Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.758
 
Đi tìm hoa hậu trong tiểu thuyết Việt Nam thời chiến tranh
Phạm Ngọc Hiền

Văn chương đồng nghĩa với cái đẹp, đó là cái đẹp trong nghệ thuật ngôn từ, cái đẹp trong tư tưởng tình cảm, nhan sắc con người và cái đẹp trong thiên nhiên, đồ vật… Cái đẹp trong văn chương cũng mang tính quan niệm, các nhà văn cách mạng thời chiến tranh thường coi trọng cái đẹp nội dung hơn hình thức. Một phụ nữ lý tưởng phải là một chiến sĩ dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động, chân lấm tay bùn, áo quần giản dị. Nhiều nhà văn ngại miêu tả các nhân vật nữ có ngoại hình đẹp kiêu sa, sắc nước hương trời, vì sợ nhân vật bị đánh giá là “tiểu tư sản, quý tộc” xa rời lao động, còn tác giả bị quy là theo quan điểm “vị nghệ thuật”. Nói như vậy để thấy rằng việc đi tìm Hoa hậu trong tiểu thuyết cách mạng Việt Nam thời chiến tranh là khó lắm thay!

 

Điểm qua các tiểu thuyết được nhắc tới nhiều, ta thấy nổi lên nhân vật chị Sứ (Hòn Đất). Nhưng thực ra, chị Sứ chỉ xứng đáng vương miện Á hậu. Điều đáng bất ngờ là, vương miện Hoa hậu không phải thuộc một nhân vật người Kinh mà là người Mẹo (Mèo, Hmông). Nhưng không phải người Mẹo ở Việt Nam mà là ở tận xứ Lào xa xôi. Ta đã nghe nói nhiều về vẻ đẹp của các cô gái Lào từng làm rung động trái tim của hàng vạn chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Và có biết bao nhiêu thơ văn nhạc họa đã ngợi ca vẻ đẹp đó. Nhưng có lẽ, tác phẩm miêu tả sinh động nhất vẻ đẹp cô gái Lào là tiểu thuyết Pả Sua (1975) của Văn Linh. Đây là kết quả của những năm tháng dài tác giả chiến đấu và công tác ở nước bạn. Nói cách khác, mối tình hữu nghị thắm thiết Việt - Lào đã sinh ra Hoa hậu Pả Sua.

 

Tiêu chuẩn đầu tiên của một Hoa hậu là nhan sắc. Tác giả đã dành khá nhiều công sức để khắc họa vẻ đẹp ngoại hình của cô thiếu nữ này. Để tăng tính khách quan, nhan sắc của Pả Sua chủ yếu được miêu tả từ điểm nhìn của các nhân vật khác. “Nhắc đến Pả Sua, người ta nói bằng một thán phục, trân trọng như khi nói đến vua Mẹo”, “là vua Mẹo hiện sinh, sắc đẹp của cô tưởng như đất nước này chỉ có một, như thần trăng, thần sao xuống trần”. Tác giả vận dụng tối đa các tác dụng của Mỹ từ pháp để tôn vinh vẻ đẹp quá mức tưởng tượng của nhân vật. Sắc đẹp của Pả Sua chỉ có thể sánh với những gì cao lớn nhất như vua, như thần, như vũ trụ… Sắc đẹp ấy chinh phục tất cả mọi trái tim, bất chấp tuổi tác, địa vị, phe phái, dân tộc… Cậu bé Tu Bi mới 14 tuổi đã ngây người ngắm nhìn cô “như ngắm nhìn vào một bức vẽ lộng lẫy”. Cái đẹp của cô là cái đẹp của một thiếu nữ mới lớn, dồi dào nhựa sống, gợi lên biết bao nhiêu khao khát mơ tưởng ở các trai làng: “Bọn con trai, từ ngày Pả Sua mới lớn lên, đứa  nào mà chẳng ước ao được làm chồng cô (…) vắng Pả Sua, chúng cảm thấy buồn buồn…”. Bởi vậy mà nhiều trai làng đang trốn trong rừng (do hiểu lầm bộ đội Pa Thét Lào), nhưng do “nhớ Pả Sua, muốn được nhìn mặt” nên ban đêm mò về và bị bộ đội bắt. Vả Xênh thành khẩn thú nhận “Không phải mình con, còn nhiều đứa nữa cũng mong được nhìn thấy Pả Sua, được nghe cô ấy khắp”. Một lý do có vẻ buồn cười nhưng qua đó cho thấy Pả Sua có sức hấp dẫn mạnh mẽ đến thế nào.

