Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.204.537
 
Giải minh hậu hiện đại 2
Inrasara

Phê bình của tôi không xoa đầu hay vuốt đuôi, mà - khai mở. Hoặc bạn ủng hộ hoặc chống lại chứ không ỡm ờ; nhưng điều tôi thích hơn cả ở bạn là thay đổi. Thay đổi không phải để nghe theo tôi mà là tự thức. Tự thức nơi giường chiếu hẹp của sáng tác bạn, trong căn chòi hệ thẩm mĩ lạc hậu bạn, từ nền văn học vùng trũng bạn. Tự thức và thay đổi.

Inrasara, Tạp chí Tia sáng.

 

1. Đã có nhiều bạn văn và bài báo gán cho tôi kẻ truyền bá và cổ xúy hậu hiện đại. Dù phát biểu với đầy thiện ý, nhưng đây là một nhận định chưa chuẩn xác.

 

Không như các phong trào thuần nghệ thuật khác, tượng trưng hay siêu thực chẳng hạn, hậu hiện đại là trào lưu văn hóa mang tính toàn cầu có tác động rộng lớn đến nhiều lãnh vực. Nó là con đẻ của văn hóa phương Tây. Hôm nay chúng ta đang thở hơi thở của văn minh đó, không thể chối. Chúng ta nhìn, nghe, ngửi, sờ mó nó, xung quanh và hàng ngày. Ngay thuật ngữ “hậu hiện đại” (postmodernism) cũng là của phương Tây, được dùng theo tinh thần phương Tây. Có nghĩa là, nói quyết liệt như A. Rimbaud, “je est l’autre”. “L’autre” này chính là phương Tây. Chúng ta đang hưởng thụ và chịu đựng nó.

 

Nhưng con người là cây sậy suy tư [ở đây là nói về văn chương], nó chỉ là nó một cách chân tính khi nó hiểu được cái gì đang tác động vào cuộc sống nó, đè nặng lên tâm hồn, thậm chí qui định sinh mệnh nó. Trong những “cái gì” này, có hậu hiện đại.

Tìm hiểu [tâm hồn và con người] thời đại ta đang sống, không thể không biết đến hậu hiện đại. Muốn biết hậu hiện đại, không thể bỏ qua những người anh chị em của nó như: hậu nữ quyền luận, hậu thuộc địa luận, thuyết giải cấu trúc,… Trước nữa, không thể thiếu tri thức nền tảng về chủ nghĩa hiện đại với các nhánh đa dạng của nó. Hiểu, không phải để phô trương kiến thức mang tính hù dọa kẻ yếu bóng vía mà là, để biết thiên hạ đã đi đến đâu. Biết, để tránh đụng hàng những gì thế giới ngoài kia đã làm. Biết, để thoát khỏi ảo tưởng mình đang sáng tạo ghê lắm, đang khi lặp lại người thiên hạ.

 

Tiếc là, hơn 30 năm qua, chương trình các trường Đại học của ta đã ít biết đến chúng. Nên mới có vấn đề… Đây là sự hụt hẫng cực lớn.

Đa số người không nắm được, nên phản ứng. Không hiểu [tinh thần, sáng tác,…], chúng ta không cất công tìm hiểu hay khiêm tốn học hỏi mà chỉ phản ứng. Yên phận với thái độ đà điểu với những gì đang xảy ra ngoài kia và, thê thảm hơn – kiêu hãnh trong thái độ ấy. Trong khi đến nay riêng tiếng Việt, đã có 6 tác phẩm dịch/ viết về hậu hiện đại. Bằng tiếng Anh, Pháp thì mênh mông, ta cứ mở Google mà gõ “postmodernism and literature”, “postmodern literature”, “literary postmodernism”,…(1)

 

Tôi không truyền bá hay cổ xúy hậu hiện đại. Sáng tác hậu hiện đại đã có đó, trước khi tôi bàn về nó. Tìm hiểu tinh thần và sáng tác của người viết cùng thời, tôi không thể bỏ qua nó. Ở Việt Nam, sáng tác theo trào lưu hậu hiện đại có trước và sâu đậm hơn nữ quyền luận, tồn tại dai dẳng hơn tân hình thức và dĩ nhiên, nó mới hơn các sáng tác theo dòng cổ truyền. Một nhà phê bình nhắm mắt lại trước hiện tượng văn chương này mới thật sự đáng trách.

