Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.212.062
 
Viết cho Ngày Vu lan: Sự khốn nạn mang tên bận rộn
Phạm Thanh Phúc

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp đậu, như đường mía lau”

(Ca dao)

 

Vậy là quày chuối ba hương duy nhất trong gia đình tôi đã không còn nữa. Phép lạ mà trong một lúc thất thần tôi từng thảng thốt kêu gọi, cầu mong đã không xuất hiện. (Hay giản đơn hơn, phép lạ chỉ là cứu cánh cuối cùng mà loài người tưởng tượng ra trong một trạng thái tâm lý, một hoàn cảnh nào đó…nên rất hiếm khi xảy ra).

 

19 giờ ngày 7/12/2007, anh tôi hấp tấp điện thoại báo: “mẹ hôn mê rồi!”. Tôi lật đật vào ngay bệnh viện. Nhưng cũng chỉ biết đứng xớ rớ ngoài cửa phòng cấp cứu hồi sức chứ không thể làm gì hơn, vì mỗi giường chỉ cho phép được một thân nhân đứng canh. Chốc chốc, anh tôi lại chạy ra thông báo về tình hình sức khoẻ của mẹ. Tôi ngồi bên ngoài ghế đá, đêm sương lạnh cóng mà tôi vẫn không dám kiếm chỗ trú hay chợp mắt vì sợ, biết đâu…2 giờ, 3 giờ, rồi một đêm lo lắng qua đi. May quá, mẹ vẫn khoẻ.

 

Sáng thứ bảy, 8/12/2007, chúng tôi cụm lại ngồi trước cổng bệnh viện chờ một bác sĩ quen, do đứa em giới thiệu đến với hy vọng bằng cách gì đó cứu được mẹ. Một giờ trôi qua. Cô bác sĩ ra dấu cần hội ý với gia đình: “Bác được đưa vào bệnh viện muộn quá. Hội chứng Cusin, phát sinh phù thận và phù não. Giờ nếu gia đình tin dị đoan thì đưa về nhà để…chết ở nhà. Còn không thì để đây, còn nước, còn tát.”. Chúng tôi-anh em tôi-choáng người. Anh tôi, một người đàn ông ngoài 50 tuổi, mạnh mẽ, cứng rắn là vậy mà vẫn không giấu nổi những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên má. Còn tôi, gọi điện thoại thông báo cho những người thân khác mà giọng lạc đi, chỉ chực khóc. Anh tôi tự trách-mà tôi nghe như anh ấy trách móc tôi: “Tụi mình không đứa nào chịu bỏ thời gian về chăm sóc hoặc đưa mẹ đi bệnh viện, nên mới ra cớ sự…”. Quả thật, chính vì không có ai đi theo cùng nên mẹ toàn là đi khám bệnh ở các phòng mạch tư, và người ta “vô tư” đến độ bất nhân cho bệnh nhân uống dài ngày các loại thuốc có chứa hàm lượng dexa, corticoid, để dẫn đến kết quả như hiện giờ. Dĩ nhiên một bà già ở nông thôn, làm sao biết được thuốc nào có chứa chất corticoid độc hại, thuốc nào không! Chúng tôi, ai cũng có “lý do chính đáng” để không thể về quê đưa mẹ đi bệnh viện. Anh tôi bận rộn do trực suốt ở cơ quan, thời gian rảnh thì lo phụ vợ buôn bán. Tôi thì loay hoay với công việc làm báo-bận rộn không đến mức thiếu thời gian, nhưng một chuyến đi xa lại là “bất khả thi”. Còn chị tôi thì ở bên cạnh mẹ nhưng cũng quá bận rộn với công việc của một cán bộ thanh tra giáo dục-bận đến độ không thể cùng mẹ đến các phòng mạch tư, hay chí ít đưa mẹ vô bệnh viện khám bệnh. Chúng tôi “vô tư” bận rộn đến độ không có thời giờ nghĩ đến việc làm điều gì cụ thể cho bệnh tình của mẹ. Tôi nhớ, mình vẫn hay goi điện thoại hỏi thăm về bệnh tình của mẹ. Nhưng chỉ dừng ở mức: “mẹ đỡ chưa?”; rồi mẹ đáp: “không sao đâu con ạ!”; và…hết. Tôi nhớ như in, có lần vài hôm do quá bận rộn (lại bận rộn), nên tôi không kịp điện thoại về hỏi thăm mẹ. Bà chủ động điện thoại cho tôi để…thông báo là bà khoẻ rồi, tôi đừng có lo, và nói thêm: “Sao con không điện cho mẹ, rủi mẹ chết thì sao, làm sao con biết?”. Lúc đó tôi không thấm thía và cảm nhận hết nỗi cô đơn của mẹ qua câu ấy, cũng không có linh cảm về một cuộc chia ly sắp đến, vì sau cuộc gọi ấy, tôi…lại lao vào công việc (!). Khốn nạn thay, tôi vốn là đứa con trai được mẹ cưng, yêu nhất nhà!

