Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.232.113
 
Cô gái trong đêm chung kết hoa hậu
Phạm Thanh Phúc

“Sông Tương một dải nông sờ

Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”

(Kiều)

 

-    Hoa hậu về kìa tụi bây ơi!

Lũ con nít í ới gọi nhau, chạy rầm rập. Tuy đã biết là ai, nhưng tôi vẫn hé cửa nhìn ra ngoài. Mà không chỉ riêng tôi, nhiều người trong hẻm cũng mở cửa đưa mắt chăm chú nhìn ra đường. Kim đang đi tới. Kim không nhìn xuống đất. Mắt nàng đăm đăm nhìn thẳng về phía trước, đầu ngẩng cao, khuôn mặt thanh thoát, nửa như muốn  cười nhưng không cười. Kim rực rỡ như một ánh chớp đi vào con hẻm tăm tối. Kim đi ngang nhà tôi mà không hề nhìn lướt qua. Tôi đón ánh mắt Kim, nhưng thật lạ, ánh mắt Kim nhìn tôi mà tựa hồ như không nhìn thấy. Nó trơ ra lạnh lùng, kiêu hãnh. Tôi khép cửa lại. Bên ngoài, hàng xóm vẫn còn chỉ trỏ, bàn tán. Kim đó - người yêu một thuở của tôi- bây giờ đã bay thật xa ở đâu đấy trong vầng hào quang của cuộc thi hoa hậu.

 

*

Kim và tôi chơi thân với nhau từ hồi còn rất nhỏ. Nhà tôi ở đầu hẻm, còn nhà Kim thì nằm tít trong cùng. Con hẻm là nơi cư trú của hàng trăm hộ lao động. Nhà ở đây được cất theo lối nhà sàn, nằm phơi mình trên lòng rạch. Lòng rạch cạn. Bên dưới là một thứ nước đen ngòm, trôi lờ đờ hàng trăm thứ rác rến và hàng trăm thứ dơ bẩn khác. Ở đây không điện, cũng không nước. Muốn uống nước thì phải ra hứng ở vòi nước công cộng tít ngoài đường cái. Chính vì vậy, buổi chiều xuống là lũ trẻ đua nhau ra lặn hụp dưới lòng rạch. Lúc đó, tôi và Kim còn ở lứa tuổi chạy rông. Chiều nào tôi cũng ra đó tắm. Mẹ tôi - một bà giáo - cấm ngặt điều này. Nhưng hễ mẹ đi vắng là tôi lẻn đi tắm, đi phá phách. Chính trong những lúc đó, tôi quen Kim. Hồi nhà tôi mới dọn tới, mẹ tôi cấm không được đi chơi với lũ trẻ hàng xóm. Đơn giản là bà sợ tôi hư. Không ngày nào là trong xóm không có đánh nhau, chửi nhau. Tối đến, đĩ điếm rước khách vào tận nhà, ồn ào như họp chợ.  Họ ở đó cho đến khuya. Thỉnh thoảng tôi nghe rú lên những tràng cười sằng sặc, rồi tiếng rên rĩ mà tôi không biết là do đau đớn hay khoái trá. Lúc đó, tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao nhà chị Hoa cười ghê thế mẹ?”. Mẹ tôi sa sầm mặt không trả lời, bà xua tôi lên giường ngủ.

 

