Gấp cuốn sổ tay lại, mẹ Thanh Tâm ngồi thẩn thờ trong dòng chảy suy tư đầy khắc khoải. Mẹ không ngờ những trang viết tự sự của Tuyết Hồng lại gây xúc động cho mẹ đến thế. Những điều chân chất đến ngây thơ được trải dài với một giọng văn bình dị và mộc mạc, nhưng lại có tác dụng như mũi dao xuyên xé trái tim mẹ.
Mẹ nhớ, chỉ mới ngày nào đây, khi mấy chị em Hồng được giới thiệu vào viện khuyết tật của mẹ…
*
Bốn chị em Tuyết Hồng - sớm mồ côi cha mẹ - ở một làng quê nghèo bên bờ sông Hương. Một dòng sông mà văn, thơ và âm nhạc, từng dệt nên biết bao cung đàn lời thơ, để ca ngợi một dòng chảy hết sức thơ mộng và lãng mạn; Nhưng tất cả những điều diễm lệ đó, cũng không thể che giấu nổi một hiện thực hết sức nghiệt ngã của một vùng quê mà, “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn”, thì với bốn chị em, được sinh ra trong tật nguyền mù loà - do hệ luỵ của chất độc màu da cam trong chiến tranh để lại, bảo sao không túng quẩn và ngặt nghèo trong cảnh đời hậu chiến!
Chút trợ cấp gia đình liệt sỹ, cũng chỉ để qua ngày bữa cơm, bữa cháo mà thôi. Và việc mẹ nhận bốn chị em vào viện là rất chính đáng, để chẳng có ai phải phân bì này kia được.
Ngày đó, khi mới vào viện, bốn chị em Tuyết Hồng ốm o gầy còm trong đau ốm, vì thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Dần dà phục hồi sức khoẻ, bốn chị em quen dần với công việc sinh hoạt tập thể, để được đưa vào làm bên bộ phận tăm tre, đũa gỗ. Mặc dù bị khiếm thị, nhưng cả bốn chị em đều rất khéo tay, và chăm chỉ làm việc.
Sau này, Tuyết Hồng được chuyển qua công việc tiếp thị và đi bán tăm, đũa, vải lụa thêu…Vì người Hồng thon thả và nụ cười đầy duyên dáng với giọng Huế mặn mà dễ thương, rất thích hợp với việc mua bán chào mời sản phẩm, nên rất đắt khách. Chính mẹ cũng thầm phục những người khiếm thị như Tuyết Hồng, luôn có khả năng nhạy cảm trong việc dò dẩm từng bước đi về, qua bao làng mạc, phố thị, mà không mấy khi lạc đường, với điều kiện là phải dẫn đường trước một ít lần.
Nhưng rồi một sự kiện làm thay đổi việc làm của Tuyết Hồng, khi mẹ nhận được thông báo của Sở Văn Hoá Thể Thao cho biết: Sở sẽ đứng ra tài trợ và huấn luyện cho các em khuyết tật có năng lực để tham gia Paragames.
Lạ thay, Tuyết Hồng lại rất có năng khiếu về bộ môn chạy, mà chính anh Hoàng – huấn luyện viên của Hồng, phải thốt lên:“Dù Hồng chưa bao giờ được tập chạy theo phương pháp, songï từng bước chạy đến cách di chuyển thân mình thăn thoắt lướt trên đường đua một cách nhẹ nhàng, khiến cho những người bình thường cũng khó vượt qua”. Một điều bất lợi cho Hồng là, khả năng định hướng đến đích không chuẩn xác. Cũng phải thôi, làm sao một người mù loà, định hướng phía trước được kia chứ! Vì thế mà HLV đã yêu cầu mẹ: cho một VĐV nam thật khoẻ, dùng dây cột vào tay Hồng, chạy trước hướng dẫn Hồng chạy theo đường pít để định hướng điểm tới. Buổi đầu điều đó rất khó khăn với Hồng, nhưng được một điều là Hồng luôn chăm chỉ luyện tập, dù bị trợt té ngã biết bao lần đến bong gân, chầy xước chảy máu thì, Hồng vẫn không bao giờ kêu ca than thở. Và Phúc mới là người chia sẽ những truân chuyên vất vả, khi bị chầy xước, anh luôn đỡ nâng Hồng, băng bó, xoa bóp cho Hồng. Có những hôm dưới trời nắng oi bức, thấy Hồng vã mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, bờ vai, phải bảo Hồng ngừng tập, nhưng Hồng vẫn cố sức tập cho hết khối lượng mà HLV đã ra: tập độ bền, độ dẻo dai, sức rướn để khi ra thi đấu không bị hụt hơi. Và lần đó, Hồng ngất xỉu trên đường chạy, khiến HLV phải một phen hú vía. Nhưng chính Phúc mới là người lo lắng cho Hồng hơn cả, để xoa bóp và đánh gió cho Hồng. Cuối cùng, những nổ lực của Hồng đã được đền đáp với 12 huy chương: 3 Vàng, 4 bạc, 5 đồng, trong hai lần tham gia Paragames. Điều đó khiến Hồng rất vui mừng và phấn kích, vì đã đem về niềm tự hào cho viện và niềm vui cho mẹ.
