Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.137
123.227.520
 
Thời của thánh thần - tiếng nổ của văn xuôi Việt Nam 2008 ?
Nhiều Tác Giả

Thời của thánh thần - tiếng nổ của văn xuôi Việt Nam 2008 ?     

Người viết: Phương Ngọc    

24/08/2008 

 

Cuốn tiểu thuyết thoạt đầu có tựa đề “Tốt sang sông”. Cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, người trước khi mắc căn bệnh ung thư vòm họng hiểm nghèo (và qua đời một năm sau đó), từng ở chung căn phòng áp mái với Hoàng Minh Tường tại Nhà sáng tác Tam Đảo, tháng 9-2006, khi biết bạn đang đánh vật với cái laptop, để đưa từng “con tốt” sang sông, liền bảo: “Ông viết trúng ý một bài thơ tôi viết cách đây mấy năm. Tôi chép lại tặng ông, nếu thích thì ông có thể lấy làm đề từ cho tác phẩm này.

 

Tốt sang sông

Anh muốn xóa tất cả đi như xóa một bàn cờ

Rồi kiên nhẫn bày lại từng con Tốt.

Tốt chưa qua hà đâu, em ơi đừng nóng ruột

Rồi tốt sẽ qua hà, rồi tốt sẽ đi ngang.

 

Hoàng Minh Tường tỏ ra tâm đắc với bài thơ này. Ông chọn thêm một câu trong “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân: “… Một con Tốt lọt qua sông là cái trị giá nó bằng nửa sức con Xe rồi. Ở đời không nên khinh thường cái gì. Con Tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế…”, để dành làm lời đề từ cho cuốn tiểu thuyết của mình.

 

Khi bản thảo hoàn thành, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, người sẽ ký "giấy thông hành" cho cuốn tiểu thuyết vào đời, là người đọc đầu tiên. Ông trầm ngâm một lát, rồi bảo: “Phải cân nhắc lại cái tên sách. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã có tiểu thuyết Khi con tốt sang sông , in ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, với tựa đề Khi con tốt sang sông”.

 

Hoàng Minh Tường toát hết mồ hôi. Không thể lặp lại ý tưởng của người khác. Ông tin ở cái trí nhớ kỳ lạ của Nguyễn Khắc Trường. Nhiều cuốn sách nhiều bài báo in từ đời tám hoánh, không mấy ai đọc, mà ông nhà văn ma xó này vẫn nhớ vanh vách.

 

Nguyễn Khắc Trường chép chép miệng, rồi thêm: “Đặt tên cho cuốn sách, còn hơn cả tên khai sinh cho con mình, cực khó đấy. Truyện của ông lẽ ra phải đặt là “Những người khốn khổ”, hoặc “Con đường đau khổ”. Tiếc là các cụ Vichto Huygô và Alếcxan Tôlxtôi đã đặt mất rồi…”

 

Trường nói và mở to mắt nhìn Tường tủm tỉm, rồi hai gã nhà văn thôn quê cùng cười hô hố, như tự thưởng cho mình những ý tưởng mà chỉ họ mới ngầm hiểu với nhau. Phải tìm một cái tên mới, Hoàng Minh Tường tự nhủ. Đành gác ván bài “Tốt sang sông” lại. Cũng tiếc một cái tựa đề đắc ý. Tác phẩm mô tả hành trình của những người nông dân đi theo cách mạng. Họ là những nông dân khoác áo lính. Ví như những con Tốt trên bàn cờ thế cuộc. Chỉ có tiến, không có lùi. Qua sông rồi thì được quyền vừa tiến vừa đi ngang. Cao cờ. Tốt có sức mạnh chẳng kém gì Xe, Pháo, Mã. Cao cờ nữa, Tốt có thể nhập cung bắt tuốt tuột Tướng, Sĩ, Tượng. Cuộc cách mạng tháng Tám, 1945 long trời lở đất đưa hàng triệu Tốt sang sông, trao cho mỗi con Tốt một sứ mạng Xe, Pháo, Mã. Và rồi họ đã hoàn thành cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ…

 

Sau một đêm trằn trọc, tảng sáng, tựa đề sách đã bật lên trong đầu nhà văn.“Thời của Thánh Thần”, tên tập thơ đầu tay của nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ, nhân vật chính trong tác phẩm, mà nhà văn đã dày công xây dựng, xứng đáng được chọn đặt tên cho cuốn tiểu thuyết. 

 

“Thời của Thánh Thần” viết về những biến động của một gia đình nông dân có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng suốt nửa sau thế kỷ XX. Bốn anh em trai, ba con đẻ, một con nuôi, sau Cách mạng tháng Tám, 1945, mỗi người đi một ngả. Người trở thành cán bộ lãnh đạo, người là nhà thơ, người phát vãng, người ở nhà cày ruộng. Đồng hành với họ là những người đàn bà, những mối tình sét đánh, éo le, oan trái… Tất cả họ, không ai thoát khỏi những biến động, những sự kiện, những bước ngoặt lớn của đất nước. Đòn xoáy khốc liệt suốt hai cuộc chiến tranh đã cuốn họ đi, nhào nặn nên tính cách và số phận của họ. Họ là những tiêu bản, những hóa thạch của lịch sử mà qua đó nhà văn giúp người đọc hồi ức quá vãng…

 

Nhà lý luận phê bình Vũ Nho rất có lý khi nhận xét: “Cải cách ruộng đất, Đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, chống Xét lại, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hòa hợp dân tộc… Những vấn đề cốt lõi ấy được xem xét và đánh giá qua những số phận mấy đời chìm nổi của một gia đình. Thời gian đủ độ lùi cần thiết. Nhưng những hiểu biết của một cây bút phóng sự, tiểu thuyết có hạng, và suy ngẫm một đời viết, mới là yếu tố quyết định làm nên thành công của tác phẩm này…”

 

Đúng là, phải đợi tròn một hoa giáp, vào tuổi 60, nhà văn Hoàng Minh Tường mới đủ độ chín, đủ từng trải, đủ đau đớn, dằn vặt, và cả đủ lòng dũng cảm nữa, để viết một tác phẩm tổng kết đời văn của mình.

 

Tiếp nối những trang nhức nhối về nông thôn một thời mà các nhà văn đàn anh lớp trước đã đề cập (Vũ Bão với Sắp cưới, Ngô Ngọc Bội với Ác mộng, Tô Hoài với Ba người khác…), Thời của Thánh Thần chỉ chấm phá thêm đôi nét nhưng cũng đủ để khép lại một giai đoạn văn học vết thương về Cải cách ruộng đất, mà sau này các tác giả khác không nhất thiết phải quay lại. Và, cùng với mạch cảm xúc bi thương ấy, lần đâu tiên trong văn chương đương đại, sự kiện Nhân văn giai phẩm và cuộc đấu tranh với bè lũ Xét lại hiện đại, cũng như cuộc vượt biển di tản của gần hai triệu người, được nhà văn đề cập đến với cái nhìn điềm tĩnh và xa xót của một người có đủ độ lùi thời gian để phân tích, lý giải, đặng trả lại cho những nhân vật trong cuộc bức chân dung thật của họ.

 

Nhân vật Nguyễn Kỳ Vỹ có bóng dáng bao nhiêu văn nghệ sỹ, trí thức bị oan sai một thời. Nhân vật Nguyễn Kỳ Vọng là hình ảnh tột cùng đau đớn, vô cùng đáng thương của bao người ly hương, bao kẻ vong bản. Càng về cuối truyện, không chỉ những xung đột tính cách, sự trớ trêu số phận, mà quyết liệt hơn là những đối nghịch về quan niệm sống, lý tưởng sống, về trách nhiệm công dân đối với Dân tộc, Đất nước… cùng cộng hưởng kéo độc giả vào cuộc, tham gia tranh cãi, phản biện.

 

Những ai ít thích ứng trước những biến động có tính quy luật toàn cầu, hẳn sẽ phẫn nộ với những nổi loạn trong tính cách của lớp nhân vật trê như Lê Lỳ Chu, Chiến Thống Nhất, những phản biện quyết liệt của Nguyễn Kỳ Vọng, hoặc sẽ lên án cái gọi là “sự băng hoại lý tưởng”, “thoái hóa phẩm chất cách mạng” của những người từng có bề dày mấy chục tuổi Đảng, như bà Đào Thị Cam, như nhà văn cộng sản Châu Hà…

 

Chính độ mở của tiểu thuyết, thái độ nhập thế của tác giả, dám đối diện với những vùng khuất lấp, những mảng đời sống mà lâu nay nhiều người tự coi như vùng cấm kỵ bất khả tri… đã khiến Thời của Thánh Thần không bị rơi vào khuôn mẫu buồn tẻ, một chiều. Đây cũng chính là một bứt phá của Hoàng Minh Tường, kể từ sau hai tiểu thuyết gây tiếng vang Thủy Hỏa Đạo Tặc và Đồng sau bão.

 

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm trong trường ca Văn đàn bi tráng sắp xuất bản, dường như đã có con mắt rất “xanh”, khi ông viết về Hoàng Minh Tường:

 

“Hết Thủy Hỏa lại đến hồi Đạo Tặc

Đồng sau bão chỏng chơ những tượng đất Thánh Thần”

 

Phương Ngọc

Nguồn: Vietimes

 

"Thời của thánh thần" ra mắt

 

(TT&VH) - Nhà văn Hoàng Minh Tường ra mắt tiểu thuyết Thời của thánh thần (NXB Hội Nhà văn, Quý III-2008). Đây là cuốn tiểu thuyết viết về một số gia đình làng quê châu thổ sông Hồng, được tác giả nuôi dưỡng trong âm hưởng sử thi của Nước Việt suốt nửa sau thế kỷ XX...

