Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.293
 
Saigòn – những ngày tháng 9 – 1945
Khổng Ðức

( Hồi ký thời trẻ dại, thân tặng KT. )

 

Sau những vụ Đồng minh thả bom ở Xóm Chiếu, thảm họa khủng khiếp cả một xóm lao động nghèo nhà lá bi thiêu rụi, trên 500 người chết, đây là lần thả bom đầu tiên, nhiều người ỷ y không chịu  chạy xuống hầm trú ẩn.. Tiếp đến là Nhà hát Tây và một đôi nơi trong thành phố nữa. Chúng tôi vội vã chạy về quê để lánh nạn, Nhưng chỉ sau ba ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh là chúng tôi đã có mặt ở Sàigon

 

Thế chiến đã chấm dứt, được tự do đi lại ở Sàigon sau bao năm xa vắng, chúng tôi vẫn còn thấy nhũng tàn tích đau thương của chiến tranh. Một gia dình của người bạn ở trong chung cư của đường d’Espagne – bây giờ là Lê Thánh Tôn – đã chết trọn cả gia đình khi khu  nhà này bị đánh bom.

 

Góc chợ Bến Thanh phía đông bắc cũng bị bom, và nhiều nơi nữa vẫn còn là những hố bom sâu hoắm đầy nước hôi hám như những vết thương lở loét, hay những đống gạch ngói chồng chất lớp lớp bên một vài bức tường còn gượng đứng với tư thế đơn côi đáng sợ vì chẳng ai dám lại gần. một đôi nơi đó chắc còn vùi lấp những thi hài. Mái của chợ Bến Thành cũng bị bom tàn phá, nên lỗ chỗ  có nhiều nơi lợp bằng lá, trông như mặc áo vá thảm thương. Trên các đại lộ như  Bonard (tức Lê Lợi bây giờ), Boulevard de la Somme ( Hàm Nghi), Charner (Nguyễn Huệ) vẫn còn  những đoạn hầm trú ẩn nổi theo hình ziczac đắp bằng tre bằng đất mưa gió lâu ngày làm lở lói và đang được dọn dẹp.

 

Sàigon mấy năm liền điêu đứng, nhưng giờ đây tôi đang gặp lại một Sàigon chuyển mình, chuẩn bị một cuộc vùng dậy hiên ngang. Nhân dân Sàigon không còn co rút tiêu cực trong những dáng đi lom khom, cuối đầu lặng lẽ hay bơ phờ héo hắt, nhựơng bộ ngượng  ngùng  trước kẻ ngoại bang Tây Nhật. Mà tất cả đều như nhìn thẳng, ngững lên, mắt sáng, môi cười, mặt tươi như bình minh vừa ló dạng; lồng ngực đang hít thở một không khí mới trong lành,, và trông lúc nào cũng như đang cầm nắm một thứ vũ khí sắc bén. Tất cả mọi người có vẽ sẵn sàng như đang chờ lệnh. Đó là hình ảnh nhữngThanh niên Tiền phong – một phong trào  mới được xây dựng  sau ngày  9 -3, ngày Nhật lật đổ chính quyền Pháp, mà thủ lãnh là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ( bí mật bên trong vẫn là Việt Minh). Những chàng trai áo trắng ngắn tay, quần short xanh màu nước biển, chân đi giày Bata, đầu đội nón lát rộng vành, bên hông mang lưởi dao găm dấu kín trong bao da với cuộn giây xinh xắn. thỉnh thoảng trên vai có  vác gậy tầm  vông vót nhọn, cũng là vũ khí để chống với bom đạn.

 

Mà có phải chỉ  thanh niên trai trẻ không đâu, bấy giờ hầu như tất cả mọi người đều là “ tiên phong”; từ 16 đến 45  tuổi thì mặc đổng phục áo trắng quần xanh; nhưng còn những lứa tuổi khác, thiếu niên, cụ già, nữ giới vẫn rạo rực trong ý hướng tiền phong. Nghỉa là ai ai cũng sẵn sàng đứng dậy chiến đấu, tay bắt tay, vai kề vai, hét hò xua đuổi thực dân, phát xít để dành lại  thứ của quí giá đã bị mất đi từ lâu là độc lập , tự do….

