Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.223.520
 
TRẦN ĐĂNG KHOA: Nói với con gà mái - Đợi mưa - Đối thoại cùng Chân dung!
Lê Xuân Quang

 

Trần Đăng Khoa là nhà thơ trẻ thời hiện đại, nổi tiếng ngay từ lúc 7, 8 tuổi.  10 tuổi đã xuất bản tập thơ riêng của mình, được những nuười hâm mộ mệnh danh ’’Thần đồng thơ’’. Anh sinh ra khi đất nước bị chia cắt (1958), trưởng thành trong chiến tranh chống Mĩ (1965 - 1975), nối tiếng ở thời kì đổi mới với tập tiểu luận Chân dung và Đối thoại.

 

Góc sân và Khoảng trời - được nhà xuất bản Thanh Niên in lần đầu năm 1968. Cuốn sách tập hợp những bài thơ TĐK viết từ vài ba năm trước, người đọc đón nhận nồng nhiệt. Thơ của Khoa diễn tả cảnh quê, tình quê thật sinh động bằng những câu chữ mộc mạc, giản dị như ca dao, khiến người đọc trỗi dậy tình yêu quê hương tha thiết:

 

Một con giun đất chết, đàn kiến bâu quanh (Đám ma bác giun),

Một con chó nghe tiếng bom nổ sợ, bỏ nhà đi mất (Sao không về vàng ơi)

Ông trăng tròn đêm rằm (Trăng ơi từ đâu đến)

Cuộc giải trí của tuổi thơ (Đánh tam cúc)...

 

Ngay cả việc đi bắt cua đồng trong ngày hè nước ruộng nóng bỏng khiến ’’cua ngoi lên bờ’’ (Hạt gạo làng ta), và còn rất nhiều cảnh quê được TĐK đưa vào thơ một cách tự nhiên, nhuần nhị.  

 

Hồn thơ của TĐK còn rung lên lúc đêm khuya tỉnh mịch: Ra vườn Trầu không - hái lá cho bà ăn trầu (Đánh thức Trầu), đến thăm chùa Côn sơn, nghe tiếng chiếc lá (cây) đa ’’rơi ngiêng’’ (Đêm Côn sơn)... ngưòi lớn đọc được phải giật mình dù trước đó - phần nhiều Khoa viết bởi cảm xúc đột biến khi nghe qúa nhiều những câu khẩu hiệu... hay tiếng thét căm thù Mĩ. Với khối óc non nớt thường tình, trẻ con, cậu bé bột phát căm giận hùa theo: ’’...Ngu thứ nhất nhì là tổng thống Mĩ’’ (Kể cho bé nghe).

 

Từ 1968 đến 1971, TĐK tiếp tục phát triển giòng thơ của mình  theo xu hướng tự nhiên, nhưng sự tinh tế, tính nghệ thuật trong nhiều bài thơ yếu, kém dần so với trước đó...

 

Chiến tranh phá hoại bằng không quân của Hoa Kỳ leo thang tới điểm đỉnh, thơ TĐK cũng chuyển mình xem như đánh dấu sự thay đổi từ tuổi thơ bước lên thiếu niên (14). Sự thay đổi bút pháp thể hiện rõ, bằng bài thơ: Nói Với Con Gà Mái.

 

Nếu trước đó, TĐK chỉ viết theo cảm tính khi tâm hồn của cậu bé con em nông dân sống ở làng quê, rung động trước hiện thực rồi sinh tình, với ’’thiên phú vốn có’’ - viết ra vần điệu, Thì, ở tuổi 14 (1972) Khoa đã bắt đầu nhìn hiện thực, chiêm nghiệm, suy tư rồi mới viết. Kết qủa của phong cách sáng tác mới - Nói với con gà mái ra đời khiến dư luận chú ý!  

 

Thời điểm này, không quân Hoa Kỳ, ngoài mục đích tiêu diệt những mục tiêu được họ xác định là trọng điểm quân sự, kinh tế, giao thông, đô thị... họ chuyển sang đánh phá các làng xóm nơi dân lành sinh sống nhằm gây sức ép. Kết qủa là: Bom rơi. Nhà cháy, người chết cùng gia súc, chuột bọ...