Nhưng rồi niềm vui chưa qua, lại nảy sinh ra một vấn đề khác. Đó là chuyện tình cảm giữa Hồng và Phúc ngày một nảy nở và gắn bó thân thiết nhau, khiến mẹ phải quan tâm lo lắng. Mẹ vẫn biết tình cảm giữa hai đứa nảy sinh, là do những tháng ngày cùng luyện tập bên nhau, để có sự luyến ái đó. Điều mẹ lo nhất là, sự bồng bột của tuổi trẻ, sẽ đưa lại những hậu quả khôn lường. Trong khi cả hai đều tật nguyền: Phúc thì hai tay cong khèo không thể làm được việc gì. Còn Hồng thì mù loà cả hai mắt, khiến cho mẹ phải ái ngại về một tương lai không lối thoát cho hai đứa.
Chính mẹ cũng đã nghĩ tới mối hiểm hoạ khi trai gái sống chung tập thể bên nhau thì, lửa gần rơm lâu ngày cũng bùng cháy. Vì thế mà mẹ tách biệt nam nữ ra hai khu vực ăn, ngủ, nghỉ khác nhau. Nhưng điều đó, cũng không ngăn được sự việc xảy ra với Luân và Trinh. Hai đứa tư tình với nhau, mẹ biết và quở phạt bao lần, nhưng rồi sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra. Trinh có bầu và lên tự thú với mẹ.
Lần đầu tiên mẹ phải đau đầu để tìm hướng giải quyết cho hai đứa. Đuổi chúng nó, thì không biết chúng nó đi về đâu, còn để lại viện, thì ảnh hưởng gương mù, gương xấu cho những đứa khác. Rồi chuyện sinh nở, ăn ở chung chạ và nhiều vấn đề nhiêu khê khác đặt ra cho mẹ, khiến mẹ phải đi đến quyết định: gửi hai đứa ra một gia đình neo đơn của hai ông bà lão, có của nả, nhưng lại không có người giúp đỡ, nên cũng tạm ổn.
Và giờ đây, nếu trường hợp của Hồng và Phúc xảy ra tương tự, thì thật khó cho mẹ để giải quyết vấn đề. Có một điều là, khi thành lập viện Thiện Hạnh này, mẹ chưa bao giờ nghĩ đến: mình phải đối mặt với những chuyện ái tình trai gái như thế? Mẹ nghĩ đơn giản: Viện chỉ là chỗ nương thân cho chúng nó có nơi ăn, chốn ở, để làm việc và nuôi sống cho qua kiếp người, chứ mẹ không hề nghĩ đến chuyện chúng nó yêu đương, rồi xây dựng gia đình, thật là ngoài tầm tay của mẹ. Hơn nữa, mẹ nghĩ: chúng nó bị khuyết tật, chắc hẳn sinh lý sẽ yếu đi, để không có những nhu cầu như người bình thường. Mẹ đã lầm, vì trái lại, có khi còn mãnh liệt hơn người bình thường là đằng khác. Chính mẹ đã được nghe các Sơ báo cáo: Thằng Huân lén hôn con Nga vào buổi ngủ trưa, và bị con Nga đánh bợp tai, xấu hổ quá, Huân tự ý bỏ viện đi. Thằng Hào bóp vú con Lành, khi đùa cợt nhau trong buổi sinh hoạt tập thể. Con Hiền viết thư tỏ tình với thằng Độ….Con Vui với thằng Hớn hẹn hò nhau ra bãi sông tình tự…Rồi còn biết bao vụ trai gái chọc ghẹo, mỗi khi có dịp gần nhau, cũng làm mẹ phải điên đầu để giải quyết mỗi ngày.
