Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.228.906
 
Chỉ còn sương khói
Hồ Việt Khuê

Khi thành phố lên đèn, anh đi tìm nhà Mai. Anh loanh quanh khu phố sau nhà thờ cả tiếng đồng hồ, cố hình dung cái hẽm dẫn vào nhà Mai mà ngày xưa bọn anh thường lui tới. Mới năm trước, qua thông tin của một người bạn, anh biết gia đình Mai vẫn còn người em gái ở trong ngôi nhà cũ. Khi anh bắt đầu chán nản thì chợt nhớ mình đã lú lẫn khi hỏi nhà Mai, mọi người không biết Mai là phải vì nàng đi xa đã quá lâu, lý ra anh phải hỏi nhà cô giáo Hương. Hương là em Mai, khi anh và Mai ra trường sư phạm thì Hương vào học năm đầu tiên.

Hương nhận ra anh ngay làm anh ngạc nhiên. Cô nhìn anh chăm chú, nhại lời một bài hát :

- Hai anh em tóc bạc như nhau.

Hương tinh nghịch như thuở nào khiến anh tự nhiên hơn trong ngôi nhà mà có lúc anh căm giận thề với lòng mình là không bao giờ đặt chân đến nữa. Ngôi nhà một trệt một lầu nhỏ nhắn khá lâu không được tu bổ, trông có vẻ rêu phong và buồn bã. Hương ở với con gái đang học đại học, anh không nghe Hương nhắc đến cha cháu.

Anh theo sau Hương, run rẩy vịn tay cầu thang, hồi họp đặt từng bước chân. Khi Hương bật đèn sáng, anh bắt gặp ngay ánh mắt nhớ nhung và trách móc của Mai, ánh mắt sâu thẳm nhức nhối vì anh đã bội bạc nàng. Bên Mai là ảnh thờ ba má nàng, người đàn ông mặc quân phục nhìn anh nghiêm nghị, đầy vẻ truy bức; còn ánh mắt người mẹ hiền từ và phục tùng chồng. Anh cúi đầu trước các ảnh thờ rất lâu, trên tay là mấy nén nhang thơm. Anh nghe như có tiếng thở dài u uất trong gian thờ cổ kính.

Anh ngước nhìn Mai không chớp mắt, cô nữ sinh cắt tóc ngắn ôm gương mặt bầu bĩnh sáng rỡ và tươi như hoa ấy đã thoi thóp từng nhịp tim đau không lâu sau lần cuối cùng anh đến thăm nàng, vào cuối năm 1975. Lần cuối cùng anh đến nhà Mai hơn ba mươi năm trước, cũng là lần đầu tiên anh gặp ba nàng. Ông chỉ hỏi anh đúng hai câu. Câu đầu tiên :

- Cậu làm nghề gì?

Câu hỏi này thừa vì Mai đã giới thiệu anh là bạn học cùng trường sư phạm. Câu thứ hai :

- Bố mẹ cậu làm nghề gì?

Anh biết câu trả lời của anh là nhát dao chém phắt tức tưởi cuộc tình của hai người nhưng anh không nói dối :

- Thưa bác, ba cháu đang học tập cải tạo.

Nghe xong câu trả lời, ông không biểu lộ gì, chỉ khách sáo mời anh uống trà và bảo Mai tiếp khách, rồi lui vào nhà trong. Lúc đó, anh đã hiểu tất cả, đúng như anh dự đóan trên suốt chặng đường đèo dốc từ Phan Thiết lên cao nguyên, nhưng anh muốn rạch ròi một lần cho xong; nếu Mai đồng ý lấy anh, anh sẽ đưa nàng về thành phố biển sinh sống, còn nếu vì sự cản trở của ba nàng, anh sẽ vĩnh viễn không trở lại thành phố cao nguyên lạnh giá nhiều kỷ niệm này nữa.

Mai yêu anh, anh biết chắc chắn nàng sẽ không từ chối lời cầu hôn của anh nhưng ba nàng đã xuất hiện. Ông là sĩ quan của quân đội chiến thắng, còn ba anh là người bại trận.

