Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.208.644
 
Bình thơ Nguyễn Bính ,Thu Bồn ,Quang Dũng ,Nguyễn Khoa Điềm
Nguyễn Hoàn

“Tiền và lá” - nỗi đau và

tình đời

 

TIỀN VÀ LÁ

 

Tuổi thơ tóc để gáo dừa

Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cần ong

Hai ta cùng học vỡ lòng

Dắt tay nhau giữa cánh đồng cỏ xanh

Hai nhà chung một mái tranh

Chia vui từng trái ngọt lành có nhau

Đêm cùng đón ánh trăng cao

Ngồi bên giếng ngọc đếm sao trên trời

Em moi đất nặn hình người

Anh thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền

Mỗi ngày chợ họp mười phiên

Em ngồi mang bán lấy tiền lá rơi

Tiền là giấy bạc em ơi

Tiền là giấy bạc của đời làm ra

Người ta giấy bạc đầy nhà

Cho nên mới được gọi là chồng em!

Bây giờ mỗi buổi chiều lên

Tôi gom lá đốt, khói lên ngút giời...

Người mua đã bị mua rồi

Chợ đời ngồi họp, mình tôi mua gì?

 

Ai trong đời ít nhất cũng một lần ngây ngất men say tình yêu. Bởi thế mà nhân loại đã sinh ra những nhà thơ sở trường làm thơ tình. Nhưng tình yêu dẫu có là niềm say mê nhất thì nó vẫn phải chịu sự chi phối phiền toái của nhân sinh, của cuộc đời. Thơ tình thuần tuý chỉ riêng nói về tình yêu. Không gian nghệ thuật của loại thơ này thường thiên về hướng nội hơn là hướng ngoại. Có một thứ thơ tình khác không thiên về biểu hiện các sắc thái tình yêu mà mượn tình yêu để nói đến chuyện đời, đến nhân tình thế thái.

 

Bài thơ “Tiền và lá” của Nguyễn Bính (được phát hiện và được đăng trong một số báo Nhân Dân chủ nhật) thuộc về thứ thơ tình thứ hai đó đã làm cho người đọc sửng sốt không phải bởi câu chữ tân kỳ mà bởi cách nhìn nghiệt ngã về hiện thực.

 

Xin được mở ngoặc để nói thêm ở đây rằng, nhà thơ - soạn giả kịch bản cải lương Kiên Giang cũng có một bài thơ mang tên “Tiền và lá” làm năm 1948. Giữa Kiên Giang và Nguyễn Bính đã nảy sinh một tình bạn thơ thân thiết vào những năm cuối của thập niên 40 và theo Kiên Giang, bài thơ “Tiền và lá” của Kiên Giang đã được Nguyễn Bính sửa cho vài chữ (“Thi sĩ Nguyễn Bính trong hồi ức của nhà thơ - soạn giả Kiên Giang”, Túc Hạnh ghi lại - Báo điện tử VietNamNet, ngày 16-12-2003). Đối chiếu giữa hai bài “Tiền và lá”, một gắn với tên tuổi Nguyễn Bính, một gắn với Kiên Giang dễ thấy rằng, hai bài thơ có cùng chung tứ thơ và nhiều câu thơ na ná giống nhau, nhưng bài “Tiền và lá” gắn với Nguyễn Bính có số câu ít hơn (20 câu), trau chuốt hơn, còn bài “Tiền và lá” gắn với Kiên Giang có số câu nhiều hơn (24 câu) và ít trau chuốt hơn. Trong khi chờ đợi ý kiến của các bậc thức giả, các nhà văn bản học lý giải vì sao có hai bài thơ “Tiền và lá” gắn với hai tác giả như vậy, trong phạm vi bài bình này, chúng tôi xin được sử dụng văn bản “Tiền và lá” được các sách báo cho là của Nguyễn Bính (Cuốn chuyên luận “Nguyễn Bính, thi sĩ của đồng quê” của giáo sư Hà Minh Đức, NXB Văn học, 2002, phần tuyển chọn thơ Nguyễn Bính đã in bài thơ “Tiền và lá” ở trang 211).

