Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.597
 
Lại Ốc - Bao giờ chú Tễu lại cười
Phạm Minh Hoàng

Người đầu tiên nói cho tôi biết về một làng rối nước Lại Ốc  (Xã Long Hưng- Văn Giang) là ông Vũ Hồng Đức- nguyên là Giám đốc Sở VH- TT Hải Hưng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, Hội viên hội văn nghệ dân gian Việt Nam: Cậu cứ tìm hiểu, có nhiều điều kỳ thú tiềm ẩn trong làng nghề ấy lắm- Ông bảo tôi vậy, và tôi, một phần tò mò, một phần cũng muốn gợi lại quá vãng đáng từ hào về một làng nghề ở quê mình, bèn làm một chuyến điền dã về Lại Ốc.

 

I- Mò kim đáy bể

 

Cậu bé Đỗ Hữu D. quả là một nhà tiên tri khi vẽ về quê hương của mình như một khu biệt thự cao tầng sang trọng. Bố D., anh Đỗ Văn H. nguyên là một thợ gò tôn khi làng Lại Ốc vẫn là một làng nghề gò hòm tôn trong kỳ hưng thịnh. Giờ thì nghề gò hòm đã suy vi. Một số gia đình vẫn theo nghề gò thì chuyển sang làm tủ sắt, tủ tôn, một số khác bắt được mối xoay sang đi buôn máy tập đa năng Trung Quốc. Mẹ của D.- chị K., giờ cũng không còn là thợ phụ gò hòm nữa, cô đã chuyển sang làm may túi bạt đựng đồ cho các siêu thị. Nhà D. bây giờ vẫn là nhà cấp bốn, nhiều nhà trong thôn cũng vậy, nhưng bằng vào thu nhập bình quân đầu người của người dân Lại Ốc, người ta dám khẳng định rằng, Lại Ốc sẽ nhanh chóng có bộ mặt nông thôn khác hẳn. Cũng chẳng xa xôi gì nữa, bây giờ Lại ốc đã có số lượng nhà cao tầng bình quân so với các thôn khác là nhiều nhất. Nhìn từ xa lại, có thể so sánh Lại Ốc với một làng ven đô mà ở đó người dân mới được đền bù đất giải toả, đua nhau đổ tiền ra mà chồng những khối xi măng bê tông, đua nhau chạy theo lối kiến trúc tận đẩu tận đâu bên trời Tây ở tít tận thế kỷ 19, mà bây giờ, chính người xứ ấy đã cách tân cái kiến trúc của cha ông họ đi nhiều lắm rồi. Và nếu cứ đà này thì bức tranh của cậu bé D. vẽ là bức tranh tiên tri.

           

Nhưng D., anh H., chị K. và rất, rất nhiều bạn trẻ khác, và cả những người đã bước vào tuổi trung niên, thậm chí “đại niên” nữa ở làng này khi tôi hỏi, làng đã có nghề cổ truyền nào, thì đều trả lời là không biết. Một số nói, có nghề gò tôn. Thì đã hẳn, nghề gò tôn đã và đang là nghề của làng, nó đã làm thay da đổi thịt làng trong vòng có hơn chục năm. Vất vả lắm tôi mới tìm được manh mối cho mục tiêu của mình…

 

II- “Rối làng mình oách hơn nhiều”...

                         

