Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.142
123.227.118
 
Trật tự không trật tự - trình bày quan niệm của nhà thơ Đặng Huy Giang
Dương Kiều Minh

Một số ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học đương đại nhận định: Văn học thời hiện đại không mô tả lịch sử mà đúc kết lịch sử, trả lời những câu hỏi của tiền nhân và những câu đố của lịch sử. Tôi nghiêng về phía những nhận định này và theo tôi, nhiệm vụ và hình thức của các thể loại văn học được biến cải theo sự chuyển biến đổi thay của lịch sử, mang đặc trưng yêu cầu của thời đại mà văn học hội tụ phản chiếu, trong đó việc nỗ lực tìm kiếm sự thật phải được đặt cao hơn tất cả những nỗ lực khác.

 

Đọc tập thơ Trật tự không trật tự của Đặng Huy Giang, ta nhận thấy sự đúc kết cùng những lý giải cuộc sống bằng trải nghiệm, kinh nghiệm của tác giả. Nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra trong cái nghịch lý như là biện chứng của sự vận động vũ trụ và xã hội loài người trong Trật tự không trật tự, như là một quy luật khách quan diễn ra ngoài ý muốn chủ quan của chúng ta: Những hình khối những mảng màu/ Nhảy múa/ Mơ hồ/ Còn ý chí như sợi dây buộc trói/ Trong một trật tự không trật tự…/ Dù cái gì phải đến, dù cái gì phải qua/ Bản thân ta/ Trong một trật tự không trật tự/ (Trật tự không trật tự).

 

Lâu nay, chúng ta vốn sẵn thói quen ít có ai thanh thản nói ra ý kiến đi chệch khỏi định kiến của chung quanh. Việc tìm kiếm sự thật lại đòi hỏi phải có nhiều ý kiến trái khác trong sự nỗ lực và can đảm vượt ra ngoài cái định kiến sẵn có, nó từng "vôi hoá" đời sống tinh thần và ý thức của chúng ta. Nơi mỗi hạt bụi cũng không dễ nhấn chìm/ mỗi hạt bụi cũng muốn thành cá thể. Thực thế, trong thế giới vật chất ngổn ngang trùng điệp này, dù là hạt bụi cũng là một vật thể riêng biệt, tự nó tồn tại trong vũ trụ, trong không gian bao la này, nằm ngoài ý thức chủ quan của chúng ta.

 

Trong những điều làm tôi lưu tâm ở Trật tự không trật tự của Đặng Huy Giang là những câu hỏi, từ sự hỏi hoa Giữa đầm sen nở một đoá sen/ sáng lên trong màn đêm ngờ vực/ thơm lên trên sình lầy cùng cực/ em là hoa/ em không là hoa? (Trước sen), đến những câu hỏi về cuộc đời, về vũ trụ, và rồi là Hỏi ma. Có những câu hỏi nhà thơ đã chiêm nghiệm được, còn nhiều câu hỏi nhà thơ chưa tìm được câu trả lời Tôi đem băn khoăn này hỏi những cây sồi/  Những cây sòi trơ thân cành ngẫm nghĩ/ Chúng trả lời bằng cách lặng im (Cái giá).

 

Nhà thơ không dứt suy tưởng về thời gian, về sự sống, về sự sống – tình yêu – cái chết trong một mối quan hệ tất yếu không thể tách rời, được vận hành chuyển động theo một quy luật nhân quả:Trên cây thời gian: Chúng ta già nua/ Trên cây thời gian: Chúng ta tàn lụi/ Trên cây thời gian: Chúng ta lầm lũi/ Trên cây thời gian: Chúng ta phù du/ Mà quả thời gian còn xanh lắm trên đầu! (Trên cây thời gian) và Không phải điều thần kỳ. Chính là cái chết/ Một phần tất yếu của đời anh/ Sau bao nhiêu hạnh phúc mong manh/ Sau bao nhiêu bất hạnh bền vững/ Anh hoài nghi sự bất tử/ Dưới trời xanh…Nhưng nước mắt đời anh vẫn mặn/ Nhỏ xuống buồn em/ Nhỏ xuống vui em/ Nhỏ xuống nơi anh đứng/ Một hạt mầm/ Thêm một cõi/ Sinh ra (Tất yếu).

