Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.215.480
 
Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Hòa : Tôi thất vọng về tư cách một người cầm bút
Lê Anh Hoài

Tôi đọc bài “Thơ: Sáng tạo mới và những "múa may" màu mè” được đưa lên trang báo điện tử của báo Công an nhân dân (4h:35, ngày 03/08/2008)

http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2008/8/96609.cand

bài này được trang phongdiep.net link lại

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=5014

 

Đọc bài báo, tôi rất bất bình và thất vọng về tư cách của một người cầm bút, ở đây là tác giả bài báo nói trên, ông Nguyễn Hòa. Để nêu rõ quan điểm của mình, trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của bản thân, với tư cách một người tự trọng và nghiêm cẩn, tôi quyết định viết bức thư ngỏ này gửi ông Nguyễn Hòa. Tôi cũng mong muốn công luận tỏ tường và hy vọng Ban biên tập báo CAND – nơi đăng tải bài này lưu tâm.

 

Toàn bộ bài báo có nội dung công kích một số hoạt động nghệ thuật đương đại như trình diễn thơ, nghệ thuật công cộng... Quan niệm về nghệ thuật đương đại là vấn đề ngỏ, đã có nhiều ý kiến, và ý kiến kiểu như của ông Nguyễn Hòa là bình thường. Điều không bình thường trong bài báo trên là những câu chữ thóa mạ, làm nhục các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại trong thời gian qua, trong đó đặc biệt là cá nhân tôi.

 

Sau đây là đoạn đáng chú ý có nội dung xâm hại đến cá nhân tôi, với tư cách là nhà văn và cao  hơn, với tư cách một công dân sống tại một quốc gia đang hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh và nhân văn.

 

“Đầu tháng 6/2008, tôi (Nguyễn Hòa) được mục kích tác phẩm nghệ thuật của một nhà văn tham gia dự án nghệ thuật trình diễn có tên là Nghệ sĩ với đường phố: cuộc đối thoại bất tận… Đem nghệ thuật ra đường, nhà văn mặc bộ quần áo bảo hộ lao động đứng trên vỉa hè phố Lê Văn Lương, biến mình thành… cột điện. Trên cái "cột điện" ấy, bạn bè của anh bôi sơn xanh đỏ lem luốc, dán lên mấy mẩu giấy ghi "khoan cắt bê tông", "rơi giấy tờ", thậm chí người ta "tè" cả vào cột điện.

 

Tôi không biết anh nghĩ gì khi đứng phơi mặt triển lãm bên đường, tôi cũng không biết anh nghĩ gì khi mấy cô gái vừa nhìn anh vừa khúc khích cười, còn nhiều người qua đường trố mắt như nhìn ai đó lạc ra từ cái nơi vốn không dành cho người có thần kinh bình thường? Còn tôi thì nghĩ, là nhà văn hãy viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa, chỉ còn là một trò lố lăng trong con mắt người đời. Thật là tội nghiệp cho một kiểu học mót không đến độ.”

 

Đoạn văn trên không nêu đích danh tôi. Nhưng trong tháng 6/2008 tôi đã tham gia dự án nghệ thuật công cộng “Ra đường” do nghệ sĩ thị giác Ngô Lực tổ chức với tác phẩm “Tôi là cột điện”. Đã có nhiều bài báo viết về tác phẩm này cũng như các tác phẩm có mặt trong dự án. Trước đây và trước tôi chưa có ai trình diễn tác phẩm có hình thức tương tự. Bởi vậy, khi Nguyễn Hòa viết như trên, rất nhiều người biết ngay là nói đến tôi.  Do đó, tôi buộc lòng phải khẳng định: ông Nguyễn Hòa cố tình công kích tôi.

 

Khẳng định rõ ràng như thế, tôi muốn vạch trần thủ đoạn viết lách không đàng hoàng không chính trực của Nguyễn Hòa: Trong bài báo này ông ta toàn dùng cách nói phiếm chỉ để công kích các nhà thơ, nhà văn và nghệ  sĩ. Có thể cách viết này sẽ khiến ông ta dùng những từ ngữ thóa mạ một cách dễ dàng hơn chăng? Thủ đoạn này được dân  gian gọi là “chửi đổng”, nó thường khiến những người bị thóa mạ không muốn “dây vào” với kẻ thiếu tư cách, và bỏ qua sự xúc phạm. Nhưng tôi quyết định không hành xử như thế. Tôi nghĩ cần tuyên chiến với một người viết báo thiếu lương tâm như ông Nguyễn Hòa.