Cụ Nguyễn Văn Phùng là chủ tịch xã Long Hưng trong thời gian nghề rối nước ở Lại Ốc hưng thịnh nhất. Giờ cụ đã ngoài tám mươi tưổi, là thương binh hạng 2/4,  nhưng còn minh mẫn và tráng kiện, vung cánh tay bị đạn mooc- chi - ê của giặc Pháp tiện mất một nửa về phía trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, cụ nói: Muốn biết về nghề ấy thì cứ vào nhà truyền thống mà ngắm con rối đã rồi ra đây tôi mách cho người mà hỏi…Phải thực mục sở thị thì mới nói được…” Con rối thì tôi lạ gì, trong nhà hát múa rối, ngoài các gánh rối rong, thậm chí các cửa hàng bán đồ Sú- vơ- nia người ta còn bày la liệt ra để bán cho các ông tây, bà đầm về làm đồ lưu niệm. Thế nhưng, khi nhìn vào các con rối tróc sơn, im lìm trong tủ kính trong Nhà truyền thống xã Long Hưng, tôi không khỏi dậy lên trong đầu, trong tim mình tiếng trống tiếng sênh, tiếng trúc tiếng tơ của ngày hội quê “mặt nước lung linh, rùa vàng nổi lên đội lên ba quả núi, nước chảy nhịp nhàng, lộ vân trên vai và xoè bốn chân, nhe răng, trợn mắt, phun nước biểu diễn. Các thần tiên xuất hiện, nét mặt nhuần nhị thanh tân, há phải đâu vẻ đẹp của trần thế, tay nhỏ nhắn mềm mại múa điệu hồi phong, nhíu mày biếc, ca khúc vãn hội. Chim phượng có sừng họp nhau thành đội ra múa may phô diễn. Hươu họp thành đàn nhảy nhót…” (Nguyễn Công Bật- Bia ký Sùng Thiện Diên Linh- Chùa Đọi- Hà Nam). Rồi trong đầu lại toả ra những giấc mơ về một ngày xa lắm, thủa phường rối Lại Ốc còn tung hoành trong giới nghệ thuật này khắp vùng Kinh Bắc xa xưa…

           

Thế nhưng, những con rối trước mặt tôi bây giờ chỉ là con rối của đội rối nước Long Hưng đi diễn trò trong một vùng của huyện Văn Giang những năm 60, 70  của thế kỷ trước. Này là hình anh bộ đội, kia là tượng chị du kích… chú Tễu làm trò như trong các phường rối nước bây giờ không có trong bộ sưu tập của nhà truyền thống này. “Lúc ấy, rối biểu diễn phục vụ chính trị, diễn các cảnh đánh Tây, đánh Nhật, làm gì có các trò diễn dân gian”- cụ Phùng nói. “Xưa thì có đấy, nhưng hồi cải cách, vứt hết đi rồi”…

           

Lần theo lời kể của cụ Phùng, tôi đến nhà ông Đỗ Văn Hương, một cán bộ văn hoá lâu năm của xã, lại là người bản địa Lại Ốc. Ông Hương trước đây đã có thời đi bán vé cho gánh rối rong của làng. Trong sự hồi tưởng của ông, cái thủa theo gánh rối lang thang hết làng này, xã khác cũng oanh liệt chẳng kém gì lúc ông còn trong quân ngũ tận chiến trường B. “Bây giờ nhiều nơi múa rối, tôi đã trực tiếp đến Nhà hát múa rối Trung ương xem, nhưng không đâu có kỹ thuật bằng Lại Ốc”- Ông Hương nói vậy. Ngày ấy, phường rối Lại ốc đi lưu diễn khắp vùng với các trò, vở với mục đích tuyên truyền. Nào là du kích đánh đồn Tây, nào là cảnh tát nước cứu hạn, nào là chuyện làng chuyện xóm… Tiếng là lưu diễn, chứ thực ra, thu nhập có đáng là bao. Mỗi đêm đỏ đèn, sau khi trừ công điểm nộp cho hợp tác xã, mỗi diễn viên, nghệ nhân và nhân viên trong đoàn được vài xu. Làm thì ai cũng biết, nào hạ cọm, chuẩn bị thuỷ đình, nào là ngâm mình dưới nước trong đêm đông căm căm rét. Thế nhưng bữa ăn của đoàn thì mấy ai hiểu: cơm độn ngô ăn với dưa muối. Nhiều khi, bữa ăn của đoàn chỉ toàn ngô bung ăn với củ cải kho… Vậy mà vẫn đi, vẫn diễn, vẫn say sưa thổi hồn vào các con rối vô tri.

           