 

Trong cuộc thi Hoa hậu, các người đẹp cũng được đề nghị biểu diễn năng khiếu và trang phục tự chọn của mình. Năng khiếu của Pả Sua là “khắp” (hát dân ca). Đây cũng là một thứ khiến bọn trai làng càng mê mẩn cô hơn “vì sắc đẹp Pả Sua chỉ một phần mà vì giọng khắp và lời trò chuyện của cô là cả phần hồn đối với họ”. Nhưng nhan sắc và giọng hát của Pả Sua sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho cách mạng. Tức là việc miêu tả cái đẹp không phải nhằm mục đích “vị nghệ thuật” mà phải hướng tới “vị nhân sinh”. Văn Linh đã làm được điều đó khi đưa “cô con gái tinh thần” của mình gia nhập vào đội văn nghệ tuyên truyền. Nhờ nhan sắc và giọng hát của Pả Sua mà thanh niên nô nức đến với cách mạng: “Đám con trai Mẹo nghe lọt lời lẽ tâm huyết, say giọng hát của Pả Sua nên cô đi đến nhà nào, họ theo đến nhà đó. Dân các bản xa cũng kéo tới để nhìn Pả Sua”. Sau mỗi đêm hội diễn “Đám con trai thì được đem về thêm nụ cười và tiếng hát đẹp của Pả Sua vào trong giấc ngủ”. Pả Sua không chỉ có nhan sắc đẹp, lời ca điệu múa đẹp mà còn có trang phục đẹp, góp phần cộng hưởng lẫn nhau để tôn tạo vẻ đẹp ngoại hình. Trong những đêm văn nghệ, cô hiện lên trong bộ trang phục truyền thống lộng lẫy như tiên nữ: “Cô bước ra sân nhẹ nhàng như một cô gái Mẹo từ quả bầu bước ra trong truyện thần thoại. Ánh lửa hồng làm thêm bừng sáng gương mặt cô với những thứ trang sức như vàng bạc, khánh bạc lấp lánh trên ngực (…) đôi mắt đen nhung (…). Mỗi bước đi của Pả Sua, tấm váy thêu hoa cứ dập dình trên đôi bắp chân trắng ngà, dịu dàng”. Vẻ đẹp ngoại hình rực rỡ đó không chỉ làm mê hoặc quần chúng nhân dân mà còn cảm hóa cả kẻ thù. Tu Dơ (được Mỹ đào tạo) bực mình do không lấy được cô làm vợ hai, cộng với việc thấy Pả Sua theo cách mạng nên mang súng đi định bắn chết cô trong đêm văn nghệ. Bạn đọc hồi hộp lo cho tính mạng Pả Sua, mong có nhân vật nào cứu giúp cô. Nhưng không, chính sắc đẹp đã cứu giúp cô. Vì đứng trước Pả Sua, Tu Dơ như đứng trước một vị thần sắc đẹp, hắn run rẩy trước nhan sắc của cô, “tim đập mạnh đến nỗi cả người hắn nôn nao như kẻ bị say sóng”. Nhìn Pả Sua múa, “Tu Dơ có cảm giác như chính tim mình đang bị xéo nát bởi đôi chân trần đó (…). Sắc đẹp của Pả Sua càng lộng lẫy, làm cho Tu Dơ phải bàng hoàng, như thể trong giấc mơ hắn được gặp nữ thần trăng sao sau một đêm đi săn lạc đường (…) những âm thanh ngọt ngào, dìu dặt của quê hương, trong đó có tiếng mẹ ru (…) Không phải sắc đẹp bề ngoài của Pả Sua đã làm cho Tu Dơ chờn tay, mà chính vì cái đẹp của tiếng hát. Tiếng hát của Pả Sua có sức truyền cảm thần kỳ, phút chốc đã làm cho Tu Dơ tiêu tan quyết tâm tàn bạo của hắn”. Kế hoạch ám sát của Tu Dơ không thành nhưng điều kỳ lạ là hắn dám viết thư cho Pả Sua để giải thích rằng: “mấy lần hắn toan nẻ cò súng , xong vì Pả Sua đẹp quá, hát hay quá nên phải hạ súng xuống”. Sau đó, tên ngụy binh đem nộp súng cho Pả Sua, tức là quy hàng trước cái đẹp, “cái đẹp đã cứu vãn thế giới” (Sepnưsepxki). Sắc đẹp và tài năng của Pả Sua không chỉ chinh phục con tim các nhân vật trong truyện mà cũng tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bởi nhan sắc của cô được nhắc đi nhắc lại nhiều lần dưới nhiều phương diện và nhiều điểm nhìn khác nhau nên gây ấn tượng khó quên. Biện pháp so sánh tu từ có tác dụng làm cho hình tượng Pả Sua giàu màu sắc, nhiều ý nghĩa, góp phần tạo nên màu sắc huyền thoại xung quanh nhân vật. Và bạn đọc cũng dễ nhận ra biện pháp phóng đại trong việc khắc họa vẻ đẹp nhân vật lên ngang hàng thần thánh. Chính nhờ điều này mà nhân vật Pả Sua không lẫn lộn với bất cứ nhân vật nào khác trong văn học. Nói như Goóc-ky: “Tất cả những tác phẩm lớn, tất cả những tác phẩm đã trở thành mẫu mực của một nền văn học có giá trị nghệ thuật cao chính là xây dựng trên sự phóng đại”.