Thoạt đầu, lũ trẻ không tiếp nhận tôi. Chúng bảo nhau: “Thằng này ỷ con nhà giàu, làm phách. Đừng thèm chơi vơí nó.” Tôi chống chế: “Nhà tao đâu có giàu hồi nào…”, nhưng rồi tôi cũng chỉ biết đứng nhìn tụi nó chơi đùa chứ không dám xáp lại gần. Thấy tôi đứng xớ rớ đó, một con bé ý chừng thấy tội nghiệp, đã dắt tôi tách khỏi lũ trẻ đi ra khoảng đất trống duy nhất của xóm. Nó dạy tôi cách bắt dế, cách cầm dế như thế nào cho dế khỏi bị hư cánh. Dần dà, tôi biết chơi những trò chơi mà bọn trẻ trong xóm thường chơi và hòa nhập vào chúng một cách nhanh chóng. Nhưng tôi vẫn thích chơi với con bé ấy hơn. Đi đâu tôi cũng rủ nó, và ngược lại chơi gì, nó cũng gọi tôi. Con bé ấy là Kim. Tôi hay rủ nó về nhà tôi ăn bánh xèo mẹ tôi làm ngày chủ nhật, còn nó thỉnh thoảng dúi cho tôi những cái kẹo me màu nâu nhạt. Rất lạ, là con gái nhưng Kim thích chơi những trò chơi của con trai như: đá bóng, bắn bi. Còn tôi thì lại thích chơi những trò chơi đánh chuyền, nhảy dây… như con gái. Kim rất quý tôi, tôi biết thế. Có lần, tôi đã liều lĩnh đánh cắp của người bán hàng rong con dế lửa để biếu Kim. Nhưng chẳng may tôi bị bắt, người bán hàng xách tai tôi về nhà bắt đền mẹ tôi. Mẹ tôi xin lỗi rối rít. Xong, bà lôi tôi ra giường quất cho một trận. Thấy Kim còn đứng đó, bà quát: “Con quỷ nhỏ, không cút đi cho khuất mắt, còn đứng ì ra đó hả?’. Kim nhảy vào đỡ đòn cho tôi. Đang cơn giận, mẹ tôi quất bừa lên cả người Kim. Cô bé chẳng hề khóc, lúc mẹ tôi hả giận tha cho tôi, Kim mới chịu về. Kim quay lưng về phía mẹ tôi thè lưỡi ra vờ sợ hãi, nhoẻn miệng nhìn tôi cười rồi ù té chạy về nhà.Từ đó, tôi và Kim càng thân nhau hơn. Thời gian dần qua đi. Cho đến một hôm, tôi và Kim đang chơi với nhau bên góc nhà thì lũ trẻ đi qua, chúng dừng lại trêu: “Êu! Êu! Vợ chồng con nít…”. Tôi quay lại, thấy Kim đỏ mặt, mà tôi cũng ngượng nghịu. Rồi như có một tác động vô hình nào đó, khi lũ trẻ bỏ đi, không ai bảo ai, tôi và Kim đều chạy về nhà mình. Lúc đó, tôi mới mười ba tuổi.

 

Bẵng đi rất lâu, tôi không gặp Kim. Một phần do bận học, nhưng một phần do cảm giác xấu hổ của tuổi mới lớn – những rung động bâng quơ không có tên gọi chính xác. Một buổi, tôi đang làm bài thì Kim đi ngang qua nhà. Tôi không nhận ra cô gái vừa gật đầu chào mình là ai nữa. Phải một lát sau, tôi mới nhận ra. Kim đã trở thành thiếu nữ với những đường nét căng tròn. Đôi vú nhọn bắt đầu nhô lên khỏi làn áo. Mắt Kim long lanh – đôi mắt mà mẹ tôi thường bảo:… “Con mắt có đuôi, con bé sau này sẽ khổ…”. Tóc Kim dài óng ả rủ xuống chiếc gáy trắng nõn. Bộ quần áo công nhân dài quá khổ, cũng không thể che hết được nhựa sống trên người Kim đang hiện ra bên ngoài. Kim như từ trong truyện cổ tích bước ra. Tôi cười: “Kim mau lớn quá, nhìn không ra…”. Kim mau mắn: “Có anh giả bộ không thèm nhìn thì có, ngày nào Kim cũng đi qua nhà anh mà”. Tôi đành cười trừ, quả thật đúng vậy. Xóm tôi là một  cái hẻm cụt được nối dài loằng ngoằng. Mọi người trong hẻm đi đâu cũng phải ngang qua nhà tôi. Học hết lớp 9, Kim xin đi làm. Ở cái xóm này không ai cho con học hành tới nơi tới chốn.Gia đình Kim cũng vậy.Bố Kim trước là thợ bảo trì máy của xí nghiệp  dệt, do vậy, việc giới thiệu Kim vào làm ở đó cũng không khó khăn gì. Tôi và Kim ngồi ôn lại những kỷ niệm thời còn bé. Kim cười. Tôi cười. Tưởng chừng như đã nối lại tình thân từ lâu lắm.

