Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.214.419
 
Quán bên sông
Lê Mai

Quán Uyển Lan đã thưa khách, tiếng nhạc dịu dàng thu nhỏ lại, ở một góc vườn cặp tình nhân cuối cùng dìu nhau đứng dậy. Chỉ còn ông Hiếu, ông ta bao giờ cũng là người về sau chót. Đêm nào cũng vậy, ông Hiếu đứng dậy tự tay xếp lại chồng ghế, sắp dọn từ bàn ông ngồi sang các bàn khác. Quán có người phục vụ, nhưng từ  lâu rồi ông Hiếu trở thành người khách quen đến độ tự xem mình như người nhà. Uyển Lan không thể từ chối lòng tốt của ông. Cô gặp ông từ khi mới  hợp đồng đất mở cái quán cà phê vườn này. Ông đã giúp đỡ cô rất nhiều, khi hình thành xong quán, ông còn giới thiệu, đưa khách đến ủng hộ. Ông góp ý và sưu tập cho cô giàn hoa lan, các loại hoa leo, cây kiểng, chọn giúp cô những đĩa nhạc hoà âm. Ông sành nhạc, từng trãi và lịch lãm, luôn luôn  tử tế với cô. Uyển Lan đã dành chỗ bàn riêng nơi góc ông thích. Ông  hay đến một mình, nhưng bàn ông ngồi luôn đặt sẵn hai chiếc ghế để Uyển Lan sau những vòng chào đón khách vào quán sẽ đến ngồi trò chuyện cùng ông.

 

Đêm nay, ông Hiếu không về. Khi những người giúp việc cho  quán đã về hết ông vẫn còn ngồi lại, quanh chỗ ông ngồi những tàn thuốc rơi vãi lác đác, thường thì ông rất ý tứ dụi vào chiếc gạt thuốc lá  trên bàn, hôm nay ông có vẻ buồn bả, đăm chiêu lắm. Uyển Lan không dám nhắc nhở người ân nhân rằng: Đêm đã khuya, sắp hai mươi bốn giờ rồi, chỉ còn chiếc bàn của ông là chưa dọn. Ông Hiếu không nhìn Uyển Lan, ánh mắt ông xa xôi vời vợi:

-Tôi đôi khi không biết mình về đâu!

 

Tiếng nhạc đang u trầm hát lên tâm khúc bơ vơ lạc lỏng :… “chẳng biết đâu là nhà…” cô cũng vậy, Uyển Lan thấy mình đồng tâm trạng, bơ vơ cô độc “lữ khách không nhà…”. Mưa khuya  ngoài trời rất nhẹ, phố tĩnh lẽ yên lắng, khung cảnh đất trời chìm sâu vào màn đêm tĩnh mịch. Trong ánh đèn mờ ảo chỉ còn người đàn bà lẻ loi và bóng người đàn ông mái tóc lơi lơi ẩn chìm trong màn đêm và khói thuốc.

 

Uyển Lan cảm thấy mình cô đơn tội tình, chạnh lòng cô nghĩ đến chồng – Hưởng, giờ này đang làm gì? – Sau chuyến hàng thua lỗ, anh bán xới nhà cửa ruộng đất, gia tài của người mẹ già để lại. Hưởng bàn với Lan rằng anh phải làm ăn xa xứ mới mong xây dựng lại sự nghiệp; vào thành phố có vài người bạn chí cốt sẽ giúp đỡ anh, bắt đầu góp cổ phần một cơ sở công ty “Hãy giúp anh, em cố gắng giúp anh giai đoạn đầu”. Cô nhớ từng lời van vỉ của chồng. Không có điều kiện đưa vợ con theo cùng lúc này. Hưởng đã ở trong thành phố. Một năm, hai năm rồi sáu năm…

 

Những năm đầu, tuần nào Hưởng cũng về với mẹ con   một hai hôm, lâu dần rồi thưa thớt, từng tháng, rồi nhiều tháng… Uyển Lan phải thông cảm cho Hưởng nhiều công việc bận rộn quá. Kể từ khi hai đứa trẻ  lớn lên, thằng An xong phổ thông cấp III, nó vào thành  phố thi đại học, đậu và ở với bố nó ở trong đó; con bé Bình nhong nhóng theo vào với bố, với anh. Thành phố lớn hẳn là nhộn nhịp đông vui, đầy sự mới lạ, đến hè là nó tự sắp xếp hành lý đòi mẹ cho vào trong. Thằng con trai mỗi năm về thăm mẹ mươi ngày, nó đã có việc, vừa học vừa làm thêm, thời gian đâu mà ở lâu với mẹ! Để cho con có cơ họi tiến thân cô đành chấp nhận hết. Uyển Lan nghĩ một ngày nào đó, khi có đủ vốn liếng để mua nhà thành phố, cô cũng sẽ vào ở với chồng con.- Đó là mục đích ước mơ.

