Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.214.127
 
Về thăm Quê Xép
Nguyễn Thuỵ Nhã

Mỗi lần đi thực tế nơi nào tôi rất  vui  khi nghe Tổng biên tập nói “ Viết nghen!”.Thú thực, câu nói ấy như sự  khích lệ  tinh thần  tôi  được vững vàng , dạn dĩ hơn cho những bài  viết  sau này, và cảm thấy mình có trách nhiệm  trong mỗi chuyến đi.Vì tôi nghĩ : Đi không viết thì thật là rất uổng …(theo nghĩa nào đó!).

              

Năm nay Hội Văn Nghệ Kiên Giang có tổ chức nhiều chuyến đi sáng tác thực tế cho hội viên ở các phân hội chuyên ngành. Đó là lợi thế , sự hỗ trợ hết sức đắc lực trong sáng tạo của anh chị em .Mỗi lần được đi ,dù là tỉnh nhà hay tỉnh bạn ,  niềm cảm xúc ấy luôn mới mẻ, dào dạt. Nhất là tại quê hương xứ sở của mình. Viết thì không phải để lấy lòng , nhưng  khi đặt chân đến bất cứ nơi nào cũng đều nhận ra vẻ đẹp và  tình cảm nơi mình đi qua, về cuộc sống con người ở đó , cùng với những tự hào về lịch sử vẻ vang  quê nhà .

 

23/4/2008 - 6h30 .(Nhật ký Gò Quao) . Hai chiếc xe , gồm 17 nhân vật “cao cấp” cùng đi , nhưng chắc cao về tuổi đời thì nhiều hơn! Đường về Gò Quao  theo quốc lộ 61 láng trơn ,êm ái  không còn “ ổ gà ,ổ vịt” như những năm nào.Thóat ra khỏi thị xã là cảm nhận  ngay làn không khí trong lành tươi mát của đồng ruộng ,cỏ cây.  Trên  chuyến  xe cùng là người nhà như thế này , thì tha hồ mà nghe các bậc “tiền bối”  nói  đủ thứ chuyện , nơi sắp đi qua  hay  những kỷ niệm  đã từng in dấu  ! Nhà văn Anh Động , nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Tám Thạnh thỉnh thoảng lại “ đâú lý” với nhau khi chưa thống nhất  điều gì đó!  Cách  của tôi thì…cứ ngồi yên , lắng  nghe để học hỏi .

                          

Không biết hoa bằng lăng có nở theo mùa hay không ? Tôi nhanh chóng nhận ra nét đặc trưng của miền quê này.Dọc theo hai bên đường quốc lộ có nhiều cây bằng lăng đuợc trồng theo ven đường. Màu tím nhẹ nhàng lung lay trong  gió khiến ai nhìn cũng thấy thấy lòng mình  dịu lại  trước cuộc sống còn lắm bộn bề này.Rẽ vào Lộ Quẹo xe chạy qua nghiã trang liệt sĩ trưóc khi vào trung tâm huyện.  Nghiã trang liệt sĩ huyện Gò Quao có không gian và nét kiến trúc  xây dựng đẹp . Nghĩa tình  trọn vẹn với người đã khuất  là như vậy !  

 

Trung tâm hành chính  như chưa thể hiện hết sự “bề thế”của mình qua các hạ tầng cơ sở , nhiều trụ sở làm việc còn cũ kỹ, các công trình lớn khác như : trung tâm  chợ đang xây dựng , hàng quán dọc hai bên  đường  còn chờ được sắp xếp lại cho khang trang để  tạo  vẻ mỹ quan nhiều hơn nữa . Nét ưu điểm của huyện Gò Quao là dành cả một diện tích rộng làm công viên chung , phiá trước  là dòng sông Cái Lớn  bao bọc mát mẻ , và nên thơ.

             

