1. Truyền thuyết dân gian và cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương.
Truyền thuyết dân gian như những bãi bồi tự nhiên của lịch sử. Bản thân truyền thuyết không là dòng chảy của lịch sử, nhưng nó là sức sống, là phù sa kết tụ từ chính những dòng sông tràn trề tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc của quần chúng nhân dân.
Chặng đường đấu tranh chống giặc ngoại xâm giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX ở đất Nam Bộ là cả một trang sử bi hùng, đầy “khổ nhục nhưng vĩ đại” của dân tộc. Hàng loạt người con Nam Bộ, chẳng cần sự tấn phong của triều đình, đã tự nguyện mài gươm khởi nghĩa. Họ đã đứng lên anh dũng và ngã xuống lẫm liệt, hiên ngang. Vậy mà, trong bộ sử triều Nguyễn, hiếm hoi chỉ có tên tuổi của Trương Định, Nguyễn Hữu Huân kèm theo đôi dòng tóm tắt tiểu sử và lời biểu dương tinh thần kháng Pháp của các vị. Không hề được vinh danh trong đó hàng loạt anh hùng mà người dân Nam Bộ bao đời tôn thờ, tưởng nhớ: Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Phan Liêm - Phan Tôn, Lê Cẩn - Nguyễn Giao, Trần Văn Thành, Phan Công Hớn…
Như để bù đắp cho sự khắt khe và khiếm khuyết ấy của chính sử, truyền thuyết đảm nhiệm vai trò là pho sử dân gian. Qua truyền thuyết, nhân dân đã lưu giữ những ký ức về lịch sử, tự phán xét lịch sử theo cách thức riêng của mình. Nhờ vậy, kho tàng văn học dân gian Nam Bộ đã có được một hệ thống truyền thuyết dân gian phong phú về những anh hùng chống giặc ngoại xâm. Một trong số đó chính là nhóm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Thiên Hộ Dương.
Nếu ngày nay, Nguyễn Trung Trực vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang thì Thiên Hộ Dương chính là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp. Đồng Tháp có quyền thay mặt nhân dân Nam Bộ làm lễ giỗ Thiên Hộ Dương hàng năm. Bởi người anh hùng Thiên Hộ, từ thuở dấy binh, đã lấy bưng biền Đồng Tháp làm địa bàn kháng chiến và chọn đất thiêng Gò Tháp làm đại bản doanh. Không chỉ thế, Đồng Tháp còn có quyền tự hào là nơi lưu giữ đầy đủ nhất, phong phú nhất kho truyền thuyết dân gian cùng những chứng tích văn hoá về cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương.
Có công đầu trong việc sưu tầm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương chính là nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hữu Hiếu. Ông là tác giả của nhiều quyển sưu tầm, biên khảo có giá trị: Truyền thuyết về Thiên Hộ Dương – Đốc binh Kiều; Nam kỳ cố sự; Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười… Kế đến, phải ghi công Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh với quyển Thơ văn Đồng Tháp, tập I (GS. Lê Trí Viễn chủ biên). Ngoài ra, còn có công sức của nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, nhà văn Sơn Nam cùng một số tác giả khác với những bài chuyên khảo về Nam Bộ xưa và nay.
Tập hợp truyền thuyết từ các nguồn tư liệu này, chúng ta có thể nhận diện được một nhóm truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương, trong đó bao gồm nhiều mảng truyện:
- Mảng truyện về Thiên Hộ Dương: Sức khỏe của Thiên Hộ Dương, Võ nghệ của Thiên Hộ Dương, Thiên Hộ Dương dẹp mối bất hòa của các tướng hộ vệ, Thiên Hộ Dương đấu gươm với đô đốc Bạc Má, Đoạn cuối cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương, Thiên Hộ Dương qua đời, Ngày giỗ của ông Thiên Hộ…
- Mảng truyện về các tướng lĩnh của Thiên Hộ Dương: Ông Hùng Dõng, Giai thoại về ông Phòng Biểu, Ông Phòng Biểu trị tội Phạm Công Khanh, Sự tích ông Thống Linh, Đốc Binh Kiều, Cuộc khởi nghĩa của Tứ Kiệt, Mộ Tứ Kiệt, Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn…
- Mảng truyện về nhân vật, sự kiện liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương: Người liên lạc của Thiên Hộ Dương, Ông Dật – tên Đà, Trương Tấn Minh, Thiên Hộ Dương và đạo binh rắn, Đạo binh trâu, Tiếng còi mục đồng, Muỗi Đồng Tháp Mười và chiếc nóp, Trận Mỹ Trà năm Ất Sửu…
