Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.087
123.232.848
 
Truyện cổ tích về một nghệ sỹ
Ngữ Yên

Năm anh lên mười thì gia đình có cái tang lớn:cha bị tai nạn giao thông trên đường về nhà, hôm ấy ông già qua đèo Hải Vân trở về Huế thì bị một đoàn công xa Pháp lấn lướt ông té xuống không ai hay biết,chỉ những người phu đi rừng phát hiện,người ta chở ông đi cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn màng…

 

An táng xong thân phụ dưới chân núi Ngự,bị cú sốc mạnh trong đời anh bỏ bê việc học, xa ngôi trường Thiên Hựu ngày nào của thời niên thiếu gợi cho anh nhiều kỉ niệm,những cảm xúc đầu đời,những bạn bè thân thiết ở đó.Sự ra đi đột ngột của người chồng đã làm gánh nặng gia đình oằn trên vai mẹ anh với tám người con thơ dại, bà mở một tiệm tạp hoá để sinh sống qua ngày. Anh có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc,lúc nhỏ nghe qua một bài hát có thể chơi guitar lại y như vậy,sau một thời gian cậu tĩnh tâm đi học trở lại. Hồi ấy sáng sáng như bao học sinh khác chạy theo mode: Cậu mặc áo gilê,ria mép lún phún, vài cuốn tập vo tròn nhét sau túi quần chạy ngông nghênh đến lớp bằng chiếc xe cuộc hiệu Alcion rất hách,anh rất mê thể thao nhất là môn võ Judo hằng đêm đều siêng đến võ đường tập luyện, sau nầy bị tai nạn thập tử nhất sinh trong một trận đấu với người em nên bỏ luôn con đường thể thao.

 

Âm nhạc bắt đầu len lõi trong con người anh.Trong một lần đến chơi nhà người bạn là ca sỹ, anh ngất ngây trước sắc đẹp của cô em gái nàng, một tình yêu dữ dội như một cú coupe de foude làm anh đã sáng tác ra một bài hát mở đầu cho sự nghiệp âm nhạc của mình,tình cờ một người bạn học cùng thời nghe được đã thốt lên :- Toi sẽ là một người tài hoa sau nầy,nhưng sẽ là một phiến tài tình thiên cổ lụy vì lời bài hát nghe buồn quá:-buồn ơi trong đêm thâu ôm ấp dùm ta nhé,…rồi lại:- buồn đi trong đêm khuya buồn rơi theo đêm mưa….Con người nầy rồi sẽ khổ,sẽ cô đơn,tại sao lấy cái buồn mà ôm ấp,cái mà thế nhân hằng xa lánh chán chường…

 

Cũng vì yêu mà anh trả cái giá rất đắt cho cuộc đời,sau bậc trung học bạn bè đều đăng khoa cả,còn anh rớt tú tài năm đó.Thường thường anh hay đến người thầy dạy Pháp văn chơi rồi để ý con gái rượu xinh xắn của thầy, dù anh rất giỏi môn nầy và được thầy thương nhưng ai dám gã con gái cưng cho anh chàng lãng tử tối ngày ca hát chả biết tương lai đi về đâu. Dầu thất bại lỡ dỡ trong cuộc tình, nhưng nỗi nhớ thương khôn nguôi làm anh xúc cảm viết bài hát tặng nàng trong đó có một câu mang ý nghĩa triết lí rất lớn:..Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau……sỏi đá những vật vô tri vô giác còn phải tìm đến nhau huống chi con người tại sao ta không thương yêu gắn bó với nhau?

 

Buồn quá anh trở về cao nguyên nơi anh sinh ra đời nhưng rồi cũng không còn ai ở đó, anh đi thẳng một nước vào Sài Gòn cũng chưa định làm gì.Sài Gòn ngày ấy là chốn phồn hoa đô hội làm cho cậu học trò đất thần kinh phải choáng ngợp,bạn bè đã thẳng tiến cả rồi còn anh đang đứng lơ ngơ trước cuộc đời phải thành đạt mới hi vọng sống nổi, vì là người anh cả trách nhiệm trước gia đình rất nặng nề vì còn sau lưng cả bầy em thơ dại.

