Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.159
123.224.787
 
Trở lại Xứ Thanh
Nguyễn Nguyên An

Đầu tháng 5 tôi ra Thanh thăm ông cậu để ông chuẩn bị rủ bụi trần về với tổ tông, đỡ phiền con cái sau hơn hai năm nằm liệt. Tôi mua vé TN2 giá rẻ. Thời gian gần đây Tổ cung ứng bán một suất cơm 15.000đồng cho khách đi tàu. Trước bữa ăn, Trưởng tàu Đinh Hữu Tường cho nhân viên thông báo thực đơn trên loa, mới đi đăng ký, khách ăn cơm cần thêm gì để phục vụ tận tay! Hộp cơm tạm được, tiền nào của nấy. Một anh bộ đội Cục hậu cần phàn nàn: "Cơm không no! Đắt quá!". Tôi biết, tiền ăn một bữa của bộ đội cao hơn tiền suất cơm, đơn vị cải thiện tốt còn khá hơn. Thời lương thực, thực phẩm đi thang máy, tạm bằng lòng suất cơm tàu chợ xuyên Việt vậy.

 

Xuống Ga Thanh Hóa vào giữa khuya, tôi thấy nhà ga khang trang trong không khí bình yên. Trước đây, người chờ tàu nằm lăn lóc ngoài ga, nhiều thanh niên bặm xị hành nghề tẩm quất và một số quái ga lén lút hoạt động! Bây giờ, tôi an nhiên lên xe tắc xi đến bến xe nội tỉnh, bến xe vắng tanh chìm trong nhờ nhờ ánh điện? Chả bù hơn hai mươi năm trước, bến xe nhốn nháo suốt ngày đêm. Một anh lơ mời tôi lên xe: "Chú ngủ luôn trên xe, đừng xuống bến, bọn nghiện xin đễu". Tôi vật vã bởi cái nóng, mùi hôi và muỗi. Lát sau, tôi thấy mấy chú nhóc đạp xe đạp lượn vào bến nghiêng ngó. Trong tôi, vẳng lời chú em từng ra Thanh bán bún: "Em bán một ngày lời hai trăm ngàn, nhưng sợ bọn nghiện. Mở quán, chúng lừ đừ vào toa-lét chích, em dặn nhân viên không xuống toa-lét, lỡ chúng lên cơn chúng chích cho một kim thì tiêu. Thấy, không báo công an cũng phạm pháp chi bằng không thấy vẫn hơn. Bọn oắt đây liều lắm!". 4giờ30 phút ông tài lên xe khởi động máy. Xe bon trên đường thảm nhựa lên huyện Ngọc Lặc. Hồi trước xe chạy đường đất, trong xe khách nêm cứng, phải ngồi cả trên mui ; xe chạy từ sáng sớm, gần 12giờ trưa mới đến. Bây giờ chỉ mất hơn tiếng đồng hồ, còn được thưởng ngoạn nhà cửa, cây cối, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, cầu đường cho đến nông trường cơ quan và thị trấn Ngọc Lạc đổi thay vượt bậc, lớn dậy khỏe khoắn bất ngờ!

 

Hôm sau, tôi theo Quốc lộ 47 đi Cẩm Thủy, tham quan suối cá thần Lương Ngọc thuộc địa bàn xã Cẩm Lương, cách thị trấn Cẩm Thuỷ chừng 11km về phía Tây. Đây là một điểm di tích lịch sử và di sản văn hóa quan trọng đã được công nhận từ năm 1993. Người ta giới thiệu: "Huyện Cẩm Thủy nằm ở phía Nam cảnh quan Liên khu đá vôi Pu Luông - Cúc Phương, một khu vực có cảnh đẹp nổi tiếng và có giá trị sinh học quan trọng toàn cầu, chứa đựng trong đó một số trong rất ít những khu rừng đá vôi đất thấp rộng lớn còn lại ở miền Bắc Việt Nam là nơi trú ngụ duy nhất của loài Voọc lông trắng (Delacours Langqua) một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới..."