 

Bài thơ “Tiền và lá” không viết về tình yêu bột phát kiểu “tiếng sét”. Tình yêu ở đây được chuẩn bị tiệm tiến từ tình bạn tuổi ấu thơ. Nhà thơ dựng dậy tuổi thơ đến từng chi tiết tế vi nhất như người hoạ sĩ tỉ mẩn đến từng góc cạnh của đường nét bức tranh:

Tuổi thơ tóc để gáo dừa

Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cần ong

 

Nhưng đây là tuổi thơ kỳ thú của riêng cậu bé, cô bé mà người đời ít ai có trong những ngày nguyên đán của tuổi đời:

Hai ta cùng học vỡ lòng

Dắt tay nhau giữa cánh đồng cỏ xanh

Hai nhà chung một mái tranh

Chia vui từng trái ngọt lành có nhau

 

Ở cái tuổi vô tư, trong trắng này, không bị trói buộc bởi tảo hôn nên họ được tảo...yêu nhau, nói khác đi, yêu sớm. Họ chưa hiểu hết ý nghĩa chữ yêu như người lớn, nhưng ai dám chắc họ không biết yêu khi đã biết hướng vọng đến trăng sao:

Đêm cùng ngắm ánh trăng cao

Ngồi bên giếng ngọc đếm sao trên trời

 

Yêu quá mất rồi! Tản Đà chẳng đã từng thú nhận mình là “nòi tình”, bệnh đa tình phát khởi từ thuở lên năm đó sao? Sao có thể tin ở Tản Đà, mà lại cho những việc làm của cô bé, cậu bé này chỉ là chuyện trẻ con:

Em moi đất nặn hình người

Anh thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền

Mỗi ngày chợ họp mười phiên

Em ngồi mang bán lấy tiền lá rơi

 

Bài thơ diễn tả tình yêu mà không hề nói đến tiếng “yêu”, đấy là điểm đặc sắc. Lý do không dùng từ “yêu” ở đây chắc chắn không phải vì nhà thơ tránh sống sượng với đối tượng mới lớn. Lý do ở đây không gì khác ngoài cách làm duyên nghệ thuật của nhà thơ để biểu đạt “ăn ý” với tiếng lòng thầm kín của đôi lứa.

Bài thơ không dừng lâu trong dòng cảm xúc về tuổi thơ. Hai tiếng “giấy bạc” vọng lên thảng thốt ba lần trong mấy câu tiếp như tín hiệu cảnh giới một tai họa nhãn tiền:

Tiền là giấy bạc em ơi

Tiền là giấy bạc của đời làm ra

Người ta giấy bạc đầy nhà

Cho nên mới được gọi là chồng em

 

Dứt tiếng “giấy bạc” lặp lại lần ba, dòng cảm xúc về tuổi thơ đến đây bị đoản mạch bằng câu thơ: “Cho nên mới được gọi là chồng em”. Mấy từ “mới được gọi” vang lên trang trọng có vẻ tưởng tôn lên giá trị người con gái, nhưng thực ra đã bóc trần sâu sắc cảnh tình đời “trượt giá”. Đây là lối nói ngược rất thần tình, thâm thuý, sâu cay. Câu thơ mang một chất giọng chua chát này nằm ở vị thế độc đáo trong toàn bài. Nó đóng và mở hai trạng thái tâm lý nối tiếp đối nghịch nhau được diễn tả trong bài thơ: yêu và hận, vui tươi và chua xót. Nó là điểm đột phá để không gian nghệ thuật bài thơ chuyển từ hướng nội (nhà thơ ôn lại kỷ niệm bằng phương thức trần thuật ở ngôi thứ hai: Anh, em) sang hướng ngoại (nhà thơ nói với cuộc đời bằng chính ngôn ngữ tác giả ở ngôi thứ nhất: Tôi).

 

Tôi có cô bạn gái vốn yêu thơ Nguyễn Bính. Được tôi đọc cho nghe “Tiền và lá”, cô bạn gái tâm sự: “Nghe bài thơ Nguyễn Bính mới được phát hiện này, em sửng sốt tự phản tỉnh về cách nghĩ, cách sống của mình thời gian qua, thậm chí em sửng sốt tự vấn có lúc nào mình đã quên sống đúng nghĩa với danh dự mình mang chưa? Hay là mình đã bán danh đi cho cái chợ đời nọ trong thơ Nguyễn Bính:

Người mua đã bị mua rồi

Chợ đời ngồi họp mình tôi mua gì?”

