Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.507
 
Huyết nhân ngải
Nguyễn Hiệp

Chị Hạnh dường như đọc được suy nghĩ của tôi, vừa đi vừa bảo:

-Thầy bắt gặp, chị chẳng biết nói sao, nhưng em đã quyết, chị chẳng ngăn nữa. Dứt khoát không được sợ sệt, hốt hoảng ! Vào vườn em phải bình tĩnh, tâm thế giản dị. Luyện ngải không dễ đâu.

 

Khi quỳ trước cây hoa, chị Hạnh bảo: “Cúi xuống ! Đừng nhìn !” Tôi răm rắp làm theo sự chỉ dẫn của chị. Được một thoáng, trí tò mò của tôi nổi loạn. Tôi hé mắt, hình dung như mình đang đứng trước một con người tinh anh, nhãn quang cực mạnh, tay chân tôi tự nhiên run rụi, mồ hôi lạnh rịn bên thái dương. Tôi ngước nhìn rồi không sao cúi xuống được nữa, tôi bị mê hoặc bởi những cánh hoa màu sắc lạ lùng: ngoài hồng thắm, trong tím thẫm, lại pha lốm đốm những chấm vàng, giữa các ranh giới chuyển tiếp. Màu ấy là trăm hồng nghìn tía lung linh. Tia mắt tôi bị hút vào những vùng màu sắc ma quái, tim tôi loạn nhịp, tự dưng cảnh vật chung quanh biến đổi, chao đảo, những cánh hoa như đàn chim phượng đang vỗ cánh bay lên, lượn vòng rồi đậu xuống vai tôi, xuống tóc, xuống môi, xuống mũi. Hương hoa thơm dịu phảng phất. Người tôi lâng lâng, tôi nghĩ chỉ cần mình nhấc đôi cánh tay là có thể bay lên như những cánh phượng hoàng, cánh tôi sẽ chao nhòe, đồng tử tôi sẽ lóe những tia sáng bén nhọn. Tôi cảm giác mình đang cháy đến nơi, đang rã ra đến nơi, đang nhỏ bé, triệt tiêu. Tôi bước tới định hít thật sâu cho lồng ngực mình ắp đầy làn hương quyến rũ ấy, liền bị chị Hạnh đưa cánh tay nõn nà vòng ngang ngực cản lại. “Em phải tắm rửa sạch sẽ mới đến gần được. Đó là vua ngải.” Tắm rửa sạch sẽ. Tôi hiểu điều đó có nghĩa là chúng tôi phải qua một nghi lễ kiểu như tẩy trần.

 

Trong căn nhà lục giác, chị Hạnh hướng dẫn tôi tư thế nằm trên chiếc sạp tre. Chị cũng khỏa thân như tôi sau khi đặt một chậu lá giống lá hẹ xùm xuề phía dưới sạp, tôi không hiểu đó là loại lá gì nhưng tôi ngửi được mùi hăng hăng nồng nồng. Tôi hỏi “Lá gì vậy?”, chị Hạnh có vẻ bí mật, đưa một ngón tay trước môi, chị trườn mình lên cơ thể tôi rồi ghé môi sát tai tôi khẽ khàng tiếng gió: “Huyết… nhân… ngải”.

 

Tôi hơi giật mình, tôi từng nghe ba nhắc đến loại ngải này, chỉ cần để hai chậu ngải cạnh nhau là gió sẽ nổi lên, người luyện ngải sẽ bị vong mạng, vô phương cứu chữa.

 

Chị Hạnh lại tiếp tục thì thầm vào tai tôi: Loại ngải quý đó em, ban ngày, lá nó xanh bình thường, nhưng đêm thì ửng đỏ, chi hoa, cuống hoa mảnh như không có thật, hoa đỏ bầm, nhỏ li ti, lửng lơ nở vào những đêm trăng thu. Lúc ấy không gian chậu cây như đang xuất huyết, như đang đẫm lệ. Những ngôi sao máu vừa sa. Những bông hoa máu vừa vỡ. Những túi hương máu nặng mùi tanh tanh nồng nồng vương vãi, đậm đặc trong vòng năm bảy sải tay. Chỉ cần hít một ít hương thơm này cũng đủ cho người khỏe nhất ngay lập tức rơi vào trạng thái ảo giác mơ hồ… Một loài hổ ở tận rừng sâu ăn hết thịt những người đàn bà tuổi dần nhưng chừa lại quả tim, đúng ngày đúng tháng, đủ khí âm dương quả tim người ấy liền mọc thành loại ngải này… Hạt giống tim người. Tôi chưa từng nghe cái gì ám ảnh hơn thế. Tôi lại rùng mình vì chợt nhớ tôi cũng tuổi dần. Chị Hạnh đưa vào miệng tôi một lát củ gì đó làm lưỡi tôi hơi tê tê. “Em cứ ngậm, cứ thư giãn; tắm rửa bằng ngay chính ý nghĩ của mình, tắm rửa bằng ngay chính ý nghĩ của mình, tắm rửa bằng ngay chính… ý… nghĩ… của… mình… Tôi chưa kịp nghe hết câu nói cuối cùng của chị Hạnh thì đã trôi đi, nhẹ tênh, bồng bềnh, rồi vụt đi như một chiếc lá nhỏ vừa xiên ngang trong gió.

