Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.126
123.228.118
 
Giá trị biểu cảm của từ “ai” trong thơ Tản Đà
Nguyễn Hoàn

Vốn từ thuộc một ngôn ngữ nào đó bao giờ cũng là của chung của dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Nhưng mỗi một từ nằm trong kho từ vựng chung khi đi vào từng trang thơ, trang văn của mỗi tác giả có tài đều mang đậm dấu ấn riêng của phong cách và cá tính sáng tạo của tác giả ấy. Là người “ăn thừa tự cái phần hương hoả tiếng nói dân tộc” như Nguyễn Tuân nói, nhà văn giỏi biết sáng tạo lại mỗi từ mà mình rút lấy trong kho từ vựng do ông cha bao đời sáng tạo và tích luỹ nên. Có thể nói như thế về Tản Đà, một nhà thơ rất đỗi tài hoa trong nghệ thuật sử dụng từ “ai”.

        

Nói đến từ “ai”, người ta thường nghĩ rằng đây là một đại từ có ý nghĩa nghi vấn hoặc có tính chất phiếm chỉ. Không phải trong thơ Tản Đà không có những từ “ai” được dùng theo nghĩa mà người đời thường hiểu trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, những từ “ai” kiểu này ít được Tản Đà ưa dùng, bởi lẽ dùng nó nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mòn chữ nghĩa. Không chỉ tránh được tình trạng này, Tản Đà còn cho xuất hiện với tần số cao trong thơ mình những từ “ai” mang những ý nghĩa mới và có giá trị biểu cảm dồi dào.

        

Tản Đà có biệt tài tạo nên những từ “ai” dường như mang nhiều hàm nghĩa nhưng thực ra trong đó, nghĩa chủ đạo vẫn được bảo đảm. Này đây là đôi câu thơ thác ngụ tâm sự yêu nước sâu kín của Tản Đà:

 

Ai làm Nam, Bắc phân kỳ

Xót xa hàng lệ đầm đìa tấm thương!

        

Từ “ai” ở đây khoác ý nghĩa phiếm chỉ nhưng không làm mờ đi ý nghĩa chỉ định của nó là nói đến một đối tượng duy nhất và xác định: thực dân Pháp. Từ “ai” này không trực tiếp vạch mặt chỉ trán kẻ thù nhưng lúc bấy giờ, đọc lên lòng ai không đau đớn, xót xa, nhức nhối trước cảnh nước dân đang trong vòng nô lệ.

Này đây là câu thơ mang ý vị đùa vui nhẹ nhàng:

 

Đêm thu gió đập cành cau

Chồng ai xa vắng ai sầu chăng ai?

        

Khác với ý nghĩa của từ “ai” nói trên, mấy từ “ai” này có ý chỉ một người phụ nữ nào đó nhưng ý nghĩa chủ đạo của nó là phiếm chỉ. Nhờ khéo dùng từ “ai”, Tản Đà đã tránh cho những vần thơ trêu đùa của mình không sa vào bỡn cợt tầm thường. Đùa như thế thật tinh tế, thanh nhã. Người bị đùa như được chia sẻ nỗi niềm cùng tri kỷ.

        

Ông cha chỉ để lại có một từ “ai” trong vốn từ dân tộc. Nhưng với một nghệ sĩ tài hoa của ngôn từ như Tản Đà, trong cái từ duy nhất ấy, nhà thơ đã tìm thấy những ý nghĩa biểu hiện phong phú cùng những âm vang bất tận của nó. Theo Tản Đà, đại từ “ai” có “nghĩa gồm được ba ngôi vị, nói ta, nói người, nói kẻ vắng mặt”. Tản Đà có nhiều câu thơ sử dụng điệp từ “ai” nhưng người đọc vẫn phân biệt được ý nghĩa và giá trị biểu cảm khác nhau của mỗi từ “ai” do nhà thơ khéo đặt chúng vào đúng vị trí, chức năng như thể một vị tướng khéo điều binh vậy. Khác với thơ tình xưa nay thường dùng những cặp từ đi đôi như: mình-ta, chàng-thiếp, anh-em, đây-đấy...để chỉ lứa đôi, thơ tình Tản Đà thiên về dùng có mỗi từ “ai” thôi:

 

Ai những nhớ ai, ai chẳng nhớ

Để ai luống những nhớ ai hoài

        

Trong hai câu này, từ “ai” được dùng đến năm lần. Theo thứ tự, từ “ai” ở vị trí thứ nhất và thứ tư chỉ Tản Đà, từ “ai” thứ hai, ba và năm chỉ người trong mộng thi nhân. Có thể nói, từ “ai” trong thơ tình Tản Đà do mang tính nhiều nghĩa nên đã biểu đạt xuất sắc tính chất đa sắc thái trong tâm lý tình yêu của lứa đôi. Từ “ai” dường như gợi nỗi xa xôi, lạ lẫm nhau bởi quan hệ “người dưng” giữa đôi trai gái (1) nhưng cũng gợi nỗi tha thiết, da diết thương nhau giữa người có quan hệ “tình trong như đã”.

        

Chỉ với từ “ai” trong thơ Tản Đà, ta hiểu thế nào là hiệu lực nghệ thuật của một từ trong thơ. Nhưng rõ ràng, để tạo được hiệu lực này, Tản Đà đã nhỏ không biết bao nhiêu mồ hôi khổ luyện của trí não và nước mắt con tim đa cảm, đa tình cho mỗi từ “ai”.

.................................

(1) Ca dao: “Gió sao gió mát sau lưng

          Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 5429
Ngày đăng: 08.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đại Danh Từ Tiếng Việt - V. U Nguyen
Nói về Mắt, Nhãn, Mục - Khổng Ðức
Khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” trong Truyện Kiều - Phan Thị Huyền Trang
Hiểu và giải thích cụm từ ‘chín chiều ‘ như thế nào? - Vương Trung Hiếu
Câu đối Và trào phúng bằng nghệ thuật câu đối! - Trần Huy Thuận
Câu đối đời thường - Câu đối tết - Lê Xuân Quang
Tiết kiệm CHỮ ĐẾN MỨC HIỂU SAI CHỮ ở một nơi giàu chữ nhất - Trần Xuân An
Thưa lại cùng ông Hồ Thanh Thuỷ - Hà văn Thùy
Câu đối xưa...câu đối nay ! - Lê Xuân Quang
Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hàn . - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả