Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.204.161
 
Chạm đến tâm linh
Nguyễn Vĩnh Căn

Không ai nghĩ có ngày ông Kháng vào tù. Chuyện nói ra không ai tin. Ông Thân khi nghe thoảng thốt:

-    Con đùa với bố đấy ạ!

- Thật đấy bố! Đến con cũng sững sờ khi bác ấy đến tự thú.

Ngày ông Kháng đến cơ quan công an thú tội, Trung tá Dân tay bắt mặt mừng để nói:

-    Bác cứ đùa cháu.

Như để xác lập một niền tin trong mình, Trung tá Dân cười đùa:

- Mà bác có phạm tội cháu cũng chẳng dám bắt đâu ạ!

Tưởng ai chứ bác Kháng, chẳng những Dân không lạ lẫm mà còn thân thương như con cháu trong nhà là đàng khác. Đến ba của Dân, người bạn đồng môn, đồng quân ngũ, khi nói về bác Kháng mà còn kính phục, nữa là Dân.

 

Hai gia đình thân thương nhau từ thủa đời nào, để khi ký ức về bác Kháng, Dân vẫn còn nhớ những lần đến nhà, bác không quên dúi vào túi quần gói kẹo gừng, hay gói kẹo bi đủ màu …mà Dân rất thích. Cái tên cúm cơm “Thằng Nhè” cũng là do bác đặt, vì hồi nhỏ Dân còi cọc, hay đau yếu nên khóc nhè luôn, chỉ có bác Kháng bế ẳm dỗ ngon ngọt mới chịu nín.

 

Quả thật, trong nhà Dân những khi gặp chuyện rắc rối, bế tắc trong gia đình, đến chuyện nhân duyên trắc trở của anh em Dân, đều phải nhờ đến bác Kháng giúp lời góp ý thì mọi chuyện mới suôn sẽ. Mãi lâu thành quen, để không mấy khi bố mẹ Dân dám tự quyết vấn đề khi chưa hỏi ý kiến bác ấy. Thậm chí hồi còn nhỏ, đứa nào ngang bướng cứng đầu không nghe lời, bố đưa bác Kháng ra doạ: “Tao mách bác Kháng cho xem!”. Không phải bác Kháng là ông ngáo ộp để lũ trẻ sợ, mà ở bác, cả nhà ai cũng kính nể, và hình như không ai muốn làm mất lòng bác, vì bác buồn là cả nhà không vui.

 

Thân thương là thế, kính phục là thế, mà giờ đây phải tra chiếc còng số tám vào, thì có não lòng không chứ!

 

Ông Thân khi nghe tin thờ thẫn, nẫu người ra như kẻ mất hồn. Trong ông chưa bao giờ có khái niệm tù tội cho một người anh mà ông hằng quý mến. Vậy mà ông đã đau lòng để phải tin đó là sự thật, vì sờ sờ trước mặt là song cửa tù với chiếc còng số tám đang trói buộc bác Kháng trong khổ nhục.

 

Nước mắt dầm dề, ông Thân cầm tay ông Kháng:

- Trời ơi! Em không thể tưởng tượng ra bác phải ngồi trong chốn lao tù này. Tại sao lại trở nên nông nỗi này hả bác!?

Ông Kháng bình thản như không có chuyện gì xẩy ra:

- Chú Thân, chú làm gì bi luỵ khốn khổ như tôi chết vậy. Khí tiết can trường của người chiến sĩ năm nào đâu rồi ? Phải đứng vững lên, để đối mặt với mọi thực tại sống chứ !

- Nói gở bác đừng buồn, thà bác chết mà em còn yên tâm hơn chứ như thế này…thì em không chịu  nổi.

 

Câu nói đó làm lòng ông Kháng chĩu xuống. Ông hiểu rằng, phải nghĩa tình bạn bè hết sức thân thương mới dám tỏ bày chân thật như thế. Ông phủ dụ:

- Cuộc đời mà Thân, làm sao học hết chữ ngờ được. Nhưng tôi đã làm thì cũng dám chịu. Chú đừng bi luỵ như thế, làm tôi suy sụp mất.

Ông Thân nén nước mắt, để củng cố người đồng đội trước khi ra về:

- Bác cố giữ gìn sức khoẻ. Những gì có thể làm được cho bác, em sẽ lo tất, bác cứ yên tâm.

Bây giờ thì còn làm được cái nỗi gì nữa? Ông Kháng tự nghĩ.

 

Trong nhóm mấy anh em chiến hữu với nhau, Thân là đứa cộc cằn, ngang ngược và khó bảo nhất. Nhưng được cái tốt bụng, xả thân thì không ai bằng.

 

Nhớ lại những kỷ niệm xưa, ông Kháng chợt xót xa vô vàn. Rồi thằng Chí, thằng Hoành, thằng Bân, những đứa bạn thân thương ngày nào, bây giờ mình biết ăn nói ra sao với tụi nó đây. Đối với bọn chúng nó, ông như người anh cả mà chúng nó hằng nể phục. Thực ra ông không quá câu nệ điều đó, nhưng điều khiến ông bức rức là vì ông, mà anh em phải lo lắng khổ tâm. Phía bản thân và gia đình, đối với ông chẳng có điều gì làm ông phải ân hận.