 

Về đến Saigon, chỉ sau một buổi tôi cũng nhiễm ngay cái không khí “ tiền phong’, tôi say cái ánh thép ngời sáng dao găm của anh tôi; nên mỗi khi  anh cổi ra  để trên bàn là tôi phải ngắm nghía săm soi. Lưởi dao chỉ dài vào khoảng hai tấc cũng được anh tôi mài dũa hằng ngày trong lúc rảnh rổi. Nhưng rồi chỉ vài hôm sau, không biết anh ấy đã mua hay xin của ai được một lưởi gươm dài của Nhật, anh mừng rỡ và hảnh diện ra phết khi mang lưởi gươm ấy. Mỗi chiều hay tối là anh đem lưởi gươm ra múa may với những thế võ học lóm được bên hàng xóm.

 

Để bù lại những ngày xa vắng Sàigon, hơn nữa qua thích thú với cái không khí bừng lên  của người của cảnh, tôi hóa thành con người của đường phố, có khi với năm ba đứa bạn , có khi chỉ một mình .Tôi chỉ có mặt ở nhà trong các bửa cơm, và tới khuya khoắt mới về; vì tối tối tôi cùng anh tôi đi dự họp TNTP của khu phố. của Hộ (tức là quận bây giờ).Phố xá bây giờ cũng tấp nập đông đúc, người người lánh bom đạn đã trở về ( Sàigon  thời 1945 chỉ vào khoảng  trên dưới 500.000 dân). Trên các bức tường , đường phố đã bắt đầu xuất hiện những bích chương , những khẩu hiệu, điều mà trước kia không bao giờ  có, hay có lắm cũng chỉ là những banderole quảng cáo. Nhưng được chú ý nhất là những bích chương khẩu hiệu kêu gọi mọi người hãy tham gia cuộc biểu tình ngày 24-08-1945. Quang cảnh thành phố rất lạ, lính Pháp không còn nữa, nhưng lính Nhật cũng co rút lại trong các doanh trại của họ chứ không  lông nhông  ngoài đường như trước, các bót cảnh sát  là do người Việt cai quản, nhưng cũng ít thôi. Thế mà thành phố vẫn được dọn dẹp sách sẽ, đặc biệt là vẫn có an ninh, quán xá vẫn mở cửa buôn bán, chợ búa vẫn họp như thường lệ, đâu đó vẫn yên ổn không hề có trộm cắp cướp giật gì cả. Có sống trong những giây phút nầy mới thấy tinh thần dân tộc Việt đầy tương thân tương ái, rất trật tự…Còn 3, 4 ngày nữa mới đến ngày 24, mà lực lượng TNTP như đã xuống đường rồi. Họ ùa ra dọn dẹp đường sá, những hầm trú ẩn nổi trên  các đại lộ được dọn sạch, thành phố trở nên rộng lớn hơn xưa.

 

