Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.153
123.225.165
 
Một trời Phú Thọ
Văn Chấn Ngọc

THƯƠNG TẶNG CÔ MỸ HỒNG và CÔ N P T LIÊN

 

Bạn có bao giờ được nằm trên võng, đong đưa giữa lưng chừng sườn nghiêng chênh chếch? Với phía trên là rừng thông xào xạt, lọt thỏm giữa khoảng trời xanh mênh mang vô tận, phía dưới là hoa nắng in trên sườn núi lung linh, cảm tưởng như nếu trượt chân té xuống thì sẽ phải lăn lông lốc cả cây số mà không thể dừng lại được với biết bao đá nhọn và đủ thứ côn trùng.

 

Bạn có bao giờ có cảm giác đó chưa? Cái cảm giác vừa thích thú vừa e sợ; vừa hạnh phúc vừa ngại ngùng! E sợ vì nó quá nguy hiểm khó khăn. Hạnh phúc vì được chính tay một sư cô giàu lòng từ bi vịn võng cho ngồi giữa cheo leo ghềnh núi. Thế nên ngại ngùng vì không biết mình có đủ phước chưa để được sư cô ưu ái đến vậy. Thích thú vì cảm giác lạ lẫm khi nằm ngồi trên võng chếch nghiêng trên sườn dốc như thế chưa từng có. Nó… đã đã làm sao ấy! Nó khoan khoái, diễm phúc làm sao!! Cảm giác đó không thể tìm được ở rừng thông Đà Lạt, không thể tìm ở vùng đồng bằng biển cả. Trên trời dưới đất không thế nào bằng!

 

Chúng tôi, đoàn đại biểu 14 người đi dự trại sáng tác quốc gia năm 2004 – đã xuất phát một cuộc hành trình từ chí Nam ra đến cực Bắc để đến một nơi gọi là cội nguồn dân tộc _Tam Đảo. Đó là một thị trấn đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc. Một mảnh đất mà truyền thuyết cho rằng: cuộc tình của tổ tiên Âu Cơ và Long Quân đã phát khởi từ đó, sinh ra trăm trứng đẻ trăm con… Và, trong một buổi sáng thật đẹp! Trời trong veo không chút nắng, chỉ có một màu xanh ngăn ngắt giữa không gian hoàn toàn tĩnh lặng ở độ cao 1400 mét so với mặt nước biển. Tôi “hạ sơn” Tam Đảo cùng ba người nữa bằng honda  để đến Phú Thọ, rồi tìm đường lên núi có ngọn Tây Thiên.

 

Bắt đầu của miền Phú Thọ khi nghểnh cổ nhìn lên, chúng tôi thấy bóng mây trùng trùng điệp điệp đang vây quanh ngôi chùa đang ngự trên cao. Nó đang tựa lưng vững chắc vào vách núi Tây Thiên ở cái thế rồng chầu hổ phục. Những sóng mây bồng bềnh  được ánh nắng của vùng trời Phú Thọ chiếu xuyên tạo nên những gợn bông ngũ sắc khổng lồ đang vây quanh ngôi thiền viện, mường tượng như những nàng tiên nữ đang múa khúc Nghê Thường. Những sóng mây trôi nổi, vây quanh ba ngọn núi của Tam Đảo ở phía sau, giống như dải khăn trắng đang quàng hờ hững ngang vai mỹ nữ; Lại tựa như một đại dương mênh mông nước, trắng xóa, bao bọc những ngọn đảo trời, nhấp nhô phiêu lãng!

 

Và chúng tôi đang bắt đầu một cuộc hành hương ngoạn mục.

Đường lên thiền viện Tây Thiên cũng khó tựa tựa như đường lên… cõi Niết bàn _ một con đường nếu đã chấp nhận đi thì không được ngừng nghỉ, lúc nào cũng phải dũng mãnh tinh tấn. Vì nếu dừng lại sẽ phải trượt dốc, tuột dốc dài dài không phương cứu chữa và có khi… lăn tòm xuống vực! Chúng tôi lên đó bằng xe honda ôm, ga chỉ để số hai mà chạy, và thầm khâm phục mấy anh chàng tài xế chịu khó.