2. Mảng truyền thuyết về Thiên Hộ Dương.
So với các lãnh tụ kháng chiến cùng giai đoạn, Thiên Hộ Dương trở thành hình tượng nghệ thuật được truyền thuyết kể lại nhiều nhất.
Các truyện tái hiện gần như xuyên suốt cuộc đời và chiến công lừng lẫy của anh hùng Thiên Hộ. Chuyện bắt đầu từ khi người anh hùng còn là đứa trẻ chăn trâu, rồi lớn lên, bộc lộ tài năng xuất chúng. Được nhắc đến nhiều nhất là thời gian Ngài mộ binh khởi nghĩa nơi bưng biền Đồng Tháp. Thời gian trôi dài theo dòng lịch sử. Thời gian ngưng đọng khi người anh hùng lặng lẽ hy sinh. Thời gian kết tụ trong lòng biết ơn, niềm thương nhớ của người dân Gò Tháp… Cách diễn tả thời gian trong các truyện này thật gần với cổ tích: bắt đầu từ “ngày xưa”, “thời đó”, rồi “một hôm” sang “ngày nọ”; hết “từ đó” đến “ít lâu sau”… Khác mảng truyền thuyết về anh hùng Trương Định, ở đây, không truyền thuyết nào ghi tháng năm cụ thể về cuộc đời ngài Thiên Hộ. Có thể nói, tương đối, mơ hồ là đặc điểm của thời gian nghệ thuật trong truyền thuyết về Thiên Hộ Dương. Trong khi đó, tư liệu lịch sử đâu thiếu những con số chính xác, rõ ràng. Đây hẳn là sản phẩm của người dân lao động, với lối kể chuyện truyền miệng dân gian. Qua kiểu thời gian nghệ thuật này, cuộc đời Thiên Hộ Dương luôn được bao bọc giữa bầu không khí mơ màng, huyền ảo.
Về không gian, các truyện in rõ dáng hình miền đất phương Nam. Nơi đó, lắm gò bãi, ruộng đồng, nhiều rạch con, sông cái. Nơi đó, đồng cỏ mênh mông, trẻ con thỏa sức chăn trâu tập trận, còn nghĩa quân mặc tình gom cỏ khô đốt giặc. Nơi đó có những con rạch nước chảy lớn ròng, người anh hùng ngày ngày xuống tắm, rồi cỡi trâu, luyện rèn võ nghệ. Và không gian cụ thể được nhắc nhiều nhất chính là quê hương Đồng Tháp, qua những tên gọi quen thân: Đồng Tháp, vùng Gò Tháp, căn cứ Đồng Tháp Mười, đại đồn Tháp Mười, vàm Cần Lố, ngã Sáu, ấp Trung…
Riêng về nhân vật, các truyền thuyết dựng lên một hình tượng Thiên Hộ Dương thật bình dị, thân thương, gần gũi. Chính sử chỉ gọi ông là Võ Duy Dương. Nhưng nhân dân cung kính gọi là ngài Thiên Hộ, Thiên Hộ Dương, ông Ngũ Linh Thiên Hộ. Sử sách chỉ biết một Võ Duy Dương từ khi mộ binh chống Pháp. Nhưng nhân dân đã gần gũi ông từ nhỏ. Ông vốn là đứa con của chốn ruộng đồng: nhà nghèo, đi chăn trâu ở mướn… Lớn lên, chàng trai họ Võ được vua chứng kiến tài năng, cho ở lại kinh đô luyện tập. Thế nhưng, không thích chốn cung son ràng buộc, ông tình nguyện theo Nguyễn Tri Phương mộ lính đồn điền. Nhờ có công, ông được phong làm chánh bát phẩm Thiên Hộ. Lại thêm kỳ tích một lần cử được năm trái linh, ông được mệnh danh là ngài Ngũ Linh Thiên Hộ.
