Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
499
123.280.729
 
Nông dân cần được đối xử công bằng
Vũ Ngọc Tiến

“Tam nông” là thuật ngữ du nhập từ Trung Quốc, còn “Chính sách về tam nông” là ta đang học tập kinh nghiệm từ nước bạn, song như lời ông Lê Huy Ngọ- Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nói: “Không phải kinh nghiệm nào của nước ngoài áp dụng vào nông nghiệp Việt Nam đều tốt, nếu như ta không vận dụng nó phù hợp với thực tiễn của nước mình”. Thật vậy, Trung Quốc có lý do để lấy nông nghiệp làm điểm đột phá sản xuất hàng hóa và là trọng tâm của chính sách tam nông bởi suốt một thời gian dài, mô hình Công xã nhân dân có quy mô rất lớn, một Đại đội sản xuất của công xã của họ cũng lớn bằng 5- 10 xã của Việt Nam. Vì thế, sau khi khoán ruộng, họ không phải lo dồn điền đổi thửa, đất và người đều đã quá quen thâm canh một loại cây lương thực hoặc cây công nghiệp. Năm 1994, tôi cùng Ban lãnh đạo huyện Giao Thủy (Nam Định) đi tham quan nông thôn Quảng Tây, tận mắt chứng kiến quanh một nhà máy chế biến là mênh mông vùng cây nguyên liệu mà thèm muốn được như họ. Và vì thế họ có điều kiện ứng dụng mọi tiến bộ khoa học, hướng nông dân nhập cuộc ngay với xu thế sản xuất hàng hóa lớn. Ở Việt Nam ta, sau 22 năm đổi mới, hiện 25 triệu nông dân trong độ tuổi lao động vẫn cày bừa trên 70 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán làm sao ứng dụng tiến bộ khoa học và sản xuất hàng hóa lớn? Trong bối cảnh đó, chính sách bất cập về ruộng đất, sự bội tín của doanh nghiệp và nhiều tiêu cực khác ở nông thôn chẳng những đã đẩy nông dân tới chỗ bị bần cùng hóa, chán ruộng, ly quê cầu thực, còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định xã hội! Có lẽ ở Việt Nam hiện nay, vấn đề nông dân mới là khâu đột phá, là trọng tâm của chính sách tam nông bởi họ đang phải chịu đựng quá nhiều sự bất hợp lý, cần được đối xử công bằng hơn, nhân bản hơn.

 

Phận nghèo đeo đẳng:

 

