Từ sân bay Cam Ranh về thành phố Nha Trang, cảnh đẹp như thần tiên. Thành phố du lịch có khác. Ðó là nhận xét của ông Thạch khi tắc-xi chạy trên đoạn đường hai chiều giữa những thảm cỏ và vườn hoa được xén tỉa, chăm chút công phu dài ngút ngát dọc dải cát bờ biển, rồi đột ngột như muốn lao ra mép sóng.
Con đường nhựa phẳng lỳ uốn lượn quanh những mép đá, một bên đá dốc đứng, một bên biển xanh đến nao lòng.
Suốt những ngày sau, khi đã bị vây bủa trong khu phố mới gần bờ biển, giữa không khí gia đình cô con gái út hơi có vẻ ồn ào, nhộn nhạo từ khi có sự hiện diện của ông, đôi khi ông vẫn nghĩ đến chặng đường bờ biển từ sân bay về thành phố với một nỗi ao ước đến ám ảnh.
Ước gì ta có một căn nhà nhỏ dưới tán phi lao giữa những đồi cát trắng tinh nhìn ra vịnh biển kia. Ước gì ta cũng được như những người đang trồng hoa, trồng cỏ dọc con đường ven biển này. Một công việc không mấy nhàn hạ nhưng đầu óc thảnh thơi, được hít thở trời biển trong lành. Ông Thạch ao ước thế. Một mơ ước nhỏ nhoi, bình dị.
Hóa ra bao năm nay, suốt những năm tháng dài sống trong cái làng Hạ ngoại thành ven sông Tô Lịch thân thuộc của mình, ông Thạch vẫn luôn bị kìm nén những ẩn ức. Sự bức bối chật chội đầu tiên là những mảnh vườn quanh nhà ông cứ dần bị thu hẹp lại, rồi san sát mọc lên những ngôi nhà bốn, năm tầng cao ngất ngưởng. Dãy ao đình bị lấp đi, để mọc lên cái chợ tạm và những dãy quán thịt chó, bia hơi, cháo lòng, tiết canh, suốt ngày ầm ĩ tiếng cãi lộn, suốt ngày bốc lên cái mùi cống rãnh phố xá khó tả.
Rồi những cánh đồng rộng mênh mông quanh làng bị san lấp. Khu đô thị mới với những tòa nhà cao hai, ba chục tầng mọc lên. Cái làng ngoại thành của ông bị những tòa nhà bê-tông quây kín bốn mặt, trở thành một phường nội thành. Dân háo hức nhận tiền đền bù, cấp tập chia lô xây nhà, xây phòng trọ cho thuê, sắm xe máy, xe ô-tô, thừa tiền thì ăn chơi nhảy múa. Ba thằng con trai ông, hai thằng đi bộ đội về, thằng cả dựng quán rửa xe, thằng hai thuê nhà mặt phố mở phòng karaoke. Chúng nó kiếm tiền gấp trăm lần làm ruộng. Cánh đồng cuối làng còn sót lại, chẳng ai thiết cày cấy, bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu. Từ nông thôn tiến lên đô thị rõ sướng. Mấy cô mấy bà ngày trước chân đen nhẻm như gà chân chì, giờ mặc váy ngủ, xúng xính, phây phây.
Trận đòn đầu tiên của công cuộc đô thị hóa giáng xuống gia đình ông Thạch là thằng karaoke dính nghiện hút. Cái làng Hạ trăm rưởi nóc nhà cùng ba mươi sáu cái biệt thự mới của dân xâm cư, mười một đứa chạc tuổi nó cùng nghiện hút. Tám đứa vào nhà đá. Ba đứa dính "ết", đi Văn Ðiển. Nếu biết con nghiện ngập thì bằng giá nào ông cũng cho đi trại. Chỉ vì ông tin chúng nó quá. Tưởng karaoke là hát hò lành mạnh. Hóa ra chúng nó tụ bạ nhau để nhảy nhót, hút sách, đàng điếm. Con vợ thì vừa đoảng vừa a tòng. Biết chồng tiêm chích đã lâu mà vẫn bao che, đồng lõa. Ðến lúc nó đột tử, cả nhà tá hỏa thì đã quá muộn. Vợ nó bảo: "Nhà con đi uống rượu về, lên cơn, bắt con đi mua hai ống pha sẵn của Hiệu Bẹp, tiêm cấp tập vào ven. Nửa đêm xốc thuốc. Con gọi xe cấp cứu, nhưng không kịp".