 

Ở đó có ngôi thiền viện hoành tráng nguy nga sắp được hoàn thành với chiều cao từ ngạch cửa đến trần nhà gần hai mươi mét. Ở đó đã cho chúng tôi cảm giác tuyệt diệu chưa từng có! Và ở đó có một vị sư gốc người Rạch Giá nhưng đã dốc hết tâm lực cho nền Phật giáo, kiến tạo lại ngôi chùa đã từng một thời lừng danh là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, mong cho người dân xứ Bắc thay đổi quan niệm: Tu để cầu phước chứ không để cầu lợi. Mà phải là cầu phước cho chúng sinh chứ không phải cho riêng bản thân mình!

 

Khi thấy sự ái ngại và lo lắng qua ánh mắt của tôi về độ cao và độ dốc của núi đá nhọn, Thầy Kiến Nguyệt đã âm thầm dạy tôi sự can đảm và dũng khí trước thử thách. Cái tật điệu đàng của phụ nữ giờ đã làm khổ tôi thực sự. Mang giày cao gót làm chi mà giờ tháo ra đi chân trần không được vì toàn là đá nhọn lẫn xi măng sống (và biết đâu có lẫn đinh trong đó) trong khi da chân thì mỏng như giấy bồi, dẫu ai có “xung ba khía” cách mấy bỏ giày ra thì cũng chỉ vài thước đi là đủ tóe máu chân rồi. Để giày mang luôn không tháo ra thì sợ trật gót té nặng càng khốn hơn! Trong khi đó, nhìn từ dưới sân chính điện ngước lên, mỏi cổ mới thấy được đỉnh núi. Vậy mà lần hồi thầy đã dắt chúng tôi lên từng đoạn, từng đoạn dốc đứng. Mỗi đoạn dốc, thầy đứng lại hướng dẫn chỗ này chỗ kia để chúng tôi quên đi chướng ngại. Không bao lâu, chúng tôi lên được đến đỉnh một cách nhẹ nhàng. Rồi khi đứng từ đỉnh nhìn xuống lại có một cảm giác lo sợ mới: Trời! Trượt chân một cái, lăn từ đây xuống tới chân dốc thì còn gì của?

 

Thầy trụ trì lại tiếp tục dắt chúng tôi đi hết ngọn đồi này đến đỉnh của ngọn đồi khác. Cứ thầy đi trước bằng đôi dép kẹp, tôi đi sau bằng đôi giày cao gót và dưới chân là sỏi cát đá nhọn lởm chởm (ba người còn lại thì mang giày đế thấp không nói gì) tôi vừa đi vừa lắng nghe thầy nói, vừa ước chi đôi giày cao gót của mình sao không hóa thành đôi ba-ta cho tôi mặc tình chạy nhảy. Đường càng lên càng cao, dốc càng lên càng đứng, cho đến khi chúng tôi dừng chân ở  một đỉnh đồi không lên nữa. Và tôi đưa mắt nhìn xuống, thấy ngôi chánh điện phía dưới bé xíu trong lòng bàn tay mình.

 

Lúc đến thiền viện nhỏ được xây cất để dành riêng cho thầy Thích Thanh Từ, bỗng nhiên có một ý nghĩ lạ lùng lóe lên trong óc. Và tôi nói với cô sáu Hồng đang đi bên cạnh: “Cô có biết tác dụng của những viên sỏi trắng này trong việc tu thiền không? Tại sao khi trang trí thiền viện, người ta không rải sỏi màu ngà hay màu xám mà lại rải sỏi trắng tinh làm lóa lên một màu sáng chói khi ánh nắng về?”. Thầy cười thấu hiểu rồi nói: “Thiền viện của người Nhật chỉ toàn là sỏi trắng thôi, không bày trí thêm bất cứ thứ gì! Còn Việt Nam mình thì để thêm một hai cây cảnh”.

 

Rồi thầy giảng về đức hy sinh cao cả của một người vợ là bà Yaduđàla cho mọi người nghe… Thầy chỉ một thầy khác còn rất trẻ, chừng hai lăm tuổi rất anh tuấn, gương mặt sáng trưng đang ngồi trước một đống sách vở trong thiền phòng, thầy nói: Thầy này xuất gia lúc mới mười tám tuổi, pháp danh Minh Quang hiện đang đảm nhiệm dịch thuật kinh sách từ tiếng Phạn sang tiếng Việt.

