Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.220.930
 
Tạ Nghi Lễ với quê hương và nghệ thuật...
Lê Cung Bắc

Cho dù ngày xưa thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài (nhà Tống) đã để lại những câu bất hủ: “Nhạn quá trường không. Ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý. Thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Nhưng với tôi, mọi thứ có thể mất đi không còn dấu vết, riêng danh tiếng và tình cảm của con người vẫn còn mãi mãi với thời gian

 

Xế trưa 25-7, tôi vừa đi quay phim ở Bình Dương về đang nằm nghỉ thì điện thoại reo. Tiếng của Trường - một đứa em đồng hương Quảng Trị - lo lắng nói với tôi: “Anh Bắc ơi, anh đã biết tin anh Tạ Nghi Lễ bị đột quỵ, hôn mê nằm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định chưa?”. Tôi giật mình hỏi: “Lúc nào?”. Trường nói: “Lúc 11 giờ 30 đêm qua”. Nửa giờ sau tôi có mặt ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

 

Trời mưa tầm tã. Trên hành lang lầu 2 trước phòng cấp cứu, tôi gặp Nguyên - con trai của Tạ Nghi Lễ - từ trong phòng bước ra nhìn tôi mếu máo. Dù linh cảm được chuyện không hay đã xảy ra, nhưng tôi vẫn cứ hỏi: “Ba cháu ra sao rồi Nguyên?”. Cháu Nguyên vừa khóc vừa đưa tay chỉ vào phòng. Trước mặt tôi một tấm drap trắng phủ kín từ đầu đến chân một thân người nằm trên giường. Lòng tôi quặn lên và tự nhủ: “Thế là hết!”. Bên cạnh giường, Lý - vợ của Lễ - đang nắm tay chồng khóc nức nở và Đức - cũng là một người em Quảng Trị thân thương của Lễ - lặng lẽ nhìn tôi lắc đầu. Tôi chỉ có thể nói được một câu: “Trời ơi! Sao lại như thế này?”. Tôi cũng không biết tôi đang nói với ai? Với Lễ, với vợ Lễ, với Đức, với chính tôi hay với ông trời?

 

Xe cấp cứu của bệnh viện đưa Lễ về nhà, chạy qua phố phường ngập trong cơn mưa chiều. Xe qua hết con hẻm 67 Bùi Đình Túy, những người trong xóm cạnh nhà Lễ ùa ra nhìn với vẻ mặt ngạc nhiên, thương xót ngậm ngùi. Tôi nhìn căn nhà quen thuộc của Lễ mấy năm trước, Lễ đã dẫn tôi về nhà giới thiệu phòng này phòng nọ với vẻ mặt hân hoan. Căn nhà mà nhà thơ, nhà báo, nhà văn, diễn viên điện ảnh Tạ Nghi Lễ đã xây dựng bằng công sức lao động miệt mài chân chính. Lúc còn ở Trảng Bom (Đồng Nai), do công việc làm báo bận rộn, sáng nào Lễ cũng phải chạy Honda lên TPHCM, đến chiều lại chạy về. Có một tối trời mưa, tôi bảo Lễ đến nhà tôi ngủ lại rồi ngày mai làm việc luôn, nhưng Lễ vẫn nhất quyết chạy xe về trên quãng đường đêm gần 40 cây số vì ngại vợ con chờ. Chỉ có một lần Lễ nghỉ lại nhà tôi khi nhà báo Lê Đức Dục từ Quảng Trị vào công tác ở tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, Lễ dẫn đến thăm tôi. Ba anh em đã ngồi uống bia, tâm sự về công việc, về quê hương đến quá nửa khuya...

 

Tạ Nghi Lễ là một người rất tình cảm. Đối với gia đình, Lễ rất chỉn chu; đối với bằng hữu, Lễ rất nhiệt tình. Tôi thương Lễ - một người em đồng hương thân thiết. Tôi quý Lễ - con người tài hoa. Tạ Nghi Lễ hoạt động và thành công trên nhiều lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đó là một khả năng hiếm có. Tạ Nghi Lễ còn có một giọng ngâm thơ rất truyền cảm, đặc sệt chất Quảng Trị. nên có lần nghe Lễ ngâm thơ về quê hương Quảng Trị, tôi đã không cầm được nước mắt vì nỗi hoài hương. Con người Lễ rất nặng tình với quê hương nên bất cứ chuyện gì liên quan đến Quảng Trị đều làm anh trăn trở và tham gia hết mình.

 

Con người Tạ Nghi Lễ là như vậy. Bây giờ cho dù cái sắc pháp (hình hài) của Lễ không còn nhưng cái danh pháp (tâm thức) của anh vẫn còn mãi mãi trong lòng anh em bằng hữu và cái nghiệp lành của Lễ sẽ theo anh trong vô lượng kiếp.

 

Một nén hương và những giọt nước mắt cho Lễ - Tạ Nghi Lễ ơi!

Theo www.nld.com.vn

 

Lê Cung Bắc
Số lần đọc: 2229
Ngày đăng: 27.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
bên cạnh vấn đề - Khaly Chàm
gái – ghế – ghệ trong nỗi buồn thơ Đương Đại - Chu Vương Miện
Nói rõ thêm vài điểm trong bài “Người về phía bên kia núi” của Lê Huy Mậu - Trần Đức Tiến
Vài giòng về Mường Mán (*) - Ngụy Ngữ
Hàn Mặc Tử - hồn trăng trong mùa nhớ - Trần Ngọc Tuấn
Đám cưới em họ - Hội An
Chọn hướng xây nhà - Trần Huy Thuận
Bà Bắc - Nguyễn Mỹ Nữ
Bầu bán! - Trần Huy Thuận
Bích Khê - trong mùa trăng tượng trưng - Trần Ngọc Tuấn