Ngày ông Thân đến nhà, bà Kháng thắp nén nhang trước di ảnh nghi ngút khói hương trên bàn thờ, bác âu sầu đầm đề nước mắt:

- Chú Thân ơi! Tôi không ngờ cớ sự lại ra nông nỗi này!

- Thôi chị hãy bình tâm, gắng giữ gìn sức khoẻ. Cớ sự đã rồi chị có than khóc cũng không thể níu kéo lại được nữa đâu.

 

Thân thương với ông Kháng từ thời quân ngũ đến nay, ông biết về gia cảnh của ông Kháng rất rõ. Chính ông cũng đã bao lần chia sẽ, cảm thông nỗi niềm với ông bà Kháng.

 

Cưới vợ mãi đến gần tám năm mới sinh được cháu trai. Vợ chồng ông Kháng mừng lắm! Mời anh em chiến hữu đến khao tiệc thôi nôi. Anh em chiến hữu say sưa ăn nhậu vui hát râm vang, rồi ôn lại kỷ niệm chiến trường năm xưa.

- Mãi ăn nhậu quên khấy đi mất! Thế bác đặt tên cho cháu là gì? Thằng Chí lên tiếng:

- Trần Hoà Bình.

- Hay! Hay! Đời bọn mình chinh chiến gần nửa đời người, bây giờ thời bình, đặt tên Hoà Bình để đẩy lùi chiến tranh là rất chí lý!

- Hai, ba, dô! Chúc mừng cháu và đất nước mình hoà bình!!!

 

Sau chiến cuộc anh em chiến hữu đa phần xuất ngũ, và chuyển đổi ngành nghề. Lương ba đồng ba cọc, gặp thời hậu chiến muôn vàn khó khăn. Gia đình ông Kháng cũng như bao gia đình người lính khác, cũng phải bươn chải chợ búa, chăn nuôi thêm để lựa cơm gắp mắm. Nhọc nhằn, đổ mồ hôi sôi nước mắt là thế, mà khi nào anh em chiến hữu gặp lại nhau là vui như hội.

 

Hoà Bình lớn lên ngày càng giống bố từ dáng vóc đến khuôn mặt. Nhưng tính tình lại khác bố. Nếu bố đằm thắm sâu sắc thì Hoà Bình lại nông nổi và hời hợt trong cuộc sống, Trong giao tiếp, Hoà Bình cộc cằn và ương bướng, thì ông Kháng lại nhẹ nhàng dĩ hoà vi quí từ thời thanh niên, chứ không phải bây giờ tuổi tác rồi mới đằm thắm. Có thể quá sớm để so sánh về hai bố con vì tuổi tác quá chênh lệch nhau? Nhưng nói gì thì nói, tư chất của Hoà Bình vẫn thông minh hơn ông Kháng xa. Đó là điều không ai phủ nhận được.

 

Tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Bách Khoa và một xuất học bỗng du học Liên Xô vào thời đó không phải là dễ. Ông bà Kháng chỉ có một mụn con, nên chăm chút và cưng chiều lắm. Nhất là bà Kháng, đến nỗi ông Kháng phải lên tiếng:

- Bà cưng chiều, vỗ béo nó như nuôi gà công nghiệp làm nó hư mất.

- Nhà mình có một chút chứ nhiều nhặn chi mà không chăm chút nó.

 

Hoà Bình quả không phụ lòng bố mẹ, khi đem về xuất học bỗng du học Liên Xô. Ông bà Kháng mừng lắm! Ngày lên đường, ông bà mời bạn bè chiến hữu đến chung vui, không thiếu vắng đứa nào. Đứa mang chai rượu tây, đứa mang cặp gà, đứa mang khô nai, thuốc lá thơm, đứa lại bao thư chúc mừng như chính con của tụi nó được đi du học vậy.

Ông Hoan bức xúc đứng dậy thắp nén hương lại cắm vào ba tượng đúc trên “bàn thờ chiến hữu”- bàn thờ này là do sáng kiến của ông Kháng lập ra cho những đồng đội đã hy sinh, để đến ngày thương binh liệt sĩ, anh em vợ con tụ họp nhau tại nhà ông, hương khói cúng quảy cho hương hồn mấy đứa.

- Cháu là niềm tự hào chẳng những cho bố mẹ cháu mà còn cho các chú nữa đấy! Cháu biết không, đời các chú và bố cháu vì chiến tranh chẳng được học hành tới nơi tới chốn, bây giờ cháu cố gắng học tập tốt, để đem kiến thức về giúp đất nước cho thoả lòng ước mong của mọi người.

Rồi Hoan chùng giọng xuống với cảm xúc:

- Nhưng cháu cũng đừng quên rằng, cháu có được như ngày hôm nay là nhờ công ơn của bao chiến sĩ đã hy sinh thân mình cho đất nước để có ngày độc lập và hoà bình.