 

Tôi cũng không làm kẻ tiên tri rằng hậu hiện đại có tương lai hay chẳng có, tiền đồ nó lớn hay nhỏ ở Việt Nam. Tôi chỉ nói về hiện trạng văn chương hôm nay. Nó có đó, các sáng tác hậu hiện đại. Tôi càng không [có quyền, khả năng] trù dập nó, hay phủi tay từ chối nó xem như chưa hề có nó. Mà phơi mở nó ra, vận dụng tri thức về mĩ học hậu hiện đại để soi rọi vào mảnh đất văn chương còn khá mới lạ này. Tôi gọi đó là phê bình lập biên bản.

 

Tôi viết về trào lưu văn chương, các tác phẩm mang yếu tố hậu hiện đại trong chiều hướng đặt trên tiền đề người đọc đã biết về trào lưu văn hóa này. Như và hơn cả chủ nghĩa hiện sinh, hậu hiện đại biểu hiện đa dạng với nhiều quan điểm sai biệt giữa các lí thuyết gia đại biểu ưu tú nhất của nó. Tôi không bổn phận hay chủ ý mang đến cho người đọc tri thức về hậu hiện đại, mà là bàn về sáng tác hậu hiện đại trong bối cảnh văn chương tiếng Việt hôm nay.

Và tôi đã làm đúng như thế, 5 năm qua.

 

2. Tôi có ủng hộ, “bao che” cho nhóm Mở Miệng không?

 

Đây là câu hỏi buồn cười, nhưng lại là một buồn cười có thật, trong sinh hoạt văn chương Việt Nam. Có tạp chí bự cồ còn cho “ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.” Lạ là tác giả bài báo đã cố tình nhốt tôi chung rọ với bài thơ “Lổ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh, để làm thao tác tố giác! Trong khi ở hơn trăm bài viết, tôi chưa lần nào đề cập đến, chứ đừng nói bày tỏ ý kiến về bài thơ này.

 

Tôi ủng hộ cái mới. Nhóm Mở Miệng là một trong những.

 

Bài viết đầu tiên về tập thơ Xáo chộn chong ngày của Bùi Chát, một nhà thơ trong nhóm thơ này là: “Xáo chộn với Bùi Trát” chưa đầy trang A4 đăng trên Tienve.org, 2003. Sau đó là tiểu luận dài “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, được đọc tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 03.2005, nhận định chung về vài trào lưu mới: thơ nữ Sài Gòn, nhóm Mở Miệng và nhiều tác giả khác.

Thế thôi. Ngoài ra, tôi chỉ bàn về nhóm thơ này kèm với mấy tác giả khác, các dòng văn chương ngoài lề, vỉa hè hay in photocopy. Có lẽ nhóm Mở Miệng xuất hiện rềnh rang, mang đặc chất “hậu hiện đại” hơn chăng, nên xảy ra nhận định sơ hốt như thế?

Qui kết trên vừa sai [với tôi] vừa xem nhẹ nhóm thơ này. Lý Đợi, Bùi Chát hay Phan Bá Thọ không cần người nào đó tuyên truyền hay bao che họ. Tìm sự đồng cảm thì có, cần thiết nữa, cổ vũ kích động hay bao che – tuyệt không!

 

3. Xóa bỏ mọi trung tâm là ý tưởng chủ yếu của hậu hiện đại. Đây là tinh thần dân chủ mới. Tôi thấy ở đó có sự tương đồng sâu thẳm với tinh thần phá chấp và vô phân biệt của Krishnamurti hay nhà Phật. Văn học đương đại Việt Nam soi rọi qua ánh sáng tinh thần này, đã lộ ra vết nứt. Từ vết nứt đó nhoi lên bức vách vô hình ngăn văn chương [bị cho là] ngoại vi và văn chương trung tâm. Mọi người mặc nhiên chấp nhận nó. Nỗi mặc nhiên này được đẩy tới đỉnh chóp, là thái độ đối xử đầy phản [chuyển] động nơi một số bộ phận: phân biệt văn chương chánh thống với phi chánh thống.