Ngay cả chuyện trai gái đến tuổi dậy thì, chính mẹ cũng không chuẩn bị kiến thức về tâm sinh lý tuổi mới lớn, để tư vấn chỉ bày cho chúng nó. Thực ra, việc tu đức của mẹ, một cách nào đó, cũng là chạy trốn nhục thể, thì tính dục đối với mẹ, cũng là điều cấm kỵ, hơn là nói thẳng ra. Đó là những điều mà mẹ không hề tiên liệu, để khi vấp phải, mẹ rất bối rối và có phần xử phạt nghiêm khắc với chúng nó.
Thực ra, mẹ rất yêu thương Hồng, vì mẹ biết Hồng vốn hiền ngoan, dễ bảo, chăm chỉ công việc, và có điều gì cũng lên tâm tư tình cảm với mẹ.
Từ ngày mẹ nhắc nhở và cảnh báo, Hồng tỏ ra buồn lắm! Trong tập tự sự Hồng viết: “Mẹ ơi! Con đã làmï buồn lòng mẹ, con thật có lỗi với mẹ! Vì tình thương, mẹ đã cưu mang bốn chị em con về dưới mái nhà đầm ấm yên vui này, thế mà con lại phụ lòng mẹ.”
Mấy ngày sau, vào một đêm, Hồng tới phòng mẹ, rồi ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở: “Xin mẹ tha thứ lỗi lầm cho con. Từ nay, con sẽ cắt đứt mối quan hệ tình cảm với Phúc; Bởi vì con biết rằng: thân phận khuyết tật chúng con không có quyền được sống, được yêu thương như những người bình thường khác”!
Lúc đó, mẹ đỡ Hồng dậy và ôm chầm lấy Hồng, như một hành động thứ tha. Bây giờ nghĩ lại, thấy thật xót xa cho Hồng. Phải chi mẹ bớt nghiêm ngặt, và suy nghĩ sâu xa về lời nói của Hồng hơn, thì có lẽ chuyện xẩy ra khác rồi. Và những lời tự sự da diết của Hồng, khi cắt đứt mối tình với Phúc càng làm mẹ đau xót hơn.
“Anh Phúc ơi! Chưa bao giờ em có được những tháng ngày êm đẹp như thế! Cuộc đời của một đứa con gái mù loà, làm sao dám mơ ước, khi đôi mắt mình chẳng xem thấy một điều gì trên cõi đời, thì ước mơ cũng chỉ là một sự hảo huyền phải không anh! Vậy mà có lúc, em đã dại dột để ước mơ đấy anh ạ!
Em còn nhớ lần đầu tiên, khi anh đưa em ra đường chạy, anh cầm tay em để cột dây vào cổ tay, em quá tập trung vào việc tập chạy, để không có cảm giác gì đọng lại trong em. Nhưng rồi những lần sau, em thấy được cảm giác lạ lạ, khi người con trai chạm vào tay người con gái, nó như có một dòng điện chạy rần rật vào cơ thể em, khiến cho hơi thở của em gấp gáp, và má em ửng lên. Một chút khó chịu ngượng nghịu buổi đầu, đã tan loãng trong cảm giác êm ái mơn man trong em. Dù chưa bao giờ biết đến yêu đương là gì, nhưng em nghĩ: đó không phải là cảm xúc của yêu đương; Bởi lúc đó, em và anh cũng chỉ biết nhau qua sinh hoạt tập thể mà thôi. Hơn nữa, em lại mù loà để đâu thấy được nhân dạng anh đẹp trai hay không mà yêu với đương. Em chỉ được nghe tiếng nói của anh với một giọng trầm ấm, kiệm lời, và rất từ tốn, kể cả khi em không nghe lời anh, khiến đôi lần anh phải phát cáu, để cũng chỉ than thở:”Trời ơi! Cô làm thế thì có chết tôi không chứ!”. Phải rất lâu sau đó, anh và em mới có sự thân thiết gần gũi với nhau qua tập luyện.