 

Nhưng ngoài mục đích vật chất, thực tế con người ta còn có những nhu cầu khác, những đam mê đòi hỏi tình cảm khác, Uyển Lan đã phải  sống vò võ, canh cánh tự giữ mình. Cô đã được gì? Những ngày rộng tháng dài trói mình vào cái quán, quán càng có đông khách thì sự xa cách của cô với chồng con càng tăng. Cô chỉ có niềm an ủi là số tiền trong tài khoản ngân hàng tích tụ gần tới đích.

 

  đơn, đêm nay Uyển Lan cô đơn, đã bao đêm trường cô úp mặt khóc thầm, cay đắng, người ta có cặp, có đôi, vợ chồng con cái đề huề êm ấm, cô sao như cái bóng lầm lũi, thiếu vắng, trống không. Giận hờn nhiều khi len vào lòng, có những nghi hoặc trách cứ chồng; Hưởng ơi! Có biết dằng sau những đạo đức giáo điều, trách nhiệm và bổn phận, cô còn là một người đàn bà.

 

… Sao Hưởng lại vô tâm vô tình đày đoạ cô sống như một nữ tu? Có lẽ nào anh ta không hiểu biết gì sao? Hay có thể tình yêu quá nhẹ – Chỉ còn chút bổn phận trách nhiệm đơn điệu mà thôi!

Ông Hiếu  chặm nước mắt cho cô. Uyển Lan ngước nhìn, mặt thật sát kề, ông đứng trước cô bao giờ, cái bóng bao trùm xuống cô, đôi mắt van lơn chia xẻ, ông nhìn cô đầy lòng thương cảm trìu mến. Hưởng đã bao giờ tỏ lòng yêu cô và quan  tâm đến cô như vậy không? Nước mắt tủi thân tự nhiên tràn dâng, tràn dâng không ngớt, cô không cưỡng được vòng tay ông, những vuốt ve mơn trớn thật nhẹ nhàng, thật dịu dàng. Uyển Lan khát khao tê dại, chìm hẳn vào dục cảm đam mê đắm đuối như chưa bao giờ đắm đuối.

 

*

Bây giờ thì co âđứng trước một thực trạng. Giọng Hưởng lồng lộn:

- Vì sao? Cô có còn xem tôi ra gì không hả?

- Người ta nói đúng hay sai?

- Chuyện có hay không?

- Hả? Hả??

 

Hưởng trút dồn dập, hết câu này đến câu khác. Cô khóc, chỉ còn khóc, không thể mở  miệng van xin chồng tha thứ. Cô có lỗi, cô là người đàn bà hư hỏng. Trận đánh ghen hôm nào của vợ ông Hiếu… Cô đã bôi tro trát trấu lên  mặt chồng con, lên mặt mình. Ở cái tỉnh này tin đồn lan nhanh như gió. Giờ đây còn mặt mũi nào ngó ai?

 

Ông Hiếu có thấu tình cảnh này của cô đang gánh chịu? Một  mình, lại chỉ một mình cô trơ trọi. Những người đàn bà vượt cạn một mình như cô, không phải chỉ ở những lần sinh nở, mà cô đã từng bơi  vượt những chặng cuộc đời cô độc. Từ khi hai bàn tay trắng đến khi thuê mảnh đất vườn lồi lõm gạch đá vỡ và cây cỏ  hoang dại để lập quán: cô phải vay vốn, bươn chải, xoay  sở một mình… những lúc ấy thì Hưởng ở đâu? Chồng cô ở đâu? Cô đã phải nhờ đến ông Hiếu, sự sa ngã bây giờ đã bắt đầu từ  lúc đó. Uyển Lan chỉ là một người đàn bà, đàn bà thì có cứng cỏi tới đâu cũng chỉ là đàn bà, đàn bà luôn cần có nơi nương tựa, Hưởng đã làm được gì cho cô? Trong hai mươi năm chồng vợ, gần mười năm, cô đã sống khác gì chinh phụ ngày xưa? Cô với Hướng giống như hai con chim th rơm từ hai  phương trời về làm tổ – một cái tổ ước mơ nằm trong tương lai, thực tại cô còn thua những con sinh vật bé nhỏ mỗi buổi chiều về chung đôi…

 

Uyển Lan và Hưởng mới mua được một căn nhà khang trang trong khu phố Sài Gòn, tưởng là ước mơ hình thành, hạnh phúc mở cửa đón mời cô nhưng Uyển Lan ngần ngừ; cô không muốn rời bỏ cái quán đang ăn nên làm ra, cô lưu luyến bịn rịn khách quen, cô ngại khi phải làm lại sự nghiệp từ đầu và có thể cô lúng túng không biết phải đối xử như thế nào với ông Hiếu…

 

Giờ thì mọi việc  vỡ lỡ, Hưởng đã quay lưng bỏ đi:

-Từ nay cô không  được bước chân vào nhà tôi. Cô không có tư cách gặp các con tôi nữa. Thủ tục ly hôn tôi sẽ báo cho cô biết sau.