 

Tôi sẽ không làm mất thời gian của mọi người và của chính mình nên sẽ không tranh luận về nghệ thuật đương đại với ông Nguyễn Hòa. Việc này là không cần thiết trong khuôn khổ bài này, đồng thời tôi cho rằng, thật khó có thể có cuộc tranh luận đúng nghĩa với một người thiếu hiểu biết về nghệ thuật đương đại nhưng lại luôn tỏ thái độ rất kỳ thị nó.

Sau đây là một số điều tôi muốn đưa ra công luận.

 

1. Cách hành nghề thiếu trung thực của ông Nguyễn Hòa:

 

Ông Hòa dùng từ “mục kích”, điều này khiến bạn đọc hiểu ông ta đã đến xem tác phẩm trình diễn của tôi và quan sát toàn bộ diễn biến xung quanh nó. Nhưng thật ra, ông ta hoàn toàn không có mặt tại đó. Các nghệ sĩ và nhiều nhà báo có mặt hoàn toàn có thể xác nhận việc này!

Cách làm việc này đã dẫn đến kết quả tai hại cho ông Hòa: ông ta đã nêu sai cả tên của dự án nghệ thuật. Đúng ra, tên của dự án nghệ thuật cộng đồng này đơn giản là “Ra đường”. Còn tên tác phẩm của tôi là “Tôi là cột điện”. Bản diễn ngôn của tác phẩm ghi rõ và đã được phát cho tất cả những người đến xem. Nếu Nguyễn Hòa làm việc nghiêm túc hơn, ông ta có thể lên Google và tìm hiểu thì không đến nỗi sai ngớ ngẩn như thế.

Với cách viết báo thiếu trung thực đó, liệu có thể tin được những mô tả của ông ta ?

 

2. Về việc dùng những từ ngữ xúc phạm tôi:

 

Ông Hòa viết cụm từ: “lạc ra từ cái nơi vốn không dành cho người có thần kinh bình thường”. Dù ông đưa đẩy, làm như đó là ý kiến của công chúng, nhưng ai cũng rõ nhận định của ông ta: Tôi (Lê Anh Hoài) điên (thần kinh bất bình thường/tâm thần)!

 

Đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm của người khác. Đáng buồn hơn sự xúc phạm này lại nhân danh “phê bình nghệ thuật”, núp bóng việc rao giảng, hướng dẫn công chúng về cái đẹp.

Ông Hòa có hiểu được điều này không, hay ông tự cho mình cái quyền phán quyết, tự cho mình cái quyền tự do xúc phạm người khác?

 

Xin thưa với ông Hòa, và toàn thể những ai đọc bài này. Tôi không hề nhầm lẫn việc xúc phạm này với quyền nhận xét tác phẩm khi nó đã được công bố. Người thích sẽ khen, người không thích sẽ chê, ngoài ra có cả những người thờ ơ, không quan tâm, không khen không chê. Sự khen chê này có nhiều cấp độ, cũng là điều bình thường! 

 

Nhưng dù kiểu nào thì văn hóa phê bình tối thiểu vẫn phải là: Chỉ quan tâm đến những gì thuộc phạm trù nghệ thuật và lấy tác phẩm làm trung tâm. Tuyệt đối không bình luận đến nhân thân của tác giả, càng không được xúc phạm tác giả. Ông Hòa đã không có được mảy may chút nào của cái văn hóa này. Ông nhận định về một lĩnh vực nghệ thuật mới bằng vài ý khơi khơi, để rồi hạ những câu thóa mạ một cách thiếu giáo dục.

 

Tôi muốn nhấn mạnh, kiểu viết báo này hoàn toàn không lương thiện vì đã mượn danh “phê bình nghệ thuật” để làm nhục người khác.

 

3. Quan niệm hẹp hòi của Nguyễn Hòa về hoạt động của nghệ sĩ

 

Ông Hòa làm ra vẻ không hiểu hoặc nhận thức của ông có vấn đề chăng, khi viết: “nhà văn hãy viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa...”?

