Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.758
 
Những bóng hồng dự phần vào văn nghiệp Tú Xương
Lê Hoài Nam

Đó là bà Phạm Thị Mẫn, sinh năm 1869, hơn ông Tú một tuổi, là hậu duệ của danh sĩ Phạm Quý Thích ở làng Lương Đường (Hải Dương). Nghĩa là bà cũng thuộc dòng dõi nho giáo, rất  “môn đăng hộ đối” với Tú Xương.

 

Cơn lốc đô thị hóa Thành Nam cuối thế kỷ 19 đã cuốn gia đình bà từ Hải Dương sang thành phố Nam Định mở cửa hiệu buôn bán. Gia đình bà ở cùng dãy phố với gia đình Tú Xương. Tú Xương và Phạm Thị Mẫn quen thân nhau, rồi trái tim trai tài gái sắc cảm được nhau ngay từ thủa vị thành niên. Hai người lấy nhau khi họ còn trong trắng của mối tình đầu. Cô Phạm Thị Mẫn trở thành  bà Tú, theo cách gọi của dân Thành Nam khi ấy.

 

Bà Tú vừa có cái ung dung khoan hòa của một người được dung dưỡng trong một gia đình nề nếp, thuần phong lại vừa có cái mau mắn tháo vát của một người con gái đảm đang, hiền thục truyền thống, va đập với kinh tế thị trường. Bà đối xử với bố mẹ chồng rất cung kính hiếu đễ; với kẻ ăn người ở cũng nhẹ nhàng, tình cảm.

 

Với ông Tú thì bà có tình yêu thực sự. Trong tình yêu vợ chồng còn có chút bao dung, che chở của một người chị, người mẹ. Suốt 10 năm, bà nuôi ông đèn sách đi học, đi thi, những tưởng đỗ cử  nhân, tiến sĩ, ra làm quan ông sẽ trả ơn bà, nhưng cuộc đời ông nó không có cái hanh thông như thế. Ông Tú học hành sáng dạ lắm. Vốn chữ Nho và kiến thức văn chương Đông – Tây, ở Nam Định thời ấy không mấy người sánh được với ông.

 

Nhưng ông đi thi lần nào cũng trượt. Trượt không phải vì ông lười học hay kém tài mà cái thói phóng túng nghệ sĩ của ông, nó không phù hợp với những nội quy trường ốc ngặt nghèo và không kém phần phi lý lúc bấy giờ. Tú Xương “phạm trường quy” tới 8 khóa thi. Cuối cùng ông chỉ đỗ có cái tú tài!

 

Tú Xương viết bao nhiêu thơ phú mà thơ phú không đủ cho ông ngày hai cốc rượu quê. BàTú phải bao nuôi, che chở ông Tú như bao nuôi che chở những đứa con của mình vậy. Không những lo việc cơm áo nuôi sống cái thể xác, bà còn là chỗ dựa lớn cho tinh thần thi ca của ông. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, bà chính là “nàng thơ” của ông.

 

Tỷ dụ như Tết nhất đến nơi mà vẫn thấy ông ngồi ôm gối buồn thiu, lọc xọc thuốc lào, không động dạng gì đến bút mực thì bà gợi ý cho ông đừng quên văn chương bằng cách giục ông hãy viết đôi câu đối dán lên cột nhà cho có không khí Tết. Hay là những khi thấy mặt mũi ông khó đăm đăm, thần khí ngưng trệ, bà lại đem chuyện thơ phú ra giao đãi, tạo thi hứng cho ông cầm bút. Chưa bao giờ bà mở miệng than phiền hay trách cứ ông điều gì.

 

Cái tầm làm vợ của bà nó lớn quá, vĩ đại quá nên ông Tú đã bỏ qua mọi kiêng quý, làm thơ tế sống bà; đặc biệt là ông đã viết bài thơ Thương vợ rất nổi tiếng. Theo thiển ý của người viết bài này thì đây là tác phẩm thơ viết về người vợ hay nhất trong văn chương Việt Nam từ xưa đến nay.

 

Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo xèo mặt nước buổi đò đông/ Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công/ Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không.

 

Người đàn bà thứ hai dự phần  vào văn nghiệp Tú Xương là một tiểu thư, con gái rượu của tiến sĩ Vũ Công Độ. Tiểu thư này vốn là hoa khôi nổi tiếng Thành Nam, lấy chồng là một viên quan cỡ tầm tầm có tên là Hai Đích. Từ khi lấy chồng người ta hay gọi tiểu thư nọ là bà Hai Đích.