 

Kể từ hôm đó, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Không hẹn, nhưng ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ Kim tan ca là tôi đến bên cửa sổ vờ như vô tình ngồi học bài. Kim bước tới đầu hẻm, dắt xe đạp lên miếng ván đầu tiên của chiếc cầu ván ọp ẹp, là nhìn vào cửa sổ nhà tôi cười. Bao giờ tôi cũng chuẩn bị sẵn một nụ cười để đáp lại. Hầu như ngày nào tôi cũng nhìn Kim ở một góc độ khác nhau, và ngày nào tôi cũng tìm ra một nét đẹp mới. Một hôm, tôi tình cờ dậy sớm, đúng vào giờ Kim đi làm. Lúc đó tờ mờ sáng, Kim không nhìn thấy tôi, vì trong nhà không bật đèn, nhưng tôi thì nhìn thấy Kim thật rõ. Nàng mặc bộ đồ công nhân màu xanh nhạt, tóc Kim chải vội không được thẳng lắm, vẻ tất bật hiện rõ trên nét mặt. Tự dưng, tôi có cảm giác rằng từ đây mình không thể sống thiếu Kim được.

 

Từ lâu nay, tôi không hề chú ý đến sinh hoạt quanh xóm. Hình như thời gian đi học đã làm tôi tách biệt với hàng xóm xung quanh. Buổi tối, đám thanh niên trong xóm tụ tập lại. Họ chơi ghi –ta và hát. Nhà ở ngay đầu hẻm, nhưng không hiểu sao tôi không hề bước ra, ngồi xuống đó hát hò. Vậy mà, từ hôm có Kim, tôi đổi khác lạ kỳ. Buổi tối, tôi không còn ngồi viết bình yên nữa. Chốc chốc, tôi dừng lại lắng nghe ở phía ngoài xem có giọng hát, tiếng nói nào của Kim không. Mỗi khi nghe tiếng nói nào giống Kim là tôi đâm ra bực bội, đi đi, lại lại trong nhà. Và khi đó, tôi lại thầm  trách: sao Kim lại ra “đàn đúm” ngoài đó làm gì, rằng đám con trai ngoài ấy toàn là dân lưu manh ba trợn, rằng chắc chắn sẽ có một gã nào đó tán tỉnh Kim. Nghĩ đến đó, tôi tức run, xô  cửa nhìn ra ngoài. Nhưng…  không có Kim. Giọng hát trẻ trung giống Kim, nhưng là của một con bé nào đó lạ hoắc lạ huơ, và dĩ nhiên xấu hơn Kim cả… tỷ lần. Tôi thở phào bước vào nhà và phì cười cho tính đa nghi của mình.

  

Chỉ cần quan sát tôi một ngày là mẹ tôi nhận ra ngay những thay đổi của tôi. Một bữa,  bà hỏi: “Mày thương con Kim phải hông?”. Tôi nhìn xuống đát không đáp. Một sự im lặng thú tội. Mẹ tôi lại nói: “con bé cũng được người, được nết. Có điều ông bố…” . Bà buông thỏng mấy câu, nhưng tôi hiểu ngay. Bố Kim nát rượu. Hầu như không có lúc nào ông tỉnh táo. Người trong xóm thương hại thì ít mà ghét lão già lắm mồm thì nhiều. Tuy không tỉnh táo nhưng chuyện gì trong xóm ông cũng biết, kể cả những chuyện người ta chỉ nói riêng với nhau trong buồng kín. Ban sáng ông biết được điều gì thì y như rằng buổi tối, ông phun ra vanh vách, không một ai dám đứng ra đối đáp lại ông. Một phần vì ông nói bằng giọng rượu, một phần vì những điều ông nói hoàn toàn đúng sự thật – nhưng là một sự thật khó chịu. Họ thì thào: “Thằng già dịch này sao không chết đi cho rảnh..”. “Đ. M, bữa nào nó xỉn về té rạch để cho nó chết mẹ luôn, đừng có lôi dậy…”. Nhưng mặc họ chửi mắng, ông vẫn sống dai như thường.