 

Nơi đó, tôi thấy mình đang bơi trong một không gian mờ ảo, có một cành lá vuốt ve trên thân thể tôi, vuốt ve cả những vùng da nhạy cảm mà từ khi lớn lên, qua tuổi dậy thì, chỉ duy nhất có bàn tay tôi sờ mó, kì cọ trong những lần tắm táp. Tôi cảm nhận có gì đó trơn ướt lướt dọc gan bàn chân mình, vờn lên cổ mình, lên đỉnh ngực mình. Đôi môi tôi chợt cảm nhận làn hương vị ngọt ngào, rồi cái vị ngọt ấy lan chảy trong răng lưỡi, ứ tràn trong cổ họng. Môi tôi nút chùn chụt theo bản năng như một đứa bé vừa rứt rời nhau thai đã biết nút dưỡng chất ngọt thơm từ bầu vú mẹ. Da tôi thức dậy bởi những cơn sóng nhỏ, xương gân tôi rướn duỗi khát khao, thần kinh tôi     thức dậy thúc giục, đòi hỏi… Tôi ưỡn người, cơn rùng mình kéo dài. Đau. Một cảm giác đau nhói ở đâu đó trên cơ thể. Vai tôi từ từ nhú lên đôi cánh nhỏ, đôi cánh khẽ khàng cử động, rồi nhịp lên nhịp xuống thật sự. Cơ thể tôi cũng nhịp lên nhịp xuống. Tôi không làm chủ được đôi cánh ấy, tôi muốn khóc vì bất lực. Tôi thì thầm “Cánh, cái cánh!” Chợt tôi thấy mình bay lên giữa mênh mang lặng im, càng lên cao sương khói càng dày hơn, xung quanh mịt mờ, rồi tôi bay đến một vùng trời không còn màu sắc ngự trị, tất cả trong veo, những đám mây trong veo, da trời trong veo, tôi trong veo, không có ranh giới nào ở đây cả. Ý nghĩ tôi cũng trong veo, không một gợn lo lắng, không một gợn buồn thương, không mảy may hối tiếc, chỉ lâng lâng, choáng ngợp trong cảm giác mới mẻ. Dường như tất cả là hư vô, với hư vô, trong hư vô…

 

Tỉnh dậy, tôi thấy mình không còn nằm trên sạp tre, chị Hạnh đã bế tôi vào nhà, tôi chợt thấy thần kinh mình rất nhạy, nhưng lại không còn tập trung vào được bất cứ suy nghĩ hay công việc gì, cơ thể mình có một số thay đổi. Thay đổi rõ rệt nhất là mái tóc đen mượt chấm lưng của tôi bỗng nhiên xù lên, những sợi tóc từ cổ trở xuống phình to, nâu cháy, đùn rối trong nhau. Tôi với tay lấy cây lược, cây lược nhựa dẻo hằng ngày trơn tuột theo mái tóc mượt của tôi mà nay chợt sựng lại, không nhúc nhích thêm được tí nào nữa. Các ngón tay của tôi co lại giật mạnh đến đau nhói da đầu mà mớ tóc rối ấy vẫn không thay đổi. Tôi bất lực soi nó trong gương, rồi cứ thế đứng nhìn sững hàng giờ liền, những giọt nước mắt tôi lăn tràn trên má giờ đã se khô, lem luốc làn da. Chị Hạnh ôm tôi vào lòng, ấp mặt tôi vào ngực chị, tôi thổn thức trong tư thế như vậy. Nhớ ngày tôi mới để tóc dài, nhìn mái tóc tôi, ba hay kể chuyện về bà nội:

 