 

Tư duy phê bình của tôi đi vào lằn ranh phân biệt đối xử tệ hại và tai hại đó. Nó mang tính hệ thống và nhất quán.

 

Tôi không gom các bài viết lại thành tập, rồi kêu nó là “Tập tiểu luận - phê bình” mà, một suy tư xuyên suốt. Từ cái nhìn tổng quát đến nhận diện từng dòng sáng tác, qua bàn về từng tác phẩm hay bài thơ cụ thể(3).

 

Đây là các trào lưu, tác giả sáng tác trong cảm quan mới, sử dụng nhiều thủ pháp mới. Tôi đứng trên quan điểm thẩm mĩ [mới] của chính tác giả để nhận định về các sáng tác của họ, ngay khi chúng vừa xuất bản. Có thể nói, tôi là kẻ đầu tiên viết về chúng. Trước khối lượng khổng lồ tác phẩm ra lò, không ai tự nhận quán xuyến tất cả các sáng tác khác lạ và cả khác nhau ấy. Một nhà phê bình chỉ có thể chọn lựa một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình. Ít ra, bạn biết đứng trên nền tảng thẩm mĩ của chính tác phẩm đó để phê bình nó. Lâu nay, chúng ta rất ngại đi vào vùng xoáy dễ sa sẩy của sáng tác mới, của hôm nay. Tinh thần ngại phiêu lưu khiến các nhà phê bình luôn tìm chốn trú ẩn an toàn trong miền sáng tác thuộc hệ mĩ học đã được thời gian thẩm định và lưu kho.

 

Là nỗ lực nhận diện cuộc sống mới của văn chương Việt đương đại, không phân biệt văn chương dân tộc thiểu số hay đa số, trong nước hay hải ngoại, trung tâm lớn hay địa phương nhỏ… Đòi hỏi sự công bằng cho mọi trào lưu, mọi dạng thức sáng tạo văn chương. Có thể nói, đó là thái độ khả dĩ hơn cả(4). Bởi, một loại/ dòng văn chương bất kì không thể chết bởi hành vi trấn áp thô bạo hoặc quay lưng chối bỏ đầy trịch thượng hay hãi sợ; nó chỉ có thể bị vượt qua khi phần chưa được nói của loại/ dòng văn chương đó được phơi mở trọn vẹn, qua chính những đại biểu [tác giả, tác phẩm] ưu tú nhất của nó.

 

4. Thơ như là con đường.

 

Ta biết, “đây là thời đại của văn minh phương Tây. Không thể phủi tay chối từ hay chạy trốn. Chúng ta đang thở hơi thở của siêu hình học phương Tây. Dấn bước lên con đường thơ ca, thi sĩ chân tính buộc phải đi đến tận đầu mút con đường chọn lựa. Từ lâu rồi, người ta không còn tin tưởng vào mọi thứ chủ nghĩa. Các trường phái văn nghệ chỉ có thể tạo nên trào lưu khả năng làm sôi động không khí sinh hoạt văn chương, trong một giai đoạn – rất nhất thời. Nhưng dù thế nào đi nữa, thi sĩ hôm nay cần trải nghiệm trọn vẹn hành trình thơ của nhân loại: tiếp nhận và thể nghiệm. Nhập cuộc chịu chơi, trò chơi của thế giới (le Jeu du monde – M. Heidegger). Để cuối chặng đường, chúng ta làm cuộc đi xuống, tận đáy thẳm của bản thể thơ ca.

Bởi, thơ ca như là thơ ca thì không có tiến bộ. Hành trình thơ ca là hành trình đi ngược về nguồn, đến tận suối nguồn uyên nguyên của ngôn ngữ. Làm người mục tử chăn dắt ngôn ngữ như thể được ngôn ngữ ban tặng cho họ bổn phận chăn dắt giản đơn mà khó nhọc, đời thường nhưng tràn đầy linh thánh”(5).