 

Ông Hai Đích mất sớm, khi bà mới ở tuổi 23 và họ mới có với nhau một mụn con gái. Cô con gái đó đặt tên là Sính. Cô Sính lớn lên, lấy chồng là một viên quan huyện, người ta quen gọi ông Huyện Thuật. Vợ chồng này chính là thân phụ thân mẫu của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Như vậy, bà Hai  Đích “nàng thơ thứ hai” của Tú Xương là bà ngoại của Vũ Hoàng Chương.

 

Bà Hai Đích chơi với Tú Xương từ thời họ còn đi học. Nhưng khi đến tuổi chọn vợ chọn chồng thì không hiểu sao họ không chọn nhau, để rồi sau này khi mỗi người đã có một bến bờ riêng, họ vẫn không sao quên được bóng hình nhau. Sau cái ngày ông Hai Đích về cõi, bà Hai vẫn còn xuân sắc lắm, rất nhiều thi nhân tài tử ve vãn, nhưng bà chỉ giữ lòng trung trinh thờ chồng.

 

Bà Hai Đích đã không tái giá, nhưng chút tình dành cho Tú Xương là điều có thật. Vào cái đêm mưa phùn gió bấc, Tú Xương và bà Hai Đích từ nhà bạn ra phố, ông Tú đã cởi chiếc áo bông của mình che  đầu cho bà Hai, trong niềm xúc động dạt dào, là chuyện nhiều người biết.

 

Nhờ cái khoảnh khắc thần tiên ấy mà ông Tú cho ra đời bài thơ Áo bông che đầu: Ai ơi có nhớ ai không/ Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu/ Rạng ngày, ai biết ai đâu/ Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô/ Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ/ Kẻ về khóc Trúc thương Ngô một mình/ Non non, nước nước, tình tình/Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ.

 

Trong bài ta cần chú ý tới các chữ Tam Đảo, Ngũ Hồ là những nơi ông Tú vì cảm xúc mà tưởng tượng ra, nó như chốn thiên thai của tình yêu. Còn chuyện khóc Trung thương Ngô, Tú Xương mượn điển tích của Trung Quốc, vợ góa của vua Thuấn khóc chồng mà nước mắt thành máu, để lại vết hằn ở câu Trúc thương Ngô. Viết thế là ông Tú thương cảm, chia sẻ sự lỡ dở của bà Hai lắm. Áo bông che đầu cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc của Tú Xương.

 

Người đàn bà thứ ba dự phần vào văn nghiệp Tú  Xương là một người con gái hát ả đào. Hát ả đào là một thú chơi tao nhã của trí thức – văn nghệ sĩ thời ấy. Tại Nam Định có hẳn một dãy phố, với hàng trăm chiếu ả đào, người ta quen gọi là phố ả đào, chính là phố Hàng  Thao bây giờ. Tú Xương thường hay đến đây.

 

Có khi ông Tú tìm đến chiếu ả đào chỉ là để trút vợi nỗi sầu muộn, quên đi những trái ngang, bế tắc của cuộc sống ô trọc, trầm luân. Mỗi lần như thế, ông Tú thường có thơ. Bài thơ hay nhất viết về chuyện đi hát là bài Đi hát mất ô. Bài này lâu nay tồn tại hai thuyết. Một thuyết cho rằng ông Tú có một người bạn cụ thể đi hát bị mất ô, về kể lại ông Tú cảm khái và viết nên bài thơ ấy.

 

Thuyết thứ hai cho rằng chính ông Tú đi hát bị mất ô mà làm được bài thơ ấy. Theo tôi thì thuyết thứ hai đáng tin cậy hơn. Xin hãy đọc cuốn Trông dòng sông Vị của Trần Thanh Mại, xuất bản tháng 4 năm 1935, nghĩa là chỉ sau ngày ông Tú mất 28 năm, viết về sự ra đời của bài thơ đó như sau:

 

“… Ông Tú Xương thường hay liều lĩnh; không tiền mà vẫn về chơi xóm ả đào. Người ta trọng đãi ông, vì ông là một nhà thi sĩ tao nhã, ăn nói vui vẻ lại hay cho chị em nhiều bài hát ý vị thâm trầm. Nhưng mà hát chịu mãi thì cũng bất tiện cho chị em, vì bà chủ hẳn không ưa lắm.