Đến ngày 24-08-45, mới 5 giờ sáng tôi đã cùng anh tôi ra đường; khi còn trong nhà chúng tôi cú nghĩ là mình dậy sớm , không ngờ khi ra đến đường Paul Blanchy ( bây giờ là Phan Đình Phùng- chúng tôi vốn ở khu Phú Nhuận) đã thấy đông nghẹt người là người. Người ở các hẻm đổ ra,, từ Gò Vấp, Gia Định kéo lên , từ Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa , Đức Huệ, Long An … đổ về. Ngoài lực lượng TNTP còn có  các đoàn thể, các tôn giáo, các xu hướng chính trị, đử sắc màu, nhưng lực lượng hùng hậu nhất có lẽ là TNTP, rồi đến các đoàn thể có vũ khi  và hàng ngũ đi ở giữa, còn hai bên đường là nhân dân già trẻ lớn bé lớp lớp đổ xuông từ Tân Định  đến đường Norodom ( bây giờ là Lê Duẩn), hình như các nẻo đường đều có người. cuộc biểu tình hôm ấy chúng tôi chỉ đến được  đường Mayer ( Võ thị Sáu bây giờ), thấy đường nào cũng đông nghẹt, không đi được nữa.. Cờ xí rợp trời, nhiều nhất là cờ đỏ sao vàng  xen lẫn với cờ búa liềm, khẩu hiệu banderole  vô số , độ 100 người trở lên là có lá cờ to tướng. Thanh niên đi đứng trong tư thế đồng phục quân sự, một hai theo tiếng đếm rập ràng hay tiếng còi. Những khẩu hiệu : Việt Nam độc lập  muôn năm,, Việt nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, Mặt trận Việt Minh , Tinh thần ái quốc, Đảng cọng sản…dược hô vang khắp nơi cùng với những bài hát Thanh niên ơi . Quốc tế ca ,… với những nắm tay dơ lên, gậy tầm vông vác vai.. Cuộc biểu tình nói là diễn hành khắp Sàigon, nhưng có ai đi khắp thành phố đâu. Thật ra là mọi người đã đổ xô ra đướng nên kín khăp nẻo, nên mỗi ngưới chỉ đi được một đoạn nào đó thôi,  đến hơn 10 giờ thì giải tán . Về đến nhà  tôi chỉ tiếc là mình  đi không được nhiều, dù mồ hôi đổ ra ướt đầm cả áo, và hai chân cũng rã rời. Biểu tình với tôi  lúc bấy giớ chỉ là được đi dược ngắm cho thỏa ước ao. Đến chiều lại đọc báo mới hay là mình đã tham dự cuộc biểu tình tổng khởi nghĩa ngay trong đêm 23-08.Lực lượng TNTP dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành sứ mạng khởi nghĩa, công khai chiếm đóng các cơ quan nhà nước, của chính quyền thực dân trước kia.

 

Sáng 24-08-1945 Ủy ban Nhân dân Cách mạng đã ra mắt đồng bào, tại dinh thống soái đường La Grandière ( nay là Viện BẢO TÀNG). Đó là một cuộc khởi nghĩa không có đổ máu, quá mau và quá nhẹ nhàng  nên mọi người đều phấn khởi. Tuy nhiên tôi vẫn thấy thích thú sao sao, trong người cứ như no không thấy đói. Đặc biệt trong cuộc biểu tình, dưới ánh nắng gay gắt mà không thấy khát nước, cũng không phải chỉ riêng tôi; nỗi vui ấy hình như thể hiện trên mọi người; trong đoàn biểu tình không một ai mang theo cơm nước gì cả, cũng chẳng có ai tiếp tế nước nôi gì, hình thức y tế cũng không có mà chẳng thấy ai ngất xỉu, mới là việc lạ đời. Phải chăng mọi người quá thỏa mãn với sự giành được quyền độc lập , tự do. Từ giờ phút này trở đi, nhân dân Việt Nam không còn là người dân mất nước nữa…

 

Nhưng chưa hết, hôm sau lại thấy xuất hiện những bích chương khẩu hiệu mới là hãy chuẩn bị ráo riết cho cuộc biểu tình ngày 2/9. Qua báo chí mọi người đều hay tin Hồ Chí Minh là chủ tịch lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa, cũng ngày 2-9 cụ Hồ sẽ tuyên bố thanh phần chính phủ lâm thời và  đọc tuyên ngôn Độc lập ở Hànội. Lại một phen háo hức và chuẩn bị.

 

Hẻm vào nhà tôi có hai mẹ con chú nhỏ bán đậu phụng rang vốn không nhà cửa, lấy mái hiên ở đầu hẻm làm chỗ che nắng mưa từ trước năm 1943. Ngày chúng tôi về Sàigon, bà Hai - mẹ của cậu bé vẫn còn ở đấy, nhưng cậu bé năm nay đã dược 15, 16 tuổi rồi. Cậu  đã tham gia vào phong trào TNTP và lảnh công tác gác ở trụ sở khu phố. Ngày bán đậu rang cậu bé lem luốc bao nhiêu, thì bây giờ trong bộ  y phục TNTP trông cậu sáng sửa tinh anh bấy nhiêu . Ngày 24-8, tôi đã thấy cậu bé bán đậu rang diễn hành trong đoàn TNTP Phú nhuận, tay cầm lá cờ đỏ sao vàng to hơn chiếc chiếu đi đầu.

