Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.211.741
 
Hà Thành siêu độc giả
Lê Mai *

Rất nhiều năm rồi, cư dân ở làng Hòa Mục, sau nữa ở tòa nhà tái định cư N5A, khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính, Hà Nội quá quen cảnh cứ sáng sáng điểm tâm bát cháo gạo lức, nhâm nhi chén trà hay nhấp vài ngụm sữa Ensure xong, cụ ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc, đeo kính lên rồi đọc. Đầu tiên là đọc lướt vài tờ báo ngày, báo tuần… Rồi đọc: Hồng lâu mộng, Báu vật của đời, Những người khốn khổ, Mật mã Da Vinci, Rừng Na-uy, Harry Potter… Rồi đọc Kiều, Chinh phụ ngâm, Hai đứa trẻ, Nỗi buồn chiến tranh, Cánh đồng bất tận… Rồi nghĩ. Rồi viết. Thi thoảng lại thấy cụ đi gặp gỡ bạn thơ… Cụ là nhà báo, nhà văn hay nhà nghiên cứu phê bình văn học? Không! Cụ chỉ là cụ bà Minh Mỵ lúc này đang thập thững bước vào tuổi 90.

           

Thuở ấu thơ, cụ theo cha mẹ lên sống ở bản Tạ Chan, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Vào những năm 20 - 40 của thế kỷ trước, cả một vùng từ chợ Bờ đến Tạ Bú - Tạ Chan - Tạ Khoa là nơi thâm sơn cùng cốc, ma thiêng nước độc. Nhưng hình như cái thiên nhiên hùng vĩ và kỳ bí ấy đã sớm dấy lên trong lòng cô bé niềm đam mê kỳ lạ với văn chương. Cô thèm học quá! Cô biết: Có học mới giải tỏa được nỗi lòng mình. Nhưng học ở đâu? Chỉ rừng núi mênh mông. Chỉ bóng người lắc rắc. Vậy thì ta tự học. Cô quyết thế! Và từ đó mỗi lần có dịp về Hà Nội, cô mua sách, mượn sách, nhờ mẹ, nhờ người thân, nhờ anh em, nhờ bè bạn giảng giải, giúp đỡ. Cứ thế, cô học như người khát được uống cốc nước trong, như người đói được bữa ăn ngon. Nhớ lần, khi cô khoảng 15, 16 tuổi, học giả Từ Ngọc Nguyễn Lân giới thiệu cô vào lớp “thính bàng” (dự thính) bậc Thành chung do thày Bùi Kỷ dạy tiếng Hán. Trong lúc bạn bè nhiều người “cúp cua” (trốn học) thì cô say mê, cần mẫn, nuốt từng lời của thày. Cô học chữ Hán, học tiếng Pháp, tập dịch thơ Đường. Một lần cô đọc bản dịch tiếng Hán, thấy Tản Đà dịch bài “Tầm ẩn giả bất ngộ”.

Nguyên tác của Giả Đảo:

 

Tầm ẩn giả bất ngộ

Tùng hạ vấn đồng tử

Ngôn sư thái dược khứ.

Chỉ tại thử sơn trung

Vân thâm bất tri xứ.

 

Tản Đà dịch:

Tìm nhà ẩn dật không gặp

Gốc thông hỏi chú học trò

Rằng: “Thầy hái thuốc lò mò đi xa.

Chỉ trong dãy núi đây mà

Mây che mù mịt biết là nơi nao.”

Báo Ngày Nay số 84 (7/11/1937)

           

Trò Minh Mỵ thấy từ “lò mò” không thích, cô liền vặn đầu dịch lại. Không phải cô không biết Tản Đà là bậc thần thơ thánh bút thời đó, nhất là trong lĩnh vực dịch thơ Đường, nhưng tính cô nó thế. Cô sửa lại hai câu đầu:

Gốc thông hỏi chú tiểu đồng

Rằng: “Đi hái thuốc thày không có nhà.

Chỉ trong dãy núi đây mà

Mây che mù mịt biết là nơi nao.”

