Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.204.514
 
Viết ngắn 30. Về một thế hệ thơ …
Inrasara

Đó là thế hệ thơ có một định phận kì lạ.

Người ta vội đặt cho nó cái tên: thế hệ gạch nối, thế hệ đệm,… và bao nhiêu hạn từ phái sinh nhợt nhạt khác.

 

Đất nước mở cửa, đổi mới; khi văn nghệ được cởi trói, họ làm gì?

Thơ ca cách mạng cùng hậu duệ của nó là sáng tác thuộc hệ sử thi phát triển mạnh mẽ mười năm sau đất nước thống nhất, họ không thể viết theo dòng ấy nữa. Họ càng chưa có cơ hội nhận được thông tin đa chiều hay tiếp nhận nền thơ ca thế giới với bao nhiêu trào lưu như thứ cửa hàng bách hóa tổng hợp để tha hồ chọn lựa, như thế hệ thơ hậu đổi mới. Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của một nghệ sĩ tự do. Họ biết mình không còn có thể viết như trước. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Phải gánh lấy trách nhiệm định phận thi sĩ của thế hệ, của thời đại.

Nhưng mới, khác thế nào?

 

Đó là một thế hệ thơ hẫng! Họ bơi vô căn trong nỗ lực tìm đường, đối mặt với nỗi cô đơn cùng tận trước trang giấy trắng. Chấp nhận và chịu đựng. Một sức ép đè nặng lên họ; một nỗ lực và chịu đựng ghê gớm, gần như bất khả vượt. Thật vậy, trên bước đường, có không ít nhà thơ tài năng đã bỏ cuộc. Trong đó có người về hưu non, số còn lại chạy náu thân chốn báo chí hoặc cứ viết tới như thể “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”.

 

Nhưng giữa khí quyển văn chương đó, số ít đã đứng vững. Tiếp tục chiến đấu và sáng tạo trong cô độc và bất trắc. Bao nhiêu tác phẩm thơ được cho ra đời, sau tháng ngày hoài thai và nung nấu. Với bao nhiêu tên tuổi…

 

Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Tiến Dũng, Thu Nguyệt, Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Tuyết Nga, Inrasara, Trần Quang Quý, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương, Đặng Huy Giang, Trương Nam Hương,… (liệt kê không theo trật tự thành tích lớn/ bé, quan trọng ít/ nhiều, và cũng rất xin lỗi về dấu ba chấm này).

 

Ai dám bảo đó là thế hệ thơ gạch nối, một nền thơ đệm?

Thế nhưng, dẫu sao đó vẫn là một thế hệ thơ hẫng! Không phải hẫng ở tài năng mà, ở kết nối “truyền thống và hiện đại”, như lối nói quen thuộc dễ dãi; và hẫng hơn cả là trong tương quan với người đọc. Nếu trước đó, mỗi tập thơ được in là một sự kiện, hay ít ra cũng được báo chí [bao cấp] đặt hàng giới thiệu thì, các tập thơ của thế hệ thơ đổi mới chịu cảnh gần như bị bỏ quên. Không được cơ chế thông tin bao cấp ưu ái, họ càng chưa thể giỏi xoay sở, giỏi tiếp thị [hiểu theo ý tốt] như các nhà thơ thế hệ sau đó.

 

Tạm lấy Bài ca những con chim đêm của Nguyễn Quang Thiều đặt bên cạnh Khát của Vi Thùy Linh, cũng đủ thấy. Theo chỗ tôi biết, tập thơ của Nguyễn Quang Thiều chưa nhận được bài giới thiệu, điểm sách xứng đáng như nó phải thế. Một sự bỏ quên kì lạ! Hãy để qua bên sự háo hức hay hăm hở đầy hời hợt buổi đầu, cứ đặt hai tập thơ đó cạnh nhau cũng đủ nhận thấy chất lượng của nó!

 

Hiện của Trần Tiến Dũng hay trường ca Người cùng thời của Mai Văn Phấn cũng thế. Và còn bao nhiêu tập thơ ra đời và bị bỏ rơi nữa! Vẫn còn quá ít người đọc biết đến, báo chí nhắc đến chúng.

 

Một thế hệ thơ với những thành tựu sáng giá của nó, cần phải được nhìn nhận công bằng và được đánh giá lại. Nhất là cần đặt đúng vị trí của nó trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam đương đại.

Inrasara
Số lần đọc: 3497
Ngày đăng: 20.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nông dân cần được đối xử công bằng - Vũ Ngọc Tiến
Mỹ học trong chủ nghĩa tồn tại của M. Heidegger (1889-1976) - Khổng Ðức
Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn
Viết ngắn 10. Các trào lưu văn chương - Inrasara
Nguồn gốc sáng tạo nghệ thuật: tính trực giác - Khổng Ðức
Viết ngắn 09. Truyền thống - Inrasara
Sự ám ảnh về cái chết trong cuộc đời và tác phẩm của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ - Phạm Ngọc Hiền
Cần hiểu đúng về các dị bản của một bài ca dân gian tiêu biểu cho xứ Quảng* - Tần Hoài Dạ Vũ
Cái chi chi thơ- phần 2 - Vĩnh Phúc
Inrasara & các Viết ngắn về thơ - Inrasara
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)