 

Hoà Bình cảm động trào nước mắt:

- Cháu sẽ ghi tạc những lời chú nói, và sẽ cố gắng học tập tốt để khỏi phụ lòng công ơn của mọi người.

Rồi mỗi năm cứ đến hẹn lại lên - 22/7 ngày thương binh liệt sĩ, anh em lại gặp mặt nhau. Họ bỏ lại sau lưng chuyện đời thường, để hoà mình vào cái thủa chinh chiến đã lùi dần xa, mà họ còn mãi tiếc nuối: phải chi...

 

Và ngày họp mặt năm sau đó, cả nhóm chiến hữu tụ tập tại nhà ông Kháng. Đang lúc say sưa trong niềm vui hội ngộ, ông Kháng chỉ vừa kịp thông báo với anh em: “Thằng Bình vừa học vừa làm thêm, có của ăn của để và gửi về cho các chú mấy chai rượu tây uống mừng gặp mặt chiến hữu”, thì bỗng đâu có anh bạn của Bình ở Nga về - khi ấy Liên Xô chia cắt thành nhiều mảnh và Nga cũng tách riêng - báo cho biết: “Bình bị bắt vì tham gia vào băng đảng Mafia xã hội đen buôn bán ma tuý”.

 

Cả nhóm chiến hữu nghe ngơ ngác tưởng như tạc đạn, bom nổ bên tai, khiến ai cũng ngao ngán, ngỡ ngàng. Thế là cả nhóm buồn như chó chết con, chẳng ai thiết ăn uống chuyện trò gì nữa, mặc cho ông Kháng khá bình tâm để hô hoán: “Chuyện nhỏ của cháu để hạ hồi phân giải, các bạn đừng bận tâm mà làm cho cuộc họp mặt mất vui đi”. Rồi ông cầm ly phát động: “Một, hai, ba, dô!”. Tiếng “dô” nghe rời rạc và yếu xìu khiến cho bữa họp mặt chùng xuống. Nói thế chứ ai còn lòng dạ nào mà ăn với uống nữa. Ông Kháng mặt ngoài bình tâm là thế, nhưng lòng đau lắm! Ông đau vì con tù tội đã đành, mà phụ lòng các anh em luôn đặt hy vọng và niềm tự hào về nó. Còn bà Kháng không đừng được nước mắt, cứ khóc rung rúc: “Giời ơi! Con tôi. Vì cớ sự nào mà ra nông nỗi này hả giời!”.

“Thiếu thốn vật chất, và đua đòi cho bằng chúng bằng bạn đã đẩy Bình vào con đường phải kiếm tiền bất chính”. Người bạn kể lại.

 

Từ khi Xã hội chủ nghĩa Liên Xô sụp đổ, Nước Nga khủng hoảng về mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội…đã tạo ra một nước Nga xô bồ, hỗn mang. Các băng đảng xã hội đen ra đời lộng hành. Kinh tế vỡ chợ xuống đường với bọn chợ trời du thủ du thực…nhiễu loạn. Ngay cả vị thế chính quyền cũng chẳng yên ổn nữa là... nói chi đến xã hội.

 

Những chuyển biến chính trị và kinh tế lúc đó, ảnh hưởng đến đời sống của du học sinh rất nhiều. Trong khi thời giá đắt đỏ leo thang, thì học bỗng cũng bị cắt giảm, và tiền gửi từ quê nhà sang cũng dần thưa thớt. Du học sinh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Thế là mỗi du sinh phải tự mình tìm cách bươn chải để kiếm thêm thu nhập trám vào lỗ hỗng của túi tiền cạn đáy mỗi tháng. Và cái cách kiếm tiền dễ nhất cho các du sinh là ăn theo các tay buôn bán chợ trời, mánh mung đầu này chạy bán đâu kia. Bình nhuốm chàm chỉ vì lời dụ ngon ngọt của bạn bè: thấy làm chơi mà ăn thật, sẵn lúc túng quẫn tiền bạc thì tham gia vài phi vụ, cải thiện cuộc sống, nào có chi đáng phải nghĩ suy. Và khi đồng tiền càng vào thì nhu cầu sống càng cao, sinh ra đua đòi ăn chơi sao cho xứng với bạn bè. Từ đó, việc học cũng dần bị sa sút. Nhưng rồi Bình cũng tự biện hộ: Học rồi cũng chỉ để kiếm tiền mà thôi. Không học mà kiếm được nhiều tiền thì càng khoẻ. Và khi trót phóng lao thì phải theo lao. Dòng chảy đó đã đưa Bình vào vòng lao lý là một hệ quả tất yếu.

 

Ở quê nhà, bố mẹ Bình cay đắng khi nghe tin. Mẹ Bình ngất lên xỉu xuống bao lần. Ông Kháng có cái bề ngoài bình thản của mặt nước hồ thu, nhưng trong lòng ông cũng xào xáo sóng ngầm không kém. Nhưng là người đã gần cái tuổi “lục thập thuận nhĩ”để không còn xốp nổi khi nghe tin. Mà thực ra, có sầu khổ cũng chẳng níu kéo lại sự việc được nữa, mà có khi còn thêm bi luỵ suy sụp là đàng khác.

