Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.402
 
Cùng bạn đọc nheo mắt nhìn thế giới (*)
Bằng Việt

Tôi nhớ là nhà thơ nữ nổi tiếng của Ba Lan Wislawa Szymborska (được Giải thưởng Nobel 1996), đã nói một câu đại ý là nếu trên đời này còn dăm chục người yêu thơ, thì bà cũng còn đủ cam đảm làm thơ cho dăm chục người tri kỷ đó, thậm chí nếu chỉ còn độ dăm ba người yêu thơ, thì bà cũng vẫn không buông bút vì lòng say mê thơ!

 

Tôi thì không đủ lòng can đảm đó, và tôi quả thật sẽ rất buồn chán khi nghĩ rằng sản phẩm tinh thần mình làm ra sẽ chẳng cần gì lắm cho ai cả, và nếu thế thì thà mình đi làm việc khác còn hơn! Tuy nhiên, dân tộc ta vẫn được tiếng là một dân tộc yêu thơ thực sự, nên dù báo chí có lên tiếng báo động sự xuống cấp về văn hóa đọc ở nước ta, thì tôi tin rằng các nhà thơ Việt dù sao vẫn còn có được đủ người để an ủi và chia sẻ!

 

Thơ đối với tôi không chỉ là thơ mà còn là một thái độ sống. Đã là một thái độ sống, thì bút pháp thể hiện cốt sao nói được hết điều mình cần nói, cần tỏ thái độ, hơn là chú tâm vào tu từ rắc rối kỳ khu, chơi trò xiếc với ngữ pháp, đánh vật để làm xô lệch đi các quy tắc chính tả, leo dây với vần điệu. Điều ấy, tuy hết sức quan trọng cho việc đổi mới cách nói và hình thức thể hiện trong thơ, nhưng nó vẫn không thể đóng vai trò gì quyết định. Điều quyết định là thái độ tiếp cận ra sao với chức năng của thơ, cách chọn góc nhìn ở tầm nào, thế đứng nào, và cách xử lý các chất liệu thơ ra sao, để truyền đạt được hết thông điệp của mình đến với người đọc. Cách tiếp cận, chọn góc nhìn, thế đứng, theo tôi, thể hiện ngay từ cách chọn đề tài, chọn khoảng lùi xa đủ để nhìn rõ tổng thể và chi tiết, đồng thời cũng phải tính đến độ cao của chỗ đứng và góc nhìn. Còn việc xử lý các chất liệu, theo tôi, sẽ làm rõ nhất phong cách của mỗi người sáng tác, tính độc đáo của từng tác giả. Giống như ta được cung cấp một số mô – đun nhất định, nhưng mỗi người sẽ có cách lắp ráp khác nhau, tùy theo sở thích, tính cách, tầm văn hóa, vốn kiến thức, và cả các thiên hướng khác nhau trong cuộc sống riêng của từng người, trong môi trường được giáo dục và hình thành nhân cách riêng của từng người…

 

Tôi nghĩ, đổi mới cách viết đối với thơ hôm nay, có lẽ cũng phải khởi đầu từ những điểm mấu chốt đó đối với từng thi sĩ, chứ không dễ gì có được một công thức dập khuôn.

 

Nheo mắt nhìn thế giới” – đầu đề tập thơ này mới thoạt nghe có vẻ hơi kênh kiệu, thậm chí có phần hơi xấc xược! Nhưng đọc kỹ, các bạn sẽ thấy, thực ra là một thái độ, một tâm trạng khá kìm nén, đến mức có phần nhẫn nhịn, lặng lẽ chiêm nghiệm, đôi khi chua chát, ngậm ngùi, nhưng rất ít ồn ào! Có lẽ đó cũng là cái “tạng” của tác giả vốn đã có từ trước. Điều mới xuất hiện trong tập này, có lẽ là chất trào lộng và đùa cợt, thấy rõ hơn và đại trà hơn. Sau thế kỷ XX đã quá ư khốc liệt, phân rẽ và nhiều biến động, con người thế kỷ XXI hình như ngày càng trở nên thích đùa cợt hơn, thích nhẹ nhõm và bớt quan trọng hóa đi ở rất nhiều bình diện, đến mức rất nhiều điều ngày xưa là rất nghiêm chỉnh, tưởng như những “ta – bu” cấm kỵ, thì bây giờ cũng có thể đem ra vui đùa thoải mái, vô tư. Giọng diễu cợt và cởi mở một điều theo xu thế phóng túng và “thông tục hóa” nhiều giá trị trước kia được đặt ở mức siêu đẳng, linh thiêng… cũng là nằm trong xu thế này. Và con người thích lý giải mọi điều giản dị hơn, đi vào cốt lõi hơn, “bóc mẽ” luôn các thứ vỏ ngoài giả dối và phù phiếm! Cuộc sống tiến lên, phức tạp ra, được lèn chặt những tiện nghi, lèn chặt những thông tin, con người lại cần tạo ra niềm thanh thản để vui sống và biết hòa đồng với tự nhiên. Triết lý phương Đông ngày càng thu hút nhiều nhà Triết học phương Tây, có lẽ cũng chính là ở nhiều điểm phù hợp với những đòi hỏi của tâm linh và những luận giải minh triết dễ gần với cuộc sống. Và như vậy, thơ của chúng ta, lẽ nào không trở lại vẻ hồn hậu, tự nhiên, tự giải phóng mình ra khỏi những ước lệ, những nguyên tắc nặng nề của chủ nghĩa tư biện hoặc chủ nghĩa kinh viện mới? Và thêm nữa, thật sự biết giá trị của niềm vui trần thế, của môi trường sống trong trẻo và tươi tắn, mà niềm vui bột phát trong đời nhiều khi là ở chỗ biết nhìn đời thắng hay thua cũng đơn giản như chơi một ván cờ tướng, hay ngồi xem trận đấu trên một sân bóng đá! Trong cái cách tạo ra niềm vui sống nhẹ nhõm ấy, có một phần là đạo lý khoan dung, nhân hậu, cộng với cái khiêm nhường “biết mình, biết người” thâm thúy của người Việt, lại cũng nắm được các tự điều chỉnh mình trong mọi tình huống khác nhau để hóa giải được nhiều nghịch lý và ức chế của người Việt, sau khi đã từng trải và “chịu trận” quá nhiều, mà đều đã thử sức vượt qua hết thảy!

