Quan điểm thơ của Mang Viên Long không là quan điểm của VCV ,các bạn có thể trao đổi thêm với anh….
Trên tuần báo Giác Ngộ (số 119 / 01.12.95) tôi có đưa ra vài nhận định – có tính khái quát, để hiểu “Thế Nào Là Một Bài Thơ Hay”. Gần đây, vài bạn thơ trẻ, lại nêu lên một thắc mắc – trước các “trường phái” thơ đang được cổ súy, đang được vận động hoan hô. Vậy Thơ (nói chung) – có gì chung nhất, hay nói nôm na là có “một mẫu số chung” nào không – khi người đọc thưởng ngoạn, đánh giá ?
Theo tôi là có. Thơ – dầu là nhân danh “trường phái nào” đi nữa- đều do “con người” viết ra cho “con người” đọc. (Chứ không có người đọc thì viết ra để làm cái trò gì? ). Nhà thơ khao khát được giải bày, tha thiết được tâm sự, sẻ chia – từ đó, có Thơ. Người đọc mong ước được cảm nhận, học tập, cảm thông (…) – tìm đến với Thơ.
Do hai nhu cầu (viết/ đọc) gắn bó mật thiết keo sơn như vậy – nên Thơ tồn tại trong đời sống. Có mặt bên loài người. Để cùng xây dựng thế giới ngày một hoàn thiện, đem lại sự gần gũi, kết nối, cảm thông và hạnh phúc.
Đặt trên nền tảng bất biến ấy, chúng ta có thể “thử tìm” ra “một mẫu số chung” cho thơ . (cũng chỉ là tiêu biểu/ tượng trưng mà thôi):
Theo nhận định của vài nhà phê bình lý luận văn học – và theo thiển ý của chúng tôi – “mẫu số chung” (hay có thể hiểu là tiêu chuẩn căn bản) của Thơ là:
1. Cảm xúc : Không có tâm trạng thực sự thúc bách, dồn nén – đến nếu không viết ra – thì anh sẽ rất khổ đau, rất cô độc - thì sẽ không có thơ hay. Nhà thơ đã kinh qua. Đã thực chứng thực tại – mới có xúc cảm tràn đầy bật thốt lên lời thơ một cách tự nhiên, hồn nhiên, chân thật. Chính từ mạch nguồn cảm xúc cao độ, thiết tha này – Thơ đến với người đọc nhanh chóng/ dễ dàng/ và được chấp nhận. Thơ mà vắng bóng cảm xúc – tức là “thơ giả” (hay hoa giả /ni lon) . Thơ làm dáng. Thơ thách đố chơi (…)
2. Trí tuệ : Sự hiểu biết (tạm gọi là tri thức / kinh nghiệm) của nhà thơ sẽ có quyết định căn bản cho giá trị của tác phẩm. Trí tuệ được hiểu ở đây, bao gồm rộng rãi cả tri thức và kinh nghiệm sống (tâm hồn nhạy cảm, trong sáng / khát vọng đến với thi ca (…) Một tác phẩm nông cạn, hời hợt, lập lại; sẽ không thể tạo ấn tượng sâu đậm, mạnh mẽ cho người đọc ( và dĩ nhiên tác dụng, tầm ảnh hưởng của nó cũng giới hạn – nếu không muốn nói là vô ích). Và, nếu một tác phẩm thô kệch, dung tục, trần trụi, làm dáng, trống rỗng chữ nghĩa – thì lại càng tệ hại, nguy hiểm hơn.
3. Nhân bản : Yếu tố này – có thể gọp chung ở phần (2) – Trí tuệ - nhưng chúng tôi cảm thấy cần lưu ý thêm, bởi vì – trước “cơn sốt” hăm hở chạy theo các “trào lưu/ trường phái” ngoại lai một cách rùm beng, mê muội – thì điều kiện cho “mẫu số chung” của Thơ – phải nêu lên tính “Nhân văn/ nhân bản” cốt tử này. Thơ viết cho Người. Thơ tồn tại là vì Người. Nên thơ phải “có tính Người” (chữ Người viết hoa/ đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp của nó). Mới đây, trong một bài có đề tựa “Nhập Lưu Hậu Hiện Đại Cuối Cùng hay giải (minh/ oan) cho một từ” – Nhà Thơ Inrasara đã tâm sự nhiều điều cần thiết cho bạn đọc – nhưng có điều, sự “Giải / minh oan” cho “một từ” là cần phải xét lại. (Xin đọc Vanchuongviet.org – để hiểu rõ thêm): Nhà thơ đã “Giải/ minh oan” cho “một từ” đã sử dụng trong bài “Chuyện 14 Thằng Hoang” (trong tập thơ “Chuyện 40 năm mới kể / 18 bài thơ Tân hình thức”- NXB Hội Nhà văn 2006): Đó là Chữ “Lồn”. Sau khi giải – minh oan cho từ “lồn” ấy – nhà thơ đã ca ngợi, đã tăng bốc nó – “(…) Người ta đã mân mớ nó, hít hà nó, liếm láp nó mỗi ngày mà cứ sợ nó làm dơ văn chương thanh tao ta – hỏi như thế có công bằng không?”. Và trong phần “Ghi chú” Nhà thơ Inrasara còn thêm : “(…) Hậu Hiện Đại quyết đánh tan mặc cảm đó” (!).