 

Ngày tháng trôi đi trong nỗi nhục nhằn ê chề đã nhận chìm bố mẹ ở quê nhà xuống vực sâu âm thầm đắng cay, thì bên kia trời Âu, đứa con quý tử lại đang phá sản đời mình trong nghiện hút, mà chốn lao tù chẳng những không vực nó lên được mà càng đẩy nó xuống chốn tận cùng của ăn chơi sa đoạ, khi cả băng đảng đều hội quần trong chốn ấy, thì chỉ có cách tìm kiếm chút phù du mây khói để quên đi tháng ngày đen tối ấy nữa mà thôi.

 

Ngày bị trục xuất về nước, đứa con trai của ông bà Kháng đã đánh mất cái phong độ đầy hân hoan hăm hở của ngày ra đi, để thay cho ngày về một thân hình tiều tuỵ. Một con người bạc nhược ươn hèn với đôi mắt lỏm sâu của cơn đói thuốc hành hạ. Bà Kháng chỉ còn biết ôm con vào lòng với nỗi sầu khổ. Bà những tưởng rằng đi du học là một sự thăng hoa, một sự vẻ vang cho gia đình và cũng là niềm tự hào cho các bạn bè chiến hữu. Ai ngờ, nó bôi tro trát trấu làm nhục nhã gia phong và làm thất vọng cho anh em bạn bè. Ông Kháng hình như đã biết chấp nhận cái hệ luỵ do nó gây ra từ hai năm trước, để giờ đây đón đứa con về trong sự thương xót nó, mà chẳng còn  biểu lộ sự thất vọng về người con của ông nữa rồi. Ông chỉ còn lặng lẽ âm thầm để chăm sóc, nâng đỡ nó những khi lên cơn. Hầu như ông chưa nói một lời nào với đứa con từ khi về cho đến nay. Với sự bệ rạc và xuống cấp trầm trọng như thế, ông biết rằng: có nói năng chi cũng thừa. Ông hy vọng, với thời gian và sự chăm sóc tận tình của ông sẽ làm hồi phục lại sức khoẻ của con và khi đó, nó sẽ tỉnh trí lại để có thể phục hồi được nhân cách của con người. Còn Bình thì như đang chìm vào cơn mê đời bi luỵ, để không còn nhận ra là mình đã đánh mất nhân cách của con người mình từ độ nào. Suốt ngày thờ thẫn ngáp dài với con mắt ngái ngủ, đói thuốc. Và những khi lên cơn vật vã, nó quằn quại, rên siết. Mồ hôi vả ra nhầy nhụa. Đôi mắt trắng dã trợn tròng, kéo theo cái miệng méo xẹo xìu bọt miếng rơi vãi, khiến bà Kháng nhìn con đau lòng, mà sợ phát khiếp.

 

Ai cũng khuyên là nên cho cháu vào trường cải tạo cai nghiện. Nhưng ông Kháng kiên quyết giữ lại nhà để chính tự tay mình chăm sóc và dạy dỗ cháu. “Trách nhiệm về con cái hư hỏng trước hết phải là gia đình, chứ không nên bán cái khoán trắng cho xã hội được. Cùng bất đắc dĩ mới phải đưa vào đó”.

 

Và quả thật sự tự tin vào bản thân của ông đã được đền đáp. Bình ngày càng hồi phục sức khoẻ, và có da có thịt hơn. Những cơn đói thuốc cũng bớt hành hạ thể xác Bình. Ông bà Kháng rất mừng, vì nghĩ rằng: đứa con mình đã hư mất, nay trở lại nhân cách con người thì như sống lại vậy. Nhưng dù sao, bà Kháng vẫn tiếc nuối cho một tương lai sáng lạn đang mở ra trước mặt, mà Bình đã bỏ lỡ. Chính ngay cả Bình cũng rất tiếc nuối.

 

Nhưng rồi mừng chưa kịp no, lo chưa kịp tới. Nó lại chứng nào tật nấy. Giao du rộng rãi với bạn bè đàn đúm ăn chơi, hút sách nghiện ngập. Những ngày đầu, nó bảo là đi liên hệ kiếm công ăn việc làm, nên bà Kháng mừng rỡ và tin tưởng nó lắm! Ông Kháng tỏ ra nghi ngờ và cảnh báo:

- Bà phải coi chừng nó tái nghiện! Kinh nghiệm của con nghiện thường hay tái lại lắm! Đừng vì những đồng tiền dễ dãi chu cấp cho nó phi lý, chỉ tổ là cớ vấp ngã nó đấy bà ạ!

 

Bà Kháng là người mẹ vốn cả tin lại hay bênh con:

- Ông cứ hay xét nét và đa nghi cho nó, một lần lầm lỡ nó cũng phải biết  tởn tới già chứ!