 

Đọc “Tiền và lá” để tự tẩy rửa (mỹ học Aristote gọi là catharsis) tâm hồn mình trên hành trình vươn tới chân, thiện, mỹ, lấy lại những gì đã lỡ đánh mất, đã “trượt giá”, tưởng không phải chỉ là cái thú văn chương mà thôi.

 

Bản sắc Huế qua bài thơ

“Tạm biệt” của Thu Bồn

 

TẠM BIỆT

 

Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ

Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu

Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng

Mặt trời vàng và mắt em nâu

 

Xin chào Huế một lần anh đến

Để ngàn lần anh nhớ trong mơ

Em rất thực nắng thì mờ ảo

Xin đừng lầm em với cố đô

 

Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy

Nắng mênh mang mấy nhịp Tràng Tiền

Nón rất Huế nhưng đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

 

Nhịp cầu cong và con đường thẳng

Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu

Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

 

Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt

Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya

Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng

Anh trở về hoá đá phía bên kia

 

Huế là quà tặng của thiên nhiên dành cho Tổ quốc nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt diệu. Riêng với người dân miền Trung đêm ngày vật lộn với thiên tai khắc nghiệt để sinh tồn và phát triển, Huế là một sự đền bồi cho những thiệt thòi họ gánh chịu, như gia đình nghèo mà may mắn sinh được con gái đẹp vậy. Nhà thơ nào đến Huế lại không có thơ viết về Huế để trả ơn mảnh đất đã khơi nguồn thi hứng cho mình. Bài thơ “Tạm biệt” của Thu Bồn nảy sinh từ trong mối giao hoà tình cảm ấy.

 

Các nhà thơ có “ba bảy đường” viết về Huế. Người này phác họa hình ảnh cô gái Kim Long. Người khác đem lòng tha thiết cùng trăng Vỹ Dạ, da diết cùng mưa Huế. Bởi Huế đẹp nên nhiều thi nhân viết được thơ hay về Huế là lẽ thường. Nhưng vì đã có nhiều thơ hay về Huế và vì chính Huế vốn đã là “bài thơ đô thị tuyệt tác” nên viết về Huế cho mới, cho độc đáo là cả một thử thách. Thu Bồn đã vượt qua “cửa ải” ấy của thơ, tìm cách nói mới để nói cho được cái đặc thù của Huế, để có được những khám phá mới về Huế. Cái độc đáo của nhà thơ là đã chọn thời khắc tạm biệt giữa mình với Huế để xây dựng tứ thơ. Chắc chắn đó là thời khắc đặc biệt khiến nhà thơ thấu hết cõi lòng mình vấn vương với Huế thân thiết như máu thịt mà có lẽ lúc bình thường không thấu hết:

Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ

Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu

Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng

Mặt trời vàng và mắt em nâu

 

Xuyên suốt bài thơ là dòng mạch tình cảm triền miên trong lưu luyến của người sắp xa Huế. Số chữ trong từng câu thơ nhiều ít không hạn định để diễn tả những dạt dào, chất chứa trong lòng. Nhưng bài thơ không đơn thuần chỉ tả tình. Như bất cứ bài thơ thành công nào viết về Huế, “Tạm biệt” của Thu Bồn không chỉ biểu hiện xúc cảm nồng nàn với Huế mà còn góp thêm nhiều phát hiện mới về những nét độc đáo của thiên nhiên và con người xứ Huế-hai nhân tố hợp thành bản sắc Huế.

