Cách đây đã lâu, trong một dịp vào Huế, tôi rẻ thăm vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Hà. Thật thú vị khi tôi thấy cô giáo Võ Thị Quỳnh đang ngồi tỉ mẩn ghép những chiếc lá, cành hoa thành những bức tranh hoa lá ép. Bỗng dưng từ dạo đó tôi trở thành người yêu tranh của chị và dịp nào đi triển lãm tranh tôi cũng được chị mời dự.
Triển lãm tranh hoa lá của chị gây ấn tượng nhất là năm 2001. Chọn thời điểm mùa thu đầu tiên của thế kỷ XXI để triển lãm tranh hoa lá ép của mình tại phòng tranh Bích Câu, Cung Văn hóa lao động, 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh là thêm một bằng chứng bền lòng đi cùng hoa, sắt son một tình yêu cuộc sống, tình yêu nghệ thuật của cô giáo Võ Thị Quỳnh. Đây là triển lãm tranh thứ tư của Quỳnh. Trước đó chị đã từng triển lãm cũng vào dịp mùa thu ở thành phố Đà Nẵng - 8/1993, tại cố đô Huế -8/1994, tại thủ đô Hà Nội- 8/1998.
Tâm sự với người yêu tranh hoa lá ép của mình, Quỳnh bộc bạch: "Ngày còn thơ bé nào ai đã hiểu rõ nghĩa cuộc đời. Yêu thích vẻ đẹp cỏ hoa, tôi cũng như bao bạn trẻ khác hái hoa lá cỏ cây ép vào trang vở học trò. Một lá thuộc bài để học bài mau thuộc. Một lá cây phú quý cho ước mơ đời mẹ, đời cha đỡ vất vả gian lao. Một cành hoa cải, hoa tầng ơ (cải cúc) để nhớ cánh đồng hoa vàng đậm nhạt nơi quê nhà yêu dấu...Bao nhiêu cánh hoa, cành lá là bao nhiêu mơ ước, kỷ niệm học trò, là bao nhiêu tình cảm ngây thơ hồn nhiên trong sáng"
Có thể nói từ trò chơi tuổi thơ trong trẻo đến nghệ thuật độc đáo - tranh hoa lá ép, được nuôi dưỡng bằng một tình yêu đến cháy lòng những kiếp lá, đời hoa của cô giáo Quỳnh. Cha Quỳnh vốn là thầy thuốc Bắc, thuốc Nam, hay rong ruỗi trên những nẻo đường tìm cây thuốc mong trị bệnh cứu người. Thời thơ bé, Quỳnh thường được theo cha, theo mẹ về quê, đi đây đi đó. Những con đường thơ ấu của Quỳnh được xây bằng mộng mơ của những sắc màu hoa bướm, của những kiếp đời hoa quá ngắn ngũi và mong manh. Đôi khi Quỳnh tự hỏi có phải vì mang tên một loài hoa nở về đêm nên sâu thẳm trong tiềm thức luôn nhớ nhung khát khao đời sống của những cây hoa khoe sắc ? hay vì Quỳnh là con của một vùng đất khô cằn sỏi đá, đầy gió nắng khắc nghiệt của miền Trung mà vấn vương những dị thảo, kỳ hoa thiên nhiên ban tặng?
Đi bên đời với tình yêu ấy, hoa lá cỏ cây đã an ủi Quỳnh, tâm tình cùng chị và đã cho chị những phát sáng yêu đời. Cũng chính vì vậy mà chị luôn nâng niu, gìn giữ kỷ niệm. Cả một cuốn sổ lưu niệm thời học trò khá đầy đặn hoa lá ép từ tuổi mười hai, mười ba vẫn còn đó, cả những vần thơ từ vũ trụ hoa đã khởi thức cho chị về một loại "thư pháp hoa". Xem tranh hoa lá ép, chợt thấy thức dậy những ý niệm về chị. Khi mùa thu về, lá vàng bắt đầu rụng nhưng kiếp lá, đời hoa trở nên bất tử với chị. Những bức tranh như: Quê nhà, Đuổi theo bóng chiều, Mùa lá, Hương đồng, Lá hoa thơ, Hội làng, Áo trắng, Ngôi nhà cổ tích...gợi nhớ trong người xem một ký ức đẹp, trong trẻo của ngày đã qua. Là cô giáo dạy Văn học, tranh của chị không chỉ là những hình ảnh của thế giới xung quanh như các bức: Quốc học dấu yêu, mái trường xưa, hành tinh xanh, Giai điệu hoa...mà còn đi vào chiều sâu của hình tượng văn học như: Cung đàn không dành cho Từ Hải, Đêm Ai Cập, Đêm có sáu vì sao...Là những rung động tinh tế trước thiên nhiên với bao sắc màu lung linh, kỳ ảo: Mùa lá, Mộng mơ, Dịu dàng, Đêm, Điệu nhớ...hay là những nét chấm phá về cuộc sống đời thường: Dạ vũ, mãi mãi bên nhau, Em là cố nhân, Thời trang mùa thu, Niềm vui thầm lặng, hạnh phúc, Người ngồi ta vẽ tặng...
