Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.204.813
 
Viết ngắn 58. Văn học Đông nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa 02.
Inrasara

Tuần lễ SEA Write Award tháng 10.2005, trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn và sinh viên văn chương Thái Lan, tôi nêu lên câu hỏi khiến hội trường ngạc nhiên không ít: “Có ai trong chín vị SEA Write Awardees năm nay – chín khuôn mặt [được coi là] đại diện xuất sắc nhất của văn chương nước mình – quen biết nhau, đọc của nhau hay thậm chí, biết đến tên nhau?”. Không ai cả! Văn chương khu vực này mãi đến hôm nay vẫn còn đóng cửa với nhau, là vậy. Nhà văn Đông Nam Á không quan tâm đến nhau, không cần nhau, nếu không muốn nói – xem nhẹ nhau và, xem nhẹ chính mình. Chúng ta có học (dịch thuật, nghiên cứu, hội thảo) là học người khác chứ không học tập ta. Tâm lí hậu thuộc địa còn trì nặng nơi tâm thức sáng tạo của mỗi người viết Đông Nam Á.

 

Dạo qua các hiệu sách lớn tại Bangkok, Kuala Lumpur, không thấy Bùi Giáng, Võ Phiến, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh đâu cả! Cũng vậy, ở Sài Gòn hay Hà Nội, hoàn toàn vắng bóng tác phẩm của Binlah Sonkalagiri (Thái Lan), Abdul Ghafar Ibrahim (Malaysia), Acep zamzam Noor (Indonesia). Tại các trường Đại học Việt Nam, văn học các nước trong khu vực được giới thiệu rất sơ sài. Luôn luôn là “vài nét về” mà không nhích lên thêm phân tấc.

 

Trong lúc Khoa Đông Nam Á được thành lập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào cuối thập niên tám mươi thì mãi hơn mười năm sau, Bộ môn Thái Lan học mới được mở mắt chào đời. Còn tại Thái Lan, tạp chí Việt học mỏng manh do Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Phát triển Nông thôn thuộc Đại học Mahidol, Salaya ra đời từ tám năm qua, nhưng nó không phải do người Thái khai sinh mà chỉ nhờ nỗ lực cá nhân của một giáo sư Thái gốc Việt: Thawee - Châu Kim Quới. Còn ta, đến hôm nay, vẫn chưa có chuyên san Thái hay Mã học nào!

 

Hơn mươi năm qua, về lãnh vực chính trị xã hội, các nước trong khối Asean đã đạt được vài thành tích đáng kể trong hội nhập và phát triển, riêng lãnh vực văn học thì chưa. Cửa vẫn im ỉm đóng!

 

Ở Việt Nam, tình hình vẫn còn khá trì trệ.

 

Một: Về lãnh vực nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số, có thể nói Việt Nam là nước đi đầu. So với các nước trong khu vực, chúng ta đã có thành tựu lớn. Nhưng chúng ta vẫn cứ dừng lại ở bề mặt. Dân tộc có chữ viết bản địa đầu tiên của Đông Nam Á, có bia viết bằng tiếng Phạn đầu tiên của Đông Nam Á, chắc chắn dân tộc đó có nền văn học viết đáng giá. Nhưng có ai trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em chịu học cho thông thạo tiếng Chăm để có thể thưởng thức nền văn chương đó? Câu trả lời: chưa ai cả. Văn học sử Việt Nam còn không có lấy chương nào đề cập đến văn học cổ điển Champa nữa là!

 

Tâm lí mặc cảm số đông/ số ít vẫn còn tồn tại trong ta đến tận hôm nay.

 

Hai: Chúng ta cũng không thấy cần thiết (chưa có chương trình cụ thể) quảng bá văn chương Việt Nam ra bên ngoài. Các tác phẩm quan trọng giai đoạn qua chưa được tổ chức dịch có bài bản để giới thiệu ra thế giới. Các dịch phẩm lâu nay luôn xoay quanh đề tài chiến tranh và chính trị; còn khía cạnh khác, có chăng vài tác phẩm có thể thỏa mãn óc tò mò về một văn hóa xa lạ mà thôi. Hơn nữa, đa phần chúng được dịch đầy tắc trách. Các nỗ lực cá nhận nếu có, cũng không thấm vào đâu trong các sáng tác đáng được giới thiệu đó.