… Bà nội tôi muốn gội đầu phải đứng trên bộ vạt tre vì mái tóc như suối. Suối tóc thật sự, nếu xõa ra trên bộ ngựa một thì dòng suối ấy sẽ lượn vòng, chảy tràn từ mút này đến đầu kia, phần còn lại tuôn xuống như thác nước bay, như phi tuyền huyễn mộng. Má tôi và một người dì nữa nhắc ghế cao đứng hai bên, người thì cẩn thận múc từng gáo dừa nước bồ kết đổ điệu nghệ từ từ dọc theo mái tóc sao cho nước bồ kết thấm đều hết mái tóc mà không vương vãi ra ngoài, người thì dùng các ngón tay vuốt mãi cho sạch tóc rồi dùng chiếc gáo khác múc nước mưa để lâu năm xả cho tóc thật mượt mới thôi. Phải mất cả buổi mới gội xong mái tóc. Hong tóc cũng là một kì công mà chỉ có bà tôi mới đủ kiên nhẫn đứng hàng giờ liền, phải đứng ở nơi có gió mà lại không có bụi. Hôm nào trời oi nồng, không gió, má và dì tôi phải thay nhau cầm quạt mo cau quạt liên tục, mà phải quạt sao cho đường quạt lên xuống phải thật dài theo hết chiều dài mái tóc. Chỉ bàn tay dịu dàng khéo léo của má tôi chải tóc cho bà là bà ưng ý nhất. Càng nhớ lại chuyện kể về mái tóc bà nội, nước mắt tôi càng tuôn ràn rụa trên má.

 

*

Người làng tôi vẫn tin rằng ba tôi sinh nghề tử nghiệp: “Ông giáo Thư luyện ngải trúng ngải mà chết”. Có người còn tán như thiệt: “Một cây ngải nâu được ăn trứng gà sống và uống huyết gà nhiều quá quay lại hại ngay chính người luyện. Ông giáo Thư đã trúng độc của cây ngải nâu, thúi hết cả lục phủ ngũ tạng…” Sự qua đời đột ngột của ba tôi làm tâm hồn tôi tê điếng, vậy mà cứ qua bên kia sông là tôi lại nghe đầy lỗ tai những lời bàn tán, tôi chỉ còn biết lẳng lặng quay đi, tôi sợ người ta phát hiện ra tôi, phát hiện ra tội lỗi của tôi, tôi sợ người ta gợi đến vết thương, nỗi dằn vặt, ân hận đau xé trong lòng mình. Động Trắng, nơi cha con tôi sinh sống cách làng một dòng sông, nằm tách về phía biển, chỉ qua lại bằng thúng chai, vốn đã xa lạ với những ngư dân, nên mọi chuyện dễ thành đề tài đàm tiếu, thêm thắt mắm muối, một đồn trăm, không đồn thành có của thiên hạ. Chỉ người vừa trong nhà vừa tội nhân như chị Hạnh, vừa là học trò vừa là người giúp việc cho ba và như tôi, đứa con gái ruột rà duy nhất của ba là biết rõ nguyên nhân thật sự…

- Thần chưa suy mà quỷ đã lộng… Trời ơi! Lũ quỷ… Ba tôi đứng như trời trồng, lầm bầm rồi đột ngột hét lên, ném mạnh cái bay xới đất, chị Hạnh ép sát vào người tôi vừa né tránh vừa bảo vệ cho tôi. Chúng tôi lồm cồm quơ vội đống áo quần, bò xuống núp dưới chiếc sạp tre. Tôi đưa mắt len lén qua kẽ ngón tay: ba tôi đã nằm sóng xoài, bất động. Tôi bật dậy xỏ váy, tròng vội chiếc áo thun lên người rồi lao ra…

 

Chị Hạnh lật đật loay hoay mãi với mái chèo, cuối cùng thì chiếc thúng chai cũng hết xoay tròn, rời khỏi bờ, cà giật bơi đi trên con nước ròng mỗi lúc một duềnh lên (không hiểu có phải tại tôi quá sợ, mà trong trí tôi bây giờ vẫn còn như in cái mặt nước sông xanh ngắt dập duềnh chao đảo ấy). Hai đùi tôi mỏi rã rượi lại chịu sức nặng của đầu ba đang nằm ngoẹo trong lòng nên tê cứng, mất cảm giác. Thỉnh thoảng tôi sửa lại đầu ba, hết đặt đùi phải lại qua đùi trái, sửa đến lần thứ năm thứ sáu gì đó thì thúng cặp bờ. Tôi làm mọi việc như một chiếc máy, đầu óc trống rỗng, cơn ngây ngất ban chiều vẫn chưa dứt. Qua bên kia sông, chị Hạnh một đầu võng, tôi một đầu, hai đứa lúp xúp chạy qua hết mấy chục đám ruộng muối, lên bờ xuống ruộng mãi rồi cũng đến được trạm xá…

 

*

Dường như có một thứ thời gian nào đó ngấm dày, mọc rễ trong tầng tầng đất này?! Ít ra là với những gì đã trải qua khiến tôi có cảm giác như thế.

