Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.158
123.224.551
 
Bài học năm chữ
Nguyễn Mỹ Nữ

Tôi học cấp một ở trường Nguyễn Công Trứ, Qui Nhơn. Giáo viên phụ trách lớp ba của chúng tôi là thầy Nguyễn văn Trọng. Thầy có dáng dấp rất nghệ sĩ. Ốm và cao. Tóc bồng bềnh và ăn mặc chải chuốt. Đi giày mũi nhọn và nói giọng miền nam. Đến trường trên một cái xe Solex đen tuyền. Phải nói thầy rất là ấn tượng đối với lũ học trò chúng tôi, ngày ấy.

 

Học trò trường tôi toàn là dân khu Hai, mà hồi đó, nhắc tới dân ở đây, ai cũng thấy… ái ngại. Nào là dân khu Hai ăn ở bừa bãi, hung dữ, hỗn hào… Nào là dân khu Hai bài bạc… Bởi đó bài học đầu tiên của thầy, chỉ xoay quanh chuyện này. Như không được đánh giá bất cứ một việc gì theo đám đông, muốn cho người khác nghĩ là gia đình mình tốt, cái nơi mình ở tốt thì chính mình phải ráng sống tốt đã. Và thầy kết luận bài giảng dạy của mình trong năm chữ: “Phải có tính độc lập”. Một bài học, ngẫm ra, là quá cao, so với nhận thức của chúng tôi thuở đó. Nhưng khi đã nếm trải mùi đời, đã sống với đủ mọi hạng người và lăn lóc khắp nơi, tôi mới nhận ra hết giá trị của bài học ngày ấy và biết ơn thầy, dù là trong thầm lặng.

 

Những năm tháng đó, thành phố này đầy người Mỹ. Gần trường chúng tôi có một doanh trại của lính Mỹ. Ăn theo doanh trại này là gái điếm, trẻ đánh giày và vô vàn tệ nạn khác. Còn nhỏ và vốn sẵn tính tò mò, đôi khi chúng tôi cũng có dòm, liếc, ngó nhiêng… gì đó chút đỉnh. Về điều này, trên bục giảng, thầy nói dứt khoát: “Cấm” và sau đó là những dẫn chứng đầy tính thuyết phục. Lời thầy đi vào trí óc non nớt của chúng tôi. Thấm vào tâm hồn của từng đứa một. Thế là chả đứa nào còn dám, ngay cả một đứa rất là táy máy như thằng Hùng “địa” nhà ở chợ Xổm. Nhưng đã hết đâu, bởi cũng thường xuất hiện cái cảnh lính Mỹ ném kẹo bánh, chocolate… vào bất cứ nơi nào và lũ trẻ con chạy ùa đến rồi xúm lại giành giựt với nhau. Trong chuyện này, cùng với từ “cấm”, thầy nói thêm: “Người ta bố thí cho mình cái kiểu vậy, mà không biết căm tức sao? Phải hiểu đó là hành động nhục nhã và nhất quyết không được bắt chước mấy đứa đó. Nghe chưa?”.

 

 

Thầy còn dặn dò chúng tôi thêm nhiều lần, là phải: “Luôn tự nhắc nhở mình”. Câu dặn dò trọn vẹn năm chữ ấy, tôi đâu có ngờ, mình đã phải sử dụng thường xuyên trong cuộc sống, để khỏi bị sa ngã trước muôn vàn cám dỗ của cuộc đời. Thêm nữa một bài học của thầy tôi hãy còn nhớ. Nhớ với lòng tràn  dâng sự biết ơn.

 

Tôi chỉ thích học môn văn và học tốt môn này. Còn các môn khác tôi học như cho có vậy. Tôi dốt toán và quá lười học bài, bởi vậy đâu có thầy cô nào chịu. Tôi bị la luôn. La từ lớp nhỏ cho tới lớp lớn. Tôi nhận ra chỉ có một người không la tôi. Người đó không ai khác hơn là thầy Trọng. Thầy chỉ nói với riêng tôi. Không những một lần mà rất nhiều lần, khi có thể: “Em giỏi văn thì sẽ có một cái nghề nào đó thích hợp, để mà đi theo. Làm nghề y cũng tốt và viết lách cũng tốt, chứ có sao đâu. Chỉ có điều những người mê văn, thường sống xa rời thực tại. Sẽ thiệt thòi nhiều. Thiệt thòi cũng đâu sao! Miễn là mình được sống như mình thích và phải biết chấp nhận tất cả, để theo đuổi cái sự ham thích ấy cho đến cùng. Phải nuôi dưỡng đam mê”. Một học sinh tiểu học mà phải nghe những lời khuyên kiểu đó, làm sao hiểu nổi? Thật may, tôi đã không quên và nhớ lại rất rõ năm từ sau cùng, và nhờ vậy mà trong công việc đã bao phen an ủi, vỗ về được chính mình, khi gặp phải những ngậm ngùi đắng cay.