Vốn tính không thích đôi co qua lại, nên ông đành nín thinh cho cửa nhà êm ấm. Nhưng rồi ngày nào ông cũng thấy đứa con ông say sỉn đêm hôm khuya khắt mới về, và thậm chí có khi đi liền hai ba ngày không về là điều không ổn chút nào rồi.

 

Chỉ đến khi lấy sổ tiết kiệm đi lãnh tiền, bà Kháng mới hoảng hốt kêu lên: “Mấy chỉ vàng tôi để nơi góc tủ nầy ông có lấy không?” thì bà mới hỡi ơi là vàng không cánh mà biến mất. Ông Kháng nửa miệng cười:

- Mẹ con bà chứ còn ai vào đấy nữa!

Bà Kháng xót ruột lắm! Vì đó là của để dành trong mấy năm để phòng khi tai ương bệnh hoạn…Thế mà thằng con bà lấy mất, khiến bà phải cắn răng chịu đựng vì lỡ bênh vực con rồi.

Nó đi đâu cả tháng trời, khiến cho bà thầm khóc ủ ê, vừa tiếc của lại vừa xót con. Ông Kháng biết bà buồn mà không dám thở than với ông, thì an ủi:

- Bà ạ! Thôi thì của đi thay người, bà cũng đừng buồn phiền làm chi cho ốm ra.

 

Bà nghe an ủi thế thì oà khóc:

- Của mất, mà con cũng đi biết tích thì người mẹ nào mà không  đau xót hả ông!

- Cái mặt nó thì đi được đâu lâu. Ít hôm nữa nó về, chứ bà lo lắng làm chi cho tổn thọ cái thân già.

Quả thế. Một sáng sớm nọ. Ông nghe tiếng mẹ con thì thầm to nhỏ với nhau, còn nó thì thân hình gầy rạc, mắt thâm quầng sâu, mặt ngái ngủ ngáp dài. Bà Kháng khẩn khoản với ông:

- Thôi thì đàng nào nó cũng nó lỡ rồi, con dại cái mang, có gì ông để cho nó yên bề, mặc tôi xử lý với nó, ông đừng lên tiếng quát nạt như lần trước, bố con xô xát nhau rồi nó bỏ đi mấy tháng không về.

Nghe vậy, ông làm như không biết nó về, rồi bố trí với bà là đi xuống nhà ông Thân chơi một thời gian giải khuây, chứ nếu không bố con gặp mặt thì gay to.

 

Ông Thân mừng lắm! Lâu ngày không gặp mặt nhau thì nhớ. Và bình rượu thuốc lại là chất xúc tác để anh em hàn huyên cho hết chuyện đời vơi cạn. Anh em rủ nhau đi bắt ếch ở đầm cạn chê chán, rồi sang hồ ao câu cá, để tiêu khiển và  rỉ rã uống rượu. Rồi hai anh em lại hàn huyên tâm sự chuyện đời, chuyện thời chiến ngày xưa, nhưng tuyệt nhiên ông không hề nhắc đến chuyện thằng Bình. Thế sự khi ông Thân hỏi ông chỉ trả lời qua quýt.

 

Sĩ diện, đó cũng chính là cái yếu điểm lớn nhất của ông. Vì ông hay sĩ diện, kiểu giấy rách phải giữ lấy lề…để không mấy khi ông thổ lộ chuyện dâu bể nhà mình. Nhưng với bạn bè, ông luôn kiên định trong chữ tín chữ nghĩa trong tâm khảm. Nhất là nghĩa tình anh em một thời chinh chiến. Gia đình đứa nào cơm không lành canh không ngọt, ông cũng tìm cách giải hoà đôi bên: “Một sự nhịn chín sự lành” cho ấm lại tình xưa. Đứa nào khó khăn thiếu thốn, ông nhờ anh em cùng ông chung lưng đấu cật, sẽ chia nỗi niềm. Nhưng điều thiêng liêng nhất đối với ông là hương hồn của những đứa bạn cùng thời đã bị hy sinh. Chính ông đã vận động anh em đi quy tập ba đứa bạn đã chết trong trận máy bay oanh kích năm xưa. Khi đó quá cấp bách, bạn bè không có điều kiện đưa anh em về hậu tuyến chôn cất cho tử tế, khiến lúc ra đi chiến dịch ông khóc vái ba đứa: “Khi nào hoà bình tao hứa sẽ đưa tụi bay về yên nghỉ tại quê nhà”. Và ông đã không quên lời hứa để hoàn thành tâm nguyện.

 

Ngày đưa về quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ, ông đã xin người nhà hình để đặt đúc ba tượng đồng bán thân và đặt bàn thờ tại nhà ông để sớm tối ông nhang nến, và lấy ngày thương binh liệt sĩ làm ngày giỗ, để anh em có dịp gặp lại nhau. Ngày giỗ đầu tiên, ông uống một bữa rượu trong đời chưa từng thấy. Rồi ông quỳ xuống trước bàn thờ. Vái xong, ông vừa khóc vừa kể chuyện cái chết của từng đứa, nghe cảm động thảm thương lắm! Khiến cho cả bọn khóc rống lên thê thảm, tưởng như trong đời chưa từng được khóc bao giờ.