 

Không ít nhà thơ nhận diện Huế chưa đầy đủ, nếu không nói là phiến diện, thiên lệch, dù họ ca ngợi Huế rất thành tâm. Nói Huế đẹp, Huế thơ, Huế mộng mơ đều đúng cả. Nhưng đó là những lời ca chưa đủ, như những vòng hoa nhỏ khoác không xứng vừa lên mình Huế diễm lệ. Thu Bồn nhận diện Huế toàn vẹn hơn:

 

Em rất thực nắng thì mờ ảo

Xin đừng lầm em với cố đô

hay:

Nón rất Huế nhưng đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

 

Với nghệ thuật tương phản, mấy đoạn thơ dẫn ra trên khắc hoạ những đường nét khác nhau hợp thành gương mặt Huế đa dạng, viên mãn: thực quyện với ảo, xưa gắn với nay...Hai hình tượng thẩm mỹ “nón Huế” “mặt trời” đặt cạnh nhau càng tô đậm nét Huế-thành phố trữ tình và khát vọng, “nữ tính” mà cháy bỏng. Đọc “Tạm biệt” cho thấy Thu Bồn còn là một hoạ sĩ giỏi phối màu, phối cảnh. Trong bức tranh khéo phối màu về Huế, dĩ nhiên Thu Bồn không thể nào quên phối màu áo trắng ảo diệu của người con gái Huế: “Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy”, cái màu trắng “sắc sắc, không không” mà Hàn Mặc Tử đã diễn tả thật thần tình trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”: “Áo em trắng quá nhìn không ra, Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Nhưng Thu Bồn không lặp lại lối diễn tả cũ về Huế, chỉ thiên về nét ảo, mà Thu Bồn đặt nét thực và nét ảo cạnh nhau, trong thế đối nghịch “gay gắt” tưởng như phủ định nhau mà hoá ra không phải: “Em rất thực nắng thì mờ ảo”, “Nón rất Huế nhưng đời không phải thế”. Giữa hai nét thực và ảo đó, Thu Bồn vẫn giành nhiều “điểm nhấn” cho nét thực, thể hiện qua lời nhắc khéo của người con gái Huế: “Xin đừng lầm em với cố đô”.

 

Cảm Huế, hiểu Huế một cách sâu sắc và toàn vẹn vậy rồi, thế mà nhà thơ vẫn chạnh lòng chợt hỏi: “Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu”. Câu hỏi chẳng qua chỉ là “cái cớ” để đẩy cảm xúc bài thơ lên đến cao trào, thể hiện qua hai câu thơ tuyệt bút:

 

Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

 

Nhà thơ đã tìm thấy Huế từ trong chính ngọn nguồn, từ trong chính bản thể của Huế, mà một trong những biểu hiện đặc sắc đó là dòng Hương, dòng sông tâm thức, dòng sông tâm hồn, dòng sông bản thể của những gì “rất Huế”.

 

Thu Bồn tiếp nhận ảnh hưởng của người đi trước, nhưng có sáng tạo. Câu kết bài thơ vay mượn hình ảnh cổ tích để diễn tả khá đạt “nỗi đau” khắc khoải và dằng dặc của người xa Huế:

Anh trở về hoá đá phía bên kia

 

Ghi nhận những thành công của Thu Bồn, dĩ nhiên không có nghĩa coi “Tạm biệt” là bài thơ cuối cùng viết về Huế, sau nó không ai vượt qua được.

 

“Tây tiến” của Quang Dũng

 

TÂY TIẾN

 

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

 

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

 

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

 

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

 

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

 

Tây tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Phù Lưu Chanh, 1948

 

Nhiều tác phẩm văn học có giá trị nhưng không phải ngay từ khi mới ra đời đã được dễ dàng chấp nhận. Nhưng rồi chính sức sống nội tại của những tác phẩm này đã quyết định số phận của nó. “Tây tiến” của Quang Dũng nằm trong trường hợp đó.

 

“Tây tiến” là bài thơ giàu chất tráng ca. Khí thế mãnh liệt của quân dân ta kháng Pháp đã truyền cho Quang Dũng hơi thơ tráng ca này. Nhưng mặt khác cần thấy rằng, nhà thơ-chiến sĩ Quang Dũng đã dồn hết tinh lực thi ca của mình để biểu đạt một cách cô đọng, tập trung nhất những nét hiện thực chủ đạo của kháng chiến nên đã tạo được chất thơ tráng ca. Không ở đâu những vất vả, gian lao của người lính trên đường hành quân được diễn tả sắc cạnh nhất, thậm chí đạt đến mức gợi nhớ phong vị của thơ cổ, như trong thơ Quang Dũng:

 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

 