Tiếp đến là thằng rửa xe. Hai vợ chồng lập nghiệp từ số vốn mấy chục triệu được đền bù vạt ruộng rau muống. Chúng xây một cái bể chìm hai chục khối nước, sắm mấy cái máy bơm xì, vài cái chậu, rồi thuê một tiểu đội choai choai rửa khoán theo công thức ba ăn một. Rửa được ba cái xe thì chủ hai, thợ một, tiền tươi thóc thật. Cứ tưởng dấm dớ hội tề, bày ra cho có việc, ai ngờ buôn thất nghiệp, lãi quan viên. Sáu năm rửa xe, đủ tiền lên cái nhà mái bằng cao ngất ngưởng. Có tiền, có nhà lầu, vợ chồng sinh hư. Cãi nhau như mổ bò. Thằng chồng mắc tính nát rượu, uống vào lèm bèm cả ngày. Mấy lần nó chửi cả ông. Không còn là say sỉn mà là mất dạy rồi còn gì? Giá như ông Thạch cũng xuất thân là một gã rửa xe như nó, thì mo phú hết, cá đuối bằng đầu, cho qua sự đời. Nhưng đau nhất là bố nó đã từng đi thuyết minh chiếu bóng, từng làm cán bộ văn hóa huyện. Dao sắc không gọt được chuôi. Nhiều khi đi đám, mặt sạm đen, cúi gằm không dám nhìn ai.
Vậy mà chưa hết. Thằng thứ ba, có vẻ trí thức, nền nếp nhất nhà, lại ăn phải bả thằng anh thứ hai, dính xì ke. Thật chán mớ đời. Bao nhiêu ước vọng của đời ông đã dồn vào nó. Ðược vào học khoa nhạc dân tộc của Học viện Âm nhạc đâu phải chuyện đùa. Nếu không phải là con nhà nòi thì cũng là con ông cháu cha, chứ bỡn. Tam khoanh tứ đốm, cạy cục các cửa, lại có bạn chiến đấu ngày xưa làm chân tổ chức trong Viện, ông Thạch mới đưa được thằng Ba vào học môn kéo nhị. Ra trường, hiển nhiên nó trở thành nghệ sĩ. Tha hồ mà trời Âu đất Mỹ. Nhạc cổ điển, nhạc hiện đại Ja, Rốc, bén gót thế giới còn mệt. Nhưng nhạc dân tộc, cứ đàn bầu, đàn tranh, sáo, nhị, sênh tiền... thì thiên hạ chạy dài, sánh thế nào với Việt Nam mình được. Ông Thạch đã nhắm sẵn rồi, tốt nghiệp ông sẽ lo cho về Ðoàn chèo Cổ Phong, nơi ngày xưa ông đã có những năm tháng đi kéo phông màn, còn khối người dây mơ rễ má thân thuộc. Bệ phóng đã xây sẵn, chỉ việc vút lên trời.
Vậy mà thằng Ba suốt đời sẽ không nhìn thấy bệ phóng. Vừa học nó vừa a dua bạn bè đi kéo nhị đám ma, đi hát hầu bóng cô đồng. Rồi bập vào cờ bạc, nghiện hút. Trong vòng một năm nó lừa lấy hai chiếc xe Dream Thái và Suzuki, một của khách hàng rửa xe của thằng anh, một của bà cô ruột trên phố Hàng Gà. Nó "đột vòm" xoáy gọn một dàn vi tính của cơ quan gần trường mang ra hiệu cầm đồ để lấy tiền hút chích. Ðời mày thế là tàn rồi con ạ. Ông Thạch khóc vái sống con và nói với nó như thế trước khi tiễn nó đi trại cải tạo cai nghiện. Hai năm, hết hạn cải tạo, thằng Ba về nhà với một bộ mặt hoàn lương. Ông Thạch mừng hơn bố mình sống lại, bàn với bà bán thổ đất ở cuối cùng xây cho nó ngôi nhà mái bằng rồi cưới ngay cho nó một cô vợ. Cô vợ thằng Ba người tận tít trong vùng núi đá vôi Chân Chim Ðồng Mít quê ngoại bà Thạch. Vùng này cho đến giờ vẫn chưa có điện. Dân cư thuần chất, chân chỉ hạt bột, thật thà như đếm. Cũng là vì họ chưa biết cái lý lịch bất hảo của thằng con trai ông nên mới thả con gái vào hang cọp. Quả nhiên chỉ được ba bảy hai mươi mốt ngày êm thấm, lại trứng nào tật ấy. Cũng chỉ tại bà vợ ông. Toe toe đi vay lãi ba phân để rước về cho con trai cái Honda Tàu bảy triệu. Cho nó đi xe ôm kết hợp chạy hàng cho vợ ông ạ. Bà bảo ông thế. Tôi sẽ hướng dẫn con vợ thổi xôi xéo và xôi lạc buổi sáng. Chịu khó dậy sớm mang thúng xôi ra đầu cầu. Một ngày cũng lãi dăm chục nghìn.