 

Sáng ngày 2-9 chúng tôi dậy trước 4 giờ sáng, và khoảng 4,30 chúng tôi đã ra đường, thế mà trên đường trước nhà tôi cũng đã đông người, tuy nhiên vẫn còn đi được. Và hôm nay chúng tôi cố tranh thủ đi cho đến được trung tâm thành phố Sàigon. Nhưng rồi chúng tôi  cũng phải dừng lại ngay đoạn đường Paul Blanchu giap với Norodom (tức là góc đường Lê Duẩn và Hai bà Trưng)            ; vì trời mới mờ mờ sáng mà đã quá đông, có lẽ gấp ba, bốn lần số người hôm 24-8, TNTP đã dàn kín  đường Norodom, các ngả đường là các đoàn thể các tôn giáo, các phong trào , nói chung là là đủ sắc màu dân tộc, quốc gia, quốc tế…, đồng bào đứng chật cả hai bên đường., cờ xí , khẩu hiệu bằng vải bằng cói đủ cở rợp trời. Bây giờ tôi cũng không rõ đầu đoàn biểu tình ở đâu, chỉ thấy thanh niên tiền phong đã bắt đầu di động theo tiếng còi hay tiếng hô 1,2. Thế mà mãi đến hai tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới bắt đầu di động. Cũng vẫn những khẩu hiệu như hôm trước vang lên, những nắm tay dơ cao, miệng hò hét. Hôm nay tôi có vẻ xông xáo chen lấn hơn, nên đã theo được với đoàn biểu tình diễn hành dọc theo đường  Catinat (tức Đồng Khởi)gần đến Nhà Hát Tây. Trông vê phía đại lộ Bonnard ( Lê Lợi) cũng đông nghẹt, Nhưng vừa đến đây thì chúng tôi nghe có những loạt súng nổ ở phía sau dòn dã. Đồng bào nhốn nháo dừng lại, ai ai cũng nóng nảy hỏi  tiếng nổ từ đâu? ai bắn? Chỉ một hai phút sau là biết súng nổ từ nhà thờ Đức Bà và P.T.T. ( tức sở Bưu Diện thành phố). Không ai bảo ai , mọi người đều đổ xô về ngã Nhà thờ, hàng ngũ rối loạn…; nhất là khi biết tin là bọn Việt gian và Pháp đã nổ súng vào đoàn biểu tình. Tôi cũng chạy theo làn sóng người…và đã nghe những tiếng thét vang: “ tiến lên“,” Bắt sạch” , “ giết sạch”!!!...!

 

Chỉ sau mấy loạt nổ, tiếng súng lại im, chỉ còn nghe tiếng la ó hò hét ; Thanh niên đã xông vào nhà thờ, ùa vào sở Bưu điện, có những người đã xông vào những nhà lầu ở đầu đường Catinat. Có năm ba người bị thương , đã được TNTP khiêng bằng băng ca. Máu đã chảy, mọi người đều phẫn nộ, tức tối cố lùng bắt cho được bọn phá hoại. Tôi thì chả bắt được ai mà chỉ nhìn ngơ ngác. Một chiếc băng ca khiêng qua trước mặt tôi, máu chảy ướt cả  chiếc áo sơ-mi trắng tinh. Tôi nhìn kỉ thì hóa ra cậu nhỏ bán đậu phụng rang quen biết đã bị thương rồi. Tôi vôi chạy theo chiếc băng ca hỏi nạn nhân bị thương ra sao, và chỉ được trả lời gọn lõn là trúng đạn, rồi nạn nhân được tức tốc đưa lên xe cứu thương  chạy về bệnh viện. Tôi điếng người, không còn nghĩ gì nữa hết vội chạy bộ về Phú Nhuận để báo cho Bà Hai. Về đến nơi thì Bà cũng đã được báo tin rồi và đã đi xuống nhà thương. Tôi như quýnh lên chỉ biết chạy ra chạy vào, đoàn biểu tình cũng đã giải tán, người ở hai bên đưởng phố đã lần lượt đi về…Dư luận xôn xao là TNTP đã bắt được hàng trăm kẻ phản loạn. Không khí sục sôi đến hai ba ngày sau mới tạm lắng xuống

