Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.224.012
 
Mối tình đầu của CHẾ LAN VIÊN
Khổng Ðức

Nguyên bài viết mang tên “Đọc thơ Chế Lan Viên” đã đăng trên báo Kiến thức Ngày nay, số 53 ra ngày 1-2-1991, là bài sơ cảo. có ít nhiều sơ sót. Tuy vậy vẫn hay được các sách in lại. Sau này được chính chị N.A. và anh Yến Lan góp ý, tôi đã chỉnh đốn những sơ sót và viết lại, nhưng chưa đăng vào đâu. Nay sắp gần đến kỷ niệm lần thứ 20 ngày anh Chế mất, tôi xin công bố bài viết này để bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn.

 

Không ai có  thể tách mình ra khỏi dĩ vãng của mình, những dĩ vãng ngỡ như quên đi, thực tế nó vẫn sống dai dẳng , một phần chìm sâu vào nỗi ẩn ức, và một phần trong đáy vô thức hay tiềm thức chỉ chờ cơ hội là bùng nổ. huống chi đó là tình yêu, thứ tình cảm cao qúy thiêng liêng nhất, lại là mối tình đầu chớm nở khó nguôi quên. Đó là trường hợp của nhà thơ Chế Lan Viên. Đọc thơ anh ít có người để ý đến bài A và H, vì cứ nghĩ đó là một bài thơ thuộc loại cảm xúc thời sự liên quan đến bom A , bom H, thứ vũ khí có khả năng  tàn sát và phá hoại khủng khiếp thế thôi. Nhận định như vậy cũng đúng  quá hay có khác đi một chút là phê phán rằng : Chế Lan Viên đã khéo  lồng vấn đề tình ái vào thời sự để làm cho chất đối kháng  trở nên nồng đậm tươi mát hơn.Thật ra, nếu chịu khó đọc kỷ bài thơ một chút, hẳn ai cũng thấy bài thơ tình ý quá nồng nàn chân thực, nó không thể là một hư cấu giả tưởng , mà phải có một nguồn tình cảm sâu xa tất yếu nào đó mới có thể viết nên những câu:

 

Chùm hoa lạ dấu lưng chừng mặt gối

Tiếng yêu riêng mình chỉ bẻ trao mình

Hay là :

Hơi thở đôi ta dệt thành tiếng hát

Nửa sông Hồng  pha nửa sóng sông Hương.

 

Vấn đề đặt ra là : Chế Lan Viên tên thật là Hoan, thì chữ H đứng đầu là cái chắc, nhưng anh có người yêu nào mà chữ đầu  tên  là A không ? Với nghĩa bè bạn tâm giao từ thuở nhỏ, nhà thơ Yến L:an trả lời với chúng ta là có, người ấy tên là Ngọc Anh. Tôi xin miễn được nói đến họ, tuy  nhiên cũng có thể hở mí,Người là con nhà giòng dõi trâm anh thế phiệt, bên nội cũng như bên ngoại đều nổi tiếng. Hiện người còn tại thế, có gia đình và địa vị vũng vàng trong xã hội với con cháu đầy đàng, đều trưởng thành, nên cũng xin miễn dài dòng. Hơn nữa chúng ta chỉ nói về thơ, về mối tình đầu của anh Chế, thì đây là thuở nhà thơ mới 15, 16 tuổi đầu, yêu với nghĩa là si mê (amoureux), người được yêu không biết, hay có biết cũng làm ngơ. Nhưng nhà thơ thì vẫn xem người mình yêu như một thần tượng được tôn thờ muôn thuở không quên.Thật đấy mãi đến năm 1987, tôi nhớ anh Chế còn nhắc đến tên Ngọc Anh, và bà với tính cách bè bạn cũng có thư từ nước ngoài gõi về thăm anh. Vậy A tên em và H tên anh là chuyện có thật hiển nhiên rồi.Tuy nhiên bài thơ in trên giấy trắng mực đen hay nghe được vẫn còn là một thứ thiên nhiên sống sít. Muốn cảm được vẻ hay vẻ đẹp của nó nhất định ta cần phải nhận thức rõ thứ phù hiệu mà nó mượn để diễn tả, rồi từ phù hiệu ấy ta mới thấy được ý tượng và ý vị thích thú. Thứ phù hiệu mà anh Chế diễn tả trong bài A và H này có tính cách tượng trưng. Nhưng một khi nắm được tên thật là chúng ta đã có trong tay một chìa khóa vàng  để đi sâu vào công cuộc khám phá. dẫu không  là kho tàng, cũng là chiếc rương  đầy của qúy.

