Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.213.867
 
Bà ngoại tôi
Mang Viên Long

Tôi chợt nhận ra mình thua kém bạn bè năm tôi học lớp Ba, khi nghe các bạn trong lớp bàn chuyện với nhau là dịp Tết này sẽ đi đâu chơi. Đứa thì bảo “về nội” trước, đứa bảo “về ngoại” trước. Cha tôi mồ côi cha mẹ từ thuở lên 8, nên tôi không được biết mặt ông bà nội. Tôi không có ông bà nội để “về nội” như đám bạn. Trong những hôm giỗ chạp, cha tôi mở vuông vải đỏ phủ tấm di ảnh ông bà nội ra ; tôi nhìn thấy cha tôi rất giống ông nội lúc trẻ. Thỉnh thoảng, khi thắp hương trên bàn thờ ông bà, tôi cũng lén giở tấm vài đỏ, để nhìn lại xem tôi có giống ông bà nội không? Hình như tôi thấy tôi giống cả hai…

 

Chị em tôi chỉ có một mình bà ngoại. Còn ông ngoại thì nghe bà và mẹ tôi đều bảo là đã “đi xa”. Mẹ tôi giải thích thêm : “Đi xa chứ không phải chết đâu!”. –Bà sợ tôi hiểu lầm.

Bà tôi sinh được dì và mẹ tôi, rồi ông ngoại tôi “đi xa”. Năm ấy dì tôi được 8 tuổi, còn mẹ tôi vừa lên năm. Bà tôi cũng chưa tròn tuổi 30. Lúc ấy, tôi không hiểu rõ là ông tôi đã đi đâu.

 

Ở quê, bà tôi vừa làm ruộng, trồng trọt và buôn bán thêm mới có thể nuôi nổi hai chị em mẹ tôi lên huyện học. Cứ năm ngày là đến một phiên chợ huyện ; thời gian ấycũng vừa đủ đầy hai giỏ trứng gà, trứng vịt mà bà tôi đã đi gom mua trong thôn. Khi nghe tiếng gà gáy lần thứ ba, bà tôi đã thức dậy, gánh đôi giỏ trứng trĩu nặng lên chợ huyện. Bà bán lại cho những bạn hàng mua sỉ, kiếm ít đồng lời, rồi bươn bả trở về lo cho hai chị em mẹ tôi đến trường. (Đó là thời gian dì và mẹ tôi còn học tiểu học).

 

Khi hai chị em mẹ tôi đều vào trung học, cũng là lúc bà tôi phải chạy lánh bom đạn ở quê, đến sống nhờ trong chái nhà tranh sau vườn của một người bà con trên huyện. Ruộng vườn không trồng tỉa được. Trứng không đi thu mua được. Nhưng một tuần vài ba lần, bà tôi phải lặn lội về để “trình diện hội đồng xã” và nhân tiện ghé lại “thăm nhà” một chút cho đỡ nhớ lúc không còn nghe tiếng súng.

 

Bà tôi xoay xở làm đủ việc, mới có thể nuôi được ba miệng ăn, hai chị em mẹ tôi đi học, và đủ chuyện ốm đau, ơn nghĩa, giỗ chạp… Lúc đầu, nhờ khéo tay, bà làm đủ loại bánh khô đem bán sỉ ở chợ. Tết đến, lại làm thêm đủ loại rim mứt cho dì và mẹ tôi ra chợ ngồi bán lúc nghỉ học. (Cha tôi bảo đã “gặp” mẹ tôi trong một buổi đi dạo chợ phiên Tết ngày ấy…).

 

Việc bán bánh ngọt, rim mứt, xem ra rất tốn công, ít lời – có lúc bị lỗ (vì trời mưa, bán chậm v.v…) nên bà tôi xoay qua bán bánh mì lạt và ngọt. Bà “chiếm” một góc chợ trống che mái hiên bằng vải nhựa, kê thêm một chiếc kệ gỗ dài. Bốn giờ sáng đã xách một lò lửa đỏ hồng ra đi. Chủ lò bánh chở bánh mì đến giao. Bà hơ nóng bánh trên một tấm vỉ bằng thép dài khoảng một mét.

Công việc lãnh bánh mì bán của bà tôi có vẻ thuận lợi: số lượng bánh ngày càng gia tăng. Bà tôi bảo, tệ lắm, bán đến chiều cũng hết. Nếu còn chút ít thì cho mấy người làm vệ sinh ở chợ, còn nữa thì đem về nhà cho hai chị em mẹ tôi ăn thay cơm. (Còn ăn bánh ngọt bán ế hoài, mẹ tôi ngán lắm – bà bảo vậy).