Điểm đầu tiên chúng tôi đến Vĩnh Hoà Hưng Bắc .Cùng đưa chúng tôi đi là phó ban Tuyên Giáo huyện Nguyễn Vân Trường, Trưởng đài truyền thanh  Hữu Trọng ,phóng viên  Kim Đạt , phó GĐ nhà văn hoá , nhạc sĩ Vân Trung. Đò lớn chạy dọc theo sông Ba Hồ vào kinh Bửng Đế ghé thăm  vườn tiêu .Hơn 36 hộ và gần 20 ha tiêu tập trung khu vực ấp 3 .Trực tiếp gặp  bác Nguyễn Vũ Phong chủ nhân  diện tích 4600m2 tiêu trồng xanh mượt , phủ cả một vùng không gian rộng lớn . “Năm nay tiêu có giá!” – Lời tâm sự rất vui của bác. Một công  trừ chi phí còn lời khoảng 15 triệu . Không phải đóng thuế vì theo chương trình 135 của chính phủ hỗ trợ vùng sâu ,vùng xa. Giúp nguời dân phát triển kinh tế địa phương. Thêm một lợi thế nữa là tiêu trồng không phải tốn tiền đầu tư nọc tiêu vì sử dụng luôn cây tràm mọc để làm nọc ,  tôi hỏi “ nếu vậy có ảnh hưởng gì đến chất lượng tiêu không?” – bác Phong nói : “ vẫn bình thưòng như các loại tiêu trồng khác !” tiêu có phần tốt hơn vì luôn hấp thụ được độ ẩm thường xuyên từ lớp vỏ cây tràm vào dây tiêu một cách trực tiếp.Tôi đồng ý với cách giải thích hợp lý này . “Vậy còn điều gì còn trăn trở cho nghề trồng tiêu của bác ?”- Tôi hỏi. Bác nói hệ thống tưới tiêu chưa có nên rất cực trong mùa khô,vừa qua huyện đang có kế hoạch đào kinh chính để dẫn nước trực tiếp .Vừa làm bờ bao , vừa là lộ giao thông. Hy vọng kế hoạch sớm thực hiện để niềm vui được nhân lên  trong đời sống của bà con nơi này . Tôi được biết thêm , phiá trước mặt cách tôi đang đứng  chừng 200m từng là căn cứ của cục hậu cần quân y. Huyện đang  quy hoạch nơi đây thành khu di tích để mọi người được đến tham quan. Xứng đáng lắm chứ! Để hiểu thêm lịch sử thì bằng cách nên tái hiện lịch sử .

 

12g ( Văn công thời bình).

             

Ghé vườn dâu  xanh “Thu Diễm”để ăn trưa và sinh hoạt  tại đây .Nói có trời! người nam bộ có tuổi như tôi  lần đầu tiên mới thấy cây dâu  có trái ra làm sao  !? Nhưng  tôi nghĩ : biết muộn còn hơn là không  !

              

Được tin anh em Hội Văn Nghệ tỉnh  về thăm Gò Quao , đội văn nghệ nữ  của ấp 6 Vĩnh Bình Bắc đã đi võ máy vào tận nơi thăm  chúng tôi .Hơi ngỡ ngàng trong suy nghĩ của mình. Tuởng tượng  một đội  nữ văn nghệ  là những cô gái trẻ trung nhưng  ngược lại họ đang ở tuổi dì , tuổi chị của chúng tôi. Đội văn nghệ được lập từ năm 1990 gồm 11 chị.Thường xuyên tập dợt và biểu diễn phục vụ vào các ngày lễ kỷ niệm , được duy trì cho đến nay. Cao tuổi nhất là mẹ Phan thị Thừa 78 tuổi.Hầu hết gia đình các chị đều có người thân  hy sinh trong chiến tranh.  Tuổi xuân đi qua , họ tìm niềm vui tinh thần bằng  lời ca tiếng hát . Cuộc sống ở vùng quê xa xôi còn thiếu thốn nhiều thứ ,phương tiện giải trí , đi lại khó khăn nên con người đôi khi cũng phải  biết tự tạo niềm vui cho mình .Nhưng ở các chị , tôi có thể  hiểu đó là  tình yêu văn nghệ đã ngấm sâu vào tâm hồn của mỗi  người.Vì bản thân  các chị, các dì đã từng là người chiến sĩ  văn công .Nhìn các dì , các chị múa hát nhịp nhàng sinh động  .Giọng ca khoẻ khoắn, không nghĩ họ là những người đã có tuổi (có lẻ đây là  đội văn nghệ độc đáo nhất ĐBSCL)  . Giữa vườn dâu xanh ngát tiếng hát các chị  vang xa với những bài hát đi cùng năm tháng như :“Rặng trăm bầu” -“Theo Đảng”.Tôi hình dung giống các cô văn công ngày xưa trong chiến khu đã góp lời ca tiếng hát của mình nung đúc tinh thần cho cuộc cách mạng thành công. Họ là  những hạt giống đỏ , luôn giử vững truyền thống  gợi cho chúng tôi nhiều cảm xúc  và lòng khâm phục vì  tinh thần lạc quan yêu đời.