 

Và tình hình mỗi ngày mỗi phức tạp. Có tin quân Đồng Minh sẽ đổ bộ xuống Sàigon để tước vũ khí quân Nhật, cuộc đổ bộ bằng phương tiện nhảy dù, quân số hàng mấy trăm ngàn. Ai ai cũng trông chờ xem  quân lính nhảy dù…Nhưng sau ngày 2-9 , bốn năm hôm – không nhớ rõ – lần đầu tiên tôi được trông thấy những chiếc dù từ bốn năm chiếc máy bay tung ra lơ lửng trên nền trời như những  chiếc bong bong, trắng có vàng có. Vào ngày hôm sau là thành phố Sàigon đã thấy có lính Anh , Ấn rồi. số nhảy dù xuống chắc chắn không nhiều, vì số dù thả xuống rất thưa thớt. Nhưng lính  Anh  vẫn đông, vì vốn có sẵn những tù binh bị Nhật giam trước đây ở Khánh Hội, Nhà Bè, hay trong các trại giam rải rác của thành phố được thả ra sau ngày đầu hàng, được các gia đình người Pháp tiếp đón, nay chỉ cần có súng ống  và quần áo trang bị là thành lính ngay.

 

Ngày quân Anh  thả dù hay đổ bộ cũng là ngày khu phố chúng tôi nhận được tin không mấy vui, là cậu con nhà bà Hai đã qua đời vì trúng đạn trong cuộc biểu tình 2-9. TNTP ở khu phố đã lo  việc tống táng một đồng chí, tôi đã gặp bà Hai sau khi sau khi chôn cất đứa con trai độc nhất của mình, trở về chốn đụt mưa che nắng của mình với hai giòng nước mắt lăn tròn trên  gò má nhăn nheo mà miệng vẫn cười với câu nói đầy đắng cay

” Chiếm lại được đất nước dù có mất một đưa con cũng chẳng sao”!

 

Sàigon có thêm quân Anh Ấn, chỉ rắc rối thêm cho  phía Việt Nam. Tước khí giới Nhật có lẽ chẳng đủ, họ còn đòi tước khí giới của VN. Đó là những gậy tầm vông với năm ba khẩu súng trường của Nhật  hoặc súng mousqueton xa xưa của Pháp; nhiều chăng chỉ có tầm vông , còn súng nhiều không qua trăm cây khắp cả thành phố. Tôi biết như vậy là vì sau này khi tổ chức các đoàn quân tự vệ như sư đoàn Chợ Đủi gồm có 500 người mà chỉ có 10 cây súng trường cũ xì, phần trang bị cho mổi cây súng không qua 12 viên đạn.. Nhưng đó chỉ là màn đầu của cuộc gây hấn, họ còn trang bị súng đạn cho thực dân Pháp để gây nhiều khó dễ cho ta, Tình hình mỗi ngày mỗi khẩn trương, đến độ tột cùng căng thẳng là tối 22 – 9 rạng ngày 23, thực dân Pháp được quân Đồng Minh tái vũ trang đã đánh úp các cơ quan của chính quyền VN. Kết quà là chúng chiếm được các trụ sở quan trọng, nhưng chỉ là nhà cửa bỏ trống. Vì các cơ quan đầu não cũng như Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ đã rút lui ra ngoại ô hay đã về tỉnh trước một hai hôm rồi. Cuộc đánh úp của Pháp cũng giống như  cuộc cướp chính quyền của ta  ngày 24-8, nó lặng lẽ như thay đổi chủ nhà. Tối 22-9 và rạng 23, chỉ nghe năm ba loạt súng nổ như trong ngày 2-9 rồi lặng im đâu vào đấy.