           

Đưa bản dịch trình lên thày Bùi Kỷ, thày xem kỹ rồi thủng thẳng nói: “Em cảm nhận thơ Đường tốt đấy...” Ít lâu sau, khi gia đình đã về hẳn Hà Nội, ngẫu nhiên cô gặp bác Tản Đà ở hiệu sách Hương Sơn (hiệu sách của Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng - anh vợ Tản Đà) ở phố Hàng Bông. Cô mạnh dạn trình bày bản sửa của mình cho thi sĩ nghe. Lắng nghe xong, Tản Đà nghiêm trang hỏi: “Cô là trò của ai?” Cô rụt rè thưa: “Cháu là trò của thày Bùi Kỷ”. Tản Đà à lên một tiếng rồi như nói với chính ông: “Thảo nào…thảo nào…”. Sự uyên bác, lòng nhiệt thành, thái độ tôn trọng con người của các thày, các bậc tài danh mà cô được gặp đã như liều thuốc quí giúp cô càng học càng thèm đọc, thèm viết. Năm tháng đã đưa cô bé lên cô, lên mẹ, lên bà, lên cụ... Sự tự học, tự rèn luyện không ngừng đã đưa cô bé từ chỗ lạc vào lớp thính bàng sang tham dự những salon văn học đầy uy tín, đến sự kết giao tự nhiên với các bậc tài danh như Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Ngọc Giao, Thanh Châu… Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”... Việc nuôi mẹ già, nuôi con, dạy con không phải chuyện đùa nên cả chặng đường dài nhiều năm sau đó, bà phải dằn mình, nén mình với văn chương để cùng chồng chèo chống gia đình, nuôi dạy 5 người con không thua bè kém bạn. Những năm chống Mỹ, chồng bà - ông Nguyễn Văn Hợp làm báo, bà làm kế toán ở Cục chuyên gia, các con sơ tán mỗi người một nơi, gia cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng tủ sách gia đình vẫn đều đặn bổ sung nhiều cuốn quý tiếng Việt, tiếng Pháp.

           

Năm 1977 cụ về hưu, cả 5 con đã trưởng thành, thảy đều thành đạt. Lúc này, niềm say đắm văn chương trong cụ trào dâng như sông Đà vào mùa lũ lớn. Giờ thì không còn có gì có thể ngăn cản nổi cụ gắn với những cuốn sách. Cụ thỏa thê đọc, thỏa thê nghĩ, thỏa thê viết và thỏa thê nhàn đàm, trao đổi. Cụ sáng tác khá nhiều thơ mang mang hoài cổ, chỉ như một nhu cầu giải tỏa cho riêng mình:

Trăng hạ tuần mỏi mệt nằm nghiêng

Gió đưa lá úa rụng bên thềm

Có ai thao thức bên song cửa

Trăn trở vào ra đêm hết đêm…

 (Trăng muộn)

           

Cụ dịch rất nhiều thơ chữ Hán, thơ tiếng Pháp chỉ với mục đích duy mỹ, như:

Cầu tre mấy nhịp nghiêng nghiêng

Sông xanh in bóng niềm riêng hẹn hò

Chiều nay giăng lưới anh chờ

Vớt lên, hình ảnh người xưa trở về.

 (Ngẫu hứng của Favre)

           

… Đọc “Xuân Diệu - văn và đời”, thấy có những ông nhà văn hăm hở, thích thú kể về cái tật vặt của thi sĩ, cụ thấy nó thế nào ấy, khi mà Xuân Diệu đã mất! Cụ lục giở bìa sách của NXB Văn Học, tra danh bạ điện thoại, hỏi 1080… dò tìm bằng được số máy của Giám đốc NXB để nói rõ thái độ của mình. Theo dõi cuộc tranh luận về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, cụ thích những bài viết của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Văn Tâm, thế là cụ lùng đọc “Tản Đà - một khối mâu thuẫn lớn”, “Góp lời thiên cổ sự”… Rồi một lần, ra hiệu sách trên đường Hai Bà Trưng, thấy có cuốn Văn Tâm viết về Đoàn Phú Tứ - người mà cụ hằng mến mộ qua tác phẩm nhưng chưa thấy ai viết về ông, cụ liền mua về, đọc liền một mạch gần ngàn trang sách. Sau đó, cụ gọi điện cho Giám đốc NXB Lữ Huy Nguyên. Cụ bảo, hay lắm, viết giỏi lắm! Nhưng tôi vẫn muốn gặp riêng trao đổi thêm với tác giả. Vốn biết nhà nghiên cứu, phê bình văn học Văn Tâm nổi tiếng là người nghiêm cẩn trong viết lách, lại muốn tặng bạn niềm vui bất ngờ (nhà văn nào chẳng thấy hạnh phúc khi biết có một độc giả như vậy) nên Lữ Huy Nguyên vui vẻ nói: “Cảm ơn cụ đã quan tâm đến sách của NXB! À mà… anh Văn Tâm đang bệnh nặng, cụ có muốn đến thăm không, đây là số điện thoại, địa chỉ…” Được lời như cởi tấm lòng, cụ đến ngay đường Phan Bội Châu thăm tác giả Văn Tâm. Mối thâm giao giữa cụ và anh Văn Tâm, chị Cam - vợ nhà văn, bắt nguồn từ cuộc gặp hy hữu ấy. Có lần cụ góp ý với Văn Tâm: “Ở cuốn  Đoàn Phú Tứ, anh viết về vụ án Trần Dụ Châu năm 1948, ta xử bắn 2 người, nhưng hồi đó tôi đang ở Thái Nguyên, trực tiếp đi xem, chỉ thấy bắn 1 người thôi. Còn ở một cuốn khác anh viết về việc cô Nga (sau này là bà Hoài Thanh) dám đi bộ xuyên Việt, cô họ Phan chứ không phải họ Nguyễn như anh đã viết.” Có lần biết cụ đang ở TP Hồ Chí Minh, anh Văn Tâm vẫn kỳ công nhờ học trò mang sách đến tận nơi gửi tặng. Ngày anh Văn Tâm mất, cụ buồn lắm! Ơn trời còn có chị Cam để cụ đi lại thắp nhang, trò chuyện, thi thoảng chị còn tặng cụ sách mới in của chồng.