 

Dì tôi đậu trung học, thi vào trường Nữ hộ sinh quốc gia ở Sài Gòn. Đến lượt me tôi thi trượt tú tài, nhưng lại đậu vào trường Cán sự Y tế ở Huế. Bà tôi lại phải gửi tiền đi hai nơi hàng tháng, ngóng trông tin tức hai con ở hai phương. Một thân một bóng trong chái lều tranh; bốn giờ sáng ra đi với một lò than lửa đỏ hồng…

 

Rồi dì tôi ra trường, xin làm ở Bệnh viện Từ Dũ, với dự định sẽ lần lượt tìm cách đem bà và mẹ tôi vào sống chung cho bà tôi bớt khổ, khỏi bị mấy ông kẹ ở ấp, ở xã hoạnh họe đủ điều. Dự tính là vậy, nhưng ngày mẹ tôi ra trường, xin về làm được ở bệnh viện tỉnh, lại “gặp” cha tôi ; nên bà tôi chỉ đồng ý về thị xã sống với cha mẹ tôi, không chịu vào Sài Gòn. Bà tâm sự : “Xuống thị xã sống còn có dịp về thăm quê thăm nhàcòn vào tận trong Sài Gòn, xa quá, biết có lúc nào về được?”.

 

Mẹ tôi sinh ra tôi rồi, dì tôi mới có chồng. Bà tôi bảo : “Không phải mẹ cháu đẹp hơn, nhưng vì duyên số mỗi đứa một khác, nên dì có hơi muộn…”. Chồng của dì là một bác sĩ, khoa sản, cùng làm việc ở Từ Dũ – rất nhân hậu. Bởi vậy, tôi thường nghe dì lặp lại lời khuyên với người thân, bạn bè : “Chuyện kết bạn đời sớm hay muộn không thành vấn đề, điều quan trọng là tìm được người thủy chung, có đạo đức, có tâm hồn trong sáng…”.

 

Theo lời nài nỉ của dì tôi, lâu lâu, bà tôi cũng vào Sài Gòn thăm dì dượng một chuyến, nhưng thường đi vào mùa Hè, vì có thể dắt theo tôi cho đỡ nhớ, có thể ở chơi lâu hơn với dì. Tự nhiên, tôi cũng thường được đi Sài Gòn chơi – nhất là được dì mua cho áo quần, giày, mũ đẹp cho ngày khai giảng…

 

Nhờ vào khoản tiền “sang nhượng” lại sạp bán bánh mì, cộng với tiền tiết kiệm, bà tôi mua được một ngôi nhà nhỏ ở thị xã. Nghe lời bà tôi, cha mẹ tôi dọn về sống chung, còn căn nhà cũ cha tôi làm “phòng xét nghiệm” ngoài giờ. Nhìn mớ chai lọ thủy tinh chứa máu, đờm, phân, nước tiểu ở căn nhà cha mẹ tôi ở, bà bảo: “Thương người thì cũng phải biết thương mình. Mình còn khỏe mạnh, mới có thời gian thương người lâu dài. Làm nghề này phải hết sức cẩn thận, vi trùng nó biết chừa ai đâu?”.

 

Cha mẹ tôi có đến 4 con (ba gái, một trai), còn dì dượng tôi chỉ có 2. Có nhiều con, lại thu nhập ít, nên cha mẹ tôi khổ hơn dì dượng ; vì thế bà có vẻ thương cha mẹ tôi hơn. Có gì, bà cũng để dành cho 4 chị em tôi. Dì tôi nhiều lần viết thư khuyên bà tôi nên dẹp gian hàng tạp hóa đi, vào Sài Gòn sống với dì, mọi thứ dì lo hết, kẻo chứng đau cột sống tái phát thì rất khó điều trị. Bà kêu tôi viết thư cho dì, nói: “Bà còn buôn bán chút đỉnh là để lo cho lũ con con Hiền, chớ bà đâu phải lo cho bà? Đứa nào khổ là bà phải giúp. Đi xa, bà nhớ chùa, nhớ biển lắm!”.

 

Dần dần, cả 4 chị em tôi đều hiểu ra từ “đi xa” mà bà tôi thường nói về ông ngoại: Ông tôi đã tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định đình chiến Genève vì ông là bộ đội. Bà tôi phải gởi dì  và mẹ tôi ở nhà ông bà nội, đi bộ từ gà gáy đến chiều tối mới đến được bờ biển nơi ông tôi chờ giờ để xuống tàu. Gặp lại ông chưa được một giờ, thì đoàn quân đã lũ lượt lên ghe ra tàu…

 

Kể từ buổi chiều tối hôm ấy, bà tôi quay về với hai con, cúi mặt trên thửa ruộng, mảnh vườn, với bao nỗi nhớ thương, phiền muộn và cô độc. Bà đã sống. Và chờ đợi. Sự bền lòng, thủy chung của bà đã được đền đáp: sau năm 1975, ông ngoại tôi đã trở về. Là một thương binh…

 

Được tin ông tôi trở về, dì dượng tôi mang theo hai con bay về quê ngay. Dì và mẹ tôi cứ xoắn lấy ông mà hỏi đủ thứ chuyện. Lũ chúng tôi đứng ngồi quanh ông, mở to đôi mắt ra mà nhìn, vểnh tai ra mà nghe –chẳng biết nói gì. Bà tôi im lặng. Ít nói. Nhưng tôi biết bà là người vui nhất, bởi vì, đã 21 năm qua, từng đêm bà đã cầu nguyện cho ngày được trở về của ông với những giọt nước mắt.