Em nhớ có hôm anh dắt em chạy, anh té ngã, khiến em chạy sau cũng ngã thốc lên để ôm chầm lấy anh. Có lẽ, đó là lần đầu tiên, em thấy được hơi ấm của người con trai chuyền qua em, để rồi, về nhà em cứ ngây ngất mãi niềm ấm áp vô biên ấy.
Những ngày sau đó, đêm nào em cũng suy nghĩ về anh, để tự hỏi: Anh có bao giờ quan tâm đến em chăng? Anh có những cảm xúc trai gái như em khi chung đụng với anh không? Phải chăng em đã yêu anh? Em không biết được đâu anh ạ! Làm sao một đứa con gái mù loà như em, có thể phân định được đâu là yêu với không hả anh! Chỉ biết rằng, những lần em bị vấp ngã, chầy xước chảy máu hay bong gân, luôn có bàn tay anh nâng niu giúp đỡ, băng bó, xoa bóp chân tay và cả thân thể em nữa. Những lần như thế, khiến em rất dễ chịu với cảm giác nao nao một niềm rung động từ con tim, cơ hồ chảy khắp thân thể.
Làm sao em có thể quên được những tháng ngày êm đềm như giấc mộng anh nhỉ! Những buổi trưa nắng chói chang đi tập về, anh đèo em dồng dềnh trên chiếc xe đạp cà rịch cà tàng qua dốc đá; rồi dừng lại bên quán nước, uống một ly chanh đá! Trời ơi đã khát quá! Sao mà mát ngọt lòng dạ đến thế! Những đau nhức, nhọc nhằn của buổi tập, như cơ hồ chảy theo phiến đá lạnh, tan trong miệng ngậm.
Rồi những hôm chiều về, anh chở em ra bờ sông hóng gió mát, làm thư thái và thơi thảnh tâm hồn, khiến em cảm thấy thi vị và yêu đời hơn. Những lúc như thế, chính anh vẽ lại cảnh chiều tà trên bờ sông cho em nghe: với thuyền đò lờ lững trôi, dạt sóng biếc xanh. Xa xa, tiếng hò mái nhì, mái đẩy của đôi trai gái tự tình vọng đưa. Những bóng tre già rũ xuống dòng nước, như những lọn tóc tắm gội dòng nước trôi dần vào bóng đêm. Và trên sông là cả một giải lụa vằng vặc in bóng trăng soi, sóng sánh với muôn ngàn sao rơi rụng lác đác theo dòng chảy. Chưa bao giờ em được ngắm cảnh vật cả anh ạ! Có lẽ đó là lần đầu tiên, em có được chút khái niệm về cảnh vật khi nghe anh vẽ lại cho em nghe. Và em cố gắng chắt chiu giữ mãi hình ảnh ấy trong ký ức, như những giọt mật ngọt cứ tan chảy trong tâm tưởng em.
Chỉ đến khi em nhận được lá thư vỏn vẹn có mấy dòng chữ nồng nàn và chân thành của anh, em mới biết được, anh cũng có tình ý với em. Nhưng rồi tình yêu và khói là hai thứ không thể che giấu mãi được. Và chính đêm hẹn hò dưới ánh trăng thanh, chông chênh dưới bóng hòn non bộ, bên mặt hồ nước lung linh( đó là em nghe anh tả) ở phía sau viện, đã bị phát hiện bởi mấy đứa tình cờ đi qua, để hôm sau mẹ gọi em lên quở trách:“Hai đứa con làm gì lộ liễu - hôn nhau - để tụi nhỏ biết được vậy?” Thú thật, em rất xấu hổ, và đứng như trời trồng. Nhưng rồi sự ngượng nghịu của mặc cảm tội lỗi ấy, cũng không thể xoá được cảm xúc ngọt ngào của nụ hôn đầu đời đó, mà có lẽ, cũng là nụ hôn cuối cùng phải không anh?
Rồi mẹ bảo em: “Lần sau không được tái pham nữa nghe con. Tình yêu quá sớm là hiểm hoạ đối với chúng con đấy!”
Từ đó, em biết rằng: Chuyện tình yêu của chúng ta không còn lối về nữa rồi? Điều đó, làm em rất đau khổ. Có lúc em tưởng mình nên chết đi, để khỏi phải day dứt về một mối tình mà, chúng ta không có quyền được luyến ái yêu thương nhau như nhân loại thường làm; Bởi thân phận chúng ta là những con người bị khuyết tật, nhưng rủi thay, tâm hồn chúng ta lại không dị dạng khuyết tật. Một thể xác tật nguyền, nhưng lại nuôi dưỡng một trái tim khát khao sống, khát khao được yêu thương mãnh liệt, bảo sao trái tim đó không đớn đau hả anh!