Theo góc nhìn sử học, Võ Duy Dương chỉ được quan tâm ở các khía cạnh thời điểm khởi binh, động cơ kháng Pháp, địa bàn hoạt động, qui mô căn cứ, phương thức đấu tranh… Nhưng từ góc nhìn truyền thuyết, Thiên Hộ Dương được soi sáng toàn diện, từ nguồn gốc xuất thân, sức khoẻ, tài năng, võ nghệ, đến những kỳ tích, quá trình hoạt động và sự hy sinh… Nhờ vậy, đời sau mới biết một Thiên Hộ Dương từ nhỏ đã ăn khỏe, sức mạnh hơn người, khiến vua quan cùng kinh ngạc và nể phục (Sức khỏe của Thiên Hộ Dương). Khi kẻ thù xâm lược, chàng mộ binh khởi nghĩa ở miền Tây Nam bộ, lấy bưng biền Đồng Tháp làm căn cứ lâu dài. Lúc này, tài năng, khí phách, đức độ của chàng đến hồi tỏa sáng. Sức mạnh cử đỉnh trăm cân, đường roi song đôi huyền thoại đã đưa tên tuổi anh hùng vang xa, thu hút bao người tài giỏi (Võ nghệ của Thiên Hộ Dương). Trong trí tưởng nhân dân, hào kiệt đâu cứ phải cưỡi trên ngựa quý. Lấy ruộng đồng Nam Bộ làm chiến địa, Thiên Hộ Dương chỉ cần ngồi trên lưng trâu, cầm roi, mà vô cùng oai phong, dũng mãnh. Với nhân dân, chú bé ngày nào lam lũ trên lưng trâu, giờ đã là một dũng tướng tài ba, cùng trâu ra trận. Nhưng đâu phải hạng võ biền, Thiên Hộ Dương là một trang tuấn kiệt song toàn văn võ. Mượn tích chuyện Liêm Pha – Lạn Tương Như, vị thủ lĩnh nghĩa quân đã dẹp tan mối bất hòa giữa các tướng hộ vệ, khiến mọi người cùng xúc động và tâm phục (Thiên Hộ Dương dẹp mối bất hòa của các tướng hộ vệ).
Theo lời lẽ vua quan triều Nguyễn, Thiên Hộ Dương chỉ là một tên phản tặc: “Bọn giặc Võ Duy Dương lưu lại ở Định Tường, tụ tập bè đảng đánh cướp lương thực. Tên can phạm này không phải là thần dân của nước ta. Phải lấy phép nước mà buộc tội, ai lại chịu dung tha”. Thế mà, trong truyền thuyết, tên can phạm của triều đình ấy, lại được nhân dân xem là anh hùng dân tộc. Người dân Đồng Tháp lập đền thờ ông (Đoạn cuối cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương). Bà con ray rứt, ân hận vì không được chăm sóc chu đáo phần mộ người anh hùng. Có năm được mùa, ngày tết được ăn cá kho, dưa giá, họ nghĩ, chính anh linh ngài Thiên Hộ đã phò trợ đồng bào sống trong no ấm (Ngày giỗ của ông Thiên Hộ).
Riêng về cái chết của ông, sử sách ghi thật rõ ràng: “Tháng Mười 1866, Võ Duy Dương, trên đường ra Bình Thuận, đã bị tai nạn đắm thuyền và chết ở cửa biển Thần Mẫu”. Tuy nhiên, truyền thuyết lại không dễ dàng chấp thuận nguyên cớ ấy. Nhân dân không tin người anh hùng bị tai nạn bất ngờ như vậy. Họ chỉ tin Thiên Hộ Dương bị bệnh mà mất, hoặc đã thanh thản nằm xuống nơi vùng quê nào đó: “Sau khi đại đồn Tháp Mười thất thủ, ông Thiên Hộ nghe đâu có ra miền Trung, sau đó trở vào Nam, rồi mất lúc nào không rõ” (Ngày giỗ của ông Thiên Hộ). Có người còn muốn ông đi tìm Nguyễn Trung Trực và hiên ngang ngã xuống trong sự ăn năn, kính phục của bầy cướp biển (Thiên Hộ Dương qua đời). Với những đoạn kết thế này, có lẽ Thiên Hộ Dương là vị thủ lĩnh nghĩa quân duy nhất đi vào cõi bất tử một cách êm đềm và thơ mộng.