 

Niềm vui mừng của nhân dân Sàigon vừa được một tháng, bầu không khí tưng bừng náo nhiệt đang như ngọn lửa lên cao đột nhiên tắt lịm từ sáng 23-9. Lệnh tổng đình công, bải thị ban ra từ ngày 24-9 được toàn thể nhân dân thành phố tuân hành triệt để. Phố xá đều đóng cửa,, đường sá vắng hoe, họa hoằn mới có năm ba người  đi. Trung tâm thành phố như chìm trong tang tóc, trong khi các khu dân cư lao động như Bàn cờ, chợ Đủi, Phú nhuận, Bình Hòa, Khánh Hội..v..v… vẫn còn  người người di lại hay tụm năm tụm ba bàn tán …tình hình chính trị, với niềm tin  vũng mạnh là bọn Pháp ngoan cố thế nảo rồi cũng sẽ tút lui trao trả Sàigon trở lại cho chính quyền Cách Mạng. Việc Pháp đánh chiếm Sàigon, nhân dân thành phố ai cũng coi đó như là sự gây hấn làm khó dễ chứ không ai ý thức như một cuộc chiến. Sự kiến ấy biểu lộ quá rõ, là lằn ranh giới canh gác của đôi bên  chỉ cách nhau trong khoảng  bốn năm mươi thước. Như Pháp , Anh Ấn gác ngay đầu nhà ga xe lửa Sàigon ( sát bồn binh – chợ Bến Thành), trong khi lực lượng TNTP gác ở đầu đường F. Louis  tức ngả sáu bây giờ; cũng như ở Tân Định, lính Pháp gác ở đầu chợ Tân Đinh, còn từ ngã ba đường Paul Pert –tức đường Trần Quang Khải bây giờ, đến Cầu Kiệu thì  vẫn là lực lượng của ta. Sự đi lại cũng dễ dàng chỉ cần là trong người không có mang vũ khi gì là đi tất, bản thân tôi cũng là một trong  những người đi long nhong trong thành phó nhìn đông nhìn tây, nhất là để  ngắm mấy quân nhân Anh Ấn..

 

Từ ngày 24, 25 - 9 trở đi thi UBND ở các khu phố ngoại ô như Phú Nhuận Bàn Cờ , Chợ Đủi v..v.. bắt đầu tổ chức các đội dân quân. Mọi người từ 16 ruổi đến 40 tuổi đều ghi tên gia nhập quá đông. Có nơi đã biến các đội TNTP thành các đội cảm tử quân. Như ở Chợ Đủi- cũng gọi là khu Vườn chuối, chỉ 4 , 5 ngày sau khi Pháp gây hấn, số người gia nhập dân quân đã lên đến trên 10.000 người, nên trở thành Sư đoàn Dân Quân Chợ Đủi.. Không khí chiến tranh trong những ngày đầu còn có vẻ vui nhộn, vì chưa có gì là sắt máu cả; mọi người vẫn sống trong tin tưởng đợi chờ, hi vọng….tuy vẫn triệt để  áp dụng lệnh tổng đình công bải thị. trong trung tâm thành phố, nên đường sá khu này sau ba bốn  ngày là đầy rác rếnh dơ bẩn không sao nói hết được.

 

Một tuần lễ trôi qua, mọi cuộc thương thảo với phái bộ Anh Pháp của ta không đi đến đâu; đêm đêm súng đã nổ dòn ở các khu trung tâm thành phố. Các lực lượng của ta đã bắt đầu đánh mạnh, chợ Bến Thành bị đốt,, nhiều hảng sở của Pháp như hảng thuốc MIC, Bastos, Labbee bị phá hủy. Và thế là 10 hôm đã trôi qua, bây giờ có lệnh là đồng bào phải tản cư, lệnh ban hành trong 48 tiếng  đồng hồ , nhân dân phải rút lui ra khỏi thành phố, ai còn ở lại coi như là Việt gian.