Đọc đến đây, mẹ không khỏi bùi ngùi xúc động, để tuôn tràn nước mắt xót thương cho số phận của Hồng, mà chính mẹ đã vô tình để đưa đẩy số phận Hồng đến một bi kịch thảm hại như thế!
Ngày đó, thấy hai đứa dứt tình nhau, mẹ đã mừng. Những tưởng rằng thời gian sẽ làm dịu vết thương lòng của lứa đôi. Nhưng mẹ đâu biết rằng: Hồng đã sống những ngày sau đó, hết sức bi luỵ khổ đau, nhưng vẫn nén nước mắt và giấu nỗi đau vào sâu thẳm.
Ngày qua tháng lại, cuộc đời như dòng chảy hờ hững trôi, để không ai có thể tắm gội hai lần trên một dòng sông - Câu nói nổi tiếng của một triết gia cổ đại thật chí lý! Và mẹ mừng, vì thấy Hồng ngày càng bớt ủ dột, bớt u sầu đi.
Phúc được cách ly đi học ở TT hướng nghiệp, mỗi tuần về một lần, nên khoảng cách đó cũng làm cho hai đứa nguôi ngoai niềm đau, nỗi ngậm ngùi tiếc nuối.
Và để cho Hồng khuây khỏa, mẹ đã bố trí cho Hồng đi bán tăm, đũa…ở các vùng quê dã ngoại. Hồng có vẻ thích thú với công việc đi bán dạo, sớm đi tối về. Mẹ mừng vì thấy, hai đứa hầu như lãng quên mối tình cũ, và quan hệ trở lại bình thường, để không tránh gặp nhau như khi mới chia tay.
Nhưng rồi cuộc đời, vốn dĩ là một cõi vô thường để không ai có thể đong đưa ru ngủ mình mãi trong cõi mộng thường đó được. Và niềm vui của mẹ cũng chẳng được lâu, khi một đêm nọ, mẹ chờ mãi không thấy Hồng về. Sốt ruột quá, mẹ gọi hết các nơi thân quen và các đại lý giao hàng…vẫn bặt vô âm tín??
Và đêm đó! Mẹ chong đèn chờ mãi đến gần khuya thì, Hồng chệnh choạng bước về…
Mẹ hốt hoảng, khi thấy đầu tóc Hồng rối xù, quần áo lem luốc bùn. Mẹ ôm chầm lấy Hồng: “Trời ơi! sao lại ra nông nỗi này hả con!”. Hồng thẩn thờ như người đang mộng du, trên mây trên gió. Mẹ lắc mạnh vai Hồng như để Hồng trở lại với thực tại: “Nói đi con, nói cho mẹ biết chuỵên gì đã xảy ra với con?”. Như chợt tỉnh về với thực tại, Hồng ôm chầm mẹ oà khóc: “Con bị lạc đường ra bờ sông, nơi đang thi công cầu cống. Khủng khiếp quá mẹ ơi! Khủng khiếp quá mẹ ơi!”
Mẹ linh cảm về một điều bất hạnh đã đến với Hồng! Mẹ vuốt ve nhẹ nhàng an ủi vỗ về Hồng. Và sự rã rời mệt nhoài thể xác đã làm cho Hồng mau chóng thiếp vào giấc ngủ.
Đêm ấy, trong khi Hồng say sưa trong giấc ngủ thì, chính mẹ lại thao thức để tự dằn vặt: tại sao mình lại có thể đểng đoảng để cho Hồng đi bán tối về nguy hiểm như thế!? Hồng có thể không biết nhan sắc của mình đang đến tuổi xuân thì khoe sắc, thì mẹ cũng phải biết chứ! Có lẽ mẹ quá chủ quan cho Hồng là người khuyết tật, để không dè dự? Bây giờ nhìn lại, mẹ thấy Hồng là một cô gái đẹp và duyên dáng với làn da trắng nỏn, khuôn mặt trái xoan dịu dàng và đôi môi mọng thắm, bên mái tóc thề óng ả xoã ngang vai. Và bờ ngực cũng đang nhú căng nhựa sống với thân hình thon thả, bảo sao không làm cớ vấp phạm cho người đối diện khác phái!