Có thể nói, hình tượng Thiên Hộ Dương trong truyền thuyết dân gian mang vẻ đẹp thật mới mẻ, in đậm cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh người nông dân Nam Bộ.
3. Các truyện về tướng lĩnh của Thiên Hộ Dương
Mảng truyền thuyết này chủ yếu khai thác phần hậu của cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương. Thời gian được thể hiện đa dạng. Có khi cụ thể, chính xác: năm Bính Dần (1866), ngày 14/2/1871, ngày 25/12/1902… Có lúc phỏng đoán, chung chung: sau khi Thiên Hộ Dương mất, sau khi thực dân Pháp chiếm đại đồn Tháp Mười , vào khoảng trước thế chiến lần thứ hai … Có chỗ mơ màng, ước lệ như cổ tích: ngày xưa, năm nọ, một hôm, lần khác… Điều này cho thấy có sự tham gia sáng tác truyền thuyết của những trí thức gần dân. Và kiểu tư duy chép sử đã dự phần vào phương thức sáng tác truyền miệng dân gian.
Về không gian, các truyện xảy ra trong và ngoại vi khu bưng biền Đồng Tháp. Những địa danh luôn được đề cập cụ thể: Mỹ Thọ (Cao Lãnh), Cái Thia (Định Tường), Mỹ Lợi (Cái Bè), Hòa Sơn (Cai Lậy)… Không gian tuy chỉ là đôi nét chấm phá nhưng đã hiện lên sống động cảnh sắc, cái hồn của thiên nhiên Nam Bộ. Ở đó, đồng ruộng mênh mông, có cảnh chim đàn phá lúa, mạ non chất kín ghe lườn. Rồi thì kênh rạch dọc ngang, có chuyện nghĩa binh bắc cầu, cắm chông, bày mưu giết giặc… Không gian sinh động ấy đã giúp hình tượng nhân vật thêm phần rõ nét.
Trung tâm của các truyền thuyết là những tướng lĩnh dưới quyền ngài Thiên Hộ. Được kể nhiều nhất là ông Hùng Dõng (cũng là Hồng Giám, Phòng Biểu, Nguyễn Văn Biểu). Kế đến là Đốc Binh Kiều, Ông Thống Linh, Tứ Kiệt, Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn…
Các nhân vật này, sử gia triều Nguyễn không ngó thấu, nhưng nhân dân am tường cặn kẽ. Nào là ông Phòng Biểu sức khỏe phi thường, có tài vụt quét đuổi chim, ra tay trừng trị quân bán nước (Giai thoại về ông Phòng Biểu, Ông Phòng Biểu trị tội Phạm Công Khanh). Nào là phó tướng Đốc Binh Kiều thay Thiên Hộ Dương củng cố lực lượng, “lập trạm gác, tăng cường vũ khí, đạn dược (…) đào giếng trữ nước ngọt, xây lò, bếp nấu cơm…” (Đốc Binh Kiều). Nào là ông Thống Linh, người làng Mỹ Ngãi, huyện Cao Lãnh đưa “đội Nghĩa dũng” gia nhập vào đại binh của ngài Thiên Hộ. Sau khi ông bị giặc bắt chém đầu, “trời đổ mưa tầm tã suốt ba ngày ba đêm” (Sự tích ông Thống Linh). Nào là Bốn Ông ở Cai Lậy tướng mạo dị thường, võ công biến hóa. Các vị có công nối dài cuộc khởi nghĩa của ngài Thiên Hộ trên đất Định Tường (Tứ Kiệt). Rồi Lãnh Binh Cẩn, dù chủ tướng hy sinh vẫn kiên trì cố thủ. Cuối cùng, thời vận không còn, Ông đành khóc hận bãi binh, xuất gia, về Gò Tháp lập chùa thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều (Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn). Có một điểm giống nhau giữa các truyền thuyết này là, sau khi qua đời, các vị anh hùng đều hiển linh, phù hộ nhân dân, trừng trị phường gian ác…
Nhìn chung, so nhiều truyền thuyết về anh hùng kháng Pháp, chuyện các tướng lĩnh của Thiên Hộ Dương không nặng nề sự kiện lịch sử. Nhiều đoạn như được rút ra từ cổ tích. Nhất là chất thơ và mộng luôn bàng bạc trong phần kết truyện. Nó như một cách kết thúc có hậu mà nhân dân có thể làm được, để xoa dịu phần nào nỗi đau, lòng uất hận của các anh hùng ứng nghĩa.