 

Chữ đầu tên, trăng non đầu tháng mới

Chữ đầu tên ở đây không phải là A mà là Ngọc, vì tên là Ngọc Anh, mà trong gia đình thường gọi, cũng như Ba hay tự xưng là Ngọc Trăng non thì tiếng Pháp là Nouvelle Lune, chữ Mới ở đây  chính là từ Nouvelle. Trong thi văn xưa với huyền thoại về mặt trăng , chúng ta cũng gọi trăng là “Ngọc thố” kia mà. Và có ghép chữ Ngọc trước chữ Anh thì mới thành :

Chùm hoa lạ giấu lưng chừng mặt gối

 

Ở đây chúng ta hãy chú ý đến chữ “lưng chừng”, theo từ điển tiếng Việt là khoảng đại khái ở giữa, không ở trên cao mà cũng chẳng ở dưới thấp. vậy “lưng chừng mặt gối” là giữa mặt và gối, hai bộ phận trong cơ thể con người là giấu kín ở trong tim hay lòng. Và mối tình thầm kín như thế nên Ngọc Anh là chùm hoa lạ thì

Tiếng yêu riêng mình chỉ bẻ trao mình

 

Nhưng anh Yến Lan lại có ý rằng “ Ngọc Anh” là một loài hoa, lại là tên của người mình yêu, tình yêu mới chớm, yêu thầm lặng chỉ riêng mình mình biết; nên mãi mãi giấu kín để rồi đêm đêm lại chiêm bao, gối đầu trên gối lại thấy hình bóng người yêu. Hay cũng có thể nói  là mối tình đầu tha thiết và kín đáo thì mỗi khi nằm ngủ mới thoạt thấy hình ảnh người yêu từ cõi lòng e ấp. Bởi vì  mồi tình này còn ai biết nữa đâu, ngay cả đến đối tượng  cũng chưa bao giờ được ngỏ ý.

Một câu thơ có thể có nhiều cách giải thích, Đó cũng là tính chất tượng trưng trong thơ, vì tự nó có nhiều bộ mặt, nhiều dáng dấp, nó không cung cấp cho ta một ý nghĩa xác dịnh  nào. Tuy nhiên cứ lần theo một dạng thức nào đó chúng ta cũng cảm nhận được bao vẻ biến hóa đầy  thi vị. Nó không phải là cái phần ngoại hình của ngôn từ, mà phải đi sâu vào vào phần nội tại với cái chân thực tính của sự vật, hay cái ngã nội tâm của thi nhân thì  mới thấy lý thú.

A ao xuân lặng sóng ào đầm hương

Nói đến “ao xuân” chúng ta không thể không liên tưởng đến câu thơ xưa của Tạ Linh Vận “trì đường sinh xuân thảo” (ao xuân sinh cỏ). Nhưng rồi cũng được anh Yến Lan nhắc cho là quê nhà bà Ngọc Anh vốn ở Diêu Trì, một địa danh của Bình Định. Trì là ao, và Diêu cũng đọc là Dao, nghĩa đen là một thứ ngọc qúy. Diêu trì hay Dao trì là ao ngọc hay cũng là Ao tiên; nhưng chũ Tiên hay T. Tiên là tục danh của thân mẫu Ngọc Anh thì anh Chế phải kiêng kỵ, nên gọi trạnh là Ao xuân. Và đã là ao xuân một khi lặng sóng  tất như chiếc áo đẩm hương. Áo cũng có nghĩa là thâm sâu, thì Ao mà thành Áo là phải thêm dấu sắc ( ‘), vậy áo đầm hương cũ ng có  thể hiểu là ở con người ấy ngoài sắc đẹp còn có tánh tình đoan trang khả kính, hay là một bông hoa thì có đầy cả sắc lẫn hương . Cũng có thể chúng ta đào bới ngữ nghĩa  hơi quá sâu; nhưng theo nghĩa bình thường , cảnh trí của quê hương người đep thì nơi nào mà chẳng đẹp, nhất là địa danh cũng có cái tên quá mỹ miều.