 

Một nội dung nữa không thể thiếu trong các cuộc thi Hoa hậu là phần thi ứng xử. Ở phần này, Pả Sua cũng đạt điểm 10 tuyệt đối vì không có nhân vật nào ăn nói hấp dẫn hơn cô. Ưu thế của Pả Sua là phát huy tài “nói lý nói lối” của dân tộc mình. Người Mèo nổi tiếng ăn nói giỏi, ưa lý sự nên mới có câu thành ngữ  “Lý ông Mèo”. Ở đầu tác phẩm, Pả Sua đã trổ tài lý luận khiến cho anh bộ đội Vi Lay phải suy nghĩ “đúng là một cô gái Mẹo lý sự”.Dân làng khen cô “nói năng rõ ràng, có lý”, “người ta nói lời nói của Pả Sua là lời nói đẹp và đúng”. Nghệ thuật thuyết phục của Pả Sua như sau: đầu tiên phải đưa ra những chân lý không ai chối cãi được, những lẽ phải này được lấy từ tự nhiên, giàu hình ảnh sinh động gợi cảm. Sau đó mới đi thẳng vào vấn đề chính. Cô đã dùng tài ăn nói của mình để thuyết phục Tu Dơ không cầm súng chống cách mạng: “Nên thận trọng, con vịt thường lớn hơn quả trứng. Chuyện xảy ra sau bao giờ cũng lớn hơn chuyện trước, Tu Dơ ạ”. “Nói trước là phải giống sau. Trời đất ban cho loài người hai con mắt cốt để nhìn thấy cái đúng và cái sai, hai lỗ tai là để nghe được đâu điều hay, đâu lẽ dở, còn miệng thì chỉ có một cái nên chỉ được phép nói một lời”. Tài ăn nói cũng phản ánh sự thông minh của con người, Pả Sua phán đoán tình hình chính sự rất tài. Mỗi lần có việc gì quan trọng, Phìa tổng thường hỏi ý kiến cô: “Con đúng là người trời, ta không nghe con sao được”. Chẳng hạn, nghe kẻ xấu tung tin máy bay Mỹ sẽ chở gạo ngô đến cấp cho dân bản ăn quanh năm, Pả Sua nói: ““Lúa ngô trồng trên đất còn chưa chắc ăn nữa là trồng trên máy bay kẻ khác”. Người già trong bản phục Pả Sua và nói rằng nếu là con trai, cô có thể làm vua Mẹo được”. Lời nói của Pả Sua có tác dụng lớn không chỉ vì kỹ năng lập luận, sự hiểu biết mà còn vì nó xuất phát từ một con tim chân thành yêu thương con người tha thiết. Đó là những lời nói có linh hồn, “những lời có cánh” có sức cuốn hút mọi người mạnh mẽ, và nhờ đó cũng giúp ích cho cách mạng. Khi máy bay Mỹ tới xúc dân đi, Pả Sua đã dũng cảm chạy đến dưới cánh quạt để thuyết phục dân làng bằng những lời gan ruột: “Bà con ơi! Con chim bay theo đàn, vượn đi ăn có bầy, chẳng nhẽ mấy chục con người này lại nỡ bỏ bản làng mà đi! Chồng con đang ở đâu, sống chết ra sao cũng không biết? Đi đâu chẳng ai hay? Ở lại đi, các anh chị, các em ơi! Không bỏ làng”. Đó là cả một nghệ thuật thuyết phục. Nó có sức mạnh ở bố cục trình bày, ở việc dùng nhiều câu cảm thán, ở sự lặp đi lặp lại lời kêu gọi gây ấn tượng sâu sắc. Sức mạnh tâm lý của lập luận thể hiện qua việc dùng những hình ảnh gây xúc động lòng người như: bầy, đàn, bản làng gợi lên tinh thần đoàn kết cộng đồng thị tộc. Hoặc dùng cách xưng hô thân mật như người trong gia đình như: bà con, anh chị, em. Ngoài ra, Pả Sua cũng nhắc đến những nội dung được mọi người quan tâm như: chồng con, sống chết, đi về đâu… và vẽ ra một tương lai vô định, bất hạnh nếu bỏ làng ra đi… Nghe những lời đúng, hay và thiết tha như thế thì bất cứ con tim sắt đá nào cũng rung động. Quả thật, khó có người đẹp nào ăn nói thông minh như thế.