Nhà thơ sử dụng nhiều từ có thanh trắc khiến người đọc hình dung một cách trực quan địa hình miền núi nhiều trắc trở. “Súng ngửi trời” không phải là cách nói cường điệu mà là một hình tượng thơ độc đáo được sáng tạo theo quy luật liên tưởng rất đỗi táo bạo mà vẫn rất đỗi chân xác đến kinh người. Chưa có hình bóng một chiến sĩ nào được đặc tả, nhưng thế hành quân hùng dũng của cả đoàn quân đã được khắc hoạ rõ nét: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Đứng ở thế này, tầm mắt của người chiến sĩ đã mở rộng hơn để bao quát được toàn cảnh “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ này không đơn thuần là câu thơ tả cảnh mà còn gián tiếp gợi nghĩ đến động tác phóng tầm nhìn khoáng đạt của đôi mắt người chiến sĩ. Vừa nhằm gợi cảm giác về một không gian mênh mông, vừa nhằm cho thấy độ phóng xa của tầm nhìn ấy, câu thơ sử dụng toàn những từ có thanh bằng.

 

Dường như Quang Dũng không nhấn mạnh đến những mặt hiểm trở, đe doạ của thiên nhiên, dẫu rằng nhà thơ cũng đã nói tới những “dốc khúc khuỷu”, “thác gầm thét”, “cọp trêu người”. Thiên nhiên “Tây tiến” mang tính chất hùng vĩ được tô đậm, nhất quán với ý đồ nghệ thuật này, thơ Quang Dũng cũng đã tô đậm nét kỳ vĩ của cuộc hành quân, giữa thiên nhiên hùng vĩ:

 

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

 

Cái chết của những “Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận” (thơ Hồ Chủ tịch) này thật oanh liệt nên dĩ nhiên phải được Quang Dũng thể hiện thành sự hy sinh bi tráng:

 

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

 

“Tây tiến” là một tráng ca nhưng không hề xa lạ với những mảng hiện thực của đời thường. Trái lại, bài thơ chắt lọc nhiều chi tiết đời thường dung dị mà thấm đẫm bao nhiêu thi vị:

 

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

 

hay

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

 

Đặc biệt, nhà thơ không quên điểm xuyết vào bức tranh hiện thực “Tây tiến” khói lửa đôi nét lãng mạn của cuộc đời người lính, khiến cho trong bài thơ, chất tráng ca hào sảng hoà quyện với chất trữ tình hào hoa:

 

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

 

Thiếu những câu thơ này, những câu thơ từng bị cho là “mộng rớt” theo kiểu tiểu tư sản, “Tây tiến” sẽ mất hay, sẽ không thành một chỉnh thể nghệ thuật đầy đặn như ta tiếp nhận giờ đây sau nhiều năm thử thách của thời gian.

 

“Mẹ và quả” của Nguyễn Khoa Điềm

 

MẸ VÀ QUẢ

 

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời khi như mặt trăng

 

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

 

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh

 

Để thể hiện hình tượng Tổ quốc trong thơ sao cho hồn hậu, các nhà thơ thường hay đem ví Tổ quốc với người mẹ. Đến lượt thể hiện hình tượng người mẹ bằng thơ sao cho gợi cảm, thơ ca lại vẫn chọn phương thức ví von làm đắc dụng. Ca dao ví: “Mẹ già như chuối ba hương”. Thơ hiện đại: “Má là sông không cạn, núi không mòn” (Xuân Diệu). Lời bài hát cũng ví von về mẹ: “Mẹ là nước chứa chan, trôi giùm con phiền muộn” (Trịnh Công Sơn)...Cùng viết về người mẹ, Nguyễn Khoa Điềm chọn lối thể hiện độc đáo khác qua “Mẹ và quả”. Nhà thơ không sử dụng lối ví von trực tiếp để làm nảy sinh tứ thơ mà thông qua chiêm nghiệm về công việc nhọc nhằn thầm lặng của mẹ, thông qua nghệ thuật ẩn dụ để tìm thấy tứ thơ hay về mẹ:

 

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời khi như mặt trăng

 