 

Gia đình chúng tôi thì quá nhẹ vì ít người và đều là người lớn cả; hơn nữa chúng tôi cũng chỉ mới trở lại Sàigon hôn một tháng thôi, bây giớ có ra đi cũng không có gì vướng víu. Đặc biệt lúc bấy giờ  lệnh gi của Ủy Ban Cách Mang cũng được mọi người tuân hành triệt để. Lệnh tản cư lại có vẻ gắt gao hơn, nên ai nấy cũng lo sữa soạn khăn gói để ra đi. Tuy nhiên vẫn không hết niềm tin thế nào rồi thực dân Pháp cũng phải rút lui trước sức mạnh  Cách Mạng của toàn dân; và ai ai cũng nghĩ rằng tản cư không lâu đâu.Anh tôi còn đem sách vở bỏ vào hai cai lu rồi chôn dấu trong vườn, nghĩ rằng không bao lâu sẽ trở về ….

 

Bây giờ bên cạnh nhà tôi có một ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng trẻ là anh Đạt – anh chỉ vào khoảng 26, 27 tuổi, chị vợ cũng sít soát  khoàng lứa tuổi đó. Là hàng xóm với nhau, nên chúng tôi qua lại rất thân.. Từ có phong trào TNTP thì anh đã tham gia hăng hái, và khi biến cố xảy ra thì anh đã là đại đội trưởng  đội dân quân. Khổ nổi lúc nầy chị lại có mang gần đến ngày sanh..

 

Trước khi có lệnh tản cư , sư đoàn cũng đã dược lệnh rút về miền quê. Vợ chồng anh Đạt vốn người miền Trung, vào Sàigon từ năm 1939, là công nhân của hảng Indochine Films Eden. Vợ chộng gặp nhau đã dược hai năm rồi, cứ trông vào cảnh nhà cũng biết vợ chồng anh ấy nghèo. Khi được lệnh rút lui, anh rất băn khoăn không biết phải giài quyết ra làm sao. Chị đã gần ngày, về miền quê biết gởi vào đâu, anh qua hỏi ý kiến Ba Má chúng tôi cũng đành vô phương, Anh có thái độ dùng dằng nửa ở nữa đi, thì chị đã cương quyết hối thức anh mạnh dạn ra đi; việc sinh đẻ chị tự lo lịu được, nhất là trong khu quanh đây có cô đở (sage femme). Trước sự cương quyết của chị, anh an tâm ra đi; sau khi đã mua sắm cho chị đủ các nhu cầu cho cuộc sống ít nhất hai tháng ( đó là những thứ như gạo, mắm củi than, v..v…).

 

Anh Đạt ra di ba hôm rồi mới có lệnh tản cư Chúng tôi có vẻ bình thản vì sẽ trở về nhà Cậu tôi ở Tân An; chỉ có má tôi tỏ vẻ bối rối lo âu. Tôi tò mò hỏi thì bà  đưa mắt sang nhà chị Đạt. Tôi hiểu là chúng tôi không có phương thế gì để giúp đở người trong cơn hoạn nạn cô đơn này cả. Tản cư về quê chúng tôi cũng phải lâm vào cảnh ở nhờ, là nhà cậu chứ có phải là nhà của mình đâu. Lệnh  tản cư ban ra, nhưng chúng tôi còn phải sắp đặt đồ đạt, định sáng hôm sau mới ra đi; thì tối hôm ấy, vào khoảng 10 giờ tối  chị Đạt chuyển bụng , rên rỉ. Má tôi phải chạy sang, gọi ngay cô đở ở đầu đường. Đến  1 giờ khuya thì chị ấy sanh một cu cậu khá lớn, má tôi bảo  có lẽ nặng đến 3 kí, và bà còn suýt soa thật là phúc đức cho chi ấy Vì chị Đạt mới sinh, gia đình chúng tôi ở trễ lại hôm sau nữa mới tản cư.

 

Suốt cả ngày còn ở lại Má tôi chỉ lo săn sóc cho chị Đạt. Thế mà sáng hôm sau, trước khi ra đi Bà cũng chạy sang nhà chi Đạt lần cuối đăn dò đủ thứ, khi ra đến đường lộ, mắt bà còn đỏ hoe, tội không dám hỏi han gi, bà vẫn thở dài  rồi bảo như để tự an ủi : “ Tội quá chị ấy phải ở lại một mình, nhưng chắc là đàn bà  con nít cũng không sao!”