Với bất kỳ một môn nghệ thuật nào, muốn thành danh cũng đều kinh qua sự khổ luyện. Với nghề rối nước cũng vậy, song nghệ nhân của thứ nghệ thuật độc đáo của nền văn minh lúa nước này không chỉ có sự khổ luyện của những ngón nghề, mà còn có cả sự khổ luyện trong sức chịu đựng. Chưa kể đến sự miệt mài tập luyện chỉ với cây gậy trên tay, bàn đạp ở chân để có thể điều khiển “diễn viên” rối với điệu múa nhịp nhàng, động tác uyển nhã cách xa hàng hai ba thước, chỉ cần nói đến công đoạn dựng nhà trò, đóng cọc dẫn dây rối (hạ cọm) hay ngâm mình dưới nước hàng buổi cũng đủ thấy sự vất vả của nghề. Mà những buổi diễn lại diễn ra nhiều vào những ngày làng mở hội, là dịp Giêng, Hai mưa phùn gió bấc, người xem đứng trên bờ cũng phải thu lu, xuýt xoa vì rét chứ đừng nói đến nhúng mình xuống nước. Bây giờ các nghệ nhân rối nước đã có quần áo bảo hộ kín người, nước không chui lọt nên có thể mặc nguyên quần áo ấm để điều khiển con rối, chứ trước kia, mỗi khi khai trò, nghệ nhân đều phải yểm vào người đôi ba ngụm nước mắm để có đủ công lực mà chống chọi với cái giá rét của “sương giáng bùn sa”.

           

Ấy thế, nhưng nhiều nghệ nhân tuổi đã cao vẫn say nghề, làm nghề. Cụ Đa còn lội nước, hạ cọm khi tuổi đã ngoại ngũ tuần. Cụ Bạo vẫn xuống thuỷ đình vào mỗi đêm diễn để múa rối đến tận khi đã bước vào tuổi trời “cổ lai hy”. Bên cạnh đó, phường rối Lại Ốc ó nhiều hậu duệ của các cụ mới hơn chục tuổi. Cụ Đỗ Văn Mã đã thành người thiên cổ, nhưng trong tâm trí những người già trong làng, cụ vẫn là cậu bé mười ba tuổi- trẻ nhất phường- nhưng đã có được những đường rối tinh xảo.

           

Thủa ấy, phường rối Lại ốc đã từng vang bóng một vùng, “uy chấn” khắp vùng Kinh Bắc, lại là sư phụ cho khối phường rối cơ đấy. Phường rối Cơ Xá nổi tiếng Bắc Ninh một thời cũng chỉ là truyền nhân của phường rối Lại ốc. Không chỉ các cụ già của cả hai làng nói thế, mà trong một số sử liệu về nghề này cũng ghi như vậy.

           

Nói đến múa rối, phải nói đến con rối, những diễn viên được trình làng trong mỗi đêm diễn. Con rối  của mỗi làng nghề có một vẻ riêng rẽ đặc trưng. Con rối của làng Nguyễn (Thái Bình) mang nhiều nét thô mộc của người nông dân thuần chất, phường Bồ Dương (Ninh Giang- Hải Dương) thì con rối thừa hưởng nghề mộc Cúc Bồ nên khá tinh xảo, con rối chùa Thầy mang nhiều nét của tượng Phật… Con rối của phường rối Lại Ốc được chính những người thợ của làng đục chạm nhưng lại được sự chỉ điểm của các bậc tài hoa, khoa bảng đi nhiều học rộng trong làng nên hình thể và nét mặt mang đầy biểu cảm uyển nhã.

           

Không những thế, tài nghệ điều khiển con rối của phường cũng có nhiều sáng tạo khiến người xem tưởng như ma thuật. Chẳng thế mà cụ Đỗ Văn Thất tuy đã hai lần được dự các khoá tập huấn về kỹ thuật rối nước do Trung ương mở, vẫn cho rằng nghề rối của làng mình mang nhiều nét tinh hoa hơn cả, “họ còn thua xa mình, những kỹ thuật quạ leo dây, bật cờ.. họ có làm được đâu”. Ngoài những tích trò xay lúa, giã gạo, pháo bông, rồng phun khói...phường rối làng còn có những bí thuật, nào quạ cướp cờ chui qua cái lỗ trên đầu cột chỉ nhỏ bằng ngón tay, nào cờ giấy bật lên từ dưới nước mà không bị ướt. Những tiết mục ấy đã làm quan huyện Đường Hào phải kinh ngạc, thưởng cho phường rối mười quan tiền và tán tụng mãi không thôi.

 

III- Bao giờ chú Tễu lại cười

           

Thực ra thì các con rối cổ vẫn chưa mất hết. Nhà thờ tổ họ Đỗ bây giờ vẫn còn lưu được di vật của tiền nhân. Và trên hết, vẫn còn một số nghệ nhân nhớ được nghề. Cụ Đỗ Văn Hoán tuy đã 85 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, không những nhớ được từng tích trò, từng kỹ thuật mà còn nhớ được cả những bài văn tế thánh nghề. “Nếu thành lập lại đội rối, cụ có dạy cho con cháu được không”? Không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi, cụ nói: “Cái khó không phải là dạy, mà là kinh phí để thành lập”.