TĐK nhìn con gà mái vừa xuống ổ mấy hôm - đang xù lông, giang cánh chạy lọang quạng tìm, gọi lũ con đã chết hết vì sức chấn động của bom. Cám cảnh, Khoa đẩy cảm xúc của mình lên cao, trăn trở, lí giải với mẹ Gà - vật hình tượng (Mẹ) người: Tai họa đó là do người Mĩ, bom Mĩ gây ra! (xem bài thơ ở phần phụ lục cuối bài viết này).

 

Đọc được bài thơ Nói Với Con Gà Mái, lập tức trong trí tưởng của tôi phục hiện trận hủy diệt của không lực Hoa Kì đối với thị trấn Mỏ Cọc 6 - nằm sát bờ vịnh Bái Tử Long, chiều 24/4/1966:

Lúc đó 13 giờ 15.

 

Tôi đang bên bàn làm việc, bỗng... có tiếng của anh Vị, (bạn cùng phòng) hô to như gào: Máy bay rơi... máy bay rơi... tôi buông bút lao vào cửa hào giao thông, sâu chừng 1,2 mét - nối từ phòng làm viếc ra sườn đồi, ngẩng đầu nhìn trời. Nhớ rõ, hôm ấy nắng to, bầu trời xanh cao, thăm thẳm: Những mảnh thân máy bay (1) - như ở phần đuôi - sáng loáng lao vun vút xuống...

 

Chưa kịp hiểu ra chuyện gì đã thấy tiếng nổ đinh tai, rền vang, liên hồi - đồng thời luồng hơi rất mạnh đẩy, ép mình vào thành hào. Cả thị trấn mỏ ngập chìm trong khói lửa. Khoảng 30 phút sau, máy bay đã đi, tôi choàng vội chiếc băng đỏ vào cánh tay (dầu hiệu của đội thanh niên xung kích) lao nhanh ra trung tâm thị trấn. Không thể tin vào mắt mình nữa: Cả một vùng rộng lớn chừng vài ba cây số vuông - Nhà sập, cây cối đổ, bị phạt ngang, mắt đất sạch như được quyét dọn. Cây nào còn đứng thì trơ cành, lá bay hết. Trên một chạc ba của cây xà cừ cổ thụ gốc to cả một vòng tay - dắt, dính gần nửa con lợn cỡ năm, sắu mươi cân, ruột gan lòng thòng. Dưới gốc vương vài ba mảnh thi thể - cánh tay, bàn chân người. Đây là kết qủa của bom chùm, nổ gần - tạo ra.

 

Nhà trẻ to lớn chứa được hơn trăm trẻ em mẫu gíao, chỉ còn các đụn gạch vụn (cũng may các chắu đã đi sơ tán hết), nhìn thấy nhà văn Võ Khắc Nghiêm - lúc đó là trưởng đài truyền thanh của mỏ - đang đứng thất thần bên cạnh gốc cây gạo to đến mấy người ôm, thân cây bị mảnh bom cứa, chẻ, vết sứt, toang hóac... Nghiêm nhìn cơ ngơi của mình – chỗ đặt phòng bá âm phát thanh, trong một gian của nhà trẻ. Anh cúi xuống nhật vài mảnh kim loại - vỏ của những chiếc Ampli, ngẩng nhìn tôi, dang tay ra hiệu, thều thào: Quang ơi! Tan nát, bay hết tất cả rồi!

 

Khu ở và làm việc của Phòng bảo vệ Mỏ củng trung đội tự vệ - không còn dấu vết, chỉ có các hố bom sâu hoắm. Nơi đây 3 ngày trước, trong căn nhà được dùng làm hội trường - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức vinh danh đơn vị tự vệ cọc 6 bắn rơi mày bay Mĩ. Giờ đây, trừ đơn vị trưởng đi vắng, hơn 1 tiểu đội đi trực chiến, còn lại tất cả đang nằm dưới lòng đất lạnh, hoặc tan thành cát bụi.

 

Tôi tiến đến nơi vừa đào được 1 thi thể, nhìn kĩ, nhận ra N  - bí thư chi đoàn - người đã đoạt giải nhất Tấu nói, lên nhân bằng khen cùng thợ khoan trẻ Quang Thọ (2) đoat giải nhất đơn ca trong hội diễn văn nghệ. vừa tổ chức trên sân khấu 3 đêm trước - cách nơi N... đang nằm không xa...

Cuộc đào bới tìm kiếm tới đêm khuya mới tạm dừng.