 

Ông Kháng đi khỏi nhà, bà cảm thấy yên lòng hơn, vì may ra tìm lời dỗ ngon ngọt để thằng Bình hối cải mà bỏ con đường nghiện ngập. Bà biết tính ông Kháng thường ngày rất điềm đạm trầm lắng ít nói, nhưng khi ông đã lên tiếng thì không có gì ngăn cản được. Lần thằng Bình lấy trộm máy hát, TV…đồ vật lặt vặt trong nhà đi bán để chích choách mấy ngày sau mới về, ông hỏi:

- Anh có còn lý trí tỉnh táo để phân biệt phải quấy, trắng đen nữa không? Chẳng lẽ anh cứ trầm luân mê muội suốt đời với cái nghiệp nghiện ngập này mãi hay sao? Nếu thế thì anh sống bản năng đốn mạt và tệ hại hơn cả một con chó.”. Lời nói đó như mũi kim đâm thấu vào chút tự trọng còn sót lại trong Bình để nó lên tiếng: “

- Bố muốn đánh tôi ra sao tuỳ thích, nhưng bố không được mạt sát tôi nhục nhã thế!

- Nhưng anh đâu phải là con chó mà tôi đánh.

Thằng Bình ức quá cuồng lên nhào lại đánh bố, khiến ông Kháng kinh ngạc:

- Mày dám hỗn với tao hả, tao cho mày biết lễ độ.

Sức thằng Bình làm sao đọ nổi ông Kháng, nên đành phải thúc thủ để chịu đòn với ông Kháng. Bữa đó nếu không có người can, chắc ông hành nó ra bã. Trong đời chưa bao giờ bà Kháng thấy ông nổi nóng như hôm đó.

 

Mấy bận ông đi rồi, bà dỗ ngon dỗ ngọt, hứa hẹn nó đủ diều, nó ầm ừ hứa không tái phạm nữa. Được ít hôm, bà đã mừng. Nhưng rồi khi lên cơn đói thuốc nó lại bỏ nhà đi đàn đúm với bạn bè. Ít hôm sau lại về nhà “chà đồ nhôm” hết cái này đến cái nọ, và khi không còn gì thứ gì bán được trong nhà, thì nó đi chôm chỉa của hàng xóm: Mô tơ, xe máy, máy hát…khiến bà cực lòng với nó lắm! Thế là bà đành phải đầu hàng và cầu cho ông Kháng về để tính chuyện cho nó đi cải tạo cai nghiện mới ổn.

 

Thế rồi sáng hôm sau bà dậy thắp hương, thì bà điếng người vì bà không thể tin nổi là nó còn lấy trộm cả những thứ mà bà không thể ngờ tới. Rồi nó bỏ đi biệt tăm. Bây giờ bà lại cầu cho nó đi luôn, và cũng không còn mong ông Kháng sớm về nữa rồi. Ông Kháng mà biết chuyện thì gay to, khó ai mà cản nổi.

 

Những ngày sau đó, thời gian trôi đi chất chứa trong lòng bà những lo âu ủ ê, tưởng như có quả tạ nặng hàng trăm cân đè lên lồng ngực khiến bà ngột ngạt khó thở. Bà chỉ còn biết cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi.

 

Và rồi cái ngày bà không trông chờ lại đến một cách ngẫu nhiên, khiến bà càng lo lắng hơn, tưởng như quả bom nổ chậm đang chực nổ tung trong nhà mình.

 

Chiều tối hôm đó, ông Kháng về nhà trong dáng mặt vui vẻ, hí hửng tưởng như người bắt được của. Ông huyên thuyên kể chuyện vui chơi phong thuỷ với ông Thân, rồi chuyện gia đình ông bà Thân và mấy đứa bạn bè không ngớt lời. Trong khi bà ngồi lo nơm nớp chuyện ở nhà…Rồi bỗng ông hỏi bà: “Thằng Bình đi đâu không về”. Bà hốt hoảng lên, tưởng như ông đã biết hết chuỵên, nhưng rồi bà cũng tự trấn an để trả lời qua quýt: “Nó đi ăn sinh nhật bạn”.

 

Đêm đó, ông Kháng sau một ngày đàng về mệt mỏi, làm vài ly rượu thuốc là đánh ngon giấc đến sáng. Trong khi bà Kháng cứ nằm thao thức mãi không ngủ. Không biết sáng mai mọi chuyện sẽ ra sao đây? Có khi quá căng thẳng, bà muốn gọi ông dậy, kể cho ông nghe về mọi chuyện của thằng Bình, để bà khỏi bị day dứt khổ ải mãi. Bà định gọi ông dậy, thì bỗng đâu thằng Bình lò mò về, khiến bà lại càng căng thẳng khó xử hơn bao giờ hết. Bà cứ lo nghĩ miên man không biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi sáng mai ông ấy dậy thắp hương đây? Nhưng rồi quá mỏi mệt bà cũng thiếp mê đến sáng trời.