&

Sớm mai đầu tiên ở thành phố cao nguyên sau hơn ba mươi năm trở lại, anh đến thăm ngôi trường đã đào tạo anh thành người thầy giáo. Năm xưa, chiến tranh lan rộng, anh căm thù khẩu súng nên thi vào trường sư phạm chứ thật lòng không thích cái nghề gõ đầu trẻ. Từ chàng thư sinh nhét vở vào túi quần lang thang trên những con đường dốc dài dốc ngắn, bữa trưa gặm xong ổ bánh mì xá xíu, nằm lăn ngủ trên đồi cỏ mượt, dưới bóng thông già có gió mơn man lời ru; đến nay mái đầu đã bạc tóc, tay run run cầm tờ quyết định hưu non, lưng đã hơi còng, hai lá phổi đã héo khô thi thỏang húng hắng cơn ho … Thời gian thật đằng đẳng mà cũng thật nhanh, đã gần xong một kiếp người. Trước khi quá muộn màng, anh quyết định làm một chuyến trở về nơi anh đã sống hai năm thật thơ mộng và lãng mạn mà bao năm anh cố quên, không một lần về thăm.

Rời nhà trọ trên đồi rất sớm, kéo cao cổ áo khóac, anh cùng sương mù đổ dốc. Anh chậm rải bước, hít căng buồng phổi không khí mát lạnh. Anh đi lại lối quen ngày xưa, theo những bậc cấp mòn nhẵn dẫn xuống lũng thấp, băng qua các ruộng rau cải. Đó là con đường tắt anh đến trường mỗi sáng. Người đàn bà mặc áo len dầy dầm chân trong ruộng nước xăm xắp lúi húi cắt rau nhìn anh thờ ơ. Có thể người đàn bà cắt rau là cô bé mười lăm mười sáu tuổi mà anh đã quen năm xưa, khá xinh đẹp, thường mặc chiếc áo len cũ màu tím. Có đôi lần anh buông lời chọc ghẹo cô gái, cô cười khanh khách và vốc bùn dọa ném anh khiến anh chạy trốn để được nghe tiếng cười của cô đuổi sau lưng. Anh bấm sâu mũi giầy vào các bậc thang bằng đất đỏ trơn trợt để vượt dốc, khi lên tới đường nhựa, anh còn phải đi khỏang hai cây số nữa mới đến trường. Lúc này, cả con đường đã tràn ngập màu áo len đồng phục của học sinh trung học, áo len nhiều màu sắc của giáo sinh trường sư phạm, của người qua đường. Tất cả trôi đi trong âm thanh của một ngày mới, không huyên náo như ở các thành phố khác, chỉ thóang ồn ả rồi tĩnh lặng, hình như mỗi lời nói vừa thốt đã được khói sương hòa lẫn làm cho mềm mại và tan lõang.

Anh ngồi trong quán cà phê bên này đường, nhìn sang ngôi trường có hình dáng nhà rông cách điệu. Anh nghe văng vẳng tiếng chuông báo hiệu vào lớp, thấy thấp thóang bóng hình chàng thư sinh cách đây hơn ba mươi năm vội vàng chạy băng qua cái sân rộng, còn cố rít thêm hơi thuốc lá trước khi quăng tàn đã cháy nóng ngón tay; thấy lãng đãng từng gương mặt đám bạn cùng quê Phan Thiết lên cao nguyên học hành như thằng Sanh cá mập, thằng Tùng khờ, con Nhi yểu điệu, con Tuyết ẹo, con Lan rớt thùng đinh, con Nguyệt nháy; thấy từng gương mặt đám bạn ở cao nguyên như thằng Long khùng, con Linh nhõng nhẽo, con Ái chà; và anh thấy lồng lộng gương mặt thanh tú của Mai dù. Sau tên mỗi đứa bạn đều kèm một biệt danh, có thể dính dáng đến tính cách, hình thể như con Lan rớt thùng đinh vì mặt rỗ huê, thằng Long khùng vì thích làm chuyện khác người, con Nguyệt hay nhay nháy hàng mi cong; hay chỉ ghép cho có vần, nói lái cho vui như con Tuyết ẹo, Mai dù. Anh biết đám bạn thân ngày xưa có người chuyển nghề, có người còn đứng trên bục giảng nhưng vẫn còn sống ở các tỉnh lân cận Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận; cũng có đứa ở Sài Gòn hay nước ngòai, nhưng chỉ mỗi Mai đã mất rất sớm. Ngày xưa đám bạn vun vén Mai dù cho anh, thằng Hùng cò. Anh có biệt danh Hùng cò vì ốm và cao nhất lớp.