 

Tôi mệt phờ, thất thểu trở về nhà người anh nuôi. Anh Trần Phương đang tất bật thu dọn, đóng gói đồ đạc... Thấy tôi xuất hiện, anh bảo: Phải cho chị và 2 chắu đi sơ tán ngay.

- Chỉ mới sinh được 3 ngày, chỗ sơ tán sinh hoạt rất khó khăn - tôi dè dặt nhắc.

- Con bé, mẹ yếu cũng phải đi, tình hình này bọn nó sẽ còn tiếp tục đánh phá. đoạn anh chỉ đôi quang gánh, to, nặng, tiếp - Chú giúp anh mang những thứ cần thiết này, dứt lời cõng con bé lớn 6 tuổi trên lưng, chị ôm - địu thằng nhỏ trước ngực, chúng tôi đi ngay trong đêm khuya.

 

Từ nhà lên khu sơ tán phải qua trung tâm thị trấn mỏ. Tôi không thể nào quên được cái đêm kinh hoàng khi đi qua bãi bom - nơi  mấy giờ trước còn tươi xanh, sầm uất, đầy sức sống, giờ chỉ còn hoang vắng, im lặng đến rợn người. Không gian thê lương, bắt đầu bốc mùi xú khí.

 

Chúng ta đều biết: Đêm về, khí hậu trong lành, côn trùng như vui mừng đón chào màn đêm: Chúng kêu ri rỉ, gáy ra rả... còn lũ ếch nhái, chẫu chuộc, ễnh ương thì gọi nhau à uôm, inh ỏi... cứ như giàn đồng ca của vạn vật. Những con chó ’’ngủ lơ mơ’’, thỉnh thoảng lại ông ổng ’’cắn ma’’ (3). Thị trấn nằm sát bờ biển nên gió biển to hơn, phả vào khiến cành lá cây cối đón gió bằng tiếng lay động co sát vào nhau tạo ra âm thanh rì rào... Thế mà bây giờ, khi chúng tôi đi qua chỉ còn nghe thấy tiếng bước chân mình. Không gian tĩnh mịch, thứ im lặng chết chóc: Bởi tất cả động vật, côn trùng, người, thực vật - trên mặt đất, trong lòng đất - đã bị hủy diệt.

 

Nói Với Con Gà Mái chỉ thể hiện một khoảnh khắc ngắn, một chi tiết rất nhỏ của hiểm họa do chiến tranh gây ra. Dù vậy, nó vẫn đủ sức kích thích trí tưởng, tâm hồn người đọc, lay động, đánh thức lương tri của con người. Có thể xem Nói Với Con Gà Mái là bài thơ hay nhất của nền thi ca Việt Nam trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mĩ ở hậu phương miền Bắc, thời điểm 1965 - 1975...

 

Bẵng đi thời gian dài - 10 năm (1972 - 1982), dù TĐK viết được khá nhiều thơ nữa nhưng hầu như không gây được ấn tượng trong lòng độc gỉa. Chỉ khi Đợi Mưa Trên Đảo Sinh Tồn ra đời, người đọc mới lại được thưởng thức thi phẩm, xứng với tầm vóc của ’’Thần đồng’’. Bài thơ như một bút kí, ghi lại cảm xúc của con người đang sống trong khung cảnh ngột ngạt của không gian bị  sức nóng thiêu đốt... Mọi sinh vật chỉ mong có được trận mưa rào rửa sạch, trôi đi bụi bặm, làm dịu bớt oi nồng... Trước hoàn cảnh, thời gian, họ vô cùng khao khát cùng TĐK: ’’Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho táo bạo...’’ thế ’’Nhưng làm sao mưa cứ ngại ngùng/ Chập chờn bay phía xa khơi’’? Trời không chiều lòng người, sấm cứ ì ầm... í ầm... Chớp cứ loang lóang nơi chân trời xa mà vẫn không có giọt nước nào rơi xuống!

 

Và con người vẫn trông chờ, háo hức đón đợi... ĐMTĐST tiếp sức, kích thích tận trong cõi sâu tâm hồn của người đọc khiến họ cùng đồng cảm với tác gỉa. Sau ĐMTĐST - 16 năm - TĐK tiếp tục làm thơ, nhưng không làm thỏa mãn kì vọng của các Fan hâm mộ (4).