Khi trời sáng, bà choàng tỉnh dậy. Lắng nghe động tĩnh. Thấy trong nhà yên ắng, bà thầm mừng: vì có lẽ mình hoang tưởng mà quan trọng hoá chứ có gì đâu. Nhưng rồi sau đó, bà biết bà đã lầm, vì ông Kháng vẫn còn ngon giấc chưa dậy, khiến bà lại rơi vào tình trạng thấp thỏm lo âu. Bà nấu nướng dọn dẹp như mọi ngày, nhưng tâm hồn bà cứ để đâu đâu.

 

Ông Kháng thức dậy trể, đánh răng rửa mặt, rồi còn nói vói theo bà: “Đêm qua về tôi quên khuấy, Mự Thân không biết sao, vỡ kế hoạch đứa thứ tư”. Bà đâu còn lòng dạ nào để nghe chuyện nữa, nên chỉ trả lời ầm ừ cho qua chuyện. Cái giây phút cả đêm bà lo lắng đã đến, khiến bà nghẹt thở dõi theo tưởng như mình đang bước dần lên đoạn đầu đài.

 

Ông Kháng ăn mặc tươm tất, rồi bước lại thắp nhang lên bàn thờ chiến hữu, khiến khi đó, tim bà như muốn vỡ ra. Bà thấy rõ mồn một qua vách ván. Ông Kháng quá đỗi ngạc nhiên, rồi quay lại như định gọi bà hỏi: “Tại sao lại ra nông nỗi này?”. Bà đã sẵn sàng để kể cho ông nghe mọi chuyện, nhưng rồi không nghe ông gọi. Bỗng ông phủ phục xuống trước bàn thờ khóc nức nở: “Trăm lạy các bác! Xin các bác tha cho em, vì con dại cái mang mà em phải đắc tội với các bác thế này!”.

 

Từ đó về sau, ông trở nên trầm cảm và không trò chuyện gì với bà Kháng nữa. Còn bà Kháng thầm bảo thằng Bình: “Mày lánh bố đi ít hôm, kẻo trong khi bố mày đang nóng nảy, lỡ xẩy ra chuyện không hay” Thằng Bình sửng sốt khi hay tin bố về. Nghe thế nó biến ngay.

 

Rồi ông Kháng sống bình lặng như không có chuyện gì xẩy ra. Nhưng đầu óc ông mơ hồ để đâu, khiến nhiều khi bà gợi chuyện về gia đình ông Thân, mà mãi một lúc sau ông mới ầm ừ trả lời qua quýt. Thấy ông bình lặng như thế, khiến bà cũng chẳng dám đưa chuyện đó ra kể, vì sợ đang yên lành bỗng sóng gió nổi lên, xẩy ra to chuyện thì nguy. Mà cũng thật xui xẻo, lại sắp đến cự giỗ họp mặt chiến hữu, không biết ông Kháng sẽ ăn nói ra sao với anh em đây?

 

Hình như điều bà lo cho ông Kháng là thừa, bởi tối đó, không biết ông lục lọi giấy tờ gì? - sau này bà mới biết đó là số đỏ nhà vưởn. Sáng mai, ông mặc quần áo tươm tất rồi đi một mạch ba tuần liền không về, khiến bà đâm lo viễn vông điều hay thì ít điều dở thì nhiều. Hôm sau bà định gọi cho ông Thân để hỏi về ông, thì thấy xe dừng trước nhà. Ông Kháng kệ nệ bưng từ xe vào bộ lư hương, chân nến đồng và có cả ba bức tượng đồng bán thân. Ông đặt vào bàn thờ rồi trưng bày hoa nến, thắp nhang rồi vái lạy tạ tội rất khẩn thiết. Từ đó ông có vẻ vui trở lại, tưởng như không có chuyện gì xảy ra. Đến lúc đó bà Kháng mới thở phào nhẹ nhỏm để tự nói với mình: “Mình chỉ được cái thần hồn nhát thần tính, khiến phải lo lắng mất ăn mất ngủ bao ngày qua”.

 

Và cái ngày giỗ họp mặt thân hữu cũng êm đẹp trôi qua, khiến cho bà càng yên tâm hơn. Bữa đó, bà gật thót ruột khi ông Thân tình cờ hỏi: “Bác mới tậu bộ khác hay sao mà màu đồng hun sáng bóng thế”.

 

Trời yên mây tạnh qua giỗ thì thằng Bình lại về nhà, nhưng nó tránh gặp bố nó. Ông Kháng coi như không có nó trong nhà. Bà định bàn chuyện cho nó đi cải tạo, ông nghe rồi chỉ ầm ờ: “Để xem sao đã”.

 

Bà đâu ngờ cái buổi sáng sau đó, khiến bà cứ mãi ân hận: vì mình quá chủ quan để xảy ra oan khiên như thế!