Dường như có một thứ nửa như bóng tối, nửa như ánh sáng đang đùa cợt trên những chiếc lá mùa xuân tội nghiệp. Tôi chưa bao giờ tin vào mùa xuân nhưng tôi lại rất thương những chiếc lá non, ít ra nó cũng cho ta cảm giác hy vọng, một loại bấu víu từ trong linh thức, đó là mong một lúc nào đó được tái sinh. Tôi luôn ước ao được tái sinh tới một vòm trời mới lạ…

 

Tôi chợt nhớ lời ba thường dạy: “Lấy tối hiểu sáng, lấy sáng hiểu tối”. Hay là người lớn hay bít kín ý thức con trẻ?

 

Từ ngày Hạnh của tôi vĩnh viễn ra đi, xuân này, tôi mới về lại nhà mình, tôi lại đi lang thang trên con đường lởm chởm đá sau nhà như tôi đã từng đi ngày ngày trong một thời gian dài trong đời. Đó là sở thích? Không, đó là thói quen, đã là thói quen thì không cưỡng được. Con đường ấy tuy trước đây chỉ là một trong nhiều ngả rẽ khác nhau trong vườn, ba tôi không buộc tôi đi mãi, nhưng ông đã không cho tôi có chọn lựa khác và một khi đã đi thì nó thành con đường của mình, thật khó rẽ lối nào nữa.

 

“Con gái! Ba cấm con vào vườn ngải! Con đi lối kia!” Ba tôi chỉ tay và tôi tin đó là mệnh lệnh, loại mệnh lệnh có lợi, dù trí tò mò nông nổi của tôi lên tiếng mách bảo phải vào đường khác. Trong suốt thời gian dài, chưa lần nào tôi nhận ra, dù chỉ là cảm giác, rằng vườn ngải dẫn tới chính con người mình. Bao năm qua, tôi đã đi trong ảo giác, cuộn tròn trong những bức vách hoa lá tưởng tượng do mình tạo ra. Nhớ lúc ban đầu, tôi trèo lên hàng rào ngó đăm đăm vào vườn ngải, tìm cách vượt rào, ba phát giác kịp lúc, tôi bị quất mấy roi để tụng đi tụng lại bài giáo huấn bất tận. Già lớn sợ nhân, trẻ non sợ quả. Có lẽ chính ba tôi cũng đã phần nào sợ rằng thế giới ngải của ông sẽ tạo ra một tấn kịch muôn màu sắc mà nhân vật chính là con gái cưng của mình.

 

*

Tôi đã bị cuốn quá lâu vào một loại trạng thái xoáy tròn, ảo giác về sự trong sáng, về ánh mặt trời, về lẽ sống ngoan ngoãn, tuân phục. Đè nén và xoáy tròn. Chỉ có cuộc bùng nổ chính bên trong mình đang chờ tôi phía trước. Từ lâu tôi không còn tin sự chấp nhận cô đơn của mình trên con đường đá lởm chởm bên ngoài vườn ngải là một loại ý chí và là thiện chí, những bài giáo huấn bất tận, những ngôn từ đạo đức, tinh tế, cao siêu, lý tưởng đã bị tôi lờn mặt và coi thường, tôi đã trở thành một kẻ thực tế và hoài nghi cao độ, nhưng bề ngoài, tôi vẫn cố giữ những biểu hiện của một con “ngố rừng” ngây ngô hết thảy, với mọi nơi, mọi lúc, mọi vấn đề. Tôi có một cõi riêng là gốc dương già, chiều nào tôi cũng ngồi ở đó nhìn đăm đắm ra bờ sông về phía làng biển. Có lần tôi nhìn thấy rõ ràng đám cưới của mình ngang qua dòng sông, hơn chục chiếc thúng chai dán chữ song hỉ đỏ lòm, tiếng cười nói nhặng cả khúc sông. Tôi thấy mình là cô dâu áo dài khăn đóng đang bẽn lẽn bên chàng rể tuấn tú. Bỗng nhiên chiếc thúng chai chở dâu rể rơi vào ao lò, một vòng xoáy dữ dằn đột ngột xuất hiện. Tôi ú ớ rồi hét thảng thốt. Tôi đưa tay dụi mắt lia lịa, té ra nãy giờ ngủ gục mơ màng. Tôi bàng hoàng, chỉ mang mang con nước màu ve nối với vùng trắng bên kia. Đường chân trời không một bóng người, tạnh im, hoang dại.