 

Người ta quan niệm một người đẹp lý tưởng phải có sự kết hợp hài hòa giữa cái đẹp thể xác và cái đẹp tâm hồn. Nhân vật Pả Sua cũng được xây dựng theo quan niệm đó. Cô cũng có một đời sống nội tâm phong phú, có tâm hồn mơ mộng của tuổi thanh xuân và biết rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên: “Hai mắt đen của Pả Sua nhìn ngước lên vòm trời bát ngát mây, mơ màng, như muốn thầm hỏi mây kia trôi dạt về đâu”. Cô cũng giàu tình cảm yêu thương con người tha thiết nên lúc mới 14 tuổi, cô đã dám bí mật cởi trói cho một anh bộ đội lạ mặt “Vi Lay chưa kịp nói một lời cảm ơn thì ân nhân của anh đã biến mất trong đêm, cũng nhẹ nhàng như khi đến vậy, tựa hồ đó không phải là người mà là tiên nữ ở trên trời xuống làm xong việc nghĩa rồi biến thành những hạt sương luôn”. Sau này, Vi Lay dìu dắt Pả Sua vào cách mạng, đưa cô lên tỉnh học. Như vậy, Pả Sua cũng là người có trình độ học vấn, một yêu cầu cần có của một Hoa hậu. Cô chịu ơn Vi Lay nhiều, dưới mắt cô “Anh là đấng anh hùng đang trò chuyện với trời đất (…) ngắm nghía anh như chiêm ngưỡng một pho tượng cao quý”. Thông qua cái nhìn kính ngưỡng của Pả Sua với Vi Lay, ta đã thấy được phần nào lý tưởng sống của cô. Nhưng cô chỉ thực sự “dồn dập phát đi tín hiệu của trái tim” từ khi chăm sóc cho Vi Lay bị thương nặng gần như tàn phế. Điều đó cho thấy cô có một tình yêu thánh thiện, cao cả, không vụ lợi nhưng cũng rất kín đáo, sự thầm kín cần có của một người phụ nữ đứng đắn. Nhưng tin đồn Pả Sua yêu Vi Lay cũng về tới bản làng và Tu Dơ lấy lại súng, công khai theo địch, dọa sẽ bắn nếu cô trở về làng. Mối tình của Pả Sua và Vi Lay cũng gặp trắc trở do có sự hiềm khích giữa hai bộ tộc Mẹo và Lào Thơng (trong cùng địa phương). Pả Sua lâm vào thế bi kịch, một bên tình với Vi Lay, một bên nghĩa với buôn làng. Cô đau khổ, định tự tử, “cô vò xong bát lá ngón đặc quánh” nhưng qua một đêm trằn trọc, cô quyết định sống để bọn xấu khỏi phải hả dạ vui mừng. Xét từ góc độ nghệ thuật, Pả Sua là nhân vật được miêu tả sống động bởi có đời sống nội tâm phong phú, có bi kịch trắc trở gay cấn hấp dẫn người đọc. Tâm lý nhân vật được miêu tả sâu sắc chứ không đơn giản như hàng loạt nhân vật cùng thời. Nhưng cái đẹp trong tâm hồn Pả Sua không chỉ được đem ra thử thách trong tình yêu với Vi Lay mà còn được đặt trong bối cảnh chiến tranh như lửa thử vàng. Cô dũng cảm về lại buôn làng trong “hoàn cảnh phức tạp và khó khăn này”. Mặc dù bị thương do bom Mỹ nhưng cô vẫn băng bó cho con của Tu Dơ (đại đội trưởng chỉ huy AC) và càng bao dung thánh thiện hơn, cô nhận nuôi dùm con hắn. Đứng trước một khối pha lê quá trong sáng, Tu Dơ soi thấy khuôn mặt xấu xí của mình và rút súng tự sát. Tu Dơ chết không phải vì nhan sắc Pả Sua mà chính là xấu hổ trước vẻ đẹp đạo đức chói lòa quá mức tưởng tượng của cô.

