Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.155
123.224.963
 
Hai phong co nui bai tho day roi !
Dư Thị Hoàn

...

Tiếng tăm càng lòi cái ngu

Viết thơ tán gái bội thu mười bài

Dụ ả ra tận Bãi hai

Cát Bà đảo ngọc trổ tài bút nghiên

Sơn trắng sơn đỏ sơn đen

Bôi đầy vách đá ký tên đàng hoàng

Tây ba lô cũng hốt hoang ( hoảng ) :

- VIET NAM CO NUI BAI THO ĐAY ROI !

 

Hơn một tuần nay, dân văn chương Hải Phòng đang truyền tay nhau một bài thơ lục bát. Bài thơ có tựa đề: "Mới phát hiện núi bài thơ ở Cát Bà" ký tên "Lê Thánh Tông". Trên đây là mấy câu thơ phần cuối bài, có tính chất thông tấn đã được kiểm chứng, để mở đầu cho bài viết này. Bài thơ trở nên hấp dẫn do cách viết hóm hỉnh ở dạng Bút tre, khắc họa chân dung kiểu Xuân sách, còn pha chút tinh thần hậu hiện đại, kèm theo cả bút pháp tân hình thức nữa. Nhưng nội dung của nó, thì khiến người đọc ai cũng phải lắc đầu: nếu là chuyện có thật thì buồn quá, nhục quá, nó liên quan đến tư cách của nhà thơ, cốt cách của những tâm hồn được mệnh danh là thi sĩ. Thật hư thế nào, và thật hư đến đâu là một câu chuyện rất dài, và cũng đang là một ẩn số và không dừng lại ở mức thiểu số trong tình trạng vàng thau lẫn lộn ở nhiều lĩnh vực hiện nay, chỉ có những người trong cuộc mới giải mã được nó.

 

Sáng ngày 8-6 vừa rồi, tôi (Dư Thị Hoàn) và hai bạn thơ Nguyễn Phước Giang (Hội nhà văn Hải Phòng), Bùi Chát (Sài Gòn) ra vãn cảnh đảo Cát Bà. Dọc con đường lan can lượn theo vách núi từ Bãi tắm 3 đến Cát cò 1 rồi thông ra cát cò 2. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên thấy rất nhiều bài thơ bằng sơn trắng sơn đỏ sơn đen viết rải rác trên vách đá. Chữ viết trung bình to bằng hai bàn tay. Có bài thơ viết nắn nót thẳng hàng, có bài lem nhem chữ chen chúc xiêu vẹo, diện tích rộng bằng mảnh chiếu đôi... Cả ba chúng tôi reo ầm lên thích thú và chăm chú đọc... Hỡi ôi, sao lại có loại thơ ẩm ương thế này, bằng con mắt xăm soi "nghề ngỗng", chúng tôi cho đó là thơ phường xã của bà con huyện đảo và mỗi lần đọc to lên lại ôm bụng cười phá!

Ví dụ:

 

Nếu

 

Nếu chỉ có cơm ngon và áo đẹp

Trong vi-la biệt thự gắn điều hoà

Thì núi đá vẫn chỉ là núi đá

Biển non tơ thành một mụ già

Thi sĩ thổi hồn mình vào vách đá

Núi sẽ non biển hoá ngọc ngà

Và em ạ người già không có tuổi

Như buổi chiều mình mới tập yêu.

 

Em tắm...

 

Em trút bỏ xiêm y lộng lẫy

Phố len chân hào nhoáng bề ngoài

Chiều bãi biển làm mắt anh tê dại

Đường cong em như một lâu đài!

 

Bùa yêu

 

Thơ tình bán chẳng ai mua

Khắc lên vách đá làm bùa để yêu

Cho ta xanh lại buổi chiều

Và bao trai gái mới yêu lần đầu.

 

Cứ như thế cách vài chục mét là gặp một bài thơ, hơn một chục bài, viết bởi nhiều lần vào thời điểm khác nhau: ngày 25, 26, 28 tháng 5 năm 08. Thấy ký tên là PXT tôi đã ngờ ngợ... Cho đến khi một bài thơ có họ tên đầy đủ xuất hiện:

 

Bài thơ nói dối

 

Ôi mãnh liệt và nồng nàn như biển

Em không say mà sóng đổ xô bờ

Trời im lặng ô kìa mây nổi bão

Đêm giật trái tim hỏi vì sao?