Anh muốn đi ngang cửa lớp ngày xưa, nhìn vào chỗ ngồi năm cũ, ở cuối lớp, nơi mấy đứa học trò sắp trở thành thầy giáo vẫn còn hồn nhiên nghịch ngợm tụ lại, mà thầy cô gọi là xóm nhà lá. Anh muốn chôn chân bên cửa lớp, sửng sờ nhìn cô bạn ngồi bàn đầu tỏa sáng trong chiếc áo len màu hòang yến vào một sớm mai nào. Đôi má cô hồng thắm thẹn thùng, đôi môi tươi đỏ như run lên trước ánh mắt có phần sổ sàng của anh. Anh còn nghe mơ hồ trong lòng câu hỏi sao nửa năm trời chung lớp mà buổi sáng định mệnh đó anh mới thật sự rung động trước Mai. Anh muốn xoa bàn tay lên thân cây thông sần sùi ở góc khuất sân trường, lần theo từng nét khắc tên anh và tên Mai quanh một trái tim… Nhưng rồi anh bỏ ý định bước chân qua cánh cổng trường cũ bởi anh biết ở đó mình đã hoàn toàn xa lạ, anh và bạn bè, và thầy cô, và tất cả chỉ còn là hoài niệm.

Anh thích được đi lang thang trong thành phố cao nguyên lô nhô phố cao phố thấp này, từ nhà trọ đến trường học, đến chợ bán hàng ăn uống thâu đêm, đến rạp hát văng vẳng tiếng nhạc. Anh chậm rải thả bước và nhìn ngắm các cô gái thích hợp với khí hậu cao nguyên, hưởng thụ vẻ đẹp và màu sắc của vô số lòai hoa ở dải phân cách, ở công viên, ở sân nhà, đám dã quỳ vàng lạnh run rẩy ven đường; an nhàn nhìn ngắm bóng mây âm thầm xao động trên mặt hồ nước long lanh và hít thở không khí trong lành, mát lạnh. Năm xưa, anh từng lang thang cả ngày trời, mệt thì ngồi nghỉ dưới một gốc cây hay cao hứng, anh nằm trên đám cỏ nuột nà và hát vu vơ.

Anh không đến thăm đồi cỏ, vì anh biết nơi này đã biến thành khu du lịch, anh không còn được tự do nhai ổ bánh mì xá xíu, ực ngụm nước trong chai và qua giấc trưa êm đềm trong hoang dại nữa. Bây giờ, thành phố này có vẻ nóng bức hơn, mới đi từ trường sư phạm qua chợ, mồ hôi đã rịn lưng áo anh dù trời âm âm mây mù.

Anh thở dốc khi leo các bậc thang lên quán giải khát bên này khu chợ, xéo rạp hát không còn lôi cuốn mọi người đến rồng rắn mua vé vì mọi nhà đều có phương tiện nghe nhìn. Sức khỏe anh kém lắm rồi, bao năm chạy riết một vòng quay cơm áo cho tròn bổn phận người thầy người cha, cố gắng lắm anh mới không ngã quỵ. Anh đốt một điếu thuốc, hớp ngụm bia lạnh đắng đầu lưởi, sảng khóai thở làn khói thơm bay vòng. Anh không nghĩ ngợi gì, cứ tơ mơ lâng lâng với bóng dáng chàng thư sinh nhét quyển vở trong túi quần, cầm tay người thiếu nữ chạy băng băng xuống đồi cỏ non tơ, sung sướng hét vang trời đất thơ của thi sĩ Đinh Hùng : “ Làm học trò mà không sách cầm tay/ Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ”.

&

Hương đốt lửa trước sân nhà, bày rượu thịt mừng anh trở lại. Đêm tối đen. Lửa bập bùng ấm áp. Hương cời than nướng thịt, mùi thịt ướp gia vị chín tới thơm phức. Hương rót đầy ba ly rượu :

- Mừng những người cũ gặp nhau. Mời anh nâng ly. Mời cả chị Mai nữa.

Giọng Hương đầy cay đắng.

Anh và Hương uống phần rượu của mình, rượu của Mai được Hương rưới lên mặt đất. Thi thỏang Hương cời than, hoa lửa nổ tí tách và bay tung vui mắt. Hương mời anh cụng ly liên tục, bào chữa :

- Em biết uống rượu vì cao nguyên thường mưa tầm tã về đêm.