 

Điều thứ nhất, xin thưa với ông, viết văn tôi vẫn viết, làm nghệ thuật tôi vẫn làm. Đây là hai việc khác nhau. Cớ sao ông lại cấm tôi làm nghệ thuật đương đại và bắt tôi chỉ viết văn? Có gì liên quan giữa việc “ra đường” và “văn chương” ở đây nhỉ?

 

Công chúng đã được biết đến rất nhiều người hoạt động trong nhiều  lĩnh vực nghệ thuật. Trên thế giới thì quá nhiều, không cần kể ra cho mất thời giờ, còn trong nước: Nhạc sĩ Văn Cao, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang (diễn viên điện ảnh), nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Đỗ Chu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà văn Trần Nhương, nhà văn Đoàn Lê ... vẽ tranh và tổ chức triển lãm hẳn hoi; Họa sĩ Lê Thiết Cương và Nguyễn Thúy Hằng lại viết văn; Nghệ sĩ Đào Anh Khánh chơi nhạc, Thiếu tướng Hữu Ước viết văn, làm thơ, viết kịch, viết ca khúc, vẽ tranh...

 

Vậy thì sao hả ông Nguyễn Hòa? Ông có điều gì cần răn dạy các nhà văn, nghệ sĩ tôi kể ra trên đây không?

 

Và về chính ông, sử dụng chính cái logic mà ông dùng, tôi có thể hỏi ông: Tại sao ông đang làm báo mà còn đi làm phê bình văn học? Làm phê bình văn học chưa đủ hay sao ông còn nhảy sang phê bình nghệ thuật? Nếu bắt ông phải “tập trung” làm cho hay, thì ông có khả năng chọn lĩnh vực nào hả ông Hòa?

 

Điều thứ hai, nếu muốn có ý kiến gì về tác phẩm văn chương của tôi, ông cứ viết bài đàng hoàng. Được như vậy có phải tôi kính trọng và cảm ơn ông bao nhiêu không? Sao ông lại phải làm cái trò nói cạnh nói khóe, nói xỏ nói xiên như vậy?

 

Gần đây, người ta thường nhắc đến Nguyễn Hòa với biệt danh “búa”. Ông cũng có vẻ tâm đắc với biệt danh này. Thật ra, nó có vẻ nhái F.Nietzsche, nhưng tôi nghĩ “búa” cũng rất tốt, nếu nó được đặt vào tay người có lương tâm và hiểu biết. Với ông,  tôi e rằng nó có tác dụng phá hoại một cách võ biền nhiều hơn.

 

Chúc ông viết được những bài phê bình nghiêm túc. Xin chào ông.

Lê Anh Hoài
Số lần đọc: 4016
Ngày đăng: 10.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
ĐỌC SÁCH : Thơ Phan Vũ…tập thơ đầu đời của ông già 82 tuổi. - Trần Hữu Dũng
Vài nét về văn hóa Chămpa - Nguyễn Thị Hậu
Bình thơ Nguyễn Bính ,Thu Bồn ,Quang Dũng ,Nguyễn Khoa Điềm - Nguyễn Hoàn
Chúc mừng lễ thành hôn của Nguyễn Tý - Nhiều Tác Giả
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo bị nhồi máu cơ tim.. - Nhiều Tác Giả
1000 Nhà Thơ Huế Đương Thời - chút tình của những đứa con Huế - Võ Quê
Cội nguồn thi ca - Edgar Morin
ĐƠN ĐỀ NGHỊ THU HỒI SÁCH - Vũ Ngọc Tiến
Tác quyền không thể nhường cho ai! - Vũ Ngọc Tiến
Những chữ qua cầu tâm linh - Triệu Từ Truyền
Cùng một tác giả
Tìh êu (truyện dài)
(thơ)
Lời (thơ)
Thẩm tranh (tuyển truyện)
Khóc (thơ)
Bộ râu (tuyển truyện)
Viên đạn lạc (truyện ngắn)
Lưỡng lự * (truyện ngắn)
Lãnh đạo cười (truyện ngắn)
Tìh êu (kịch)