Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ không ai là không thuộc nằm lòng, không bị ám ảnh và xúc cảm đến nghẹn ngào, quặn lòng khi học những vần thơ “Văn chiêu hồn” (còn gọi là “Văn tế thập loại chúng sinh”) của Nguyễn Du. Ang văn tuyệt tác, chứa chan, thấm đẫm những giá trị nhân đạo vô bờ này, Nguyễn Du viết để xót thương những “cô hồn”, những người chết trong những trạng huống bi thảm khác nhau và đều chịu cảnh: “Hương lửa đã không nơi nương tựa, hồn mồ côi lần lữa bấy niên”. Trong tục cúng cô hồn ngày trước, “Văn chiêu hồn” được đọc lên để gọi hồn, tìm hướng giải thoát, cứu khổ cho các cô hồn, hướng đó được Nguyễn Du tìm trong phép Phật. Đó là phép hoá giải mà ông cha ta ngày trước đã tin.
Và giờ đây, tôi được sống với niềm rưng rưng liên tưởng về phép hoá giải thuở xa xưa đó của “Văn chiêu hồn” Nguyễn Du, khi hay tin rằng ở đất trạng Vĩnh Hoàng đã có một cách hoá giải bi kịch của những “cô hồn” (xin tạm mượn từ cũ, không hiểu theo nghĩa mê tín) không chỉ bằng Văn mà bằng một cách làm khác và mới, đầy tính hiện thực và thiết thực: quy tập hài cốt những người chết không còn ai thân thích hương khói, không nơi nương tựa...về trong một nghĩa địa, có tên là nghĩa địa âm hồn. Đó là nghĩa địa âm hồn làng Huỳnh Công Tây, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh.
Về đất trạng Vĩnh Hoàng ngày nắng nhưng dường như cái nóng dịu lại, cái nắng cũng xanh trong màu xanh no mắt của đồng lạc, bãi dưa. Dưa Vĩnh Hoàng to đến mức quạ khoét trái chui vào ăn từng bầy, người trồng dưa chỉ việc bịt chặt lỗ trái dưa, chờ quạ chui ra và thế là tha hồ “Bắt bọp, bắt bọp” (tên một chuyện trạng Vĩnh Hoàng). Ngồi tại nhà anh Trần Hữu Chư, chủ nhiệm HTX Huỳnh Công Tây cùng bác Nguyễn Đình Trí, Bí thư Đảng uỷ bộ phận, trưởng làng Huỳnh Công Tây, bác Trần Quý, 77 tuổi, tham gia hội người cao tuổi làng, trưởng họ Trần và một số chú bác khác, tôi vừa được thưởng thức vị ngọt chín mọng của những quả dưa hấu “bắt bọp”, vừa được khơi nguồn mạch chuyện xưa xen với chuyện nay, theo lối ôn cố tri tân, đặc biệt là chuyện lễ nghĩa với người đã khuất mà vô tự, mà không người thân thích hương khói, một lễ nghĩa đã thành tập tục truyền đời lâu nay ở đất Huỳnh Công Tây chứ không phải đợi đến hôm nay, cuộc sống đã khá lên mới “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Theo “ký ức lịch sử” của bác Trần Quý, làng Huỳnh Công Tây hình thành cách đây 40 đời, “tính theo lăng mộ của họ tôi” (được biết, cái tên làng Huỳnh Công đã xuất hiện trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn năm 1776). Tập tục xủi mả (tức là tảo mộ) xóm, những mả vô chủ đã có ở làng từ lâu đời và diễn ra vào mồng 4 Tết hàng năm. Gia đình nào không đi xủi mả thì bị phạt. Tập tục này đã thành một thứ hương lửa nồng đượm truyền đời không bao giờ tắt, ngay cả lúc chiến tranh cũng chỉ bị gián đoạn một thời thôi.
Mỗi dịp Tết, dân làng xủi mả và cúng mộ âm hồn với lễ vật là bánh tét và mật mía đựng trong vò. Gia đình nào cũng cúng, hộ khá thì cúng một mâm, hộ nghèo thì được miễn. Thời chống Pháp, làng vẫn tổ chức cúng tại vùng rú Cấm, cào đất lại, đắp thành nền để đặt lễ vật. Thời chống Mỹ, dân làng sơ tán nên không cúng tế hàng năm được. Hoà bình về, làng nối lại tập tục xưa, tổ chức cúng âm hồn ở ngoài động ông Đồn. Ba năm trở lại đây, việc cúng được đưa vào tổ chức trong hội trường HTX cho trang trọng, chu đáo hơn. Sau những lần xủi mả, cúng tế như vậy, thấy rằng nếu cứ để mãi tình trạng mộ vô chủ nằm rải rác, phân tán như lâu nay sẽ khó quản lý, các cụ phụ lão trong hội người cao tuổi của làng đã đề xuất với làng việc quy tập những ngôi mộ này về một khu vực, đề xuất này được đưa ra cách đây đã 5 năm. Dân làng đều đồng ý nhưng dạo đó làng còn nghèo nên chưa thể tiến hành việc nghĩa này nhanh được. Bắt đầu từ năm 2002, nhờ huy động được công sức và tiền của đóng góp của bà con, mỗi hộ góp 10.000 đồng, việc quy tập đợt 1 mới được tiến hành, với số mộ quy tập được là 480 ngôi trong tổng số trên 700 ngôi cần quy tập đã được khảo sát, xác định, cắm thẻ đánh dấu. Vậy là còn gần 300 mộ chưa quy tập, làng dự định tiếp tục quy tập vào dịp Tết hàng năm.