 

Ba tôi là một giáo sư vạn vật, đã nghỉ việc. Từ Sài Gòn ông về ở hẳn Động Trắng nhiều năm. Ba tôi có nỗi đam mê tột cùng là nuôi luyện ngải, trước năm 1975, thỉnh thoảng ông đi nước ngoài săn tìm ngải quý về luyện. Khi về khu vườn ông bà nội ở Động Trắng này, ông đã mang hết ngải về theo. Trong khu vườn ngải rào lưới kín bưng, dây leo phủ kín, chỉ có ông và người học trò của ông là ra vào được. Ba tôi âm thầm luyện ngải, tuyệt không nói gì với bên ngoài. Khi tới kỳ quan trọng trong quá trình luyện ngải, ông ở luôn trong vườn ngải cả ngày. Đưa cặp mắt lén lút qua bức rào tôi vẫn thấy công việc trồng và luyện ngải: đầu tiên ông cho các chất tượng trưng ngũ hành như diêm sinh, sắt, gỗ mục, muối và ít đất lấy trên núi cao vào chậu đất nung, trộn đều rồi trồng ngải vào. Xong, ông đem đặt lên một bàn thờ trong căn nhà lục giác, ông nhắm mắt, đọc thần chú. Tôi hỏi, chị Hạnh, học trò của ba giải thích: đó là công việc truyền phù. Chị thường thì thầm giảng qua loa cho tôi về công việc của ba, có lúc bị vặn hỏi vào thế bí, hết đường né tránh, thay vì phải giảng tới nơi chị lại nhe hàm răng trắng như ngọc của mình ra cười huề cả làng.

 

Chị nói: Khi được luyện, cây ngải sẽ mất rất nhiều thiên năng nhưng bù lại sẽ tăng linh phù.

Tôi hỏi: Thiên năng là gì? Linh phù là gì?

Chị phẩy tay cười trừ. Tôi biết chị không dám, tức quá tôi mạnh dạn hỏi ba. Ba ân cần giảng đó là năng lực tự nhiên và năng lực của người luyện, nhưng giảng xong thì cả tôi và chị Hạnh đều phải trả giá bằng một buổi quỳ trên xơ mít khô, hai đầu gối thủng lỗ chỗ, đau buốt cả tuần chưa hết. Ba tôi có kiểu phạt lạ đời (mà ông thường bị khi còn học bậc tiểu học). Ba không muốn tôi biết những điều liên quan đến ngải nhưng ông cũng không muốn tôi hiểu ông giấu tôi điều gì đó.

 

Ngày ba hấp hối ở trạm xá, nghe tiếng khóc của tôi, mí mắt ba khẽ rung rung. Tôi nắm bàn tay gầy guộc của ba áp vào má mình hồi lâu. Đôi môi chợt mấp máy, ông thều thào: “Mai… rồng…” Ba tôi chỉ nói được vậy rồi xuôi tay. Đám tang ba tôi đã qua hơn ba tháng, ngồi trước mộ ông trong ngày Bách nhật, tôi giật mình hiểu ra tiếng ú ớ tưởng như vô nghĩa ấy. Ba muốn nhắc đến cây ngải quý mà ba chăm chú, khổ công luyện nhiều năm nay, nó là cây mai hoa xà vương ngải, vua ngải, có lẽ cây ngải này đã hoá ngải rồng. Theo lời ba tôi, nếu quả thật ông đã tinh luyện thành cây ngải rồng thì cực quý, ngậm ngải rồng dao chặt không đứt, rắn độc cắn cũng chữa trị được. Tội nghiệp ba, luyện được ngải rồng là tâm huyết một đời, vậy mà vừa chớm thành công ông đã khuất núi.