  

Trước đây, mẹ tôi là người duy nhất được ộng Tư chừa ra không nói đến trong các cuộc say. Điều đó cũng dễ hiểu. Mẹ tôi là bà giáo. Từ trước tới giờ, mẹ tôi là người có tư cách ổn định nhất, ít bị tai tiếng nhất trong xóm. Ngày ngày, mẹ tôi đạp chiếc xe đạp cũ đến trường. Xong việc,  mẹ tôi rẽ qua chợ mua mớ rau, miếng đồ ăn rồi về nhà ngay. Thực tình, bà không có thời gian. Công việc ở trường đã chiếm hết thời gian của bà. Tiếng là giáo viên nhưng mẹ tôi kiêm luôn cả công việc văn thư của trường. Thế là ngoài giờ lên lớp, mẹ tôi còn phải giữ sổ sách, giấy tờ –những thứ vụn vặt trong mớ hổ lốn của văn phòng hành chính – để có thêm khoản thu nhập phụ. Ban đầu, những người hàng xóm cho rằng mẹ tôi khó chơi. Nhưng dần dà, biết chuyện, người ta tặc lưỡi: “Chậc! Thím ấy bận. Mẹ goá con côi mà…”. Và rồi người ta không lấy làm lạ trước việc mẹ tôi ít đến chơi nhà hàng xóm, ngoại trừ những dịp lễ tết, giỗ quẩy. Như thế, vô tình mẹ tôi đứng ngoài các  câu chuyện bàn luận tranh cãi trong xóm và do vậy, bà ít bị tai tiếng hơn. Nhưng  mới đây, không biết do đâu ông Tư biết chuỵên mẹ tôi không bằng lòng Kim đến nhà chơi. Tối đó, ông Tư lôi Kim ra mắng. Tiếng ông văng vẳng, cả xóm đều nghe:

-    Từ rày không được đến nhà người ta nữa nghe con. Nhà người ta có học. Nhà kim chi ngọc điệp. Còn mình thân hèn mọn dơ dáy. Lớn lên thành đĩ điếm không chừng… Ai người ta thèm chơi với mày. Sao mày ngu quá vvậyy…hhaả??

 

Không có tiếng Kim. Tôi nóng ran người và giận mẹ tôi đến ngày hôm sau. Nhưng rồi đâu cũng vào đó, chúng tôi chẳng thể nào rứt nhau ra được. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Kim nhìn tôi chằm chằm bằng một vẻ xét nét lạ lùng:

-    Rủi mẹ không cho mình lấy nhau thì sao?

Tôi bướng bỉnh đáp:

-    Thì mình cứ lấy, đã sao nào? Anh sẽ dắt em trốn đi. Anh sẽ bỏ học đạp xích lô nuôi em. Rồi mình sẽ có một tá con dắt về “chào bà nội” cho mẹ biết.

 

Kim bĩu môi ra vẻ không tin. Những lúc đó, tôi quên đi tất cả. Tôi ôm Kim vào lòng, nghe hơi thở nóng hổi của nàng phả vào mặt tôi. Chiếc vú nhỏ của nàng cọ xát vào ngực tôi tê tê một cách thú vị. Tay tôi hồi hộp đi sâu hơn xuống phía dưới. Đột nhiên, trong khoảng khắc đê mê đó, Kim gạt nhẹ tay tôi: “Đừng anh, em còn phải thi hoa hậu”. Tôi ngớ ra: “Thi hoa hậu thì có sao đâu mà…”. Kim bẽn lẽn nói “Người ta bắt buộc phải còn… con gái”. “Thế em phải thi những gì nào?”. Kim đỏ ửng mặt: “Người ta cho biết phải thi như thế này nè, mặc đồ thế này, ông ghi tên bảo em phải…” (Kim vung tay ra bộ). Tôi nổi sùng thật sự: “Bố nó chứ. Thi gì mà thi kiểu ấy. Rồi hắn còn bảo gì nữa?”. Kim nói: “Ông ấy còn bảo…” rồi nín bặt. Tôi bỏ về. Kim cũng không giữ tôi lại.

 

Tin Kim đã vào chung kết cuộc thi hoa hậu được loan báo khắp xóm. Không nơi đâu là không bàn tán. Nào là con Kim đẹp nhất xóm mình đó. Nào là con Kim mà đi thi hoa hậu thì mẹ con thằng Lãm hết làm phách. Đến chừng đó, có lạy đứng lạy ngồi nó cũng không ưng thằng Lãm. Rồi xe cúp, xe kiếc sẽ rước nó nườm nượp… Ông Tư hả hê ra mặt. Ông nói với mọi người xung quanh: “”Tôi đã bảo mà. Hôm kia ông thầy tướng số giỏi nhất thành phố có nói con nhỏ mạng Mộc, hình Thổ cầm tinh con ngựa, số nó sẽ hưởng vinh hoa phú quý…”.