Thúng xôi của cô vợ thì tạm ổn, nhưng cái xe ôm của anh chồng thì hỏng. Bọn bạn bè hút hít ngày trước không buông tha nó. Chúng tụ bạ xóc đĩa, tá lả rồi ngựa quen đường cũ, lại tìm đến với ma túy. Cái xe của thằng Ba trở thành phương tiện vận chuyển cái chết trắng.
Một ngày đại hỉ của gia đình ông Thạch, khi cả nhà hớn hở đón thằng cháu nội, con thằng Ba, mới sinh từ bệnh xá về thì công an xịch đến dẫn theo thằng bố bị còng số tám. Nhà chức trách tìm thấy chục tép hê-rô-in gói túi ni-lông cất trong tủ quần áo. Thằng Ba nằm trong một đường dây buôn bán tiêu thụ ma túy đã được công an theo dõi từ lâu. Vô phương cứu giúp. Nó bị lĩnh án nhẹ nhất, sáu năm tù.
Những năm thằng Ba đi tù, ông Thạch cảm thấy cuộc sống có phần nhẹ nhõm. Gia đình không dạy nổi, thì phải nhờ nhà nước. Ông như tháo được cái ách trên cổ, bỏ được tấm mo đeo mặt. Cái làng Hạ của ông, sau những biến động về đất đai, nghề nghiệp, lối sống, cũng đã quen dần với sinh hoạt phố phường. Tiền bán đất hết rồi, ăn chơi nhảy múa chán rồi, cũng phải tìm cách mà ổn định cuộc sống lâu dài, tìm cách mà sống tử tế hơn. Cái chết của mấy con bệnh "ết", gương tày liếp của hơn chục phạm nhân ngồi bóc lịch trong nhà đá, là những bài học nhỡn tiền cho những kẻ đua đòi hư hỏng trong làng. Hóa ra cái làng Hạ, nay là Phường Hạ, còn biết sợ cái ác, trốn chạy khỏi cái ác.
Mừng nhất là ông bà Thạch có cô con gái út Nguyễn Thị Vân, được cả người lẫn nết. Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, Vân được tuyển vào Công ty du lịch Xuyên Việt ở Nha Trang. Ði làm được một năm thì nó đưa về giới thiệu với vợ chồng ông một chàng thạc sĩ thủy sản, quê Phúc Thọ, Hà Tây. "Anh Công muốn làm rể nhà ta đấy bố ạ". Con gái rỉ tai bố nhưng lại nhìn người yêu cười tinh nghịch. Liếc mắt qua, ông đã thầm khen con gái có con mắt xanh. Ông bảo chàng thạc sĩ: "Bác tin anh là người tử tế. Nếu thực lòng thương yêu em Vân thì mời bố mẹ xuống đây. Bác cho không cô cử nhân ngoại ngữ đấy".
Từ ngày Vân lấy chồng, rồi có con, ông Thạch chưa một lần vào Nha Trang. Tháng trước Công ra Hà Nội đăng ký đề tài làm luận án tiến sĩ, ghé thăm bố mẹ vợ, biếu vợ chồng ông Thạch một phong bì ba triệu đồng. "Thưa bố mẹ. Ðây là tiền hai vé máy bay Hà Nội - Nha Trang. Nhà con bảo đưa bố mẹ để mua vé vào Nha Trang chơi với vợ chồng con và thằng cháu Cán". Ông Thạch phát hoảng: "Cưỡi một tấn thóc vào Nha Trang thì bố chẳng chơi. Cứ cầm về đi. Ðể bố tính. Nếu tiện bố sẽ đi tàu hỏa vào với cháu".
Là nói thế cho vợ chồng con cái nó khỏi tủi. Chứ đi tàu hỏa cũng mất bạc triệu. Nửa tấn thóc là ít. Phí. Hàng năm vợ chồng đưa con ra thăm ông bà là được.