4. Các truyện về nhân vật, sự kiện liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương
Đây là mảng truyện ngợi ca con người và đối tượng thiên nhiên, vật thể từng hỗ trợ đắc lực cho cuộc khởi nghĩa trên quê hương Đồng Tháp. Có riêng một truyện ghi chiến thắng lẫy lừng của nghĩa quân ngài Thiên Hộ.
Thời gian trong các truyện diễn ra vào độ Thiên Hộ Dương hoạt động hiệu quả ở căn cứ Đồng Tháp Mười. Trừ chuyện về trận đánh Mỹ Trà, các truyện còn lại đều diễn tả thời gian theo cách ước lệ, rất gần cổ tích: ngày xưa, ngày kia, trước đây, thuở ấy, lúc này, bữa nọ… Chúng tôi xem đây là biểu hiện đậm nét, đầy thuyết phục của “chất dân gian” trong tác phẩm.
Còn không gian trong truyện là vùng Đồng Tháp mênh mông, lắm hoang vu, kỳ bí. Ở đó, nhiều chướng khí, muỗi mòng. Ở đó, còn cảnh heo rừng táo tợn phá nhà dân; còn những động rắn, hang rắn, với những “con rắn chúa sáu khoang (…) nay teo lại còn bằng mút đũa”, hay “con rắn hổ mây mình to như chiếc thúng”. Rồi những đàn trâu rừng hung hãn chịu thuần phục con người. Không gian còn là khu căn cứ hiểm trở, với những huyệt lộ, đồn canh, trạm nghỉ… Ở đó, nghĩa quân lợi dụng địa hình, đánh kẻ thù tan tác.
Về nhân vật đánh Pháp, các truyện giới thiệu thêm những gương mặt anh hùng mộ nghĩa. Đó là Ông Nghề tướng mạo khác thường, sức mạnh vô song, tinh thông võ nghệ. Biết “đường tắt vào Gò Tháp, ông thuộc như lòng bàn tay” nên Thiên Hộ Dương mời ông làm liên lạc cho quân khởi nghĩa (Người liên lạc của Thiên Hộ Dương). Nọ là ông Trương Tấn Minh, đang cảnh vợ con đầm ấm, nhà cửa khang trang, lại dám từ biệt tất cả, kêu gọi dân trong vùng đứng lên chống Pháp (Trương Tấn Minh). Rồi ông Dật, tên Đà, hai người cùng xóm, cùng học một thầy, cùng đỗ tú tài một khoa nhưng có hai chí hướng. Ông Đà theo Tây. Ông Dật khước từ bổng lộc, tự nguyện góp sức cùng Thiên Hộ Dương đánh giặc. Đến khi bị bắt, ông bỏ ngoài tai lời ngon ngọt dụ hàng của tên bán nước (Ông Dật – tên Đà). Đó còn là người nông dân thuần phục trâu rừng. Không chỉ dùng trâu kéo cày, kéo xe, kéo cộ… ông còn biết dùng trâu lập kế đánh Tây, được Thiên Hộ Dương công nhận tài năng và phong là Ngưu quân thượng tướng (Đạo binh trâu). Các nhân vật này tiêu biểu cho đội ngũ hùng hậu những anh hùng chống Pháp. Dù trí thức hay nông dân, là Lãnh binh hay người liên lạc, các nhân vật vẫn một lòng đi theo kháng chiến, trung thành với sự nghiệp cao cả mà Thiên Hộ Dương đã dày công gây dựng.