           

Lần đọc “Cung oán ngâm khúc” (Lưu Hoài dịch sang tiếng Pháp bằng thể thơ tự do- NXB Văn Học năm 2001), cụ chợt thấy đoạn dịch tâm sự của người cung phi có sự nhầm lẫn về thời điểm. Thế là cụ lại lật bìa sách, lại tra danh bạ điện thoại, hỏi 1080… để tìm người cần trao đổi. Và còn bao nhiêu chuyện như thế nữa. Vui nhất có lần cụ đọc truyện ngắn gì đó của Triệu Huấn, thấy cốt truyện đầu Ngô mình Sở, chẳng ra văn phong của người viết truyện “Sao đen”, liệu có sự nhầm lẫn nào chăng? Cụ hỏi 1080, gọi điện ngay cho tác giả, khiến Triệu Huấn sững người đáp: “Lần đi trại sáng tác ở Đồ Sơn, Xuân Thiều đề nghị mọi người cùng viết truyện tập thể, mỗi anh viết một đoạn rồi lắp ghép lại thành truyện đọc cho vui, nào ngờ nó lại rơi vào tập truyện của em, chị ạ! Em lấy sách về nhưng đã kịp đọc đâu!...” Kể từ bữa đó, tình bạn vong niên giữa cụ với nhà văn Triệu Huấn hình thành và gắn bó. Lúc sinh thời, thi thoảng, nhà văn Triệu Huấn lại đạp xe đến thăm “bà chị”, cả ở Hà Nội lẫn TP Hồ Chí Minh, và lâu lâu, ở đầu dây điện thoại bên kia, nhà văn Triệu Huấn ấm lòng nghe giọng cụ: “Cậu viết vừa vừa thôi. Viết là hại người lắm, con tằm rút ruột mà. Nhớ giữ gìn sức khỏe!…”  

           

Là người say mê văn chương nên cụ rất yêu quý, tôn trọng các nhà văn, nhà thơ. Tình yêu của cụ với tác phẩm của họ có cái gì đó mang mầu sắc tôn giáo, cụ đọc thật chăm chút, tỉ mẩn, tựa như ông Từ cẩn trọng lau rửa các pho tượng quý trong chùa, miếu cổ. Những ngày khốn khó của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, cụ vẫn thường đi lại hay chí ít là hỏi thăm Trần Dần, Phùng Quán,…, nâng niu tác phẩm của họ. Đọc bất cứ một tác phẩm của ai nếu thấy có một chút gợn, một chút bụi là cụ tìm cách trao đổi ngay với tác giả để tác phẩm thêm toàn bích. Không ít người được cụ sửa nắn cho bài viết khi bàn về truyện Kiều, thậm chí gợi hướng mới lạ cho họ viết. Tấm lòng thanh cao ấy được nhiều nhà văn, nhà thơ như: Văn Tâm, Bùi Hiển, Triệu Huấn, Trương Nam Hương, Hà Văn Thùy… xúc động đón nhận, suy tôn cụ là “SIÊU ĐỘC GIẢ”. Ấy thế mà, có một nhà văn cỡ “cây đa cây đề” hẳn hoi lại nỡ phũ phàng. Chuyện là thế này: Thời tiền chiến chẳng hiểu vì sao ở Hà Nội rộ lên cái mốt các tiểu thư khuê các cứ thích lao đầu xuống hồ tự tử. Cô Tuyết Hồng (chị gái của nhà thơ Đinh Hùng và là em vợ Vũ Hoàng Chương) tự tử ở hồ Trúc Bạch gây xôn xao dư luận một thời. Chuyện chỉ có thế, song cái ông nhà văn đó trong cuốn sách dày cộp của mình lại bảo sự kiện trên là cơn cớ để người khác viết nên cuốn “Tuyết Hồng lệ s(!?) Ô hay, “Tuyết Hồng lệ sử” là cuốn tiểu thuyết ở tận bên Tàu, tác giả là Từ Trẩm Á thì có liên hệ gì với việc cô Tuyết Hồng tự tử ở hồ Trúc Bạch - Hà Nội. Cho rằng nhà văn này trong giây phút sao nhãng hay ngẫu hứng mà nhầm lẫn nên cụ lại giở bìa sách, lại tra điện thoại, lại hỏi 1080, lại hỏi bạn bè để được gọi điện báo cho tác giả biết, mong đừng để hạt bụi đó vương trên gương mặt sáng ngời mà cụ hằng quý trọng. Nào ngờ bên kia đầu dây vợ nhà văn thoạt nghe, chắc tưởng ai đó muốn cầu thân, không trả lời và đột ngột cúp máy. Không tự ái, cụ viết thư nói rõ những điều mình biết gửi cho tác giả, hy vọng lần tái bản sau sẽ không còn vết xước. Rồi cụ đợi, cụ đợi…