 

Rồi ông cười hà hà đắc chí. Từ hôm đó, những cuộc gặp gỡ giữa tôi và Kim không còn nữa. Gần như Kim tránh mặt tôi. Hôm đầu tiên Kim không đến, tôi như dại đi. Tôi ngồi đợi gần suốt buổi tối. Cho đến khi tôi định ra về, thì bất chợt một chiếc xe gắn máy lướt nhẹ đến đầu hẻm, Kim bước xuống xe. Gã đàn ông béo tốt ngồi trên xe vẫy tay cười. Kim mặc áo thêu kim tuyến trông rất lạ, vẫy tay để lộ cả khoảng thịt dưới nách. Tôi biết thế là hết.

 

Mẹ tôi được thể đay nghiến: “Thấy chưa? Cá không ăn muối cá ươn mà. Nó có tốt lành gì đâu. Vậy mà cậu cả lại một Kim, hai Kim. Bây giờ đã trắng mắt ra chưa?”. Tôi câm như hến.

 

*

Cả tháng qua, tôi bỏ về quê ngoại. Mẹ tôi rất hài lòng. Như vậy bà đã chứng minh rằng mình đúng. Về quê, tôi không được tin tức gì ở thành phố nên khi trở lên, tôi hơi bỡ ngỡ. Mới bước vào nhà, mẹ tôi đã khen: “Cái thằng về quê ăn hết gạo bà ngoại rồi sao mà béo thế?”. Tôi chỉ hơi cười. Nhưng tôi không hỏi tin tức gì của Kim. Sau nỗi đau, bây giờ chỉ còn lại sự khinh bỉ. Cô gái ấy cũng chạy theo vật chất, cũng tầm thường như bao cô gái khác thôi. Mẹ tôi gật gù nói với Dũng: “Thím đã nói mà. Nó sẽ quên con bé ngay thôi… !”. Tôi chỉ hơi sững sốt khi Dũng bảo cuộc thi hoa hậu sẽ kết thúc vào chủ nhật tuần này. Tôi cứ ngỡ nó phải qua lâu rồi mới phải. Dũng cho biết hình như có trục trặc gì đó nên ban tổ chức đã dời ngày chung kết lại một thời gian. Nhưng khi Dũng định nói tiếp một câu về Kim thì mẹ tôi đưa mắt nhìn nó. Thế là nó im bặt.

 

Cả ngày hôm đó, tôi bứt rứt. Tối đến, Dũng đến rủ tôi đi xem chung kết hoa hậu. Mẹ tôi hỏi: “Đi đâu đó, con?”. Dũng đáp lẹ: “Dạ, tụi cháu đi uống cà phê”. Mẹ tôi ừ à qua loa. Chúng tôi vào chậm gần 10 phút. May thay, người ta vẫn chưa bắt đầu. Hội trường đông nghìn nghịt những ngươì là người. Tôi hồi hộp chờ đợi. Phía sau sân khấu đã thấy thấp thoáng có bóng người. Cô nào cũng xinh như mộng. Tôi nhìn chăm chú mong nhận ra Kim, nhưng… nàng vẫn bặt tăm. Lạ thật? Người giới thiệu chương trình là một gã trai đỏm dáng  có ria mép – đã lên tiếng khai mạc. Hàng tràng vỗ tay vang dậy. Các cô gái bước ra ngoài. Những ánh chớp loé lên liên tục từ các máy ảnh có Flash. Phần tự chọn. Không có Kim. Phần áo tắm. Cũng không có Kim. Hay Kim e lệ chỉ dự thi phần áo dài? Nhưng rồi cho đến khi người cuối cùng bước ra trong chiếc áo dài, vẫn không thấy Kim. Tôi thất vọng, Dũng và tôi bước ra về trước khi giải thưởng được công bố. Cuộc thi không còn gì hấp dẫn tôi. Chính tôi cũng không biết mình buồn hay vui nữa. Trước kia tôi căm ghét Kim vì nàng lặng lẽ rời tôi mà đi theo ánh hào quang của tiền bạc, của cuộc thi hào nhoáng. Song, đó là một mặc cảm  mình thua kém khiến tôi bực tức và chỉ mong Kim thi rớt cho bỏ ghét. Thế nhưng bây giờ, ngoài nỗi hả hê, tôi còn thấy xót xa – một nỗi xót xa mơ hồ không rõ nét, không mang lý do cụ thể.

