Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.269
 
Bắt gặp những ý niệm nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng
Nguyễn Hoàn

Ai đó chủ xướng cho mình một tâm lý bi quan theo kiểu người phương Tây rằng: “Ta sinh ra quá muộn trong một thế giới đã quá cũ” thì hẳn là khi được xem tranh Lê Bá Đảng sẽ tự phản tỉnh tức khắc về sự nhầm lẫn ghê gớm của cái điều mà mình đã chủ xướng kia. Biết rằng hoạ sĩ Lê Bá Đảng nổi tiếng kỳ tài vì đã tạo hình nên những “Không gian Lê Bá Đảng” luôn hiện hữu mối giao hoà tuyệt vời giữa con người, vạn vật và vũ trụ nhưng tôi vẫn rất đỗi bất ngờ về cách triển lãm tranh độc đáo của hoạ sĩ diễn ra trong một lần tại chính quê nhà họa sĩ (làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là dựng tranh ven hồ đình, dựng tranh giữa cây xanh và trải mượt mà thảm tranh lên mịn màng thảm cỏ tơ non trước mặt đình làng. Cắt nghĩa về cách bày tranh lộ thiên trên vùng đất của huyền thoại Rùa Nổi mầu nhiệm ở trước đình làng Bích La (trước đình làng Bích La có một hồ nước, tương truyền rằng, năm nào Rùa Vàng trong hồ nổi lên là làng làm ăn thịnh vượng), thay cho lối triển lãm phòng tranh tù túng, hoạ sĩ giãi bày mà như là nói về một biểu trưng sang trọng: “Tôi đem tranh ra hoà hợp với tạo hoá”. Đằng sau những “Không gian Lê Bá Đảng”, đằng sau cuộc “hoà hợp với tạo hoá” kia, hay nói theo cách của chính ông, “bên kia nghệ thuật đồ hoạ”, có những nội lực bí ẩn nào của ông đã đưa duyên cho bàn tay hoạ sĩ tài hoa?

 

Tôi chưa có dịp đi đến tận cùng đáp số trả lời cho câu hỏi kia, nhưng qua tham dự buổi tiếp xúc giữa hoạ sĩ Lê Bá Đảng với anh em văn nghệ sĩ, báo chí vừa qua, tôi cho rằng hoạ sĩ đã đưa nội tâm mình ra để giải mã ở mức không đến nỗi dè sẻn về những bí mật chi phối quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Có hai nguồn nội lực bí mật được ông tập trung giãi bày, đó là vai trò của chủ thể sáng tạo (tức người nghệ sĩ) và sức mạnh của những quan niệm đặc trưng, đặc thù trong tư duy nghệ thuật của ông. Nếu ta nhớ lại rằng vai trò của chủ thể sáng tạo (chẳng hạn như cá tính, suy nghĩ chủ quan của nghệ sĩ trước hiện thực khách quan...) trong một thời gian dài trước đây bị lý luận văn nghệ ở ta xem nhẹ thì càng thấy rằng, những ý tưởng của hoạ sĩ Lê Bá Đảng đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cá tính riêng, suy nghĩ riêng, kỹ thuật kỹ xảo riêng chứ đừng bắt chước người khác được nêu ra dầu không mới nhưng hãy còn chưa muộn. Là nghệ sĩ từng được mệnh danh là “bậc thầy của hai thế giới Đông-Tây”, ông có một bài học tự nhủ về nghề nghiệp rằng Tây mà bắt chước là Tây giả và Đông mà cố tạo lấy được là Đông thì cũng không thành Đông, hãy đón nhận các nguồn ảnh hưởng một cách tự nhiên hoà hợp. Theo ông, điều quan trọng trước tiên với nghệ sĩ là phải biết nhìn, sau đó mới đến phần kỹ thuật. Phải có kỹ thuật nhưng đừng quên rằng, đôi tay phải chạy theo suy nghĩ của mình mới được. Phải quên hết những gì mình đã học được ở nhà trường, ở thầy giáo để sáng tạo nên cái của mình. Đấy chính là bí quyết giúp mình thành công hơn người khác.

 

Bất kỳ một nghệ sĩ nào dù đã ý thức đầy đủ vai trò của chủ thể sáng tạo, vẫn không thể nào thực hiện trọn vẹn vai trò cao quý ấy, nếu không chịu tìm kiếm, xác định và hình thành nên những tính chất đặc trưng trong tư duy nghệ thuật cuả mình. Với Lê Bá Đảng, nét đặc trưng đầu tiên dễ phát hiện ở ông đó là một quan niệm phóng khoáng về việc định danh mỹ thuật là gì và mỹ thuật có chức năng gì. Ông khẳng định rằng mục đích của con người trong buổi đầu tiên bày ra mỹ thuật là nhằm bày ra cách, bày ra cái gây cảm hứng cho người xem, chứ chưa cốt chủ tâm vào việc phân loại những cái đó thành tranh, thành tượng như về sau đã làm. Khác với số đông nhiều người xem việc phân loại kia là một bước ngoặt đặc biệt đánh dấu sự phát triển tư duy nghệ thuật của loài người, ông đã phá bỏ kiểu phân loại để hành hương trở lại với nguồn cội khai sinh mỹ thuật mà sáng tạo nên những tác phẩm có sức chứa tổng hợp tất thảy mọi loại thể: tranh, tượng, in nổi, vẽ nổi, đắp nổi...Khả năng tổng hợp này là một trong muôn vàn tác nhân quan trọng quyết định đến hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ của các tác phẩm của ông. Mỗi bức tranh nhỏ của ông đã hoạ thành một phong cảnh lớn mà trong đó, con người được tạo hình thành những ký hiệu tuyệt vời của sự sống. Ông muốn tạo nên một xóm, một xứ, một làng, một nước ở trong tranh mình, với ước vọng rồi đây sẽ có biết bao nhiêu xóm-xứ-làng-nước trong đời được chuyển hoá trở thành những bức tranh.