 

Thầy Trọng là một giáo viên rất năng nổ. Thầy làm được mọi chuyện: tập hát, trang hoàng sân khấu, chỉ huy đội hình của từng lớp… Mỗi khi trường có hội hè hay lễ lạt gì là thầy túi bụi với trăm công ngàn việc. Thầy giống như là người tổng chỉ huy, dù chỉ chịu trách nhiệm bên đội văn nghệ. Tôi ở trong nhóm hợp ca và thi thoảng cũng được thầy giao cho làm hoạt cảnh hay là đóng kịch gì đó nhưng không ngờ, được thầy chỉ định làm người dẫn chương trình - một công việc vẫn được các thầy cô trong trường thay phiên nhau đảm nhận - . Thầy Trọng soạn sẵn lời giới thiệu. Tôi chỉ cần học thuộc lòng và việc này thì dễ nhưng… Thấy tôi quá lo lắng, băn khoăn, thầy liền hướng dẫn với chỉ năm từ gọn ghẽ và nhẹ tênh: “Nhìn thẳng, không cúi mặt”. Tôi hãy còn nhớ lần xuất hiện đầu tiên trước khán giả. Đêm ấy trường tôi diễn văn nghệ, nhân dịp trung thu. Đã tới lúc mở màn, mà tôi cứ đứng miết ở cánh gà. Chần chừ, chần chừ mãi… Hai chân như có ai buộc chặt, không cách gì nhấc lên nổi. Thầy Trọng tới gần, không nói một câu nào. Chỉ xoay mặt tôi ra phía trước. Đặt hai tay lên vai tôi và đẩy nhẹ ra sân khấu. Không thể dùng dằng thêm được nữa, nên theo đà thầy đẩy, tôi đành run rẩy bước tiếp và run rẩy đứng lại ở một vị trí… nào đó. Tai tôi ù đặc nhưng tâm trí lại hiện rõ hai chữ: “Nhìn thẳng”. Vậy là tôi nhìn thẳng. Chợt thấy thầy hiệu trưởng, tôi giật mình và cụp mắt xuống nhưng ngay lúc ấy giọng thầy Trọng như văng vẳng bên tai: “Không cúi mặt”. Thế là tôi ngước đầu và miệng tự nhiên mở, lời tự nhiên thốt ra: “Kính thưa…”. Nói được câu thứ nhất, cả người tôi như trút xong gánh nặng và sau đó mọi việc diễn ra hết sức trôi chảy. Lần làm MC đầu tiên của tôi là như vậy đó. Khi đang chín, mười tuổi và học lớp ba. Không tin nổi, cái nghiệp ấy đeo cứng lấy tôi từ hồi đó cho mãi tới bây giờ, khi đã qua tuổi năm mươi. Thật kỳ lạ! Tôi theo nghề một cách suôn sẻ, dù không có cơ hội học qua bất cứ một trường lớp nào vầ trụ được trên sân khấu với hành trang đem theo chỉ là một bài học vỏn vẹn có năm chữ thầy cho, ngày ấy. Vậy thì tôi phải tạ ơn thầy biết bao nhiêu đây cho đủ?

 

Mỗi một thầy, cô mà tôi đã được học, đều để lại trong tâm hồn tôi những dấu ấn khó phai mờ. Làm sao tôi dám quên? Riêng thầy Trọng, không phải thầy đã vạch sẵn cho tương lai của tôi những hướng đi phù hợp, bằng những khai mở và phương cách rất là độc đáo của mình đó sao! Tôi đã bao năm gắn bó với ánh đèn màu, từ hai tay của thầy, đặt lên vai đầy tin cậy và cái đẩy nhẹ ra sân khấu, lần đầu. Rồi nghiệp văn… Rồi là những trang viết chan chứa bao niềm vui và đâu phải là ít ỏi những nhọc nhoài thầm lặng. Những trang viết như trút cả vào đấy những đam mê, niềm say đắm… Những trang viết đau đáu lời thầy dặn, khi xưa.

 

Tôi không còn được gặp lại thầy, sau khi rời trường cấp một. Nhớ thầy nỗi nhớ rưng rưng, nhất là những năm sau này. Thêm tuổi, thêm những ngẫm ngợi, thêm rất nhiều những khoảng chùng lòng… Đôi khi, trong những giấc mơ, tôi tìm tới những đứa bạn lớp ba của mình ngày trước và gặp lại thầy tôi: ốm, cao, tóc bồng bềnh… và cái xe Solex đen. Còn những bài học của thầy? Những bài học luôn được gộp lại bằng năm chữ, thì chẳng cần tìm gặp ở đâu, bởi nó luôn ở ngay đây thôi. Ngay giữa tâm hồn và vẫn được tôi ôn lại trong những trăn trở của cuộc sống, mỗi ngày./.

Nguyễn Mỹ Nữ
Số lần đọc: 2359
Ngày đăng: 06.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kết thúc một cuộc đời ! - Trần Huy Thuận
Nhân đọc bài - Khổng Ðức
Khán giả nói gì về cải lương ? - Mai Văn Sang
yêu nhau cởi áo cho nhau - Chu Vương Miện
Chợ BÚT ĐIỀN: Dân thành Nam mình tốt thật! - Trần Huy Thuận
Hưởng ứng Dư Thi Hoàn : Đừng để người ta tìm đến Cát Bà tìm đọc thơ dở - Nguyễn Đức Thiện
Góp đôi lời bàn về tam nông hiện nay - Vũ Ngọc Tiến
Vũ Hoàng Chương - tìm quên trong men say - Trần Ngọc Tuấn
Hai phong co nui bai tho day roi ! - Dư Thị Hoàn
Nhập lưu HẬU HIỆN ĐẠI CUỐI CÙNG Hay Giải [minh & giải] oan cho một từ - Inrasara