 

Tập san văn chương Việt Nam bằng tiếng Anh của Hội Nhà văn Việt Nam ra đời một số duy nhất rồi… nghỉ! Hơn sáu năm đi qua, chưa ai có ý định làm hồi sinh nó. Lí do thiếu tình hay thiếu tiền, hoặc thiếu cái gì nữa?

 

Cuối cùng: Chúng ta cũng không quan tâm học thiên hạ nữa! Mặc cho bao nhiêu trào lưu văn chương phát triển và nẩy nở rồi tàn lụi trên khắp thế giới, chúng ta cứ thái độ không hay không biết. Ta cứ nghĩ nó là của thế giới chứ không liên can gì đến ta. Chưa có trào lưu văn học đương đại nào được chương trình các Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn ta ưu ái giới thiệu tới nơi tới chốn, ba mươi năm qua.

 

Mặc cảm tự tôn luôn cho ta là nhất hay tâm lí bảo thủ đã cản chúng ta làm việc này? Hoặc thậm chí, chỉ vì tự ái mang tính cá nhân?

 

Đâu có gì phải mặc cảm đóng cửa hay e ngại đến tự cách li? Đông Nam Á có cả truyền thống văn hóa - lịch sử mấy ngàn năm ở sau lưng và sức trẻ đầy năng động ở phía trước. Binlah Sonkalagiri (Thái Lan), khuôn mặt trẻ nhất của SEA Write Award 2005, một ca sĩ nổi tiếng dám từ bỏ nghề ca hát để cầm bút viết truyện cho thiếu nhi; Abdul Ghafar Ibrahim (Malaysia), làm thứ thơ con âm lạ lẫm, từng bị Hội Nhà văn Malaysia gán cho cái tên thơ điên, nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi nó đến cùng, để ba mươi năm sau chính cái Hội đã từng hất hủi ông đó phải công nhận thử nghiệm của ông; hay Acep zamzam Noor (Indonesia), nhà thơ kiêm họa sĩ, dẫu Anh ngữ vừa trình độ giao tiếp, vẫn hiên ngang mang thơ mình đọc khắp trời Âu. Tất cả đều giành được phần thưởng xứng đáng.

 

Các nhà văn Đông Nam Á hôm nay đang cơ hội tham dự vào cuộc hội nhập lớn, tự trang bị cho mình một tinh thần dân tộc mở, nếu có thể nói vậy. Chúng ta sẵn sàng giới thiệu đến nhau, học tập và bổ sung cho nhau các đặc trưng văn hóa, tự giác và bình đẳng. Ở đây, không ai là đàn anh hay kẻ cả cả, cũng chẳng có đâu trung tâm hay ngoại vi. Bên cạnh có “một thái độ sẵn sàng hợp tác với Kẻ Khác” (Ulf Hannerz). Kẻ Khác đó chính là các nền văn học tự nhận [hay chúng ta cho nó] là trung tâm.

 

Như thể một/ các nền văn học đã trưởng thành thực sự.

Inrasara
Số lần đọc: 4061
Ngày đăng: 18.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Chu Cẩm Phong, dũng cảm, say sưa, quên mình như Chu Cẩm Phong - Bùi Minh Quốc
Chủ nghĩa nữ tính - Khổng Ðức
Dấu ấn hậu hiện đại trong Cánh đồng bất tận - Hoàng Đăng Khoa
Người đua diều của Khaled Hosseini - Lê Thu Trang
Viết ngắn 13. Thơ và diễn đàn - Inrasara
Thơ rất thiêng - Bùi Minh Quốc
Thử khai mở kiến trúc hậu hiện đại trong tiểu thuyết thoạt kỳ thuỷ* của Nguyễn Bình Phương - Hoàng Đăng Khoa
Lối ra nào cho tam nông nước ta hiện nay? - Vũ Ngọc Tiến
Giọng điệu anh hùng ca trong tiểu thuyết “người người lớp lớp” của Trần Dần - Phạm Ngọc Hiền
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không như tôi hình dung - Phan Hoàng
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)