 

Nhớ lại ngày tôi bị lạc trong cơn mê đắm ảo giác, đó là lần thứ hai tôi về quê và cũng là lần nghỉ hè cuối trong quãng đời áo trắng, tôi về Động Trắng nghỉ hè. Phần vì thèm điều bị cấm nên chạng vạng tối rồi mà tôi vẫn quyết định kéo cánh cổng vào khu vườn ngải. Bước qua bao nhiêu di sản, chợt tôi sựng lại. Đôi chân rụt rè, chậm dần rồi dừng hẳn. Tôi không thắng được nỗi sợ. Tôi phải quay lại nhà kéo thêm chị Hạnh, học trò của ba đi cùng. Để rồi sau đó tôi thường xuyên bước vào đó để “tắm rửa” cùng chị như có một ma lực, dường như con người tôi không còn chút can thiệp nào của ý thức. Chị Hạnh “tắm rửa” cho tôi bằng chính ngay thân xác mình, đôi lần tôi cũng chủ động “tắm rửa” lại cho chị. Tuy nhiên khi dẫn thân xác vào “vùng” ấy, chúng tôi lại nghĩ mình đang tắm rửa bằng chính ý nghĩ tự ngã. Có một hoặc hai nhân cách tồn tại cùng lúc với chính con người bản năng của chúng tôi. Sự cọ xát thân thể được che đậy bởi những ý nghĩ thanh sạch, những ảo giác bay bổng và chúng tôi luôn tin như vậy. Cả tôi và chị Hạnh đều biết sự thật nhưng không ai nói ra hoặc là chúng tôi đang bị cuốn đi, không còn điều kiện để quay trở lại, để nhìn nhận mọi sự việc một cách thấu đáo và bình tĩnh. Chị Hạnh cũng không tỏ tình với tôi, những lúc lọt thỏm mềm nhũn trong vòng tay âu yếm của chị, những lúc nằm trên chiếc sạp tre cuồng mê thinh lặng. Có lẽ mọi lời trong cái gọi là “tình yêu tha thiết” giữa một đứa con gái mới lớn như tôi và chị Hạnh là thừa. Chỉ cần một buổi thiếu thốn da thịt chị Hạnh, thiếu thốn những lời kêu gọi tắm rửa bằng ý nghĩ, mái tóc rối của tôi đã vàng chạch, những sợi tóc phình to, xù rối hơn, đầu đau như búa bổ. Có lúc tôi còn thấy cả bà nội hiện về đang đứng gội đầu trên bộ vạt tre, suối tóc lượn chảy bất tận. Những lúc ấy, dù là nửa đêm, tôi cũng lọ mọ đi qua buồng của chị như ma dẫn, tôi vạch mùng chui vào áp mình vào cơ thể chị như một kẻ cuồng khát.

 

Sau khi ba tôi qua đời, một người đàn ông khác thường tắp thúng chai vào Động Trắng lấy nước ngọt trước khi ra khơi. Tôi không hiểu tại sao anh ấy không lấy nước ngọt ở làng mà lại ra đây. Nhưng rồi sự có mặt của anh ấy đúng lúc và cần thiết đến nỗi tôi và chị Hạnh không ai bảo ai, công khai coi anh như một người thân đã từ lâu. Có những buổi tối trời động, anh lôi ghe lên thẳng gốc dương già, ở lại tham gia những buổi uống trà bánh ngọt với chúng tôi. Câu chuyện của anh bao giờ cũng xoay quanh những ngọn gió Nam Lửa thổi từ núi Ông ra, ngọn gió này có tên là gió Treo Xoong vì không đánh bắt được gì mà biển lại rất nguy hiểm hoặc cái cách nương theo ngọn gió Dọc để “bắt giọt” bỏ chà. Anh ấy cứ thế lặp đi lặp lại hàng chục lần, nhưng vẫn say sưa, vẫn cười hề hề khi bắt gặp những cái bụm tay ngáp dài của tôi và chị Hạnh. Thân hơn, anh ấy đã tự do vào ra trong nhà, có khi tôi và chị Hạnh đang “tắm” trong vườn ngải, anh ấy đã đứng nhìn ngây dại cả buổi trời, sau này nghe chị Hạnh kể lại tôi mới biết. Những ngày biển động, anh ở lại giúp chúng tôi những việc nặng nhọc. Anh lúc nào cũng chỉ một chiếc quần đùi trên người, bắp thịt cuồn cuộn, da cháy sạm đen, đôi lúc tôi thèm đứng gần cơ thể anh ta để ngửi mùi nắng gió, để nhìn những tay chân ghồ ghề to tê của anh. Lúc ấy, ánh mắt tôi đờ đẫn thèm muốn.