Từ đó, Hồng sống lặng lẽ và trầm cảm. Đôi mắt sâu thẳm cứ mơ màng vào cõi xa xôi nào. Mẹ rất lo lắng để mời bác sỹ tâm lý đến săn sóc cho Hồng, nhưng Hồng vẫn rơi vào trạng thái bơ thờ, vô cảm. Mẹ biết, đó là một cú xốc quá nặng nề đối với một cô bé hết sức trong trắng ngây thơ như Hồng. Chính sự mù loà cũng là một sự tòng phạm, khi bịt kín hết mọi sự nhiễu nhương, mọi sự đen tối và tội ác, khiến Hồng không biết đề phòng và dè dự với cuộc đời. Nhưng những điều phản biện nầy, cũng chỉ đổ vào tâm can mẹ những nhức nhối khôn nguôi, vì mẹ biết: chẳng thể đổ vấy cho sự mù loà gây nên tai hoạ này được.
Niềm day dứt đó chưa qua thì, nỗi oan khiên khác lại ụp xuống trên Hồng, khi con người Hồng ngày càng nảy nở ra trong sinh lý. Thật là hoạ vô đơn chí! Mẹ chỉ còn biết nguyện cầu và phó thác trong tay Chúa và Mẹ Maria để qua khỏi cơn bỉ cực này.
Hình như Chúa chẳng để ai nặng gánh thương đau mãi trong cõi đời này. Rồi bỗng nhiên, Hồng trút bỏ được nỗi u sầu để sống vui vẻ, khi biết mình có thai. Ngày đó, mẹ không hiểu: tại sao đang trong tình trạng trầm cảm? Hồng lại trở về trạng thái vui vẻ hồn nhiên thường ngày như thế!? Bây giờ đọc lại những dòng tự sự này mẹ mới thấu hiểu.
“Mẹ có biết, khi mẹ buồn rầu cho con hay:”con đã có thai rồi!!!” Mẹ tưởng con sẽ suy sụp, và ngã quỵ, để rồi mẹ ôm chầm lấy con vỗ về an ủi, như để chia sẽ với con:“Đừng quá thất vọng khi hay tin này nhé con!”. Nhưng mẹ đâu biết rằng, đó là lúc con mừng khấp khởi trong lòng, vì đang được dưỡng nuôi một mầm sống trong con. Mẹ ơi! Đời một đứa con gái mù loà như con, làm sao dám mơ đến chuyện được làm me, hả mẹ! Và chính lúc đó, con đã vui mừng để vập vồ ôm chầm lấy mẹ, hỏi: “Có thật không mẹ!?” Khiến mẹ cũng phải hết sức ngỡ ngàng, tưởng như con bị chạm mát hay sao đấy!?
Và mẹ ơi! Mẹ có biết từng ngày, thân xác con như hạt mầm cứ nẩy nở ra? Dòng máu trong con bỗng nóng lên với nhịp đập con tim rộn ràng, làm da thịt con bừng lên sức sống mới. Bờ ngực con, với hai quả cau nhỏ nhắn ngày nào, bỗng đặp lên như hai trái núi tràn đầy nhựa sống, làm chật cứng áo mặc của con đến nghẹt thở đấy mẹ ạ! Và cả đến những vùng sâu kín trong con, cũng nao nức sống dậy một vùng cảm giác khát khao lạ thường!
Chẳng bù cho những ngày tháng trước đó, con thường nguyền rủa thể xác con: đồ nhơ nhớp, làm nhục nhã mẹ và cả viện phải tai tiếng, dẫu rằng con không có lỗi trong việc ấy!
Nhớ lại ngày đó, thật là khủng khiếp với con, khi bị một thằng thô bỉ khỉ gió nào đó, hãm hiếp con trong sự căm giận của một thể xác yếu đuối đành phải bất lực, thì nỗi đau tức tưởi đến là dường nào hả mẹ!?
