Tuy nhiên nhìn một cách tổng quát đã có thể nhận định rằng: Tây Ninh không chỉ là vùng đất Thánh của cách mạng Niền Nam qua hai thời kháng chiến; Không chỉ là vùng đất trung dũng kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngọai xâm, nơi khai sinh những sở đòan chủ lực của Quân Giải Phóng Miền Nam; Tây Ninh với  sông Vàm Cỏ Đông, Núi Bà Đen còn là một miền quê lưu giữ nhiều vốn nghệ thuật dân gian, trong đó cò những câu lý, hò, vè truyền tụng cả trăm năm. Vẫn những cánh đồng ấy, con người ấy, dù đã thấy tiếng máy cày, máy kéo chạy reo vang trên những cánh đồng, thế nhưng, những bài dân ca cứ thầm lặng truyền lan như ngọn khói đốt đồng, lưu giữ đời này qua đời khác. Và đâu đó những nhóm nhen qua các tổ, các đội, các câu lạc bộ văn nghệ Xã, Phòng văn hoá các huyện vẫn tiếp tục lưu giữ ngọn lửa hồng của dân ca của ông bà để lại, như giữ gìn và phát triển một vùng đất quê hương  ngày một thêm tươi tốt.

Xin trở về với Võ Thành Thái , Hội viên hội văn nghệ dân gian. Anh đã mất vào giữa năm 2002 sau một cơn bạo bệnh. Anh không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người cuối cùng sưu tầm những câu dân ca Tây Ninh . Trước anh đã có người , sau anh còn có nhiều người. Nhưng Võ Thành Thái có thể nói rằng một quãng đời ngắn ngủi anh đã dành cho những cuộc tìm kiếm để lượm lặt lại những câu hát dân ca đang mai một dần trên đất Tây Ninh này . Khi Thái qua đời một nhà thơ Tây Ninh đã viết:

“ Thái chẳng thể lo cho mình một mảnh riêng/ Đây một mái lá trống toang/ và con/ và vợ/  Thái chỉ giữ cho mình một ước mơ nức nở/ Những bài ca”.

Những bài ca không phải của riêng Thái , mà của nhân dân xứ Tây Ninh này. Những bài ca anh sưu tầm ngày ấy còn nằm trong dạng bản thảo. Hôm nay, nó đã thành văn bản được in ấn đàng hòang và đã dày thêm lên, với những bài khảo luận, phân tích, giới thiệu, 75 bài hò vè, 22 bài vè, 17 bài hát ru, 21 bài nói thơ, thơ rơi, 3 bài đồng dao và 144 bài hát lý.  Bởi có thêm những bài mới do hội viên Hội văn nghệ dân gian Lê Hữu Trịnh , Soạn giả Thanh Hiền , nhạc sĩ Lê Hoàng Minh, nghệ nhân Tuyết Hằng, nghệ nhân Hòai Sang…, sưu tầm. Có cả sự đóng góp rất tích cực của giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang. Có cả công sức đóng góp của nhiều nghệ nhân khác của các địa phương trong tỉnh Tây Ninh, trong đó nghệ nhân 70, 80, 95 tuổi, làm cho cuốn Dân ca Tây Ninh phong phú và mang tính học thuật cao trong công tác nghiên cứu vốn dân ca của người Việt Nam trên mọi miền đất nước.

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 8149
Ngày đăng: 12.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ nhân TRẦN KÍCH khổ luyện và tài hoa - Võ Quê
Ca Huế trên đất Mỹ - những kỷ niệm - Võ Quê
Quan họ Bác Ninh đi về đâu thời hội nhập quốc tế ! - Nguyễn Văn Hoa
Dân ca của DÂN TỘC THÁI ở HOÀ BÌNH - Nguyễn Thị Thu Hiền
Hát lý và những điệu lý dễ thương của Nam bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Rộn ràng câu hát người Chăm - Xuân Nhật
Hò mái ba gò công - Khuyết danh
Ru con Nam Bộ - Khuyết danh
GS Nguyễn Thuyết Phong: Âm nhạc dân tộc - - Khuyết danh
Dân ca - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)