 

Chị tôi do cả buổi sáng đứng chăm sóc mẹ trong phòng cấp cứu nên không thể nghe được những phán quyết tử hình của người bác sĩ. Chị hối chúng tôi mang cơm vào để..đút mẹ ăn. Anh em chúng tôi nhìn nhau, rồi quyết định…giấu đi sự thật, và mang cơm đến cho chị. Lát sau, chị hồ hởi ra thông báo là mẹ đã ăn được (thực ra mẹ không hề ăn được), khiến chúng tôi ngỡ sắp có phép lạ hiện ra. 17 giờ 45, tôi mang về bệnh viện 2 phần cơm cho anh và chị tôi. Mọi việc diễn tiến hết sức bình thường. Nhưng…khi anh tôi vừa mở hộp cơm chuẩn bị đưa lên miệng thì bên trong phòng cấp cứu có người chạy ra nói: bà chết rồi. Tôi vẫn không tin, và nói: không phải, tôi mới nhìn vào và thấy bình thường mà!. Phải đến khi người ta giục lần thứ 2, tôi mới chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Tôi hốt hoảng chạy ra ngoài kiếm xe để chở xác mẹ tôi về. Xe đến, tôi và anh tôi ẳm mẹ đưa lên băng ca. Lần đầu tiên, tôi ẳm mẹ trong tay. Mẹ dịu hoặc, không còn chút cử động nào, mắt nhắm nghiền như ngủ. Lạ thay, lúc đó chị tôi khóc ròng, nhưng tôi không khóc được. Xe vào tận nhà, hàng xóm túa ra, người dựng rạp, kẻ chạy mua hoa quả cúng, chặt nải chuối để lên bụng mẹ, rồi tôi đi kêu trại quan tài mang quan tài đến. Đến khi mẹ đã được tẩn liệm, nằm kín trong quan tài, tôi vẫn còn ngồi ngơ ngác trước ghế đá. Lúc đó là hơn 12 giờ khuya. Tôi lặng lẽ khóc…

 

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 3851
Ngày đăng: 14.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biển của tôi - Lê Ký Thương
Nhắc nhở nhanh nhẩu - Inrasara
Buổi sáng Khi thức dậy ... - Mang Viên Long
Nỗi [lảm] nhảm [về &] của thơ & Hạnh - Inrasara
Tản mạn quanh ngày - Lê Mai
Lê Minh Quốc… đi một ngày đàng - Huỳnh Kim
Chiếc võng trong đời sống người việt. - Mai Văn Sang
Khúc hát chim trời - Phạm Minh Hoàng
Người phụ nữ tôi yêu nhất trên đời - Diệp Hồng Phương
Hạt cát dưới đáy cuộc đời (Phần hai) - Trần Huy Thuận