 

Đột nhiên 1998, nhà xuất bản Thanh niên tung ra cuốn tiểu luận: Chân Dung Và Đối Thoại. Người hâm mộ ngơ ngác, tự hỏi : ’’Thần Đồng’’ định làm gì đây? Chỉ sau khi đọc hết tập sách mới thấy sự ’’tái xuất giang hồ’’ của TĐK là có lí do...

 

CDVĐT là cuốn tiểu luận viết theo một phong cách hoàn toàn khác, chẳng giống ai, không theo các khuôn mẫu, chuẩn mực của hệ thống lí luận sao rập từ nguyên lí mỹ học của nền vnă học Hiện thực XHCN Sô viết. Bảo CDVĐT là  Phê bình ư? - Không hẳn!

- Tạp luận, Tản mạn à? - Chưa đúng!

- Bút kí văn chương? - cũng không ổn. Cuối cùng đành gọi nó ngược theo tiêu đề: Đối thoại cùng Chân dung.

 

Dạo đó, Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách đã in xong nhưng ’’một số nhà văn tầm tầm’’ (4a) - phản đối kịch liệt khiến Bộ văn hóa phải cho niêm phong cuốn sách, không được phát hành (nhưng cũng không bị thu hồi) nên nhiều người chỉ biết từng đoạn, từng chân dung nhà văn.  

 

CDVĐT của TĐK không giống CDNV của Xuân Sách tuy cùng vẽ chân dung nhà văn. Xuân Sách chỉ chộp lấy thần thái trong từng khoảnh khắc của Văn Nghệ Sĩ thông qua nhửng tác phẩm, bài thơ hay câu thơ của họ xâu chuỗi lại rồi để người đọc tự suy gẫm.

 

CDVĐT - ngoài việc vẽ chân dung, TĐK ’’xắn tay áo lên’’, ’’đỏ mặt, tía tai’’ - thẳng thắn tranh luận, đối thoại với tác giả được anh vẽ. Người đọc thích thú nghe cuộc đối thoại tay đôi, tay ba... lúc dìu dịu, khi gay gắt thậm chí cả suồng sã nhưng chân thực. Các chân dung hiện ra bằng xương bằng thịt với đủ các góc độ, mầu sắc, hình ảnh cùng tính cách họ, làm người đọc thích thú, thoả mãn sự hiếu kì:

 

Ngỡ ngàng trước chân dung Tố Hữu...

Trăn trở, suy tư trước một Xuân Diệu...

Xót xa, bàng hoàng, cảm phục khí tiết của Phù Thăng...

 

Điều thú vị, biết: Lê Lựu - tác gỉa tiểu thuyết Thời Xa Vằng - được TĐK bặm trợn - nhưng rất chân thực - nhận xét: ’’Một gã ma mãnh quái qủy, nhưng lại mang vẻ mặt xuề xòa chất phác của anb nhà quê...’’ (5), có  ’’tật’’ ngửi giầy, ngửi tất... của chính mình dù là ở nhà quê hay sang làm khách trên đất Mĩ, trước các ’’Đế quốc Mĩ’’ - giờ đã là bạn (6)!

 

Anh hai Nam kỳ - Nguyễn Quang Sáng - hay nhậu, hay rượu... 

Bản lĩnh của Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam - Vũ Tú Nam...

 

Đặc biệt, người đọc biết đến lão nông dân Nguyễn Viết Chộp - người đã bắt sống ’’Giặc lái’’ khi xưa , bây giờ là ngài đại sứ Hoa Kì tại Việt Nam - Peter Peterson. Họ gặp lại nhau trong hai hoàn cảnh trớ trêu - khác nhau...

 

Và còn rất nhiều chân dung nữa - cả Tây (Nga), Tây (Mĩ) lẫn ’’Tây’’ - Ta,  dưới ngòi bút của TĐK - thần thái, con người họ hiện ra rõ nét đến trần trụi...

 

Theo NXB Thanh niên: Chỉ trong 1 năm, từ  1998 đến tháng 3 năm 1999, CDVĐT đã tái bản 7 lần (bây giờ chắc nhiều lắm). Có thể nói: Chưa cuốn sách phê bình của bất cứ tác gỉa nào ở Việt Nam lại có số lượng người đọc nhiều như CDVĐT của Trần Đăng Khoa..

Bạn đọc đón nhận Chân Dung và Đối Thoại - nồng nhiệt.

 

Bạn văn, bạn thơ của tác gỉa  - người khen, kẻ chê... nhưng tựu trung đều thể hiện sự khuyến khích, cổ vũ một ngòi bút phê bình kiểu mới!