 

Quan niệm như thế nên, tất cả thuyết lí, phê bình hay gì gì khác của tôi chỉ là bước chuẩn bị cho khai mở một cõi miền tiên quyết của sáng tạo. Do đó, có thể coi hậu hiện đại, vân vân… chỉ là phương tiện thiện xảo mang tính giai đoạn. Thế nhưng, khi ta chưa đi đến tận đầu mút của mọi “ism” thì làm gì có chuyện từ bỏ? Và từ bỏ cái gì? Ta chưa có tri thức thì lấy gì mà giải thoát tri kiến?

 

Tạm rút ra kết luận: ta cần phải “học” phương Tây, biết mình cần học cái gì và học như thế nào, qua đó mới hi vọng nói đến việc rời bỏ sở học, vượt bỏ hay vượt qua(6).

Không thể khác. Như là định mệnh.

 

Sài Gòn, 17.06.2008.

 

Chú thích:

(1) Tạm nêu vài tác phẩm bằng và được dịch ra tiếng Việt :

- Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000.

- Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, California: Văn nghệ, Hoa Kì, 2002.

- Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, 2 tập, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.

- Richard Appignanesi – Chris Gattat, Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại, Trần Tiễn cao Đăng dịch, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2006.

- Trần Quang Thái, Chủ nghĩa hậu hiện đại, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006.

- J.-F.Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch từ La Condition postmoderne: Rapport sur le savoir, NXB Tri thức, H., 2007.

 

(2) - Về tổng quát: “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”, đăng lần đầu ở Tạp chí Tia sáng số 14, 20.07.2006; “Nhập cuộc và hy vọng”, Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, số 16.2001 (về thơ địa phương Ninh Thuận qua đối sánh với sáng tác ở các trung tâm văn hóa lớn); “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”, Tagalau 2, 2001 (về thơ tiếng Chăm/ Việt); “Văn chương TP Hồ Chí Minh hậu đổi mới, khởi đầu cho một khởi đầu”, Tham luận tại Hội thảo khoa học Đời sống Văn học - nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập, 16.10.2007 và “Thơ văn trẻ Sài Gòn ở đâu?”, báo Văn nghệ trẻ, số 45, 11.11.2007 (đặt vấn đề thơ ngoài lề/ chính lưu).

 

- Về từng dòng văn chương: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”, đăng lần đầu tại Talawas.org, 12.04.2006. Ở đây, từ quan điểm thẩm mĩ của chính dòng văn chương này, tôi nhìn ra sự lặp lại về ngôn ngữ thơ (Lương Định), về đề tài (Mai Liễu), về thủ pháp (Lò Ngân Sủn), về mặc cảm ngoại vi (Pờ Sảo Mìn),… Về dòng văn chương ngoại biên: “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 03.2005 hay dòng thơ nữ quyền luận: “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố “nữ”, Talawas.org, 18.04.2006. Về thơ hậu hiện đại: “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt”, Vanchuongviet.org, 21.12.2007.

 

- Về từng tác giả, tạm nêu: “Nguyễn Hoàng Tranh, thơ như là một giải trừ thói quen”, Tienve.org, 02.2004; “Phan Nhiên Hạo, Lưu vong chuyên nghiệp nơi Thiên đường bằng nhựa”, Tienve.org, 09.09.2004; “Phạm Lưu Vũ và Ngụ ngôn hậu hiện đại”, Tienve.org, 17.07.2007; “Nguyễn Vĩnh Nguyên, sau nỗi lưu lạc của khu vườn quen thuộc”, báo Văn nghệ trẻ số 28, 07.2007; “Lê Anh Hoài và Lối viết tạp kĩ”, báo Người Hà Nội, 28.09.2007; “Như Huy khai vỡ hiện thực như thực từ những câu phức”, Talawas.org, 05.04.2008; “Nhật Chiêu, viết như là thở”, Tuoitreonline, 08.06.2008,...

 

- Và cuối cùng, là về đơn vị bài: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” của Nguyễn Hoàng Nam, “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát, “Một nhà thơ bị đánh chết” của Lý Đợi, “Quà tặng của quỷ sứ” của Trần Wũ Khang, “hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng” của Phan Bá Thọ, “Ngọn cỏ” của Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong “Nhập lưu hậu hiện đại”, Tham luận tại Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, Trường Đại học Khoa học Xã hội & NV, TP Hồ Chí Minh, 19.02.2008.