Hương cười cợt. Anh cũng có lúc thèm rượu, đó là thời gian đầu anh xa Mai và đang dạy học ở một miền núi heo hút. Con khỉ nuôi nhốt trong chuồng, dưới gốc cây hồng già cỗi, chợt chí chóe đòi ăn. Hương mang cho nó mấy quả chuối chín, dỗ dành như trẻ nhỏ. Hương cười héo hắt :

- Từ lúc em và ba cháu chia tay, em nuôi nó cho gia đình thêm thành viên.

Cạn ly rượu, anh kể cho Hương nghe về đêm cuối cùng của một mối tình.

- Đêm đó, anh và Mai gặp nhau ở quán cà phê thường hò hẹn năm xưa. Mai trách anh không cho Mai thêm thời gian để thuyết phục ba má. Gia đình anh đang tan nát, bản thân anh buộc phải chấp nhận lên vùng núi dạy học nếu không sẽ bị sa thải, anh mang mặc cảm nặng nề nên cứ khăng khăng đòi Mai trả lời dứt khóat. Mai chỉ biết gục đầu lên vai anh khóc sướt mướt đến khi chia tay.

Anh lại mời Hương cụng ly, chai rượu đã vơi hơn nửa. Hương có vẻ chếnh chóang, giơ cao ly rượu, hô lớn :

- Dô! Vĩnh biệt chủ nghĩa lý lịch.

Đêm đã khuya, bầu trời lác đác vài vì sao. Lửa sắp tàn. Anh dựng cao cổ áo, thóang rùng mình vì lạnh, kể tiếp câu chuyện buồn :

- Sáng hôm sau trên chuyến xe về Phan Thiết, anh hối hận đã quá tàn nhẫn với Mai. Anh viết thư cho Mai theo địa chỉ nhà trường, Mai trả lời anh, khẩn thiết yêu cầu anh cho cô thêm thời gian. Anh chỉ nhận được một phong thư duy nhất đó. Sau đó, dù anh gửi nhiều thư cho Mai, ở địa chỉ trường và địa chỉ nhà nhưng không hề nhận hồi âm. Mấy năm sau, anh lập gia đình, cô ấy dạy cùng trường ở miệt núi với anh.

Than hồng rực sáng theo mỗi cơn gió tạt. Những ly rượu chỉ làm mềm môi. Hương lục lọi đâu đó lôi ra mấy cái chân bàn chân ghế hỏng cho vào đống than để giữ lửa. Hương ngồi sát vào anh thì thầm, tiếng cô xa vắng.

- Cuối năm bảy mươi sáu chị Mai nghỉ dạy vì bệnh tim đột ngột trở nặng, vài tháng sau chị qua đời. Mấy ngày cuối cùng, chị Mai im lặng, không nói với ai điều gì, cả với em là người chị thương yêu nhất. Trước lúc ra đi, chị nắm tay ba em và lặng lẽ chảy nước mắt.

Anh khóc. Gương mặt Hương cũng đằm đìa nước mắt, cô đưa cho anh một cái bọc ny lon, tiếp chuyện :

- Ba em mất hai năm sau đó. Một lần sắp xếp lại tủ quần áo của ông, em thấy thứ này. Em biết thế nào anh cũng một lần trở về…

Anh run run mở lớp ny lon, những phong thư phẳng phiu chưa người đọc rơi ra. Những phong thư anh gửi cho Mai ba mươi năm về trước.

Hương nhặt từng phong thư cho vào lửa. Tro than bay lả tả trong gió. Hương dành ly rượu của anh, ngửa cổ đổ vào miệng. Khi thả đến phong thư cuối cùng vào lửa đỏ, Hương say mèm, ngã đầu vào vai anh mê ngủ. Anh cũng muốn ngã mình ngủ một giấc ngon lành như buổi trưa nào trên đồi cỏ mượt có Mai ngồi bên cạnh, và vì Mai đã xa khuất nên không còn ai đánh thức anh dậy nữa.

 

Nha Trang 11/2007

Hồ Việt Khuê
Số lần đọc: 2458
Ngày đăng: 15.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sói đỏ mùa thu - Hoa Ngõ Hạnh
Chắp cánh ước mơ - Trương Anh Sáng
Mùa Len Trâu - Sơn Nam
Nơi không chỉ có khói núi. - Nguyễn Lệ Uyên
Trong cơn mưa - Lê Mai
Những ngày trở gió - Hồ Việt Khuê
Xi rô, đá bào, hột é.. đây! Đây…! - Nguyễn Mỹ Nữ
Đổi đời - Quỳnh Linh
Bạn cũ - Minh Tứ
Sự im lặng cuối ngày - Nguyễn Mỹ Nữ