Sau đó, con đã sống trong tâm trạng trầm cảm nhục nhã ê chề. Đã có khi, con muốn xách dao tới bờ sông để chém chết thẳng khỉ gió đó cho hả giận mẹ ạ! Nhưng con cũng phải thú thật với mẹ: trong cái cưỡng hiếp nhục nhằn cường bạo đó! Thi thoảng, vẫn còn đọng lại nỗi khoái cảm nhục thể chợt về trong con, khiến con phải xấu hổ lắm! Còn hay ho gì mà tiếc nuối nỗi khát khao nhục thể đó nữa chứ! Nhưng có một điều rất lạ lùng: con càng ghét bỏ, càng xua đuổi, nó càng xâm chiếm thể xác con; Nhất là những tháng ngày con mang thai, sự khao khát nhục thể lại càng mãnh liệt hơn, nó xâm chiếm hồn con, làm trí óc con chống đỡ đến mệt nhoài rã rời thể xác. Đã có lúc, con muốn liều lĩnh đi gặp anh ấy một lần nữa, để biết trọn vẹn cái cảm xúc nhục thể đó là như thế nào? Bởi lần đó, con bị cưỡng bức trong sự vội vàng, để bây giờ con nuối tiếc: phải chi!!! Mẹ ơi con không dám nghĩ nữa đâu mẹ ạ!
Mẹ ơi! mẹ có biết con đã vẽ tương lai đời con như thế nào không? Con sẽ sinh cho anh ấy những đứa con, và lần gặp lại con, chắc anh ấy sẽ mừng lắm mẹ nhỉ! Mặc dầu con chưa biết mặt anh ấy! Nhưng trong con bỗng thương yêu anh ấy lạ thường. Rồi chúng con sẽ có một căn nhà ở ven sông, dầu chỉ là một căn nhà tồi tàn thôi, cũng đủ ấm áp niềm hạnh phúc của hai đứa con mẹ ạ! Rồi con sẽ dắt những đứa con đến trường, và chiều nào anh ấy cũng đón đưa chúng nó về. Và bên bếp hồng, con sẽ dọn ra một mâm cơm nóng hổi với canh cà dưa muối, dù đạm bạc nhưng chắc là đầm ấm yêu thương lắm phải không mẹ!
Đọc đến đây, mẹ cảm thấy thương hại và tội nghiệp cho Hồng, vì Hồng quá đỗi vô tư đến ngây ngô với cuộc sống. Chỉ vừa mới trầm cảm oán ghét căm hờn là thế, để rồi khi biết mình có thai, bỗng quay lại yêu thương kẻ đã từng hãm hại mình. Ngay cả chính mẹ, tu trì đắc đạo là thế, cũng khó lòng để tha thứ được.
Rồi những dòng văn với lời tán thán tự tình: mẹ ơi! mẹ ạ! cứ lặp đi lặp lại một điệp khúc êm đềm, khiến mẹ càng đau đớn lòng để tiếc thương cho Hồng. Tiếc nuối cho những ước mơ thật dung dị, giản đơn là thế, mà sao lại không thể có được cơ chứ!?
Thú thực, trong những ngày khi con đang vui mừng phấn khởi với đứa con sắp ra đời, mẹ lại hết sức lo lắng để sắp xếp nơi ăn, chốn sinh nở cho con, ở một nơi khác chứ không thể ở lại nơi viện này. Và rồi sự vui mừng phấn kích của con trong sự hồn nhiên, vô tư thái quá, đã khiến mẹ có khi phải phát gắt:“Trời ơi! Con không biết, trong khi mẹ tối mặt tối mày để lo lắng cho con, mà con vẫn vô tâm vô tư để hớn hở như thế được ư!?” Và hình như, lời nói vô tình của mẹ, đã chạnh đến niềm đau của con, để rồi sau đó, mẹ thấy con bớt vui, và có vẻ trầm cảm hơn.
Thời gian đó, quả thật mẹ rất bận rộn với nhiều công việc: nào là điều hành sắp xếp lại công việc trì trệ bấy lâu nay. Nào là xử lý các sản phẩm bị trả lại. Nào là phải gặp lại các đối tác để chỉnh sửa lại các hơp đồng mới, để cuối cùng mẹ quên bẳng đi những ưu tư của con, mà lẽ ra, chính mẹ phải thật quan tâm con trong giai đoạn ngặt nghèo đó!
Và cái giá mà mẹ phải trả cho sự vô tâm đó: một tháng sau, vào buổi sáng thức dậy, mẹ thấy một lá thư lạnh lẽo đặt nơi bàn. Mẹ bỗng run lên vì linh cảm biết việc chẳng lành rồi! Mắt mẹ mờ đi khi đọc những dòng chữ giã biệt của con.