(Xem thêm: Inrasara, “Về một lối phê bình chỉ điểm”, Tienve.org, 08.06.2008.)

 

(3)  Tiếc là vài Nhà xuất bản hay “tạm gác” bài, nên tính toàn cục của tác phẩm bị phá vỡ, qua đó người đọc thấy nó lỏng lẻo, như nhiều tập tiểu luận - phê bình khác: gom lại các bài báo đã đăng trước đó, vừa đủ số trang, làm thành tập. Thế thôi. Đọc hết tập, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng, ngoài các nhận định lan man, giai thoại vui vui, trích đoạn tùy hứng. 

 

(4) Ban biên tập một tạp chí, sau khi đăng tiểu luận “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’”, đã mời tôi ngồi lại, nguyên văn: “Dù tôi quyết định đăng của anh, nhưng thật tình tôi muốn hỏi anh câu này: tại sao người viết như Sara lại đi ca tụng mấy loại thơ như thế này”. – “Sara ca tụng đâu mô, ông anh dòm lại thử xem, có câu chữ nào gọi là ca không?” – “Nhưng viết về nó là gián tiếp ủng hộ nó rồi” – “Anh thấy đó, nó là hiện thực đời sống văn chương, như bao sự thể khác. Hiện thực đó, nếu ta mang giấu nó đi, người đọc chẳng biết mặt mũi nó ra sao cả, thế rồi ta đi “phê” nó, hỏi như vậy có công bằng không? Và hỏi có đồng bào nào tin ta không? Đằng này, ta cứ thử bày nó ra, nó sao thì tự nó phô ra như vậy. Khi đó, nếu nó rởm, nhếch nhác hay dị hợm gì gì đó thì tự nó tiêu tán đường thôi, cần gì chúng ta đánh!”   

 

(5) “Thơ như là con đường”, Tienve.org, 04.2007; Tạp chí Thơ, số 01.2008.

 

(6) Học như người Nhật học. Ví dụ, Bàn về tự do của John Stuart Mill được coi là tác phẩm kinh điển bên phương Tây, mười hai năm sau xuất bản tại Anh (1859), người Nhật đã dịch và in hàng triệu bản phát hành rộng rãi. Trong khi ở ta, mãi 2005 bản tiếng Việt mới có mặt với số lượng cực kì khiêm tốn: 1.000 bản, năm sau đó tái bản cũng với chừng đó con số. Ngay thời Duy Tân, chế độ quân chủ Nhật Bản đã chuẩn bị cho các thế hệ tiếp nối tinh thần tự do như thế rồi. Cũng trong giai đoạn đó, Nhật Bản đã gởi bao nhiêu đợt sinh viên qua Đức học triết học, nhờ vậy họ mới sản sinh được mấy khuôn mặt triết gia như Nishida, Nishitani Keiji, khả năng làm cuộc đối thoại sòng phẳng với phương Tây. Sau đó, đất nước mặt trời mọc “truyền thống và hiện đại” thế nào thì miễn bàn.

 

Inrasara
Số lần đọc: 3375
Ngày đăng: 22.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhập lưu hậu hiện đại kì 8. - Inrasara
Mối tình đầu của CHẾ LAN VIÊN - Khổng Ðức
Bàn về Thơ - Nguyễn Đức Thiện
Suy nghĩ về Hậu hiện đại - Nguyễn Đức Hiệp
Nhập lưu hậu hiện đại kì 7 - Inrasara
TRẦN ĐĂNG KHOA: Nói với con gà mái - Đợi mưa - Đối thoại cùng Chân dung! - Lê Xuân Quang
Nhà phê bình, người là ai ? - Bùi Công Thuấn
Thử phác họa về văn học Trung Quốc thế kỷ 21 - Trần Hiểu Minh
Những nỗi tương tư của Thuý Kiều - Nguyễn Hoàn
Nhập lưu hậu hiện đại kì 6. - Inrasara
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)