 

Mối tình của khách giang hồ có chăng chỉ đối với bạn hồng nhan, thừa đâu đến bà chủ để bắt bà chịu những thiệt thòi ấy? Vả chăng đối với hạng người ấy, tình là cái mồi để câu một thứ khác, kêu hơn, nặng hơn kia: Tiền! Cho nên người ta đã quyết định phải đến lượt ông Tú chịu thiệt một bữa.

 

Bữa ấy là bữa ông mất cái ô tây: Hôm qua anh đến chơi đây/ Giầy dôn anh diện, ô tây anh cầm/ Rạng ngày sang trống canh năm/ Anh dậy em vẫn còn nằm trơ trơ/ Hỏi ô, ô mất bao giờ!/ Hỏi em? Em những ỡm ờ không thưa!/ Sợ khi rày gió mai mưa/ Lấy gì đi sớm về khuya với tình!

 

Hay nhất là sự ông đã hiểu vì sao ô mất, và ai lấy mất ô. Những cử chỉ khả nghi của người bạn hát: Anh dậy em vẫn còn năm trơ trơ. Với lại: Hỏi em? Em những ỡm ờ không thưa!

 

Đủ chứng cho ông rõ. Nhưng nhà thi sĩ không cần để ý đến chuyện nhỏ nhặt ấy; thương tiếc, tức giận, sợ bà Tú hay chăng? Nào ai biết! Nhà thi sĩ chỉ than một câu, nó tình tứ biết bao, ý vị biết bao!

 

Sợ khi rày gió mai mưa/ Lấy gì đi sớm về khuya với tình! Thật là cứu được cả sĩ diện mà tỏ ra một người si, ngoài chữ tình, không thèm kể một vật gì, dù là một cái ô tây cũng vậy!…”. Phân tích như thế quả là chí lý.

 

Những năm gần đây, đang tự dưng tự lành, không hiểu sao lại có một số người cho rằng, ở câu hai của bài thơ phải đọc là “Giầy chân anh dận, ô tay anh cầm” mới là phải. Vì Tú Xương thường đi giầy Gia Định, ô lục soạn của ta chứ ông Tú không sính đồ tây. Nói thế thì cũng có lý, nhưng câu thơ mà như thế lại mất đi tính trào lộng, đâu còn là bút pháp Tú Xương! Vậy nên theo văn bản của Trần Thanh Mai, như tôi vừa trích là khả dĩ hơn cả.

 

Như vậy, ba người đàn bà có liên quan đến văn nghiệp của Tú Xương, có người xe tơ kết tóc trăm năm, có người là tình yêu trong tâm tưởng, có người chỉ là chuyện tình thoáng chốc, nhưng cả ba đều “táp” vào tài năng trác việt của Tú Xương, khiến tài năng ấy thăng hoa, phát sáng, hoài thai ra ba thi phẩm hoàn hảo, xếp đầu bảng trong mảng thơ trữ tình của Tú Xương, và cũng là những thi phẩm xuất sắc trong kho tàng văn chương Việt Nam.

 

Bà Tú (Phạm Thị Mẫn). Tranh của họa sĩ Trần Quang Trân vẽ sau khi bà Tú đã mất khoảng trên dưới 10 năm

 

Nghĩa Hưng, mùa đông năm 2007
Trich TPO

Lê Hoài Nam
Số lần đọc: 3002
Ngày đăng: 30.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giới thiệu Đồng hồ một kim của Phan Trung Thành ,NXB Văn học, 2008. - Inrasara
Khôi Vũ - Vỡ dần trong mắt - Trần Đức Tiến
Hoàng Đình Quang , Kẻ lưu lạc nơi cánh đồng - Lê Huy Mậu
Vị Tổng biên tập Tạp chí Văn Học một thời - Phạm Quang Trung
Orhan Pamuk , lưu vong như là một định mệnh - Inrasara
Đi…và tìm thấy người bạn - Inrasara
Vài kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) - Trần Đức Tiến
Tỉnh lẻ - Nhà văn - Người đẹp - Trần Đức Tiến
Về đâu Thiện ơi? - Lê Huy Mậu
Chân dung văn nghệ : Nhà tôi số một trăm sáu chín... - Trần Đức Tiến