Thiên nhiên có bốn mùa luân chuyển tuần hoàn. Mặt trời, mặt trăng hành trình theo nhịp điệu tuần hoàn. Người mẹ gửi hy vọng đời mình vào cây trái và dường như mẹ đã tinh nhạy nắm bắt được quy luật tuần hoàn của tạo vật để trồng cây và hái quả theo mùa. “Quả” ẩn dụ cho những thành quả sinh sôi của mẹ. Diễn tả sự sinh sôi, câu thơ Nguyễn Khoa Điềm hoá uyển chuyển. Một nhà thơ tài hoa trong việc dùng từ là người vừa biết chọn từ đắt, vừa biết tạo văn cảnh cho mỗi từ mình dùng hàm chứa được những nét nghĩa mới. Động từ “lặn”“mọc” trong bài thơ “Mẹ và quả” là những từ thần tình như thế. Những từ ấy kết hợp với khổ thơ dưới cho ta hình dung được công việc của người mẹ, mặc dầu nhà thơ không dụng ý đặc tả về mặt này:

 

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu đều lớn xuống

 

Tạo vật dưới tay mẹ sống động rạo rực: lặn, mọc, lớn lên, lớn xuống. Tay mẹ nuôi sự sống nên tay mẹ hoá nhiệm màu như chính sự sống qua những câu thơ ca ngợi sử dụng lối hoán dụ của Nguyễn Khoa Điềm.

 

Nhà thơ không thiên về ca ngợi thành quả của người mẹ. Nhà thơ nghĩ nhiều đến cái giá mẹ phải trả để mang thành quả lại cho đời. Sự cảm nhận sâu sắc ấy tạo nên những liên tưởng thú vị cho thơ, khiến nhà thơ khi phác hoạ đôi nét tạo hình bằng thơ những trái quả mẹ làm nên, đã thấy rằng:

 

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

 

Đấy chính là “trái quả mồ hôi”, hay nói chính xác hơn, đấy chính là “mồ hôi trái quả” của mẹ kết đọng lại cho đời cây, đời người. Liên tưởng tiếp nối liên tưởng, tạo nên mối nhất quán trong tư duy thơ của nhà thơ, làm hoàn thiện tứ thơ của bài thơ:

 

Và chúng tôi một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh

 

Nếu những câu thơ đầu uyển chuyển như nhịp điệu sự sống thì những câu thơ cuối đằm lắng lại trong giọng điệu suy tư, triết lý. Phải chăng, để biểu đạt thành công hình tượng người mẹ tháng ngày chăm lo cho cây đời trĩu trái, Nguyễn Khoa Điềm đã viết nên những câu thơ trĩu nặng suy tư và chỉ có thể viết được sau nhiều trăn trở, tìm tòi về nghệ thuật? Chất trí tuệ hoà quyện với cảm xúc, sự phong phú của tư duy liên tưởng, sự bất ngờ trong cấu tứ...khiến người đọc đọc đến đoạn kết vừa nhận được những khoái cảm thẩm mỹ, vừa được thức tỉnh về nhận thức những quan hệ tình nghĩa sâu nặng trong đời. Ta giật mình tự hỏi mình đã đền đáp được gì cho mẹ, cho đời? Ta không thể thờ ơ trước vấn đề nhân sinh, trước vấn đề triết - mỹ mà bài thơ đặt ra, mặc dù nhà thơ không có dụng ý thuyết giáo về đạo đức. Điều kỳ diệu của nghệ thuật mang lại chẳng phải là ở đó hay sao?

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 6680
Ngày đăng: 25.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chúc mừng lễ thành hôn của Nguyễn Tý - Nhiều Tác Giả
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo bị nhồi máu cơ tim.. - Nhiều Tác Giả
1000 Nhà Thơ Huế Đương Thời - chút tình của những đứa con Huế - Võ Quê
Cội nguồn thi ca - Edgar Morin
ĐƠN ĐỀ NGHỊ THU HỒI SÁCH - Vũ Ngọc Tiến
Tác quyền không thể nhường cho ai! - Vũ Ngọc Tiến
Những chữ qua cầu tâm linh - Triệu Từ Truyền
Xung quanh bài thơ đề từ "Truyện Kiều" của Phạm Quí Thích - Hà Thi Tuệ Thành
Để hiểu đúng câu Kiều về chữ “tâm” của Nguyễn Du - Nguyễn Hoàn
Con người trong tác phẩm văn chương - Vương Trung Hiếu
Cùng một tác giả