           

Một bữa cơm đạm bạc , cùng quây quần bên nhau . Chia tay, những món quà  nhỏ  gởi tặng các  dì ,các chị làm kỷ niệm . Nhìn chiếc vỏ lạch tạch nổ máy , tôi bắt gặp những ánh mắt lưu luyến nhìn theo !

         

16h. (Nhịp cầu nối những bờ vui!).   Ghé  thăm UB Vĩnh Hoà Hưng Nam cách bến phà Cái Tư cũ vài trăm mét. Nơi từng rộn rịp những chuyến phà qua lại , nay vắng vẻ đi nhiều .Không biết những hộ ở  gần đó giờ đổi sang sinh sống bằng nghề gì, khi những chuyến phà ngày nào đã đi vào dĩ vãng! Nhưng  để có được niềm vui, lợi ích chung thì sự hy sinh cái riêng chắc mọi người ai cũng  sẳn sàng .

.          

Đứng trên cầu Cái Tư , nghe tâm hồn  lâng lâng khó tả.Gió chiều lồng lộng.Từ trên độ cao  nhìn xuống dòng sông , mọi vật như  nhỏ lại . Đủ để thấy chiếc cầu  được xây dựng quy mô đến cở nào !

 

18h.( Đêm vui ). Đòan chúng tôi tập trung về hội trường .  Nghe Trưởng Ban Tuyên Giáo Nguyễn Thiện Cẩn khái quát tình hình chung trong huyện . Gò Quao là huyện có đến 10/11 (xã và thị trấn) được phong anh hùng .  Những địa danh đã gắn liền với truyền thống và ý chí đấu tranh như xã Vĩnh Hoà Hưng ,  xã Vĩnh Phuớc  nơi có nhiều bà mẹViệt Nam  anh hùng đã hy sinh những nguời thân yêu  của mình trong chiến tranh để dành hòa bình cho xứ sở ,quê hương .

             

Gò Quao nhìn chung tuy chưa phát triển mạnh về kinh tế , nhưng ở lĩnh vực văn hoá ,giáo dục và y tế có phần nổi trội ,bệnh viện nằm ngay trung tâm huyện khá quy mô . Ngành giáo dục có đầu tư xây dựng thêm trường lớp. Hiện đã có   lớp dành cho  cấp 3 ở các xã Vĩnh Tuy , Định An , Vĩnh Hoà Hưng Bắc . Riêng xã Vĩnh Thắng thì đang xây dựng Trường PTTH  . Phong trào văn nghệ thì khỏi phải nói ,  nhất là phong trào văn nghệ quần chúng . Đàn ca tài tử luôn được ưa chuộng và là thế mạnh của những miền sông nước. Đêm giao lưu , được thưởng thức nhiều giọng ca cổ  mùi mẫn không thua gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp .  Tôi hỏi thăm anh Vân Trung  phó GĐ nhà văn hoá huyện cho biết : “ Mỗi xã đều được trang bị nhạc cụ , dàn âm thanh để luyện tập xây dựng phong trào .Hàng năm anh chị em đều có về huyện để  hội diễn . Rất nhiều bài hát  viết  về Gò Quao,  ai nghe cũng cảm nhận được cái tình quê thắm đượm trong lòng mỗi con người nơi mảnh đất này . 

 

24/4-8h30 (Quê Xép!) Điều tôi   gợi cho tôi nhiều cảm xúc khi đến  Gò Quao đó là Xép Ba Tàu .  Cách  đây cũng khá lâu ,  đọc tập thơ  “Quê Xép”  của hội  văn nghệ Kiên Giang in năm 2005.Tôi rất thích  bài thơ Quê Xép của  anh Đoàn Công Thiện.  Trong đó có 2 câu thơ gieo vào lòng tôi nỗi man mác  buồn …

 

Cây bần nhớ ai thu mình vò võ

Đom đóm lập loè soi không tỏ đêm đông.

 

 “ Quê Xép” ngày trước là vậy ! Còn bây bây giờ thì sao !?

Đò  đưa chúng tôi dọc theo  sông Cái lớn, dòng sông trải rộng mênh mông, hai bên là những hàng dừa nuớc xanh mướt , những tia nắng sớm  như  đùa nghịch , lấp lánh tung tăng theo từng vạt sóng . Dòng sông này đã  chứng kiến những chiến công hiền hách  mà nhân vật nổi tiếng  “Thần nước” Nguyễn Văn Tư đã từng làm  mưa , làm gió cho bọn giặc kinh hoàng .Sông Cái Lớn cũng là nguồn dự trữ và cung cấp thủy sản cho người dân sống dọc theo bờ, nên nghề đăng đáy rất nhiều .