 

Rời bỏ Sàigon về Tân An, chúng tôi vẫn theo dỏi tình hình, cuôc chiến mỗi ngày mỗi lan rộng, quân Pháp mở rộng địa bàn xâm chiếm, Quân ta chỉ có  cầm cự rút lui dần, vì không có vũ khí, kinh nghiệm chiến trường cũng không. Trong khi đó thì dư luận xôn xao quân đội Nhật có nộp vũ khí cho Đồng Minh bao nhiêu đâu, đa phần đều đổ ra biển, vất xuống sông, kể cả quân trang quân dụng. Ác hơn nữa là mỗi thứ vũ khí vất một nới, như  nòng súng một nơi, bản súng một ngả, v..v…sĩ quan cao cấp của họ có một số mổ bụng  tự tử, còn một số lẫn trốn nhập vào người Hoa ở Chợ Lớn. Nói chung là dân Việt Nam chỉ mới biết làm CM chứ chưa biết gi về ngoại giao, về chiến lược chiến thuật lợi dụng những gì mình có được trong tay, nên đã bỏ biết bao cơ hội…

 

Về Tân An rồi, năm  tháng sau tình cờ gia đình chúng tôi gặp lại anh Đạt, cũng  rút quân về đấy, Anh mới kể lại cho chúng tôi hay, sau khi sư đoàn anh rut lui về chợ Bà Hôm rồi Đức Hòa , Đức Huê…Tình báo của đại đội anh đã có nhiều lần về Saigon-Cholon dò la  tình hình địch nên cũng nắm rõ được tin tức vợ con anh.. Là sau khi tản cư rồi quân Pháp mở rộng địa bàn chiếm đóng, quân ta thường dựa vào các khu dân chúng  ngoại ô để phục kích đánh phá. Nên khu Phú Nhuận cũng nằm trong chiến lược đó, nên sau hai tháng  quân Pháp càn quét khu này, chúng bắt mẹ con chị Đạt và toan dở trò hảm hiếp thì bị chị chống trả bằng cách xỉ vả và cắn xé nên chúng đã giết chết cả mẹ lẫn con.. Tôi còn nhớ anh Đạt kể lại câu chuyện đau lòng ấy với đôi mắt đỏ hoe, hai giòng nước mắt lăn trên má, cùng lời kết luận đanh thép :” Tôi sẽ trả thù đến cùng!!!”

…………

Thời gian trôi qua, bao nhiêu sự việc với bao hinh ảnh, những biến thiên của đời, tiếc rằng tôi không tài nào ghi nhớ cho hết. Đúng  30 năm sau – 1975.sau ngày 30 tháng 4 , tình cờ tôi lại gặp lại anh Đạt, tôi còn nhìn ra anh, chứ anh nào có  biết đến tôi…Nhưng anh Đạt không còn là một TNTP, một đại đội trưởng  dân quân chiến đâu thưở nào, mà là một cán bộ về hưu với đầu tóc bạc phơ, với những nếp nhăn năm tháng đã làm cho con người ấy già cỗi đi nhiều, tuy nhiên ở con người ấy vẫn còn nguyên dấu vết hào hùng  của thời xa xưa….

 

Khổng Ðức
Số lần đọc: 3750
Ngày đăng: 17.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lại Ốc - Bao giờ chú Tễu lại cười - Phạm Minh Hoàng
Dấu tích người vợ bất hạnh của vua Thành Thái bên dòng Ô Lâu - Nguyễn Hoàn
Gửi lại PLeiku - Minh Tứ
Những mộ phần không cô đơn - Nguyễn Hoàn
Thịt chuột ký sự - Phạm Minh Hoàng
Trở lại Xứ Thanh - Nguyễn Nguyên An
Phương nam ký sự - Minh Tứ
Đi mãi bên đời với tình yêu hoa lá - Minh Tứ
Hương Cần du hành - Ngô Thiên Thu
Một trời Phú Thọ - Văn Chấn Ngọc
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)