Tôi từng có dịp điều tra đời sống nông dân trong thời kỳ mô hình hợp tác xã quan liêu, bao cấp còn ngự trị, cảm thấy xót xa trước cái nghèo, khâm phục sức chịu đựng phi thường của họ. Hãy lấy số liệu thống kê năm 1975 làm thước đo cái nghèo của nông dân miền Bắc khi chiến tranh vừa kết thúc: Thu nhập bình quân đầu người/tháng tính bằng tiền của nông dân đồng bằng Bắc bộ hồi đó là 18,68 đồng/người, nhưng nếu tính theo giá cả sinh họat trên thị trường hồi ấy thì thu nhập chỉ còn 14,10 đồng/người (tương đương 20 kg gạo trên thị trường tự do). Với mức thu nhập ấy, nếu không ăn độn ngô, khoai thì người nông dân không còn tiền chi dùng cho sinh họat, học tập cho con cái, càng không thể có tích lũy. Tréo ngoe còn ở chỗ khi tôi đi sâu vào cơ cấu thu nhập nghèo khổ ấy lại bật ra điều nghịch lý đến khó tin ở mắt mình: Thu nhập từ hợp tác xã chỉ có 35,45%, còn thu nhập ngoài hợp tác xã từ ruộng 5% đạt 52,40% và thu nhập từ nguồn khác (chạy chợ, làm thêm nghề thủ công, làm thêm ngoài thành phố, thị xã…) là 12,15%. Có thể nói, người nông dân bước ra khỏi cuộc chiến tranh đã phải chịu cảnh nghèo khó tưởng như không thể nghèo hơn được nữa. Sự nghèo ấy tiếp diễn kéo dài, đến năm 1981 với khoán 100 và nhất là năm 1988 với khoán 10, đời sống nông dân mới được cải thiện dần. Cũng chính nhờ khoán ruộng, sức lao động được giải phóng, người nông dân Việt Nam với bản tính cần cù, từ năm 1991 đến nay đã làm nên kỳ tích đưa nước ta từ chỗ thiếu ăn vượt lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Ở thời điểm 1991, mức sống của nông dân so với đại bộ phận cư dân đô thị không có sự chênh lệch đáng kể. Song quy luật phát triển đất nước đang chứng minh khoán ruộng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Theo đà tăng trưởng kinh tế, mức sống của cư dân đô thị đang tăng nhanh rất nhiều so với nông dân vì cơ cấu giá trị nông nghiệp trong GDP ngày càng suy giảm. (GDP của công nghiệp tăng khoảng 20% đầu những năm 1990 lên 40 % trong những năm gần đây, trong khi GDP của nông nghiệp, từ 38% giảm còn khoảng 20%.) Trong tư duy của không ít nhà quản lý nảy sinh sự coi thường nông nghiệp, phũ phàng gạt nông dân ra bên rìa của công cuộc phát triển, để mặc họ tự bơi trong cảnh khốn cùng. Kết quả điều tra cho thấy, trong các nhóm hộ nghèo và cận nghèo (theo chuẩn nghèo cũ) trên toàn quốc thì nông dân chiếm 90%, cư dân đô thị chỉ có 10%. Nếu tính theo chuẩn nghèo mới của thế giới (từ năm 2004 lấy mức chi tiêu dưới 2 USD/ngày thay vì 1 USD/ngày như trước đây), Việt Nam vẫn còn trên 50% dân số thuộc diện nghèo, chủ yếu là nông dân các vùng thuần nông và nhất là miền núi phía Bắc. Hai vựa lúa lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long vẫn có trên 40% số hộ nông dân thuộc diện nghèo theo chuẩn nghèo mới. Năm 2003, thu nhập từ nông nghiệp ở đa số vùng thuần nông chỉ bảo đảm tự túc về lương thực là chính, khoảng 30% - 40% thu nhập chi phí vào ăn uống trong gia đình, nếu không tính thu nhập thêm từ chăn nuôi hoặc đi làm thuê cho các hộ giàu. Qua tìm hiểu của tôi, tính trung bình một hộ nông dân đồng bằng Bắc bộ có 4- 5 người, 6- 7 sào ruộng, thu nhập mỗi năm từ trồng 2 vụ lúa, 1 vụ ngô đông hay đỗ tương, trừ mọi chi phí, tổng cộng chỉ đạt 17,9 triệu đồng, cỡ 3,6 triệu/1 người/năm, làm sao thoát nghèo?! Tâm lý chán ruộng, bỏ quê đi cầu thực nơi xa đã thành phổ biến ở các làng quê Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… Tôi đã tìm gặp và hỏi chuyện nhiều người quanh khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính, thuộc các đối tượng nam giới (thợ xây, xe ôm, bốc vác), nữ giới (thu mua giấy vụn, bán báo, bán hàng rong, giúp việc gia đình), họ đều nói: “Nếu cả 2 vợ chồng cùng ra Hà Nội kiếm ăn, trung bình mỗi tháng kiếm được 1,0- 1,5 triệu đồng/người, ăn tiêu dè xẻn, 2 vợ chồng mang về nhà khoảng 20- 25 triệu/năm lo học cho con và chi dùng cho cả nhà, kể cả hiếu hỉ, giỗ tết là vừa hết. Dẫu sao vẫn còn hơn ở nhà quanh năm cắm mặt xuống đồng, giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội cơ mà!” Tôi lại hỏi: “Đã chán ruộng bỏ quê đi làm ăn sao không bán quyền sử dụng mấy sào đất ấy đi mà làm vốn?” Họ đồng thanh đáp: “Ấy chết, tha hương cầu thực ở nơi đất khách thì bấp bênh lắm! Ngộ nhỡ cùng đường phải về quê, chúng tôi vẫn còn có ruộng, không lo chết đói.” Hóa ra cái nguồn bảo hiểm duy nhất cho người nông dân cuối cùng vẫn là ruộng đất. Tôi nghe mà đắng đót trong lòng!...