 

Sáng hôm sau, tôi nhận được một lá thư đặt dưới khe cửa. Một linh cảm kỳ lạ khiến tôi đoán ngay là thư của Kim. Trưa hôm đó, tôi đọc thư.

 

“Anh Lãm thương yêu!

Em biết anh sẽ khinh ghét em, nhưng trước khi khinh ghét, em xin anh hãy đọc lá thư này cho hết, cho em được nói vài lời.

 

Em vẫn còn yêu anh như trước kia, thậm chí còn hơn trước kia. Nhưng  cuộc đời không như ý mình muốn. Lúc trước, em tự ý xa anh cũng có lý do. Anh biết đó, mẹ anh không hề muốn cho tụi mình nên đôi lứa. Một bữa, em đến (không có anh ở nhà) mẹ đã mắng té tát vào mặt em: rằng em không xứng đáng với anh, rằng ba em say sưa… rồi cả trăm lý do khác. Em nhục nhã ra về với ý định sẽ làm cho mẹ anh sáng mắt. Em đăng ký dự thi hoa hậu. Khi bước ra khỏi phòng đăng ký, em gặp một gã trai ăn mặc sang trọng bảo là người của ban tổ chức hứa sẽ giúp đỡ em phần ứng xử – một phần khá quan trọng cuả cuộc thi. Từ hôm đó, hắn hay đưa đón em (có lần anh gặp) đến các nơi quen biết dạy khiêu vũ, dạy “ăn nói”. Rồi một lần đi dự sinh nhật ở nhà bạn hắn, em uống bia say mèm. Tỉnh dậy, em thấy mình trần truồng bên cạnh đám đàn ông – bạn của hắn. Thì ra trong khi em đang mê man, cả lũ quỷ  đó đã chiếm đoạt em.

 

Em phát rồ lên được, nhưng vẫn còn chút vớt vát, vì em tưởng rằng hắn sẽ giúp đỡ em thi hoa hậu. Nào ngờ hắn lạnh lùng bảo em rằng hắn đã “ dạy” cho em xong phần “ứng xử”, thế là sòng phẳng. Em không ngờ một phút nông nổi của mình lại đổi lấy giá đắt đến thế. Em không có can đảm gặp lại bất cứ người nào trong xóm mình nữa. Em đã đi rất xa. Bây giờ anh hiểu mọi chuyện rồi đó. Chúc anh gặp được một người xứng đáng…

                                            Em

                                           Kim”

Có tiếng va nhỏ làm tôi giật mình. Mẹ tôi đang đứng bất động phía sau. Thì ra bà đã ở đó tự lúc nào. Tôi quắc mắt lên, nhưng rồi vội cụp mắt xuống vì cái nhìn nửa van lơn, nửa như sợ hãi của mẹ tôi.

 

Đêm buông xuống. Đây đó trong xóm lập loè ánh đèn vàng nhạt hắt ra từ các khe cửa. Tôi bỏ ra sau nhà nằm xuống giường. Trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê, trong tiếng ồn ào của buổi tối ở một xóm lao động, tôi vẫn nghe rõ mồn một giọng lè nhè của ông Tư: “ Mẹ nó chứ… gái đâu thứ gái bỏ nhà đi hoang… có nước làm đĩ chứ làm gì…” rồi giọng ông chợt đổi sang rên rĩ : “Con ơi là con… vì ai con bỏ ba. Tội nghiệp con tôi. Nó ngủ ở đâu, ăn ở đâu…”. Tiếng ông đứt quảng như một nhát chém vào trong tâm tư tôi. Tôi khẽ cựa mình rồi thiếp đi lúc nào không hay…

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 3127
Ngày đăng: 26.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tảng sáng mờ sương - Trương Đạm Thủy
Cây hậu sự - Quý Thể
Kỳ Nhân - Văn Chấn Ngọc
Bên nấm mồ thi nhân - Phạm Ngọc Hiền
Trái phá - Trần Lệ Thường
Vòng trắng - Nguyễn Lệ Uyên
Người Đàn Bà Bên Bông Hồng xanh - Minh Thuỳ
Chat Room - Minh Thuỳ
chợ - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Chim trời (5) - Mang Viên Long