Vậy ra là nhà thơ đòi “công bằng” cho từ “lồn”. Và cổ súy đệ tử “quyết đánh tan” (!). Đòi hỏi sự “công bằng” là một thiêng trách của nhà Thơ (của Thơ) – nhưng đời sống chúng ta – có nhiều sự đòi hỏi sinh tử hơn (từ “lồn”) – sao nhà thơ không thấy lên tiếng giúp cho dân đen họ nhờ? Còn cụm từ “đánh tan mặc cảm” lại càng cho thấy sự trống rỗng, hời hợt, và nóng vội của nhà thơ hơn nữa : Thưa anh, chính nhờ cái “mặc cảm” ấy – mà chúng ta còn là “Con Người” đó anh à ! (Nếu không có “mặc cảm” ấy, sẽ là con gì gì… nhỉ?). Anh hô hào “quyết đánh tan” cái gì kia – thì nghe còn hữu ý, chứ “đánh tan” cái mặc cảm (từ ngữ của anh) – thì sẽ nguy hại không thể lường (…) (sau cái “đánh tan” ấy thì sẽ có vô số từ ngữ thô tục, bẩn thỉu, đen tối, chán chường (…) nhảy vào “Thơ” – thì “Thơ” sẽ là cái gì / cho ai / để làm gì nhỉ ? Và xã hội, đời sống sẽ ra sao? (…) (Tôi không “nhất trí” từ mặc cảm anh dùng – mà gọi là “Sự tự hổ thẹn” – Phật ngữ gọi là đức tính “tàm quý”. Nếu một con người đánh mất đức tính ấy thì sẽ không từ bỏ một việc xấu xa nào mà không làm!)
Xin trở lại cái “Mẫu số chung” đang đề cập : Mẫu số chung (cho một bài thơ) = cảm xúc + Trí tuệ + Nhân bản (ví dụ MS = 100)
Tử số có thể di chuyển từ 1 – 100.
Tử số càng lớn (80/ 90 / 100) thì tác phẩm càng có giá trị.
Đây chỉ là một cách ví dụ - rất tương tương, không có gì là “tuyệt đối” cả! (Vì đời sống có khi nào đạt … tuyệt đối đâu? ). Nhưng với riêng tôi – tôi luôn tôn trọng “công thức” ấy để đánh giá một bài thơ để tìm đọc (…).
Th.6.08
Thế nào là một bài thơ hay?
Cách đây vài năm, người ta có tổ chức một cuộc hội thảo, gồm một số người làm thơ –về đề tài “Thế nào là một bài thơ hay?”- được trích giới thiệu trên một tạp chí văn nghệ xuất bản ở miền Trung. Căn cứ trên những lời phát biểu tượng trưng ấy, chúng tôi chưa thật thỏa mãn được sự tìm hiểu sâu xa của thơ ; vì hầu như tất cả đều vô tình (hay cố ý?) không đề cập tới tự nhân của thơ và môi trường chung quanh nó.
Hôm nay, trong giới hạn một bài “thử định nghĩa”, chúng tôi mong ước tìm hiểu thêm bên cạnh những lời phát biểu ấy, để có một nhận thức chân xác, toàn vẹn hơn “thế nào là một bài thơ hay” – dù biết rằng, đây là một vấn đề khá phức tạp và vô cùng tế nhị.