           

Ở đầu làng Lại Ốc bây giờ, đã sừng sững một nhà máy sản xuất linh kiện máy tính, quá lên một chút, con đường cao tốc Hưng Yên- Hà Nội đang mở. Làng đã mất dần đất canh tác. những thửa ruộng còn lại cũng rất ít nhà cấy lúa, thay vào đó là cây ăn quả, là cây thế, cây cảnh. Và người ta cũng chẳng thiết tha gì với đồng ruộng cho lắm, một ngày đi buôn máy tập đa năng cũng có tối thiểu dăm chục nghìn tiền lãi, một ngày gò tôn cũng được khoảng đôi chục ngàn, hoặc giả, lên Bát Tràng làm thuê cũng được mỗi tháng hàng triệu. Cấy lúa, mỗi sào lãi không được đến trăm nghìn… cứ thế, cư dân lúa nước không còn nữa. Nhưng nỗi niềm quá vãng thì không mất đi, trái lại, nó đang thôi thúc người dân nơi đây tìm lại. Ông Đỗ Hữu Độ - Trưởng thôn đang tìm đủ mọi nguồn kinh phí, đưa ra nhiều phương án để vận động tái lập đội rối quê nhà. “Nếu trên không hỗ trợ kinh phí thì khó lắm- Ông Độ nói- nào là đục con rối, nào là tập tành, quỹ của thôn thì không có, vận động dân đóng góp thì...”. Tôi hiểu, trong thời buổi các phương tiện nghe nhìn tràn lan như thế này, vận động người dân cho con cháu đi tập tành đã khó, chứ đừng nói đến yêu cầu họ nộp tiền để mua trang thiết bị. Vẫn biết rằng, rối nước Việt Nam đã từng đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới, vẫn biết rằng rối Lại Ốc là một trong 28 phường rối cổ của cả nước từ trước Cách mạng tháng Tám... Trong ánh mắt của cụ Hoán, cụ Thất..., tôi đọc được niềm khát khao cháy bỏng cho một đêm, trên mặt ao làng lại đỏ đèn, tiếng sênh tiếng sáo lại ngân nga trên mặt nước, những con rối lại bì bõm tung tăng trước sự trầm trồ của người già, tiếng hò reo của con trẻ. Còn tôi, tôi lại cho rằng, có ngày nào đó, nghề rối nước của cư dân lúa nước sẽ được tổ chức Văn hoá thế giới xếp hạng bảo tồn, như họ đã từng làm với Nhã nhạc cung đình, với cồng chiêng Tây Nguyên... Trong niềm tin tưởng le lói ấy, hy vọng rằng, các cấp lãnh đạo, đặc biệt trong ngành văn hoá sẽ sớm tìm ra biện pháp để phục hồi một phường rối cổ của tỉnh nhà.

           

Nhà cụ Đỗ Văn Hoán toạ lạc ngay bên bờ ao làng. Ngày ngày cụ vẫn chống gậy lững thững đi trên con đường bê tông chạy vòng quanh ao, mặt nước lung linh gợn sóng. Có nỗi nhớ nào về một nghề cổ dậy lên trong cái dáng quắc thước của cụ. Ao làng còn đó, cuộc sống đã sung túc hơn xưa nhiều lắm, còn nghề rối bây giờ nơi đâu ? Nơi đâu?

Phạm Minh Hoàng
Số lần đọc: 3020
Ngày đăng: 15.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu tích người vợ bất hạnh của vua Thành Thái bên dòng Ô Lâu - Nguyễn Hoàn
Gửi lại PLeiku - Minh Tứ
Những mộ phần không cô đơn - Nguyễn Hoàn
Thịt chuột ký sự - Phạm Minh Hoàng
Trở lại Xứ Thanh - Nguyễn Nguyên An
Phương nam ký sự - Minh Tứ
Đi mãi bên đời với tình yêu hoa lá - Minh Tứ
Hương Cần du hành - Ngô Thiên Thu
Một trời Phú Thọ - Văn Chấn Ngọc
Hàn Mặc Tử trong ký ức người em họ - Nguyễn Hoàn