           

Năm ngón tay còn có ngón dài ngón ngắn, huống chi là cả biển người. Gác chuyện buồn kia sang một bên, cụ lại đọc, lại nghĩ, lại viết, lại đàm đạo với bất cứ nhà văn nào, nếu tác phẩm của họ lọt được vào đôi mắt thẩm văn của cụ.

           

Giờ đây, cụ là “thư viện sống” với cánh viết lách tuổi con, tuổi cháu chúng tôi. Nghe nói, chỉ hầu chuyện cụ một buổi, anh con rể nhà văn của cụ đã viết được cả một loạt bài về làng văn, làng báo An Nam đầu thế kỷ XX khiến cả nhà đùa, đòi anh chia nhuận bút cho mẹ vợ. Nếu cần cụ có thể nói hết ngày này qua ngày khác cho bạn nghe biết bao điều bổ ích về nhiều tác giả, tác phẩm mà bạn quan tâm. Với giọng nói rõ ràng, khúc triết, giàu cảm xúc, đầy trí tuệ, người nghe chắc sẽ lịm đi, bị cuốn theo câu chuyện của cụ, quên cả khái niệm thời gian. Chẳng thế mà nhà thơ Hải Như sau lần đến thăm cụ, ông phải thốt lên: “Ngồi nói chuyện với chị một buổi bằng đọc mấy cuốn sách!”

           

Hiểu được tấm lòng của cụ, biết được tầm tri thức của cụ, tôi đâm hoảng khi nghe cụ răn đe: “Các vị nhà văn, nhà báo không biết độc giả, nhưng hãy ghi nhớ, độc giả họ biết các vị rõ lắm!” Tôi giật mình, phân vân tự hỏi: Mình đã viết những gì rồi nhỉ? Và lại chợt nghĩ: Các nhà văn, nhà báo nước mình và các độc giả tầm cỡ như cụ nếu được đặt gần nhau thì ai sẽ làm rạng ai? Lòng tôi chợt thấy vui vui thầm nhủ, ai đó đừng quá lo lắng cho sự xuống cấp của nền văn hóa đọc nước nhà, bởi chúng ta vẫn còn những độc giả như cụ bà Minh Mỵ…

Ảnh : Cụ Minh Mỵ và Cụ Hồng Châu bên bàn thờ Nguyễn Bính

Hà Nội, 5/2008

Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ số 26, ngày 28/6/2008

Lê Mai *
Số lần đọc: 3540
Ngày đăng: 08.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện đàn ông theo vợ “vượt cạn” - Nguyễn Hoàn
Hai mươi năm và nhiều hơn thế… - Trần Trung Sáng
Về thăm Quê Xép - Nguyễn Thuỵ Nhã
Vĩnh biệt ông: nhà văn Xuân Sách - Nguyễn Đức Thiện
Khởi sắc U Minh - Nguyễn Thuỵ Nhã
Đất của mẹ - Võ Ðắc Danh
Hoàng Phủ Ngọc Tường : Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh - Nguyễn Hoàn
Cimexcol minh hải, 20 năm oan án. - Đặng Huỳnh Lộc
Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam - Nguyễn Hoàn
Tường trình buồn từ đồi Thi nhân - Lê Hoài Lương
Cùng một tác giả
Cho nó có đạo đức (truyện ngắn)
Cún khóc (truyện ngắn)
Người đóng thế (truyện ngắn)
Tìm cha trong gương (truyện ngắn)