 

Mất mát nhiều và phi lý:

 

Mất mát đầu tiên và lớn nhất của người nông dân hiện nay, buồn thay lại cũng là mất ruộng, nguồn bảo hiểm duy nhất cho cảnh nghèo của họ. Trong bài viết trước (xem Văn nghệ Trẻ số 26 ngày 29/6/2008), tôi đã trình bày khá kỹ những số liệu thống kê và hậu quả của sự mất mát này. Ở đây chỉ đi sâu thêm về khía cạnh lịch sử và pháp luật của nó.

 

Trong quá khứ, khẩu hiệu “người cày có ruộng” là động lực để người nông dân chấp nhận hy sinh, mất mát làm cuộc cách mạng “long trời lở đất”. Khi cách mạng thành công, họ chỉ được làm chủ thật sự mảnh ruộng của mình vài năm rồi sang tay cho tập thể nên sản xuất đình trệ, đời sống thiếu đói. Từ ngày khoán ruộng, dù theo hiến pháp đất đai là sở hữu của toàn dân, nhưng quyền sử dụng đất vẫn là tài sản của họ, lẽ ra họ phải có quyền định đọat về ruộng đất, nhưng cái quyền cơ bản ấy lại đang nằm trong tay một số ít người trong hệ thống chính quyền từ cơ sở thôn, xã lên huyện và tỉnh. Về bản chất, mỗi hộ nông dân là một “doanh nghiệp” nhỏ, trong đó hàm chứa sự đầu tư và quá trình sản xuất khép kín, tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà tư liệu sản xuất chủ yếu của “doanh nghiệp” ấy là ruộng đất. Theo luật dân sự và luật doanh nghiệp, nó phải bình đẳng với bất cứ doanh nghiệp nào trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài. Loại trừ việc mất ruộng cho các công trình vì lợi ích quốc gia, khi một doanh nghiệp hay nhà đầu tư nước ngoài muốn sử dụng tư liệu sản xuất là ruộng đất của người nông dân với tư cách là chủ một “doanh nghiệp”, tất yếu phải thông qua thương lượng trực tiếp với họ, đền bù thỏa đáng bằng tiền hoặc cho họ góp cổ phần bằng tư liệu sản xuất (ruộng đất) của mình mới là hợp pháp. Trên thực tế, người nông dân chưa bao giờ được thương lượng trực tiếp với đối tác, chỉ gián tiếp bị chính quyền địa phương ép buộc nhận đền bù với giá rẻ mạt. Sự mất mát to lớn này là không hợp đạo lý, sai cả về luật pháp, tiềm ẩn nguy cơ của tệ nạn tham nhũng.

 

Rủi ro nhiều, nhưng ít được quan tâm và bảo hộ:

 