Tranh của Võ Thị Quỳnh mỗi bức mỗi vẻ. Từ sắc màu mộc mạc, đơn sơ, chị đã kết nên lời tự tình về cuộc sống gần gũi, thiết thân, đưa tâm hồn con người vươn đến khát vọng cháy bỏng về tình yêu thiên nhiên, con người. Đằng sau những cành hoa, chiếc lá, với bàn tay khéo léo sắp đặt của chị đã làm sống mãi những đời hoa, kiếp lá, làm cho nó vĩnh hằng với thời gian. Vẫn biết sự vật nào trên đời theo thời gian rồi cũng đổi thay, nhưng bằng tâm hồn của con người nghệ sĩ với những rung cảm tinh tế để tái hiện những âm thanh, hình ảnh của thế giới xung quanh đến bên con người với một sức sống vĩnh cửu, như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng viết về tranh của chị: "Hóa ra, với Võ Thị Quỳnh, sự sáng tạo hoàn toàn vẫn giữ nguyên sức mạnh của nó. Bằng lá và hoa ép khô, tác giả vẫn tạo nên chất thanh thoát và tự do của những tác phẩm hội họa. Bây giờ thì đúng như thế: nghệ sĩ đã thổi linh hồn của mình lên chất liệu để tạo nên những tác phẩm hội họa".
Người xem tranh mỗi người mỗi cảm nhận riêng về loại hình nghệ thuật độc đáo này, duy có một điều mà ít ai biết đến là tranh ép hoa lá của chị được dệt nên bằng một trái tim thiết tha yêu nghệ thuật, đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự gây ấn tượng nhưng chị chưa hề được qua một trường lớp sáng tạo mỹ thuật nào cả. Có lần Quỳnh đã giải bày: "Bền lòng đi cùng hoa, sắt son một tình yêu cuộc sống, tình yêu nghệ thuật song tôi vẫn tự biết rằng ở tuổi tôi (chị sinh năm 1954) mà vẫn chưa qua một trường lớp mỹ thuật nào thì mối tình đầu dẫu có thắm thiết, thủy chung đến bao nhiêu cũng khó có ngày cưới hoa lộng lẫy nụ cười"
Nói là nói vậy nhưng với Võ Thị Quỳnh, sự sáng tạo vượt ra ngoài mục đích bình thường để trở nên phát sáng, dâng hiến cho đời những vẻ đẹp bất tử, để cho những chiếc lá, đời hoa không còn chịu cảnh "sớm nở tối tàn" và ít nhất một lần được xem tranh của chị, chúng ta cảm nhận được rằng, nghệ thuật có muôn nẻo đi, có lối đi nhỏ nhưng đi thẳng vào chiều sâu của trái tim. Bởi vậy dù không có mục đích thuần túy làm nghệ thuật nhưng trái tim người nghệ sĩ của chị vẫn đi mãi bên đời với tình yêu hoa lá, và dù có nhiều triển lãm tranh ở khắp nơi, chị vẫn ước ao rằng có một ngày thu nào đó, chị được đưa tranh hoa lá ép của mình về triển lãm ở quê nhà Quảng Trị dấu yêu, nơi mảnh đất sinh thành của chị, nơi đã dưỡng nuôi trong chị một tình yêu nghệ thuật bằng những kỷ niệm thời thơ ấu mà cho đến bây giờ còn hiển hiện trong tranh chị lấp lánh, ước vọng và thủy chung.