 

Lúc nãy ở chánh điện, chúng tôi mới thực sự mở to mắt mà nghiêng mình kính phục trước công đức của hơn trăm người dân đang dựng chùa ở đó. Toàn là thiếu nữ, thiếu niên và thanh niên, mỗi ngày phải chơi vơi trên độ cao chót vót đó để lót từng viên gạch, trải từng tấm tol giữa độ nghiêng hiểm trở. Họ đã trút hết tâm lực của tuổi thanh xuân cho toà thiền viện hùng vĩ nguy nga _ cho tương lai của muôn đời sau _ mà không hề đòi hỏi chút gì quyền lợi cần phải có của một thợ xây. Công đức đó không phải ai muốn tạo ra cũng có thể được, khi mà cơ hội không có.

 

Chúng tôi nghiêng mình kính phục trước công đức của thầy trụ trì tuổi đã cao nhưng vẫn dồn hết tim óc cho công cuộc kiến tạo nhiều ngôi chùa đáng kể, nhất là ngôi thiền viện Tây Thiên này. Thầy kể, muốn có nước sử dụng như bây giờ phải lấy từ suối cách ba cây số. Lúc dẫn nước về chùa tưởng êm, không ngờ người dân lại không có ý thức. Họ đi đường thấy có ống nước thì đâm cho xì để uống, rửa mặt, rửa tay chân… xong rồi thì để mặc đó cho nước chảy lai láng, nhiều chỗ như thế nên không còn nước dẫn về chùa. Thầy thấy vậy, lắp sẵn những cái van mở-khoá để họ tiện bề sử dụng. Cũng không ăn thua! Cuối cùng thầy phải “âm” ống nước xuống lòng đất mới ổn thỏa êm chuyện.

 

Tôi đã hết sức kính tin và ngưỡng mộ nụ cười hoan hỉ của vị nữ tri khách tăng tràn đầy từ ái trước những người khách lạ như tôi. Tình thương của người sư nữ ấy đang bận rộn với những phật sự và xung quanh công việc xây cất vẫn tỏa rộng lấp lánh cùng khắp thiền viện bằng những quan tâm ân cần chăm sóc chúng tôi một cách chân tình. Tình thương ấy như đang nương sức oai nghi, đại hùng đại lực của vị phật Phổ Hiền đang ngự trên lưng voi trắng cao lớn phía bệ thờ. Những pho tượng đồ sộ ấy quá chừng sống động; quá đỗi hiền từ, uy nghiêm và đẹp thanh thoát… tưởng chừng như tôi đang thuộc về cõi Tây trúc. Âm trầm bên tai tôi có tiếng nói vang vọng vô hình khi tôi ngước nhìn lên một bàn thờ, mà liễn đề chỉ có một chữ nho duy nhất. Tiếng ấy nói rằng: “Phật tánh đều lộ ra trong tất cả vạn pháp. Nếu ta để cho những lớp vẩy che mắt chúng ta rơi xuống, ta sẽ nhận ra rằng: tất cả mọi thứ trong tất cả mọi nơi đều có chân giá trị của chúng. Đó là ý nghĩa của chữ LỘ”.

 

Lúc tìm đường quay xuống, thầy Minh Quang vui miệng hỏi cô Liên: “Bà có muốn thành Phật không?”. Nhìn nụ cười vô ưu với hai hàm răng trắng đẹp của thầy ấy, cô Liên không biết trả lời sao cho thoả. Còn tôi thì đang nhủ thầm: “ Ồ… không! Tôi chỉ muốn… thành đất dưới chân Phật đã đi qua mà thôi!”

 

Cảm giác khoan khoái khi lên được trên đỉnh cao chót vót, thỉnh thoảng nghe tiếng chuông chùa ngân vọng khiến chúng tôi bỗng nhiên có cảm giác phiêu diêu thoát tục. Tôi đang thở hít khí trời trong trẻo nhẹ tênh ở buổi ban trưa chưa được bao lâu thì sự lo lắng lại đến khi nghe thầy nói với chúng tôi: “ Thôi mình xuống đi!”. Tôi khóc trong lòng: “Trời, làm sao xuống đây! Dưới kia dốc đứng như thế có mà gãy cổ. Trong khi hiện tại không có gì để bám víu, gậy cũng không, mà dây cũng không. Tất cả bốn bề trống lổng, cát đá trơn trợt thế này… Chết chắc rồi!

Thầy trụ trì vẫn an nhiên như không thấy nỗi lo ngại trong mắt tôi (nhưng tôi biết trong lòng thầy đang mỉm cười), thầy hướng xuống một con đường khác, tự nhiên như lúc đã đi lên - như tất nhiên nó phải là thế. Và chúng tôi đã xuống rất nhanh, rất nhẹ nhàng khỏe khoắn trên đôi chân phàm phu của mình. Phút chốc, chúng tôi đã lại đứng trên nền đại điện.