An tĩnh trời quê sao bạc rắc

 

Nếu Ao xuân là Diêu Trì thì An Tĩnh chính là An Nhơn, mà xưa là thành Bình Định, dù không phải chốn sinh đẻ vẫn là quê hương của anh Chế từ nhỏ đến trưởng thành. Anh Yến Lan cũng xác nhận : An Tĩnh có nghĩa An Nhơn là đúng. Và theo  nhà thơ của Bến My Lăng nhận xét, trong những ngày nắng ráo thì An Nhơn là một mảng trời xanh, xanh lặc lè đến tưởng như mặt hồ lặng sóng phản chiếu tất cả vẻ thanh bình im ắng của mặt đất. Về những đêm có trăng thì đó là mảng trời vằng vặc tràn ngập ánh sáng  dịu dàng, và vào những đêm đầu hay cuối tháng thì An Nhơn là một mảng trời lấp lánh đến vô biên. Chế Lan Viên đã kể tôi nghe (lời anh Yên Lan) : có những đêm giao thừa, mẹ Chế gọi con cái dậy ra sân, nới bà đã đặt sẵn mộ mâm quả trên chiếc bàn con để làm lễ tế sao, cúng Hành khiển. Vì sao chiếu mệnh cho gia đình đêm ấy đang ló mọc ở góc trời và trên đỉnh nhà, bầu trời vào những đêm như thế đều như bạc rắc khắp vùng. Diêu Trì cách An Nhơn không có là bao, trong cái gần gũi của hai quê cùng trong tỉnh  đã được nhà thơ thi vị hóa :

 

Hơi thở đôi ta dệt thành tiếng hát

Ở đây chúng ta không cần nói đến chất nhạc trong thơ, chỉ biết” hơi thở tiếng hát”là một hư cấu để nói trong tên hai người có sự trùng hợp là Hoan thì chữ H đứng đầu, còn chữ Anh thì chữ H lại ở cuối. Nếu nói trí tuệ thì đây cũng rất trí tuệ,, .mà tình thì cũng rất chí tình. Nhưng xưa sao gần guĩ thế, “một tết nào nhà thơ đã đến thăm nhà Ngọc Anh và họ đã chào nhau qua một quảng cách : kẻ ở đầu sân, người trong ngưỡng cửa cúi đầu … ”( Trích lời trong thư của Ngọc Anh  gởi cho anh Chế, mà kẻ viết bài này đã được anh cho xem). Thế mà nay khi đến tuổi trưởng thành thì lại kẻ Nam người Bắc : Anh ở sông Hồng còn Chị ở sông Hương. Hai con sông ở hai miền mà sao nước sông Hồng  như có pha lẫn nước sông Hưong , nước không tĩnh lặng im ắng như tờ mà sóng gió đâu đó đã nổi lên thành xa cách ngậm ngùi.., cũng là hai chữ H.

 

Tình yêu tập đánh vần lần thứ nhất

Mỗi buớc đời ta ghép một vần thương

 

Mối tình đầu, hẳn cũng là mối tình thơ của Thơ, ở đây xin đừng hiểu một cách thiển cận “ mỗi  bước đời ta ghép một vần thương “ là sau đó anh Chế cũng trải qua nhiều mối tình khác. Vì hiểu chữ Thương như thế tội lòng tác giả, mối tình đầu vô vọng  nhưng vẫn sống mãi  trong tâm hồn anh, nó nuôi dưỡng cả một đời thơ. Chữ Thương ở đây theo nghĩa rộng, nhưng vẫn thường kế tiếp trên mỗi bước đời, nhưng nó vẫn bắt đầu từ suối nguồn phát tích thì dù là nước sông Hông hay nước sông Hương  cũng chỉ là một dòng , hay hai mà pha lẫn thành một; Hình ảnh người yêu hay thần tượng  thầm kín đó sống mãi cho đến bao giờ. Có như thế thì khi bom A và bom H trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng  khiến thiên hạ nôn nao sợ hải, thì tác giả đã liên tưởng đến tên người  và tên mình cũng  là A và H :

