Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.229.691
 
Dòng đời vẩn trôi
Hội An

Đêm. Khu nhà yên tĩnh của tôi đang chìm trong giấc ngủ bỗng giật mình thức giấc bởi tiếng la hét mỗi lúc một rõ dần: - Cho con đi… con van lạy mà,… con chết mất…Chết mất…

 

Im lặng trở lại một lúc rồi tiếng la hét, đập phá loảng xoảng và cả rên rỉ khóc lóc còn to hơn khiến cho ai dễ ngủ nhất cũng không thể tiếp tục giấc ngủ được. Mặc dù vậy, không có ai tò mò mở cửa ra ngoài bởi ai cũng biết tiếng la đó là của thằng Cường con ông Thân, nhà nằm ở gần cuối dãy chung cư. Những lúc đó, cả khu nhà như co lại trong một nỗi sợ hãi mơ hồ. Gió thì ngại ngùng bỏ đi thật xa và bóng tối thì dường như đặc quánh hơn. Những người già thở dài, những em bé, nhất là các bé gái thì bíu mẹ chặt hơn và các cặp vợ chồng thì lo lắng không biết tai hoạ này có bao giờ giáng xuống nhà mình không…

 

Thằng Cường đang học dở lớp mười một. Chuyện la hét của nó mới bắt đầu từ mấy tháng nay thôi. Nhớ đêm đầu tiên như vậy, ông tổ trưởng dân phố và vài bác lớn tuổi tới đập đập trước cửa định tìm hiểu cơ sự ra sao. Nhưng rồi đáp lại ông Thân lại trả lời rằng: “Cám ơn các bác, các bác cứ về ngủ đi. Không sao đâu, để tôi dỗ cháu” nên mọi người lại bất lực ra về. Sau đó khi chuyện lặp đi lặp lại thì mới biết rằng thằng Cường đã nghiện nặng quá rồi, và bây giờ ông Thân không còn khả năng đủ tiền cấp cho nó hút mỗi ngày nữa. Mỗi khi lên cơn đói thuốc mà không có nó lại đập phá la hét và rên la vậy. Bây giờ thì ông Thân nhốt nó trong nhà cả ngày mỗi khi ông đi làm.

 

Thực ra, chỉ vì nhà tôi ở đầu dãy, cách nhà ông khá xa, mà công việc làm hàng ngày thì bận bịu nên tôi không để ý mấy chứ mấy người nội trợ ở gần thì biết điều này từ lâu. Mẹ thằng Cường đau bệnh và mất từ khi nó mới lên lớp 7. Cả nhà chỉ có mình nó nên ông Thân rất chiều chuộng. Nhà ông lúc đó còn khá chứ không đến nỗi nào. Ông là cán bộ cấp trưởng phòng ở một cơ quan kinh tế, được cấp cả một chiếc xe máy công để đi làm việc. Thu nhập cơ quan ông cũng khá nên trong nhà ông chẳng thiếu thốn gì. Nhưng từ ngày vợ mất đi, ông trở nên hụt hẫng mọi điều.

 

Hình như có một tài liệu thống kê nào đó nói rằng nếu đàn bà mà goá chồng sớm thì cuộc sống không bị xáo trộn bao nhiêu, thậm chí lại còn  thọ hơn những người còn nguyên cặp. Vậy nhưng đàn ông mất vợ thì bất hạnh đủ điều, cả về sức khoẻ lẫn suy sụp nhiều mặt. Chẳng ai mất công đi thẩm tra độ tin cậy của tài liệu đó nhưng trong trường hợp của ông Thân có lẽ kết luận vậy là có cơ sở.

 

Vì thiếu thốn tình cảm nên ông có đi lại với một vài phụ nữ nào đó. Có vài lần ông còn chở cả một cô nào về nhà khi thằng Cường đi học vắng. Nhưng chuyện này thì cũng đáng thông cảm. Người ta có thể chịu đựng thiếu thốn về vật chất nhưng thiếu tình cảm thì thật tội! Có bà lí luận: Ở tuổi này giờ lấy vợ nữa cũng dở mà không lấy cũng dở. Phụ nữ độc thân đã hiếm mà người hiền còn hiếm hơn nhiều. Khéo không lại rước một mụ gì ghẻ nanh nọc về thì khổ con. Người khác cãi lại: Nhưng nhà cửa không có người đàn bà là tanh bành lên ngay. Lại tội thằng Cường, ông Thân dù có thương con nhưng chăm sóc quán lí thì sao bằng người mẹ? Tuy nhiên, đó chỉ là những bàn tán xầm xì chứ ai biết trong cái dáng đi về lầm lũi lặng lẽ kia, ông đang nghĩ gì?

