Trong vô vàn bài thơ của xứ Huế cổ kính, mộng mơ, có những vần thơ xao lòng của hai tác giả đã tìm cho mình một cõi thơ riêng từ cuộc đời khổ nhọc: Phương xích lô (Nguyễn Văn Phương) và Mẫn xích lô (Phạm Huy Ngữ).
Hơn mười năm trước, khi Phương xích lô thường la cà với phố phường Đà Nẵng, anh đã được nhiều người biết đến qua những bài thơ là lạ: Xích lô hành, Bác xích lô Hà Nội...
Với một thân hình vạm vỡ khá chuẩn, nghe đâu trước khi đạp xích lô, Phương có thời gian chuyên đứng làm mẫu cho sinh viên Trường Mỹ thuật Huế học vẽ khỏa thân. Cuộc sống có nhiều xáo trộn và khó khăn hơn, anh thường khăn gói đi thăm bạn bè tứ xứ, rồi lại về Huế đạp xích lô và làm thơ tiếp...
Tính anh trầm lặng, ít nói nhưng trong những cuộc rượu thì thích đọc thơ liên miên. Trong số rất nhiều sáng tác của Phương, Xích lô hành vẫn được thích và nhớ nhiều nhất. Có một cái gì vừa bông lơn, bỡn cợt, chua chát mà lại rất thơ:
Ngươi xích lô hề! Ta xích lô
Từ đây thôi phải đạp xe thồ
Trước chơi hai bánh, chừ ba bánh
Trước chở một cô, chừ bốn cô
Gác cẳng chờ hàng bên bãi vắng
Dựa lưng đợi khách dưới cây to
Dù sao cũng phải còng lưng đạp
Còn ở trong ngành vận tải thô
.......
Nhiều năm sau, trong một lần gặp nhau tại ga xe lửa Huế, Phương đã chép tay tặng tôi trọn vẹn bài Xích lô hành. Không thể ngờ nổi vào mùa hè không lâu sau lần gặp đó, Phương đã qua đời trong một tai nạn bất ngờ. Những ai ít nhiều quen Phương đều biết đời anh là một bi kịch đầy ngang trái, gần như là một định mệnh gắn liền với bài Xích lô hành:
Ngươi xích lô hề! Ta xích lô
Đạp cho xong hết một đời mơ
Chở bao đau thương về nghĩa địa
Chở những hạnh phúc đến tuổi thơ
Nhưng có điều trước kia tôi cứ ngờ ngợ: phải chăng còn có một nhân vật đạp xích lô thứ hai đồng điệu với Phương trong bài thơ?
Bây giờ thì tôi đã hiểu: mới đây, sau khi Hội Văn nghệ và anh em thân hữu Thừa Thiên - Huế hoàn thành tập thơ Chở gió của Nguyễn Văn Phương, người có biệt danh là Mẫn xích lô từ Huế vào khoe với tôi tập thơ này và chỉ rõ bài Xích lô hành ghi tặng đích danh anh - Phạm Huy Ngữ.
Mẫn bỏ lên bàn tôi ngoài tập thơ Chở gió và nhiều di ảnh của Phương là cả xấp thơ anh làm. Tự giới thiệu về mình, Mẫn viết: “...Hiện đạp xe năm thứ 16 tại Huế, cùng vợ nuôi ba con ăn học. Mẹ già 80 tuổi lo chuông mõ sớm hôm ở xã Hương Vinh, Huế”. Đây là thơ của Mẫn xích lô:
Đôi ta hai bánh xích lô
lăn tròn
lăn tròn
mặt đường cơm áo
em ngược xuôi Chương Dương chợ cá
anh gò lưng xe phố thị Đông Ba
ngõ ngách nào rồi cũng nhớ thương
em hiền dịu như dòng xanh
quyến rũ
thương con lặn lội đò sông
thương anh em chịu đèo bồng
cùng thơ
Bây giờ dù thường xuyên có thơ in ở báo Thừa Thiên - Huế và cả các tuyển tập văn nghệ của trung ương, nhưng có lẽ suốt đời Mẫn vẫn tâm đắc mấy câu thơ viết từ khi còn tuổi hoa niên trên báo học trò.
Em là chim sâu nhỏ
hồn nhiên hót xuống đời
vô tình anh biết được
bẻ ná đứng nhìn chơi
(Chim sâu nhỏ)
Chính con “chim sâu nhỏ” ấy đã thủy chung đi vào dòng thơ lận đận của Mẫn suốt hàng chục năm qua:
Huế mình mưa rét tuần nay
em trong tay anh
thầm thì khấn nguyện
Cầu trời cho Huế nắng lên
cho con tung tăng góc trường trung học.
Thương mẹ già tóc trắng cuối thôn
Những chiếc lá bàng xanh
Thức cùng anh
Với nắng
(Những chiếc lá bàng xanh)
Thơ của Phương và Mẫn mỗi người một phong cách riêng, thường gặp gỡ ở một chủ đề cơm áo rất thật của đời thường nhưng Phương thì đẩy cảm xúc đến tận cùng chua xót, còn Mẫn chừng như trong nỗi đắng cay lại tìm thấy hạnh phúc ngọt ngào.
Có một điều chắc chắn: cả hai nhà thơ xích lô ấy đã góp phần vào diện mạo thơ Huế hôm nay./.