Chẳng còn tên anh , chẳng còn tên Em

 

Là một sự thật phũ phàng. Ngọc Hoan hay Ngọc Anh còn đó mà như không có nữa rồi. Ý thơ như kết thúc, mà lại mở ra một chân trời khác, cũng chữ đó  tiếng đó sao nay lại trở thành một công cụ hải hùng.

Chúng nó treo trên đầu ta bom A, bom H.

Tên đôi ta sao  bổng thành giết chóc

Tính thời sự ở đây như nước tràn lan hai bên bờ, nhưng dòng chảy rạt rào vẫn là Tình - một ẩn ức như chờ dịp được tuôn trào.

Măt trời đau vì tội ác ban đêm

 

Đã hay anh Chế mượn ý thơ của Valéry : Soleil! Soleil!..Faute éclatante, Toi qui masques la Mort. Nhưng anh đã Việt hóa “ Mặt trời đau” mà “đau vì tội ác ban đêm”vẫn là “ la Mort “đấy, nhưng nó bao trùm mênh mông đầy ma quái thi vị. Nhưng tên người đó làm sao mất được, phải còn và mãi mãi còn :

Cho còn tên em, mãi mãi tên anh

 

Muốn thế phải phá đi cái tai ngược của cuộc đời; Phá cho sạch bom A và bom H. Hủy diệt hay sáng tạo cũng chỉ là một, một trái nguyên sơ chừ đã bổ làm đôi : Ái tình hay Tổ Quốc, Tình hay Lý.

Cũng đau thương trời đất cháy diêm sinh

 

Chiến tranh đã chia cắt hai miền là chia cắt biết bao tình người. nhưng nhà thơ dù hiện thực đến đâu vẫn luôn luôn sống với ảo ảnh và mộng mị của mình:           

Cho mùa mây mang cái chết qua đi

Chim sẻ chim ri mang ái tình trở lại

 

Rồi ước mơ của nhà thơ đã thành hiện thực : Sạch chiến tranh mặt đất gọi hoa về. Tổ quốc lại nguyên lành. Hoa của mặt đất lại về, nhưng hoa người lại ra đi biền biệt đến bao giờ. Thứ “ hạnh phúc như đào ngon chín tới” Có chăng  chỉ có trong mơ, chứ có phút nào kề  cận môi miệng anh. Cái tên thần tượng  anh hằng mong chờ khi hòa bình lập lại như “con suối chảy quanh mình” có chăng chỉ là một thoáng thành thư  muộn màng, đủ để cho anh mỉm cười  rồi vĩnh viễn ra đi bỏ lại một Viên Tĩnh Viên đơn côi. Ai biết được cõi lòng của Anh ?


Đọc bài A và H :
http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=8200&LOAIID=1&LOAIREF=1&TGID=1188

Khổng Ðức
Số lần đọc: 3846
Ngày đăng: 19.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Suy nghĩ về Hậu hiện đại - Nguyễn Đức Hiệp
Nhập lưu hậu hiện đại kì 7 - Inrasara
TRẦN ĐĂNG KHOA: Nói với con gà mái - Đợi mưa - Đối thoại cùng Chân dung! - Lê Xuân Quang
Nhà phê bình, người là ai ? - Bùi Công Thuấn
Thử phác họa về văn học Trung Quốc thế kỷ 21 - Trần Hiểu Minh
Những nỗi tương tư của Thuý Kiều - Nguyễn Hoàn
Nhập lưu hậu hiện đại kì 6. - Inrasara
Sáng tạo cái mới trong nhãn quan các nhà lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại - Phạm Quang Trung
Như thể một phương tiện thiện xảo(*) - Inrasara
Trình diễn thơ trong Festival Huế - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)