 

Uyển Lan hụt hẫng, cô đã mất các con, mất Hưởng mãi mãi. Cô muốn gào lên: Bất công, thật  bất công cho cô! Có những người đàn bà còn tội lỗi đáng trách hơn cô nhiều, cô chỉ nhẹ dạ nông nổi nhất thời thôi, tại sao Hưởng không tha thứ cho cô? Tại sao sau lúc nóng nảy rồi bình tâm lại, Hưởng không suy xét trước sau, nếu không phải vì anh, vì mục đích gây dựng mái nhà theo ý muốn của anh thì cô đâu phải sống xa chồng con, để bị cám dỗ sa ngã như vậy. Uyển Lan viết thư gửi  Hưởng tới tấp, cô gọi điện liên tục, tâm trạng như người điên. Hưởng – chồng cô đã trả lời lạnh lùng:

-Tôi không có gì để nói với  cô cả. Thư của cô để sau này làm bằng chứng cho các con hiểu việc làm của mẹ nó. Tôi không có lỗi gì cả.

 

Uyển Lan như chết ngất, gục ngã trước cú đòn hiểm độc của chồng. Cái nhà là một nửa vốn liếng, công sức của cô, xem như cô  mất trắng. Vì cô sẽ chẳng có chút can đảm nào để tranh dành quyền lợi, tranh với chồng tức là tranh với con, là tuyệt tình thật sự với các con. Cô còn hy vọng một ngày nào đó các con sẽ tha thứ cho cô; Hưởng đã lợi dụng đúng điểm yếu đó. Cô chợt hiểu ra, nơi đô hộ phồn hoa kia, quý ông sau những cuộc hội họp giao tiếp, là những cuộc ăn chơi mát mẻ phù phiếm…. Hưởng cũng là một người đàn ông thành đạt trong số đó; không ngoại trừ anh còn có thể có đào non, phòng lẻ – đó mới là lý do chính đáng để Hướng dứt khoát, kết thúc sự ràng buộc hôn nhân với cô. Uyển Lan chua xót quá, cô còn biết bám víu vào đâu?

 

Ông Hiếu ủ rủ như con chuột ướt, ông không dám đường hoàng đến với cô  nữa. Ông đã lừa dối cô rằng ông độc thân, vợ bỏ ra nước ngoài, ông không còn ai. Vậy  mà đột nhiên bà vợ dữ dằn dẫn đám con xông đến… Đau đớn  hơn nữa là sự trốn tránh của ông Hiếu:

-Em hãy gắng xin chồng tha thứ đi. Em còn trẻ đẹp chắc chồng em không nỡ bỏ em đâu!!!

 

*

Uyển Lan giở quán, trả đất. Cô về một  bờ sông xa khuất, nơi thiên hạ bắt đầu lập nghiệp. Có xót xa cay  đắng đến mấy cô cũng phải sống, phải mưu sinh. Quán cà phê mới của cô lại được lập lên, quán nằm ven sông trông thơ mộng hữu tình hơn trước. Khách bây giờ lại  sính thôn dã điền viên, thích xa phố bụi tìm nơi yên lành, nên khách cũ, khách mới tìm lại, quán cô lại đắt. Những kinh nghiệm tích trữ  được, cô học của ông Hiếu – Bài học đắt giá – Giờ thì cô tự biết nhạc, biết sắp xếp bài trí khung cảnh bắt khách cho quán của mình. Cô  lầm lũi làm việc, tích góp tài sản  cho các con, mơ ước và chờ mong một ngày  chúng về tìm mẹ.

 

Uyển Lan đè nén nỗi cay cực tủi hờn, cô tỉnh táo và toan tính quyền lợi, khinh thị  những cuộc tình ve vãn. Mặc người đời, những đôi mắt cười lấp lánh sự tọc mạch dèm xiểm. Cô chăm quán cà phê thật thơm ngon, quyến rũ được ngày càng đông khách, nhạc và khung  cảnh du dương huyền ảo, nhân viên phục vụ lịch sự năng nổ. Khuôn mặt bà chủ luôn luôn niềm  nở, nụ cười sẵn trên môi. Ai nào  biết được những gì trong đáy mắt.

Lê Mai
Số lần đọc: 2177
Ngày đăng: 06.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa cưới cho ai - Phạm Thanh Phúc
Ông ngoại tôi - Mang Viên Long
Khói và mảnh trăng khuyết - Nguyễn Lệ Uyên
Đôi khi người ta đùa cợt... - Trương thị Thái Hòa
Thời chiến - Trần Đại Nhật
Câu chuyện dở nơi mái hiên người - Nguyễn Mỹ Nữ
Đắng cay có lúc ngọt bùi - Phạm Ngọc Hiền
Huyền thoại về vợ tôi - Đào Hiếu
Điều bất ngờ đã đến - Mang Viên Long
Mái tóc ngày xưa - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Quán bên sông (truyện ngắn)
Thằng côi (truyện ngắn)
Một chuyến xa nhà (truyện ngắn)
Trong cơn mưa (truyện ngắn)
Tôi (thơ)
Một… (thơ)
Quyền được rên (truyện ngắn)