 

Tôi thở ra. Không phải vì trút được gánh nặng tinh thần mà vì đã lĩnh hội được một điều vi diệu. Thầy trụ trì đã âm thầm dạy bảo cho tôi: bất kỳ một con người nào, với khả năng của chính bản thân mình vẫn đều có thể làm được mọi chuyện, kể cả những chuyện phi thường, miễn là họ phải chịu khó và nhẫn nại. Nhưng thường thì mình ngại khó và quá nuông chìu bản thân, quá coi thường năng lực của mình nên cứ tưởng rằng”chuyện đó tôi không làm được đâu! Tôi không thể vượt qua được! Tôi không thể hoàn thành được…”. Có lẽ chúng ta không nên nghĩ như thế!

 

Và khi ta từng bước vượt qua những khó khăn vấp ngã _ hay đúng hơn là khó khăn do lòng mình sinh ra _ ta sẽ vững chắc tiến lên trên từng nấc thang thành công. Sẽ có đôi lúc ta buột mồm tự nhủ: “không ngờ tôi lại có thể làm được điều đó! Kỳ diệu thay! Không ngờ tôi lại có thể vượt qua được!”. Những điều này, trong nhà thiền gọi là Đại tín căn: là làm tới nơi tới chốn những gì được thử thách.

 

Thầy trụ trì rất hiếu khách. Và chúng tôi (cả mấy anh honda ôm) được ăn một bữa cơm chay tuyệt vời với đầy đủ sơn hào hải vị được chế biến thật khéo léo từ ngũ cốc và rau quả; Được thưởng thức cảm giác vô song khi đong đưa trên chiếc võng cói giữa lưng chừng triền dốc cheo leo, trong bản tấu khúc hòa âm lộng lẫy giữa thông và gió, giữa núi và người, giữa tăng và tục, giữa trí tuệ cao khiết và tham vọng tầm thường… để mỗi người tự mình lưu lại cho mình một chút gì để nhớ!

Chúng tôi đứng trên những bậc thang xuống cuối cùng của thiền viện lắng nghe ngàn thông đang vi vu gọi gió và hướng mắt trông lên chính điện lần cuối trong tiếng đại hồng chung đang trầm lắng vang dội giữa muôn chiều tĩnh mịch của không gian nơi cao, trong cái tinh khôi uy nghi của một thiền viện kỳ vĩ sắp được hoàn thành - Một thiền viện chắc chắn sẽ là một thắng tích về sau trong lịch sử, đồng thời cũng là một khu du lịch đầy triển vọng của đất nước. Mà trước khi trở thành một danh thắng thiên thu hùng vỹ, nó đã giải quyết được nạn thất nghiệp cho hàng trăm người dân ở đó, cả trong mai sau!

 

Ở vị thế đó (đứng trên những bậc thang xuống cuối cùng) tôi cảm nghe được tinh thần thuần hậu của người dân địa phương đang an trú trong miền cực lạc vô biên của Phật pháp. Và, trong những giây phút còn nán lại dưới bóng từ bi, tôi biết mình vẫn còn nợ những con người kia một món ân tình!

 

Rạch Giá, 241207

Văn Chấn Ngọc
Số lần đọc: 2253
Ngày đăng: 14.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hàn Mặc Tử trong ký ức người em họ - Nguyễn Hoàn
Trên đồng bưng sáu xã - Võ Ðắc Danh
Hà Thành siêu độc giả - Lê Mai *
Chuyện đàn ông theo vợ “vượt cạn” - Nguyễn Hoàn
Hai mươi năm và nhiều hơn thế… - Trần Trung Sáng
Về thăm Quê Xép - Nguyễn Thuỵ Nhã
Vĩnh biệt ông: nhà văn Xuân Sách - Nguyễn Đức Thiện
Khởi sắc U Minh - Nguyễn Thuỵ Nhã
Đất của mẹ - Võ Ðắc Danh
Hoàng Phủ Ngọc Tường : Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh - Nguyễn Hoàn
Cùng một tác giả
Chuyện Báo và Cọp (truyện ngắn)
Thử thách (truyện ngắn)
Không lời (tạp văn)
Kỳ Nhân (truyện ngắn)
Thiện trong thiện (truyện ngắn)
Khúc Tâm Du (truyện ngắn)
Đêm Muôn Màu (truyện ngắn)