 

Bếp nhà ông ít khi đỏ lửa. Hai cha con ăn cơm bụi là chủ yếu. Có khi hết giờ ông đi nhậu rồi mới về. Bởi vậy ông phải cho thằng Cường tiền dằn túi. Nó được cầm tiền sớm và được quyền quyết định chi tiêu. Thích ăn gì thì ăn, thích tiêu gì thì tiêu, hết lại xin thêm. Vì muốn bù đắp thiệt thòi cho con nên ông cho nó tiền tương đối rộng rãi.

Thằng Cường học không khá, ở lớp nó chỉ được xếp vào loại trung bình. Mà trong các trường học bây giờ số trung bình như nó còn hiếm hơn số khá giỏi. Bạn bè mách với cô giáo là nó chơi với một hội cũng học ít chơi nhiều như nó. Rồi một bữa, vào buổi nhá nhem tối, người ta thấy nó tóc tai bù xù, áo quần nhem nhuốc, mặt mày ngây dại lờ đờ trong một nhóm tụ tập ở một góc phố vắng trước mấy căn nhà bỏ hoang.

 

Khác với hồi vợ còn sống, thời gian này ông Thân thường ít khi cởi mở trong phố, cũng chẳng chơi thân với nhà ai nên không biết có ai nói lại chuyện này với ông không. Mà đã lâm vào hoàn cảnh cô đơn, lại thêm con cái không ra sao thì chẳng riêng ông mà ai ở hoàn cảnh đó cũng chẳng muốn giao du làm gì. Đó cũng là lẽ tự nhiên thôi. Cũng là lẽ tự nhiên khi sau đó ông cố ý tránh mặt cả người cùng phố, đi về như một cái bóng. Có bữa tôi gặp ông mặt mày hốc hác, già hẳn đi, tóc bạc từng mảng, hình như lưng bắt đầu khòm khòm, như một người đang phải mang vác quá nặng, dừng xe cuối phố mà lơ ngơ phân vân không biết rẽ ngả nào. Không biết có phải đó là lúc ông vừa biết tin thằng con duy nhất của mình dính nghiện hay không. Cũng theo người ta nói thì sau đó đồ đạc trong nhà ông lần lượt đội nón theo thằng Cường vào tiệm cầm đồ hết. Ông vẫn phải chu cấp cho nó thường xuyên nhưng làm sao mà đủ được. Và dẫu không thiếu thì những thằng ma cô giao du cùng nó thấy nhà chỉ có một ông già, đâu có gì đáng ngại mà không rủ rê xúi bẩy. Từ từ, chỉ còn chiếc xe máy 81 biển số xanh của cha nó thường đi là đồ vật duy nhất đáng giá còn sót lại trong nhà.

 

Cũng có thời gian hàng xóm thấy vắng bặt thằng Cường. Người ta nói là ông Thân đã gửi nó vào trại cai nghiện. Nhưng rồi nó lại trốn trại về, lại vật vờ ở một góc phố vắng nào đó với vẻ mặt và thân hình càng tiều tuỵ hơn. Mấy lần như vậy thì cái sự vắng bặt của thằng Cường chấm dứt. Người ta nói rằng nó đã dính con HIV rồi, ở trại người ta sợ nó lây cho bạn nghiện nên cho nó ra trại. Nghe thế có người thắc mắc: Thế sợ nó lây cho bạn nghiện chứ không sợ lây cho cộng đồng người lành bên ngoài à? Điều này thì chẳng có ai  bỏ công đi tìm hiểu cho tường tận, chỉ thấy thực tế là thằng Cường giờ có mặt ở nhà nhiều hơn và bắt đầu có những cơn la hét đập phá làm cả phố mất ngủ.

 

Tôi vẫn bận rộn đều đều với công việc kiếm sống nên chuyện về 2 cha con ông Thân là chuyện nghe lõm bõm trong những lần hiếm hoi sang hàng xóm mượn một món đồ hay qua tiệm tạp hoá bà Ba bên cạnh mua cái gì đó mà chợ về còn thiếu.