Dường như ta đang ngủ quên trên cái danh hiệu nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, lại quá say sưa với phát triển nóng các khu công nghiệp, khu đô thị nên ngân sách Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp không được quan tâm đúng mức. Thực vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngân sách đầu tư cho nông nghiệp đang giảm mạnh. Lấy mốc  năm 2000 và 2005 để so sánh: Tỷ trọng vốn đầu tư cho nông - lâm nghiệp từ 11,39% giảm còn 7,17%. Các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến từ 19,30% tăng lên 21,56%. Đặc biệt là các ngành vận tải và thông tin có mức tăng đầu tư vốn cao nhất: từ 13,17% lên 16,13%. Trong khi đó, cơ cấu sử dụng lao động lại tập trung cao nhất ở nông nghiệp, chiếm 53,3% lao động cả nước, cỡ 25 triệu người (2005). Cơ cấu đầu tư vốn không tương xứng với cơ cấu sử dụng lao động, cho thấy chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước đang hướng tới tăng trưởng hơn là hướng tới sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển, công bằng xã hội và kẻ chịu thiệt thòi nhất lại vẫn là nông dân. Sản xuất nông nghiệp có đặc thù thời gian tạo ra sản phẩm dài hơn gấp nhiều lần sản xuất công nghiệp; lao động của nông dân chỉ tác động vào quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi chứ không quyết định được năng suất và chất lượng sản phẩm, bởi còn tùy thuộc vào giống, thời tiết, dịch bệnh và nhiều yếu tố khách quan khác. Vậy nên nông dân luôn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, có khi phá sản vì nó. Kết quả điều tra gần đây về các loại rủi ro bất khả kháng: bệnh dịch, mất mùa (47,3%), người thân ốm chết (40,7%), thiên tai (12,0%). Đáng lưu ý là có 39,5% hộ bị rủi ro kể trên không hoàn toàn hồi phục trở lại, thậm chí 30% số hộ bị sốc lâu dài, phải bán nhà cửa hay cho con cái nghỉ học. Thiên tai, dịch bệnh dù là rủi ro bất khả kháng, nhưng nếu Nhà nước quan tâm đầu tư khoa học về dự báo, biện pháp phòng ngừa sẽ giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Những rủi ro ập đến bởi con người gây ra như giống kém chất lượng, phân bón hay thuốc trừ sâu rởm, thức ăn chăn nuôi rởm…Nhà nước thiếu hẳn những chế tài đủ sức răn đe và khi thiệt hại xảy ra, nông dân không được bồi thường. Hàng chục vạn nông dân nghèo phải đi bán sức lao động ở nước ngoài, gửi về nước nhiều tỷ USD, nhưng khi họ bị ngược đãi ở Đài loan, Hàn Quốc hay khi xảy ra tai nạn chết người hàng trăm vụ ở Malaysia, sao sự quan tâm của các cơ quan hữu trách rất hời hợt, vô cảm?! Hiện tượng nông dân đồng bằng sông Cửu Long được mùa bị tư thương làm cho rớt giá để tước đọat lợi nhuận diễn ra nhiều năm, Nhà nước vẫn không tìm ra giải pháp ngăn chặn. Hay việc doanh nghiệp bội tín, không mua sản phẩm, điển hình như nông dân huyện Ninh Hòa- Phú Khánh vừa qua tự thiêu đốt hàng  ngàn tấn mía vì không bán được cho nhà máy đường của tỉnh lẽ ra phải có chế tài buộc doanh nghiệp bồi thường thỏa đáng cho nông dân. Một vấn đề nóng bỏng liên quan mật thiết đến việc mất đất, có nơi mất hẳn nghề nông là hệ thống đào tạo nghề cho nông dân rất mỏng và yếu đã góp phần xô đẩy họ gia nhập vào đội quân thất nghiệp nghèo, thậm chí cực nghèo ở đô thị sau khi bị thu hồi đất. Đại hội Đảng lần thứ X đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp  hiện đại. Từ nay đến đó chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, lao động nông nghiệp trong cơ cấu chung cả nước phải tụt xuống chỉ còn khoảng 23% thay vì 67% như hiện nay. Theo lời Bộ trưởng Cao Đức Phát, mỗi năm cần đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu thanh niên nông thôn. Kế hoạch hỗ trợ nông dân mất ruộng đó liệu có khả thi, nếu ta không nhanh chóng đầu tư phát triển hệ thống trường nghề và đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp cho con em nông dân ngay từ các trường phổ thông? Tôi lo kế hoạch bị bở rơi như nông dân đã từng bị bỏ rơi!...  

 

Lời kết

Sự công bằng là một trong những tiêu chí hàng đầu của xã hội văn minh, huống chi mỗi người Việt Nam hôm nay đều đang mắc nợ nông dân trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Hy vọng rồi đây chính sách tam nông sẽ có những thay đổi đột biến theo hướng tích cực và công bằng cho những người nông dân cần cù, đôn hậu, vị tha. Và đó cũng chính là nhân tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững của nước ta trong kỷ nguyên hội nhập.

 

Hà Nội 10/7/2008

Nguồn: Văn Nghệ Trẻ số 29 (7/2008)                                   
Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3498
Ngày đăng: 19.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn
Viết ngắn 10. Các trào lưu văn chương - Inrasara
Nguồn gốc sáng tạo nghệ thuật: tính trực giác - Khổng Ðức
Viết ngắn 09. Truyền thống - Inrasara
Sự ám ảnh về cái chết trong cuộc đời và tác phẩm của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ - Phạm Ngọc Hiền
Cần hiểu đúng về các dị bản của một bài ca dân gian tiêu biểu cho xứ Quảng* - Tần Hoài Dạ Vũ
Cái chi chi thơ- phần 2 - Vĩnh Phúc
Inrasara & các Viết ngắn về thơ - Inrasara
Thử tìm một mẫu số chung cho thơ - Mang Viên Long
Khi miếng bánh sắp được ’’cắt - chia’’? - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)