 

Pả Sua không chỉ hiện thân cho vẻ đẹp dân tộc, không chỉ hiện thân cho mẫu người đẹp phổ quát của nhân loại mà nhân vật này còn được xây dựng theo khuôn mẫu con người lý tưởng của thời đại cách mạng vô sản. Bởi vậy, cô có thể làm hài lòng tất cả những “vị giám khảo” là những nhà phê bình Mácxít khó tính nhất. Pả Sua xuất thân từ dân lao động, “lý lịch” ấy chứng tỏ cô là “thành phần cơ bản”, là con người ưu tú của thời đại cách mạng. Cô siêng năng lao động, đó là mẫu người lý tưởng mà các chàng trai mơ ước. Cô không chỉ đảm việc nhà mà còn giỏi việc nước, đó là một công dân lý tưởng. Người ta yêu cầu các Hoa hậu phải tham gia công tác xã hội giúp ích cộng đồng, Pả Sua làm việc này rất xuất sắc “Tuổi trẻ đẹp đẽ của cô gái Mẹo ấy đã hé sáng lên như một tia chớp giữa đêm tối mù sương, soi sáng cả vùng rẻo cao quê hương, soi sáng đến từng trái tim, từng tâm hồn những con người nghèo khổ ở chốn núi rừng này”. Nhờ đó cô trở thành một thần tượng cao quý dưới mắt mọi người “giờ đi theo cách mạng nên người lỗi lạc… khéo không mai sau cô ấy làm vua Mẹo ấy”. Ta nghe nhắc nhiều đến từ “vua Mẹo”. Vua, Hoàng hậu hay Hoa hậu đều là những danh hiệu cao quý nhất được cộng đồng tôn vinh, kính ngưỡng. Hoa hậu Pả Sua đại diện cho vẻ đẹp cộng đồng, cũng đồng thời điển hình cho quá trình phát triển của dân tộc mình “Cuộc đời của cô gái Mẹo nghèo khổ ấy sẽ mãi mãi gắn liền với bước đường đi lên của dân Mẹo cũng như cả nước Lào đẹp tựa bình minh”. Cô là con người thuộc về công chúng, gần gũi với mọi người, nên được họ ca ngợi hết lòng “chuyện về Pả Sua được truyền lan ra khắp vùng rẻo cao như câu chuyện về một con người trong huyền thoại” (không ai ca ngợi những “hoa hậu búp-bê nhốt trong lồng kính”). Mặc dù Pả Sua được nhân dân thần thánh hóa nhưng từ phương diện cá nhân, Pả Sua “trước sau cô vẫn là cô gái Mẹo gần gũi với bản làng, quê hương”. Pả Sua vĩ đại mà hòa đồng, được mọi người yêu mến. Mỗi lần tiễn cô lên tỉnh học, dân làng “tiễn Pả Sua ra khỏi ba mái đồi mới trở lại và ai nấy đều cố giữ không cho một giọt nước mắt trào ra”. Khi Pả Sua đi rồi thì “những giọt nước mắt nhớ thương của già Mùa, của bạn bè và bà con Mẹo Nhọt Hia rơi lã chã”. Còn Pả Sua đi nửa đường thì “ruột em như đang đứt từng đoạn” vì nhớ dân làng. Tác giả khắc họa phẩm chất Pả Sua chủ yếu thông qua tấm lòng của dân làng đối với cô, như thế là sâu sắc, khách quan. Đồng thời thể hiện được tinh thần gắn bó với quần chúng, vốn là phẩm chất cơ bản của con người trong thời đại cách mạng. Cô chiếm được cảm tình của đông đảo quần chúng thì đông đảo quần chúng sẽ bầu cô làm người đẹp nhất cộng đồng.