Chúng ta thử hỏi ngược lại : “Thế nào là một bài thơ dở?”. Ông Dương Quang Hàm đã góp ý: “Tình ý không thể diễn đạt được tự nhiên, lại nhiều khi các nhà thơ gia công gò các câu thơ, đọc lên rất kêu mà không có tình ý gì hay, thành ra thơ chỉ có xác mà không hồn” (“Việt Nam thi văn hợp tuyển” - “văn học Việt Nam” – 1939). Ông Phạm Thượng Chi đã có lần phát biểu trên Nam Phong tạp chí (số 5/1917): “Thơ là tiếng kêu tự nhiên của Tâm, nhưng phần nhiều nhân công nhiều mà vẻ tự nhiên ít, quả là một bức tranh cảnh vật!”. Tác giả “Thi nhân Việt Nam”- Hoài Thanh, Hoài Chân- thì cho rằng: “Cái học khoa cử, những bài hơ kiệt tác ngâm đi giảng lại hoài đã gần thành vô nghĩa. Nó chỉ còn là những cái máy để đúc ra hàng vạn thí sinh, cùng hàng vạn bài thơ dở (…). Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng rõ những điều kín nhiệm u uất ; cái khát vọng được thành thục. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đớn đau (…). Cái bắt chước vô ý thức nó đương lưu hành trong làng thơ như một cái họa: họ như những con thiêu thân chỉ nhảy vào lửa để mà chết (…)”. Alexandre Mercerau cũng nhận định: “Thơ dở là thứ tư tưởng không chân thật, đó chỉ là thứ nghệ thuật trang trí vô ích cho nhân loại”. Tóm lại, thơ dở là những bông hoa giả, chỉ để dùng trang trí cho những hình nộm, hay những khán đài…
Như vậy, một bài thơ “hay” thì cụ thể như thế nào?
Hai ông Hoài Thanh, Hoài Chân (đồng tác giả “Thi nhân Việt Nam”) đã khẳng định: “… Từ bao đời cho đến bây giờ, từ Homère đến kinh Thi, đến ca dao Việt Nam, thơ hay vẫn là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa vui buồn với loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế (…). Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn (…). Đi sâu vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống, và đi sâu vào hồn nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người”. Nhà phê bình văn học Bê-lô-rút-xi-a –ông Vla-đi-mia Go-nhi-lô-mê-đốp, cũng đã viết: “Cái hay, cái mới trong thơ (văn học nói chung) – điều đầu tiên là tiềm lực mới của con người, sự tìm tòi bóc trần hiện thực: xã hội, đạo đức, tâm lý, trạng thái (…). Sự nghiên cứu thế giới tâm hồn của con người trong những tác phẩm tốt nhất đặc trưng nổi bật lên điểm cao của tiêu chuẩn đạo đức, luân lý và thử thách luân lý (…). Thơ hay là sự thành thục và hoàn hảo về nghệ thuật” (“Tinh thần sáng tạo của sự tìm tòi”). Gần đây, Lâm Thị Mỹ Dạ trong một bài nêu lên “Vài suy nghĩ về quá trình sinh thành của những tứ thơ” (Tạp chí Sông Hương, số 4, 12.1983) đưa ra nhận định: “…để là một nhà thơ (dĩ nhiên là đúng nghĩa- NV) trước hết phải là một con người có khả năng nhìn và nắm bắt những hiện tượng có ý nghĩa của môi trường sống- của thiên nhiên, xã hội, con người, và nói rộng ra là toàn bộ thời đại của anh ta (…), như một con ong phải làm mật từ những bông hoa có thật mà nó đã hút nhụy” (hoa “có thật” mới có mật, ong mới hút nhụy – còn “hoa giả” làm sau hút nhụy?– NV) . Armand Sully – Pruddhomme cũng chỉ rõ: “Ở đời không có chi nên đứng nguyên một chỗ, và nghệ thuật sẽ tê liệt, nếu không đổi mới” . Như vậy, chúng ta có thể ví von một chút: Thơ hay là những cánh hoa hương sắc đậm đà chơn thật, để choàng vào cổ con người, và được đặt vào một nơi trang trọng trong trái tim họ.
Qua sự tìm hiểu xa gần về Thơ, chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng: -Một bài thơ gọi là “dở” hoặc “hay”, tùy thuộc vào một điều kiện tiên quyết là “con người” và một điều kiện phụ thuộc là “ngoại cảnh” hay cuộc sống, xã hội, thời đại v.v…
Con Người - thi sĩ, là người sáng tạo ra những bài thơ – tác phẩm, nên yêu cầu nơi Con Người của anh ta (hay chị ta) là rất quan trọng. Tự thân người sáng tạo sẽ quyết định gần như phần lớn, để có một tác phẩm có giá trị hay không. Con người – chỉ rõ là Trái Tim, trước hết phải chân thật, trong sáng và đắm say thi ca mãnh liệt, tin yêu cuộc sống hết lòng. “Tài sản quý báu nhất là Trái Tim. Trí tuệ và nhan sắc là những tấm khăn choàng” (Alfred de Musset).
(Báo Giác Ngộ số 119 ngày 1-12-1995)