- Vì sao có nhiều ngôi mộ bị rơi vào tình trạng vô chủ đã lâu năm như vậy? - Tôi hỏi các bác một câu chia sẻ ngọn nguồn.
- Điều đó có nhiều nguyên nhân - Bác Trí giải thích - Do chiến tranh, do thân nhân những phần mộ này là con gái lấy chồng xa, do có họ có nhiều người bị tuyệt tự, riêng họ Tạ có hơn 100 mộ vô tự. Có những phần mộ lúc người cha còn sống đã đảm nhiệm chăm sóc, cha mất đi giao lại cho con, con đã không tìm ra.
Ngày cất bốc, quy tập mộ vô chủ, cả làng nhiệt tình tham gia đông như hội. Người trẻ trực tiếp xắn tay áo cất bốc. Người già thắp hương tưởng niệm. “Tỷ lệ cốt cất bốc còn giữ được là 60%, còn lại 40% là tro than - Bác Trí tỏ vẻ phấn khích với cái “tỷ lệ vàng” chống chọi, cất giữ được này qua cát bụi thời gian - Tối thiểu cũng còn được răng, xương”. Ai ai cũng góp của, góp công để xoá cô đơn, lạnh lẽo những mộ phần. Anh Trần Hữu Chút, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, người con của làng đã hỗ trợ 300.000 đồng để thắp hương cho những mộ phần, làng đã dùng số tiền này để dựng một bia chung cho những phần mộ âm hồn.
Anh Chư và bác Trí dẫn tôi ra thăm nghĩa địa âm hồn làng Huỳnh Công Tây khi nắng trưa đã đứng bóng, đúng ngọ, những nấm mộ dù chỉ mới được vun lên bằng cát chứ chưa xây được phần mộ nhưng chẳng gây cho tôi một cảm giác rợn ngợp, lạnh người nào về cát bụi tha ma cả, chẳng gieo vào tôi nỗi ám ảnh nhuốm màu thánh kinh “ thân cát bụi lại trở về cát bụi ” nào cả. Dường như bắt lấy cái khoảnh khắc đúng ngọ này, những mộ phần xưa vô chủ, nay có chủ đã càng ánh lên, lấp lánh trong cát, cát bụi không cô đơn, cát bụi nồng ấm tình người đất trạng Vĩnh Hoàng, ôi “ cát bụi lộng lẫy ” (mượn chữ dùng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường). Chợt nhớ đến một điều triết lý, rằng có những người sống mà như là đã chết, có những người chết mà vẫn hãy còn sống trong lòng người đang sống, và như thế chìm dưới đất cát những mộ phần không may nay ắt đã gặp may của nghĩa địa âm hồn làng Huỳnh Công Tây, “chìm dưới đất kia, một người sống thiên thu, chìm dưới đất kia, hạt cát bao la” nói như ca từ của Trịnh về lẽ vô thường, ôi “cát bụi lộng lẫy ” ! Bên tai tôi vẳng những lời anh Chư đang nói mà như là thủ thỉ với mộ bia: “ Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây tường rào bảo vệ, sẽ xây cất phần mộ, chứ hiện tại các hài cốt chỉ mới được cất bốc gói ghém bằng ni-lông ”. Tin rằng điều anh Chư nói, cũng như điều mà bà con làng Huỳnh Công Tây ước nguyện sẽ sớm được thực hiện, một khi làng không dừng lại ở việc chỉ huy động sự đóng góp cho việc nghĩa trong phạm vi dân làng thôi mà mở rộng ra cả những bà con gần xa, những nhà hảo tâm trong cả nước.
Tử tế với người đã khuất, trong đó có cả những người đã khuất mà vô chủ, mà không người hương khói (nằm trong diện “Văn chiêu hồn”) là một nét văn hoá độc đáo của ông cha ta. Nét văn hoá độc đáo này đang được bảo lưu bằng một “mô hình” cũng rất độc đáo tại làng Huỳnh Công Tây, mô hình này rất đáng quan tâm với những người làm công tác phát động xây dựng làng văn hoá. Làng Huỳnh Công Tây đã được huyện Vĩnh Linh công nhận làng văn hoá năm 2002, đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận làng văn hoá. Với việc huy động sức dân để lập nên nghĩa địa âm hồn, tôi nghĩ rằng, làng Huỳnh Công Tây đáng được gọi bằng một cái tên đặc trưng là “Làng tử tế”.