 

Không có gì lạc quan ở Sài Gòn,theo chỉ dẫn bạn bè anh lần ra phố biển học sư phạm mong trở thành một thầy giáo làng hi vọng có đồng lương phụ giúp gia đình,thôi rồi chấm dứt một giai đoạn lãng du.Nhưng tình yêu âm nhạc,sự đam mê một lần nữa đã phá vỡ mộng ước trở thành thầy giáo của anh, đúng như người bạn ở Huế khi xem chỉ tay cho anh đã nói ”Hình như đường sinh mệnh trên bàn tay tài hoa nầy có một nhánh rẽ vào tình sử” câu nói đó như một định mệnh làm suốt đời anh phải lận đận vì tình duyên? tại phố biển anh đã lập ra ban nhạc và lao vào cuộc chơi rồi yêu say đắm Bích Hà một ca sỹ trong ban nhạc,tình duyên của người nghệ sỹ kẻ lãng du chỉ tạo cảm xúc chứ không thành duyên nợ được.Hà yêu anh nhưng còn ràng buộc bởi gia đình lễ giáo,một cô giáo dạy học lấy anh chàng lãng tử nầy thì tương lai sẽ về đâu? Hai người chia tay ,lúc trên bãi biển về đêm hai người ngồi im lặng anh lấy tay vẽ vẽ trên cát những nốt nhạc và hát khe khẽ: Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về…tới câu: triều sương ướt đẫm cơn mê trời cao níu bước sơn khê..Hà bật khóc nức nỡ vì thấy tên mình và tên người yêu nằm kề bên nhau  trên bờ cát Thế là bài hát ra đời  sau nầy để lại bao ngẩn ngơ cho người thưởng ngoạn.Hình như có một số phận đã định sẵn cho anh mỗi lần yêu là mỗi lần có bài hát ra đời,một bóng hình người con gái và tan vỡ…

 

Anh đã lớn lên trong chiến tranh, lắng đọng những nỗi buồn đau con người, không làm ông đồ trở lại Sài Gòn lần nữa làm cuộc dấn thân , đất nước ngày đêm tiếng súng , bạn bè kẻ mất người còn. Sài Gòn lúc đó như một lò lửa với những cuộc xung đột và biểu tình triền miên và một cây guitar thùng anh cứ hát say mê từ giảng đường nầy qua giảng đường khác thậm chí cả ngoài đường phố ,chiều về quạnh hiu trên con hẻm khu Bàn Cờ tá túc cùng bạn bè:

 

Chiều chủ nhật buồn

nằm trên căn gác điều hiu

ôi! tiếng hát xanh xao của một buổi chiều

bạn bè rời xa chăn chiếu

ô hay ! mình vẫn cô liêu

 

Không biết ai đã viết trên vách anh câu thơ đó sau thành bài hát bạn bè rất thích . Anh em văn nghệ sỹ thường xuyên đến đây chơi gọi là cái ổ trốn lính . Sài gòn lúc đó ,không ai nghĩ rằng đã được thượng đế ban phát cho một vì tinh tú âm nhạc

 

Năm đinh mùi có một lần anh lên xứ sương mù nghỉ mát ,đi lang thang vào một phòng trà nhỏ bên đường nghe nhạc , vô tình anh đã phát hiện ra tiếng ca liêu trai một cô gái tên Mai, như một dự báo , họ đâu biết rằng đó chính là cuộc gặp gỡ trùng phùng lịch sử , tạo một  vầng sáng trong bầu trời âm nhạc bắt đầu từ đó . tiếng hát Khánh Mai đã làm cho ca khúc anh có thêm một xúc tác mới như một chất á phiện làm mê hoặc bao thanh niên nhưng cho người ta hiểu thêm cái đẹp và yêu thêm đất nước con người Việt Nam . Anh và Mai  hát bất cứ ở nơi đâu.Mai đi chân đất ,anh một guitar thùng hát trong học xá,trên  giảng đường , các hội quán sinh viên , trên những đường phố “ Việt Nam ơi ! còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau, triệu chân anh ,triệu chân em hỡi ba miền vùng lên cách mạng …”

 

Tình yêu đã đến lại tan vỡ như một tiên cảm , cô ca sỹ trở thành nữ hoàng âm nhạc đã không còn mặn nồng với anh nữa và xa lánh những con người dung dị đầy tình dân tộc ngày xưa . Buồn quá, anh mượn rượu giải sầu, nhất là từ khi Mai mở phòng trà ( bằng vốn bao năm hát những ca khúc anh ) Mai đãi ngộ anh bằng cách cho một bàn riêng biệt , để ở đó, chiều chiều trong cốc rượu sóng sánh anh nhìn phố phường xe ngựa ngược xuôi mà chiêm nghiệm lại cuộc đời … bạn bè hỏi sao hai người không lấy nhau , anh lắc đầu ,có lần Mai đến thăm hỏi : - Anh bảo anh yêu tất cả mọi người, tại sao không một lần nói yêu em ? anh chỉ im lặng, sau đó Mai đi lấy chồng .Mùa xuân năm sau anh về Huế thăm gia đình, không ngờ anh kẹt luôn ngoài đó qua cuộc tổng công kích Mậu thân. Anh sống cùng những người cách mạng ,ca hát cho họ nghe anh thích thú quá đã cho ra đời một lọat ca khúc phản đối chiến tranh .Nhân dân quá đau thương thống khổ vì anh đã thấy tất cả : Tôi đã thấy người ta bồng bề nhau chạy trốn… tôi đã thấy một người mẹ ôm xác đứa con…