Suối Lương Ngọc dẫn nước từ một hồ lớn ngầm trong lòng núi Trường Sinh chảy ra, tiếng Mường gọi là mó Ngọc. Nước ra khỏi hang, chảy 3km hòa nhập vào sông Mã. Từ cửa suối tiếp giáp núi đá một đoạn trên dưới trăm mét, cơ man nào cá và cá. Những con cá trông như cá trắm, đầu và vây như cá chép, có con to gần 10kg. Theo các nhà khoa học cá sống ở suối gồm cá dốc, cá chài, cá mại (thuộc bộ cá chép, tên khoa học là Spinitarbichthys denticulatus, có tên trong sách đỏ Việt Nam). Bà con nguời Mường gọi suối Cá Thần.

 

Tôi vào cúng công đức và thắp hương ở miếu Thần Rắn. Được một cụ bà người Mường kể: "Hồi xưa ở đây hạn hán cả năm, người dân sống cơ cực. Ở làng, có cặp vợ chồng tuổi cao nhưng hiếm muộn, hằng ngày hai cụ lọ mọ đưa nhau ra suối mò cua,  xúc tép kiếm miếng ăn. Bà cụ xúc được một quả trứng lạ. Bà thả xuống suối, xúp tiếp vẫn thấy quả trứng nằm trong xúc, bà cho điềm lạ, đem trứng về cho gà ấp. Gà ấp nở ra một con rắn, hai cụ đưa chú rắn thả xuống suối Ngọc. Rắn bò về nhà. Hai vợ chồng đành nhận rắn làm con của mình. Từ khi vợ chồng cụ nuôi rắn mưa dầm đề trút xuống, bản làng khỏi hạn, mùa màng tươi tốt, bà con nhờ thế được ấm no. Một đêm, mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm. Sáng ra, bà con phát hiện chú rắn đã chết dưới chân núi Trường Sinh, đầu hướng về làng. Người dân chôn cất rắn và lập một đền thờ thần rắn bên cạnh suối Ngọc. Hôm sau Thần linh báo mộng cho dân làng: Thần rắn chết do một trận thuỷ chiến với quái vật để bảo vệ dân làng nên được phong là Tứ Phủ Long Vương. Cũng từ đó trong suối Ngọc  xuất hiện đàn cá lạ hàng ngàn con, lượn lờ suốt ngày đêm không chịu đi xa...". Cũng theo cư dân ở đây bảo rằng: "Điều bất hạnh sẽ xảy ra đối với những ai dám làm hại tới những con cá sống ở đây! Bởi Thần Rắn luôn bảo vệ, chở che đàn cá thần".

 

Lương Ngọc có gần 150 hộ dân, phần lớn là người dân tộc Mường. Xưa nay chỉ quen việc đồng áng. Từ khi suối cá thần được VTV3 giới thiệu "Chuyện lạ Việt Nam" khách đến tham quan ngày càng nhiều, bà con nhờ vào lợi thế này tập tành làm kinh tế. Họ bày bán những bức ảnh chụp suối cá, các bộ trang phục dân tộc bằng thổ cẩm, cơm lam, rượu cần... và bãi giữ xe, nước giải khát cho du khách. Cô Phạm Thị Ly, thợ chụp dịch vụ ở suối cá, chụp cho tôi một bức ảnh (nhiệt) lấy liền với giá 20 ngàn một ảnh màu không phim. Nghe tôi từng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, cô bớt năm ngàn. Bà con luôn có ý thức nâng niu đàn cá, không hẵn nhờ vào đàn cá cuộc sống họ được cải thiện hơn mà còn là đức tin vào sự sung túc của đàn cá trong dòng suối cũng chính là sự bình yên, no ấm của dân làng, nên bao đời nay, bà con dân tộc Mường luôn giữ gìn nuôi nấng đàn cá thiêng.