 

Tóm lại, Pả Sua là nhân vật mang trong mình tất cả vẻ đẹp lý tưởng của loài người. Đó là vẻ đẹp hài hòa toàn diện trên tất cả mọi mặt: nhan sắc, trang phục, lời nói, việc làm, ứng xử, tư tưởng, tình cảm, … Nhưng vẻ đẹp đó không phải được thể hiện qua những lời giới thiệu chung chung, mơ hồ, khô khan của tác giả mà được thể hiện qua những hình ảnh giàu màu sắc sinh động, đa nghĩa. Mỗi từ ngữ miêu tả về người đẹp như những viên ngọc được mài dũa tinh luyện, có hồn. Ngoài ra, tác giả cũng đặt Pả Sua vào những tình huống bi kịch gay cấn để làm ngời sáng phẩm chất nhân vật cũng đồng thời tăng thêm sự hấp dẫn của tác phẩm. Hiếm thấy một nhân vật nào trong văn học được tác giả ưu ái bỏ nhiều công sức tô điểm nhan sắc đẹp tuyệt trần như vậy. Có thể nói, nhân vật Pả Sua xứng đáng đoạt vương miện Hoa hậu tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975.

 

Lời với tòa soạn:

Tiểu thuyết Pả Sua của Văn Linh được NXB Phụ nữ in lần đầu năm 1975. Trong bài viết này, chúng tôi theo bản in của NXB Phụ nữ 1978.

Phạm Ngọc Hiền
Số lần đọc: 3134
Ngày đăng: 22.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhập lưu hậu hiện đại kì 8. - Inrasara
Mối tình đầu của CHẾ LAN VIÊN - Khổng Ðức
Bàn về Thơ - Nguyễn Đức Thiện
Suy nghĩ về Hậu hiện đại - Nguyễn Đức Hiệp
Nhập lưu hậu hiện đại kì 7 - Inrasara
TRẦN ĐĂNG KHOA: Nói với con gà mái - Đợi mưa - Đối thoại cùng Chân dung! - Lê Xuân Quang
Nhà phê bình, người là ai ? - Bùi Công Thuấn
Thử phác họa về văn học Trung Quốc thế kỷ 21 - Trần Hiểu Minh
Những nỗi tương tư của Thuý Kiều - Nguyễn Hoàn
Nhập lưu hậu hiện đại kì 6. - Inrasara
Cùng một tác giả
Bốn bức tranh (truyện ngắn)
Bên nấm mồ thi nhân (truyện ngắn)
Thuở Ban Đầu (tạp văn)