 

Như lệ thường, vào ngày rằm là bà tôi đi chùa lễ Phật, làm công quả đến chiều tối mới về. Nhưng lần này, bà tôi trở về lại có chiếc khăn xám che kín đầu. Bà mở khăn ra cho chúng tôi xem: Tóc của bà đã được cạo sạch nhẵn. Tôi chưa kịp hỏi, bà đã nói : “Bao năm rồi bà đã nguyện, cho ông được trở về với con cháu là bà xuống tóc, ăn chay trường…”. Nhìn mớ tóc dài của bà đã bị cạo mất, chiếc đầu trắng xanh trần trụi, tôi vô cùng thương kính bà. Và, tôi cũng hiểu ra được tình yêu thương son sắt mà bà đã đành cho ông suốt cuộc đời…

 

Trong bữa cơm sum họp mà chúng tôi phải chờ đợi ròng rã hơn 20 năm, ông tôi vui vẻ thuật lại trận đánh ở chiến trường Dakto khiến ông bị thương nặng, phải chuyển viện dần ra Bắc. Ông kết luận : “Phải nhờ có Phật Trời phù hộ, ông mới thoát chết. Hai người lính cận vệ của ông đã hy sinh ngay bên cạnh ông…”. Sự sống và cái chết, chỉ trong gang tấc. Trong chiến tranh, bom đạn, không ai có thể lường trước được điều gì. Ông đã sống cho từng phút giây hiện tại như thế trong hơn 10 năm trở lại chiến trường miền Nam. Và bây giờ, ông đã được trở về. Như trở về từ cõi chết.

 

Ông tôi đã quyết định cùng ăn chay với bà tôi. Không những cùng nguyện ăn chay với bà, ông còn đưa bà đi chùa hàng đêm. Cùng bà tham gia các chuyếncông tác từ thiện, cùng bà đi cúng dường tự khi chùa có tổ chức – có chuyến đi xa đến 4 , 5 ngày. Chúng tôi rất ngạc nhiên về sự quên mình để sống cho vợ con của ông. Có lẽ quãng tháng năm đi xa, sống kề cận cái chết, và nỗi gian truân đã trừng trải, đã khiến ông rất quý trọng cuộc sống an bình, hạnh phúc của gia đình chăng ?

 

Bà tôi đã dành cho ông sự chăm sóc rất chu đáo. Những vết thương tuy đã khô lành, nhưng những mảnh vụn của bom đạn thì vẫn còn âm ỉ bên trong, có lẽ sẽ ở lại đến suốt cuộc đời của ông ? Bà tôi đã nhìn những vết thương trên thân thể ông, như ở thân thể mình – cái nhìn đau xót biết bao, mỗi khi ông bị cơn đau nhức hành hạ.

 

Sống an lành bên ông tôi được hơn mười năm, bà tôi đã qua đời vì chứng nhồi máu cơ tim. Bà ra đi thật nhanh chóng. Chưa kịp uống một viên thuốc.  Chưa kịp nói một lời trối trăn nào. Dường như, cả cuộc đời bà đã nói lên rất nhiều rồi, đầy đủ rồi – còn có gì để nói thêm nữa đâu? Bà nằm yên lặng trên giường. Mắt vẫn mở. Ông tôi đưa tay vuốt nhẹ lên đôi mắt bà và ông bỗng bật lên tiếng khóc…

 

Đôi mắt bà ngoại tôi đã khép lại. Cuộc đời bà đã khép lại. Nhưng tấm lòng thủy chung son sắt và tình yêu thương vô bờ của bà đã mãi mãi mở ra cho tất cả chúng tôi vững bước hướng về tương lai./.

Mang Viên Long
Số lần đọc: 3530
Ngày đăng: 04.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lũy báo - Nguyễn Hiệp
Những kẻ tài hoa …. - Diệp Hồng Phương
Sự nhầm lẫn - Đàm Lan
Bài ca điệu lý - Cao Hạnh
Khát vọng sống - Nguyễn Vĩnh Căn
Nhặt mảnh chai - Cao Hạnh
Của chìm của nổi - Quý Thể
Gã nhà quê vui tính - Mang Viên Long
Người dưng ở Hội chùa Hương - Phạm Minh Quốc
Con dao và lát bánh mì - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)