“Mẹ thân thương,
Con biết đời con đã gây cho mẹ biết bao điều rắc rối muộn phiền. Và giờ đây, việc sinh nở của con cũng sẽ gây cho mẹ biết bao khó khăn. Chẳng lẽ, con lại không biết điều đó để còn mãi gây khổ lụy cho mẹ? Và việc ra đi của con là một điều tất yếu, để trả lại cho mẹ sự thanh thản đã bị đánh mất từ lâu lắm rồi!
Phần con, mẹ đừng lo cho con. Mẹ đã từng chỉ bảo chúng con, là Chúa đã dạy: “Đừng lo cho ngày mai, vì ngày mai đã có ngày mai lo. Con chim ngoài đồng chẳng tích luỹ kho lẫm, mà ngày nào cũng đùa vui ca hót đó ư!”.
Nếu mẹ còn thương con, xin hãy chăm sóc ba đứa em con. Con xin cám ơn mẹ! Xin mẹ cầu nguyện cho con nhiều. Con xin cầu chúc mẹ luôn mạnh khoẻ và an lành trong Chúa và Mẹ Maria.
Lạy mẹ con đi!
Con - Trần Thị Tuyết Hồng”.
Mẹ không ngờ, Hồng lại liều lĩnh và táo bạo như thế! Bụng mang dạ chửa, ra đi không một đồng tiền cầm tay, bảo sao mẹ không lo lắng!
Mấy đứa em Hồng khóc lóc thảm thiết, tưởng như chị Hồng đã chết, khiến cho mẹ tan nát cõi lòng. Làm sao mẹ có thể cầm được nước mắt khi nhìn Phúc khóc như mưa như gió, khi nghe tin Hồng bỏ đi.
Thế là mẹ cùng mấy đứa em Hồng và Phúc chia nhau đi tìm kiếm, sùng sục Hồng khắp mọi ngõ ngách thành phố và tận cùng khắp làng mạc. Nhưng tin Hồng vẫn vắng bặt.
Từng ngày trôi đi như bánh xe lăn nặng nề trên lồng ngực mẹ. Sự mong chờ mỏi mòn như gặm nhấm nỗi đau trong trái tim mẹ. Dường như niềm tuyệt vọng ngày càng xấm lấn hết nỗi mong chờ.
Rồi một ngày, mẹ được tin báo về Hồng. Niềm vui cơ hồ khi nghĩ đến: hai mẹ con gặp lại nhau, khiến mẹ khoẻ khoắn hơn. Mẹ tự nghĩ: “Mẹ sẽ chuộc lại lỗi lầm cho con nghe Hồng!” Nhưng rồi mẹ bỗng buông ống nghe xuống một cách rã rời, khi nghe đầu dây nói: “Cháu Hồng muốn gặp Sơ Thanh Tâm gấp ở bệnh viện thành phố. Cháu khó có thể qua khỏi sau cuộc giải phẩu sinh con. Sơ đến gấp!!!”
Mẹ như hụt hơi sau khi nghe tin đó! Bình thường, có lẽ, mẹ đã ngã quỵ, nhưng lúc này đây, trong mẹ như có một sức mạnh vô hình vực mẹ dậy, vì mẹ linh cảm: nếu trể, mẹ sẽ không bao giờ còn gặp Hồng được nữa!
Và điều linh cảm đó, đã không lừa dối mẹ nữa rồi!
Khi mẹ đến nơi, Hồng đã tắt thở. Đôi mắt ngây thơ ngày nào vẫn mở tròn xoe như đang trông chờ mẹ đến. Mẹ nghẹn ngào bước đến bên Hồng, đôi bàn tay rung rung, vuốt nhẹ đôi mắt Hồng khép lại.
Một bác sỹ đến chia buồn với mẹ, và trao cuốn sổ tay của Hồng cho mẹ. Mẹ cầm nó và hôn lên tập vở đó. Mẹ quý nó, như một vật thể linh thiêng còn sót lại của đời Hồng. Vì nó gói trọn những ước mơ, những khát vọng sống mãnh liệt của một người con gái tật nguyền: muốn được sống, được yêu như những người bình thường, mà hầu như xã hội chúng ta đã lãng quên đi những nhu cầu hạnh phúc chính đáng, rất đỗi dung dị đời thường đó!