         

Đặt chân lên dải đất mà thuở nào còn vắng vẻ hoang sơ , những tiếng than oán  khi  dấu giày của  giặc dày xéo lên vùng quê hiền lành này . Giờ đây , “không còn đom đóm lập lòe…” Ánh sáng đã thực sự mang lại cho nơi đây những đổi thay theo đúng nghĩa của cuộc sống . Ánh sáng của cách mạng , ánh sáng của  văn minh !

         

Đầu vàm rạch  có thờ ngôi miếu gọi là Mồ Thị Cư , đã đọc qua về truyền thuyết nên lòng cũng ngưỡng mộ nguời con gái đã có công khai khẩn , gìn giữ vùng đất bình yên cho dân nơi này . Nhưng rất buồn khi chúng tôi đến viếng miếu Thị Cư , thìết nghĩ sự tuởng nhớ và tri ân của người  đời sau  đối với công đức của một con nguời như thế thì cần phải đuợc trân trọng. Nhìn ngôi miếu gần như hoang tàn , lạnh lẽo nằm trên khoảnh đất  ẩm ướt mà không khỏi chạnh lòng. Như những cảm nhận của anh Võ Vạn Trăm: “ Nếu  có thực hay chỉ là truyền thuyết  Mồ Thị Cư cũng đã có mặt trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Chúng ta không thể cư xử vô tình như thế !” Văn hóa cũng cần thể hiện là đây !  Theo ý tuởng của tôi ,chính quyền địa phương nên dành hẳn một khu đất ngay đầu vàm nơi có miếu Thị Cư , sửa sang lại cho khang trang hợp với quan cảnh , chung quanh trồng cây , đặt vài ghế đá như một công viên nhỏ , để nguời dân có chổ thư giãn và chăm sóc nơi thờ phượng…Lòng thành mang ý nghĩa cao cả của tâm linh . Đâu quá lớn lao để không thực hiện được , nếu mỗi nguời cùng nhau chung sức chung lòng !

           

Xếp Ba Tàu nay thuộc xã Vĩnh Phước A, đoàn ghé thăm trụ sở  UBND xã .Võ máy chạy cũng khá xa , rẽ vào kinh mới tới .Dọc theo hai bờ kinh là rẫy khóm mênh mông. Nhìn con đường đang đi còn nhoè nhoẹt sình đất .Không nói nhưng chắc trong lòng ai  thấy cũng vui ,vì sắp tới sẽ có con  lộ nhỏ được đổ bê tông ,dẫn từ trụ sở UBND xã  ra  tới đầu kinh  gần 7km .

             

Có lẽ đây là một trong những xã xa nhất huyện .Tôi hỏi về hệ thống truyền thông  đến các xã như thế nào ? Phóng viên Kim Đạt  cho biết , hiện nay  huyện đã  phủ sóng truyền thanh 100% đến các xã. Riêng xã Vĩnh Thắng đã có trạm truyền thanh ,có thể thu phát chuơng trình riêng của địa phương. Nhờ có mạng lưới thông tin như thế nên người dân dể dàng cập nhật  tin tức cũng như các chủ trương chính sách pháp luật nhà nước nhanh chóng , kịp thời .            

                   

Cùng ăn cơm trưa với các anh chị em  trong UB  , sau đó thì   vui vẽ với những  tiết mục văn nghệ tại chổ. Dù  chưa thỏa  mãn để tìm hiểu    biết thêm về Gò Quao nhiều hơn nữa , thời gian  thì có hạn. Chúng tôi  đành phải  chia tay để còn kịp lên đường trở về  thành phố chiều nay.

Nguyễn Thuỵ Nhã
Số lần đọc: 3115
Ngày đăng: 16.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vĩnh biệt ông: nhà văn Xuân Sách - Nguyễn Đức Thiện
Khởi sắc U Minh - Nguyễn Thuỵ Nhã
Đất của mẹ - Võ Ðắc Danh
Hoàng Phủ Ngọc Tường : Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh - Nguyễn Hoàn
Cimexcol minh hải, 20 năm oan án. - Đặng Huỳnh Lộc
Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam - Nguyễn Hoàn
Tường trình buồn từ đồi Thi nhân - Lê Hoài Lương
Miếng ngon nhớ lâu - 5 - Lê Xuân Quang
Festival Huế - Từ một góc nhìn - Nguyễn Hoàn
Còn ai ngậm ngải tìm trầm? - Trần Lâm Hoa Vinh