 

Nhìn tôi, chị Hạnh giả lơ quay đi, nhưng cả ngày hôm đó, tôi hỏi gì chị cũng không trả lời. Khi đám mây đen trong căn nhà tôi nặng trĩu đen kịt, không khí nặng nề đến không chịu nổi thì chị Hạnh lên tiếng: “Khoái lạc nhỏ phát sinh từ độc ác lớn”. Rồi chị bồi thêm: “buồn cho người bỏ gốc theo ngọn”. Tôi đã chạy đi và úp mặt khóc sướt. Vết rạn đầu tiên trong quan hệ của hai chúng tôi đã tượng, đã thành. Vết rạn trong tâm hồn nhanh chóng nới ra, lớn hơn, đôi khi chỉ vì một nguyên cớ chẳng ra sao, một câu nói vô tình, một tiếng khua đâu đó lỡ hơi mạnh tay cũng thành đám mây đen mới trong mắt nhau.

 

Chị Hạnh lớn hơn tôi năm tuổi, giống tôi như hai giọt nước. Tôi không biết chị có mặt ở nhà tôi từ lúc nào, chỉ biết chị là học trò của ba. Chị theo ba luyện ngải và là phụ tá đắc lực.

Nhiều lần tôi tự hỏi mình: có phải tôi đã yêu chị Hạnh? Yêu một người nhưng lại thèm muốn một người? Hay tôi chỉ nghiện những buổi lễ “tẩy trần” mây mưa cùng chị bên chậu huyết nhân ngải? Chị Hạnh là người thích nói sách vở làm cho tôi lúng túng. Chị hay lý sự: ngay lúc nói yêu thì tình yêu vắng mặt, nhưng khi thất tình thì tình ló mặt.

 

Sau này sự thật diễn ra theo đúng như vậy. Một lần chị Hạnh qua sông mua thức ăn, anh ấy đã ép tôi vào gốc cây dương (chính tôi chủ động dẫn anh ấy tới đó, nơi tôi quên mất mình đã bao lần ngủ gục mơ màng về một đám cưới trên sông) và tôi cũng choàng tay, đu người cố gắng thuận theo, gắng chứng tỏ mình là người dễ cảm. Mặc dù những lần quan hệ ấy chỉ làm tôi đau đớn, day dứt, không một chút cảm giác tha thiết, nhưng tôi an tâm, nhẹ lòng vì vậy là thuận theo tự nhiên, có âm có dương, đàn bà cần đàn ông. Ngược lại, với chị Hạnh, tôi có tất cả những thứ khao khát, nhưng sau đó, trong lòng lại ngập tràn sợ hãi. Tôi không sao hiểu nổi mình nữa. Rồi chuyện đã đến như sẽ phải đến…

 

Chiếc thúng lướt êm làm tôi lẫn chàng ngư phủ không hề biết là chị Hạnh đã đứng sững ở đó từ lâu. Khi tôi quay đầu thì chỉ còn thấy tà áo chị đang vụt vào nhà. Tôi dừng lại vừa túm váy kéo lên vừa chạy theo. Lạnh lẽo suốt ba ngày đêm. Sáng hôm đó, sau một đêm thao thức, tôi ngủ dậy muộn. Vừa dụi mắt tự dưng người tôi lạnh toát, tôi vừa linh cảm có điều chẳng hay xảy ra, liền xộc vào phòng chị. Trống trơn! Tôi lao theo réo gọi. Ngoài bến, chiếc thúng chai đã mất. Bàng hoàng, tôi gục xuống, chuồi hai chân trong cát. Chợt tôi phát hiện chiếc thúng chai lấp ló trong một lùm cây phía dưới. Từ tư thế tuyệt vọng rã rời trên cát, tôi bật dậy như chiếc lò xo. Chạy vào vườn ngải, tôi mừng thầm khi thấy dáng chị trắng nõn trên chiếc sạp tre. Nhưng hỡi ôi cơ thể chị đã lạnh ngắt từ lúc nào. Hạnh của tôi đã buốt giá từ lâu, đôi mắt mở trừng nhìn nóc nhà lục giác. Dưới sạp tre, hai chậu huyết nhân ngải đặt cạnh nhau rào rào khua động. Một ý nghĩ đen tối, lạnh lẽo nhất vừa chạy xuyên qua đầu, trườn dọc sống lưng tôi.