 

Đọc thơ Đặng Huy Giang, tôi thấy chạm đến những phần thuộc về nhận thức trong hệ thống tư duy mang tính khái niệm, gần với những ý tưởng triết học. Để hướng cái tư duy thơ theo lộ mạch này, nhà thơ không chỉ có những trải nghiệm, mà yếu tố kinh nghiệm của nhà thơ phải là một yếu tố trọng tâm có nền tảng. Kinh nghiệm sẽ giúp cho tư duy những nguyên liệu, tư liệu quý giá của hiện thực để tổng hợp, loại suy, sàng lọc, đối sánh, ... rồi rút ra những đúc kết mang tính chiêm nghiệm: Đóng gói những ngày qua. Cất chúng vào kho/ Tôi ao ước: Giá không bao giờ phải dùng chúng nữa…/ Chúng một phần tôi mãi mãi xa (Những ngày qua).

 

Đóng gói những ngày qua rồi cất chúng vào kho, là cái gì vậy? Đấy là thời gian, là kỷ niệm, là quá khứ và là đời sống đã được sống, đời sống đã được thực hiện – một đời sống đã hoàn thành bổn phận của sự sống. Do vậy, đó chính là Chúng một phần tôi mãi mãi xa. Nói về quá khứ, nói về kỷ niệm, nói về một quãng đời đã qua như vậy, thì quả là đã đẩy xa cái khái niệm này tới “một cõi” trong thế giới của những ý tưởng triết học. Đó chính là một đặc trưng của thơ Đặng Huy Giang mà tôi nhận biết được. Cái mạch thơ tư duy mang ý tưởng triết học này, được nhà thơ bộc bạch khá rõ quan niệm của mình, trong bài thơ có tiêu đề là Sách: Sách hấp dẫn tôi: Cách tư duy mới/ Đến tương lai bằng đôi chân tương lai/ Ngày mai dạy cho ta cách cởi/ Nút thắt giữa lòng mình, không phải giữa lòng ai (Sách).

Thực ra, cái cá nhân của nhà thơ là một thứ cột thu phát sóng của thời đại của cuộc đời. Những mâu thuẫn, nghịch lý chẳng qua chính là ở Lòng mình,

 

không phải giữa lòng ai. Do vậy, nhiệm vụ của con người, cái nhiệm vụ trung tâm và khó khăn nhất lại là cái “cách cởi nút thắt giữa lòng mình”. Những câu thơ trên của Đặng Huy Giang đã cho tôi sự lý giải này. Theo thiển nghĩ của tôi, cái “lòng mình” ở đây, ở một góc độ khác nó chính là cái tự ngã của nhà thơ. Đã qua bao câu hỏi, bao sự tự vấn và đúc kết chiêm nghiệm của cá nhân nhà thơ, nhà thơ đã soi cái tự ngã của mình vào các hình mẫu, nào Lý Bạch, Đỗ Phủ, G.G Marquez, Dan Brown, Êxênhin, Thạch Lam, Chế Lan Viên, Trịnh Công Sơn... nhưng nghe chừng cái tự ngã của nhà thơ soi vào các hình mẫu này rồi đi qua, không dừng lại ở đó. Tôi vẫn ám ảnh về bài thơ Đêm Bản Yên của Đặng Huy Giang. Rằng một đêm ở Bản Yên, nhà thơ chỉ sống với những Đỗ Phủ, Lý Bạch, Êxênin, Chế Lan Viên, sống trong một tinh thần nung nấu, như bài thơ đã nói: Đêm tá túc Bản Yên/ Ngủ cũng không ngủ được/ Thức cũng không thức được/  Tôi chập chờn thi nhân (Đêm Bản Yên).

 

Tôi cho rằng, ngoài sự nung nấu thi ca của nhà thơ, thì cái còn lại là sự soi rọi, đối sánh của cái tự ngã của nhà thơ trước những hình mẫu; có hình mẫu gần, có hình mẫu rất xa, có hình mẫu trong quá khứ và có hình mẫu trong thời hiện tại.