 

Có một lần duy nhất ông Thân sang nhà tôi mượn tạm ít tiền vì chưa nhận lương. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi đâu có thân với ông hơn mấy người cùng phố. Chắc lẽ phải quá túng bấn nên ông mới liều vậy chăng? Tôi ngần ngại nhưng vẫn vào trong nhà lấy. Con gái tôi nói: “Chú ấy vay tiền cho thằng Cường hút hả mẹ? Thôi đi.”. Dù nó nói nhỏ thôi nhưng có lẽ bên ngoài ông nghe thấy. Khi tôi mang tiền ra thì ông làm như sực nhớ ra việc gì: “Chị cứ giữ giùm, lát tôi quay lại. Tôi đi đằng này chút”. Nhưng rồi ông đã không quay lại. Bà Ba cũng kể có vài lần hồi thằng Cường còn chưa tệ như vầy, ông có sang gửi chìa khóa cho con nhưng bà sợ nó dòm ngó trong nhà, không an tâm nên từ chối.

 

Bẵng đi một thời gian không thấy cha con ông. Nhà cứ khóa cửa im ỉm. Công việc của tôi cũng bận bịu, ông lại chỉ là một hàng xóm xa nên ít để ý. Đến một ngày thấy căn nhà được một tốp thợ sửa sang rồi một gia đình khác dọn đến ở. Người mới đến nói họ đã mua căn nhà cả  tháng nay.

- Vậy cha con ông đi đâu?

- Nghe nói vào chùa nào đó vì nợ nần đến lúc phải trả, nhà thì đã cầm từ lâu và cũng tiêu gần hết rồi.

 

Lúc đó, rất đông hàng xóm cùng có mặt, và chúng tôi cùng sững sờ. Ông đi mà thiếu cả những lời từ biệt thông thường, những cái nắm tay hẹn gặp lại. Cũng bởi có ai dành tình cảm quan tâm gì đến cha con ông đâu. Với hàng xóm, ông chỉ luôn nhận được ánh nhìn nghi ngại, thái độ hững hờ và sự khước từ giúp đỡ.

 

*

Đã lâu lắm, nhà tôi không còn ở chỗ cũ nữa. Chiều nay, tôi gặp một đám ma lèo tèo chỉ độ có mươi người trên đường. Người ta nói người chết bị “ết”. Tôi giật mình nhớ lại không biết cha con ông sao rồi. Thằng Cường còn sống không? Tôi chợt thấy phân vân nghĩ ngợi. Trên đường, dòng chảy người và xe cộ vẫn hối hả không ngừng. Cũng như dòng đời vẫn trôi mải miết,  đâu cần biết có những hạt bụi nhỏ nhoi vẫn rơi rớt lại như cha con ông Thân. Biết trách ai đây? Trách ông không đủ lực để níu giữ thằng Cường không sa vào bụi bặm, hay trách ông vì mặc cảm mà giấu giếm và xa lánh xung quanh khiến con ông khi bắt đầu tuột dốc đã thiếu đi vai trò hợp lực của những tay thắng? Hay trách cả tôi, cả bà con hàng xóm cũng thờ ơ vô tình? Ít ra, ông đáng được nhận một ánh nhìn cảm thông, một thái độ chia sẻ để dịu bớt tháng ngày bất hạnh. Và biết đâu, nếu chúng tôi xúm vào bàn bạc giúp ông lo cai nghiện cho thằng Cường từ đầu thì bi kịch của cha con ông có nặng nề đến vậy không? Chao ơi! Thói vô tình cũng đồng nghĩa với nhẫn tâm. Ông Thân ơi, bây giờ ông ở đâu?

Hội An
Số lần đọc: 2365
Ngày đăng: 27.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tỉnh Giấc - Trần Đức Tiến
Gà nhập - Nguyễn Đình Bổn
Cô gái trong đêm chung kết hoa hậu - Phạm Thanh Phúc
Tảng sáng mờ sương - Trương Đạm Thủy
Cây hậu sự - Quý Thể
Kỳ Nhân - Văn Chấn Ngọc
Bên nấm mồ thi nhân - Phạm Ngọc Hiền
Trái phá - Trần Lệ Thường
Vòng trắng - Nguyễn Lệ Uyên
Người Đàn Bà Bên Bông Hồng xanh - Minh Thuỳ
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)