 

Ở nhà cậu tôi, tôi xa xót cho hai cảnh đời một già một trẻ là cậu tôi và chị út con của cậu mợ. Cậu nằm á khẩu trong căn phòng nhỏ, thân hình da bọc xương và một đôi mắt lặn mờ hai giọt đục. Cậu nằm một đống như thế, ăn hai bữa không khổ, khổ nhất là khi có nhu cầu. Chị út tôi mới ba mươi tuổi còn khỏe, hai tay cầm hai chân cậu giang ra để cậu đi ngoài. Có khi cậu bết như trẻ nít, ai chứng kiến cảnh một ông già 78 tuổi như vậy, không khỏi xa xót cho thân phận người già bại liệt! Còn chị út từng bị bán sang Trung Quốc làm vợ một anh tâm thần. Suốt ngày chị lao động khổ sai, tối phải phục vụ anh, người điên lại khỏe chuyện ấy mới lạ, chị bạc nhược nhanh ! May, chị chạy trốn về nước, với một quá khứ toe tua, chị phải yêu anh nghiện, có với anh hai đứa con. Anh nghiện vã thuốc, trong xương như kiến tha cò mổ, anh đành bỏ vợ con sang Trung Quốc làm mướn. Thế là chị bồng con đi làm ô sin, kiếm ít tiền lận lưng sang Trung Quốc đem chồng về, bởi chị nghe người ta đồn, dùng thuốc thời gian ngắn, lục phủ ngũ tạng bể nát, chết nhanh! Hai đứa con chị còn nhỏ, cần cha!

 

Về Thanh, nhà thơ Lâm Bằng ở Tạp chí Xứ Thanh mời tôi ghé nhà anh. Vẫn lối sống giản dị của một nhà thơ, nhà báo, Lâm Bằng đãi tôi một bữa cơm thắm tình bằng hữu. Anh đưa tôi ra ga, tôi lên tàu TN1 về Huế. Gặp lại Trưởng tàu Tạ Đình Tứ, anh bạn một thời khi tôi cộng tác viên Báo Đường Sắt Việt Nam. Chúng tôi lại trao đổi chuyện suất cơm trên tàu. Anh Tứ cho biết, thực phẩm phục vụ trên tàu có nguồn gốc an toàn, khẩu phần ăn nóng sốt, đảm bảo yêu cầu của hành khách. Để đạt được mục đích đó, cường độ lao động của anh em Tổ tàu và Tổ Cung ứng phải tăng lên. Khi tôi xuống Ga Huế, lời tâm sự của anh còn vang: "Coi khách như người nhà, phục vụ khách tận tâm..."

 

Huế, ngày 19 tháng 7 năm 2008

( Kèm ảnh chụp tác giả đứng  bên suối cá thần)

Nguyễn Nguyên An
Số lần đọc: 3215
Ngày đăng: 28.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi mãi bên đời với tình yêu hoa lá - Minh Tứ
Hương Cần du hành - Ngô Thiên Thu
Một trời Phú Thọ - Văn Chấn Ngọc
Hàn Mặc Tử trong ký ức người em họ - Nguyễn Hoàn
Trên đồng bưng sáu xã - Võ Ðắc Danh
Hà Thành siêu độc giả - Lê Mai *
Chuyện đàn ông theo vợ “vượt cạn” - Nguyễn Hoàn
Hai mươi năm và nhiều hơn thế… - Trần Trung Sáng
Về thăm Quê Xép - Nguyễn Thuỵ Nhã
Vĩnh biệt ông: nhà văn Xuân Sách - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Hai Bà Mẹ (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Ăn chay (truyện ngắn)
Kim (truyện ngắn)
Cổ Tích Thời Nay (truyện ngắn)
Con Trai Miền Gió Cát (truyện ngắn)
Đất sau mưa (truyện ngắn)
Bầu bí nương nhau (truyện ngắn)
Ánh mắt trẻ thơ (nhiếp ảnh)
Nỗi Buồn rực rỡ (truyện ngắn)
Ngôi mả đá (truyện ngắn)
Huyền Anh Quán (tạp văn)
Mẹ (thơ)
Ngọn Đèn Tỏ Mãi (truyện ngắn)
Thăm chồng (truyện ngắn)
Bức Tường (truyện ngắn)
Nhân Cách Thơ (truyện ngắn)
Trâu ở chùa (truyện ngắn)
Tình Cỏ Lau (truyện ngắn)
Nhỏ ơi (truyện ngắn)
Chị em sinh đôi (truyện ngắn)
Tráo ông địa (truyện ngắn)
Hai lần khóc... (truyện ngắn)
Thầy cũ (truyện ngắn)
Tin Buồn (văn hóa)
Bao Dung (truyện ngắn)
Người Thầy Thuốc (truyện ngắn)
Biếc tình (tạp văn)