 

Nhưng rồi, tôi nhận ra cái tự ngã của nhà thơ không dừng ở đó mà được cuốn vào một hình mẫu lý tưởng rộng hơn – lộ trình của cuộc cuốn hút này được bắt đầu từ: Rượu suông đem uống với tình/ Ta là cõi thực, còn mình cõi mơ/ Cõi thực xơ xác như vờ/ Cõi mơ - cái bóng mập mờ suối sông/ Đôi bờ hai phía sâu – nông/ Bao giờ đến được ... cõi không thì về (Không đề V).

  

Cái lộ mạch này như dòng nước, nếu từ  trên cao thì tự nó tung chảy xuống thấp, nếu là bình địa thì nó không ngừng loang rộng: Buông một con thuyền/ Lòng không bờ bến (Không đề II); Lấp đầy, và trống rỗng/ xoè hết một bàn tay/ mở hết một vòng tay/ im lìm và vận động/ Đón ta vào cánh cổng/ Là nụ cười Thích Ca/ Đón ta vào giải thoát/ Có ta mà không ta (Tự do).

 

Cái lộ trình cuốn hút tới mục tiêu của hình mẫu cái tự ngã, ban đầu nó có tên là "tự do”, như nhà thơ đặt tên – tự do ở đây, gần với sự cởi bỏ, sự trút bỏ, để bước vào một không gian mới, một thế giới tinh thần mới – sự cởi bỏ này đang dần đến cõi không “có ta mà không ta”, đang ở sự có – không: Trong sự chạy trốn như sắp đặt của thời gian/ Lắng trong ta bao âm thành gào réo/ Và tấm gương soi như lỗ thủng hằng ngày phơi bày sự thật/ Dù đường đời quanh co, đời người ngắn ngủi/ Sao ta vẫn tin dưới bóng Bồ đề/ Vẫn có ngôi chùa nhà Phật/ Dưới mái chùa vẫn nụ cười Di Lặc/ Dù mùa xuân đi qua/ Dù tuổi xuân đi qua...

 

Dưới bóng Bồ đề, hay Ngôi chùa nhà Phật, hay nụ cười Di Lặc là để chỉ một quan niệm về thế giới. Cái quan niệm này nó quán chiếu được đầy đủ những ý nghĩa giản dị nhất và siêu việt nhất về sự tồn tại của con người cũng như vạn vật trong vũ trụ vô cùng vô tận, tựa trên quy luật nhân quả - một quy luật phù hợp soi sáng nhiều lĩnh vực trong các hoạt động của con người trên thế gian. Nhà thơ đã tự nhận rằng cái cánh cửa của nhà thơ đã tự nguyện đặt mình trong sự soi rọi của cái hình mẫu tự ngã này là ta vẫn tin, dù mùa xuân đi qua, dù tuổi xuân đi qua.

 

Điều tôi quan tâm và giãi bày về tập thơ Trật tự không trật tự đã trình bày một quan niệm của nhà thơ Đặng Huy Giang, là ở hình bóng cái tự ngã của nhà thơ và sự tự đặt cái tự ngã hình mẫu cái tự ngã đó, như tôi vừa nêu. Sau đây là một minh chứng cụ thể hơn nữa, sáng tỏ hơn nữa về quan niệm đó: Dưới bóng Bồ đề/ Một năm mươi kiết già/ Gió xoay lật/ Trổ/ Ngàn con mắt lá/ Trong sạch như đứa trẻ/ Ta làm trong thân ta/ Làm rỗng đầu ta/ Và/ Trở lại/ Tình cờ…/ Dưới bóng Bồ đề/ Một năm mươi trôi qua/ Ta chờ đón mọt năm mươi khác/ Có đứa trẻ trong ta cất tiếng khóc chào đời (Dưới bóng Bồ đề).