 

Anh như mãn nguyện, về Sài Gòn kể cho bạn bè nghe về ngày tháng sống bên những người yêu nước, họ đã cho anh lấy lại cách sống, cách nhìn mới bài hát của anh tuy không có chính kiến rõ ràng,  nhưng với những lời ca tình tự dân tộc phản đối chiến tranh như một cầu nối cho những người yêu nước gặp nhau làm bất lợi cho chính quyền Sài Gòn. Không làm gì được anh, có lần Tổng nha cảnh sát mời lên yêu cầu anh giải thích rõ những từ ngữ mập mờ trong ca khúc, nếu không sẽ cấm phát hành họ nói nhìn những mùa thu đi là gì ? là mùa thu nào ? tại sao ở đây mà có nỗi buồn trên ấy ? hay mưa hồng là ám chỉ gì ? chứ làm sao có mưa hồng được? họ hoạnh hoẹ không được anh, cứ rình rập mãi trong các buổi trình diễn, nhưng sống trong vòng tay thân ái của bạn bè và người dân đùm bọc ,tiếng hát cứ ngân vang mãi .Có một lần, lão nghệ sỹ người bạn vong niên, bao năm xa cách từ phương Bắc vào thăm anh lão nghe nhạc anh một hồi và phán đây là một người ca thơ .Bỏ đi giai điệu, anh sẽ có một tập thơ đồ sộ rất hay .Thật vậy người ta nói trong nhạc anh đậm chất thơ , thậm chí nó đứng riêng ra cũng rất hay. Nghe lão nghệ sỹ này nói chí phải hai người hàn huyên suốt đêm, đến sáng tiễn lão ra phi trường chờ hoài không thấy ,thiên hạ nhốn nháo lên, trong đó có bà xã lão nữa ,ai ngờ trông thấy bóng dáng lão trên chiếc xe ôm. Hỏi ra ,vì người xe ôm biết tên tuổi ngưỡng mộ tài danh, trăm năm mới gặp một lần nài nỉ quá làm vài chén rượu ,mà lão bỏ đi không đành nên trễ hẹn cùng mọi người.

 

Đây là hai người nghệ sỹ tài hoa phong nhã ,nhưng trường phái sáng tác thì khác nhau: lão nghệ sỹ thì mãi mê lo chốn thiên thai đào nguyên huyền ảo xa xăm, còn chàng nhạc sỹ lãng du nầy chỉ nghĩ đến địa đàng những cát bụi rong rêu

 

Giải phóng đến như một ước nguyện bao năm đã thành hiện thực ,trong niềm vui dân tộc ngày chiến thắng anh chạy đến Đài phát thanh Sài Gòn hát say mê cùng những người bạn trong chiến khu ra, họ vỗ bàn hát với nhau như một hoan ca mừng chiến thắng:.. Anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng… trời rộng bàn tay ta nắm nối liền một vòng tử sinh…   lòng anh khắp khởi và đi khắp đất nước để sáng tác về con người ,về tình yêu, về dân tộc ,từ những vùng rừng núi xa xôi ở miền Trung cho đến miền miền Tây  hoang dã.

 

Miền tây lúc đó là một vùng đất lạ đối với anh, nhưng ở đây rất hào sảng đón nhận người nghệ sỹ như người con dân tộc bằng cả tấm lòng, anh uống rượu mắt mèo nhắm con cá đồng cùng nông dân, như một sự viên mãn .Nửa đêm gió lộng bốn bề ,anh cùng người bạn chạy dọc trên phố Tây Đô cười nói hả hê :- Trần Long, mình sung sướng quá ! sung sướng quá!

 

Thấy anh gầy guộc, cuộc sống đạm bạc ,có người gợi ý đi nước ngoài .Anh thừa biết với một gia sản âm nhạc đồ sộ ,anh đủ sống sung sướng bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng anh từ chối, làm sao bỏ quê hương được, khi mà các ca khúc của anh canh cánh tình dân tộc ,một trái tim máu thịt với quê hương. Anh như cái rễ cây đại thụ lan tỏa sâu vào lòng đất ,không dễ bứng đi nơi khác mà sống được ,không bám chặt ,không tươi tốt được đâu.