 

Có điều - nhà phê bình ’’có học’’, ’’uy tín’’, ’’khả kính’’ của văn đàn Việt Nam thì... im lặng, không như trường hợp nhà phê bình Trân Mạnh Hảo một thời tả xung hữu đột... ’’Bình - Phê’’, bị những vị này dè bỉu, chê ’’vô học’’,’’võ biền’’, mặc dù anh đã từng giành được giải thưởng phê bình văn học của một cơ quan văn học có uy tín.

 

Trần Đăng Khoa thì... cứ... bình tâm đón nhận sự ngưỡng mộ, ngợi khen của các Fan hâm mộ...

 

01.06.08

 

(1) - Thực ra đó là những thùng dầu phụ, bằng kim loại nhẹ, mầu bạc, (trông như phần đuôi của máy bay). Sau khi ném hết bom, phi công vứt bỏ để về tầu sân bay hạ cánh cho an toàn.

(2) Hiện là Ca sĩ - Nghệ sĩ nhân dân. Lúc đó Quang Thọ làm thơ máy khoan mỏ, đội viên đội văn nghệ xung kích, đoạt nhiều giải thưởng ca hát của Mỏ, Công ty Than Hồng Gai và Tỉnh Quảng Ninh.

(3) - Theo bản năng: Cứ khoảng từ 7 đến 9 giờ tối, lũ chó thường sủa ông ổng. Chúng cứ nhắm mắt ’’sủa vu vơ’’, chẳng hướng vào ai. Hiện tượng này dân gian gọi là ’’Chó cắn ma’’. Chính nhũng tiếng chó sủa ban đêm tô đậm khung cảnh thanh bình của miền quê, gây dấu ấn sâu đậm cho người Việt về quê hương mình...

(4) - Năm 1998, NXB TN in một tuyển tập 30 năm đời thơ của TĐK (1968 - 1998). Từ 1968 đến 1982 - 14 năm - tuyển được 137 bài. Từ 1982 đến 1998 - 16 năm - chỉ tuyển được 17, những  bài tuyển này qủa thật  thua xa các bài thơ cũ của TĐK...

(4a)- Lời của nhà văn Hoàng Lại Giang trả lời phỏng vấn của đài BBC (hôm 9/6/08). Lúc đó ông là đại diện của NXB Văn học tại thành phố HCM, cùng giám đốc NXB - Lữ Huy Nguyên chủ trương cho xuất bản CDNV của Xuân Sách nhưng không thành...

(5), (6)  CD và ĐT trang 78, 79 - NXB Thanh niên năm 1999.

 

Phụ lục:

 

ĐÁM MA BÁC GIUN

 

Bác Giun đào đất suốt ngày

Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà

Họ hàng nhà kiến đưa ma

Kiến con đi trước, kiến già theo sau

Cầm hương Kiến Đất bạc đàu

Khóc than Kiến Cánh khoác mầu áo tang

Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng

Kiến Kim chống gậy, Kiến Càng nặng vai

Đám ma đưa đến là dài

Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà

Kiến Đen uống rượu la đà

Bao nhiêu Kiến Gío bay ra chia phần...                           

(1967 - 9 tuổi)

 

NÓI VỚI CON GÀ MÁI

 

Mày nhìn tao, con mắt lạc hẳn đi

Trong mắt vằn những tia mắu đỏ

Cái nhìn cháy như hai hòn lửa

Có phải tại tao đâu !

 

Đàn con mày xuống ổ ngày nào

Lông tơ mịn óng vàng bỡ ngỡ

Chun chun những cái mỏ

Rúc ấm lòng mày những đêm trở gío

Mày nhìn tao đôi cánh xù tung

 

Đập rối loạn như điên như dại

Lông bù xù mỏ sao không chải

Có phải tại tao đâu !

 

Đàn con mày chiều qua còn ríu rít bắt sâu

Vườn trước, ngõ sau, Mói ra nhiều qúa

Mày tớp mồi, nhằn nhừơng con tất cả

Diều con no kềnh, diều mày vẫn lép không

 

Mày nhìn tao, chân cào đất lung tung

Con mày có ở đâu trong đất

Mắu tòe rồi, những ngón chân rách nát

Có phải tại tao đâu !