Một nội dung khác trong mảng truyện này chính là việc nhân dân ghi công những con vật, đồ dùng từng hỗ trợ đắc lực cho cuộc khởi nghĩa. Trước hết, phải kể đến vai trò rắn độc. Đất Tháp Mười lắm bụi bờ, gò đống, nơi mãng xà chọn chốn nương thân. Có thứ hung hăng, có con tu luyện. Những con rắn chưa từng nổi giận ấy, như cũng biết căm thù, một ngày vụt trồi lên, cắn chết loài Việt gian bán nước. Thiên Hộ Dương nhận ra sức mạnh của chúng, liền âm thầm nuôi giấu, lập mưu tiêu diệt quân thù (Thiên Hộ Dương và đạo binh rắn). Hay như giống trâu rừng vô cùng lợi hại. Người dân Đồng Tháp ra tay thuần phục chúng, sử dụng trí khôn và sức mạnh bầy đàn của chúng phá tan trận càn của giặc (Đạo binh trâu). Đề cao sự lợi hại của rắn độc, trâu rừng trong chiến đấu, thực ra, đó là cách nhân dân gián tiếp ngợi ca tài trí của Thiên Hộ Dương và những anh hùng vô danh trên quê hương Đồng Tháp.
Cũng từ âm hưởng ngợi ca, nhân dân tự hào về chiếc còi hiệu được chế từ khúc sừng trâu (Tiếng còi mục đồng), về chiếc nóp chống muỗi được đan bởi cọng bàng (Muỗi Đồng Tháp Mười và chiếc nóp). Chúng thô sơ, mộc mạc nhưng đủ khiến quân thù mất ăn mất ngủ. Kẻ thù sao có thể hình dung đó là vũ khí, là quân trang của những nông dân cuốc bẫm cày sâu, giờ thành quân mộ nghĩa. Nhân dân cũng không quên nhắc nhở trận Mỹ Trà năm Ất Sửu. Đó là chiến công của một tập thể anh hùng, luôn hừng hực quyết tâm, giàu óc thông minh, sáng tạo (Trận Mỹ Trà năm Ất Sửu).
Những nhân vật, sự kiện trên, sử sách phong kiến nào quan tâm ngó thấy. Nhưng nhân dân không quên lãng một ai, không bỏ sót việc gì. Điều này minh chứng, một khi phong trào khởi nghĩa đã thuộc về nhân dân thì mỗi bước đi của lãnh tụ; mỗi đóng góp, hy sinh thầm lặng của từng con người đều được nhân dân khắc ghi, lưu giữ trong truyền thuyết.
5. Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương – một phần di sản quý báu của văn học dân gian Nam Bộ.
Nhóm truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương đã góp phần minh chứng cho sức sống của thể loại truyền thuyết. Cho dù lịch sử, với tư cách một ngành khoa học, đã ghi được toàn bộ bước đi của dân tộc, của từng triều đại nhưng lịch sử vẫn không thay thế nổi chức năng của truyền thuyết. Truyền thuyết vẫn thi hành sứ mệnh cao cả của nó: là bộ sử dân gian - là cách nhìn, cách đánh giá của nhân dân về lịch sử.
Nhóm truyền thuyết này đã chứng tỏ cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương có một ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng trong đời sống tinh thần người dân Nam Bộ nói chung và người dân Đồng Tháp nói riêng. Nhờ vậy, những bước đi của lịch sử, qua thời gian, đã lắng đọng, kết tụ được thành truyền thuyết. Nó góp phần làm giàu có thêm kho tàng văn học dân gian Nam Bộ.
Tất cả những ai nặng lòng yêu quý mảnh đất phương Nam xin thật lòng cảm ơn người dân Đồng Tháp vì đã lưu giữ được vẹn nguyên những truyền thuyết dân gian này - phần di sản quý báu của kho tàng văn học dân gian Nam Bộ.
Mỹ Tho, tháng 9 năm 2007