 

Có người con gái từ xa đến Sài Gòn lập nghiệp, lần đâu nghe tiếng hát nàng anh rung động thật sự. Giọng đầy vang, mượt  mà truyền cảm làm anh chợt nhớ đến Mai khi anh gặp cách đây hơn ba mươi năm trước trên xứ hoa đào, giờ nàng đã xa xôi một  góc trời. Hoa Hồng, tên cô gái cũng tạo cho anh những cảm xúc mới trong âm nhạc ,nhưng không thể so sánh giọng ca của hai người được ,nét hay mỗi người khác nhau :Tiếng ca Mai lắng đọng, sâu thẳm, như âm vang cây sáo trúc lâu đời đậm bóng…  dáng nàng huyền ảo như khói sương… còn tiếng hát Hoa Hồng thanh âm đầy đặn ,tươi trẻ, ngân xa… như tiếng sáo flute hiện đại .Nhưng người ta thấy hai người rất quấn quít bên nhau. Hoa Hồng đã làm anh trẻ lại ,phấn chấn một  thời gian dài ,anh nói : Hoa Hồng rất gần gủi nhưng không biết phải gọi là gì ?

                                                             

*

 

 Năm anh tuổi đã lục tuần, lâm bệnh nặng, không còn sáng tác nữa theo lời khuyên của thầy thuốc. Biết không còn sống bao lâu nữa, anh trăn trối khi qua đời hãy đưa anh về an táng tại Gò Dưa, nơi mẹ anh đã yên nghỉ nghìn thu như một lời tạ tội, vì ngày đó anh muốn làm một thầy giáo để phụ cùng thân mẫu nuôi nấng những đứa em thơ dại mồ côi cha, nhưng tất cả đều không thành .

 

Ngày nào trên giường bệnh anh cũng có những đóa hoa hồng tươi tắn ,anh ngạc nhiên không biết của ai ?những người cùng phòng cho biết có một cô gái xinh xắn ái mộ nhạc anh , mỗi sáng đem hoa lại, anh xúc động nhưng không gặp được, vì khi có khách bạn bè đến thăm thì nàng lẫn trốn. Nàng chỉ muốn chiêm ngưỡng anh thầm lặng. Sau này, hai người có dịp gặp nhau ,cô run rẫy trước anh vì lần đầu tiên đứng trước một thiên tài hằng ngưỡng mộ tuổi đang cha chú ,còn anh thở dài nhìn cô gái, cô quá trẻ mà anh đã già rồi. Một lần nữa, không vượt qua số phận anh mang máng nhớ lại một bài thơ cổ đã đọc đâu đấy giống cuộc đời mình quá :

 

Quân sinh ngã vị sinh (*)

Ngã sinh quân dĩ lão

Quân hận ngã sinh trì

Ngã hận quân sinh tảo

 

Một ngày cá tháng tư ,trong đợt nắng của miền Đông oi bức, thành phố đang nghĩ trưa  thì anh lặng lẽ qua đời để lại bao tiếc thương cho mọi người . Trong dòng người đưa tiễn anh về lòng đất, người ta thấy có một người con gái đội khăn tang đi theo sau cổ quan tài khóc sướt mướt ,hỏi xung quanh bạn bè, bà con thân thuộc, mọi người đều lắc đầu không biết nàng là ai ? từ đâu tới ? rồi nàng chợt biến mất trong dòng người dài vô tận …

 

Núi Bà, tháng 4 - Miền Đông

 

(*) chàng sinh thiếp chưa sinh

thiếp sinh chàng đã già

chàng hận thiếp sinh muộn

thiếp hận chàng sinh sớm

( bài thơ phát hiện trong một ngôi mộ cổ ở Trung Quốc )

Ngữ Yên
Số lần đọc: 2381
Ngày đăng: 13.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đèn màu - Đổ Thị Hồng Vân
Chuyện của một thời - Lê Mai
Sáng nắng chiều mưa - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chớp mắt - Lê Vũ
Dây tầm gửi - Phạm Thanh Phúc
Cỏ xanh - Quý Thể
Quỳnh Dao công chúa - Trương Đạm Thủy
Quán bên sông - Lê Mai
Chuyện làng - Nguyễn Đông Phương
Mùa cưới cho ai - Phạm Thanh Phúc