 

Đàn con mày trưa nay còn tránh nắng dưới giàn trầu

Những cuống lá vành như mật đọng

Chói lói tiếng ve, da trời nóng bỏng

Mày thiu thiu rồi, cánh vẫn thức che con

Mày nhìn tao, lảo đảo không hồn

Lối rộng không đi cứ lao vào vách đất

Mày gọi con, tiếng còn, tiếng mất

Có phải tại tao đâu !

 

Gà mẹ ơi !

Mày không biết trên trời

Có những qủa bom lao xuống như gío độc

Mày chưa kịp gọi con, đã bị vùi trong đất

Có nhìn thấy gì đâu

Xác con mày bay lên cùng với những lá trầu...

(1972 -  14 tuổi)

 

ĐỢI MƯA TRÊN ĐẢO SINH TỒN

 

Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn

Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy

Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy

Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi

Ánh chớp xanh lấp lóang phía chân trời...

 

Ôi ước gì được thấy mưa rơi

Mắt chúng tôi ngửa lên như đất

Những mầu mây sẽ thôi không héo quắt

Đá san hô sẽ nẩy cỏ xanh lên

Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền

Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ

Rồi khao nhau

Bữa tiệc linh đình bầy toàn nước ngọt

Ôi ước gì được thấy mưa rơi...

Cơn mưa lớn vẫn rập rình ngoài biển

Ánh chớp xanh vẫn lấp lóang phía chân trời

Ôi ước gì được thấy mưa rơi

Chúng tôi sẽ trụi trần nhẩy choi choi trên cát

 

Giẫy giụa tơi bời trên cát

Như con cá rô rạch nước đón mưa rào

Úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào

Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo

Mưa đi ! Mưa đi ! Mưa cho táo bạo

Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm chớp đùng đùng

Nhưng làm sao mưa cứ ngại ngùng

Chập trờn bay phía xa khơi...

 

Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi

Lòng thắc thỏm niềm vui không nói hết

Mưa đi ! Mưa đi ! Mưa cho mãnh liệt

Müa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu

Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu

Hay mưa bụi... Müa li ti... cũng được

Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước

Một hạt nhỏ thôi, cát cũng dịu đi nhiều

Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu

Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi

vẫn sinh tồn trên mặt đảo

Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gío bão

Chúng tôi như hòn đá ngàn năm

trong đập trái tim người...

Như đá vững bền, như đá tốt tươi...

 

Mưa vẫn giăng màn lộng lẫy phía xa khơi

Mưa yểu điệu như một nàng công chúa

Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa

Thì xin cứ hiện lên thăm thẳm phía chân trời

Đến bao giờ cánh lính chúng tôi

Cũng có một niềm vui

                                    đón đợi...

(1982 -  24 tuổi)

 

Lê Xuân Quang
Số lần đọc: 4731
Ngày đăng: 15.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà phê bình, người là ai ? - Bùi Công Thuấn
Thử phác họa về văn học Trung Quốc thế kỷ 21 - Trần Hiểu Minh
Những nỗi tương tư của Thuý Kiều - Nguyễn Hoàn
Nhập lưu hậu hiện đại kì 6. - Inrasara
Sáng tạo cái mới trong nhãn quan các nhà lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại - Phạm Quang Trung
Như thể một phương tiện thiện xảo(*) - Inrasara
Trình diễn thơ trong Festival Huế - Nguyễn Khắc Phê
Nhập lưu hậu hiện đại kì 5. - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kì 4. - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kì 3. - Inrasara
Cùng một tác giả
Đại ca Tẩn (truyện ngắn)
Ma Cà Rồng (1) (truyện ngắn)
Ẩn số cuộc đời-1 (truyện ngắn)
Chí Tây ! (truyện ngắn)
Kẻ phá thối (truyện ngắn)
Lái gà (truyện ngắn)
Cá độ (truyện ngắn)
Cò.. Cưa... Cứa ! (truyện ngắn)
Quê hương ! (truyện ngắn)
Gánh xiếc chó (truyện ngắn)
Voi nổi giận ! -1 (điện ảnh)
Voi nổi giận ! -2 (điện ảnh)
Lái lợn (truyện ngắn)
Mối tình ma-1 (điện ảnh)
Mối tình ma-2 (điện ảnh)
Cha và...Con (truyện ngắn)
Báo hiếu cha (truyện ngắn)
Ngộ sát (truyện ngắn)
Tài năng trẻ (truyện ngắn)
Oan oan tương báo ! (điện ảnh)