Ông Thạch vừa muốn đi Nha Trang, vừa tiếc tiền. Ðang lưỡng lự toan tính, thì đùng một cái xảy ra sự việc vợ chồng thằng Ba.
Con vợ thằng Ba không chịu được cái án sáu năm tù của chồng. Nhưng phải nói rằng cô Mịn, con dâu ông, chẳng có gì đáng chê trách, thậm chí nó là đứa con gái ngoan, nết na, hiền thục. Lúc nào cũng đắm đuối vì con, hàng tháng xăm xái đi tiếp tế cho chồng. Suốt ba năm, nhìn thấy cô con dâu hừng hực như quả bom nổ chậm là ông nơm nớp lo, nhưng rồi ông lại thầm cám ơn hồng phúc nhà ông đã cho vợ chồng ông một cô dâu hiền thảo. Thời kỳ chiến tranh trước đây đã đi một nhẽ. Chồng ra trận, vợ phải có nghĩa vụ tu thân tề gia, phụng dưỡng bố mẹ, chờ chồng, nuôi con. Nhưng nay thì khác rồi. Ðàn bà có thì, có thời. Tôi nín nhịn chờ anh sáu năm. Anh về, rồi nhỡ ngựa quen đường cũ, lại đi, thì đời tôi ra bã...
Quả nhiên sang đến năm thứ tư thì Mịn nổi loạn. Mịn mang con về quê ngoại rồi đi biền biệt. Bảo là đi buôn, chứ ai biết đi đâu. Có người thấy Mịn quần Jean áo hai dây, ngực ngồn ngộn nõn nà, cặp kè với một anh chàng ria mép đen nhánh cưỡi xe LX 250 phân khối chạy vù vù vào các nhà nghỉ. Mịn đánh tiếng sẽ đơn phương li dị để tự lo lấy tương lai.
Trớ trêu thay, giữa những ngày Mịn ngang nhiên muốn tháo cũi xổ lồng ấy thì anh con quý tử của ông Thạch được vào danh sách đặc xá. Do lao động cải tạo tốt, Ba sẽ được xét đề nghị ra tù trước thời hạn mười tám tháng.
Lẽ đời, bố mẹ phạm nhân có con được đặc xá phải rất vui sướng, hạnh phúc mới đúng. Nhưng ông Thạch lại đón nhận cái tin ấy với nỗi buồn âm thầm xen lẫn nỗi lo âu phấp phỏng. Ra tù, thấy cảnh con vợ nó như thế, làm sao nó chịu nổi?
Nhiều đêm ông Thạch không ngủ. Ông khoác áo dạ đi vơ vẩn quanh hàng hiên, tự gặm nhấm nỗi buồn u uẩn trong lòng.
Rồi đột nhiên ông nói với bà: "Tôi phải đi vào với vợ chồng con Vân ít ngày. Quanh quẩn ở nhà tôi đến phát điên lên mất".
VÂN là người phụ nữ sớm thành đạt nhưng lại thừa hưởng ở mẹ phẩm chất truyền thống đàn bà vùng ven sông Tô Lịch. Ở chị, luôn hòa quyện nhuần nhuyễn sự ý nhị nết na xưa cũ và vẻ lịch lãm tươi mới của tuổi trẻ hiện đại. Hiểu rõ tâm trạng của bố, mặc dù những ngày ông Thạch ở Nha Trang trời mưa tầm tã, Vân luôn cùng chồng và con tạo mọi điều kiện để ông Thạch đi thăm thú thành phố cho khuây khỏa nỗi buồn.
- Con lấy vé để cả nhà ta sang Vinpearl xem dạ hội thời trang tối mai đấy bố ạ. Cam đoan rằng bố sẽ thấy mình trẻ ra đến hai mươi tuổi.
- Bố đã sang Hòn Tre rồi. Ði cáp treo tốn một trăm hai mươi nghìn đồng một vé, quá bằng nửa tạ thóc. Rồi lại vé xem hơn một triệu mỗi người. Ôi thôi, giành tiền ngoài Tết cho mẹ mày vào chơi con ạ. Cả đời bà ấy chưa đi ra khỏi Hà Nội...
- Mẹ con rồi sẽ có tiêu chuẩn. Bố thử đi xem hoa hậu nước Việt mình có hơn đứt các công chúa ngày xưa không ?
- Còn lòng dạ nào mà xem... ? Với lại nhìn con gái hở hang, bố không thuận mắt...