 

Khẳng định điều quan trọng trước tiên với người nghệ sĩ là phải biết nhìn, hoạ sĩ Lê Bá Đảng đã phân tích sự cách tân độc đáo về điểm nhìn trong phần lớn các tác phẩm của mình như sau: “Tôi cứ làm khác người ta. Xưa nay, người ta quen nhìn thẳng. Bây giờ, con người đã bay trên trời rồi thì mình phải nhìn xuống để thâu tóm những gì rộng lớn, bao la, tổng quát, để thoát khỏi những biên giới, để giải phóng những vòng vây hình thức của bức tranh”. Ở dưới điểm nhìn kỳ vĩ của ông, con người đã trở thành những tâm điểm giao nối vào vũ trụ. Người ta nói rằng con người là vốn quý nhất, ông nói thêm rằng, cái quý nhất là tinh tuý của con người. Thành thử, tranh ông luôn có con người, đặc biệt là những nhóm người gồm cha mẹ và con cái tạo thành mối hoà hợp nghĩa tình là gia đình đặt trong mối giao hoà với tạo hoá. Do không nhìn ra lối thể hiện con người trong tranh ông, có người đã băn khoăn vì sao ông không vẽ phụ nữ. Thực ra, có rất nhiều phụ nữ hiển hiện sống động, rộn rã trong tranh của ông. Nhưng những người phụ nữ của ông không môi son, má phấn loè loẹt mà là những thực thể mênh mang, khoáng đạt hoà nhập vào vũ trụ. Chính sự cách tân về cách nhìn, điểm nhìn của ông khiến cho người xem muốn thưởng ngoạn trọn vẹn tranh ông thì phải phá bỏ cách xem tranh theo lối cũ. Tranh ông sống theo chiều ánh sáng với những biến đổi của nó qua từng khoảnh khắc. Hơn thế nữa, ánh sáng trong tranh ông khác hẳn ánh sáng tạo hoá, điều này dễ dàng kiểm chứng khi xem tranh ông vào lúc chiều xuống, lúc mà ánh sáng tạo hoá bắt đầu tạm biệt cõi trần. Aïnh sáng tạo hoá chỉ chiếu thẳng, còn ánh sáng trong tranh ông vừa chiếu qua, vừa chiếu lại, tạo nên loại “ánh sáng thứ ba” theo như cách nói của ông.

 

Những nét đặc trưng trong tranh ông được nhuốm bởi sắc thái da diết của một tình yêu quê nhà nồng cháy của ông. Ông mang cả bản sắc quê hương toát lên từ dáng vẻ, sắc màu đất đai...phả vào tâm cảm và tác phẩm của mình. Những đốm sáng đom đóm, những vệt sáng tựa sao băng trong tranh ông chính là sự in dấu hằng cửu ký ức tuổi thơ của ông về những chuyện huyền bí và tưởng tượng xảy ra ở cõi trời. Tình quê thấm đậm cả đến những chất liệu ông dùng để vẽ chứ không chỉ đơn thuần là cái được vẽ. Ông đã dùng những chất liệu tự mình có được, hơn nữa, ông còn chủ trương dùng cái nghèo của mình mà vẫn làm ra cái đẹp cho đời chứ không ham chạy theo những chất liệu “giàu có”. Ông hành hương tìm về quê nhà chính là tìm về cội nguồn đã ấp ủ và hoài thai ra những tác phẩm đưa đẩy ông thành trứ danh.

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 3356
Ngày đăng: 29.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trật tự không trật tự - trình bày quan niệm của nhà thơ Đặng Huy Giang - Dương Kiều Minh
Những thành tựu văn chương phú yên thế kỷ xx - Phạm Ngọc Hiền
Những cách hiểu khác nhau về hai truyện ngắn “ chí phèo” và “đôi mắt” của nam cao - Phạm Ngọc Hiền
Viết ngắn 30. Về một thế hệ thơ … - Inrasara
Nông dân cần được đối xử công bằng - Vũ Ngọc Tiến
Mỹ học trong chủ nghĩa tồn tại của M. Heidegger (1889-1976) - Khổng Ðức
Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn
Viết ngắn 10. Các trào lưu văn chương - Inrasara
Nguồn gốc sáng tạo nghệ thuật: tính trực giác - Khổng Ðức
Viết ngắn 09. Truyền thống - Inrasara
Cùng một tác giả