 

25-5-08

Thuý Ngoan HP

 

...Mặt mũi Phước Giang bỗng ngay thuỗn ra, lắc đầu nguây nguẩy và lặp đi lặp lại chỉ mấy tiếng: thôi chết rồi! thôi chết rồi! Thấy tôi há hốc mồm ra, mắt trợn ngược, Bùi Chát cứ gạn hỏi, tôi đành thú nhận chua chát: hai tác giả này là thi nhân Hội Hải phòng của bọn tao đấy! Trong óc tôi hiện dần lên ba chữ Phạm Xuân Trường, (61 tuổi, mới được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam cuối năm ngoái) và hai chữ Thuý Ngoan (58 tuổi, mới tặng tôi tập thơ thứ ba tháng trước do PXT vẽ bìa, cũng đang nộp đơn xin vào Hội Nhà văn VN), được xâu chuỗi bởi những bài thơ trên vách đá. Choáng váng! và thất vọng! đó là cảm giác đầu tiên, là phản ứng rất bản năng của chúng tôi khi gặp phải sự cố núi bài thơ này. Đứng bên cạnh chúng tôi khi đó còn có mấy cô du khách người châu Âu vừa dương ống kính máy ảnh lên mảng thơ sơn trên vách đá và không quên chỉ xuồng dưới sàn, ra hiệu rằng kẻo dẫm phải bãi phân người, còn tươi rói...

 

Bởi tính chất ly kỳ, khó tin vì không tiền (nhưng chưa chắc) khoáng hậu của nó, Nguyễn Phước Giang nẩy ra ý định kiếm câu chuyện về làm quà cho ông xã tôi (Trịnh Hoài Giang), và sẵn có máy chụp hình kỹ thuật số, ghi vài tấm để chứng minh là không phải truyện bịa, thế thôi.

 

Nhưng câu chuyện không chịu dừng lại ở đó, nó như  dịch lợn tai xanh ( ví von của ông Vũ Hiển) lan rất nhanh trong làng ngoài ngõ. Có bạn bè đến tôi để xác minh sự việc. Thi hữu Trần Lưu, Vũ Hiển tuyên bố sẽ viết bài gửi lên báo chí, phê phán hành vi ông cho là vô văn hoá và bộc lộ nỗi bức xúc vì "một con sâu bỏ rầu nồi canh" cả làng thơ Hải phòng. Nhà thơ Thi Hoàng là người giới thiệu PXT vào Hội nhà văn VN thì muốn khoanh vùng ngay chuyện đó đi, bởi xấu chàng thì hổ ai? Nhà thơ Vũ thị Huyền thì cho rằng kể cả thằng say (rượu) đi nữa cũng không ai leo lên thềm nhà hát lớn mà đái, có điều nói thế nào để kẻ say thơ này nghe ra mà không mất lòng mới là điều khó. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên lại cho rằng đó chỉ là sự dại dột và mắc bệnh "sao" đáng thương thôi, chứ ngay cả nhà vua Lê Thánh Tông cũng không tự (là do dân) khắc thơ mình lên núi đá cơ mà. Trong khi đó Trần Thi lại cho rằng: Biết đâu, đây là một sáng kiến hay trong ngành du lịch cần tham khảo ... Phong Lưu:  Đừng như ai đó có thái độ thái quá, chuyện bé xé ra to, nhân việc này mà hành hạ người có công viết những bài thơ lên vách đá... Thu Hoài lại nghĩ: người nào đó đã viết những bài thơ vách đảo cũng thật hồn nhiên và yêu đời mà thôi... Một số bạn lại góp ý và phân tích hành vi theo luật định như Khải Nguyên, Chung NY... Còn ông Tô Hoàng Vũ - chủ tịch Hội Liên Hiệp văn học nghệ thuật Hải phòng lại quay ra trách cứ tôi (truyền lời qua ông xã): "Suy cho cùng là tại chi hội trưởng Chi hội thơ không tổ chức cho anh em có cơ hội xả thơ thường xuyên, đến nỗi bức xúc quá anh em phải xả lên vách núi đấy mà..". Mặc dù chỉ là câu đùa vui thôi, nhưng cũng phải thừa nhận một hiện trạng si thơ, "bội thực" thơ và "thủ dâm" thơ của giới cầm bút hiện nay.

 

Câu chuyện này cứ râm ran lan toả, cùng lúc xuất hiện nhiều thư tịch gửi đi nhiều ngả từ những chữ ký chính danh và nặc danh, gây nhiều thông tin nhiễu loạn và nguy cơ mất đoàn kết. Nhiều hội viên đề nghị tôi tổ chức cuộc họp đi đến kết luận, và biện pháp giải quyết, nhưng ngộ nhỡ nhà thơ PXT và Thuý Ngoan tuyên bố hùng hồn: "Đó là việc riêng của chúng tôi với huyện Cát Bà, ai khiến các người bận tâm" thì sao? Nghe nói trong buổi sinh hoạt thường kỳ vào đầu tháng 6 của Câu lạc bộ thơ Cung văn hoá hữu nghị Việt Tiệp, chính thi sĩ PXT đã hớn hở khoe: "tôi sáng tác được rất nhiều thơ trong dịp ra chơi Cát Bà vừa rồi, sáng tác đến đâu tôi liền viết lên vách núi đến đó. Khi viết có cả những du khách nước ngoài rất thích thú quay phim chụp ảnh những bài thơ của tôi..." (buổi sinh hoạt ấy có chứng kiến của nhà thơ Phạm Ngà - chủ nhiệm CLB).