Thuyết phục thế nào ông Thạch cũng không nghe. Công đưa ra một đề xuất:
- Hay là tối mai bố ra sông Cái với tụi con. Viện con đang có đề tài nghiên cứu về quy luật sinh sản của cá chình. Con cá này lạ lắm bố ạ. Lớn lên ở vùng nước ngọt, nhưng lại sinh đẻ ngoài biển. Khi con cá chình đến tuổi trưởng thành, chúng từ các sông suối tìm ra những vùng biển thẳm xa hàng trăm hải lý, có độ mặn tới ba mươi nhăm phần nghìn để đẻ trứng. Mùa này đang là thời kỳ cá chình con từ biển theo dòng hải lưu tìm về các cửa sông, ngược lên thượng nguồn sinh sống. Tối nay bố phải mang kính đi. Cá chình con mảnh như sợi chỉ, trong suốt rất khó nhìn thấy. Lớn một chút nữa nó có mầu hồng, rồi chuyển sang mầu đen... Thành công đề tài cho cá chình đẻ nhân tạo thì con cầm chắc cái bằng tiến sĩ...
Nghe con rể nói, ông Thạch mê quá. Thời trẻ ông cũng đã từng theo ông ngoại đi vớt cá mè con ngoài sông Hồng. Ông muốn được sống lại những ký ức ngày xưa.
Nhóm nghiên cứu khoa học do Công chủ trì thuê một chiếc tàu đánh cá nhỏ thả lưới ở cửa sông Cái, ngang cầu Xóm Bóng lúc thành phố đã lên đèn. Những chiếc lưới đụt có mắt lưới nhỏ như vải sô màn do chính tay Công thiết kế được giăng ngang dòng chảy. Công bảo, khi những con lũ từ đỉnh Trường Sơn cuồn cuộn đổ về là mùa cá chình con vượt ngược dòng. Mẻ lưới này sẽ xác định thời gian và mật độ xuất hiện của cá con.
Lâu lắm rồi ông Thạch mới được ngồi trên mui thuyền giữa sông nước bao la tận hưởng một thiên nhiên kỳ ảo tuyệt cảm như thế. Ngoại trừ hàng trăm nghìn ánh đèn đủ sắc mầu lung linh huyền ảo của thành phố, ngoại trừ tiếng động cơ xe cộ, tiếng ầm ì sôi động của phố phường, thì cửa sông Cái Nha Trang đêm nay hoàn toàn mang vẻ nguyên sơ. Ngọn tháp Chàm trên đỉnh đồi bờ sông kia, gần nghìn năm trước vẫn uy nghi huyền bí thế. Ngọn gió biển và từng đợt thủy triều vẫn ào ạt tràn vào cửa sông như từ thuở hồng hoang thế. Và con sông Cái như vẫn chảy từ muôn đời...
- Kìa bố, trông bố cứ như thi sĩ đang thai nghén một tứ thơ. Bố uống với chúng con tợp rượu, rồi ăn xôi gà... Lưới đã buông xong. Bây giờ bố con mình nghỉ ngơi chờ cá...
Tiếng anh con rể làm ông Thạch bừng tỉnh.
- Ờ, hóa ra con Vân nó cũng chu đáo... Nó chuẩn bị cho bố con mình cả rượu thịt...
Ông Thạch nâng chén lên. Mùi men nếp thơm xộc lên mũi, ngây ngất.
- Vợ chồng con đã bàn nhau. Sau Tết, khi anh Ba hết hạn về, chúng con rủ anh vào trong này nuôi cá chình bố ạ. Thay đổi khí trời, vùng đất, lại có một công việc có ích, con tin anh Ba sẽ có cơ đổi đời...
Trời ơi, anh con rể đã nhắm trúng tim ông Thạch. Hình như nó đoán được tâm trạng ông từ khi bước xuống sân bay Cam Ranh về thành phố. Hình như nó đang đọc được dòng ý nghĩ của ông trước cửa bể sông Cái này. Con người muốn hoàn lương rất cần có một môi trường thiên nhiên thuần khiết như ở biển Nha Trang.
- Bố cám ơn các con. Nếu thằng Ba đồng ý vào Nha Trang, có khi rồi cả bố và mẹ anh cũng sẽ vào cùng...
Ông Thạch cụng chén với con rể, rồi ông ngửa cổ khà một tiếng. Ông uống cạn cả khí trời và sông nước Nha Trang.