Là người đến với tiểu thuyết từ rất sớm, khi mới ngoài 20 tuổi, Hoàng Minh Tường đã ra mắt tiểu thuyết đầu tay Đồng chiêm. Rồi liên tiếp một loạt các tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường được xuất bản (11 cuốn với dung lượng hơn nửa vạn trang in). Đáng kể nhất là Những người ở khác cung đường, giải A văn học công nhân (1985-1990) và Thuỷ hoả đạo tặc, giải thưởng Hội Nhà văn VN (1997).

 

Được mệnh danh là cây bút của làng quê viết về nông thôn có hạng, nhưng Hoàng Minh Tường không chỉ có thể viết về nông dân. Anh viết về các những người làm du lịch trong khách sạn, về những người làm giao thông, về những người dân chài... Hoàng Minh Tường nung nấu phải viết một quyển tiểu thuyết để đời, viết xong là có thể nghỉ ngơi, có thể giã từ…ngòi bút. Chính vì thế sau khi in Ngư phủ, Hoàng Minh Tường đã để hẳn gần bốn năm để thai nghén tiểu thuyết Thời của thánh thần với dự định dồn hết tâm lực của một đời cầm bút…

 

Lê Duy

 

Thu hồi "Thời của thánh thần"

Thứ Sáu, 29/08/2008, 07:59 

 

Tiểu thuyết Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành đầu tháng 8 - 2008. Ngày 15 - 8, sau khi nộp lưu chiểu, Hoàng Minh Tường ký tặng tôi một cuốn.

 

Tôi biết Hoàng Minh Tường đã dồn hết văn tài, kỳ khu trong 4 năm để viết nó. Nhiều bạn bè mừng cho Tường. Có người còn nói: viết xong cuốn này Tường đi chơi được rồi. Trên trang web Vietimes của VietNamNet (thuộc Bộ thông tin và truyền thông) đã giới thiệu với cái tit rất hoành tráng: Thời của thánh thần, tiếng nổ của văn xuôi năm 2008.

 

Vừa đây nghe tin cuốn Thời của thánh thần có lệnh chưa được phát hành, tất cả những cuốn chót lọt ra ngoài đều thu hồi lại cất vào kho chờ xử lý.!

 

Tôi tin răng với tấm lòng chân thành của một nhà văn chân thành, từng trải, có bản lĩnh như Hoàng Minh Tường sẽ không đến nỗi gặp phải "hạn" lớn. Những thân phận của các nhân vật trong tiểu thuyết hoàn toàn có thật trong những thăng trầm của thế kỷ trước. Chúng ta có quyền nhìn lại và xây dựng những tác phẩm cho con cháu chúng ta mai sau hiểu được cha ông đã từng vượt lên để xây dựng một Vệt Nam tươi sáng và hội nhập.

 

Tôi tin vào những đôi mắt thánh thần khi thẩm định các tác phẩm văn học và tin rằng không thể có cách nhìn như thế kỷ trước. Tôi tin tưởng và hy vọng vào cách nhìn vu khoát, cởi mở của thời hội nhập...!

 

Tin mới nhận

 

Theo lệnh của Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và truyền thông), sáng nay 28-8 hai nhà văn Nguyễn Khắc Trường (tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma, phó giám đốc NXB Hội nhà văn) và nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả Thời của thánh thần đã đi tất cả các hiệu sách Hà Nội để thu hồi sách trôi nổi trên thị trường. Cuối cùng lượm được 91 cuốn về nhập kho niêm phong.

 

Trần Nhương

 

Nguồn: PhongDiep

vannghequandoi.com.vn

 

Nhiều Tác Giả
Số lần đọc: 4148
Ngày đăng: 04.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ca từ Trịnh Công Sơn - thơ buồn như cánh vạc bay - Cao Thoại Châu
Bài ngắn Phạm Chu Sa - Nguyên Sa
Cùng bạn đọc nheo mắt nhìn thế giới (*) - Bằng Việt
Câu chuyện về Phật sống Lưu Công Danh - Hà văn Thùy
Ký ức Trường Nguyễn Hoàng ( Quảng Trị ) - Bành Phi Lân
Vài hàng về : Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt - Hà văn Thùy
Tôi đi bán sách về Hoàng Sa, Trường Sa - Bùi Minh Quốc
Hương Rừng Cà Mau - Huỳnh Kim
Sơn Nam, phù sa giữ vườn - Triệu Từ Truyền
Viết cho Ngày Vu lan: Sự khốn nạn mang tên bận rộn - Phạm Thanh Phúc
Cùng một tác giả
Chia Buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Cảm tạ (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
CHIA BUỒN (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn. (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin Buồn (văn hóa)
Phở Việt Nam (văn hóa)
CƠN MÊ (thơ)