 

Truớc hiện tình một núi bài thơ hoành tráng và độc đáo như thế này, tôi có nhắn tin qua điện thoại di động cho PXT: "Chuyện thơ ở Cát Bà không bình thường chút nào, tôi muốn nghe Trường nói, thế nào?" không thấy hồi âm, tôi hoàn toàn bất lực. Được sự chia sẻ của blogs nhà thơ Hoài Khánh đồng thời là phó tổng thư ký Hội nhà văn Hp, trang webs của kiến trúc sư Minh Trí - chi hội phó Chi hội thơ HP và webs Lê Thiếu Nhơn, rất nhiều ý kiến được phản hồi và được trao đổi thoả đáng, sôi nổi. Sự kiện này được bình chọn là nổi bật nhất trong làng weblogs vừa qua. Tất nhiên, vụ việc rồi sẽ được các cơ quan chức năng tháo gỡ: xóa nó đi, xoá bằng cách gì để không để lại vết hoen ố ở nơi thắng cảnh danh lam là chuyện dĩ nhiên. Nhưng tàn dư của hiện tượng này khó có thể phai nhạt trong tâm thức của những ai đã một lần được chứng kiến. Điều hệ trọng hơn nữa là danh hiệu nhà thơ (do lạm phát) vốn đã xuống cấp lại một lần nữa bị xã hội rẻ rúng. Một bạn lấy bút danh là Hoài Anh lên án bài viết của ông Vũ Hiển (nguồn: lethieunhon.com, phongdiep.net) trong đó có nhấn mạnh một chi tiêt là: "Riêng P.X.T mới cầm Quyết định của Ông Hữu Thỉnh ký chưa ráo mực kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam gần đây" là mang tính ám chỉ! Đúng, tôi cũng rất lưu ý chi tiết ấy, và cho rằng Vũ Hiển không phải không có thâm ý coi thường cánh nhà thơ đã vượt vũ môn địa phương leo lên "thượng giới" rồi chỉ biết ngẩng mặt lên trời đâu. Tôi làm công tác phong trào nhiều năm ở Hải Phòng nên nắm rất chắc tình hình: rất nhiều anh hào mượn cái cầu địa phương bắc qua bến bờ Hội Nhà Văn Trung ương rồi thì bặt tăm luôn, dùng chiếc thẻ Nhà Văn đi chưng chộ và kiếm chác, chẳng thèm sinh hoạt với anh chị em ở địa phương lấy một lần, để phân biệt đẳng cấp của mình!

Nhà thơ vốn tính hồn nhiên, lãng mạn, điều đó ai cũng biết. Còn một điều quan trọng hơn không phải ai cũng biết, nhưng đã tự cho mình là nhà thơ thì bắt buộc phải biết: "VÌ SỐNG VỚI NGÔN TỪ NHƯ LÀ CỨU CÁNH VÀ CHẤT LIỆU SÁNG TẠO, CÓ THỂ NÓI NHÀ THƠ LÀ CHỦ THỂ CÓ Ý THỨC CAO NHẤT TRONG GIỚI VĂN NGHỆ NÓI CHUNG. KHÔNG LÀ MỘT CÁI TÔI BIỆT LẬP MÀ LÀ SỰ TỔNG HOÀ NĂNG LỰC NƠI GIAO THOA, HỘI NGỘ, TRANH BIỆN CỦA NHIỀU CHỦ THỂ VÀ NHÂN CÁCH TRONG QUÁ TRÌNH SINH THÀNH VÀ THĂNG HOA*" Ta có thể dùng thước đo này phân biệt một cách dễ dàng: Anh (chị) này có đáng được xưng tụng là NHÀ THƠ hay không?

Hải phòng  Đêm 22/6/2008

*  Câu nói của nhà thơ, nhà lý luận Chân Phương, trích trong bài phát biểu đăng trên Hội luận văn chương Việt ngày 22-6-2008.

Do khuôn khổ báo Tiền Phong có hạn,nên lược bỏ nhiều đoạn,nay VCV đăng lại nguyên văn do tác giả gửi

 

Dư Thị Hoàn
Số lần đọc: 2809
Ngày đăng: 28.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhập lưu HẬU HIỆN ĐẠI CUỐI CÙNG Hay Giải [minh & giải] oan cho một từ - Inrasara
Thử nhận diện Lam Hạnh - Inrasara
Tạp bút Mang viên Long - Mang Viên Long
Vũ Hoàng Chương– Sầu trắng đêm nhớ quê - Trần Ngọc Tuấn
Kẻ đóng thế - Trần Huy Thuận
Những miền qua…2. Nhớ Huế - Nguyễn Thị Hậu
Nhân ngày 21-6-2008 : Kỉ niệm nghề báo - Huỳnh Kim
Gặp lại cánh đồng.. - Nguyễn Hoài Nhật,
Qủa bóng tròn nên lăn bất định... : Ý , Pháp - Sắp ’’Đi’’ Rồi! - Lê Xuân Quang
Bùi Giáng - ngắm trăng sau độ mưa nguồn - Trần Ngọc Tuấn