 

Buổi sáng hôm đó, khi bà đang hái cà ngoài vườn thì ông Kháng thức dậy vệ sinh sạch sẽ, rồi mặc vào bộ lễ phục nhà bình tươm tất. Ông bày hoa nến, mâm hoa quả lên bàn thờ, rồi gọi thằng Bình dậy:

- Anh dậy đánh răng rửa mặt, ăn mặc quần áo cho đàng hoàng ra tôi bảo.

Nó cũng nghĩ đơn giản chắc chẳng có điều gì hệ trọng, vì chuyện đó đã qua hơn cả tháng rồi. Không chút sợ sệt, nó bước lại bàn, ngồi đối diện với bố. Ông Kháng lên tiếng:

- Hôm nay anh hãy quỳ xuống tạ tội với các bác vì những điều anh đã gây ra.

Cái ương bướng cố hữu của nó bỗng trở về, khiến ông Kháng cũng phải sửng sốt:

- Tôn kính các bác ấy là quyền của ông, chứ tôi có tôn kính các bác ấy đâu mà ông bắt tôi phải quỳ gối.

- Nhưng anh đã lỗi đạo với các bác ấy…

- Thì cũng chỉ là vật chất, đồng nát mà thôi, chứ có gì linh thiêng đâu mà con có lỗi.

Ra đời tiếp xúc và từng trải nhiều, nhưng ông Kháng chưa bao giờ gặp tình trạng ăn nói hỗn láo xúc phạm như thế, mà đau lòng nhất, không ai khác mà lại chính đứa con ông cơ chứ! Nhưng rồi ông cũng cố nhịn kẻo giận mất khôn:

- Ba vật thể đó nó đã được mặc vào cái hương hồn linh thiêng của các liệt sỹ là cha chú anh, mà anh cả gan dám đem đi bán thành đồng nát, thì anh có còn là con người nữa không?

- Ông là Đảng viên Cộng Sản, ông quá biết duy vật biện chứng là gì rồi, sao còn khoác vào vật chất cái linh tượng mê muội dị đoan thế! Chẳng lẽ ông lại biến đổi qua duy linh rồi!?

Câu nói ấy như mũi tên nóng bỏng, dụi sâu vào tâm khảm của ông, khiến ông đau đớn tưởng như sắp ngã gục; nhưng cái ý chí trung kiên của người bộ đội năm nào, đã giúp ông đứng vững dậy để chiến đấu:

- Chủ nghĩa duy vật hay là chủ nghĩa gì gì đi chăng nữa, cũng phải lấy con người làm cái gốc nhân bản. Xã hội phải có bậc thứ tôn ti trật tự ông bà, cha mẹ…Có những điều linh thiêng như: Tổ quốc, Đất nước. Có những điều tâm linh như: hương hồn ông bà tổ tiên, và có những sự hy sinh cao cả cho tổ quốc cho đồng đội…chứ không phải cái giống cục súc như anh. Đến cả người sinh thành ra anh, anh cũng không còn coi ra gì, thì anh có còn là con người nữa không chứ!? Bây giờ anh đổ đốn ra, biến chất, tệ hại còn hơn cả loài súc vật. Thế thì anh đâu còn đáng sống nữa. Hôm nay trước hương hồn các bác, anh đáng phải đền tội.

 

Nói xong, ông rút súng - khẩu K54 - bắn thẳng vào đầu con. Một tiếng nổ chát chúa, khiến cho thằng Bình cũng trố mắt kinh ngạc: nó không ngờ bố nó xử lý nhanh đến thế.

 

Và điều khiến bà Kháng cứ mãi tiếc nuối, khi trông rõ mồn một như thế, mà không kịp vào cản ngăn, để phải chết đứa con do tự tay bố nó giết, thì có oan nghiệt không chứ!!!

Máu chảy bung khắp mặt, nhưng đôi mắt vẫn còn trợn trắng kinh hoàng. Bà Kháng chỉ kịp vuốt mặt cho con rồi ngã lăn ra bất tỉnh.

 

Ông Kháng nghiêm trang cung kính vái tạ ba lạy trước bàn thờ, rồi đứng thẳng người chào theo kiểu nhà binh, trước khi gọi xe cấp cứu để đưa bà vào viện.

Xong việc, ông thẳng tới đồn công an nhận tội.

 

Ngày mới lên rộn rã. Từng tia nắng lung linh chiếu qua song cửa. Bên trong, có một người đàn ông ung dung tự tại, tưởng như vừa hoàn thành xong một sứ mệnh cao cả. Lương tâm của người ấy không hề ân hận một chút nào.

 

Châu Sơn Ngày 23/05/ 2008

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 2712
Ngày đăng: 05.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghen - Hội An
Bà ngoại tôi - Mang Viên Long
Lũy báo - Nguyễn Hiệp
Những kẻ tài hoa …. - Diệp Hồng Phương
Sự nhầm lẫn - Đàm Lan
Bài ca điệu lý - Cao Hạnh
Khát vọng sống - Nguyễn Vĩnh Căn
Nhặt mảnh chai - Cao Hạnh
Của chìm của nổi - Quý Thể
Gã nhà quê vui tính - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)