 

Trong cái lộ trình dài dặc, gian nan của mình, nhà thơ đã cập đến một bờ bến, một cõi rỗng lặng mà tràn đầy - đó là hình mẫu cái tự ngã đã để lại hình bóng của nó trong cái tự ngã của nhà thơ - từ cuộc cập bến này, đã tạo ra sự sinh sôi, sinh thành lớn lao của sáng tạo “có đứa trẻ trong ta cất tiếng khóc chào đời” trong sự soi sáng của “ngàn con mắt lá”, “trong sạch như đứa trẻ”, “làm trong thân ta”

 

Sự thực được kiểm chứng qua lịch sử và qua sự khảo sát của nhiều ngành khoa học, cho thấy: Để tạo dựng và bảo vệ nền văn minh của loài người, ngay từ đầu tổ tiên của loài người đã chế định những điều cấm kỵ đối với một số hành vi của con người. Xuyên suốt chặng dài lịch sử phát triển nền văn minh, những điều cấm kỵ này tuyệt đại bộ phận đã được thực thi một cách triệt để, nhưng ở một vài phương diện đối với một số cá nhân nào đó, thì vẫn còn có sự không kiềm chế được dẫn đến vi phạm những điều cấm kỵ, như ta vẫn thấy thi thoảng có hiện tượng xảy ra ở chỗ này hoặc chỗ kia trên khắp các quốc gia. Và, điều đặc biệt đáng nói là để bù vào sự hụt hẫng của con người khi phải hy sinh bản năng nào đó để phục vụ cho nền văn minh, một số tôn giáo, văn học nghệ thuật và hàng loạt các triết thuyết đã ra đời, trong các mục tiêu của mình, chúng có mục tiêu điều hoà phần lợi ích của con người đã phải hy sinh cho nền văn minh. Có một tôn giáo gần với cái Đạo vũ trụ, đó là việc đề cao tính không thuyết nhân quả - cái đạo này chứa đựng dung nạp được nhiều nhất đối với đời sống tinh thần của còn người từng bị áp lực của thời cuộc và nền văn minh xô ép. Đó chính là cõi mà tác giả của Trật tự không trật tự đã soi bóng cái tự ngã của mình vào trong đó, trong sự tự nguyện đến như một cái duyên Sao ta vẫn tin... /dù mùa xuân đi qua/ dù tuổi xuân đi qua, với cái nhìn hướng về tương lai:

 

Phía trước cuộc đời dù lắm dốc

Nhưng đã có máu – nuôi người

Còn ý nghĩ nuôi văn.

 

Viết đến đây, tôi chợt dừng lại và ngẩng nhìn ra ngoài hiên, ánh sáng vừa sau cơn mưa rào mùa hạ lọc qua bụi trúc. Tôi bất thần nhớ tới ý đoạn cuối bài thơ Thu sơn (núi thu) của Bạch Cư Dị, viết khi nhà thơ vừa ốm dậy, leo núi, thả hồn mình vào cảnh núi non:

 

Đời người có được bao lâu/ như tạm gửi trong khoảng trời đất, lòng lo chuyện nghìn năm/ thân không một ngày nhàn rỗi/ Bao giờ thoát lưới trần/ sẽ về đây khép cửa nghỉ.

 

Có lẽ thiên nhiên và cái đạo vũ trụ là nơi chốn trú ngụ không chỉ đối với người nay mà đối với cả người thời xưa. Tôi tự hỏi, người nay và người xưa thực ra tâm sự có cách biệt nhau nhiều không?

 

Hà Đông, ngày 12 tháng 6 năm 2008

Dương Kiều Minh
Số lần đọc: 2489
Ngày đăng: 24.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những cách hiểu khác nhau về hai truyện ngắn “ chí phèo” và “đôi mắt” của nam cao - Phạm Ngọc Hiền
Viết ngắn 30. Về một thế hệ thơ … - Inrasara
Nông dân cần được đối xử công bằng - Vũ Ngọc Tiến
Mỹ học trong chủ nghĩa tồn tại của M. Heidegger (1889-1976) - Khổng Ðức
Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn
Viết ngắn 10. Các trào lưu văn chương - Inrasara
Nguồn gốc sáng tạo nghệ thuật: tính trực giác - Khổng Ðức
Viết ngắn 09. Truyền thống - Inrasara
Sự ám ảnh về cái chết trong cuộc đời và tác phẩm của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ - Phạm Ngọc Hiền
Cần hiểu đúng về các dị bản của một bài ca dân gian tiêu biểu cho xứ Quảng* - Tần Hoài Dạ Vũ
Cùng một tác giả
Thu ẩm (thơ)