 

Tôi vung tay hất đổ, trốc gốc hết những cây huyết nhân ngải đang khua động, bằng một sức mạnh tiềm tàng khó giải, tôi bưng cả những cây ngải khác ném vào lùm dây leo. Cả số phận cây ngải vua - hoa mai xà vương ngải cũng vậy, tôi nhắm mắt ào tới hất phăng bằng toàn lực như hất đổ một ngai vàng trong chốn hoàng cung. Tôi hả người được đôi chút rồi lại bụm mặt khóc nức nở. Mới vừa đây, tôi và chị Hạnh còn vui vẻ vun trồng, nhân thật nhiều chậu huyết nhân ngải, cả vườn đầy tràn huyết nhân ngải, chậu lớn, chậu nhỏ đều trồng huyết nhân ngải, có điều khi ấy, chúng tôi khéo léo để chúng cách xa… Thoáng cái, tôi đã biến chúng thành một đống hầm bà lằng, lộn nhào hỗn hãi, chẳng còn giá trị gì. Những bụi ngải bỗng nhiên quơ quấu, rồi gió lạnh dâng lên  từ cái đống hầm bà lằng ấy. Tôi mệt mỏi ngồi bệt xuống, nước mắt ràn rụa. Tôi nhớ lại những cuộc hoan lạc thể xác đầu tiên của chúng tôi, một dòng nhiệt luyến rung sôi, trào lên khi hai cơ thể chúng tôi đụng nhau hóa thế giới ảo. Hạnh ơi! Tội nghiệp Hạnh quá. Em hại chết Hạnh rồi… Em sẽ chết theo Hạnh, sẽ chết!... Những chậu huyết nhân ngải đã bén kề. Gió đã nổi...

 

Tôi sợ hãi cái chết, một thứ mà tôi không biết, nhưng rõ ràng là tôi đang sợ, tôi sợ cái chết trong sự tưởng tượng, trong cái gánh lo lắng, rằng sẽ bị cắt đứt các mối liên hệ tôi tưởng đã thuộc về mình. Tôi sợ mất Hạnh, sợ mất những nghi thức tẩy trần đầy lạc thú, sợ mất đi mái tóc dài mượt mà, sợ nỗi đau sẽ ngập tràn tâm hồn. Không! Tôi thật sự không muốn đánh đổi những gì đang có, dù đó có là bóng tối đi nữa, dù có là bi kịch, ngải bùa giam giữ thân tôi. Chung cục, tôi chỉ muốn nói một điều: tôi sợ. Bất cứ nơi đâu có một dục vọng, thì nơi đó có sự sợ hãi. Tôi muốn thoát khỏi sự sợ hãi này thì lại gây ra nỗi sợ hãi khác. Nỗi sợ như cơn mưa xối xiên vào tâm hồn làm tôi nghẹt thở. Tôi giãy dụa thêm chút, rồi gục xuống, gục xuống, bẹp dí trên bãi cát mơ hồ. Tôi trúng độc huyết nhân ngải. Tôi chỉ kịp biết vậy rồi thoát nhanh ra khỏi thân xác. Tôi hiểu tất cả đều qua đi vì cuộc sống trái khoáy, ngược đời của mình. Động Trắng giờ đây vắng lạnh, hoang phế, người làng biển sợ nó như nơi bị ma ám. Tôi không hiểu vì lời dạy của cha: “Lấy sáng để hiểu tối, lấy tối để hiểu sáng” hay vì thiên năng, linh phù gì đó của huyết nhân ngải mà không bao giờ siêu thoát. Tôi luôn bay đi bay về quẩn quanh ở Động Trắng với suối tóc mượt mà đen huyền như của nội, nó không còn rối xù, vàng chạch như lúc sinh thời mê muội của mình. Dường như luôn có một thứ nửa bóng tối nửa ánh sáng đang đùa cợt trên những chiếc lá.

 

Chân núi Tà Cú -  6/ 2008

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 2334
Ngày đăng: 20.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bông mua trắng - Hoa Ngõ Hạnh
Blue Velvet * - Minh Thuỳ
Những đồng bạc cắc - Lê Mai
… Tang! Là tang tính tình !.. - Trần Huy Thuận
Chỉ còn sương khói - Hồ Việt Khuê
Sói đỏ mùa thu - Hoa Ngõ Hạnh
Chắp cánh ước mơ - Trương Anh Sáng
Mùa Len Trâu - Sơn Nam
Nơi không chỉ có khói núi. - Nguyễn Lệ Uyên
Trong cơn mưa - Lê Mai
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)