 

Tôi không biết sau tập thơ này, tôi có còn đủ can đảm để tiếp tục cuộc “phiêu lưu” với thơ nữa hay không? Nhưng dù sao, tôi vẫn phải cảm ơn thơ, vì cũng chính từ thơ, tôi đã rút ra được nhiều điều về một thái độ sống, về lòng nhẫn nhịn và khoan dung trong đời, và quan trọng hơn, biết điều chỉnh mình để tạo ra độ lùi xa vừa tầm, khi cần nhìn rõ sự vật ở cả tổng thể và chi tiết; lại nữa, biết tìm ra, từ thơ, những khía cạnh trào lộng trong niềm vui sống. Đó là những tố chất cần có để một con người, theo như suy nghĩ của tôi có thể được đứng ngang bằng trong hàng ngũ của “những công dân thế kỷ XXI”, một thế kỷ vừa mở ra không lâu đã đầy ắp hy vọng về những biến chuyển lớn lao và mới mẻ cho loài người.

 

Riêng về số phận của văn hóa đọc nói chung trong dòng thác của mọi phương tiện, nhằm thưởng thức các giá trị tinh thần, các giá trị truyền thông, vui chơi và giải trí đang phát triển như vũ bảo trong thế kỷ mới, thì tôi xin được nhường lại mọi điều tiên đoán cho các bạn đọc quý mến! Liệu sau vài ba thập kỷ nữa, con cháu chúng ta có còn đọc thơ theo kiểu cổ điển, như chúng ta đang đọc bây giờ không? Chưa thể ai dám khẳng định trước được! Và lòng yêu thơ, chẳng hạn sau dăm chục năm nữa sẽ như thế nào? Cũng lại là một câu hỏi lý thú nữa dành cho bạn đọc! Tôi thì không khẳng định rằng thơ hay sẽ cứ phải bất tử trong một thế giới luôn luôn có nhiều biến đổi như thế giới chúng ta đang sống. (Ngay trong tập thơ này, tôi cũng có bài thơ nhan đề “Thơ hay – Có cần phải chết?!”). Thơ hay, tôi nghĩ cũng vẫn có thể chết như thường, miễn là lúc đang sống, nó đem lại một giá trị gì đó phổ quát và cập nhật cho con người. Thế đấy, nhưng thế cũng đã đủ làm nên vinh dự cho thơ và người làm thơ lắm chứ?!

 

Hà Nội, 05/2008

(*) Lời tựa của tập thơ “ Nheo mắt nhìn thế giới

Bằng Việt
Số lần đọc: 2312
Ngày đăng: 27.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Câu chuyện về Phật sống Lưu Công Danh - Hà văn Thùy
Ký ức Trường Nguyễn Hoàng ( Quảng Trị ) - Bành Phi Lân
Vài hàng về : Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt - Hà văn Thùy
Tôi đi bán sách về Hoàng Sa, Trường Sa - Bùi Minh Quốc
Hương Rừng Cà Mau - Huỳnh Kim
Sơn Nam, phù sa giữ vườn - Triệu Từ Truyền
Viết cho Ngày Vu lan: Sự khốn nạn mang tên bận rộn - Phạm Thanh Phúc
Hạnh phúc thay những ai còn Mẹ ! - Mang Viên Long
Biển của tôi - Lê Ký Thương
Nhắc nhở nhanh nhẩu - Inrasara